2018 tiềm ẩn nhiều bất ổn và xung đột


Chủ nghĩa dân tộc, dân tuý ở Mỹ và thế giới phương Tây đang mở đường cho một thế giới đầy chia rẽ, dễ dẫn tới mất an ninh ở nhiều khu vực trong năm 2018.

Cuối năm 2016 đã chứng kiến hai sự kiện gây chấn động là dân Anh bỏ phiếu tán đồng việc rút khỏi Liên minh Châu Âu EU (Brexit) và nhà lãnh đạo Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ. Hai sự kiện này tác động mạnh vào bức tranh thế giới năm 2017 vừa qua, tạo ra một thế giới ngày càng hỗn loạn và vô trật tự. Nhìn vào vô số những sự kiện và diễn biến phức tạp ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới, chúng ta vẫn thấy một xu hướng chung đang định hình chính trị quốc tế cũng như chính trị ở nhiều quốc gia đi theo mô hình dân chủ, tự do phương Tây. Xu hướng ấy là sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân tuý, dân tộc đối chọi với chủ nghĩa tự do đề cao dân chủ, nhân quyền, liên minh quốc tế mà Mỹ và các nước phương Tây vẫn cổ xuý từ sau khi chiến tranh Lạnh kết thúc. 

Hình minh họa
Xu hướng dân tuý này khởi đầu từ thắng lợi của Brexit ở Anh và Donald Trump trúng cử Tổng thống ở Mỹ. Các nhà khoa học chính trị vẫn đang tìm cách định nghĩa và lý giải xu hướng dân tuý này. Tuy vậy, hầu hết đồng thuận rằng chủ nghĩa dân tuý ở khắp các nền chính trị trên thế giới có ba đặc điểm cơ bản. Thứ nhất, các nhà lãnh đạo dân tuý được bầu nhờ hứa hẹn và theo đuổi những chính sách “được lòng” dân chúng trong ngắn hạn nhưng không hợp lý, không thực tế trong dài hạn, thậm chí không thể làm được hoặc gây nhiều hậu quả nếu áp dụng. Thứ hai, các nhà lãnh đạo dân tuý lấy cơ sở ủng hộ là một nhóm chủng tộc, sắc tộc nào đó chiếm ưu thế, trong khi có xu hướng phân biệt chủng tộc với các nhóm bản sắc dân tộc khác. Thứ ba, các nhà lãnh đạo dân tuý thường đề cao quyền lực cá nhân, coi thường các thiết chế chính trị truyền thống như Đảng phái, Quốc hội, Tòa án, Báo chí. 

Một nhà lãnh đạo dân tuý có thể có một, hai hoặc cả ba đặc điểm nói trên. Với trường hợp Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông thể hiện cả ba. Thứ nhất, Trump theo đuổi những chính sách thoả mãn tâm lý số đông quần chúng như kêu gọi xây bức tường với Mexico để ngăn chặn người nhập cư, xé bỏ các hiệp định thương mại tự do để các nước Mỹ không bị “thua thiệt” trong thương mại với các nước khác. Thứ hai, Trump cũng có xu hướng khuyến khích chủ nghĩa da trắng thượng đẳng so với các thiểu số khác như người Mỹ gốc Phi, gốc Tây Ban Nha, gốc Á, thể hiện qua việc Trump chọn vào nội các đa số các nhân vật da trắng ở tầng lớp thượng lưu. Thứ ba, Trump đề cao vai trò cá nhân trong mọi quyết định chính sách, chĩa mũi dùi phê phán toàn bộ hệ thống chính trị truyền thống của Hoa Kỳ từ tam quyền phân lập tới sự độc lập của báo chí, đảng phái. 

Ở Châu Âu, những nhà lãnh đạo dân tuý như Trump cũng đã xuất hiện như bà Marine Le Pen, thủ lĩnh đảng Mặt trận Quốc gia ở Pháp, ông Norbert Hofer, lãnh đạo đảng Tự do ở Áo, ông Nigel Farage, chủ tịch Đảng Nước Anh Độc lập, ông Beppe Grill, lãnh đạo Phong trào Năm Sao ở Ý… Các nhà lãnh đạo này đều có các đặc điểm kể trên. Họ kêu gọi chính sách chống nhập cư triệt để làm vui lòng đại bộ phận dân chúng căm ghét sự xuất hiện của những người “ngoại lai” ở một Châu Âu đang ngày càng mở cửa. Họ cũng kêu gọi chống lại các thiết chế liên minh, liên kết ở Châu Âu mà họ coi là mối đe doạ với chủ quyền quốc gia. Với lập trường chống toàn cầu hoá, chống nhập cư như vậy, các lãnh đạo dân tuý và Đảng của họ đã làm nghiêng ngả chính trường nhiều nước Châu Âu.
Phương Tây đã chứng kiến những chiến thắng vang dội của phe dân tuý như ở Anh, Mỹ. Ở một số quốc gia khác như Pháp, Áo, các nhà lãnh đạo dân tuý dù thất bại trong bầu cử nhưng với số phiếu chênh lệch rất sít sao. Trong năm 2017, phong trào này vẫn âm ỉ trên toàn Châu Âu và có thể bùng phát trở lại trong những cuộc bầu cử sắp tới. 

Phong trào dân tuý lan rộng vào thời điểm này trong thế giới phương Tây bởi một số lý do chính yếu về kinh tế, chính trị và văn hoá. Thứ nhất, về kinh tế, toàn cầu hoá kinh tế khiến cho bộ phận người lao động kỹ năng thấp ở các nước phương Tây bị thua thiệt, mất việc làm vào tay những người lao động của các nước nghèo chấp nhận lương thấp hơn. Sự suy thoái này của tầng lớp lao động thấp ở Hoa Kỳ và Châu Âu khiến xã hội lâm vào tệ nạn, mất an ninh. Người lao động có xu hướng đổ lỗi cho tầng lớp giàu có, cho giới tinh hoa chính trị và đặc biệt là cho toàn cầu hoá kinh tế. Tâm lý này của họ dễ bị các nhà lãnh đạo dân tuý tận dụng để giành lấy phiếu bầu nhờ những chính sách chống toàn cầu hoá, chống nhập cư, chống thương mại bất bình đẳng như đã nói ở trên. 

Thứ hai, về chính trị, nền chính trị phương Tây dựa trên nguyên tắc đa đảng và tam quyền phân lập, tuy nhiên việc kiểm soát và cân bằng giữa các nhánh quyền lực cũng như giữa các đảng phái có mặt trái tạo ra một hệ thống phân cực, liên tục chia rẽ và ngáng chân nhau. Nhiều chính phủ điển hình như Mỹ thậm chí không thể thông qua nổi ngân sách để đảm bảo chính phủ hoạt động bình thường bởi một nhóm nhỏ cũng có khả năng phủ quyết chính sách của đa số lớn hơn. Nhiều chính phủ dân chủ khác rơi vào trường hợp tương tự, các cải cách cần thiết đều dậm chân tại chỗ, không thể thực hiện được bởi sự tắc nghẽn ở một nhánh quyền lực nào đó trong hệ thống. Điều này dẫn nhân dân tới việc bầu cho một “người hùng” nào đó có khả năng đứng ra phá huỷ sự bất lực của hệ thống chính trị đương thời. Sự trỗi dậy của những nhà lãnh đạo dân tuý như Donald Trump ở Mỹ, Narendra Modi ở Ấn Độ, Rodrigo Duterte ở Phillipines là những ví dụ minh hoạ cho xu hướng bầu cho những người chống quyết liệt hệ thống đương thời như vậy. 

Hệ thống chính trị kiểu Mỹ cũng đề cao việc áp đặt ý thực hệ “dân chủ, nhân quyền”, thay đổi các chế độ mà Mỹ và phương Tây coi là “độc tài”. Sự áp đặt này làm bùng lên làn sóng chống Mỹ bằng những cuộc khủng bố đẫm máu của các tổ chức Hồi giáo ở Bắc Phi và Trung Đông. Kéo theo đó, Mỹ đã có quyết định sai lầm phát động các cuộc chiến tranh lật độ chính quyền ở Iraq, Afganistan, cổ xuý cho các cuộc cách mạng màu ở khu vực này, đẩy trật tự khu vực vào bất ổn, làm gia tăng làn sóng di dân tràn lan vào phương Tây, đi kèm với đó là các cuộc tấn công khủng bố hàng loạt, nước Mỹ rơi vào khủng hoảng kinh tế xã hội nghiêm trọng. Hệ quả là sự ra đời của các Đảng phái, các nhà lãnh đạo theo xu hướng dân tuý, được lòng dân nhờ giương cao ngọn cờ đòi “lật đổ” hệ thống chính trị đề cao “dân chủ, nhân quyền” kiểu cũ đã thống trị từ nhiều thập kỷ nay.

Thứ ba, về văn hoá, thế giới toàn cầu hoá đã tạo ra dòng di cư chưa từng thấy vào những quốc gia phát triển mạnh nhất trong thế giới phương Tây. Người dân bản địa ở những quốc gia này cảm thấy bản sắc của họ bị hoà lẫn thậm chí xoá nhoà vào bản sắc của những người mới đến. Nhiều người coi những người nhập cư còn là nguồn gốc của sự mất an ninh, trật tự của xã hội truyền thống. Nỗi lo sợ về sự thay đổi văn hoá gây ra bởi nhập cư đã thúc đẩy nhân dân ủng hộ nhiều phong trào dân tuý và nhà lãnh đạo dân tuý. 

Với ba lý do kinh tế, chính trị và văn hoá trên, xu hướng dân tuý bùng lên lúc này ở phương Tây là có thể hiểu được. Sự bùng lên của xu hướng này từ cuối năm 2016 đã để lại những hệ quả vô cùng to lớn của nó lên bức tranh thế giới năm 2017. Nói cách khác, trật tự thế giới năm 2017 đã được định hình bởi sự trỗi dạy của chủ nghĩa dân tuý trong sự xung đột với chủ nghĩa tự do, dân chủ truyền thống của phương Tây. Cụ thể, thế giới năm 2017 có những đặc điểm sau: 

Thứ nhất, khối tư bản phương Tây mâu thuẫn ngày càng gay gắt hơn trong quan điểm giải quyết các vấn đề của thế giới. Tổng thống Donald Trump khi lên nắm quyền đã thực hiện đúng những cam kết dân tuý khi tranh cử, nghĩa là theo đuổi chính sách “nước Mỹ trước nhất” trong khi phê phán mọi cơ chế hợp tác đa phương. Ông này đã rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP, rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu. Trump cũng miễn cưỡng cam kết bảo vệ các đồng minh của Hoa Kỳ trong NATO, chỉ trích những quy định của Tổ chức Thương mại thế giới WTO, bỏ qua hội nghị thượng đỉnh Đông Á, than phiền về thâm hụt thương mại với đồng minh Châu Á, kêu gọi Nhật Bản, Hàn Quốc phải trả tiền cho lực lượng Mỹ đồn trú tại đây. Trong tất cả các phát biểu của mình, đặc biệt bài phát biểu trước Liên Hợp Quốc vào tháng 9 năm 2017, Trump tuyên bố ủng hộ một trật tự quốc tế dựa trên “các quốc gia có chủ quyền hùng mạnh”. 

Tất cả những động thái theo xu hướng dân tộc biệt lập này của Trump xung đột trực tiếp với chủ nghĩa tự do truyền thống của các nước tư bản. Lãnh đạo Đức, Pháp và một số nước Châu Âu chủ chốt công khai chống lại quan điểm của Trump, ủng hộ một trật tự thế giới theo kiểu “chủ nghĩa toàn cầu”. Tổng thống Pháp mới được bầu Macron coi thứ chủ nghĩa mà Trump theo đuổi như “chủ nghĩa dân tộc, chủ nghĩa vị chủng, chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa biệt lập” là “kẻ thù”, là “thảm hoạ tập thể”. Thủ tướng Đức Angela Merkel sau cuộc gặp với Donald Trump năm 2017 đã nói: chúng ta không thể “trông đợi hoàn toàn” vào đồng minh được nữa. Rạn nứt giữa Mỹ và nhiều nước Châu Âu là rõ rệt trong năm 2017, nguyên nhân sâu xa chính là mâu thuẫn giữa chủ nghĩa dân tuý và chủ nghĩa tự do giữa các nhà lãnh đạo đang cầm quyền ở các nước này.

Thứ hai, nhiều điểm nóng của thế giới trở nên nóng hơn bao giờ hết với những quyết định theo xu hướng biệt lập, đơn phương của Tổng thống Trump. Điển hình là bán đảo Triều Tiên đã trở thành một ngòi nổ xung đột tiềm tàng hơn bao giờ hết, thậm chí nhiều nhà phân tích đã cảnh báo khu vực đã ở trạng thái “bên miệng hố chiến tranh” với những tuyên bố cứng rắn chưa từng thấy của chính quyền Trump. Ông Trump nhiều lần đề cập tới sự vô ích của các biện pháp ngoại giao với Bắc Triều Tiên và nhấn mạnh việc đơn phương xử lý vấn đề bằng giải pháp quân sự, thậm chí nói sẽ phá huỷ hoàn toàn Triều Tiên nếu nước này tiếp tục theo đuổi tham vọng hạt nhân. Tuy các cường quốc khác như Trung Quốc và Nga đều ủng hộ phi hạt nhân hoá Triều Tiên nhưng phản đối can dự vũ lực đơn phương kiểu Mỹ. Mối bất đồng về cách giải quyết vấn đề Triều Tiên chắc chắn sẽ vẫn là điểm nóng của thế giới vào năm 2018. 

Một điểm nóng khác, Trung Đông cũng bị khuấy động mạnh vào cuối năm 2017 với việc Trump doạ rút khỏi thoả thuận hạt nhân với Iran của chính quyền Obama và đặc biệt là tuyên bố công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel. Trump đã thực hiện lời hứa “dân tuý” lúc tranh cử mà nhiều đời Tổng thống khác đã nói mà không dám thực hiện vì e ngại những hậu quả của nó. Quyết định này của Trump đi ngược lại hoàn toàn với quan điểm của hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có tất cả các đồng minh của Mỹ trừ Israel. Với những quyết định này, vấn đề hạt nhân Iran có thể nóng trở lại, cuộc xung đột đẫm máu giữa Israel và Palestine cũng được dự báo sẽ bùng lên mạnh hơn vào năm 2018. Không loại trừ khả năng các nhóm khủng bố Hồi giáo sẽ tiếp tục chọn Mỹ làm điểm khủng bố để trả đũa cho những động thái như vậy của Mỹ. 

Thứ ba, Trung Quốc đang trỗi dạy mạnh mẽ hơn bao giờ hết để lấp vào “khoảng trống quyền lực” khi nước Mỹ theo chủ nghĩa biệt lập đang tự đánh mất vai trò với thế giới. Tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra trong năm vừa qua, Chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố về một “giấc mộng Trung Hoa”, về “sự trẻ hoá vĩ đại của đất nước Trung Quốc vĩ đại”, hướng tới mục tiêu vào dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc vào năm 2049 sẽ trở thành “một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, vĩ đại và phồn vinh.” Ông Tập Cận Bình cũng từ bỏ chính sách “náu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình, chuyển sang công khai tuyên bố Trung Quốc phải trở thành “một quốc gia lãnh đạo toàn cầu về phương diện sức mạnh tổng hợp” vào năm 2035. 

Trung Quốc đã có những chiến lược đầy tham vọng để hiện thực hoá tầm nhìn toàn cầu này của họ. Điển hình là chương trình Một vành đai, Một con đường nhằm phát triển cơ sở hạ tầng Á-Âu, được thiết kế để biến Trung Quốc trở thành “vương quốc trung tâm” về chính trị và kinh tế của cả hai châu lục Á Âu. 

Khi nước Mỹ biệt lập của Trump tự rút lui khỏi vai trò lãnh đạo ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc ngày càng xác lập sức ảnh hưởng của họ tại đây. Ông Tập đã tuyên bố từ: “chính người Châu Á phải điều hành công việc của Châu Á, giải quyết những bài toán của Châu Á và duy trì an ninh Châu Á.” Điều này thể hiện rõ ràng hơn bao giờ hết tại Hội nghị Thượng đỉnh APEC diễn ra tại Đà Nẵng năm 2017.

Trong khi bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Donald Trump tái khẳng định chính sách "nước Mỹ trên hết", đề cao thương mại song phương, Chủ tịch Trung Quốc đã đưa ra một tầm nhìn đối lập hoàn toàn. Ông Tập tuyên bố xu hướng toàn cầu hóa mà chính Mỹ đã lãnh đạo từ sau chiến tranh lạnh là "không thể đảo ngược". Với tuyên bố “giữ vững chế độ đa phương, theo đuổi sự tăng trưởng chung thông qua tư vấn, hợp tác và trui rèn quan hệ đối tác gần gũi hơn”, ông Tập đã khôn khéo khẳng định với thế giới rằng Trung Quốc giờ đây mới là "người bảo trợ toàn cầu hóa" chứ không phải Mỹ. Khi Mỹ đang thể hiện là một đối tác không nhất quán ở Châu Á Thái Bình Dương, Trung Quốc đã tận dụng “cơ hội trời cho” này để gây sức ảnh hưởng. Trung Quốc đang thúc đẩy hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để cân bằng với Hiệp định TPP mà 11 nước đã ký tại Đà Nẵng mà không có Mỹ. 

Thứ tư, trong khi Trung Quốc nỗ lực vươn lên ở Châu Á, Nga cũng nỗ lực xác lập sức mạnh toàn cầu của họ ở các địa bàn nằm trong vùng ảnh hưởng chiến lược của họ, đặc biệt ở Trung Đông, nơi Mỹ đang tự đánh mất vai trò. Cuối năm 2017, Tổng thống Nga Putin đã thực hiện chuyến công du chưa có tiền lệ tới Trung Đông và Bắc Phi. Tại Syria, Putin đã tuyên bố quân đội Nga sẽ rút khỏi đây sau khi đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại hoàn toàn Nhà nước Hồi giáo IS. Tại Ai Cập, Putin chủ trì lễ ký thỏa thuận quy mô xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 21 tỷ USD. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Nga-Thổ nhất trí về khoản vay để mua tên lửa giàn S-400 của Nga, đưa vũ khí Nga vào một nước thành viên NATO. 

Chính tờ Washington Post của Mỹ đã bình luận Putin đã thể hiện rõ mục tiêu khôi phục vị thế của Nga như một cường quốc quân sự có ảnh hưởng lớn tại Trung Đông và Bắc Phi “trong bối cảnh chính sách của Mỹ tại Trung Đông đang chẳng khác nào một mớ bòng bong và quyết định về Jerusalem đã làm dấy lên làn sóng phản đối trên thế giới”. 

Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng vừa tuyên bố sẽ tái tranh cử vào năm 2018 với tư cách ứng viên độc lập với cương lĩnh xây dựng “một nước Nga trẻ trung và hướng đến tương lai". Dự báo được hơn 80% người Nga ủng hộ hiện nay, ông gần như chắc chắn sẽ tái đắc cử để nắm quyền nhiệm kỳ thứ tư, khi đó ông là người đại diện cho nhân dân Nga chứ không đại diện cho một đảng phái nào. Với những động thái đối ngoại gần đây tại Trung Đông, Putin đã ngầm gửi thông điệp cho nhân dân Nga và thế giới thấy tầm nhìn của mình trong việc khôi phục lại quyền lực toàn cầu đã từng có của đế chế Nga trong quá khứ. Một nước Mỹ đi theo con đường rút lui vào bên trong cũng là một cơ hội cho nước Nga định hình vị thế quốc tế của mình. 

Trong một thế giới với những đặc điểm kể trên, có thể dự báo một số xu hướng và diễn tiến trong năm 2018 và những năm tiếp tới. Thứ nhất, vai trò thống trị của chủ nghĩa tự do dân chủ phương Tây sau chiến tranh lạnh đã thất bại. Bản thân nội bộ phương Tây sẽ tiếp tục diễn ra những xung đột không thể giải quyết được. Chủ nghĩa dân tuý sẽ tiếp tục phá vỡ những nền tảng chính trị của chủ nghĩa tự do. Các công cụ như dân chủ, nhân quyền để gây sức ép với các quốc gia có chế độ chính trị khác biệt sẽ tiếp tục bị suy yếu. Mỹ và nhiều quốc gia Châu Âu sẽ tiếp tục mâu thuẫn về cách giải quyết nhiều vấn đề toàn cầu từ biến đổi khí hậu tới xung đột Trung Đông. Một phương Tây như một liên minh gắn kết chia sẻ giá trị sẽ ngày càng suy thoái. 

Thứ hai, trật tự thế giới sẽ phân cực mạnh hơn trong đó Trung Quốc và Nga chắc chắn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Trung Quốc và Nga sẽ tác động lớn tới tiến trình giải quyết các điểm nóng toàn cầu như bán đảo Triều Tiên, Trung Đông. Mâu thuẫn Trung-Mỹ, Mỹ- Nga có thể sẽ gia tăng trong bối cảnh các quốc gia này đều theo đuổi chủ nghĩa dân tộc mạnh hơn và ngày càng khác biệt về hệ tư tưởng. 

Thứ ba, vai trò của Hoa Kỳ trên thế giới và ở Châu Á sẽ tiếp tục suy yếu. Châu Á và Châu Âu sẽ có xu hướng tự liên kết và tự đi theo con đường của mình mà không có sự hiện diện của Hoa Kỳ. Sự ra đời của TPP với 11 nước mà không có Mỹ là một ví dụ. Với tính chất như vậy, sự hiện diện của Trung Quốc sẽ gia tăng, đặc biệt ở Châu Á Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ mở rộng hơn nữa việc quân sự hoá các đảo trên biển Đông trong bối cảnh thiếu đi một đối trọng mạnh ở khu vực này. 

Thứ tư, một thế giới đa cực và hỗn loạn có thể dẫn tới mất an ninh ở nhiều khu vực. Chủ nghĩa khủng bố có thể bùng phát mạnh trở lại với những động thái phân biệt chủng tộc, bài nhập cư, ủng hộ Israel của Trump như trong thời gian qua. Cũng không loại trừ khả năng một cuộc xung đột quân sự có thể xảy ra trên báo đảo Triều Tiên nếu xảy ra những vụ việc đi quá giới hạn và một trong các bên thiếu kiềm chế. 

Tóm lại, với chính sách “nước Mỹ trên hết” của mình, trong 11 tháng cầm quyền, chính quyền Trump đã và đang tự cô lập mình nhanh hơn bất kỳ chính quyền tiền nhiệm nào khác. Việc Mỹ coi nhẹ các liên minh với đồng minh và phá bỏ mọi luật lệ chung đẩy trật tự thế giới sâu hơn vào trạng thái đa cực, trật tự thế giới bị phá vỡ. Vấn đề càng phức tạp hơn khi chính quyền Trump công bố chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm 2017 theo đó coi Trung Quốc, Nga là hai “cường quốc xét lại”, đang tìm mọi cách “sử dụng công nghệ, hoạt động tuyên truyền, và cưỡng ép để tạo ra một thế giới trái ngược với lợi ích và giá trị” của Mỹ. Việc coi Nga, Trung là “đối thủ” là cách tiếp cận theo kiểu hiện thực chủ nghĩa. Cách chia thế giới thành hai phần rạch ròi bạn và thù như vậy rất có khả năng dẫn đến những xung đột

Như Tổng thống Pháp Macron cảnh báo thế giới phương Tây trong bài phát biểu tại đại học Sorbonne rằng chủ nghĩa dân tộc, dân tuý có thể “huỷ diệt nền hoà bình mà chúng ta đang sung sướng tận hưởng” thế giới năm 2018 có thể sẽ phải chứng kiến rất nhiều bất ổn trong trật tự hỗn loạn mà cách tiếp cận dân tộc, dân tuý tiếp tục lên ngôi như vậy.

Nguyễn Văn Hưởng

(VNN)

http://www.tintuchangngayonline.com/2017/12/2018-tiem-nhieu-bat-on-va-xung-ot.html

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện