Muốn làm phim 'tử tế' tại Việt Nam thì phải tháo 'chiếc vòng kim cô'?

 

Poster phim 'Bên trong vỏ kén vàng' (Inside the Yellow Cocoon Shell)

NGUỒN HÌNH ẢNH,JK FILM

Chụp lại hình ảnh,

Poster phim 'Bên trong vỏ kén vàng' (Inside the Yellow Cocoon Shell), tác phẩm mang đến giải Camera d'Or cho đạo diễn Phạm Thiên Ân tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 76

  • Tác giả,Huyền Trân
  • Vai trò,BBC News Tiếng Việt

Giới phê bình luôn nhắc đến các ví dụ về kiểm duyệt phim được xem là 'ấu trĩ' trong nền điện ảnh Việt Nam.

Bộ phim 'Bao giờ cho đến tháng Mười' năm 1984 của đạo diễn Đặng Nhật Minh bị kiểm duyệt với phân cảnh phiên chợ âm dương vì bị cho là 'mê tín dị đoan', đến phim 'Xích lô' của đạo diễn Trần Anh Hùng bị cấm chiếu vào năm 1995 vì "phản ánh xã hội đau thương, cảnh bạo lực không phù hợp với hiện thực Việt Nam".

Năm 2019, khi nhà sản xuất phim 'Ròm' bị phạt 40 triệu đồng vì gửi phim đi thi Liên hoan phim Quốc tế Busan khi chưa được cấp phép phổ biến đã tạo một làn sóng phản đối mạnh mẽ từ giới hoạt động nghệ thuật.

Cơ chế kiểm duyệt phim ảnh ở Việt Nam hiện nay vẫn còn xem đang 'nghiền nát' nền nghệ thuật thứ bảy, triệt tiêu quyền sáng tạo và tự do biểu đạt khi tiêu chí không rõ ràng, cụ thể là từ Cục Điện ảnh.

Những tác phẩm nghệ thuật đích thực dường như đang bị các bộ phim giải trí phù phiếm lấn lướt trong thị trường phim ảnh Việt Nam, đặc biệt nếu so sánh doanh thu từ những phim công chiếu tại rạp.

Hồi tháng Hai, nhà văn Hạ Nguyên từng nhận định về phim 'Nhà Bà nữ' do diễn viên Trấn Thành sản xuất trên Facebook cá nhân.

Theo bà thì "không phải phim cháy vé nào cũng là phim tốt, ngược lại, có khi nó còn là một bộ phim "độc hại". Nhà bà Nữ của Trấn Thành mùa phim Tết năm nay là một điển hình."

Và tác giả sách 'Bèo không trôi ra biển' đánh giá "giữ phẩm chất nghệ thuật của tác phẩm là sự giữ chân khán giả tử tế và hiệu quả nhất."

Hôm nay 30/05, BBC News Tiếng Việt đã trao đổi với nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm từ Việt Nam về vấn đề kiểm duyệt phim và thách thức mà các đạo diễn trẻ đang phải đối mặt khi muốn làm phim 'tử tế'.

Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Đạo diễn người Pháp gốc Việt, Trần Anh Hùng đoạt giải Đạo diễn xuất sắc nhất với phim 'La Passion de Dodin Bouffant' (The Pot Au Feu)

BBC: Đạo diễn Trần Anh Hùng và đạo diễn Phạm Thiên Ân thắng hai giải danh giá với phim mang chủ đề nghệ thuật nấu ăn của Pháp và đi tìm lẽ sống tại Liên hoan phim Cannes 2023. Ông có bình luận gì về hai đạo diễn và hai tác phẩm này.

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Rất tiếc tôi chưa xem cả hai tác phẩm này để có thể nhận định về chúng một cách chính xác nhất, nhưng qua những tiếp xúc, trao đổi và xem các tác phẩm trước của họ, tôi nghĩ sự vinh danh dành cho họ với hai giải thưởng quan trọng là kết quả xứng đáng cho một hành trình điện ảnh độc nhất.

Điện ảnh của Trần Anh Hùng là điện ảnh của sự tinh túy, của cái đẹp nghệ thuật nhìn từ giá trị cốt lõi của chúng, một kiểu điện ảnh mà ta thường thấy ở những bậc thầy như Ozu (Nhật Bản), Martin Scorsese, Terrence Malick (Mỹ) hay Hầu Hiếu Hiền (Đài Loan)…

Còn với Phạm Thiên Ân, tôi thích hành trình tự học, tự đào tạo và tự trải nghiệm qua con đường riêng của mình. Bóng dáng của thứ điện ảnh hiện thực pha lẫn với siêu thực đậm chất tâm linh trong phim của Ân thật hay, trả lời cho nhiều câu hỏi mang tính siêu hình của chúng ta về con người, về thời cuộc và cao hơn nữa là đức tin tôn giáo.

Ngoài sự đam mê, quyết liệt đi theo con đường riêng và niềm tin vào thẩm mỹ điện ảnh của mình, tôi cũng thích sự dũng cảm đơn độc và tinh thần dấn thân của họ. Và một lý do khác nữa là việc họ yêu tiếng mẹ đẻ và muốn chuyển tải vẻ đẹp của văn hóa Việt Nam trong tác phẩm của mình.

BBC: Trả lời phỏng vấn báo Thanh Niên vào năm 2021, đạo diễn Trần Anh Hùng từng trải lòng về lý do 'ngại' về Việt Nam làm phim từ sau Mùa hè chiều thẳng đứng (2000)."Làm phim ở Việt Nam là tôi căng thẳng hơn hẳn vì cứ phải tự kiểm duyệt. Trong khi đó, với những dự án ở nước ngoài, quá trình sáng tạo được tự do và có nhiều niềm vui hơn. Nó khuyến khích mình làm việc". Theo ông thì vấn đề kiểm duyệt trong phim ảnh tại Việt Nam vẫn còn là một rào cản, hay tình hình đã có cải thiện hơn trước?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ không riêng Việt Nam, các đạo diễn ở Trung Quốc hay Iran cũng phải chịu rất nhiều kiểm duyệt khắt khe của chính quyền, nhưng họ vẫn có những tác phẩm lớn chinh phục được thế giới.

Vậy thì cuối cùng, với tôi quan trọng nhất vẫn là tài năng và bản lĩnh của đạo diễn. Nếu họ có đủ tài và bản lĩnh, bằng cách nào đó, họ vẫn tỏa sáng bất chấp sự kiểm duyệt ấu trĩ đi nữa.

Nói như vậy không có nghĩa là tôi không nói sự kiểm duyệt không ảnh hưởng đến sáng tạo.

"Vòng kim cô" này khiến nhiều đạo diễn thui chột tài năng và khiến điện ảnh Việt Nam luôn loay hoay ở giai đoạn quá độ. Điện ảnh Việt luôn có tài năng, nhưng là các tài năng lẻ tẻ chứ chưa bao giờ có một thế hệ tài năng thực sự, đủ để tạo nên một làn sóng mới.

Đó là quan sát của tôi sau hơn ba thập niên theo dõi điện ảnh Việt Nam và thực hiện các khảo cứu về di sản điện ảnh trong quá khứ.

Hình minh họa

NGUỒN HÌNH ẢNH,JK FILM

Chụp lại hình ảnh,

Đạo diễn Phạm Thiên Ân (thứ hai từ phải sang trái) trong một buổi chọn diễn viên (casting) cho phim 'Bên trong vỏ kén vàng'

BBC: Theo ông thì các đạo diễn, đặc biệt đạo diễn trẻ tuổi đang đối mặt với khó khăn gì khi làm phim ở Việt Nam?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ rất nhiều. Đó là một hành trình đơn độc, mơ hồ và khắc nghiệt vì tỉ lệ thành công, thành danh rất thấp. 100 người theo đuổi điện ảnh chắc chỉ có vài người thành công. Tôi đã từng nhìn thấy những đạo diễn trẻ đầy đam mê điện ảnh rồi dần dần lụi tàn theo thời gian.

Khó khăn lớn nhất, mang tính phổ quát cho tất cả các đạo diễn trên thế giới chứ không riêng tại Việt Nam: đây là một lĩnh vực nghệ thuật chịu sự đào thải cao, trong khi sự công nhận rất ít.

Còn với đạo diễn trẻ Việt Nam thì khó khăn còn bủa vây hơn: sự kiểm duyệt, tinh thần tự do trong sáng tạo và đặc biệt là kinh phí làm phim. Hầu hết họ đều phải tự "bơi", tự tìm kiếm các nguồn vốn của các quỹ điện ảnh trên thế giới và phải vật lộn rất nhiều năm để làm ra được tác phẩm đầu tay. Và tác phẩm đầu tay ấy có thành công hay không lại là một chuyện khác.

BBC: Trong sự nghiệp phê bình điện ảnh của mình, ông có thể chia sẻ tác phẩm điện ảnh nào của Việt Nam mà ông đánh giá cao và mang sức sống theo thời gian? Và lý do vì sao?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi yêu thích nhiều bộ phim Việt Nam của các đạo diễn thế hệ trước, như Đặng Nhật Minh chẳng hạn.

Các bộ phim của ông như 'Bao giờ cho đến tháng Mười', 'Thương nhớ đồng quê', 'Mùa ổi', với tôi là những kiệt tác có sức sống theo thời gian, vì chúng biểu đạt tâm hồn và văn hóa của người Việt một cách sâu sắc nhất.

Sự trở về của các đạo diễn Việt Kiều cũng mang lại cho chúng ta nhiều bộ phim nói tiếng Việt được ghi nhận ở các liên hoan phim hàng đầu trên thế giới, như trilogy phim Việt Nam của đạo diễn Trần Anh Hùng, 'Ba mùa' của Tony Bùi, 'Mùa len trâu' của Nguyễn Võ Nghiêm Minh hay gần đây là 'Song Lang' của Leon Le.

Tôi thích các bộ phim nói trên của các đạo diễn Việt Kiều vì chất hoài cổ và cách nhìn văn hóa, con người Việt Nam"vừa từ bên ngoài, vừa từ bên trong" nên có sự quyến rũ và lạ lẫm nhất định.

Poster phim Children of the mist

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHILDREN OF THE MIST

Chụp lại hình ảnh,

Những đứa trẻ trong sương (Children of the Mist) là bộ phim tài liệu nói về tập tục ‘bắt vợ’ của dân tộc H’Mong, do đạo diễn Hà Lệ Diễm thực hiện

BBC: Nói về thị trường phim ảnh Việt Nam hiện nay, nhiều người tranh cãi về thế nào là làm phim 'tử tế', khi nhiều tác phẩm 'gom' được hàng trăm tỷ ở rạp nhưng lại không thuyết phục về mặt nghệ thuật. Ông có ý kiến thế nào về vấn đề này và theo ông, các phim nghệ thuật với triết lý sâu sắc liệu sẽ có chỗ đứng vững bền trong nền điện ảnh ở Việt Nam?

Nhà phê bình Lê Hồng Lâm: Tôi nghĩ đơn giản, đừng đòi hỏi một tác phẩm thương mại phải mang tính nghệ thuật, tất nhiên như vậy không có nghĩa là chúng ta chấp nhận sự ẩu tả trong làm phim.

Với phim thương mại, mục đích lớn nhất của đạo diễn là chinh phục thị hiếu khán giả, chuyện này không hề đơn giản bởi mỗi năm điện ảnh Việt nam có hàng chục bộ phim thất bại thê thảm tại phòng vé. Nên sự chiến thắng của một vài phim thương mại Việt Nam với tôi rất quan trọng để vực dậy thị trường điện ảnh trong nước.

Điện ảnh được xem là một ngành công nghiệp giải trí. Và muốn ngành công nghiệp giải trí ấy thành công, chúng ta phải có những bộ phim đứng đầu phòng vé, đồng thời có những tác phẩm nghệ thuật, độc lập chinh phục được các liên hoan phim trên thế giới và giành các giải thưởng quan trọng.

Phim nghệ thuật Việt Nam nhìn chung vẫn chưa có chỗ đứng ở phòng vé, nhưng tôi tin, đang có sự thay đổi tích cực qua một vài hiện tượng phòng vé gần đây của 'Ròm', 'Đêm tối rực rỡ', 'Tro tàn rực rỡ' hay 'Những đứa trẻ trong sương'…

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

NGUỒN HÌNH ẢNH,LE HONG LAM

Chụp lại hình ảnh,

Nhà báo, nhà phê bình điện ảnh Lê Hồng Lâm

Ông Lê Hồng Lâm là nhà báo, nhà phê bình điện ảnh tại Việt Nam. Ông là tác giả của các đầu sách nghiên cứu điện ảnh 'Xem chữ đọc hình', 'Chơi cùng cấu trúc', 'Cánh chim trong gió', '101 bộ phim Việt Nam hay nhất', 'Người tình không chân dung'...

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?