Trung Quốc tăng cường sức ép lên cuộc bầu cử Đài Loan

Đài Loan

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

  • Tác giả,Rupert Wingfield-Hayes
  • Vai trò,BBC News
  • Đài Loan

Mặt trời tháng mười hai đang thiêu đốt trên bán đảo Hằng Xuân, lưỡi đất nhô ra từ phần cuối của Đài Loan ở vùng Biển Philippines.

Một điếu thuốc đang hút dở thò ra từ khóe miệng Hứa Cảnh Duệ (Hsu Keng-Jui). Ông là thành viên của mạng lưới tình nguyện viên - hầu hết là cựu chiến binh như ông - những người theo dõi sự hiện diện liên tục của tàu và máy bay Trung Quốc ngay bên ngoài ranh giới lãnh thổ của Đài Loan.

Sử dụng dây buộc bằng nhựa, ông Hứa buộc một ăng-ten vô tuyến dài vào một lan can thép, sau đó ngồi xuống với chiếc radio bỏ túi và bắt đầu dò qua các kênh quân sự. Đầu tiên, tất cả những gì chúng tôi nghe thấy là giọng miền nam nhẹ nhàng của lực lượng bảo vệ bờ biển Đài Loan chỉ đạo giao thông trên biển. Sau đó, một giọng khác với âm sắc khác xuất hiện. Đó là hải quân Trung Quốc.

Trung Quốc đang gia tăng áp lực trước cuộc bầu cử tổng thống quan trọng ở Đài Loan, hòn đảo mà từ lâu họ coi là tỉnh nổi loạn. Chỉ còn vài tuần nữa là tới ngày bầu cử, Bắc Kinh hiện ra rõ hơn bao giờ hết - trên lá phiếu và ở biên giới Đài Loan.

“Chúng tôi đại diện cho toàn thể nhân dân Trung Quốc”, giọng nói từ hải quân Trung Quốc vang lên. “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là chính phủ hợp pháp duy nhất của Trung Quốc và Đài Loan là một phần không thể tách rời của Trung Quốc.”

Hút một điếu thuốc khác, ông Hứa tỏ ra bình thản: "Bây giờ tôi nghe thấy nó hàng ngày. Cứ như thể họ đang đọc từ một kịch bản có sẵn vậy."

Một giọng nói khác vang lên trên sóng. Đó là thuyền trưởng của một tàu kéo Trung Quốc, chỉ cách bờ biển Đài Loan ba hải lý.

Vị thuyền trưởng này đã được yêu cầu di chuyển ra khỏi lãnh hải của Đài Loan, nhưng ông ta từ chối: "Các ông đang nói về lãnh hải nào vậy? Đài Loan không có lãnh hải nào cả!"

Ông Hứa Cảnh Duệ đột nhiên tức giận. Ông chồm lên, chộp lấy máy liên lạc cầm tay và tuôn một tràng chửi rủa qua sóng vô tuyến. Ông chửi thề khi ngồi xuống, lẩm bẩm, "Hắn ta nghĩ mình là ai chứ?"

Hsu Keng-Jui
Chụp lại hình ảnh,

Ông Hứa Cảnh Duệ

Trong nhiều thập kỷ, chính quyền Bắc Kinh và Đài Bắc đã có một thỏa thuận bất thành văn là không vượt qua đường trung tuyến phân chia eo biển rộng 180 km giữa hai bên. Bây giờ Trung Quốc hầu như đi qua nó hàng ngày, trên biển và trên không. Vào một ngày hồi tháng Chín, Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã điều hơn 100 máy bay bay về phía Đài Loan, 40 trong số đó đã vượt qua đường trung tuyến.

Cái gọi là “chiến tranh vùng xám” này nhằm mục đích “khuất phục kẻ thù mà không cần chiến đấu” mượn lời của một chiến lược gia quân sự huyền thoại Trung Quốc. Trong trường hợp này, kẻ thù là chính phủ Đài Loan, những người ủng hộ việc Đài Loan tách khỏi Trung Quốc vĩnh viễn và các đồng minh nước ngoài của Đài Loan như Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Đô đốc đã nghỉ hưu Lý Hỉ Minh, cựu chỉ huy lực lượng vũ trang Đài Loan, cho biết: “Trung Quốc đang gửi một thông điệp rất mạnh mẽ tới Hoa Kỳ và thậm chí cả Nhật Bản rằng Đài Loan là một phần của Trung Quốc. Rằng đây là khu vực của chúng tôi nên chúng tôi có thể làm bất cứ điều gì chúng tôi muốn. Cùng lúc, hành động này còn nhằm mục đích khiến người Đài Loan sợ hãi và khiến họ đầu hàng."

Với việc Đài Loan sẽ bầu tổng thống mới vào ngày 13/1, mục tiêu chính là làm suy yếu sự ủng hộ dành cho Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền. Tổng thống hiện tại của hòn đảo Thái Anh Văn sắp mãn nhiệm sau tám năm nắm quyền.

Bắc Kinh lại xuất hiện trên lá phiếu

Tổng thống Thái Anh Văn cùng phó tổng thống William Lai

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Tổng thống Thái Anh Văn cùng Phó Tổng thống Lại Thanh Đức

Tổng thống Thái Anh Văn, người thẳng thắn nhưng khéo léo trong việc bảo vệ chủ quyền của Đài Loan, bị Bắc Kinh vô cùng căm ghét. Nhưng người đang tranh cử để thay thế bà, Phó Tổng thống Lại Thanh Đức, còn bị ghét thậm tệ hơn. Mặc dù ông Lại nói sẽ không làm gì để thay đổi hiện trạng, ông vẫn bị Trung Quốc coi là một "người theo chủ nghĩa ly khai" cứng rắn, một người ủng hộ nền độc lập chính thức của Đài Loan.

Thông điệp của Bắc Kinh gửi tới cử tri ở Đài Loan là bỏ phiếu cho Lại Thanh Đức là bỏ phiếu cho chiến tranh. Đó cũng là thông điệp từ đảng đối lập chính, Quốc Dân Đảng (KMT). Ứng cử viên Hầu Hữu Nghi của đảng này nói với những người ủng hộ tại một cuộc vận động gần đây: "Cả thế hệ của chúng ta sẽ mất tất cả những gì chúng ta đã đấu tranh trong suốt cuộc đời mình [nếu ông Lại thắng]."

Nhưng những người ủng hộ DPP dường như không hề nao núng. Họ từng xem bộ phim này trước đây và bốn năm lại xem một lần kể từ cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên của Đài Loan vào năm 1996.

Vào một buổi chiều chủ nhật mưa phùn gần đây, khoảng 60.000 người ủng hộ DPP đã tập trung tại một quảng trường ở trung tâm thành phố Đài Bắc để xem ông Lại và người đồng tranh cử của ông phát biểu.

Sau đó, Tổng thống Thái Anh Văn bước lên sân khấu và đám đông hò reo cổ vũ và vẫy những lá cờ nhỏ màu xanh lá cây của DPP. Nằm rải rác trong số đó là nhiều lá cờ cầu vồng của cộng đồng đồng tính. Bà Thái Anh Văn được cộng đồng LGBT ở đây yêu mến vì đã biến Đài Loan trở thành nơi đầu tiên ở châu Á hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới.

Gác các cuộc bầu cử dân chủ sang một bên, đây lại là một điều nữa khiến Đài Loan khác biệt với Trung Quốc. Và đó là một trong nhiều lý do khiến những người ủng hộ DPP kiên quyết khẳng định hòn đảo này sẽ không bao giờ là một phần của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Frederika Chou nói: “Tôi rất lo lắng [về các mối đe dọa từ Trung Quốc], nhưng tôi không sợ hãi. Bởi vì tôi sẽ tình nguyện trở thành một người lính và chiến đấu nếu họ cố gắng xâm chiếm đất nước xinh đẹp của chúng tôi."

Abby Ding, 27 tuổi, đi cùng cha từ thành phố Đài Nam ở miền nam tới Đài Bắc để tham dự chiến dịch vận động, cho biết: “Một ngày nào đó có thể có chiến tranh, nhưng tôi không sợ vì tôi là người Đài Loan và tôi cần bảo vệ đất nước của mình”.

Bắc Kinh không phải là vấn đề duy nhất trên lá phiếu. Giá cả tăng, nhà ở đắt đỏ và cơ hội bị thu hẹp đã gây ra sự bất mãn đối với DPP - cũng như đẩy các cử tri trẻ vào vòng tay của Đảng Nhân dân Đài Loan và ứng cử viên dân túy Kha Văn Triết của đảng này.

Từng là người ủng hộ DPP, ông Kha giờ đây tự coi bản thân là một lựa chọn trung dung giữa các đối thủ chính của mình - và là người có thể làm trung gian cho mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh. Trong khi “thống nhất” luôn là một khả năng có thể xảy ra, thì các yêu sách của Trung Quốc giờ đây đã trở nên cấp bách hơn, đặc biệt là với việc nhà lãnh đạo Tập Cận Bình nhiều lần tuyên bố sẽ chiếm lấy hòn đảo này, thậm chí còn đưa ra thời hạn chót để thực hiện.

Vấn đề Đài Loan nên chuẩn bị tới mức nào để chiến đấu đang gây chia rẽ giữa các đảng phái chính của hòn đảo. Chính phủ do DPP lãnh đạo hiện tại đã đầu tư rất nhiều vào các tàu ngầm mới tự chế tạo và mua thêm nhiều máy bay chiến đấu F-16 và tên lửa hiện đại từ Mỹ. Nước này đã khôi phục chế độ nghĩa vụ quân sự bắt buộc kéo dài 12 tháng và cho biết sẽ làm nhiều hơn thế nếu tái đắc cử.

Quốc Dân Đảng thì có nhiều mâu thuẫn trong tư tưởng hơn. Ứng cử viên cho vị trí phó tổng thống của họ, Triệu Thiếu Khang, đã coi chương trình đóng tàu ngầm là một dự án phù phiếm và lãng phí tiền bạc. Gia đình ông Triệu đến từ Trung Quốc và ông từ lâu đã được coi là một trong những tiếng nói thân Bắc Kinh nhất trong chính trường Đài Loan.

Ông nói cách duy nhất để bảo đảm hòa bình cho Đài Loan là đàm phán với Bắc Kinh, trấn an ông Tập rằng Đài Loan không có ý định độc lập và một ngày nào đó Đài Loan và Trung Quốc có thể và nên thống nhất.

Đây không phải là quan điểm không được ưa chuộng ở Đài Loan. Các mối quan hệ của hòn đảo này với Trung Quốc, từ quan hệ gia đình đến thương mại, rất sâu sắc và đan cài với những câu hỏi phức tạp về quá khứ và danh tính. Đó là một vấn đề thường khiến thế hệ lớn tuổi – những người có mối quan hệ bền chặt với đại lục – phản đối những người trẻ tuổi lớn lên trong một xã hội dân chủ, cởi mở.

Không ai phủ nhận mối đe dọa quân sự từ Trung Quốc nhưng họ bị chia rẽ về cách tốt nhất để ngăn chặn nó.

Trong khi các bên đang tranh cãi, lực lượng không quân của Đài Loan đang dần dần kiệt sức trước sức ép liên tục của Trung Quốc.

Một buổi sáng sớm tháng 12, một nhóm máy bay chiến đấu Mirage 2000 xuất phát từ căn cứ ở bờ biển phía tây và lao ra eo biển Đài Loan. Căn cứ này là nơi đồn trú của 45 máy bay phản lực thuộc phi đội phản ứng nhanh của Đài Loan, có nhiệm vụ đối đầu với những máy bay Trung Quốc hàng ngày thăm dò bên rìa không phận Đài Loan.

Những chiếc máy bay này được mua từ Pháp vào đầu những năm 1990 và hiện đã cũ kỹ. Đô đốc về hưu Lý Hỉ Minh nói rằng Trung Quốc đang làm suy yếu lực lượng không quân Đài Loan. Và họ có thể cảm nhận được tác động này khi công tác bảo trì đã được gia tăng và "nó thực sự ảnh hưởng đến năng lực của chúng tôi", ông nói thêm.

Trung Quốc có đủ khả năng để bay bao nhiêu lần tùy thích. Quân Giải phóng Nhân dân có hơn 2.000 máy bay chiến đấu và đang sản xuất thêm nhiều chiếc nữa. Đài Loan có dưới 300 chiếc, nhiều trong số đó hiện có tuổi đời hơn một phần tư thế kỷ.

Các chuyên gia quân sự nói rằng sự hao mòn của phi đội Mirage rất lớn và chi phí sửa chữa cao đến mức họ đã lặng lẽ ngừng hoạt động bay để ngăn chặn mọi cuộc xâm nhập, trừ những cuộc xâm nhập mang tính đe dọa lớn nhất của Trung Quốc.

Ván cờ lâu dài

Dữ liệu thăm dò mới nhất cho thấy ông Lại và DPP đang hướng tới chiến thắng vào tháng 1 dù với cách biệt thấp. Đối với DPP, đây sẽ là nhiệm kỳ tổng thống thứ ba liên tiếp chưa từng có và là một cái tát vào mặt Bắc Kinh.

Nhưng DPP có thể sẽ nhận được ít hơn 40% phiếu bầu. Điều đó có nghĩa là vẫn còn thứ để ‘chơi’. Đài Loan có báo chí tự do và internet mở. Như vậy, cánh cửa đang rộng mở cho bộ máy tuyên truyền của Trung Quốc nhắm tới 60% cử tri không bỏ phiếu cho DPP. Họ cũng sẽ bỏ phiếu thành lập cơ quan lập pháp mới mà Quốc Dân Đảng có thể giành chiến thắng.

Trong nhiều năm, mục tiêu tuyên truyền chính của Trung Quốc là dân số lớn tuổi của Đài Loan, đặc biệt là những người có quan hệ gia đình với đại lục, những người có truyền thống bỏ phiếu cho Quốc Dân Đảng.

Thẩm Bá Dương (Puma Shen), một nhà hoạt động chính trị và học thuật đã dành nhiều năm nghiên cứu các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc trên khắp thế giới, cho biết: “Cho đến nay thì nó rất hiệu quả.”

"Nếu nhìn lại lịch sử, những người ủng hộ Quốc Dân Đảng từng rất chống Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng bây giờ họ chống Đài Loan độc lập. Giờ họ tin rằng những người ủng hộ Đài Loan độc lập là những người có thể gây ra chiến tranh."

Một nhóm cử tri từng coi Đảng Cộng sản Trung Quốc là kẻ thù, giờ đây lại coi DPP mới là mối nguy hiểm thực sự. Đó không phải là một quan điểm hiếm thấy ở Đài Loan. Những cư dân lớn tuổi ở Đài Bắc chỉ trích Tổng thống Thái và đảng của bà là 'một lũ gây rối'.

Nhưng Bắc Kinh biết chìa khóa thành công là giành được sự ủng hộ của cử tri trẻ, những người không theo đảng phái nào và không hài lòng với cả hai đảng truyền thống cũ. Họ hiện đang được nhắm mục tiêu thông qua TikTok và YouTube. Trung Quốc có hơn 200 kênh tải video lên hàng ngày.

Ông Thẩm nói: “Họ rất giỏi trong việc tìm hiểu những gì giới trẻ Đài Loan quan tâm và sau đó tạo ra nội dung để thu hút họ”. Đó là điều mà ông gọi là "mở đường". Khi khán giả đã được thiết lập và lòng tin phát triển, thông điệp ủng hộ Trung Quốc sẽ được đưa ra.

Nghiên cứu của ông Thẩm cho thấy có nhiều nhóm thanh niên Đài Loan không thân Trung Quốc nhưng ngày càng chống Mỹ và Nhật Bản. Những hoạt động gây ảnh hưởng như vậy khó có thể mang lại bất kỳ sự ủng hộ bất ngờ nào đối với Trung Quốc. Nhưng Bắc Kinh đang chơi ván cờ lâu dài.

Ông Thẩm nói: “Cuộc bầu cử này chỉ là một mục tiêu ngắn hạn đối với họ. Chiến lược lớn, trò chơi cuối cùng là buộc Đài Loan ký một thỏa thuận hòa bình mà không cần phải đánh nhau.”

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?