Ông Trịnh Xuân Thanh 'ra đầu thú' - Việt Nam : Trịnh Xuân Thanh ra tự thú Công An tại Hà Nội
BBC
31/07/2017
Ông Trịnh Xuân Thanh, đối tượng bị Việt Nam truy nã, đã "đầu thú", theo thông báo của Bộ Công an Việt Nam.
Thông cáo chính thức, được truyền thông Việt Nam đưa lại ngày 31/7, nói:
"Ngày 31/7/2017, Trịnh Xuân Thanh, sinh ngày 13/2/1966, đăng ký hộ khẩu thường trú tại: Nhà 24 - C2 Ciputra, Tây Hồ, Hà Nội; hiện là bị can bị truy nã theo Quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đã đến Trực ban hình sự Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đầu thú."
"Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật."
Từng bị truy nã 'quốc tế'
Các nguồn tin này không hề nêu ông Thanh xuất hiện ở Hà Nội bằng cách nào và quan chức Việt Nam từng nói ông đã trốn đi "không bằng con đường chính thức" và bị truy nã quốc tế.
Dù chưa rõ vụ việc này sẽ còn tiếp diễn đến đâu nhưng theo Bộ Luật Hình sự Việt Nam, người "biết mình phạm tội" và ra đầu thú thì có thể được coi đây là "tình tiết giảm nhẹ".
Cùng ngày 31/7, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng - chủ trì một phiên họp.
Tại đây, ông Nguyễn Phú Trọng cũng đề cập vụ án Trịnh Xuân Thanh, nói rằng:
"Rà soát lại tất cả các vụ án đang làm, vụ án nào có điều kiện thì tập trung làm dứt điểm, nhất là vụ án Hà Văn Thắm và vụ án Trịnh Xuân Thanh," theo Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông Nguyễn Phú Trọng yêu cầu "có các biện pháp ngăn chặn tình trạng các đối tượng bỏ trốn ra nước ngoài, hoặc vin vào lý do sức khỏe không hợp tác trong quá trình điều tra xét xử, khiến vụ án bị trì hoàn, kéo dài".
Ngày 16/9 năm ngoái, Bộ Công an Việt Nam khởi tố bị can đối với ông Trịnh Xuân Thanh về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Việc khởi tố để điều tra khoản thua lỗ gần 3.300 tỷ tại Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông làm lãnh đạo tại đây.
Cùng ngày, Việt Nam ra quyết định truy nã toàn quốc và truy nã quốc tế đối với ông Thanh.
Ông Thanh từng là Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty cổ phần xây lắp Dầu khí Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Sau khi rời ngành dầu khí, ông được điều sang Bộ Công thương, đảm đương nhiều chức vụ trong thời gian ngắn.
Sau đó, ông lại được thuyên chuyển làm Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Tháng 11/2016, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản quyết định kỷ luật một số lãnh đạo trong vụ Trịnh Xuân Thanh.
Trong số này, có ông Trần Lưu Hải, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương.
Vụ án Trịnh Xuân Thanh vẫn đang được mở rộng điều tra.
Năm 2016, sau khi truy nã Trịnh Xuân Thanh, công an Việt Nam khởi tố bị can, bắt tạm giam bốn người: Vũ Đức Thuận (nguyên ủy viên HĐQT kiêm tổng giám đốc); Nguyễn Mạnh Tiến (phó tổng giám đốc), Trương Quốc Dũng (nguyên phó tổng giám đốc) và Phạm Tiến Đạt (nguyên kế toán trưởng PVC) về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.
Tháng Hai 2017, năm người khác bị khởi tố, trong đó có ba người làm tại PVC.
Mời quý vị bấm vào đường link này để theo dõi toàn văn cuộc trao đổi Bàn tròn hôm 31/7/2017 về sự kiện ông Trịnh Xuân Thanh "ra đầu thú".
----------
Việt Nam : Trịnh Xuân Thanh ra tự thú Công An tại Hà Nội
Đăng ngày 31-07-2017
Nguyễn Xuân Thanh (Ảnh chụp từ màn hình site nguyentandung.org)Chụp màn hình @ nguyentandung.org
Truyền thông Việt Nam dẫn thông báo của bộ Công An cho biết, Trịnh Xuân Thanh, cựu quan chức cao cấp của chính quyền Việt Nam và đối tượng bị truy nã gắt gao vì liên quan đến một vụ án kinh tế từ gần một năm nay, đã ra đầu thú tại Cơ Quan An Ninh điều tra bộ Công An hôm nay 31/07/2017.
Các nguồn tin chính thức của Việt Nam trích thông báo của bộ Công An : « Ngày 31/7, Trịnh Xuân Thanh đã đến Trực ban hình sự Cơ Quan An Ninh điều tra, bộ Công An đầu thú. Cơ Quan An Ninh điều tra, bộ Công An đã làm thủ tục tiếp nhận người phạm tội ra đầu thú theo đúng qui định pháp luật » mà không đề cập đến chi tiết ông Trịnh Xuân Thanh đã về nước từ khi nào hay bằng con đường nào. Trước đó một hôm, được báo chí hỏi về thông tin Trịnh Xuân Thanh đã về nước, bộ trưởng Công An Tô Lâm nói « chưa nắm được thông tin ».
Trong khi đó vào hôm nay, trong một cuộc tọa đàm video của BBC Việt ngữ chủ trì, ông Lê Xuân Khoa, chủ nhiệm trang mạng thông tin tiếng Việt tại Đức, thoibao.de, cho biết đã gặp trực tiếp luật sư của Trịnh Xuân Thanh tại Đức và ông được biết có thể ông Thanh đã bị một nhóm người đến bắt đi tại Berlin để đưa về Việt Nam ngày 23/07/2017, chỉ một ngày trước khi ông Thanh có hẹn đến nhận giấy tờ cư trú hợp pháp do chính quyền Đức cấp.
Trịnh Xuân Thanh, 51 tuổi bị lệnh truy nã đặc biệt theo quyết định số 20/C46-P12 ngày 19/9/2016 của Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra - bộ Công An. Trước đó vào tháng 6/2016, Trịnh Xuân Thanh khi đó đương chức phó chủ tịch tỉnh Hậu Giang, đại biểu Quốc Hội khóa 14, bị báo chí phát giác sử dụng xe cá nhân hiệu Lexus gắn biển xanh xe công. Từ sau chuyện đó, hàng loạt các vụ việc làm ăn thua lỗ tại Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC), nơi ông Thanh từng giữ các vị trí lãnh đạo chủ chốt từ năm 2007 đến năm 2013 bị điều tra.
Tháng 9/2016, theo chỉ đạo của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương đề nghị Ban Bí Thư thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ khỏi Đảng đối với ông Trịnh Xuân Thanh, tỉnh ủy viên, nguyên phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Nhưng Trịnh Xuân Thanh được cho là đã rời khỏi Việt Nam từ tháng 7/2016 cùng lúc gửi đơn đến Tỉnh Ủy Hậu Giang xin nghỉ phép và không rõ tung tích từ đó. Ngày 15/9/2016, bộ Công An đã ra quyết định khởi tố bị can với Trịnh Xuân Thanh. Sau khi xác định đối tượng đã bỏ trốn, Cơ Quan Cảnh Sát Điều Tra đã ra quyết định truy nã quốc tế.
Cùng ngày 31/07, theo Đài Tiếng Nói Việt Nam, tại Hà Nội, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng - trưởng ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng - chủ trì một phiên họp.Tại hội nghị , ông Nguyễn Phú Trọng chỉ thị : « Rà soát lại tất cả các vụ án đang làm, vụ án nào có điều kiện thì tập trung làm dứt điểm, nhất là vụ án Hà Văn Thắm và vụ án Trịnh Xuân Thanh ».
Nhận xét
Đăng nhận xét