Sự vênh nhau giữa các vị lãnh đạo ở Hội nghị Ngoại giao 32

 Nguyễn Phú Trọng, Phạm Minh Chính

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

  • Tác giả,Blogger Quảng Trí
  • Vai trò,Gửi tới BBC từ Hà Nội

Sự vênh nhau giữa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Phạm Minh Chính về đánh giá cục diện tình hình và tìm kế sách ứng phó là câu chuyện của tư duy.

Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32 đã diễn ra từ 19/12 đến 23/12/2023. Trong 5 ngày họp, ngoài việc đánh giá cục diện quốc tế để tìm đối sách phù hợp, lần này Hội nghị còn có thêm một trách vụ mới là thảo luận về đề án “Chiến lược xây dựng và phát triển ngành Ngoại giao đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Hôm hội nghị khai mạc, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu được cho là để đánh giá bao quát các thành tựu quan trọng có ý nghĩa lịch sử về đối ngoại trong thời gian qua, cũng như gợi mở và nhấn mạnh thêm một số vấn đề cần quan tâm cho thời gian tới.

Đặc biệt hơn cả “đối tác chiến lược toàn diện”

Nhằm nêu bật các kết quả bao trùm về đối ngoại gần đây, ông Trọng nhấn mạnh ý nghĩa lịch sử của việc tổ chức đón Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Mỹ Joe Biden, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch Đảng Nhân dân Campuchia Hun Sen và nhiều nguyên thủ quốc gia các nước quan trọng khác…

Việc Tổng Bí thư Trọng phân biệt rạch ròi và tuyên bố công khai 3 nước có “quan hệ đặc biệt” là Trung Quốc, Lào và Campuchia cho thấy nhiều điều, nhất là khi ông đặt 3 nước này lên trên cả các “đối tác chiến lược toàn diện” Hoa Kỳ, Nhật Bản… và một số mới được bổ sung vào nhóm này vừa qua.

Một cách gián tiếp, ông Trọng xiển dương việc Việt Nam đã thỏa mãn được lòng tự ái của Trung Quốc, khi mà, sau một thời gian do dự, Hà Nội mới dám nâng vượt cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên đối tác chiến lược toàn diện. Vậy là Trung Quốc từ nay “an tâm”, không phải ngồi cùng chiếu với các cường quốc “giẫy chết” như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Đặt Trung Quốc lên “kèo trên” như thế, Tổng Bí thư đi đến tự khẳng định, vậy là từ thuở bị bao vây cấm vận đến nay, “chưa bao giờ đất nước ta có được cơ đồ, tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế như ngày nay”. Mà cái vị thế quốc tế ấy là gì? Đó là Trung Quốc, Lào, Campuchia vẫn là những đối tác hàng đầu, có “quan hệ đặc biệt” với Hà Nội?

Trong khi trên thực tế, chính Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và tới đây bổ sung thêm nước Úc, mới là những đối tác đối tác chiến lược toàn diện có vị thế không thể thay thế về chính trị, an ninh và kinh tế đối với Việt Nam, không chỉ trong những năm trước mắt.

Tập Cận Bình “lật kèo”?

Hình ảnh tre trúc tại lễ đón Chủ tịch Tập ở Hà Nội được chú ý nhiều

NGUỒN HÌNH ẢNH,VNA

Chụp lại hình ảnh,

Hình ảnh tre trúc tại lễ đón Chủ tịch Tập ở Hà Nội được chú ý nhiều

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình, trong một bài viết gửi đăng trên báo Nhân Dân ngày 12/12, đã khẳng định: “Hiện nay, biến cục thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng...”. Trong “biến cục” như vậy, mà tư duy quốc tế của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn là từ thuở “môi hở răng lạnh” với Trung Quốc và coi “đoàn kết Đông Dương là quy luật thép” của cách mạng Việt Nam.

Cho nên Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đã phải kêu gọi “ngành Ngoại giao cần sớm hoàn thiện Đề án Chiến lược phát triển đến năm 2030”. Ông Quang coi đây “là điều rất cần thiết và kỳ vọng sẽ giải quyết được nhiều vướng mắc mà ngành Ngoại giao đang gặp phải”.

Những vướng mắc mà ông Quang quan ngại Ngoại giao đang mắc phải là hoàn toàn chính xác. Bởi vì, ông Tập vừa rời Hà Nội hôm trước thì ngay ngày hôm sau (14/12/2023) website của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã “giật tít lớn” và nhắc lại nhiều lần trong bài viết có cụm từ nổi bật “Cộng đồng vận mệnh chung Trung – Việt”.

Theo cách này, Trung Quốc đã đơn phương loại bỏ khái niệm “cộng đồng chia sẻ tương lai” khi ca ngợi các tiến triển mới trong quan hệ hai nước do hai đảng cộng sản lãnh đạo. Vậy là chỉ sau có một ngày, ông Tập đã lập tức cho đánh tráo ngay điều giữa ông và ông Trọng vừa thỏa hiệp sau bao năm trời giằng co và o ép.

Chuyện này gợi nhớ “sự lật kèo” của ông Tập hồi năm 2015. Lần ấy, trước 500 đại biểu Quốc hội Việt Nam, ông Tập ca ngợi “phải mất ngàn vàng mới mua được láng giềng gần”, nhưng cũng chỉ sau đó mấy giờ đồng hồ khi bay qua Singapore, ông đã lại tuyên bố không úp mở: “Các đảo ở Biển Đông là của Trung Quốc từ thời cổ đại”.

Phó Thủ tướng và Thủ tướng phản biện?

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang không phải là nhà ngoại giao chuyên nghiệp như Phạm Bình Minh thời gần đây hay Nguyễn Cơ Thạch xa xưa. Là chính khách từ địa phương lên, có thể nhờ thế, ông cảm nhận được “độ vênh khá lớn” giữa những sáo ngữ của Tổng Bí thư Trọng và những khó khăn trên thực tế do Trung Quốc và Camphuchia gây ra cho Việt Nam.

Xuất thân từ Nam Bộ, làm sao mà ông Quang không hiểu được kế hoạch Kênh Phù Nam một khi được thực hiện không thể không ảnh hưởng đến hệ thống sông Mekong? Ông Quang chắc cũng không xa lạ với cụm từ “Cửu Long cạn dòng Biển Đông dậy sóng” trong tác phẩm đồ sộ hơn 600 trang và “Mekong Dòng sông nghẽn mạch” trên 300 trang của nhà văn Ngô Thế Vinh?

Không chỉ Phó Thủ tướng Quang, hàng trăm hộ nông dân nuôi trồng thủy sản hẳn cũng đang khốn đốn khi mà hàng trăm tấn tôm hùm những ngày này đang chờ “giải cứu” vì hiện nay, thủ tục bán sang Trung Quốc vẫn tắc như mấy tháng trước.

Cho nên không ngạc nhiên, tham dự Hội nghị Ngoại giao nói trên sau đó một ngày, trong phát biểu chỉ đạo của mình, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng “Ngoại giao cây tre” ở Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế còn bị động, ngoại giao kinh tế vẫn chưa thành hệ thống, còn manh mún, chia cắt, chưa có trọng tâm, trọng điểm.

Hàm ý ở đây của Thủ tướng Chính phải chăng là chủ thuyết nền ngoại giao cây tre của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nặng về “ứng phó” thay vì hành động có tính chủ động, nhất là thể hiện vai trò lãnh đạo trong các thể chế ở tầm khu vực…

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh tình hình thế giới sẽ tiếp tục khó khăn, nguy nhiều hơn cơ. Trong bối cảnh đó, toàn ngành ngoại giao phải nỗ lực hơn, nâng cao tính chủ động trong triển khai công tác ngoại giao kinh tế .

Giới quan sát cũng nhận định, “Ngoại giao cây tre” chỉ nên dừng lại ở tính biểu tượng, thay vì cứ tán dương kéo dài, vì trên thực tế một khi có sóng to, gió lớn, tre sẽ không trụ được, vẫn bật gốc…

Chiến lược “đu dây” có bền?

Theo Giáo sư Alex Vuving từ Hoa Kỳ, chính sách “Ngoại giao cây tre” chỉ phát huy tác dụng thời hậu Chiến tranh Lạnh, còn bây giờ quan hệ quốc tế đã chuyển sang “pha” mới, thời kỳ “sau hậu Chiến tranh Lạnh”, tạm hình dung đối đầu Đông – Tây ngày nay có Mỹ và Phương Tây một bên, còn phía bên kia, Trung Quốc và Nga.

Trong cuộc đối đầu này, những mô thức từng sử dụng từ thời “hậu Chiến tranh Lạnh” không thể áp dụng được nữa. Cạnh tranh chiến lược mới giữa các nước lớn ngày càng gay gắt thì “cây tre Việt Nam hoàn toàn có thể bị con gấu trúc Trung Quốc gặm nhấm dần dần. Cho nên Việt Nam phải tìm một phương thức mới”.

Một vị giáo sư khác, Zachary Abuza, cho biết ông không mấy ấn tượng trước nền ngoại giao cây tre của Việt Nam. “Việt Nam đã nhận được nhiều lời tán dương cho nền ngoại giao cây tre. Cá nhân tôi không thấy ấn tượng về các cuộc họp thượng đỉnh và tầm quan trọng của hệ thống thứ bậc đối tác ngoại giao song phương của phía Việt Nam. Tất cả chỉ mang tính biểu tượng, trong khi bản chất thực sự các mối quan hệ này quan trọng hơn nhiều”.

Tựu trung, diễn ngôn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Ngoại giao nói trên có quá nhiều sự khập khiễng. Tình hình thế giới, khu vực đều gia tốc, mà ông chỉ quẩn quanh “tre pheo”; tư duy thì rơi rớt từ thời Chiến tranh Lạnh. Mà ngay cả tre thì cũng phải thành khóm, thành bụi, làm gì có lẻ loi, đơn độc. Nên Nguyễn Duy mới đúc kết: “Lũy thành từ đó mà nên hỡi người”; tre luôn sinh trưởng, phát triển nhờ vào các cấu trúc liên kết và liên minh.

(*) Bài viết do blogger Quảng Trí từ Hà Nội gửi Diễn đàn BBC News Tiếng Việt; thể hiện quan điểm và văn phong của tác giả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?