Bầu cử lập pháp: Đảng Xã Hội Pháp có đa số tuyệt đối tại Quốc hội



RFI

Theo các thẩm định sơ bộ, sau vòng hai cuộc bầu cử lập pháp, được tổ chức vào Chủ nhật 17/06/2012, đảng Xã Hội cánh tả có được đa số tuyệt đối tại Quốc hội Pháp với khoảng 300 ghế. Đảng Mặt trận Quốc gia cực hữu chắc chắn có đại diện ở Hạ viện. Bà Ségolène Royal, ứng viên tổng thống năm 2007 của đảng Xã Hội đã bị thất bại trước một ứng viên ly khai, tại vùng La Rochelle. Tỷ lệ cử tri không tham gia bỏ phiếu lên đến mức kỷ lục, 44,3%.




Sáu tuần sau khi bầu ứng viên đảng Xã Hội, ông François Hollande, làm tổng thống, người dân Pháp đã khẳng định sự lựa chọn của mình bằng cách bầu cho cánh tả có được đa số tại Quốc hội.

Theo các thẩm định sơ bộ, đảng Xã Hội sẽ có khoảng 300 đại biểu, trong khi chỉ cần 289 ghế là có được đa số tuyệt đối.

Ngược lại, đảng cánh hữu UMP cánh hữu, giờ đây trở thành đảng đối lập chính, chỉ giữ được khoảng 205 ghế. Tuy nhiên, thư ký quốc gia của đảng này, ông François Copé đã được bầu lại một cách dễ dàng ở thành phố Meau, vùng Seine et Marne.

Với 19 ghế ở Quốc hội, đảng Môi sinh châu Âu – đảng Xanh có thể thành lập được một nhóm dân biểu tại Hạ viện Pháp.

Như vậy, chính phủ của thủ tướng Jean-Marc Ayrault sẽ hoàn toàn rảnh tay để thực hiện chính sách của mình và ngay từ tháng Bẩy, có thể bắt đầu tiến hành các cải cách, mà không cần đến sự hỗ trợ của đảng Môi sinh châu Âu – đảng Xanh hoặc của đảng cánh tả cấp tiến. Hơn nữa, cánh tả cũng chiếm đa số tại Thượng viện.

Tỷ lệ cử tri vắng mặt trong vòng hai cuộc bầu cử lập pháp là 44,3%, mức kỷ lục trong đệ ngũ Cộng hòa. Có thể đây là dấu hiệu mệt mỏi, chán chường của cử tri, được kêu gọi đi bỏ phiếu tới bốn lần, kể từ ngày 21/04.

Trong số những chính trị gia có tên tuổi ra ứng cử lần này, đáng chú ý là trường hợp bà Ségolène Royal, người có tham vọng ra làm chủ tịch Quốc hội, đã bị thất cử tại La Rochelle. Đối thủ của bà là ông Olivier Falorni, một ứng viên ly khai của đảng Xã Hội. Thất bại của bà Royal, người đã từng sống cùng ông Hollande trong hàng chục năm và có 4 mặt con với nhau, diễn ra trong bối cảnh « vụ tweet » hồi đầu tuần : Bạn đời hiện nay của ông Hollande, bà Valerie Trierweiler, đã gửi tweet động viên ủng hộ ứng viên ly khai Falorni ngay sau khi biết tin ông Hollande ủng hộ bà Royal là ứng viên duy nhất của đảng Xã Hội tại vùng La Rochelle.

Trong cuộc bầu cử lập pháp lần này, đảng Mặt trận Quốc gia, cực hữu có hai đại diện ở Quốc hội : một người là luật sư và người kia là Marion Maréchal-Le Pen, cháu gái ông Jean Marie Le Pen, sáng lập viên và nguyên là chủ tịch của đảng này. Đây là đại biểu Quốc hội trẻ nhất, 22 tuổi.

Trong khi đó, bà Marine Le Pen, chủ tịch đảng Mặt trận Quốc gia, con gái ông Jean Marie Le Pen, đã thất cử.
 Trong cuộc bầu cử lập pháp theo phương thức tỷ lệ năm 1986, đảng cựu hữu đã có tới 35 ghế ở Quốc hội. Từ đó đến nay, do chuyển sang phương thức bầu đơn danh trực tiếp, đảng này không còn có đại diện ở Hạ viện.

Cách nay một tuần, trong vòng một cuộc bầu cử Quốc hội, đa số ủng hộ tổng thống cánh tả thu được 39,86% số phiếu (trong đó, đảng Xã Hội 29,35%), cánh hữu Hạ viện mãn nhiệm 34, 67%, đảng Mặt trận Quốc gia 13,60% và đảng Mặt trận cánh tả 6,91%.

Trong số 36 dân biểu đắc cử ngay vòng đầu, đảng Xã Hội có 23 người và đảng cánh hữu UMP 7 người.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện