Philippines và Việt Nam tăng cường hợp tác Biển Đông, Trung Quốc ‘quan tâm’

 Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) tại Phủ Chủ tịch sáng 30/1

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng tiếp Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr (trái) tại Phủ Chủ tịch sáng 30/1

Cảnh sát biển Việt Nam và Philippines dự kiến sẽ tăng cường hợp tác từ chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr tới Việt Nam, diễn ra trong hai ngày 29 và 30/1.

Trong khuôn khổ chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, Việt Nam và Philippines đã nhất trí tăng cường hợp tác về Biển Đông.

Theo đó, sau cuộc hội đàm sáng 30/1, Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr đã chứng kiến lễ ký kết 5 văn kiện hợp tác, trong đó có Bản ghi nhớ Việt Nam–Philippines về phòng ngừa và quản lý sự cố trên Biển Đông và Biên bản ghi nhớ về hợp tác giữa hai lực lượng cảnh sát biển.

Biển Đông là nơi Việt Nam và Philippines có những tuyên bố chủ quyền chồng lấn, trong khi Trung Quốc có yêu sách đối với gần như toàn bộ vùng biển này đồng thời liên tục gia tăng áp lực lên các nước trong khu vực.

Đây cũng là tuyến hàng hải nhộn nhịp với khoảng 3.000 tỉ USD giá trị hàng hóa lưu thông mỗi năm.

Tuy cùng có các tuyên bố chủ quyền trên một số vùng nước ở Biển Đông, Philippines có mối quan quan hệ thân thiện hơn với Việt Nam, so với những căng thẳng đang gia tăng giữa Manila và Bắc Kinh.

Đã có những tuyên bố từ tháng 11 năm ngoái của Tổng thống Marcos Jr về việc tiếp cận Việt Nam để thảo luận về một bộ quy tắc ứng xử riêng biệt ở khu vực Biển Đông.

Việc Việt Nam và Philippines hợp tác trên Biển Đông hiện gây ra nhiều lo ngại cho phía Trung Quốc.

Trong bài viết trên tờ Hoàn Cầu thời báo của chính quyền Trung Quốc trước chuyến thăm của ông Marcos Jr, những biến động trên Biển Đông được cho là “gây ra bởi Manila”.

Ông Cổ Tiểu Tùng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu ASEAN thuộc Đại học Hải dương Nhiệt đới Hải Nam, nói với Hoàn Cầu Thời báo:

“Việc có thể ký kết một thỏa thuận giữa các lực lượng bảo vệ bờ biển của hai quốc gia này, nếu đó là vì mục đích duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, Trung Quốc cũng sẵn sàng chấp nhận.”

“Tuy nhiên, nếu thỏa thuận của lực lượng bảo vệ bờ biển này được sử dụng chống lại Trung Quốc, Trung Quốc sẽ quyết liệt phản đối,” ông nói thêm.

Ông Trần Tương Miểu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Hải quân Thế giới thuộc Viện Nghiên cứu Nam Hải Trung Quốc, bày tỏ lo ngại về mối quan hệ Việt Nam – Philippines trên Biển Đông với tờ Hoàn Cầu Thời báo:

“Nếu các tàu cá Trung Quốc vào các vùng nước mà Trung Quốc, cả Philippines và Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền, điều này sẽ tạo thêm áp lực và gia tăng chi phí bảo vệ quyền lợi hàng hải đối với chúng ta. Cảnh sát biển của cả Việt Nam và Philippines có thể chia sẻ thông tin và hợp tác trong công tác thực thi pháp luật dựa trên thỏa thuận riêng của họ.”

Xích lại gần hơn với Việt Nam là một phần trong những cách tiếp cận của Philippines nhằm tìm kiếm sự hợp tác khu vực sâu rộng hơn trong các tranh chấp ở Biển Đông.

Hướng đi này diễn ra trong bối cảnh những tháng gần đây, Trung Quốc đã có một số cuộc đối đầu với lực lượng bảo vệ bờ biển của Philippines.

Philippines cáo buộc Trung Quốc đã dùng vòi rồng gây "thiệt hại nghiêm trọng" cho động cơ của một tàu Philippines

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,

Philippines cáo buộc Trung Quốc đã dùng vòi rồng gây "thiệt hại nghiêm trọng" cho động cơ của một tàu Philippines

Gần hai tháng trước, ngày 1/12/2023, Philippines đã cho xây dựng một trạm bảo vệ bờ biển mới trên đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa giúp tăng cường khả năng giám sát di chuyển của tàu thuyền và máy bay Trung Quốc.

Sau đó không lâu, ngày 10/12/2023, một tàu Philippines và một tàu Trung Quốc đã va chạm nhau ở gần một rạn san hô ở Biển Đông.

Sự việc diễn ra chỉ một ngày sau khi Philippines cáo buộc Trung Quốc dùng vòi rồng cản trở ba tàu của nước này.

Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Ferdinand Marcos Jr đã liên tục phàn nàn về hành vi “hung hăng” của Trung Quốc, đồng thời có những nỗ lực nối lại mối quan hệ bền chặt với Hoa Kỳ, đồng minh duy nhất mà Philippines có hiệp ước phòng thủ chung, chính thức và ràng buộc về mặt pháp lý.

Bên cạnh vấn đề Biển Đông, an ninh lương thực cũng là một chủ đề chính trong chuyến thăm của ông Marcos Jr.

Phát biểu trên chương trình "Market Edge" của ANC vào thứ Hai, Thứ trưởng Thương mại Maria Blanca Kim Bernando-Lokin cho biết một thỏa thuận về cung ứng gạo là ưu tiên đặc biệt do những dự đoán về tác động của El Niño đến sản lượng gạo nội địa.

Philippines hiện vẫn là thị trường xuất khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam, với lượng xuất khẩu đạt 2,63 triệu tấn trong 11 tháng đầu năm 2023, tương ứng trị giá 1,41 tỉ USD.

Chuyến thăm của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr diễn ra chỉ một năm trước khi hai nước kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược vào năm 2025. Sau gần 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ giữa Việt Nam và Philippines được đánh già là phát triển tốt đẹp trên nhiều lĩnh vực.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước cũng có bước phát triển đáng kể, với Philippines là đối tác thương mại lớn thứ sáu trong ASEAN và thứ 16 trên thế giới của Việt Nam. Kim ngạch thương mại song phương tăng từ 2,9 tỷ USD năm 2012 lên 7,8 tỷ USD vào năm 2022. Tính đến hết tháng 11/2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 7,1 tỷ USD.

Hiện tại, với 92 dự án đầu tư tại Việt Nam, Philippines có tổng vốn đăng ký 608 triệu USD, đứng thứ 31 trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việt Nam có 5 dự án đầu tư sang Philippines với tổng số vốn gần 4 triệu USD.

Trong bài phát biểu trước chuyến thăm, Tổng thống Marcos Jr tuyên bố:

“Tôi cho rằng việc thực hiện chuyến thăm Việt Nam này là vô cùng quan trọng, họ là đối tác chiến lược duy nhất của chúng ta trong khối ASEAN… Tôi tin rằng hai có rất nhiều cơ hội hợp tác thời kỳ hậu đại dịch."

"Tôi tin chắc chuyến thăm cấp nhà nước này sẽ mở ra một kỷ nguyên hữu nghị mới với Việt Nam," ông nhấn mạnh.

Tổng thống Marcos cho biết mong muốn thiết lập các mối quan hệ đối tác mới trong lĩnh vực hợp tác hàng hải, quốc phòng và an ninh, thương mại, giáo dục, du lịch cùng nhiều lĩnh vực khác.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?