Việt Nam Đại hội XIII: Tận dụng triệt để "thành công" trong năm 2020 để duy trì tính chính đáng của Đảng

TẠP CHÍ VIỆT NAM

RFI

Phần âm thanh 09:59
Tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của đảng Cộng Sản Việt Nam, diễn ra từ 25/01 đến 02/02/2021 tại Hà Nội.
Tranh cổ động, chào mừng Đại hội lần thứ XIII của đảng Cộng Sản Việt Nam, diễn ra từ 25/01 đến 02/02/2021 tại Hà Nội. AP - Hau Dinh
Thu Hằng
23 phút

Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ XIII diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/01 đến 02/02/2021. Công tác nhân sự cho 5 năm tới, đặc biệt là bốn vị trí chủ chốt, là một trong những hoạt động quan trọng của Đại hội. Ngoài ra, 1.587 đại biểu cùng tổng kết 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới và đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025.

Vị trí « tứ trụ » có điểm gì đặc biệt ? Đảng duy trì vai trò lãnh đạo như thế nào ? Đâu là những ưu tiên phát triển trong 5 năm tới ?

RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, chuyên gia về Việt Nam, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp (IRSEM).

*****

RFI : Trong số bốn nhà lãnh đạo được cho là sẽ giữ vị trí « tứ trụ » trong 5 năm tới (gồm các ông Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Xuân Phúc, Vương Đình Huệ và Phạm Minh Chính), ông Nguyễn Phú Trọng và ông Nguyễn Xuân Phúc đại diện cho « khối Đảng » và « khối chính phủ » trong chính phủ mãn nhiệm. Hai « trường hợp đặc biệt » này có ý nghĩa như thế nào ?

Benoît de Tréglodé : Trước tiên phải nói là Đại hội XIII của đảng Cộng Sản Việt Nam diễn ra trong bối cảnh rất đặc biệt. Việt Nam trải qua năm 2020 một cách đáng tự hào. Những biện pháp mạnh được đưa ra để đối phó với đại dịch Covid-19 đã mang lại một năm thành công về mặt kinh tế với sự bùng nổ về xuất khẩu và thêm nhiều thị trường mới. Tỉ lệ tăng trưởng gần 3%, dĩ nhiên là thấp hơn nhiều so với năm 2019, nhưng vẫn là một thành tích quan trọng. Nếu nhìn vào tổng kết về kinh tế, có thể nói đội ngũ lãnh đạo mãn nhiệm đã thành công trong năm 2020.

Dĩ nhiên, Đại hội lần này có nhiệm vụ tìm ra những nhà lãnh đạo mới điều hành đất nước, nhưng mục tiêu chính là khẳng định sự tiếp nối quyền lực và thay đổi về nhân sự, dù được cho là hạn chế, để tiếp tục đưa Việt Nam phát triển kinh tế và gia tăng sức hấp dẫn với thế giới.

Tôi cho rằng những tin đồn trong giới blogger về khả năng tổng thư ký kiêm chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tiếp tục ở lại, dù quá tuổi và sức khỏe « khá yếu » (đây không có gì là « bí mật quốc gia » cả) liên hệ trực tiếp đến nhu cầu tất yếu của đội ngũ lãnh đạo Việt Nam tận dụng triệt để « thành công » trong năm 2020 để tăng sức hấp dẫn của Việt Nam và tái khẳng định Đảng và chế độ đã biết vượt qua khó khăn, trở ngại tốt hơn nhiều nước khác trên thế giới. Điều quan trọng ở đây chính là sự tiếp tục và nhấn mạnh rằng Đảng là người bảo vệ dân. Và ngành ngoại giao công chúng đã mang lại thành công rực rỡ cho chế độ Việt Nam trong năm 2020.

Có lẽ nhu cầu trên đã giải thích cho việc có rất nhiều đắn đo cân nhắc trong việc tổ chức nhân sự cấp cao. Ví dụ thành tích của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã được đề cao. Phải nhắc lại một lần nữa rằng hiếm khi Việt Nam có được một năm thành công trong việc xây dựng hình ảnh với thế giới như vậy, cũng như chính sách ngoại giao Covid thành công hơn những nước khác, kể cả so với Trung Quốc, bởi vì Hà Nội đã kiểm soát hình ảnh tốt hơn cả ở trong nước lẫn ở nước ngoài. Chính quyền Việt Nam đã biết cách làm chủ tốt hơn việc này.

Cũng vì chống dịch Covid thành công mà chính quyền Việt Nam đã làm lu mờ được các cuộc tranh giành quyền lực vẫn thường xảy ra trước mỗi Đại hội. Đối với người dân trong nước, chính quyền cũng che giấu được rất nhiều vụ bắt giữ các nhà bất đồng chính kiến, trong lúc số các nhà bất đồng chính kiến bị bắt tăng gấp đôi trong năm 2020 theo thống kê của nhiều tổ chức phi chính phủ, như Ân Xá Quốc Tế (Amnesty international). Điều này cho thấy rằng chính quyền đã kiểm soát thành công hình ảnh của mình.

RFI : Dù thế nào, hai « trường hợp đặc biệt » trên đều vượt quá tuổi quy định ?

Benoît de Tréglodé : Thông thường một nhà lãnh đạo trên 65 tuổi sẽ không được ứng cử nhiệm kỳ hai hoặc một vị trí khác. Nhưng vấn đề tuổi tác chỉ mang tính tương đối trong hệ thống chính trị Việt Nam. Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII kết thúc ngày 17/01 đã thông qua một số cải cách thể thức, cho phép bổ sung một số trường hợp « đặc biệt » tái cử khóa XIII, chủ yếu liên quan đến hai ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc. Ngoài ra ông Trần Quốc Vượng, hiện 68 tuổi, cũng được phép tiếp tục hoạt động chính trị.

Nhưng nếu nhìn lại một chút về lịch sử chính trị Việt Nam, thực ra cách đây không lâu lắm, vào năm 2001, tổng bí thư Lê Khả Phiêu lúc đó đã phải rút lui vì quá tuổi. Cũng vào năm đó, thủ tướng Phan Văn Khải, lúc đó đã 68 tuổi vẫn đượctiếp tục thêm nhiệm kỳ mới. Và vào Đại hội trước, năm 2016, người ta nói là ông Nguyễn Tấn Dũng không thể tiếp tục vì quá tuổi quy định, trong khi đó ông Nguyễn Phú Trọng, cũng đã quá rất nhiều tuổi, vẫn tiếp tục cương vị tổng bí thư. Cần nhắc lại là ngay vào Đại hội lần thứ XI, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã vượt quá tuổi quy định là 65 tuổi.

Những trường hợp ngoại lệ này cho thấy quy định hạn chế tuổi chỉ mang tính lý thuyết, và hoàn toàn có thể bị đảo ngược vì nhiều lý do, cho phép một số nhà lãnh đạo tiếp tục hoặc chấm dứt sự nghiệp.

Nếu nhìn vào đường lối chính trị, rõ ràng là Hà Nội đang cần hai điều : trước tiên là sự tiếp nối, sau đó là một nhà lãnh đạo uy tín, biết tân dụng một cách tích cực môi trường và bối cảnh, giúp được đội ngũ lãnh đạo vượt qua cơn bão có thể xảy ra giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ và đang biến Việt Nam phần nào đó thành con tin trong bối cảnh nhạy cảm của khu vực.

RFI : Nếu ông Nguyễn Phú Trọng tiếp tục chức tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam lần thứ ba, cuộc chiến chống tham nhũng sẽ mạnh mẽ hơn ?

Benoît de Tréglodé : Cần nhắc lại rằng sức hấp dẫn kinh tế của Việt Nam là một thách thức chính trị quốc gia đối với các nhà lãnh đạo. Khả năng hấp dẫn đầu tư nước ngoài giúp Việt Nam tạo hình ảnh cạnh tranh hơn trên thế giới là điều bảo đảm cho Đảng tiếp tục lãnh đạo và duy trì tính chính đáng với người dân.

Bối cảnh hiện nay lại khác và đây là điểm thú vị ! Nhu cầu trao đổi ngày càng tăng, xã hội dân sự năng động hơn, sẵn sàng chỉ trích hơn… Điều này khiến chính quyền Việt Nam lo lắng hơn và hiểu rằng không được phép thất bại trong bước phát triển kinh tế. Thực vậy, với hơn 1 triệu thanh niên gia nhập thị trường lao động hàng năm, thì ngày càng có một bộ phận người dân nhạy cảm hơn với sự đa dạng, muốn được trao đổi và tranh luận. Đó là những nguy cơ lớn cho chính quyền.

Nhìn từ khía cạnh đó, có thể thấy những thách thức này liên hệ chặt chẽ với nhau về chính trị và kinh tế. Và cũng từ khía cạnh đó, chống tham nhũng là một công cụ vô cùng hữu ích và được ban lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam sử dụng tối đa để góp phần gia tăng sức cạnh tranh, làm trong sạch hơn bộ máy kinh tế. Nhưng chống tham nhũng cũng là công cụ cho chính quyền gạt khỏi đường lối lãnh đạo những nhà đối lập có thể gây rối loạn. Chẳng ai ngây ngô hết cả, cuộc chiến chống tham nhũng phục vụ cho chính quyền hiện nay, nhờ đó tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng có thể tô điểm hình ảnh đội ngũ thân cận của ông, cũng như làm rạng rỡ hình ảnh Việt Nam ở nước ngoài.

Tác dụng thứ hai, ít được đề cập, của cuộc chiến chống tham nhũng, đó là tình trạng « mua quan bán chức », mà tôi gọi là « kinh tế chính trị ở Việt Nam ». Cứ trước mỗi kỳ bầu ra đội ngũ lãnh đạo mới, tiền lại trở thành công cụ rõ ràng để xây dựng sự nghiệp. Việt Nam không phải là trường hợp duy nhất, hiện tượng này có thể thấy ở Trung Quốc hay ở nhiều nước phương Tây. Bằng cách triệt đường « mua quan bán chức » nhờ vào cuộc chiến chống tham nhũng, ông Nguyễn Phú Trọng đã hạn chế được khả năng phát triển của một đối thủ chính trị lớn, có thể tập hợp hoặc mua được nhiều số phiếu và trở thành một mối nguy hiểm thực sự.

Vì thế không bất ngờ khi nói rằng năm 2020, bằng cách gia tăng các vụ chống tham nhũng, tham gia tiêu diệt ứng viên đối phương, tăng số lượng ứng viên nhỏ hơn hoặc trung bình, ông Nguyễn Phú Trọng đã gây được khó khăn cho một đối thủ hoặc một lực lượng mới nổi lên, được hợp pháp thông qua trong cuộc họp của Ban Chấp hành Trung ương để bầu ra những nhà lãnh đạo mới của Việt Nam.

RFI : Ông đánh giá thế nào về việc sắp đặt nhân sự cấp cao này ? Trong số 4 tên được nêu lên, không có ai là người miền Nam, theo « truyền thống ». Liệu điều này có ảnh hưởng đến sự cân bằng trong hoạt động của đội ngũ lãnh đạo mới ?

Benoît de Tréglodé : Trong đời sống chính trị Việt Nam, khu vực địa lý luôn là một yếu tố cấu thành những « phe quyền lực ». Và tuyên bố gắn bó với vùng xuất xứ là điều quan trọng ở Việt Nam. Từ lâu Việt Nam có truyền thống là mỗi miền có một đại diện : Tổng bí thư thường là người miền Bắc, thủ tướng là người miền Nam. Đúng là lần này, miền Nam hơi bị mờ nhạt, nhường chỗ cho miền Trung. Ông Nguyễn Xuân Phúc là người miền Trung.

Tôi không muốn dự đoán những gì được quyết định trong ngày đầu Đại hội, nhưng điều này một lần nữa làm nổi bật tính chất căn bản và chiến lược là từ giờ, đối với các quan chức miền Bắc, đối với đảng Cộng Sản Việt Nam, kinh tế vừa là trọng tâm, vừa là tương lai của chế độ Việt Nam. Vì thế, nắm được « tay hòm chìa khóa », duy trì việc kiểm soát hoàn hảo, không bị phản đối của các tập đoàn kinh tế lớn trong nước vẫn là điểm ưu tiên.

RFI : Năm 2020, Việt Nam đã xây dựng được hình ảnh quốc gia chống dịch thành công, tận dụng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tranh thủ lập trường của các nước phương Tây về tình hình Biển Đông. Liệu có thể tiếp tục được chiến lược này trong thời gian sắp tới ?

Benoît de Tréglodé : Có một điểm thú vị cần nhắc đến là trước Đại hội lần thứ XII, Bắc Kinh lo lắng thực sự về tiến triển chính trị ở Việt Nam với thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Hiện tại, đúng là có những vấn đề về tranh chấp trên biển nhưng về mặt chính trị, Trung Quốc ít lo lắng hơn. Về vấn đề Biển Đông chiến lược và phức tạp hơn, nếu hỏi ý kiến các nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam, họ sẽ nói rằng những vấn đề này còn kéo dài, chứ không thể giải quyết được trong một nhiệm kỳ ở Bắc Kinh, hay ở Hà Nội hoặc tại Washington.

Việt Nam duy trì mối quan hệ song song với cả Hoa Kỳ và Trung Quốc. Cả hai phía đều có ưu điểm và nhược điểm. Hà Nội đã biết tranh thủ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung (đang diễn ra và sẽ còn tiếp tục do chính quyền Joe Biden sẽ không lật lại thế cờ và tiếp tục cạnh tranh với Trung Quốc) để đánh bóng hình ảnh và tiếng tăm trên thế giới.

Thành công này được giải thích qua việc chính quyền Việt Nam đã sử dụng hàng loạt công cụ an ninh và ngoại giao công chúng để biến mọi phê bình từ nước ngoài, mọi chỉ trích về sự thành công thần kỳ của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19 thành những lời xúc phạm và là cội nguồn của các rắc rối. Đây là mặt không tốt lắm của Đảng ! Điều này cũng giải thích cho việc chính quyền áp dụng ồ ạt luật an ninh mạng năm 2019 và cũng giống như nhiều nước khác, sử dụng đội « chiến binh mạng » và « troll » để đánh bóng hình ảnh đất nước ra thế giới.

Có một điều thực sự cần được tính đến, đó là hình ảnh tương lai của Việt Nam, ngoại giao công chúng của Việt Nam liên quan đến người lãnh đạo chính trị, bởi vì nếu hình ảnh bị xấu đi sẽ khiến các nhà đầu tư nước ngoài, cũng như một phần đối tác thương mại mới, từ bỏ, trong khi đây lại là những lực lượng quan trọng cho tương lai của đất nước.

RFI Tiếng Việt xin chân thành cảm ơn nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé, giám đốc khu vực châu Phi - châu Á - Trung Đông, Viện Nghiên cứu Chiến lược của Trường Quân sự Pháp. 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?