Mùa xuân đi lấy Gươm thần


Doãn Quốc Sỹimage.pngLời tòa soạn : Truyện ngắn cổ tích "Mùa xuân đi lấy Gươm thần" của nhà văn Doãn Quốc Sỹ được viết cách đây ít nhất 65 năm có giá trị vượt thời gian, không phải chỉ về văn chương mà cả triết lý và đạo lý. Cụ thể hơn, tuyệt tác "Mùa xuân đi lấy Gươm thần" là một thông điệp cực kỳ quan trọng dành cho những người làm chính trị, là tấm gương soi cho kẻ cầm quyền. Chế độ cộng sản Việt Nam hiện nay có rất nhiều Quan Lang trưởng, nhưng không có Quan Lang thứ... 

Nhân dịp mừng nhà văn lỗi lạc Doãn Quốc Sỹ thọ 100 tuổi, Thông Luận xin phép tác giả phổ biến tác phẩm độc đáo này.

image.png

---------ooo0ooo---------

Vua Đế Minh, cháu ba đời vua Thần Nông trong dịp đi tuần thú phương Nam có cho đánh một thanh gươm báu mà thường thường Ngài đeo luôn bên mình để phòng bất trắc. Một chiều kia, khi Ngài còn cách dãy Ngũ Lĩnh chừng mươi dặm đường thì trời nổi cơn giông tố. Ngài cùng các bộ tướng phải vào một hang đá gần đấy mà ẩn núp. Khi cơn giông tố tan, trời đã về chiều. Không gian như được rửa sạch, ánh nắng chiều vàng trong chiếu phủ lên rừng cây xanh mát còn lấp lánh trong mưa.dqs2

Bức vẽ Thần Nông, từ "Đế vương đạo thống vạn niên đồ. 

Vua truyền lệnh cho các bộ tướng hãy đóng trại nghỉ tạm đêm tại đó, rồi Ngài xách gươm báu ra ngồi tựa dưới một gốc cây cổ thụ lặng ngắm bóng chiều tà như một giải lụa mênh mông bị bàn tay vô hình nào kéo thu về chân trời.

Nhà vua thiu thiu ngủ. Chợt một con hổ xám từ khe suối gần đấy nhô ra hung hăng xô tới. May sao có một bộ tướng đứng gần thấy vậy, nhảy xổ lại rút gươm báu bên mình đức Vua để kịp chống cự với mãnh thú. Nhà Vua bừng tỉnh. Bóng chiều cô tịch đã buông màn lên vạn vật tự bao giờ. Tới khi Vua kịp định thần lại thì một đường gươm vung rộng lên cao, loáng hạ xuống, tiếp theo một tiếng gầm thê thảm : mãnh thú đã bị hạ thủ !

Để thưởng công, vua Đế Minh ban cho viên bộ tướng thanh gươm báu đó.

dqs02

Chợt một con hổ xám từ khe suối gần đấy nhô ra hung hăng xô tới…

Hôm sau, khi tới dải Ngũ Lĩnh, giữa cảnh núi cao rừng rậm, chim kêu vượn hót, Ngài gặp Vụ Tiên, kết duyên cùng nàng và hạ lệnh các bộ tướng hãy cùng cắm dinh trại lâu dài tại đấy. Một năm sau, bà Vụ Tiên sinh ra Lộc Tục thì viên bộ tướng kia bị bạo bệnh chết, đồng thời thanh gươm báu bị mất tích, không biết về tay ai. Ít lâu sau, hễ thấy viên bộ tướng nào bị hạ thủ, người ta mới biết chính viên đó trước đây đã chiếm được gươm báu. Như vậy, người ta chỉ thấy hút gươm báu mà không hề thực tìm thấy gươm báu bao giờ, bởi khi chủ nhân trước khi bị hạ thủ thì thanh gươm đã sang tay người chủ mới bí mật rồi.

Tới thời Lộc Tục được phong lên làm vua phương Nam xưng là Kinh Dương Vương đặt quốc hiệu là Xích Quỷ thì thanh gươm báu lưu lạc tới đâu thì người ta không còn biết nữa và cũng ít ai nhắc tới.

Đến khi Kinh Dương Vương kết duyên cùng nàng Long Nữ, con gái Đồng Đình Quân sinh ra Sùng Lãm - tức vua Lạc Long Quân sau này - thì hình như gươm báu đã truyền từ tay quý tộc xuống tay bình dân bách tính.

Gươm đã rơi vào tay các người làm nghề chài lưới để chém thuồng luồng và các giống thủy quái khác.

Gươm đã rơi vào tay những người đi săn để chém thú dữ, trăn rừng v.v.

Gươm đã rơi vào tay những tên gian ác. Chúng dùng gươm để tàn sát người các bộ lạc khác mà cướp lấy những đán súc vật.

Cứ như vậy, gươm truyền từ tay này qua tay khác, từ đời này qua đời khác, trong khi đó dòng lịch sử vẫn chảy đều. Vua Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ. Rồi một số dân tộc Việt lại một dịp di chuyển mạnh về những quần đảo miền Nam và Đông Nam. Người con trưởng đức Lạc Long Quân được phong làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.

Gươm thiêng đã đẫm máu nhiều, đẫm máu ô trọc để đem lại thanh bình cũng có, đẫm máu vô tội để gây oán cừu cũng có. Đêm đêm trong vỏ gươm có thoát ra những tiếng gì, khi thì nhè nhẹ như tiếng thở dài, khi thì mạnh như trận cuồng phong. Đôi khi văng vẳng như tiếng hổ gầm thê thảm trong rừng sâu khi bị hạ thủ, đôi khi như có tiếng sóng cuồng loạn vỗ vào mạn bờ lúc loài thủy quái bị xả ngang thân giẫy giụa dưới sâu; có lúc chợt nghe thấy tiếng cười sảng khoái của khách anh hùng nhưng lại có khi nghe thấy tiếng khóc than bi ai của dân hiền vô tội.

Từ đó thanh gươm biến thành một thứ khí giới vô cùng nguy hiểm. Nguy hiểm ở chỗ kẻ nào dùng đến nó thì hầu như bị hôn mê ám chướng, thả lỏng con tim và sử dụng gươm thần như một lợi khí để đạt tới những đam mê đê hèn vị kỷ. Những kẻ sa vào vòng bất chính đó đều gặp những cảnh chết thảm thương, nhưng không vì thế mà cảnh tỉnh được những kẻ sau dùng nó. Hoặc giả, cũng có kẻ khi chưa có nó thì là người nhân nghĩa, đến khi có nó thì trong lòng giao động và nhân nghĩa chuyển màu, chẳng bao lâu lại hoàn toàn quay cuồng theo lòng dục mù quáng hệt như kẻ trước, để rồi cũng tự kết thúc đời mình một cách thê thảm trong oán cừu, trong nguyền rủa của đồng loại.

Đến đời vua Hùng Vương thứ Bảy thì thanh gươm được một đạo sĩ mặc áo vàng giữ. Vị đạo sĩ đó hiện ở một hang núi thuộc bộ Lục-Hải 1 . Người đặt thanh gươm lên bàn thờ và ngày đêm cầu khẩn Trời Phật ban phúc lành, giải u uất cho hồn gươm, cầu khẩn sớm xuất hiện những bậc thánh đức để sử dụng xứng đáng gươm thần, ngõ hầu mang lại hạnh phúc cho nhân gian.

Vua Hùng-Vương thứ bảy sinh được hai vị Quan-Lang 2 . Vị Quan Lang trưởng được biết tin ấy trước, có ý muốn lén đi lấy gươm về để sau sẽ nối nghiệp vua cha, giữ vững sơn hà xã tắc. Quan Lang trưởng biết rõ phía trước động đó có một thác nước. Về mùa hạ, mùa thu, sức nước đổ rất mạnh, không ai có thể qua được. Về mùa đông thì hơi núi toát ra một luồng khí lạnh buốt thấu xương bao trùm cả một vùng, sức người thường không sao kham nổi. Bây giờ đương tiết Thu, người phải đợi sang đầu xuân ấm áp, là lúc thác nước bớt mãnh liệt, dòng suối hẹp lại và sức nước cuốn yếu đi mới có cơ sang động được. Đầu mùa đông năm đó, người vâng lệnh vua cha làm lễ thành hôn với con gái một vị lạc hầu. Quan Lang trưởng cho người đem sừng tê, ngà voi đến bờ biển bộ Ninh-Hải 3 tìm những phường lái vừa vượt biển từ phương Bắc tới để đổi lấy một tấm lụa vàng nuột mang về may áo cưới cho ý trung nhân.

Chẳng bao lâu mùa xuân tới, hoa đào đua nở như muôn vàn nụ cười xinh thắm, trang điểm cả một vùng ba bốn dặm quanh Phong Châu. Nhìn về phía Sóc Sơn, những khu rừng mai đua nở để lộ ra những khoảng trắng lớn rung động, trông xa như những con bướm khổng lồ đậu trên vòm lá xanh non của rừng xuân. Vị Quan Lang trưởng xin phép vua cha cho đi chơi quanh vùng trong ít ngày. Khi đã được phép, người thẳng đường đến bộ Lục Hải, tìm tới động gươm thần. Trước khi đi, người đã âu yếm nói với người đẹp mới cưới rằng : "Nàng hãy chờ ta, khi về chắc chắn sẽ có vật lạ".

Đến nơi, quả thấy thác ngàn trước động bớt rầm rộ. Quan Lang trưởng lội qua dễ dàng.

Trời về chiều, nắng xuân vàng nhẹ, phủ nghiêng lên rừng cây xanh tươi, và trời xuân thì một màu xanh bát ngát.

Đứng trước bức tranh tuyệt mỹ của tạo hóa, thường thường con người có hai thái độ hoặc tỏa lòng ra để hòa với vũ trụ, hoặc thu vũ trụ lại để so sánh với lòng mình. Vị Quan Lang này theo thái độ dưới. Người thấy nắng vàng chiều xuân mong manh thì nghĩ đến tà áo lụa mà người đã may cho ý trung nhân. Nhìn trời xuân man mác, người thấy như kém bề sâu thăm thẳm nếu đem so với đôi mắt mỹ nhân.

Người theo đường hẻm leo lên cửa động. Một vị đạo sĩ râu tóc bạc phơ, có tia nhìn hiền dịu, mặc áo vàng ở trong động bước ra. Quan Lang trưởng tiến lên chưa kịp xưng danh thì vị đạo sĩ đã nói :

- Ta biết ngươi là vị Quan Lang trưởng đến đây muốn lấy thanh gươm thần. Nhưng ngươi có biết đã bao người xưa làm thiệt người và thiệt mình vì không đủ đức để sử dụng nổi thanh gươm đó chăng ?

- Thưa đạo sĩ - vị Quan Lang đáp - tôi đã nghe nói nhiều đến những tai họa đó, nhưng tôi là dòng dõi vương giả, tôi sắp lên ngôi báu nên cần có thanh gươm đó để bảo toàn xã tắc, thiết tưởng không còn điều gì nghi ngại nữa !

Đạo sĩ lắc đầu :

- Người nói người là dòng dõi vương giả sắp lên ngôi báu, sử dụng gươm thần là hợp lý, không có điều chi nghi ngại. Người quên rằng gươm thần chỉ cần bậc thánh đức sử dụng mà dòng dõi vương giả đâu đã là điều đảm bảo cho thánh đức ?

- Xin đạo sĩ tin ở tôi, tôi sẽ dùng gươm đó gìn giữ bờ cõi Văn Lang. Đời Đức tiên hoàng của phụ vương tôi 4 đã có giặc Ân sang quấy nhiễu, may nhờ có anh nhi làng Phù Đổng cưỡi ngựa cầm roi sắt chỉ huy ba quân đánh tan giặc cướp nước. Đến đời phụ vương tôi trị vì trăm họ yên vui, giặc Ân không còn dám ngấp nghé, nhưng phương Nam giặc Hồ Tôn 5 rục rịch muốn đề binh xâm phạm Văn Lang. Bởi vậy xin đạo sĩ cứ trao cho tôi gươm thần đó, tôi nguyện dùng nó để bảo vệ giang sơn.

Đạo sĩ gật gù một lát rồi chậm rãi vuốt chòm râu bạc nhìn thẳng vào mắt Quan Lang và hỏi :

- Quan Lang hãy cho ta biết cái gì mỏng nhất thế gian này ?

Ngẫm nghĩ một lát Quan Lang trả lời :

- Người phương Bắc thường vượt biển xuống buôn bán với người phương Nam ở các cửa biển thuộc bộ Ninh Hải, Cửu Chân và Hoài Hoan 6. Mới rồi, tôi có đem sừng tê, ngà voi đổi lấy một tấm lụa thật mỏng màu vàng mượt để may áo cưới cho người con gái mà tôi vừa thành hôn cách đây ba tháng. Theo ý tôi, có lẽ vật mỏng nhất trên thế gian này là thứ lụa đó.

Vị đạo sĩ lắc đầu, giọng đượm vẻ ngao ngán nói :

- Quan Lang người còn bạc đức lắm, chưa sử dụng được gươm thần đâu !

Rồi đạo sĩ quay vào trong động. Quan Lang vội theo gót quay vào ngay. Người thấy trên bàn thờ một thanh gươm cổ, vỏ sắt bên ngoài đen, một màu đen uy nghi. Chuôi sắt có chạm một con thuồng luồng cuộn khúc, những khúc nổi lên thì bóng vì được cọ xát với tay cầm, những chỗ khắc sâu thì màu tối hơn nhưng không đen xỉn vì đấy là thứ sắt đã luyện kỹ.

epee4

Trên bàn thờ một thanh gươm cổ, vỏ sắt bên ngoài đen, một màu đen uy nghi. Chuôi sắt có chạm một con thuồng luồng cuộn khúc

Quan Lang xin phép đạo sĩ rút thanh gươm ra khỏi vỏ để xem. Một luồng hào quang từ lưỡi gươm lành lạnh rờn rợn bốc lên như làn sóng gợn dưới ánh trăng khuya. Ngắm nghía tần ngần giờ lâu, rồi khi đã tra gươm vảo vỏ, tay phải nắm chắc lấy đốc gươm, Quan Lang bỗng nhìn thẳng vào đôi mắt đạo sĩ và nói bằng một giọng cương quyết :

- Thưa đạo sĩ, tôi nhất định chiếm thanh gươm này để bảo toàn xã tắc.

Vị đạo sĩ điềm nhiên cười :

- Người bảo toàn xã tắc hay người làm xã tắc lao đao ?

Quan Lang nhấn mạnh từng lời :

- Tôi sẽ bảo toàn xã tắc !

Vị đạo sĩ vẻ lạnh lùng :

- Được, nếu vậy thì người có thể mang gươm về.

Quan Lang vui mừng khôn xiết, đeo gươm vào mình và từ giã đạo sĩ trở về Phong Châu ngay chiều hôm đó. Trên đường về, thỉnh thoảng người lại rút gươm ra vung lên những đường loang loáng ; những ai đứng ở xa sẽ thấy có những vòng hào quang khi cao, khi thấp và những cành cây cổ thụ chợt rụng xuống như một quả chín.

Về tới cung, Quan Lang đem gươm ra khoe với mỹ nhân của người. Ngay đêm hôm đó, vua Hùng Vương thứ Bảy có đặt tiệc rượu thưởng xuân, hội họp đông đủ các Lạc hầu, Lạc tướng tại điện đối diện. Quan Lang để vợ sang dự, còn mình nói thác là vừa đi xa về mệt, xin phép Vua cha cho được nghỉ ngơi đêm đó. Nhưng rồi khi tiệc rượu bên điện đức vua bắt đầu thì Quan Lang cũng xách gươm ra vườn thao diễn. Người mải mê với đường gươm loang loáng dưới đêm trăng mãi đến khuya mới về phòng. Người ngủ, gối gươm bên đầu giường. Tiếng cười nói của các Lạc hầu, Lạc tướng uống rượu thưởng xuân mơ hồ vọng lại. Chợt tiếng cười nói chập chờn đó như biến thành tiếng thở dài, rồi tiếng rú của gió gào ngàn, tiếng vang của thác đổ sủi bọt trắng xóa. Người thấy hiện ra trước mắt một thành đá bị nước xói mòn, rồi từng khối... từng khối... lung lay... rầm rộ theo nhau nhào xuống vực thẳm. Cảnh núi lở thật là hùng vĩ, nhưng cũng thật là ghê rợn. Rồi tiếng hổ gầm thê thảm làm rung chuyển cả một khoảng rừng núi âm u, rồi một khúc thuồng luồng bị chém xả, lăn lộn vật vã khiến sóng nước từ dưới sâu ngầu sủi lên như nước sôi và vỗ vào thành núi bờ biển một cách giận dữ căm hờn. Có tiếng cười sang sảng, có tiếng khóc nỉ non, có tiếng nấc nghẹn ngào uất ức.

Quan Lang vùng dậy, mắt trừng trừng nhìn về phía trước. Người thấy lâu đài, thành quách như bò lổm ngổm quanh mình. Người quờ tay tìm thanh gươm ở đầu giường thì thanh gươm vẫn nguyên chỗ cũ. Người vội rút gươm ra khỏi vỏ, một luồng ánh sáng lạnh bốc vụt lên cao rồi tan vào hư vô như vệt sáng của vì sao lạc. Người cúi nhìn thì thấy lưỡi gươm vẫn còn và ánh thép vẫn lành lạnh, rờn rợn bốc lên. Người xách gươm vùng chạy ra hiên, lâu đài thành quách đã đứng yên. Phía đối diện, người thấy rõ trên đỉnh đồi có một lâu đài nguy nga tráng lệ. Xung quanh lâu đài có những cây cổ thụ cành lá rườm rà, lại có mấy cây đào, cây mai hoa nở. Ánh sáng thoát ra từ lâu đài là một thứ ánh sáng kỳ diệu khiến Quan Lang đứng xa mà vẫn nhìn thấy rõ không sót mảy may tất cả những vật trong đó. Ánh sáng đem lại tầm mắt người hình ảnh một chiếc ngai vàng cao rộng, chạm trổ thật tinh vi. Phía trước ngai vàng có một chiếc kỷ bốn chân quỳ cũng dát vàng Chói lọi. Trên chiếc kỷ đó có đặt một thanh gươm vỏ vàng, chuôi khắc một con rồng mà hai mắt là hai viên ngọc bích.

Bỗng bức mành cửa bên trong lâu đài rung động. Một bàn tay ngọc thò ra vén lên, rồi cả thân hình người ngọc xuất hiện. Đó là một trang tuyệt thế giai nhân, tóc như mây, da trắng mịn, đôi mắt huyền thăm thẳm. Nàng mặc áo lụa màu xanh, thứ lụa mỏng và mịn đến nỗi chỉ nhìn từ xa mà Quan Lang cũng thấy một cảm giác mát rượi chạy trong người. Mỹ nhân bước ra, dáng người uyển chuyển, vẻ mặt tươi cười. Bức màn lại hé, rồi một mỹ nhân khác xuất hiện cũng với vẻ đẹp chim sa cá lặn như vậy nhưng mặc áo lụa bạch. Rồi lại một mỹ nhân nữa mặc áo màu hoa đào. Ba đôi mắt thăm thẳm của ba trang tuyệt thế giai nhân cùng chiếu về phía Quan Lang và Quan Lang thấy chiếc ngai vàng, chiếc kỷ vàng cùng thanh kiếm vàng nạm ngọc đều như xô nghiêng, run rẩy. Chính người cũng cảm thấy mình run rẩy, lao đao, đôi chân cơ hồ muốn khuỵu xuống. Sực nhớ trong tay mình còn cầm thanh gươm báu, người vung lên. Một luồng ánh sáng lóe ra, giòng máu như bừng tỉnh để lại chạy mạnh trong huyết quản và trí tuệ Quan Lang trở lại tưng bừng.

Người nghĩ thầm : "Ta sẽ xông lên tòa lâu đài, chiếm toàn bộ ngai vàng và ba người đẹp".

Thế là người khoa gươm tiến lên. Chợt các cây cổ thụ như biết chuyển động chạy ra ngăn đường. Người vung gươm, đường gươm mạnh ngọt phập vào thân cây. Mỗi lần một cây đỏ gục, người lại mang máng nghe như có tiếng ai vang vang bên tai. Người vẫn tiến lên gần lâu đài, các cây cổ thụ vẫn chuyển động, đường gươm của người càng mạnh, chợt một cây nhỏ chuyển tới chặn đường. Ồ, người thấy như đó là cây mai thì phải, nhưng sao mai lại màu vàng ? Mà hoa vàng làm sao lại nở nhiều đến nỗi như phủ kín khắp cành cây. Người dừng tay gươm mà không nỡ chém, nhưng vẫn tiến bước. Cây hoa mai vàng không chịu. Nó lùi ra xa, lấy đà để lao mình lại, khí thế vô cùng mãnh liệt. Người vội đưa ngược lưỡi gươm. Một tiếng kêu như lụa xé vang lên, đồng thời hoa vàng tung lên cao rồi lả tả rụng xuống như muôn ngàn xác bướm. Quan Lang chợt cảm thấy trong lòng xúc động. Nhưng chưa kịp nhìn xuống coi thân mai đổ gục ra sao, người bỗng giật mình vì có tiếng cười đâu đây. Khi ngẩng nhìn lên, người thấy trên nóc lâu đài lửng lơ một đám mây xám bên trong thấp thoáng những bóng ma, áo quần tơi tả, đầu tóc rũ rợi đương ôm nhau, vừa nhảy múa vừa nhìn người cả cười. Cả giận, người cầm vỏ gươm ném vèo lên. Đám mây xám như loãng ra, những bóng ma tán loạn biến theo. Vỏ gươm không thấy rơi xuống mà đám mây trong khoảnh khắc đã tụ lại xám hơn vì bóng ma hiện lên đông hơn trước. Không đắn đo, Quan Lang phóng thật mạnh cả thanh gươm lên, đường gươm vút nhanh như một tia chớp. Bóng mây chợt biến hẳn và người thấy tít trên từng mây vị đạo sĩ áo vàng giơ tay ra đỡ gươm, từ từ tra vào vỏ, rồi đi như bay về phương Bắc.

Quan Lang ôm mặt bàng hoàng, một lát sau, tâm trí hình như trở lại bình tĩnh, người buông tay ra nhìn quanh thì chao ôi, một cảnh đau thương ngoài sức tưởng tượng hiện ra trước mắt : tòa lâu đài vòi vọi không còn, Quan Lang thấy mình đứng giữa gian phòng tiệc thưởng xuân của Đức Vua cùng các Lạc hầu, Lạc tướng. Ba người con gái mặc áo lụa hồng, xanh, trắng đang gục vào thây ba vị Lạc tướng và khóc sướt mướt. Dưới chân trước mặt người là thây một người con gái mặc áo vàng. Người bàng hoàng đau đớn khi nhận ra đó chính là người vợ mới cưới của mình. Vua cha còn đứng yên như pho tượng đá kia, vẻ mặt căm hận vô bờ. Các Lạc hầu, Lạc tướng nhìn Người như muốn xông vào ăn sống nuốt tươi cho hả. Duy có vị Quan Lang thứ là nhìn người với đôi mắt tràn ngập tình thương xót xa. Ngay trước mặt người là một vạc than hồng rực mà Đức Vua thường cho đốt giữa phòng như thể để xua khí lạnh mỗi khi có tiệc vui thâu đêm.

Một ý nghĩ vụt qua trong trí và người quyết định ngay.

Đưa mắt một lần cuối cùng nhìn Vua cha, nhìn em, nhìn xác vợ và các Lạc hầu, Lạc tướng còn đứng quanh đó, rồi nhanh như chớp người lao mình vào vạc lửa. Những tàn than tung lên thành những hoa lửa rực rỡ như đêm hoa đăng.

° ° °

Sau đên khủng khiếp mà vị Quan Lang trưởng trong cơn mê sảng vung gươm chém chết vợ cùng năm viên Lạc tướng rồi tung gươm ra phía ngoài để sau cùng tự kết thúc đời mình vào vạc lửa, Đức Vua âu sầu khôn xiết. Ngay vừa lúc xảy ra tai nạn, Ngài có sai các Lạc tướng ra ngoài tìm thanh gươm lạ nhưng không ai thấy một dấu vết gì.

Hai năm qua... Đức Vua đã già lắm, Ngài cho vời vị Quan Lang thứ và tỏ ý đến mùa Xuân năm tới sẽ làm lễ truyền ngôi cho. Vị này tâu với Vua cha rằng Người đã từ lâu được biết ở một động núi thuộc bộ Lục Hải có một vị đạo sĩ giữ một thanh gươm thần đúc từ thời vua Đế Minh. Người lại trình với vua Cha sang đầu xuân sẽ đến động xin thanh gươm báu đó về rồi mới lên ngôi để lãnh trọng trách giữ vững sơn hà.

Vua cha gật đầu ưng thuận và đầu xuân năm đó vị Quan Lang thứ lên đường. Trước khi đi, Người có vào đền đức Phù Đổng, dâng hương lên bàn thờ vị anh nhi của dân tộc.

Khi Người tới thác ngàn cửa động thì trời cũng đã về chiều. Người đưa mắt lặng nhìn màu nắng vàng trong phủ lên cả một khoảng non sông cẩm tú. Người ngước nhìn lên cao thấy cả một bầu trời xanh bát ngát. Lòng bồi hồi, một tình thương yêu mênh mông như nước triều dâng lên tràn ngập cả tâm hồn. Người thấy thương mến vô cùng đám dân hiền là anh em đồng bào với người kia ; họ đã cùng nhau chia ngọt sẻ bùi trên mảnh đất gấm vóc này gồm từ phương Bắc, bộ Lục Hải và chạy dài tít xuống tới bộ Việt Thường, Bình Vân phương Nam 7. Một ý chí cương quyết bảo vệ lấy non sông ấy, bảo vệ lấy những dân lành ấy, bỗng chảy mạnh trong huyết quản khiến người cảm thấy tâm hồn rưng rưng một niềm tươi vui mạnh như nhựa xuân dâng lên búp lá, man mác dịu hiền như trời xanh ngợp nắng vàng.

- Quan Lang, ngươi đến lấy gươm thần ?

Vị Quan Lang giật mình khi nghe câu hỏi. Thì ra người mãi suy nghĩ không biết rằng mình đã tới cửa động và câu hỏi vừa rồi là của một vị đạo sĩ mặc áo vàng, râu tóc bạc phơ với tia nhìn hiền dịu, đương đứng ngang cửa động như có ý đón người. Người cúi đầu thi lễ rồi nói :

- Thưa đạo sĩ, dịp đầu xuân này tôi sẽ được Vua cha truyền cho ngôi báu. Nhận thấy nước Hồ Tôn phương Nam ngấp nghé muốn tràn cõi bờ Văn Lang, nên trước khi thọ phong, tôi đến đây ngỏ ý xin đạo sĩ ban cho thanh gươm thần Ngài giữ.

Đạo sĩ gật đầu mà rằng :

- Thanh gươm vào tay Ngài thì tôi không có điều gì e ngại, nhưng trước khi trao gươm tôi dám xin hỏi một câu : theo ý kiến ngài thì cái gì mỏng nhất trên thế gian này ?

Vị Quan Lang trẻ tuổi đưa mắt nhìn ra phía ngoài xa cửa động. Ánh chiều nhẹ và vàng trong màu hổ phách, lê thê như giải lụa thu về chân trời. Người đáp :

- Thưa đạo sĩ, nếu tôi bóc được ánh nắng chiều kia thì chắc là tôi đã có được một vật mỏng nhất trên thế gian này.

Đạo sĩ cất tiếng cười sảng khoái tỏ vẻ hài lòng lắm và mời Quan Lang thứ vào động.

Trước khi trao gươm cho vị anh quân tương lai đó, đạo sĩ còn ân cần dặn :

- Quan Lang, Ngài nên nhớ : muốn trị giặc nước, muốn trị những mầm phản trắc lẩn trong đám dân lành thì phải có gươm làm uy thế, nhưng Ngài chỉ nên dùng nó làm hình thức giữ vững uy thế thì hơn, xin đừng ham dùng nó vào cuộc đâm chém tàn bạo kẻo bị lạc nẻo theo vết xe đổ của những kẻ vũ phu khát máu.

Vị Quan Lang nhất nhất vâng lời, giơ tay nhận gươm cúi đầu lạy tạ vị đạo sĩ, rồi xuống động trở về Phong Châu.

° ° °

Sau khi mang được gươm thần về, Quan Lang thứ đem đến trình vua cha, kể lại lời đạo sĩ căn dặn. Đức Vua vui mừng khôn xiết, cho đấy là điềm lành, rồi lập tức làm lễ truyền ngôi cho con.

Vị Quan Lang thứ lên ngôi báu tức là Vua Hùng Vương thứ Tám. Tuy có thanh gươm, nhưng Ngài vẫn cho sứ đi giao hiếu với các nước lân cận, phương Bắc với các nước Bách Việt khác, phương Nam với nước Hồ Tôn. Các nước này cảm lòng thành thực của nhà vua cũng cho sứ sang Văn Lang tỏ tình giao hảo. Dân chúng nơi nơi sống trong cảnh thanh bình. Tiếng ca của trai gái vang khắp đồng nội của ruộng Lạc xa gần.

Hầu hết những vị vua con cháu Đức Hùng Vương thứ Tám trước khi lên ngôi, đều đã được truyền cho cách nuôi căn bản Thiện trong lòng để sử dụng gươm thần. Thanh gươm thần, dưới thời những vị vua đức dày một lòng thương dân yêu nước đó, không thấy thoát ra những tiếng thở dài hay những tiếng hổ gầm sóng vỗ. Và khi các Ngài rút gươm ra khỏi vỏ, ánh hào quang long lanh một vẻ đẹp kỳ thú. Đến đời HùngVương thứ 13 thì lai lịch thanh gươm đó thất truyền. Và sau này, tới khi cháu Thục Vương là Thục Phán đem quân đánh chiếm nước Văn Lang, không biết rằng Vua Hùng Vương thứ 18 có còn giữ được thanh gươm báu của các tiên đế để lại cho không mà sao lại thua chạy, đến nỗi phải nhảy xuống giếng tự tử ?

Doãn Quốc Sỹ 

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?