Khối BRICS là gì và quốc gia nào sẽ gia nhập vào đầu năm 2024?

 Cảnh Cairo và kim tự tháp

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Ai Cập, quốc gia đông dân nhất tại Bắc Phi, cũng sẽ gia nhập khối BRICS

Khối BRICS sẽ có thêm năm quốc gia thành viên mới gia nhập, từ châu Phi và Trung Đông.

Tổ chức này muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn dành cho tất cả các nền kinh tế đang nổi.

Khối BRICS là gì và quốc gia nào sẽ gia nhập?

Vào năm 2006, Brazil, Nga, Ấn Độ, và Trung Quốc đã thiết lập khối “BRIC”. Nam Phi gia nhập vào năm 2010, và khối đã đổi tên sang “BRICS”.

Ai Cập, Ethiopia, Iran, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất sẽ gia nhập vào ngày 1/1/2024.

Không có thông báo về tên gọi mới của khối được mở rộng này, nhưng được cho có thể là “BRICS+”.

Argentina cũng được mời tham gia nhưng tân Tổng thống Javier Milei nói quốc gia này sẽ không gia nhập.

Các quốc gia trong BRICS đưa ra quyết định trong thượng đỉnh thường niên. Các quốc gia thành viên của BRICS sẽ giữ vai trò chủ tịch luân phiên trong nhiệm kỳ một năm.

Tại sao BRICS lại quan trọng?

GDP các nước thuộc khối BRICS

Các quốc gia trong BRICS bao gồm các cường quốc, như Trung Quốc và Nga, và các quốc gia lớn tại lục địa của họ, như Nam Phi và Brazil.

Khối BRICS gồm tổng dân số là khoảng 3,5 tỷ người, tương đương 45% dân số thế giới.

Tổng giá trị nền kinh tế của các quốc gia này hơn 28,5 ngàn tỷ USD – khoảng 28% nền kinh tế toàn cầu.

Các quốc gia trong BRICS sản xuất khoảng 44% sản lượng dầu thô của thế giới.

Tuy nhiên, các quốc gia trong BRICS cũng cho rằng những nước Phương Tây cũng thống trị các định chế quan trọng như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), giữ vai trò cho những nước này vay tiền.

Họ đã đòi hỏi một “tiếng nói và vai trò đại diện lớn hơn” cho các nền kinh tế đang nổi.

Vào năm 2014, các quốc gia trong BRICS đã thành lập Ngân hàng Phát triển Mới (New Development Bank) để cho vay nguồn vốn hỗ trợ phát triển.

Tính đến cuối năm 2022, ngân hàng này đã cho vay gần 32 tỷ USD cho các nền kinh tế đang phát triển, dành cho các dự án cầu đường, đường sắt và cung cấp nước.

Đây là chính là mục tiêu của Trung Quốc cho BRICS, Giáo sư Padraig Carmody, một chuyên gia và địa lý phát triển từ Đại học Trinity College Dublin cho biết.

“Thông qua BRICS, Trung Quốc đang cố gắng gia tăng quyền lực và tầm ảnh hưởng – đặc biệt tại châu Phi,” ông nói. “Trung Quốc muốn trở thành tiếng nói dẫn đầu ở Nam Bán Cầu.”

Nga, một quốc gia lớn khác trong BRICS, lại có một mục đích khác.

“Nga xem khối này nằm trong một cuộc chiến chống Phương Tây, giúp vượt qua các lệnh trừng phạt bị áp đặt sau cuộc xâm lược của Ukraine,” Creon Butler từ Viện nghiên cứu Chatham House nói. Tư cách thành viên của Iran cũng gia tăng tính chất chống Phương Tây trong khối BRICS, ông cho biết thêm.

Liệu đồng tiền của BRICS có thể thay thế USD?

Các quốc gia thường sử dụng USD để giao dịch.

Các chính trị gia hàng đầu ở Brazil và Nga đã đề xuất tạo một dạng tiền tệ BRICS, để giảm sức thống trị của USD. Tuy nhiên, vấn đề này đã không được thảo luận tại Thượng đỉnh năm 2023 của BRICS.

Sẽ là điều phi thực tế đối với các quốc gia trong BRICS nhằm tạo ra một dạng tiền tệ chung, bởi vì nền kinh tế của họ quá khác biệt, Giáo sư Carmody nói.

Tuy nhiên, “họ có thể cân nhắc trong tương lại tạo ra một dạng tiền tệ mới nào đó được sử dụng cho các hoạt động giao thương quốc tế, hoặc đồng tiền kỹ thuật số cho nền thương mại quốc tế,” ông nói.

BRICS có thể trở thành đối thủ của G20 hay không?

Nhóm G20 được thành lập vào năm 1999, để các quốc gia phát triển và đang phát triển thảo luận các vấn đề toàn cầu, như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, khối BRICS bao gồm các nhiều quốc gia cũng thuộc G20.

Trong tương lai, họ có thể hoạt động song song, Tiến sĩ Irene Mia từ IISS (Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược) cho biết.

“Cùng nhau, họ có thể kêu gọi có thêm tiền cho các quốc gia đang phát triển giải quyết nạn biến đổi khí hậu, hoặc giảm sức mạnh của đồng đôla Mỹ với vai trò đồng tiền của thế giới,” bà nói.

Nga có thể sử dụng vị trí chủ tịch BRICS 2024 như thế nào?

Nga sẽ chủ trì thượng đỉnh BRICS tại thành phố Kazan vào tháng 10 tới.

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố ông sẽ sử dụng vai trò chủ tịch để:

  • Gia tăng vai trò của BRICS trong hệ thống tài chính quốc tế
  • Phát triển hợp tác giữa các ngân hàng và mở rộng sử dụng các đồng tiền trong BRICS
  • Thúc đẩy hợp tác giữa các cơ quan thuế và hải quan

“Với BRICS, Nga sẽ muốn cho Phương Tây thấy là quốc gia này vẫn có bạn và đồng minh trong phần còn lại của thế giới, bất chấp cuộc xâm lược Ukraine”, Tiến sĩ Mia nhận định.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?