Điểm báo

 RFI


Ukraina : Những người lính gian khổ ở tiền tuyến trong cuộc chiến chưa thấy hồi kết

Gần hai năm sau khi quân Nga tràn sang, Ukraina bước vào một cuộc chiến kéo dài. Mùa đông đã đến trên chiến tuyến dài 1.000 cây số. Phóng sự của các báo Le Monde, Le Figaro và Libération hôm nay 28/12/2023 tại nhiều mặt trận khác nhau cho thấy nỗi nhọc nhằn của các chiến binh Ukraina, trong cuộc chiến tranh vệ quốc quá chênh lệch về quân số cũng như phương tiện. Họ tự hỏi, liệu phương Tây có thực sự muốn đánh bại Matxcơva.

Các chiến binh Ukraina thực tập điều khiển xe tăng, được huấn luyện tại một địa điểm trong nước, ngày 06/12/2023.
Các chiến binh Ukraina thực tập điều khiển xe tăng, được huấn luyện tại một địa điểm trong nước, ngày 06/12/2023. AP - Efrem Lukatsky

Ukraina thắng tại Hắc Hải, lùi ở vài điểm trên bộ

Le Figaro nhận thấy chiến trường Ukraina không hề giống như những gì mà phương Tây hình dung. Tuy hầu như không có Hải quân, nhưng chính trên Hắc Hải mà Kiev đã giành được thắng lợi huy hoàng nhất nhờ không kích.

Không quân Ukraina rất ít ỏi, chỉ có thể chặn phi cơ Nga xâm nhập không phận, và đang chờ đợi những chiếc F-16 được hứa hẹn. Lục quân đã mệt mỏi sau hai năm chiến đấu, buộc phải lùi ở vài nơi. Ở miền đông, lực lượng Ukraina phải rút khỏi ngoại ô Marinka, thành phố nằm ở phía tây Donetsk thuộc vùng Donbass bị chiếm đóng. Đối với Matxcơva, đây là một thắng lợi chiến thuật.

Nhưng theo Libération, việc quân Nga tiến được vài trăm mét chẳng có mấy ý nghĩa. Thành phố có 10.000 dân trước chiến tranh nay chỉ còn là bình địa. Tổng tham mưu trưởng quân đội Ukraina, tướng Valery Zaloujny kêu gọi không quan trọng hóa các trận đánh mang tính biểu tượng ở Bakhmut, Avdiivka hay Marinka, không nên « coi việc mất một ngôi làng là một bi kịch », mà sinh mạng chiến binh mới là quý. Đối với Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), quân Nga không thể khai thác việc đột phá này do không đủ phương tiện cơ giới.

Nếu Kiev có vài trăm hỏa tiễn chính xác, Nga khó giữ được Crimée

Le Figaro cho rằng ưu thế của Ukraina dựa vào công nghệ và tình báo, như sự kiện chiến hạm Novotcherkassk bị phá hủy hôm thứ Ba ở cảng Feodosia. Chiếc tàu đổ bộ này có thể chở theo nhiều đạn dược, mười mấy xe tăng và 350 lính ; việc nó bị tiêu diệt là một cái tát cho Nga và là một thiệt hại về chiến thuật. Ba phi cơ Ukraina đã bắn hỏa tiễn địa-không vào chiếc tàu này, loại Storm Shadow của Anh hay Scalp của Pháp.  Có rất ít chi tiết được công bố, nhưng cho thấy Không quân Ukraina tránh được phòng không Nga và tấn công dứt điểm, rất có thể là nhờ sự hỗ trợ của phương Tây.

Tướng Ben Hodges, cựu tham mưu trưởng lực lượng Mỹ ở châu Âu nhận định : « Hãy tưởng tượng nếu Ukraina có được vài trăm hỏa tiễn Atacms, Taurus, Scalp và Storm Shadow. Crimée sẽ không còn là căn cứ của Nga ». Tiếc thay những hỏa tiễn này là của hiếm. Kiev không có đủ để tạo được tác động quyết định trên đất liền, nơi quân Nga phân tán lựoc lượng và nhìn rộng hơn, thiếu đạn dược một cách nguy hiểm.

Chiến tranh còn diễn ra trên một mặt trận khác : sản xuất vũ khí. Hôm thứ Ba, tổng thống Volodymyr Zelensky đã tập hợp các đơn vị tư nhân và nhà nước trong kỹ nghệ quốc phòng. Ông tuyên bố : « Ukraina cần phải sản xuất, hoặc độc lập hoặc với các đối tác, tất cả những gì cần thiết để tự vệ trước mọi dạng thức tấn công của Nga ». Theo ông, cần có 1 triệu drone trong năm 2024, đây là vũ khí đa dụng thiết thực trên chiến trường để thám sát, định vị, tấn công.

Dè dặt trước dự luật tuyển quân

Về lực lượng, nội các Ukraina xem xét một dự luật tăng cường kiểm tra hành chánh đối với những người có thể động viên. Hạn tuổi từ 27 giảm xuống 25, mỗi người Ukraina sẽ có một hồ sơ điện tử, việc cấp hộ chiếu kèm theo điều kiện phải đăng ký trong cơ sở dữ liệu của quân đội ...Dự luật nhằm cải cách hệ thống cũ, tăng số lượng tân binh vào lúc đang gặp khó khăn trong việc tuyển quân. Nhiều tình nguyện quân đã hơn 40 tuổi, trong khi không ít thanh niên ồ ạt đăng ký vào đại học để trốn lính. 

La Croix cho biết một luật theo hướng này trước đó đã được thông qua, nhưng chưa bao giờ được tổng thống Volodymyr Zelensky phê chuẩn. Lần này cũng vậy, nhà xã hội học Yulia Shukan của đại học Paris-Nanterre nhận xét : « Sự kiện không phải là tổng thống mà là hội đồng bộ trưởng đưa ra dự luật cho thấy thế khó của chính quyền ». Theo ông Zelensky, quân đội đòi động viên từ 450.000 đến 500.000 người. Bên cạnh đó, tướng Valeri Zaloujny cũng hứa rằng những quân nhân đã chiến đấu suốt 36 tháng sẽ được trở về nhà. Bà Shukan nói thêm, « Các chiến binh, dù tình nguyện hay không, đều cảm thấy bị bất công so với những người trốn tránh động viên ».

Chiến sĩ Ukraina trước một cuộc chiến chưa thấy hồi kết

Trên tiền tuyến, trong nhiều tuần qua, đặc phái viên Le Monde đã thu thập được lời kể của những chiến binh Ukraina ở các mặt trận Dnipro, Donetsk và Zaporijia. Họ bày tỏ quyết tâm đồng thời thổ lộ những khó khăn khi trở về đời sống dân sự trong những ngày phép ngắn ngủi.

Dọc theo 1.000 kilomet chiến tuyến, mùa đông đã đến. Trời lạnh như cắt, tuyết và bùn phủ kín mọi thứ, gió xuyên vào da thịt. Hai mươi hai tháng sau khi quân xâm lăng kéo sang, Ukraina đang trong một cuộc chiến kéo dài. « WarWar », người lính thuộc một đơn vị đặc biệt của tình báo quân đội chiến đấu ở mặt trận Zaporijia. Anh cho biết tình hình căng thẳng hơn năm ngoái do drone tự sát của Nga, họ không thể chạy xe mà phải đi bộ nhiều cây số.

Thượng sĩ Sergiy Vengerskiy tức « Zakhar », tiểu đoàn 518 lục quân cũng nhìn nhận mùa hè vừa qua rất gian khổ. « Chúng tôi không có đủ lính cũng như đạn pháo. Cuối mùa hè, chúng tôi chỉ có 14 người chiến đấu chống lại 150 lính Nga. Họ đã bắn nát cả khu rừng, không còn một cây nào đứng vững. Quân Nga tấn công rất nhiều đợt, không có pháo để tiêu diệt sẽ không làm được gì ». Trung sĩ « Dizel » của tiểu đoàn lục quân 49 cho biết quân Nga đánh theo kiểu biển người dù bị dập pháo, những ai còn sống tiếp tục tiến. Anh cho rằng họ có thể dùng đến ma túy.

Phải giết địch để mình được sống

Đại tá Oleh Uminskiy chỉ huy lữ đoàn đặc biệt số 1 ở Bakhmut nói, những trận đánh rất dữ dội nhưng không bên nào vượt lên được. Ông mô tả tiền tuyến giống như trong tác phẩm « Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh » của nhà văn Erich Maria Remarque thời Đệ nhất Thế chiến.Nhưng thay vì các chiến hào sâu, người lính phải sống và chiến đấu trong những hố như của loài cáo. « Không thể có điện, đốt lửa nấu nướng, sưởi ấm vì sẽ bị các drone tầm nhiệt của địch phát hiện. Phải đi bộ 5 đến 10 cây số mới có được một bữa ăn nóng ». Tuy nhiên đại tá Uminskiy vẫn khẳng định điều cốt yếu vẫn là phải đánh bại kẻ thù.

Ngược lại, đại tá « V », chỉ huy một tiểu đoàn bộ binh ở miền đông cho rằng quân đội vẫn còn « quá xô-viết », việc cung ứng vũ khí đạn dược là nỗi lo chính. Ông kể, khi lính phát hiện đạn của Nga nhờ drone, phải mạo hiểm sang thu lượm, đôi khi thường dân vùng chiếm đóng giúp một tay để đổi lấy một ít tiền hay vodka. « Việc này bị cấm, nhưng nếu quân đội gởi đủ đạn, chúng tôi không đến nỗi phải đi ăn trộm ».

Trở thành một chiến sĩ tinh nhuệ, « WarWar » cho biết chiến tranh đã thay đổi ba điều trong cuộc sống : anh luôn bị đau đầu phải uống thuốc, không thể ngủ trong bóng tối và yên tĩnh, không thể ở đâu đó một mình. Tuy vậy anh hãnh diện là thành viên của lực lượng đặc biệt, cảm thấy hàm ân những người lính bộ binh canh giữ tiền tuyến, nhờ họ mà Ukraina đứng vững. « Zakhar » thổ lộ, sau khi vượt qua tất cả những giới hạn của nỗi sợ, anh cảm thấy mình « chỉ là một cơ thể còn sống ». Đứng trước một quân địch, tuy không thù oán gì nhưng phải nổ súng, « giết để được sống ».

Kreminna, « khu rừng sinh tử »

Đặc phái viên Libération đến với mặt trận Kreminna ở vùng Luhansk, nơi rừng chia cắt khu vực bị Nga chiếm đóng với lãnh thổ Ukraina. Từ một năm qua, lực lượng Ukraina cật lực chiến đấu trong môi trường rừng cây dày đặc mìn bẫy và xác chết. Họ đã trải qua mùa hè nóng và khô dễ xảy ra cháy rừng, mùa thu bùn lầy khó di chuyển cũng như tiếp tế, rồi đến mùa đông lạnh giá. Thời Đệ nhị Thế chiến, quân Liên Xô và Đức quốc xã đối địch những khu rừng thông này. Gần chiến tuyến hiện nay, phía rừng bị Nga chiếm đóng, có mồ chôn tập thể 391 Hồng quân.

Không có nhà cửa, công sự, nơi duy nhất mà người lính trong rừng có thể ẩn náu chỉ là những hố bom cũ. Họ e sợ nhất là KAB (bom do laser dẫn đường được phi cơ thả xuống), tạo ra hố rộng 15 mét, sâu 4 mét, nếu rơi trúng cả đơn vị không ai sống sót được. Tại khu rừng được mệnh danh là « sinh tử » này, cái chết nhiều hơn sự sống. Xung quanh Yampil và Lyman, đã có 128.000 quả bom, mìn đủ loại được thu thập trên diện tích rừng 40 hecta.

Đồng minh có thực sự muốn Ukraina thắng Nga ?

Sau gần hai năm chiến đấu, nhiều chiến binh - không phải là quân nhân trước khi Nga xâm lăng - có cái nhìn nghịch lý về quân đội. Một mặt họ thực sự tôn trọng các sĩ quan tác chiến sẵn sàng hy sinh để bảo vệ người khác, mặt khác thường chỉ trích bộ tham mưu dù tướng Valeri Zaloujny rất được ngưỡng mộ.« Dizel » nói các sĩ quan trong tiểu đoàn của anh không bao giờ gởi lính đến những nơi chưa biết rõ, làm mọi cách để giữ gìn mạng sống cho các chiến binh. Và chưa bao giờ một tử sĩ bị bỏ lại trên chiến trường, đó là điểm khác biệt với quân Nga.

Tuy biết ơn sự giúp đỡ của phương Tây, nhưng nhiều người lính tự hỏi liệu các đồng minh có thực sự muốn Kiev chiến thắng và Matxcơva bại trận trong cuộc chiến tranh này hay không ? Đại tá Oleh Uminskiy cay đắng nói, thế giới chỉ nói về lý thuyết, khi nào người châu Âu thấy những thành viên trong gia đình phải ra trận thì họ mới chịu hiểu.

Andriy Onistrat, phụ trách tuyển quân ở Kiev nhấn mạnh, cần phải hủy bỏ lệnh cấm Ukraina không được dùng vũ khí phương Tây tấn công vào đất Nga, quyết định này làm Ukraina hao tốn hàng trăm sinh mạng mỗi ngày. « Bankir » cũng nghi ngờ quyết tâm của các đồng minh, cho rằng nên dành một ngày ra chiến trường hay ít nhất một nhà xác, một nghĩa trang, để hiểu thêm về chiến tranh.

Jacques Delors, người kiến tạo Liên Hiệp Châu Âu qua đời

Về cựu chủ tịch Ủy Ban Châu Âu vừa qua đời hôm qua tại Paris ở tuổi 98, tất cả các báo đều có những bài viết trang trọng về ông. Libération chạy tựa trang nhất « Jacques Delors, tiểu thuyết của một người châu Âu », và dành đến sáu trang báo khổ lớn cho chính khách dân chủ xã hội của cánh tả. La Croix cũng đăng ảnh chân dung của ông trên nền xanh lá cờ của Liên hiệp, Le Figaro nhấn mạnh đến « người kiến tạo châu Âu ».

Les Echos trong bài « Jacques Delors, ngôi sao của Bruxelles » khẳng định, thời gian ông làm chủ tịch là thời đại vàng của Liên Hiệp Châu Âu. Tờ báo nêu rõ, việc thống nhất thị trường chung châu lục, hiệp ước Maastricht lập ra đồng tiền chung euro, tăng gấp đôi quỹ cấu trúc giúp các nước Nam Âu đuổi kịp Bắc Âu, đều là tác phẩm của Delors.

Libération nhắc lại, hồi năm 1994 khi Jacques quyết định không ra tranh cử tổng thống Pháp tuy là khuôn mặt sáng chói nhất của cánh tả lúc đó, sau vầng hào quang của việc chuyển đổi từ Cộng đồng Kinh tế châu Âu thành Liên Hiệp Châu Âu, nhiều người đã rất thất vọng. Trả lời phỏng vấn truyền hình, ông nói rằng đã sắp 70 tuổi, đã làm việc không ngơi nghỉ suốt 50 năm, hợp lý nhất là nên có cách sống khác. Nhưng ông còn tiếp tục sống và cống hiến thêm gần 30 năm nữa, một chính khách thẳng thắn, hòa đồng và đầy nhiệt huyết. Rất logic khi năm 2015 ông được tặng danh hiệu « công dân danh dự châu Âu » - người thứ ba sau Jean Monnet và Helmut Kohl.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?