Tin Việt Nam – 29/07/2017
Hoa Kỳ mở mắt về tham nhũng của quân đội CSVN
Giữa lúc cuộc tranh cãi ở Việt Nam chưa chấm dứt về chủ trương cho phép quân đội làm kinh doanh, thì một hãng tin tình báo quốc phòng Anh tiết lộ, các giới chức kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ mới đây có dịp mở mắt về tầm mức tham nhũng của giới chức quân đội CSVN.
Shephard Media, hãng tin tình báo quốc phòng hoạt động từ 35 năm qua có trụ sở tại London, dẫn một nguồn tin từ kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ cho hay, trong một cuộc họp cách đây ít lâu tại Hà Nội, các giới chức thuộc bộ quốc phòng CSVN đề nghị với phái đoàn Hoa Kỳ rằng, một thương vụ vũ khí bất kỳ với phía Việt Nam sẽ phải có khoản tiền 25% huê hồng. Nguồn tin của Shephard Media là một chuyên gia kỹ nghệ quốc phòng lâu năm, cho biết cuộc họp về mua bán vũ khí giữa Hà Nội và phái đoàn Hoa Kỳ đã chấm dứt đột ngột, sau lời đề nghị trắng trợn của giới chức quân đội CSVN.
Trong bản tin đăng trên trang mạng của họ hôm 25 tháng 7, Shephard Media còn dẫn một nguồn tin khác ở Singapore nói rằng, các giới chức chính phủ CSVN vẫn thường rửa tiền ở Singapore qua các bà vợ của họ.
Hãng tin tình báo quốc phòng Anh lưu ý rằng, các công ty kỹ nghệ quốc phòng Hoa Kỳ bị cấm làm ăn theo cách này, bởi Đạo Luật Chống Nhũng Lạm Nước Ngoài năm 1977. Điều này giải thích tại sao CSVN sẽ tiếp tục có khuynh hướng từ chối mọi cơ hội hợp tác thiết thực về quân sự với Hoa Kỳ, bởi vì họ không thể “chấm mút” trong các hợp đồng mua bán, như khi mua vũ khí của Trung Cộng, Nga…
Huy Lam / SBTN
Việt Nam đề nghị Indonesia điều tra vụ bắn tàu cá
Phó thủ tướng Việt Nam đề nghị phía Indonesia điều tra và làm rõ vụ việc hải quân Indonesia đã bắn và làm bị thương hai ngư dân Việt Nam trên Biển Đông, theo thông tin chính phủ.
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã điện đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi hôm 28/7.
Ông Minh nhấn mạnh vụ bắn tàu cá là “nghiêm trọng, không phù hợp với quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam – Indonesia đang phát triển tốt đẹp.”
“Việt Nam hết sức lo ngại về vụ việc này và đề nghị phía Indonesia khẩn trương tiến hành điều tra, xác minh vụ việc, thông báo kết quả cho phía Việt Nam và chấm dứt tái diễn các hành động tương tự,” ông Minh nói.
Trước đó, giới chức ở tỉnh Bình Định xác nhận với BBC rằng một tàu cá Việt Nam bị Hải quân Indonesia bắn khiến hai người bị thương nặng đang được chữa trị tại Côn Đảo.
Hôm 24/7, một cán bộ trực ban của Ban Chỉ huy Phòng chống Thiên tai – Tìm kiếm Cứu nạn tỉnh Bình Định nói với BBC: “Tàu cá BĐ 31153 TS có sáu thuyền viên, do bà Phù Thị Tuyết Nga làm chủ, ông Nguyễn Thanh Ngọc làm thuyền trưởng, bị Hải quân Indonesia bắn làm bốn ngư dân bị thương vào 21:00 ngày 22/7.”
“Đến 0:15 ngày 24/7, tàu bị nạn được tàu Kiểm ngư 0234 dẫn về cập cảng Bến Đồn, huyện Côn Đảo.”
“Hiện hai người bị thương nặng là Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Cường, một bị thương ở hông trái và bàn chân phải, một bị thương ở ngực và đùi trái, đang được chữa trị tại Trung tâm y tế huyện Côn Đảo.”
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Indonesia, bà Retno Marsudi trả lời với Reuters rằng Hải quân Indonesia đã có một báo cáo hoàn toàn khác về vụ việc.
Và việc Việt Nam đánh bắt trái phép ở vùng biển Indonesia vốn đã là một vấn đề vốn đã diễn ra bấy lâu nay.
Bà nói bà đã nhấn mạnh với Nộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam về sự quan trọng trong việc thỏa thuận về khu đặc quyền kinh tế của hai nước. Bà nói cả hai sẽ gặp ông Minh tại Manila trong cuộc hội nghị vào tháng tới.
Theo Reuters, Hải quân Indonesia vẫn chưa đưa ra bình luận nào về vụ việc này.
Trước đó, hôm 14/7 Indonesia đã đổi tên khu vực phía bắc của vùng đặc quyền kinh tế thành Biển Bắc Natuna.
Tọa độ ủy ban tìm kiếm cứu nạn Việt Nam cung cấp cho thấy việc vụ nổ súng xảy ra gần khu vực Indonesia giờ gọi là Biển Bắc Natuna.
Trước đó Indonesia cũng đánh chìm hàng trăm tàu đánh cá nước ngoài đánh bắt trái phép trong vùng biển của nước này.
Cũng theo Reuters, Indonesia và Việt Nam tuyên bố hồi tháng Năm là hai nước sẽ tiến hành một cuộc điều tra chung về thông tin cảnh sát biển Việt Nam đã cố tình giải cứu năm thuyền đánh cá và các thủy thủ đoàn bị bắt giữ tại vùng biển gần quần đảo Natuna.
Đề cử đại sứ Mỹ nói gì về Việt Nam?
Cựu cố vấn mới được Tổng thống Donald Trump đề cử làm đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội từng nhiều lần lên tiếng về các vấn đề liên quan tới Việt Nam.
Ông Daniel Kritenbrink, cựu Giám đốc phụ trách các vấn đề châu Á thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, được coi là đóng vai trò lớn trong chuyến thăm lịch sử của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ năm 2015 và của Tổng thống Obama tới Việt Nam năm 2016.
Trước chuyến công du của “ông chủ” Nhà Trắng, cố vấn an ninh này nhấn mạnh trong một cuộc họp báo rằng “nhân quyền vẫn luôn là một thành tố quan trọng, nếu không nói là trung tâm, trong việc đưa mối quan hệ song phương tiến về phía trước”.
Cùng với quan điểm với ông Daniel Russel, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á – Thái Bình Dương, ông Kritenbrink khi ấy nói rằng “việc xét tới yếu tố nhân quyền sẽ vẫn là một điều quan trọng trong bất kỳ quyết định bán vũ khí nào với Việt Nam hay với bất kỳ quốc gia nào”.
Liên quan tới Biển Đông, tháng Bảy năm ngoái tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, sau khi ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ, lên tiếng cảnh báo khả năng xảy ra “xung đột” và “đối đầu” tại vùng biển tranh chấp vì phán quyết của Tòa Trọng tài Liên Hiệp Quốc, ông Kritenbrink nói rằng Hoa Kỳ không có ý định thổi bùng căng thẳng ở đó để tạo tiền đề hoạt động trong khu vực.
Cựu cố vấn quốc gia Mỹ hồi tháng Hai năm 2016 cũng đã đề cập tới hội nghị thượng đỉnh Mỹ – ASEAN cũng như tầm quan trọng của tuyên bố từ hội nghị ở tiểu bang California này trong việc đưa ra “một tầm nhìn thống nhất cho tương lai của khu vực”.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng là người tham dự hội nghị này trước khi rời nhiệm sở, và có cuộc gặp song phương với Tổng thống Barack Obama. Thông cáo của Hoa Kỳ nói rằng hai nhà lãnh đạo đã thảo luận về việc tiếp tục củng cố mối bang giao Việt – Mỹ trong khuôn khổ của mối quan hệ đối tác toàn diện, “nhấn mạnh tới tầm quan trọng của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), vấn đề an ninh biển và nhân quyền đối với việc thúc đẩy quan hệ song phương”.
Tuy nhiên, ngay sau khi nhậm chức đầu năm nay, Tổng thống Trump đã rút khỏi hiệp định mà Việt Nam kỳ vọng sẽ mang tới “cú hích” cho nền kinh tế.
Nhà Trắng hôm 27/7 đã chuyển tên của ông Kritenbrink cùng với 15 đề cử đại sứ khác tới Thượng viện Mỹ, nơi cựu cố vấn an ninh quốc gia này phải ra điều trần trước khi được chuẩn thuận.
Trong một sự kiện tương tự năm 2014, ông Ted Osius, người sau đó trở thành đại sứ Mỹ ở Hà Nội, đã nêu vấn đề Biển Đông.
“Chúng ta có trách nhiệm lớn phải đảm bảo rằng các tranh chấp về lãnh hải và lãnh thổ tại Biển Đông được giải quyết theo luật lệ quốc tế và không phải bằng việc ép buộc hay đe dọa. Thật đáng tiếc, gần đây chúng ta thấy một chuối các bước đi đơn phương của Trung Quốc nhằm thúc đẩy các tuyên bố về lãnh hải và lãnh thổ”, ông Osius nói 3 năm trước.
Nhà ngoại giao này cũng đề cập tới “các khác biệt thật sự” về nhân quyền giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.
Trước ông Osius, ông David Shear năm 2011 cũng từng tuyên bố tại Thượng viện Mỹ rằng ông sẽ tiếp tục “thúc ép” Hà Nội tôn trọng nhân quyền, trong khi tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực với Việt Nam, nhất là giáo dục, kinh tế và quân sự.
Mục sư Nguyễn Công Chính tới Mỹ
Người từng bị Việt Nam kết án 11 năm tù giam cùng vợ con hôm 28/7 đã đặt chân tới Mỹ, sau khi được phóng thích khỏi nhà tù.
Dân biểu Ed Royce, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, cho hay, ông “rất vui mừng” về diễn biến mới này, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng Mục sư Nguyễn Công Chính sẽ “nhận được quy chế tị nạn tôn giáo sớm nhất có thể”.
Ông Chính bị kết án hơn 10 năm tù giam hồi năm 2012 vì tội “Phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 87 Bộ Luật Hình sự.
Trong khi chính quyền Việt Nam từng cáo buộc ông “núp dưới vỏ bọc tôn giáo” để “liên hệ, cấu kết với các đối tượng cơ hội chính trị trong và ngoài nước lập ra nhiều tổ chức, hội nhóm tôn giáo bất hợp pháp”, dân biểu Royce lại cho rằng mục sư tin lành này bị “đánh đập” và “gia đình liên tục bị quấy nhiễu chỉ vì bày tỏ niềm tin tín ngưỡng của mình”.
“Thật đáng buồn, tình cảnh của họ không phải là duy nhất ở Việt Nam”, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ nói trong thông cáo ra ngày 28/7, đồng thời kêu gọi Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách “các quốc gia gây quan ngại đặc biệt” về tự do tôn giáo.
Ông Royce, thuộc phe Cộng hòa, cho rằng Việt Nam “phải đối mặt với các hậu quả vì vi phạm quyền của người Việt, trong đó có quyền tự do bày tỏ tín ngưỡng”.
Bộ Ngoại giao Việt Nam từng tuyên bố “tôn trọng và bảo đảm các quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của công dân” đồng thời chỉ trích báo cáo tự do tôn giáo của Hoa Kỳ “đưa ra một số đánh giá không khách quan, trích dẫn những thông tin sai lệch”, dù “đã ghi nhận một số thành tựu bảo vệ quyền con người của Việt Nam”.
Mục sư Chính được phóng thích hơn một tháng sau khi Hoa Kỳ và Việt Nam tổ chức cuộc đối thoại nhân quyền thường niên. Đây là vấn đề mà đôi bên vẫn còn các “khác biệt”, theo bà Bà Virginia Bennett, Quyền Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ về Dân chủ, Nhân quyền và Lao động.
Bà cho VOA tiếng Việt hay rằng phía Mỹ “đã nêu hơn 12 trường hợp cụ thể” những người đang bị giam giữ ở Việt Nam. Chưa rõ là tên của mục sư Chính có nằm trong số này hay không.
Hoa Kỳ thời gian qua là điểm đến của nhiều tiếng nói bất đồng ở trong nước sau khi họ được phóng thích khỏi trại giam.
Sau cuộc gặp ở Nhà Trắng hồi cuối tháng Năm, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Mỹ Donald Trump “nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, thúc đẩy quyền con người và sự liên hệ giữa quyền con người với an ninh và phát triển bền vững của mỗi quốc gia”.
Tuyên bố chung công bố sau đó có đoạn: “Hai nước khuyến khích tăng cường hợp tác để bảo đảm tất cả mọi người, bao gồm cả những thành viên của các nhóm dễ bị tổn thương, không phân biệt giới tính, chủng tộc, tôn giáo và khuynh hướng giới tính, cũng như người khuyết tật, được hưởng đầy đủ các quyền con người…”
Hà Tĩnh sẽ xử lý 10 quan chức vi phạm trong vụ Formosa
Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Hà Tĩnh thông báo.
Mười quan chức cấp tỉnh ở Hà Tĩnh được xác định là có vi phạm trong thảm họa môi trường Formosa sẽ bị trừng phạt tương ứng với mức độ phạm tội, theo báo mạng VnExpress dẫn kết quả kiểm tra của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy.
Được biết 5 giới chức có mức vi phạm nghiêm trọng sẽ bị kỷ luật và 5 người còn lại sẽ bị kiểm điểm, rút kinh nghiệm. Những giới chức này được xác định có sai sót trong việc tham mưu, tổ chức thực hiện dự án nhà máy thép của Công ty Hưng Nghiệp Formosa-Hà Tĩnh.
Trong số năm quan chức bị xem xét kỷ luật có Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường Võ Tá Đinh, hai Phó Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Đặng Văn Thành và Hoàng Thanh Tùng, cựu Phó Trưởng ban này giờ là Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh – ông Ngô Đình Vân – và phó Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Văn Tình.
Năm người sẽ phải kiểm điểm gồm hai Phó giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường là Phạm Trần Đệ và Phan Thăng Long, hai phó trưởng Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Phan Lam Sơn và Nguyễn Hùng Mạnh và Giám đốc Sở Xây dựng Trần Xuân Tiến.
Kỷ luật cụ thể như thế nào thì còn chờ Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh họp mới xem xét, theo VnExpress.
Tuy nhiên, một số người cho rằng xử lý các cá nhân vi phạm vẫn chưa đủ mà chính quyền Việt Nam cần thay đổi luật lệ và tăng cường quản lý trong lĩnh vực môi trường.
Vụ nhà máy thép Formosa xả thải ra biển vào năm 2016 đã gây ra thảm họa môi trường lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh kế của cư dân bốn tỉnh miền Trung là Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế.
Cho đến nay các cán bộ cấp cao nhất bị xác định có trách nhiệm trong thảm họa Formosa gồm cựu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang và hai cựu Thứ trưởng Bùi Cách Tuyến, Nguyễn Thái Lai của Bộ Tài nguyên-Môi trường, ông Võ Kim Cự, cựu Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh. Các quan chức này thuộc diện trung ương quản lý và đã bị Ủy ban Kiểm tra trung ương quy trách nhiệm.
Ông Cự, trong cương vị người đứng đầu Ban Cán sự Đảng Ủy ban Nhân dân Hà Tĩnh trong giai đoạn 2011-2016, và các ông Quang, Tuyến, Lai được xác định là đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát” trong quá trình thực hiện dự án Formosa.
Tất cả bốn cựu quan chức này đều bị xác định là “có vi phạm nghiêm trọng” đến mức phải thi hành kỷ luật. Ngoài ra, ông Hồ Anh Tuấn, người đứng đầu Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng trong giai đoạn Formosa đầu tư xây dựng, cũng bị kỷ luật.
Cho đến nay, chưa có ai cao hơn các vị này bị xem xét trách nhiệm trong vụ Formosa và việc xử lý họ vẫn dừng lại ở mức kỷ luật của Đảng chứ chưa bị truy tố hình sự.
Trao đổi với VOA, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nói việc chính quyền thi hành kỷ luật một số người chỉ nhằm mục đích “xoa dịu sự bức xúc trong dư luận”.
“Nếu kỷ luật ai đi nữa mà Formosa vẫn còn tồn tại, vẫn tiếp tục xả thải lấy mất cơ hội làm ăn kinh doanh của người dân thì đối với họ việc kỷ luật đó là vô nghĩa,” ông nói.
Về trách nhiệm của chính quyền, ông A nói:
“Quốc hội, Chính phủ phải thay đổi luật pháp, thay đổi các quản lý, siết chặt chính sách môi trường để các doanh nghiệp nước ngoài không thể lợi dụng luật lệ lỏng lẻo của Việt Nam để biến Việt Nam thành bãi thải của họ.”
Tiến sĩ Nguyễn Quang A nói “có khả năng có nhiều cán bộ cấp cao đã bị đồng tiền mua chuộc” để làm ngơ cho Formosa vi phạm môi trường.
Nhận định về cách xử lý, kỷ luật của Đảng đối với các cán bộ làm sai trong vụ Formosa, Tiến sĩ A nói:
“Có một thực tế ở Việt Nam: người tham nhũng đi chống tham nhũng, người làm sai kỷ luật người làm sai. Tất cả đều từ một Đảng mà ra.”
Cháy xưởng bánh kẹo ở Hà Nội, ít nhất 8 người chết
Ít nhất 8 người chết và 2 người bị phỏng nặng trong một vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo ở Hà Nội hôm Thứ Bảy 29/07.
Tin cho hay vụ cháy xảy ra khoảng 10 giờ 30 sáng tại cơ sở ở địa chỉ Km 19 quốc lộ 32, thuộc địa phận xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, phía tây Hà Nội. Khi vụ cháy xảy ra, trong xưởng đang có khoảng 20 công nhân làm việc. Theo báo Tuổi Trẻ, tới nửa tiếng sau khi đám cháy bùng lên, một lực lượng cứu hỏa ở “rất gần” mới được điều đến hiện trường. Đến 12 giờ trưa, vụ hỏa hoạn được dập tắt.
Các giới chức cho biết do cửa đóng, lửa bốc cao và mái tôn sập xuống cản đường, nên các nạn nhân bên trong khó thoát ra ngoài. Theo tường thuật của VnExpress, nhiều người hàng xóm đã dùng xà beng và vật cứng phá tường bởi cửa trước có nhiều chướng ngại vật. Một số người khác đã phải kéo vòi nước từ các nhà lân cận sang dập lửa nhưng bất thành.
Chiều cùng ngày, thiếu tướng CSVN Hoàng Quốc Định, giám đốc Sở Cảnh Sát Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội, cho biết theo kết quả kiểm tra hiện trường sơ khởi, có 8 người chết trong vụ cháy xưởng sản xuất bánh kẹo của ông Nguyễn Văn Được. Hầu hết các nạn nhân là người trong gia đình.
VnExpress cho hay có 9 người thoát chết trong vụ cháy, trong đó có 2 người bị thương nặng đang cấp cứu tại Viện Bỏng Quốc Gia. Nguyên nhân cháy được giới hữu trách nhận định là do thợ hàn xì sửa chữa trong xưởng làm bắn tia lửa điện vào trần nhà bằng xốp.
Huy Lam / SBTN
Nhận xét
Đăng nhận xét