Từ việc của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lo ngại về thực tế phòng dịch ở người dân

 Bài bình luận của Trần Lê Quân

2021-05-31

Từ việc của Hội thánh truyền giáo Phục Hưng lo ngại về thực tế phòng dịch ở người dânHình minh hoạ. Hàng quán vắng khách ở TP HCM do COVID-19 hôm 8/9/2020
 AFP















Nhà tôi nằm trên một con đường lớn của thành phố Hồ Chí Minh (tp HCM), bình thường xe cộ qua lại không ngớt từ chỉ trừ vài tiếng lúc rạng sáng. Hôm nay, 31/5/2021 thì êm ả quá-cả thành phố đang là ngày đầu tiên giãn cách 15 ngày theo quyết định mới.

Năm ngoái cũng khoảng thời gian này, cả nước giãn cách xã hội nghiêm ngặt hơn. Đó là một cột mốc lịch sử trong cuộc đời của nhiều người, cũng sẽ là một dấu ấn để từ đó tất cả mọi lĩnh vực hoạt động và thói quen phổ biến của con người đều xoay chuyển.

Lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi chứng kiến cảnh một thành phố mười mấy triệu người sôi động huyên náo suốt ngày đêm, mà nay vắng lặng đến nỗi có thể đi bộ qua đường vào bất kỳ lúc nào mà không cần phải nhìn trước ngó sau.

Lần đầu tiên trong đời chứng kiến một đại dịch nên người dân thời điểm ấy có lẽ nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo của ngành y tế hơn bây giờ. Nhưng số người hiểu tường tận cách thức lây lan của dịch bệnh và tuân thủ nghiêm ngặt cũng chỉ dừng lại ở một số không nhiều. Còn lại, đâu đâu cũng thấy sự đối phó: đeo khẩu trang nghiêm cẩn khi đi đường (vì sợ công an phạt), nhưng khi nói chuyện gần với nhau thì lại kéo khẩu trang xuống cằm hoặc bỏ hẳn. Hoặc nguy hiểm hơn là vẫn tổ chức ăn uống nhậu nhẹt đông người trong phòng kín, không thông khí.

2020-08-20T152129Z_2007748678_RC2RHI9F832F_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Hình minh hoạ. Người dân uống bia qua một tấm chắn phòng dịch COVID-19 ở một quán bia ở Hà Nội hôm 20/8/2020. Reuters

Năm nay cũng vậy. Mặc dù Tp HCM đã nhanh chóng trở thành địa phương có ổ dịch nguy hiểm nhất nước vì nhiều bệnh nhân dứt khoát không khai báo, hoặc khai báo giấu giếm lịch trình đi lại tiếp xúc, nhưng trong các khu dân cư, cái lệnh giữ khoảng cách hai mét gần như không thể thực hiện được. Người dân vẫn rủ nhau ăn nhậu tại nhà. Nay giãn cách, nhiều người rảnh rỗi thì lại càng nhậu  nhiều hơn.
Thực tế trong gần một năm rưỡi dịch bệnh, cho đến trước làn sóng dịch thứ tư này, Việt Nam chỉ có chưa đến 2.000 ca nhiễm, số người chết cũng chỉ ở 35 người, hầu hết là người già yếu có nhiều bệnh nền.  Điều này tạo nên tâm lý chủ quan cực độ ở nhiều người. Cộng thêm căn tính hời hợt ít khi nào tìm hiểu điều gì cho cặn kẽ vốn có của nhiều người Việt Nam, nên khi đợt sóng thứ tư bùng phát, nhiều người dân vẫn còn rất ú ớ về cách thức lây nhiễm. Hàng ngày hàng giờ tivi, báo chí và loa phường, tờ rơi tuyên truyền… ra rả, nhưng vẫn rất nhiều người chỉ thực hiện lấy lệ. Từ các khu dân cư bình dân cho đến người có học hành, trong công sở, thậm chí ngay trong ngành y vẫn từng nhóm rủ nhau ăn uống chung kể cả khi dịch đã bùng phát. Ở giới trẻ, quán sá bar pub đóng cửa thì kéo về nhà, hát hò nhậu nhẹt hút bóng… Địa phương hầu như không thể quản lý sâu sát nổi.

Ổ dịch phát sinh từ nhóm các tín hữu Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã làm mọi việc thêm khó khăn và nguy hiểm.

Theo các thông tin báo chí, nhóm các tín hữu thuộc Hội thánh này trước đây thường xuyên tổ chức sinh hoạt tôn giáo trong phòng kín, tuy chưa tới 20 người nhưng không ai đeo khẩu trang. Hoạt động tôn giáo các chi phái của Tin Lành hầu như đều hát thánh ca rất nhiều, tôi đoán Hội thánh này cũng không ngoại lệ. Trong khi đó, việc hát cũng như ho, khạc … đều phóng thích nhiều giọt bắn trong không khí với tốc độ lớn (xin đọc các bài báo khoa học giải thích về cơ chế lây lan dịch COVID) khiến virus dễ dàng lây từ người này qua người kia.
Để đối chứng, hãy xem thực tế các văn phòng làm việc của các doanh nghiệp. Tuy thường xuyên có số lượng người lớn làm việc cùng nhau cả ngày trong phòng kín, khoảng cách 2 m cũng là lý thuyết không thể thực hiện vì các khoang làm việc đều san sát nhau, nhưng do đeo khẩu trang thường xuyên nên rất ít lây lan, dù có người dương tính với bệnh. Các công ty hay doanh nghiệp đều rất chú ý nhắc nhở việc này. Ngoài nước rửa tay, lịch khai báo y tế được thông báo liên tục, nhiều nơi còn phạt thẳng cánh, trừ nặng tiền lương nhân viên (đến 10%) nào bỏ khẩu trang hay tụ tập đông người trong giờ làm việc. Nhân sự nếu quá đông sẽ được phân bổ làm việc online một phần và chia lịch đến trụ sở công ty để đảm bảo không quá nhiều người trong phòng kín. Các bề mặt dùng chung dễ bị lây nhiễm như máy chấm vân tay, cánh cửa, thang máy … đều có nhân viên vệ sinh thường xuyên lau sạch hoặc niêm phong luôn, để chuyển sang chấm công trên phần mềm online.
Vì hoạt động là mạch máu của doanh nghiệp. Chỉ cần một ca F0, toàn bộ công ty sẽ bị phong tỏa, nhân sự đưa đi cách ly, mọi chuyện kinh doanh làm ăn đều đình trệ. (Tuy vậy, nhân viên vẫn không ít người không tuân thủ quy định, như đã nói).

Cô Phương Tường Vy, con gái lớn của hai mục sư Hội thánh truyền giáo Phục Hưng viết trên trang mạng Muối & Ánh sáng, cho rằng báo chí đã bóp méo thông tin. Cô cho biết ngôi nhà của gia đình cô-nơi Hội thánh nhóm họp 30 năm nay đều tuân thủ quy định chống dịch, như đeo khẩu trang, phát nước rửa tay khi các tín hữu nhóm họp. Cô cũng cho biết hai tuần nay Hội thánh chỉ họp online.

2021-05-31T140422Z_805659619_RC22RN9JYLUC_RTRMADP_3_HEALTH-CORONAVIRUS-VIETNAM.JPG
Hình minh hoạ. Đường phố vắng vẻ do dịch COVID-19 ở Hà Nội hôm 31/5/2021. Reuters


Mục sư đồng quản nhiệm Hội thánh Võ Xuân Loan cũng cho hay trước đó bà đã đi đám cưới nhưng toàn bộ những người ngồi gần đến nay đều có kết quả xét nghiệm âm tính, vì vậy “F0 vẫn đang lang thang ngoài kia”(nguyên văn) chứ không phải bản thân bà. Do vậy, cả mục sư Loan và con gái của bà đều cho việc kết luận lây lan và không hợp tác chống dịch từ Hội thánh là quy kết thiếu căn cứ.

Nhưng trong những thông tin khác từ HCDC hay từ các bác sĩ trực tiếp điều tra dịch tễ đều cho hay toàn bộ gia đình mục sư Loan đều giấu giếm và không hợp tác khai báo lịch trình đi lại cũng như thực tế việc nhóm họp. Gia đình mục sư Loan đều không hề nhắc đến điểm mấu chốt là các tín hữu đã không đeo khẩu trang trong thời gian nhóm họp.

Mục sư Loan cũng mập mờ trong việc khai báo lịch trình: bà không cho biết mình đã đi Hà Nội (lúc đó đang là địa phương có dịch nên khi về phải khai báo y tế), không khai báo những người tiếp xúc, nên lực lượng truy vết đã phải dò theo các liên lạc trong điện thoại để tìm ra người tiếp xúc.

Tuy nhiên, chỉ vỏn vẹn trong 5 ngày từ 27/5 đến nay, ổ dịch từ nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng đã có tổng cộng 191 người dương tính, (40 tín hữu, 107 F1 và 47 F2), lan ra nhiều địa phương. Con số này là minh chứng rõ nhất cho việc phần lớn, nếu không nói là hầu hết tín hữu Hội thánh này đã không tuân thủ các nguyên tắc phòng dịch. Họ cố tình hay chỉ là chủ quan hoặc tuân theo diễn giải sai lệch kinh Thánh của cá nhân nào đó?

Vụ án làm lây lan dịch bệnh đã bị khởi tố, hy vọng trong quá trình điều tra sẽ cho thấy rõ sự thực.

Ở khía cạnh khác, hiện tượng ổ dịch liên quan đến Hội thánh truyền giáo Phục Hưng khiến sự nguy hiểm và khó khăn trong chống dịch tăng thêm gấp nhiều lần. Loại trừ khả năng xấu nhất là “chủ động” gieo rắc dịch bệnh, thì cộng với các ví dụ trên đầu bài, dịch bùng phát là thực tế rất đáng ngại của việc người dân không hiểu rõ, không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch, cho dù ngành y tế và truyền thông gào rát cổ đến mức nào.

Từ nhiều nguyên nhân, nhưng một phần rất rõ hậu quả gây ra từ việc này là số ca bệnh lan nhanh đến mức chỉ trong vòng 30 ngày từ cuối tháng 4/2021 đến nay, số ca nhiễm bệnh đã tăng gấp hơn ba lần toàn bộ số ca nhiễm trong vòng 14 tháng trước đó.

 * Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?