Điểm báo - 31/3/2023

 RFI

Tái tạo khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

Pháp: Macron loan báo kế hoạch ‘‘nước’’, hy vọng làm nguội lửa khủng hoảng

Các đại diện nghiệp đoàn phản đối tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Savines-Le-Lac, ngày 30/03/2023, khi tổng thống Pháp đến công bố kế hoạch nước.
Các đại diện nghiệp đoàn phản đối tổng thống Pháp Emmanuel Macron, tại Savines-Le-Lac, ngày 30/03/2023, khi tổng thống Pháp đến công bố kế hoạch nước. via REUTERS - POOL

Dân nhập cư tại Pháp chủ yếu theo các tôn giáo nào, người nhập cư chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong xã hội Pháp là chủ đề chính của nhiều nhật báo, sau khi Viện Insee công bố kết quả điều tra quy mô lớn. Năng lượng tái tạo ‘‘tăng tốc’’ tại châu Âu cũng là hồ sơ trang nhất, sau quyết định của Nghị Viện Châu Âu và 27 nước Liên Âu quyết định tăng gấp đôi lượng điện tái tạo vào năm 2030 so với hiện nay.

Nhưng chủ đề xuyên suốt các báo vẫn là cuộc khủng hoảng hưu trí, cho dù không khí đang có phần tạm lắng trong khi chờ đợi phán quyết của Hội Đồng Hiến Pháp. Hồ sơ trang nhất Le Monde nói đến việc ‘‘Giới trẻ : Macron muốn tránh một mặt trận mới’’. Libération dành chủ đề chính cho việc đảng cực hữu Mặt Trận Dân Tộc (RN) im lặng hưởng lợi trong bối cảnh đất nước đang chìm sâu trong khủng hoảng hưu trí. Cuộc tiếp xúc đầu tiên với công chúng trên thực địa của tổng thống Emmanuel Macron, sau khoảng hai tháng cắm chốt trong điện Elysée là chủ đề được hầu hết các báo quan tâm. Le Monde có bài về ‘‘Macron dùng kế hoạch ‘‘Nước’’ để tránh né phong trào phản kháng xã hội chống luật cải tổ hưu trí''.

Macron buộc phải rời ‘‘tháp ngà’’

Le Monde nhắc lại sự kiện lịch sử năm 1968, vào lúc cao điểm của phong trào phản kháng ở Pháp, được coi là một cuộc cách mạng xã hội chấn động, tổng thống Charles de Gaulle đã chọn cách lánh sang thành phố nghỉ dưỡng Baden-Baden ở Đức. Đối với một người thân cận của tổng thống, để kéo dài thời gian ‘‘cố thủ trong tháp ngà’’ sẽ là ‘‘thảm họa’’ với ông Macron. Với Le Monde, việc tổng thống Macron quyết định ra mắt công chúng Pháp với kế hoạch tiết kiệm Nước toàn quốc là một lựa chọn đầy suy tính.

‘‘Từ nhiều ngày nay, các cố vấn của tổng thống đã phải vò đầu bứt tai’’ tìm ra một giải pháp, sao cho sự xuất hiện của tổng thống không ‘‘làm tồi tệ hơn không khí chính trị đang chao đảo giữa một bên là sự tê liệt về chính trị và bên kia là sự bất ổn xã hội’’. Làm sao để đây không phải là dịp tổng thống tiếp tục bị lên án, và là một dịp để đáp ứng được trông đợi của người dân về các lo âu của cuộc sống đời thường, nhưng tránh đi được vấn đề hưu trí. Tại hồ Serre-Ponçon, thuộc tỉnh Hautes-Alpes, hồ dự trữ nước ngọt lớn nhất Tây Âu, bị hạn hán ảnh hưởng rất nặng nề, tổng thống Macron giới thiệu ‘‘kế hoạch nước ngọt’’ của chính phủ, được điện Elysée quảng bá như một ‘‘bước ngoặt’’.

Tránh vết xe đổ của de Gaulle

Kế hoạch tiết kiệm nước của Macron cũng là hình ảnh chính trang nhất của Le Figaro, với tiêu đề ‘‘Đưa ra một kế hoạch về nước để thoát khỏi trận chiến hưu trí’’. Nhật báo thiên hữu dành ba trang đầu cho hồ sơ nước. Chuyến tiếp xúc với công chúng trên thực địa của tổng thống Macron diễn ra ít ngày trước chuyến công du Trung Quốc của nguyên thủ Pháp. Tương tự như Le Monde, Le Figaro nhận định : tổng thống Macron không thể dùng dịp đi Trung Quốc để lờ đi các căng thẳng trong nước, như tổng thống de Gaulle đã từng chọn đi Rumani trong thời gian cách mạng xã hội 1968.

Việc trình bày kế hoạch về tiết kiệm nước có thể coi là một lựa chọn an toàn cho tổng thống Pháp. Bài ‘‘Tìm kiếm các chủ đề huy động xã hội ít mang tính chia rẽ hơn’’ của Le Figaro thừa nhận : ‘‘đây là chủ đề lý tưởng để thoát khỏi cạm bẫy của khủng hoảng cải tổ hưu trí’’. Khó có chủ đề nào tạo sự đồng thuận cao hơn. Le Figaro nhấn mạnh: ‘‘ai có thể ủng hộ việc lãng phí nước ?’’.

Tuy nhiên, Le Figaro trong bài ‘‘Macron cố gắng, bằng kế hoạch chống hạn hán, kiểm soát trở lại cuộc tranh luận trong không gian công’’, thuật lại diễn biến của buổi ra mắt kế hoạch tiết kiệm nước, đã ghi nhận ‘‘bất chấp việc chính quyền Macron coi vấn đề cải tổ hưu trí đã ở phía sau’’, cuộc phản kháng hiện tại vẫn còn mạnh và có xu hướng ngày một quyết liệt hơn.

Hàng trăm người phản đối có mặt không xa nơi tổng thống thuyết trình buộc ông Macron phải lên tiếng với những lời lẽ như sau: ‘‘Có 200 người biểu tình : Liệu điều đó có đủ để nói rằng nền Cộng Hòa phải dừng bước, và chúng ta phải chờ đợi thêm một tháng nữa để nói về các chủ đề hạn hán ?’’.

Phong trào chống đập nước kéo tổng thống về thực tại

Tuy nhiên, chủ đề hạn hán những tưởng là an toàn với tổng thống trên thực tế cũng là mảnh đất đối đầu quyết liệt. Chỉ ít ngày trước, một đụng độ dữ dội đã nổ ra giữa hàng chục nghìn người phản đối dự án đập thủy lợi ở Sainte-Soline, tỉnh Les Deux-Sèvres. Nhật báo thiên hữu Le Figaro ghi nhận việc tổng thống ‘‘đã buộc phải trở lại với chủ đề mà ông từng muốn tránh né’’. Cũng Le Figaro trích dẫn nổi bật ngay trên đầu trang hai của tờ báo câu nói của phát ngôn viên Hiệp hội chống xây đập (Bassines non merci), Julien Le Guet, ‘‘Emmanuel Macron đã không dập tắt được gì với kế hoạch nước của ông ấy, mà ngược lại. Diễn biến tiếp theo sau việc thông báo kế hoạch nước là nhiều cuộc tập hợp phản đối (xây đập chứa nước) ngay trong buổi tối cùng ngày trước sở cảnh sát nhiều tỉnh’’.

‘‘Macron : Một ‘‘kế hoạch về nước’’ để lấy lại vị thế’’ là một chủ đề trang nhất của Libération, với cùng nhận định : tổng thống Macron tìm cách ‘‘đánh lạc hướng công luận khỏi cuộc cải cách hưu trí mất lòng dân’’.

Tiết kiệm nước: Mặt trận cam go

Dù kế hoạch về nước của tổng thống Macron có là một thủ đoạn chính trị hay không, như điều một số báo mô tả, đe dọa thiếu nước đè nặng lên nước Pháp vẫn là một thực tế khắc nghiệt. Các báo đều có bài giới thiệu về 53 biện pháp tiết kiệm nước của tổng thống, hướng đến mục tiêu tiết kiệm 10% nước trước 2030, và trước hết là giúp nước Pháp tránh khỏi một mùa hè khô kiệt như trong trận hạn hán lịch sử năm ngoái. Nhật báo La Croix trong bài ‘‘Macron trình bày kế hoạch đối phó với nạn thiếu nước’’ nhắc đến các mục tiêu khẩn cấp.

Ngay từ mùa hè này, tất cả các tác nhân (từ các doanh nghiệp, chính quyền địa phương, người sử dụng) sẽ phải thông báo về thực trạng nước và thực thi các biện pháp tiết kiệm, tương tự như việc tiết kiệm điện trong mùa đông vừa qua. Các lĩnh vực công nghiệp tiêu thụ nhiều nước nhất phải trình chính phủ kế hoạch trước mùa hè.

Hàng loạt biện pháp cần đến đầu tư, như thiết lập một hệ thống thủy lợi giúp tiết kiệm nước, khắc phục các đường ống hỏng, làm giảm đến 20% lượng nước sạch, hệ thống giá nước lũy tiến để khuyến khích dùng nước tiết kiệm, tăng cường lượng nước tái chế lên 10% so với 1% hiện nay, cũng như cải thiệt chất lượng nước, đặc biệt hạn chế ô nhiễm thuốc trừ sâu... Theo Libération, ‘‘53 biện pháp (đã nêu) không phải đều đủ tầm mức’’.

Nhật báo kinh tế Les Echos cũng có bài ‘‘Giới làm nông nghiệp thất vọng với kế hoạch của tổng thống’’. Giới làm nông ở đây bao gồm cả hiệp hội lớn nhất trong ngành nông nghiệp Pháp FNSEA và hiệp hội Confédération des paysans, là hiệp hội chủ trương chống xây các đập thủy lợi mới.

Châu Âu: Tăng tốc năng lượng tái tạo

Thích nghi với môi trường đang thay đổi mãnh liệt do Trái đất bị hâm nóng đang trở thành một thực tế chủ đạo toàn cầu. Nước Pháp, như với kế hoạch đối phó với hạn hán nói trên, hoàn toàn không phải là một ngoại lệ. Thích nghi với khí hậu hâm nóng là một mặt, nhưng mặt khác cần nhanh chóng cắt giảm năng lượng hóa thạch, là nguồn gốc hâm nóng Trái đất. La Croix có bài xã luận mang tựa đề ‘‘Tăng tốc năng lượng tái tạo’’, đầy phấn chấn.

Nhật báo Công Giáo phấn khởi ghi nhận việc 27 quốc gia Liên Âu và Nghị Viện Châu Âu hôm qua đã thỏa thuận tăng gần gấp đôi tỉ lệ điện do năng lượng tái tạo vào ngưỡng 2030, ở mức 42,5% so với 22% hiện nay. Không chỉ châu Âu, mà cả nước Úc, một trong các nước phát thải hàng đầu tính theo đầu người, cũng vừa thông qua nhiều luật nhắm vào các công ty gây khí thải nhiều nhất, áp đặt mức cắt giảm 5%/năm trong thập niên tới.

Tương tự Hoa Kỳ, hồi mùa hè năm ngoái, chính quyền Biden đã đưa ra hàng loạt biện pháp về thuế, tài chính và kinh tế nhằm tăng tốc quá trình chuyển sang nền kinh tế xanh. La Croix chỉ ra điểm hạn chế trong các chính sách của Mỹ là tập trung quá nhiều vào cách tân công nghệ, hơn là xét lại mô hình kinh tế dựa trên tăng trưởng, là thủ phạm của tình trạng tiêu thụ tràn lan năng lượng hóa thạch hiện nay. Nhưng dù sao, điều quan trọng là đã có một sức bật mới trong nỗ lực chuyển sang nền kinh tế xanh trên toàn thế giới, được thúc đẩy bởi quyết tâm của nhiều quốc gia công nghiệp hóa, và các nỗ lực này đang có xu hướng lan rộng ra toàn thế giới. Với La Croix, đây rõ ràng là một tin vui.

Thuê xe hơi điện 100 euro/tháng: Cuộc chiến ‘‘trong hậu trường’’

Trong lúc La Croix hân hoan với xu thế ‘‘tăng tốc năng lượng tái tạo’’ tại các quốc gia công nghiệp phát triển, Les Echos chọn hình ảnh trang nhất là xe hơi điện, với tiêu đề ‘‘Món cược đặt vào xe hơi điện giá rẻ’’. Nhật báo kinh tế cho biết hiện đang diễn ra các cạnh tranh quyết liệt trong hậu trường để thực thi mục tiêu cho thuê xe hơi điện với 100 euro/tháng (một trong các mục tiêu tranh cử của tổng thống Macron cách đây một năm).

Kế hoạch từ bỏ xe hơi chạy xăng dầu vào năm 2035 tại châu Âu, vừa được chính thức thông qua hôm thứ Ba tuần này, phải đi kèm với các biện pháp thay thế. Xe hơi chạy điện cho thuê giá rẻ cho đại chúng là một biện pháp chủ đạo. Theo nghị sĩ Pascal Canfin, chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị Viện Châu Âu, chính phủ đã nỗ lực chuẩn bị ngay từ tháng 6 năm ngoái, thách thức chủ yếu giờ đây là nước Pháp và châu Âu phải chủ động được nguồn cung, trong bối cảnh đại đa số xe hơi điện nhập khẩu là đến từ Trung Quốc.

‘‘Cơ hội duy nhất’’ để Pháp tái công nghiệp hóa

Dĩ nhiên không thể loại Trung Quốc khỏi thị trường này, vấn đề là châu Âu có đủ khả năng cạnh tranh hay không. Đối với chủ tịch Ủy ban Môi trường của Nghị Viện Châu Âu, đây chính là ‘‘thời khắc của sự thực’’. Xã luận của Les Echos cũng xoáy vào cùng một chủ đề này với tiêu đề ‘‘Sự phục sinh công nghiệp’’. Les Echos nhấn mạnh là: ‘‘Nước Pháp trong những tháng và những năm tới sẽ chứng kiến một cơ hội duy nhất để chặn đứng đà suy thoái của nền công nghiệp, và thậm chí khắc phục được sự tụt hậu''. Theo Les Echos, dự luật về công nghiệp xanh mà chính phủ sắp bảo vệ sẽ phải là dịp để chứng minh ‘‘đây phải là dịp để chứng minh tái công nghiệp hóa là ưu tiên tuyệt đối thực sự, và để làm được điều đó chúng ta phải biết trở nên mau lẹ và thực dụng’’.

Nghị quyết khí hậu lịch sử: Tòa Công lý Quốc tế vào cuộc

Cũng về lĩnh vực khí hậu, môi trường, Les Echos có bài ‘‘Nghị quyết ‘‘lịch sử’’ của Liên Hiệp Quốc về công lý khí hậu’’. Nghị quyết lịch sử nói trên do một tiểu quốc đảo Thái Bình Dương, quần đảo Vanuatu, với vài trăm nghìn dân chủ trì. Theo nghị quyết này, Tòa án Công lý Quốc tế (CJI) có thẩm quyền các quốc gia phải tuân thủ đến đâu các nghĩa vụ chống biến đổi khí hậu.

Dự thảo được quần đảo Vanuatu đưa ra hồi 2021, với sự ủng hộ của liên minh 130 nước, có mục tiêu buộc các quốc gia tăng tốc thực thi thỏa thuận khí hậu Paris. Cho dù phán quyết của CIJ không có giá trị bắt buộc nhưng phán quyết của tòa có một ‘‘giá trị pháp lý và đạo lý quan trọng’’, theo những người ủng hộ sáng kiến này.

Pháp: Đà nhập cư tiếp tục như hiện nay thì sao ?

Dân nhập cư tại Pháp là chủ đề chính của Le Figaro, với tiêu đề ‘‘Tỉ lệ người nhập cư tăng lên khắp nơi ở Pháp’’. Theo số liệu mới nhất của Viện Insee, 10,3% dân Pháp là người nhập cư, và 19 triệu, tức gần một phần ba dân số, nếu tính ba thế hệ. Một nửa dân nhập cư thế hệ một tập trung tại 13 tỉnh, trong đó đông đảo là ở Paris và một số đô thị lớn.

Xã luận Le Figaro, nhan đề ‘‘Mắt cố nhắm’’, chỉ trích việc chính quyền đã không tổ chức cuộc thảo luận nào mang tính toàn quốc, hay một cuộc trưng cầu dân ý về chủ đề này. Điều khiến nhật báo thiên hữu lo ngại là không có triển vọng nào cho thấy áp lực nhập cư sụt giảm, và điều gì sẽ xảy ra nếu nhịp độ này tiếp tục.

Le Figaro thậm chí còn so sánh vấn đề nhập cư với cuộc chiến chống biến đối khí hậu, theo tờ báo, cần phải có một chính sách nhập cư chặt chẽ, hiệu quả hơn nhiều, và đây là đòi hỏi của 70% người Pháp.

‘‘Nhập cư : Luồng sinh khí mới với tôn giáo’’

Khác với Le Figaro, La Croix nhìn nhận hồ sơ nhập cư dưới góc độ tôn giáo. Nhật báo Công giáo tỏ ra lạc quan với nhận định trang nhất : ‘‘Nhập cư : Luồng sinh khí mới với tôn giáo’’. Theo La Croix, trái ngược với quan niệm phổ biến, người theo đạo Hồi không chiếm đa số áp đảo, mà chỉ ở mức quan trọng, với 43%, người theo Thiên chúa giáo chiếm 31%. Nhập cư rõ ràng là một luồng sinh khí cho đời sống tôn giáo, bởi xã hội Pháp nhìn chung trong xu thế thế tục hóa, tỉ lệ người theo đạo Thiên Chúa sụt giảm rất mạnh trong những thập niên qua.

Khủng hoảng hưu trí: Cực hữu ngậm miệng ăn tiền

Libération lên án phe cực hữu sử dụng cơ hội khủng hoảng để kiếm lợi trang nhất nhật báo thiên tả đăng hình cận cảnh gương mặt thủ lĩnh cực hữu Marine Le Pen, với hàng tựa : ‘‘Kẻ đục nước béo cò’’. Xã luận Libération, nhan đề ‘‘Khoái trá’’, mô tả thái độ im lặng của lãnh đạo đảng Mặt Trận Dân Tộc (RN) trong suốt thời gian khủng hoảng cải cách hưu trí vừa qua, ‘‘làm ra vẻ ủng hộ ủng hộ phong trào phản kháng, nhưng không đưa ra bất cứ một đề xuất nghiêm túc nào dù là nhỏ nhất’’. ''Lãnh đạo RN khoái trá liếm mép’’ là nhận xét của Libération (‘‘Marine Le Pen se lèche les babines’’ là diễn đạt trong nguyên văn). Libération chỉ trích thủ lĩnh cực tả Jean-Luc Mélenchon, khi không đưa ra giải pháp, nhưng tố cáo chính quyền Macron đặt trong một rọ ‘‘lãnh đạo cực hữu và lãnh đạo cực tả’’, và điều này chỉ làm ''bình thường hóa quan điểm cực hữu''.

Cuốn sách khiến chế độ toàn trị Xô Viết run sợ

Phụ trương văn học của Le Monde hôm nay dành trang nhất để giới thiệu về ‘‘Vassili Grossman, một người kháng chiến’’. Vassili Grossman là tác giả cuốn ‘‘Cuộc đời và số phận’’ (Жизнь и судьба) hoàn tất năm 1961, cuốn sách khiến chế độ toàn trị Xô Viết run sợ.

Theo Le Monde, an ninh Liên Xô đã tịch thu toàn bộ bản đánh máy, và kể cả ruy-băng máy chữ được sử dụng để đánh bản thảo. Lãnh đạo tuyên huấn của chế độ cộng sản Liên Xô vào thời điểm đó, Mikhail Souslov, khẳng định là cuốn sách này không thể công bố trong vòng 200 năm tới. Cuốn ‘‘Cuộc đời và số phận’’ của văn hào Nga Vassili Grossman (1901 – 1965) rút cục đã được công bố lần đầu tiên tại phương Tây năm 1980.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?