Nước láng giềng Campuchia



Wed, 08/15/2012 - 21:52 — songchi
Song Chi.

Tại Hội nghị Ngoại trưởng Asean lần thứ 45 tổ chức tại Phnom Penh tháng Bảy vừa qua, nước chủ nhà Campuchia bị dư luận các nước ASEAN và thế giới cho là đã chịu sức ép từ Trung Quốc và đã nghiêng về phía Bắc Kinh khi cương quyết từ chối đưa các vụ tranh chấp trên biển Đông vào bản thông báo chung khiến hội nghị kết thúc mà không ra được bản thông báo chung này.

Thái độ của Campuchia khiến hai nước có mâu thuẫn gay gắt nhất với TQ là VN và Philippines vô cùng thất vọng. Nhất là VN, khi các thế hệ lãnh đạo đảng cộng sản từ bao lâu nay vẫn luôn luôn có ý nghĩ Campuchia phải chịu ơn VN vì đã giúp nước này thoát khỏi họa diệt chủng Pol Pot, và chế độ Hun Sen cũng là do VN ủng hộ. Nhiều người VN cũng có ý nghĩ này. Ngay sau khi hội nghị Ngoại trưởng ASEAN thất bại vì không ra được thông báo chung, không chỉ trên báo chí chính thức mà ngay trên một số trang blog cá nhân, nhiều người đã trách Campuchia, trách ông Thủ tướng Hun Sen với những từ ngữ nặng nề, chua chát.

Nhưng “tiên trách kỷ hậu trách nhân”. Trước khi trách ông Hun Sen và Campuchia, sao chúng ta không nghĩ lại xem các ông lãnh đạo đảng và nhà nước cộng sản VN đối xử với nước láng giềng nhỏ yếu hơn có thật tử tế không. Hay từ lâu nay các ông lãnh đạo luôn tự cho mình là dân nước lớn hơn, có ơn với Campuchia nên trong cách ứng xử luôn tỏ vẻ đàn anh. Về điều này, blogger Huỳnh Ngọc Chênh có viết bài “Nghe người Kampuchia nói chuyện” và post một video clip về chuyến viếng thăm Campuchia theo lời mời của Quốc vương Sihanouk của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, bị dư luận nhân dân Campuchia bất bình vì cung cách bề trên, hách dịch, bất lịch sự của ông Tổng Trọng (ngay cả đối với Quốc vương Sihanouk). Thật khác hẳn một trời một vực với thái độ của ông Tổng và các lãnh đạo khác của VN khi sang TQ hoặc đón tiếp phái đoàn lãnh đạo Bắc Kinh sang thăm VN. (Bạn đọc có thể xem video clip này trên blog Huỳnh Ngọc Chênh: http://huynhngocchenh.blogspot.no/2012/07/nghe-nguoi-kampuchia-noi-chuyen.html)

Cái kiểu “thượng đội hạ đạp” ấy thật chẳng hay ho chút nào.

Nhưng cung cách ứng xử chỉ là chuyện nhỏ và đôi khi là chuyện của một vài cá nhân tuy làm cao, có chữ nhưng vẫn không có văn hóa trong ngoại giao, điều đáng nói hơn là đường lối chính sách của nhà nước VN đối với Campuchia. Nếu nhà cầm quyền TQ luôn luôn bắt nạt VN, tìm cách lấn của VN từng mét đất, và ngược lại, nhà cầm quyền VN luôn bị nhân dân và dư luận tố cáo là đã để mất đất, mất đảo vào tay TQ thì Thủ tướng Hun Sen và chính phủ của ông ta cũng bị các đảng đối lập và nhân dân tố cáo đã để mất đất vào tay VN. Và mới đây, ông Thủ tướng Hun Sen đã phải ra trần tình trước Quốc hội Campuchia với bài diễn thuyết dài hơn 5 tiếng đồng hồ về chuyện này. Nếu chuyện mất đất này mà có thật như lời tố cáo của người dân Campuchia, thì đứng về phía nhà cầm quyền VN, có hay ho gì khi họ ứng xử với Campuchia y như TQ đã ứng xử với VN? Nghĩa là cũng tìm cách xử ép khi ở thế mạnh hơn, trong khi đó, lại nhũn như con chi chi trước TQ lớn mạnh hơn.

Khi chúng ta chửi ông Hun Sen và người dân Campuchia vô ơn, có khác gì nhà cầm quyền Bắc Kinh và người TQ chửi người VN là vô ơn? Trong khi nếu xét đến cùng, chả có nước nào giúp nước khác một cách hoàn toàn vô tư cả. Ngày nay thì hầu hết người VN đã quá hiểu, TQ giúp Bắc VN đánh Mỹ và Nam VN  trước hết là vì họ chứ không phải vì VN. Họ cần có VN làm vùng đệm, làm sân sau an toàn, họ muốn Mỹ rút khỏi khu vực này cũng như không thể để cho một nước VN dân chủ và là đồng minh của Mỹ lại ở ngay sát họ. Còn VN giúp Campuchia trước hết cũng vì VN, tình thế lúc bấy giờ, phía Bắc thì TQ chuẩn bị đánh VN, phía Tây Nam thì chính quyền Pol Pot do TQ ủng hộ luôn tìm cách đánh phá, VN phải tìm cách thoát ra khỏi thế bị kẹp ở cả hai bên như vậy.

Là một quốc gia nhỏ yếu, nhiều năm nay CPC bị kẹt giữa hai nước đàn anh VN và TQ và nhiều lần rơi vào thế khó xử khi muốn cân bằng quan hệ cả hai bên. Nhưng bây giờ, khi Campuchia quyết định ngả về phía TQ, họ đã vì quyền lợi của nước họ. Số tiền TQ đổ vào Campuchia nhiều gấp mấy lần số tiền VN đầu tư vào CPC, TQ lại không sát biên giới với CPC để có thể lấn chiếm lãnh thổ của nước này. Lẽ ra VN phải học CPC, khi hiện nay VN cũng bị kẹt giữa hai cường quốc Mỹ và TQ-đó là chọn lựa đứng về phía quốc gia nào có lợi hơn cho nước mình.

Chưa kể, xét về nhiều khía cạnh khác, VN cũng phải học từ CPC. Đó là CPC không đi theo mô hình độc đảng độc tài như VN, TQ, không nhất nhất học theo TQ mọi thứ như VN đã và đang làm. Chúng ta biết, sau cuộc tổng tuyển cử tự do được Liên Hiệp Quốc đứng ra tổ chức vào tháng 5 năm 1993, nước Cộng hòa Nhân dân Campuchia lại trở thành Vương quốc Campuchia với mô hình quân chủ lập hiến, dân chủ, đa đảng. Ngay cái tên đảng của ông Thủ tướng Hun Sen cũng là Đảng Nhân dân Campuchia, không còn là Đảng Nhân dân Cách mạng Campuchia, bỏ luôn hai chữ "cách mạng", cũng chẳng dính líu gì đến hai chữ "cộng sản".

Là một quốc gia đa đảng, dù có thể chưa thật sự dân chủ như các quốc gia dân chủ ở phương Tây, nhưng chí ít, áp lực từ các đảng đối lập và dư luận của nhân dân khiến ông Thủ tướng Hun Sen và chính phủ của ông ta không phải cứ muốn làm gì thì làm. Khi cắm mốc dọc biên giới hai nước, ít nhất, đảng đối lập cũng có thể cử người đến xem xét, có thể lên tiếng cáo buộc mất đất và ông Hun Sen phải trực tiếp ra trước Quốc hội CPC trình bày vấn đề.

Còn ở nước ta, nào hiệp ước biên giới trên đất liền, hiệp định phân định vịnh Bắc bộ VN-TQ, phân định lãnh hải... được ký kết, nào bao nhiêu hội nghị đàm phán song phương giữa hai nước Việt-Trung, bao nhiêu cột mốc biên giới được cắm, đã có bao giờ người dân được biết rõ chi tiết, được giám sát và được quyền chất vấn đảng và nhà nước? Dù đất nước này, lãnh thổ lãnh hải này là của chung 90 triệu con dân VN chứ không phải của riêng đảng cộng sản.

Điều đáng buồn là cứ theo thời gian, dần dần VN càng ngày càng trở nên tụt hậu, phản động hơn các quốc gia láng giềng từ mô hình thể chế chính trị cho đến các chính sách đối nội, đối ngoại. Đến độ bây giờ người Việt còn phải nhìn sang các nước nhỏ yếu hơn như CPC, Philippines, hoặc từng nổi tiếng hà khắc hơn như Miến Điện để mà so sánh và ước gì, nhà nước ta cũng làm được như họ, trong chuyện này chuyện kia…Chừng vài năm nữa thôi, VN sẽ phải so sánh với ai?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?