Tin Việt Nam – 30/07/2017

Tin Việt Nam – 30/07/2017

Hàng loạt các nhà hoạt động bị bắt

theo điều 79 Bộ Luật Hình Sự

Sáng ngày 30/07/2017, 4 thành viên của Hội Anh em dân chủ bao gồm: mục sư Nguyễn Trung Tôn, ký giả Trương Minh Đức, ông Phạm Văn Trội, Nguyễn Bắc Truyển bị bắt khẩn cấp với cáo buộc tội “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 79 BLHS.
Theo Cổng thông tin điện tử của Bộ Công an, thì những nhà hoạt động này bị khởi tố, bắt tạm giam nằm trong vụ án “Nguyễn Văn Đài cùng đồng bọn hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.
Bà Nguyễn Thị Huyền Trang, vợ ông Phạm Văn Trội cho hay, “sáng nay, khoảng 10 giờ 30 phút có rất đông công an của Bộ Công an đến đọc lệnh khám nhà và bắt anh theo điều 79, họ thu giữ Iphone 5 và một số tài liệu.”
“Thật ra anh Trội không có làm điều gì sai trái, đối với tôi và nhiều người thì anh ấy chỉ là một người bất đồng chính kiến tại Việt Nam chứ anh ấy không có âm mưu lật đổ gì hết”, bà Trang khẳng định.
Bà Nguyễn Thị Lành, vợ của Mục sư Nguyễn Trung Tôn từ Thanh Hóa cũng cho biết, công an bắt ông Tôn khi bà đang bán hàng ngoài chợ.
“Họ đọc lệnh bắt anh khi tôi chưa về tới nhà, họ bắt anh ngồi trên ghế không cho đi đâu hết.
“Tôi về tới thì họ đọc lệnh khám nhà, thu giữ máy tính và các USB, băng đĩa của anh ấy.
“Lúc 12 giờ họ gông anh ấy lên xe đưa đi đâu không biết”, bà Lành kể lại vụ việc.
Bà Nguyễn Kim Thanh, vợ của ký giả Trương Minh Đức viết trên Facebook cá nhân:
“Chồng tôi là Trương Minh Đức bị Công an bắt đi lúc 10 giờ khi hai vợ chồng đi khám bệnh mua thuốc. Hơn chục xe honda chặn đầu xe vợ chồng tôi và đã đưa về 235 Nguyễn Văn Cừ đọc lệnh bắt và bắt tôi về nhà khám xét vừa xong.”
Cả 4 ông Phạm Văn Trội, Trương Minh Đức, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đều là những cựu tù nhân lương tâm, từng ở tù vì các hoạt động ôn hòa của mình.
Trước đó, ngày 16/12/2015, Chủ tịch hội Anh em dân chủ, luật sư Nguyễn Văn Đài và cộng sự Lê Thị Thu Hà bị bắt vì tội “Tuyên truyền chống nhà nước” theo điều 88 BLHS. Tuy nhiên đến nay đã hơn 1 năm rưỡi nhưng vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử.

Vụ bắn tàu cá VN: Indonesia ‘có thông tin khác’

Liên quan đến việc Việt Nam đề nghị Indonesia điều tra vụ hải quân Indonesia bắn tàu cá Việt Nam, Ngoại trưởng Indonesia cho hay hải quân nước này cung cấp “thông tin khác” và nói việc ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp “là vấn đề dài hạn”, Reuters tường thuật.
Trước đó, truyền thông Việt Nam đưa tin Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đề nghị Indonesia điều tra vụ hải quân Indonesia bắn tàu cá làm bị thương hai ngư dân Việt Nam.
Hôm 24/7, một cán bộ trực ban của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC: “Tàu cá BĐ 31153 TS có sáu thuyền viên, do bà Phù Thị Tuyết Nga làm chủ, ông Nguyễn Thanh Ngọc làm thuyền trưởng, bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương vào 21:00 ngày 22/7.”
Chiếc tàu cá Việt Nam khi gặp nạn được cho là nằm cách đảo Côn Đảo khoảng 132 hải lý (245 km), Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định thông báo trên website nhưng sau đó đã gỡ thông tin này.
Bà Retno Marsudi, Ngoại trưởng Indonesia nói với Reuters rằng hải quân nước này cung cấp “thông tin khác” và nói việc ngư dân Việt đánh bắt bất hợp pháp “là vấn đề dài hạn”.
Bà Marsudi nói rằng bà nhấn mạnh với Ngoại trưởng Việt Nam về tầm quan trọng của việc hai nước dàn xếp thỏa thuận về vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn.
Bà cho hay sẽ gặp ông Bình Minh tại Manila trong diễn đàn khu vực vào tháng tới.
‘Bảo hộ công dân’
Hải quân Indonesia chưa bình luận về vụ việc.
Dù Indonesia tuyên bố rằng nước này không phải là một bên trong tranh chấp Biển Đông, nhưng gần đây họ đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế của mình ở nơi này thành Biển Bắc Natuna, khẳng định yêu sách hàng hải.
Trung Quốc sáu đó đã tuyên bố việc đổi tên Nam Hải (cách Trung Quốc gọi Biển Đông) là hành động vô nghĩa.
Các tọa độ mà giới chức Bình Định xác định là nơi xảy ra vụ bắn tàu cá nằm gần khu vực mà Indonesia gọi là Biển Bắc Natuna.
Indonesia đã đánh chìm hàng trăm tàu ​​cá nước ngoài mà họ cho rằng đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển của họ từ khi Tổng thống Joko Widodo tuyên bố chiến dịch đối phó nạn đánh bắt cá trộm vào năm 2014.
Tháng trước, trong thư trả lời BBC về vụ Indonesia trao trả 695 ngư dân Việt Nam, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói chính phủ “có các biện pháp bảo hộ công dân phù hợp” và “không ủng hộ ngư dân xâm phạm vùng biển của quốc gia khác”.
Trưa 11/6, hai tàu của Vùng Cảnh sát biển 3 đã đưa các ngư dân này về đến cảng PTSC, thành phố Vũng Tàu, báo Việt Nam cho hay.
Truyền thông Indonesia tường thuật đây là vụ trao trả ngư dân lớn nhất được được tiến hành dựa trên một thỏa thuận giữa Indonesia và Việt Nam.
Hồi tháng 5/2017, Indonesia và Việt Nam loan báo tiến hành cuộc điều tra chung sau một vụ đụng độ trên biển nhưng kết quả cuộc điều tra chưa được công bố.

Nhiễu loạn tin ông Trịnh Xuân Thanh ‘về nước’

Bộ trưởng Công an Việt Nam hôm 30/7 buộc phải lên tiếng sau khi xuất hiện thông tin ông Trịnh Xuân Thanh “đã bị dẫn độ về nước” trên mạng xã hội.Tờ Pháp luật TP HCM dẫn lời ông Tô Lâm nói rằng ông “chưa có thông tin gì”.
Báo chí trong nước được cho là đi tìm hiểu tin tức từ chính quyền sau một “status” (dòng trạng thái) của Facebooker Osin Huy Đức.
Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!
Osin Huy Đức viết.
“Trịnh Xuân Thanh về mà báo chí im ắng nhỉ!”, cựu nhà báo viết và không giải thích gì thêm.
Thông tin này đã nhận được hàng nghìn lượt “like” (thích) và hàng trăm bình luận.
Sau tuyên bố ngắn gọn của quan chức lãnh đạo ngành công an, ông Trần Vũ Hải viết trên Facebook: “Với tư cách luật sư, tôi khẳng định thông tin của tướng Tô Lâm là đúng!” Tuy nhiên, ông Hải không nói rõ về tuyên bố của mình.
Cũng trên mạng xã hội lớn nhất thế giới, tiến sĩ Nguyễn Quang A viết: “Osin Huy Đức đúng hay ông Tô Lâm sai? Nhưng dân quan tâm là không phải ĐCSVN thì chẳng ai cất nhắc được ông Thanh và chọn ông làm đại biểu QH và được dân bầu với phiếu cao nhất ở nơi ông được gửi về: thế trách nhiệm ông Trọng là lớn nhất đấy ông ạ, dù ông nói gì đi nữa!”
Bộ Công an Việt Nam phát lệnh truy nã quốc tế với cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Xây lắp dầu khí Việt Nam tháng Chín năm ngoái, sau khi khởi tố ông này vì “tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng theo Điều 165 Bộ luật hình sự”.
Ông Thanh bỏ trốn trong bối cảnh Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới nguyên Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhất là vụ xe sang trị giá nhiều tỷ đồng.
Hiện chưa rõ cựu quan chức dầu khí này đang ở đâu, nhưng một loạt các tờ báo ở trong nước từng đề cập tới các tin đồn trên mạng xã hội về việc ông Thanh có thể đã rời Việt Nam, “chạy” sang nước khác, nhất là Đức.
Cuối năm ngoái, tiếp xúc cử tri tại Hà Nội, ông Trọng nói: “Trịnh Xuân Thanh chỉ là phó chủ tịch của một tỉnh thôi nhưng đã ghê gớm, móc ngoặc, dây dợ rồi bỏ trốn đi nước ngoài, nhưng không trốn được đâu”.
“Bây giờ chúng ta đã phát lệnh truy nã ra cả quốc tế, phối hợp với các cơ quan của các nước và tinh thần là bắt bằng được, không trốn được đâu. Chúng ta làm theo luật pháp quốc tế nhưng phải có thời gian”, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam nói thêm.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?