Tin khắp nơi – 30/07/2017


Tin khắp nơi – 30/07/2017

Mỹ xác nhận tiêu diệt các thủ lĩnh IS hôm 11/7

Các quan chức quân sự Mỹ đã xác nhận có thêm 4 thủ lĩnh cấp cao của Nhà nước Hồi giáo chết trong cuộc không kích hôm 11/7 ở đông bắc Afghanistan. Vụ này cũng giết chết thủ lĩnh hàng đầu của nhóm khủng bố.
Máy bay không người lái đã đánh trúng bản doanh của IS ở tỉnh Kunar, giáp với Pakistan, và tiêu diệt Abu Sayed, đứng đầu nhánh ISK-P của Nhà nước Hồi giáo ở tỉnh Khorazan.
Một tuyên bố của giới quân sự Hoa Kỳ nêu ra tên và chức danh của 4 kẻ khủng bố đã bị giết là các cố vấn cao cấp của IS, bao gồm Sheik Ziaullah, Mulawi Hubaib, Haji Shirullah và Assadullah.
Quân đội Mỹ đã xác nhận cái chết của Sayed vào thời điểm đó, nhưng không thể cung cấp ngay các chi tiết về các chỉ huy khác đã bị giết trong vụ tấn công bằng tên lửa.

Bắc Hàn thử tên lửa để “cảnh báo nghiêm khắc” Mỹ

Bắc Triều Tiên hôm 30/7 nói vụ thử tên lửa mới nhất của họ là lời “cảnh báo nghiêm khắc” dành cho Washington liên quan đến một loạt lệnh trừng phạt mới nhằm vào Bình Nhưỡng.
Các chuyên gia vũ khí nói tên lửa đó có khả năng bay tới Hoa Kỳ đại lục.
Bộ ngoại giao Bắc Triều Tiên nói Washington nên “thức tỉnh từ giấc mơ ngu ngốc về chuyện làm hại” quốc gia cộng sản có rất ít quan hệ với thế giới.
Tuyên bố của Bình Nhưỡng được đưa ra vài giờ sau khi Không lực Hoa Kỳ cho hai máy bay ném bom B-1B bay trên bán đảo Triều Tiên, cùng với các máy bay phản lực của Hàn Quốc và Nhật Bản, như là một cách thể hiện sức mạnh trước mối đe dọa của Bắc Triều Tiên.
Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho biết hoạt động bay của họ được thực hiện cùng với các máy bay phản lực của Hàn Quốc và Nhật Bản là “phản ứng trực tiếp” về việc Bắc Triều Tiên leo thang với việc phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào ngày 3/7 và 28/7.
Trong khi đó, Cục Phòng thủ Tên lửa Hoa Kỳ cho biết họ tiến hành thành công vụ thử lần thứ 15 về bắn hạ tên lửa đạn đạo tầm trung trong cả 15 lần thử Hệ thống Phòng thủ Khu vực Tầm cao Giai đoạn Cuối. Tên lửa đạn đạo mục tiêu được phóng đi từ máy bay chiến đấu bay bên trên Thái Bình Dương. Quân đội cho biết nó đã bị phát hiện, theo dõi và đánh chặn bởi hệ thống phòng thủ ở Alaska.
Chỉ huy Cục phòng thủ, Trung tướng Sam Greaves cho biết số liệu thu được từ cuộc thử sẽ cải thiện “khả năng của Mỹ đi trước nguy cơ đang phát triển”.

Trump ‘thất vọng’ về TQ sau vụ Bắc Hàn thử tên lửa

Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump nói ông “rất thất vọng” về Trung Quốc vì nước này “không làm gì” về vấn đề hạt nhân của Bắc Hàn.
Viết trên Twitter, ông Trump nói sẽ không cho phép tiếp diễn tình trạng Trung Quốc “không làm gì” để Bình Nhưỡng phải chấm dứt chương trình hạt nhân.
Ông Trump đưa ra bình luận một ngày sau khi Bắc Hàn thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ hai trong vòng một tháng.
Sau đó Bình Nhưỡng tuyên bố vụ thử chứng tỏ rằng toàn bộ Hoa Kỳ đã nằm trong tầm bắn.
Hôm 29/7, hai máy bay ném bom chiến lược B-1 của Hoa Kỳ tiến hành tập trận trên bán đảo Triều Tiên với các máy bay của Nam Hàn và Nhật Bản, Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ cho hay.
Cùng ngày, Trung Quốc lên án vụ thử tên lửa và kêu gọi các bên kiềm chế.
Tuy nhiên, ông Trump đã bày tỏ sự thất vọng trước phản ứng của Bắc Kinh và nói thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc có liên quan đến chính sách đối với Bắc Hàn.
“Tôi rất thất vọng về Trung Quốc, những người tiền nhiệm ngu xuẩn của tôi đã cho phép họ kiếm được hàng trăm tỷ đôla mỗi năm từ trao đổi thương mại, nhưng họ chẳng làm gì cho chúng tôi về vấn đề Bắc Hàn, chỉ nói thôi,” ông viết trên Twitter.

Cảnh sát Úc ‘phá âm mưu cho nổ máy bay’

Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull tuyên bố cảnh sát chống khủng bố nước này đã chặn một âm mưu cho nổ máy bay.
Ông đưa ra phát ngôn sau khi bốn người bị bắt trong các cuộc đột kích khắp Sydney.
Các nhà điều tra cho biết họ có thông tin rằng âm mưu cho nổ máy bay liên quan đến việc sử dụng một “thiết bị nổ tự tạo”.
Ông Turnbull nói rằng các cuộc đột kích tiến hành theo “chiến dịch chống khủng bố chung”.
Ông nói thêm rằng an ninh đang được tăng cường tại các sân bay nội địa và quốc tế.
Các cuộc đột kích diễn ra ở các vùng ngoại ô của Sydney: Surry Hills, Lakemba, Wiley Park và Punchbowl, ABC tường thuật.
Mức độ đe dọa khủng bố tại Úc đang ở mức “có thể xảy ra”.
Cảnh sát trưởng Liên bang Úc Andrew Colvin nói rằng bốn người đàn ông bị bắt liên quan đến một âm mưu “lấy cảm hứng từ Hồi giáo”.
“Trong những ngày gần đây, chúng tôi nhận được tin cho thấy một số người ở Sydney đang có âm mưu tiến hành một cuộc tấn công khủng bố sử dụng thiết bị nổ tự tạo”, ông nói trong một cuộc họp báo.

Philippines: Thị trưởng ‘dính líu’ ma túy bị bắn chết

Một thị trưởng ở Philippines đã bị bắn chết trong một cuộc đột kích của cảnh sát.
Reynaldo Parojinog, thị trưởng thành phố Ozamiz trên đảo Mindanao, đang bị Tổng thống Rodrigo Duterte cáo buộc có liên kết với buôn bán ma túy bất hợp pháp.
Vị thị trưởng đã bị sát hại cùng vợ và 10 người khác trong nhà khi cảnh sát thực hiện đột kích ‘theo lệnh’.
Các nhân viên cảnh sát đã bị các vệ sĩ của thị trường bắn, theo giới chức chính quyền.
Gia đình Parojinog, nếu quí vị còn nhớ, có trong danh sách những người dính vào buôn bán ma túy bất hợp pháp của Tổng thốngPhát ngôn viên Tổng thống
Hơn 7.000 người đã bị giết kể từ khi ông Duterte phát động một cuộc chiến nhắm vào buôn bán ma túy từ tháng 7/2016.
Cảnh sát đã đưa ra lệnh bắt giữ thì bị các nhân viên an ninh của ông Parojinog “nổ súng,” vẫn theo giới chức Philippines.
Phát ngôn viên của ông Duterte, Ernesto Abella, nói:
“Gia đình Parojinog, nếu quí vị còn nhớ, có trong danh sách những người dính vào buôn bán ma túy bất hợp pháp” của Tổng thống Duterte.
‘Không hề nổ súng’
Một người phát ngôn cho gia đình Parojinog đã phủ nhận việc có một cuộc đấu súng và nói rằng dinh của thị trưởng đã không hề nổ súng.
Anh trai của ông Parojinog cũng bị giết trong cuộc tấn công vào sáng ở Ozamiz.
Con gái ông, phó thị trưởng của thành phố, đã bị bắt và phải đối mặt với các tội liên quan đến ma túy, cảnh sát cho hay.
Theo cảnh sát trưởng tỉnh Jaysen De Guzman, các nhân viên đã thu được nhiều súng trường, tiền mặt và ma túy bất hợp pháp tại địa chỉ này.
Ông Parojinog là thị trưởng thứ ba của Philippines bị giết trong chiến dịch đàn áp ma túy đẫm máu của chính phủ, trong đó ông Duterte đã lọc ra các quan chức địa phương, cảnh sát và thẩm phán.
Động thái này khiến ông trở nên nổi tiếng với nhiều người dân Philippines nhưng đã bị các nhóm nhân quyền và giới chỉ trích lên án.
Ông Duterte nhậm chức cách đây hơn một năm sau chiến dịch tranh cử, trong đó ông hứa sẽ giết hàng chục ngàn người nhằm chấm dứt nạn buôn lậu ma túy bất hợp pháp.
Đầu tháng này, các nhà lập pháp ở Philippines đã bỏ phiếu với đa số lớn để gia hạn giới quân luật ở Mindanao để giúp giải quyết tình trạng bạo lực trên hòn đảo có liên kết với một cuộc nổi dậy của những người theo đạo Islam.
Ông Duterte nói rằng việc gia hạn là cần thiết để đập tan cuộc nổi dậy, nhưng giới chỉ trích nói rằng đó là một phần của việc nắm lấy quyền lực một cách rộng lớn hơn.

Máy bay ném bom Mỹ ‘vần vũ’ trên bán đảo Triều Tiên

Hoa Kỳ sớm 30/7 đã triển khai hai máy bay ném bom siêu thanh B-1B trên vùng trời bán đảo Triều Tiên để phô trương sức mạnh, sau khi Bình Nhưỡng thực hiện các vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Bắc Hàn tuyên bố đã thử nghiệm thành công một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa hôm 28/7 và chứng tỏ khả năng có thể đánh trúng lục địa Mỹ
Reuters dẫn lời không lực Mỹ và Hàn Quốc cho biết rằng chuyến bay trên là phản ứng trực tiếp trước vụ thử nghiệm này, cũng như vụ thử rocket hôm 3/7.
Hai chiếc máy bay cất cánh từ một căn cứ không quân của Mỹ ở Guam, và sau đó, các chiến đấu cơ của Nhật và Hàn Quốc đã cùng bay trong đợt thao dượt mới nhất này.
​“Bắc Hàn vẫn là một mối đe dọa nguy cấp nhất đối với sự ổn định của khu vực”, chỉ huy lực lượng không quân Thái Bình Dương, tướng Terrence J. O’Shaughnessy, được Reuters trích lời nói trong thông cáo.
“Nếu nhận được lệnh, chúng tôi sẵn sàng phản ứng với lực lượng nhanh, gây chết chóc và áp đảo”.
Trong quá khứ, Hoa Kỳ từng triển khai máy bay ném bom B1-B “Lancer” tới bán đảo Triều Tiên phô diễn sức mạnh sau các vụ thử tên lửa và hạt nhân của Bình Nhưỡng.
Theo Reuters, đích thân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Jong Un giám sát vụ thử lúc ban đêm hôm 28/7, và nói rằng đó là một “cảnh báo cứng rắn” đối với Hoa Kỳ rằng nước này sẽ không chống đỡ được sự phá hủy nếu tìm cách cấn công.
Trung Quốc, một đồng minh chính của Bắc Hàn, ra tuyên bố phản đối các vụ phóng tên lửa mà Bắc Kinh nói vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, đồng thời kêu gọi “tất cả các bên hành động cẩn trọng nhằm tránh căng thẳng leo thang”.

Mỹ, Iran lời qua tiếng lại về những vụ tàu chiến đối đầu

Ngũ Giác Đài mạnh mẽ phản bác tuyên bố của Iran hôm thứ Bảy nói rằng một hàng không mẫu hạm của Mỹ đã bắn cảnh cáo về phía một trong những chiếc tàu của họ một cách “không chuyên nghiệp.”
Thông tấn xã chính thức IRNA của Iran dẫn lời phát biểu của Vệ binh Cách mạng nói rằng vụ việc xảy ra hôm thứ Sáu khi tàu USS Nimitz tiếp cận một giàn khoan dầu ngoài khơi ở Vịnh Ba Tư và một máy bay trực thăng từ tàu này đã áp sát tàu chở binh lính Iran.
Phát ngôn viên Hải quân Mỹ Ian M. McConnaughey hôm thứ Bảy nói, “trong khi thực hiện cuộc tuần tra thường xuyên trong không phận quốc tế của Vịnh Ả-rập vào ngày 28 tháng 7, một máy bay trực thăng của Hải quân Mỹ đã quan sát thấy một số tàu hải quân của lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tiến gần lực lượng hải quân Mỹ ở tốc độ cao Lực lượng hải quân Mỹ đã cố gắng thiết lập giao tiếp nhưng không có phản hồi từ các tàu của Iran.
“Sau khi giao tiếp, các tàu của Iran được quan sát thấy thực hiện một cuộc diễn tập bắn súng.”
“Bộ chỉ huy Trung tâm Lực lượng Hải quân Mỹ đánh giá sự tương tác này là an toàn và chuyên nghiệp.”
Đây là lần thứ hai một vụ đối đầu giữa Mỹ và Iran xảy ra trong tuần. Hôm thứ Ba, tàu của Mỹ bắn cảnh báo về phía một chiếc tàu của Iran ở Vịnh sau khi thủy thủ trên tàu nói nó tiếp cận họ theo một cách có ý đe dọa.
Iran phủ nhận tiếp cận tàu của Mỹ hôm thứ Ba và nói tàu của Mỹ mới là tàu hành xử có ý đe dọa.
Những vụ đối đầu giữa tàu của Mỹ và Iran diễn ra khá thường xuyên trong những tháng gần đây. Vào tháng 1, một tàu khu trục của Mỹ đã bắn cảnh báo về phía bốn tàu của Iran ở eo biển Hormuz khi những tàu này tiến gần với tốc độ cao.

Tổng thống Nga ân xá cho nữ tù nhân ‘phản quốc’

Ông Vladimir Putin hôm 29/7 đã ký lệnh ân xá cho hai người phụ nữ từng bị kết án tù vì gửi tin nhắn cho người quen Gruzia để thông báo về sự di chuyển của thiết bị quân sự của Nga trước cuộc chiến năm 2008.
Reuters dẫn lời điện Kremlin nói rằng theo lệnh trên, hai cô Annik Kesyan và Marina Dzhandzhgava sẽ không phải thụ hết án tù còn lại, và nêu lý do nhân đạo cho việc này.
Hai nữ tù nhân trên bị kết tội phản quốc vì đã gửi tin nhắn để thông báo về sự di chuyển của thiết bị quân sự củ Nga gần vùng ly khai Abkhazia của Gruzia trước khi chiến tranh nổ ra năm 2008.
Theo Reuters, cô Kesyan bị kết án 8 năm tù trong khi cô Dzhandzhgava lãnh án 12 năm. Ông Putin hồi tháng Ba vừa qua đã ân xá cho một người phụ nữ thứ ba.
Các tổ chức nhân quyền từng lên tiếng chỉ trích Nga kết án những người phụ nữ này.
Tin cho hay, cô Kesyan đã gửi tin nhắn cho một người bạn, nói rằng “đúng, chúng đang di chuyển”, khi nhận được câu hỏi về các xe tăng Nga ở Sochi.
Còn cô Dzhandzhgava nhắn tin cho một người quen để thông báo về một đoàn tàu chở binh sĩ Nga, theo Reuters.

Trung Quốc ngưng “nhập” rác của thế giới

Phương Tây đang lo sợ khi Trung Quốc không còn là “thùng rác” của các nền kinh tế phát triển, xử lý 50 % rác công nghiệp của Liên Hiệp Châu Âu. Ai sẽ thay thế Trung Quốc thầu thị trường 5,6 tỷ đô la rác thải của Hoa Kỳ ?
AFP trích công văn ngày 18/07/2017 Bắc Kinh thông báo với Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO từ nay đến cuối năm sẽ cấm nhập vào lãnh thổ Trung Quốc 24 loại rác công nghiệp. Trong đó có nhựa, giấy và vải sợi. Trung Quốc sẽ đóng cửa một số các nhà máy xử lý rác thải công nghiệp, tăng cường các biện pháp kiểm tra về chất lượng rác. Lý do : rác công nghiệp vừa nguy hiểm, vừa gây ô nhiễm nghiêm trọng cho môi trường của Trung Quốc. Bắc Kinh đang theo đuổi mục đích chống ô nhiễm trong không khí, trong đất đai và các nguồn nước ngọt.
Hãng tin Pháp AFP trích dẫn hiệp hội quốc tế xử lý rác công nghiệp BRI cho biết quyết định nói trên của Bắc Kinh đang khiến phương Tây hoang mang và một khi có hiệu lực, sẽ đem lại những “tác động to lớn đối với ngành công nghệ xử lý rác thải của bản thân Trung Quốc cũng như với toàn thế giới”. Trung Quốc rất cần các chất liệu tái chế để phục vụ cho guồng máy sản xuất của nước này.
Trung Quốc là nguồn nhập khẩu rác thải công nghiệp số 1 của thế giới. Đây là nơi 49,6 triệu tấn rác công nghiệp đổ về trong năm 2015, theo thống kê của bộ Môi Trường Trung Quốc.
Robin Wiener, chủ tịch hiệp hội các nguồn thải rác công nghiệp của Mỹ nói tới những “tác động tai hại” khi Trung Quốc không còn là thùng rác của các nền kinh tế phát triển. Ông nhắc lại năm 2016, Hoa Kỳ xuất khẩu 5,6 tỷ đô la rác thải công nghiệp qua thị trường Trung Quốc.
Fin publicité dans 30 s
Liên Hiệp Châu Âu cũng lo ngại không kém. Căn cứ vào báo cáo của Trung Tâm Nghiên Cứu về Biến Đổ Khí Hậu Grantham tại Luân Đôn, Trung Quốc là nguồn thu vào đến 50 % rác công nghiệp của châu Âu.
Trong năm 2016, Trung Quốc nhập 7,3 triệu tấn rác nhựa chủ yếu do Châu Âu, Nhật Bản và Hoa Kỳ thải ra ; 27 tấn đủ các loại giấy đã sử dụng.
Rác thải công nghiệp, thị trường “màu mỡ”
Theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong năm 2015, khoảng 180 triệu tấn rác công nghiệp đã được “xuất khẩu”, trị giá khoảng 86 tỷ đô la. Thị trường mua bán và tái chế nguyên liệu vô cùng rộng lớn và là một nguồn cung cấp quý giá. Năm 2015 chẳng hạn, các nhà máy xử lý rác thải cho phép “lọc lại” đến 87 triệu tấn sắt thép, hơn 57 triệu tấn giấy, gần 12 triệu tấn nhựa đủ loại.
Mỹ là nguồn xuất khẩu rác thải công nghiệp số 1 trên hành tinh, với 42,8 triệu tấn một năm, trị giá 23,7 tỷ đô la. Trong đó gần 6 tỷ đô la hướng về “cơ xưởng sản xuất của thế giới” là Trung Quốc “.
AFP lưu ý, dịch vụ tái xử lý rác thải là một con gà đẻ trứng vàng. Các hoạt động mua bán trái phép đang được phát triển mạnh- chủ yếu là rác điện tử, chiếm tới 20 % các khoản xuất nhập khẩu rác công nghiệp trên thế giới.

Venezuela :

Chính quyền tổ chức Quốc Hội Lập Hiến, đối lập tẩy chay

Chính quyền Venezuela huy động hơn 23.000 lính trên toàn quốc để bảo đảm an ninh cho cuộc bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, bị đối lập tẩy chay. Các phòng phiếu mở cửa vào lúc 6 giờ sáng, giờ địa phương ngày 30/07/2017, trong bối cảnh đất nước đứng ben bờ nội chiến sau hơn bốn tháng biểu tình và hơn 100 người thiệt mạng.
Hãng thông tấn Pháp AFP nhắc lại, khủng hoảng chính trị Venezuela kéo dài từ giữa tháng 4/2017, hơn một trăm người thiệt mạng trong các vụ xung đột với lực lượng an ninh. Đối lập kêu gọi cử tri tẩy chay cuộc bầu cử mà theo họ chỉ là thủ đoạn của tổng thống Maduro nhằm thay đổi hiến pháp để tiếp tục bám quyền. Theo thăm dò dư luận, 80 % người dân Venezuela bất đồng với chính sách của ông Maduro, đẩy kinh tế nước này bên bờ vực thẳm.
Cho dù Quốc Hội Lập Pháp do đối lập kiểm sóat vẫn tồn tại nhưng tổng thống Maduro quyết định tổ chức bầu Quốc Hội Lập Hiến với 545 thành viên bị đối lập tố cáo là người của phe chính quyền.
Hiện tại, bên tư pháp và quân đội hậu thuẫn cho kế hoạch bầu Quốc Hội Lập Hiến của tổng thống Maduro.

Obamacare :

Donald Trump dọa cắt tài trợ cho các hãng bảo hiểm

Sau thất bại xóa bỏ Obamacare, trong một loạt tin trên Twitter ngày 29/07/2017, tổng thống Donald Trump đe dọa cắt trợ cấp của chính phủ cho các công ty bảo hiểm. Biện pháp gây thiệt hại cho hàng chục triệu người dân Mỹ.
Từ New York, thông tín viên RFI Marie Bourreau giải thích :
“Donald Trump thất vọng ! Trong một loạt không biết bao nhiêu tin nhắn trên Twitter, tổng thống Mỹ nổi giận vì Quốc Hội đã không thể bãi bỏ đạo luật y tế Obamacare do các nghị sĩ Dân Chủ và ba thành viên bên hàng ngũ đảng Cộng Hòa chống đối, trong đó có thượng nghị sĩ John McCain hiện bị u não.
Ngoài giận dữ, giờ đây ông Trump chuyển sang hù dọa. Những lời đe dọa đó có thể ảnh hưởng tới hàng chục triệu người dân Mỹ khi họ phải đóng bảo hiểm y tế cao hơn. Vậy đâu là nguyên nhân ? Tổng thống Donald Trump báo trước ông có thể sẽ cắt ngân sách liên bang dành cho các hãng bảo hiểm.
Cho đến nay, chính quyền liên bang trợ cấp 8 tỷ đô la cho các công ty bảo hiểm y tế, để số này giảm các khoản niên liễm cho các gia đình có thu nhập thấp.
Tổng thống Mỹ cũng đe dọa trực tiếp các dân biểu vì họ được hưởng một hệ thống bảo hiểm đặc biệt từ năm 2010.
Trong hậu trường, các bên nỗ lực dàn xếp để tìm ra một giải pháp tháo gỡ bế tắc. Nhưng Donald Trump tiếp tục mạnh tay chỉ trích các thượng nghị sĩ trên Twitter :  ”Trừ phi mấy ông thượng nghị sĩ Cộng Hòa là những quả bóng xì, nếu không, vẫn còn cơ may để xóa và thay thế Obamacare”.

Trừng phạt Matxcơva,

Washington cam kết phối hợp với đồng minh

Bị châu Âu chỉ trích, chính phủ Mỹ qua tuyên bố của ngoại trưởng Rex Tillerson ngày 29/07/2017, cam kết sẽ « phối hợp chặt chẽ » với các đồng minh khi thi hành các biện pháp vừa được Quốc Hội biểu quyết để trừng phạt Nga,  Iran và Bắc Triều Tiên.
Trong thông cáo hôm 29/07/2017, ngoại trưởng Rex Tillerson nhận định các biện pháp trừng phạt được gần như toàn thể Quốc Hội Lưỡng Viện biểu quyết, thể hiện quyết tâm của nhân dân Mỹ muốn nước Nga phải cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ. Washington « làm việc chặt chẽ với các đồng minh để Nga, Iran và Bắc Triều Tiên hiểu rõ thông điệp này ».
Tuy nhiên, ngoại trưởng Tillerson cũng hy vọng quan hệ Mỹ-Nga sớm được tốt đẹp để không cần thiết phải trừng phạt Matxcơva.
Theo AFP, lời tuyên bố này của ngoại trưởng Mỹ nhằm trấn an các các đối tác châu Âu đặt biệt là Berlin và Paris, chỉ trích Washington đơn phương hành động thay vì cùng hợp tác với đồng minh mỗi khi trừng phạt Nga.
Thái độ đơn phương này có thể làm thiệt hại quyền lợi của nhiều doanh nghiệp châu Âu đang hợp tác với Nga trong lãnh vực khai thác năng lượng. Dự luật đang chờ tổng thống Mỹ ký ban hành.

Phó tổng thống Mỹ đến Estonia trấn an các nước Baltic

Chuyến viếng thăm vùng Baltic của phó tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence bắt đầu vào hôm nay 30/7/2017. Một trong những mục tiêu chính nhằm thảo luận với Tallinn về dự án lắp đặt hệ thống phòng thủ ở biên giới phía đông NATO.
Theo giới chuyên gia, để trấn an Tallinn phó tổng thống Mike Pence sẽ đề xuất lắp đặt một hệ thống phòng không tại khu vực biên giới Estonia trước cuộc tập trận Zapad giữa Nga với Belarus dự trù vào tháng 9/2017. Giới quan sát coi đây như một lời khẳng định từ phía Mỹ “hết lòng ủng hộ Estonia”.
Cuộc tập trận Zapad sẽ được diễn ra trên lãnh thổ Belarus, khu vực cận biên giới Litva. Cách đấy không xa về hướng tây bắc là kênh đèo Sulwaki (nằm giữa biên giới Litva và Ba Lan), vị trí chiến lược trọng yếu của NATO. Nếu kiểm soát được dải đất này, Nga có thể dễ dàng cô lập ba quốc gia trong vùng Baltic.
Theo thông tin từ Vilnius, sẽ có hơn 100.000 quân nhân Nga và Belarus tham gia cuộc tập trận này. Nhưng theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Belarus Andrei Ravkov, chỉ có hơn 13.000 mà thôi.
Sau Estonia, phó tổng thống Mỹ sẽ lần lượt viếng thăm Gruzia và Montenegro trong vài ngày tới nằm thảo luận về cách đối phó mối đe dọa từ Nga. Tại thủ đô Podgorica của Montenegro, ông Mike Pence sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Adriatic Charter bao gồm : Albani, Croatia, Bosnia- Herzegovina, Macedonia, Montenegro cùng với Hoa Kỳ. Kosovo, Serbia và Slovenia hiện là các nước quan sát viên.

Chủ tịch Trung Quốc kêu gọi quân đội phục vụ đảng Cộng Sản

Trung Quốc kỷ niệm 90 năm thành lập « Giải phóng quân » trong một doanh trại ở Nội Mông, cách Bắc Kinh 500 cây số, xa dân chúng và phóng viên quốc tế.
Trong buổi lễ diễn binh được truyền hình, chủ tịch nước, kiêm chủ tịch đảng, chủ tịch quân ủy trung ương Tập Cận Bình kêu gọi quân đội, đứng hàng thứ nhất thế giới về quân số, tuyệt đối trung thành với đảng cầm quyền.
Thông tín viên Angélique Forget từ Thượng Hải lược thuật :
“Cuộc diễu binh rầm rộ hôm nay chỉ được thông báo vài giờ trước lúc khai mạc và không một phương tiện truyền thông nước ngoài nào được phép đến dự.
Chủ tịch Tập Cận Bình trong bộ quân phục đã chủ trì buổi lễ duyệt binh với 12.000 binh lính, khoảng 100 phi cơ quân sự và bên cạnh đó là hàng chục chiếc trực thăng xếp hình số “90″ mừng ngày thành lập quân đội.
Cuộc phô trương sức mạnh này đã kết thúc bằng màn trình diễn tên lửa liên lục địa đời mới Đông Phong 31 AG có thể bay đến mục tiêu cách xa 11.000 cây số.
Trong bài diễn văn đọc trước lực lượng vũ trang, ông Tập Cận Bình kêu gọi quân đội ‘phục vụ, tuyệt đối trung thành với đảng Cộng Sản Trung Quốc’ và ‘trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trước mọi kẻ xâm lăng’.
Tường thuật trực tiếp trên đài tuyền hình nhà nước, một chuyên gia Trung Quốc nhắc lại : ‘một đội quân hùng mạnh là cột sống của một đất nước hùng mạnh’. Trong một vài tháng nữa Bắc Kinh tổ chức Đại Hội Đảng nhằm thay đổi ban lãnh đạo. Lễ diễu binh hôm nay là cơ hội để Tập Cận Bình nhắc nhở ông là người duy nhất có thực quyền để cầm chịch đất nước”.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?