Đi lễ đầu năm: Nhiều người bắt đầu thay đổi thói quen lẫn quan điểm

01/03/2024

Ảnh tư liệu - Người dân từng chen chúc rất đông tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh
Ảnh tư liệu - Người dân từng chen chúc rất đông tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh

‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi’ nhưng mùa lễ hội đầu xuân Giáp Thìn năm nay, nhiều người đã có những thay đổi căn bản trong thói quen và quan điểm đi lễ đầu năm của mình.

Anh Nguyễn Trần Thành, một công chức sinh sống ở quận Long Biên, Hà Nội, vừa có chuyến đi lễ đền Ông hoàng Bảy tại Lào Cai, cho biết năm nay anh không đi lễ ban đêm vào đúng ngày chính lễ để tránh sự đông đúc, chen lấn, mệt mỏi.

“Anh em đi theo kiểu đầu xuân năm mới thành tâm đi vãn cảnh chùa, đình đền miếu mạo, giọt dầu thôi, và đến đấy cũng đặt mấy cái lễ đơn giản thôi,” anh Thành cho biết và nói thêm rằng năm nay anh cùng nhóm bạn bỏ hẳn việc đi lễ tại các ngôi chùa lớn, vốn nổi tiếng đông đúc mỗi dịp lễ hội đầu xuân sau vụ ‘xá lợi tóc Phật’ tại chùa Ba Vàng, Quảng Ninh, vừa qua.

“Thật ra nó là cái văn hoá tín ngưỡng thôi, nhưng bây giờ chính quyền nó lợi dụng cái đấy để tuyên truyền và kiếm chác ý mà. Ví dụ như Ba Vàng thì bố láo quá nhưng còn Bái Đính hay Tam Chúc thì cũng toàn của các ông nhà mình đứng đằng sau cả. Buôn thần bán thánh, kiếm chác là chính. Vào là phải mua vé, đi xe của họ rồi đủ trò nữa. Bởi họ kiếm tiền mà. Còn lễ ông Hoàng Bảy và ông Hoàng Mười như thế này thì đỡ hơn vì dù sao nó cũng là truyền thống từ ngày xưa rồi,” anh Thành chia sẻ với VOA.

Anh Nguyễn Thanh Dương là một chủ doanh nghiệp sinh sống tại huyện Thanh Trì. Anh nói trước đây anh thường có thói quen đi lễ bái đầu năm, nhưng giờ anh không chen chân vào những ‘ngôi chùa thương mại để làm giàu cho những đối tượng buôn thần bán thánh’ nữa. Theo anh, quan trọng là thành tâm và tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, thay vì lễ bái, xin xỏ.

“Tôi bây giờ đi lễ chùa chiền thì chủ yếu là đi chơi và mấy cái chùa to thì giờ mình cũng có đi nữa đâu. Những chùa như Tam Chúc hay Ba Vàng thì tôi bỏ, đến như Yên Tử thì lâu lắm rồi tôi cũng chẳng đi. Tôi giờ chỉ đi mấy chùa nhỏ nhỏ thôi, không thích đi mấy chùa thương mại nữa,” anh Dương cho biết.

Anh Nguyễn Minh Hà, một chủ doanh nghiệp tại quận Hoàn Kiếm, cho biết năm nay anh thậm chí cũng không ghé tới những nơi dù không phải là ‘cơ sở quốc doanh’ như Đền Trần, Nam Định, chẳng hạn.

“Thôi chả đi nữa. Đông, chen chúc nên tôi cũng chẳng đi nữa. Những năm trước mình còn hay đi đền Trần rồi ghé qua chợ Viềng nhưng giờ thôi chả muốn đi nữa.”

Bà Lê Thị Dung, một người kinh doanh nhỏ ở quận Hoàn Kiếm cho biết đầu xuân năm nay thay vì đi cúng bái các nơi thì bà ở nhà, ngay đến những nơi thờ tự gần nhà bà cũng không đặt chân tới.

“Phủ Tây Hồ thì thôi khỏi bàn, công an phải chắn đường, đông lắm. Thôi nói tóm lại là để cho mọi người đi, còn mình ở nhà. Quan điểm của mình giờ là tu ở nhà chứ không phải ra chùa ra đền để xin xỏ đâu. Ngày xưa không biết thì còn hay ra chùa nhiều. Bây giờ thì vẫn ra nhưng ra chùa vào những lúc nó thanh vắng nhất thôi. Bởi thực chất thì mình đi chùa cũng chỉ là để lấy cái không khí thanh tịnh thôi mà,” bà Dung chia sẻ lý do vì sao năm nay bà thay đổi hoàn toàn thói quen đi lễ đầu năm của mình.

“Không phải là vô thần đâu nhưng mà mình trong tâm. Mình không nặng cái chuyện đi lễ bái đâu. Nếu mà mình đi thì mình cũng chỉ đi vãn cảnh cho tĩnh tâm mình thôi chứ không nặng chuyện khác. Cái niềm tin của mình nó nằm ở trong tâm chứ không phải cứ phải xì xụp rồi đi chỗ nọ chỗ kia,” anh Nguyễn Văn Quang, một công chức làm việc cho một doanh nghiệp nhà nước ở quận Hoàn Kiếm cho biết.

Anh Quang nói quan điểm này càng được củng cố trong suy nghĩ và thói quen của anh khi càng ngày anh càng chứng kiến nhiều vụ ‘buôn thần bán thánh, lợi dụng lòng tin mù quáng của nhiều người’ tại cáccơ sở tôn giáo.

Nhiều người khác vẫn giữ thói quen đi lễ từ Tết cho tới hết tháng Giêng. Có người hành hương xa, nhưng cũng có người chọn đến những ngôi chùa gần nhà để tiết kiệm thời gian và không phải chen chúc, ngột ngạt giữa đám đông.

Chị Trần Thanh Thư, một chủ doanh nghiệp tại quận Tây Hồ, cho biết năm nay chị có được sự thanh nhàn hiếm thấy khi quyết định đúng đắn.

“Mình đi lễ ở những cái chùa gần nhà thôi và cũng chỉ đi một vài nơi thôi, ví dụ như những chùa mà cha mẹ mình thường hay lui tới chẳng hạn, chứ không có đi nhiều. Cũng không dám tới những nơi đông đúc, bởi những nơi đấy cứ nghìn nghịt ra, sợ lắm,” chị Thư cho biết thêm.

Những người vẫn tìm tới những ngôi chùa lớn, đông đúc trong lễ hội đầu xuân cho biết họ đi với tâm thế khác. Tuy nhiên, họ cho biết số người đi lễ năm nay có phần giảm.

Chị Trần Hồng Nhung, một nhân viên làm việc trong lĩnh vực bất động sản, chia sẻ với VOA rằng chị vẫn giữ thói quen đi lễ, nhưng không đi để xin lộc như mọi năm.

“Mình năm nay cũng đi theo kiểu vãn cảnh chùa,kính Phật thôi, chứ không theo kiểu theo một thầy nào đấy mà mình tới, như mọi khi,” chị Nhung nói.

Năm nay, khi tới chùa Ba Vàng hôm mùng 10, chị Nhung đã bất ngờ vì ‘nó không còn đông nữa.’ Chị cho biết bây giờ chị không còn phải quá nặng nề, mất quá nhiều thời gian và công sức cho chuyện lễ bái, xin xỏ đầu năm mà nhiều khi chỉ là niềm tin chứ không có một căn cứ thực tiễn nào cả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?