Mặt hàng chủ lực của Việt Nam bị Trung Quốc tạm ngưng nhập: Hóa ra là thứ "áp đảo" hàng TQ

 Hữu Hiển | 

Mặt hàng chủ lực của Việt Nam bị Trung Quốc tạm ngưng nhập: Hóa ra là thứ "áp đảo" hàng TQ

Thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với thị trường xuất khẩu chính là Trung Quốc, chiếm tới hơn 80%.


Theo thông báo mới đây, trong vòng 1 tháng tới kể từ ngày 29/12, Trung Quốc sẽ dừng nhập khẩu thanh long từ các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn, Việt Nam, vì phát hiện virus SARS-CoV-2 trên 3 lô hàng.

Theo thông báo của cơ quan này, từ ngày 20/11 đến 27/12/2021, lô hàng thanh long và bao bì nhập khẩu từ Việt Nam về cảng thành phố Bằng Tường (Trung Quốc) qua cửa khẩu Hữu Nghị (tỉnh Lạng Sơn) cho kết quả dương tính với 3 mẫu xét nghiệm, gồm có: mã công ty bao bì là VN-BTHPH-049; mã đơn vị sản xuất vườn cây ăn trái là VN-BTHOR-0007, mã đơn vị đóng gói là VN-BTHPH-001 và mã đơn vị sản xuất kinh doanh vườn cây ăn quả là VN-LAOR-0006, mã đơn vị đóng gói là VN-LAPH-008.

Theo Thời báo Kinh tế Việt Nam, thanh long là mặt hàng trái cây xuất khẩu chủ lực của Việt Nam với kim ngạch xuất khẩu năm 2019 đạt 1,25 tỷ USD, năm 2020 đạt 1,121 tỷ USD. Nửa đầu năm 2021 xuất khẩu thanh long đạt 1,2 triệu tấn, tăng 138% so với cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường xuất khẩu chính của thanh long Việt Nam là Trung Quốc (chiếm tới hơn 80%), Thái Lan, Indonesia. Bên cạnh đó, thanh long Việt Nam cũng đã được xuất khẩu sang nhiều nước khác như Ấn Độ, Australia, New Zealand, Nhật Bản, Liên minh Châu Âu (EU) và Chile.

Thời gian qua, thanh long Việt Nam đã chiếm thị phần xuất khẩu đáng kể ở các khu vực thị trường như Châu Á, Châu Âu và Mỹ, đồng thời được nhiều người Âu, Mỹ gốc Á biết tới và tiêu thụ. Tuy nhiên, những năm gần đây, thanh long Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh ngày càng tăng bởi các nguồn cung khác đến từ Đài Loan, Thái Lan, Malaysia…

Ngay cả tại thị trường xuất khẩu chủ lực Trung Quốc, ngành sản xuất thanh long của nước này cũng không ngừng phát triển, gây áp lực không nhỏ lên mặt hàng thanh long xuất khẩu của Việt Nam. Tuy vậy, có thể nói, thanh long Việt Nam vẫn ở một tiêu chuẩn chất lượng cao hơn hẳn, mà toàn ngành sản xuất thanh long Trung Quốc đang nỗ lực học hỏi để bám theo.

Lợi thế áp đảo của thanh long Việt Nam

Việt Nam có điều kiện khí hậu thổ nhưỡng phù hợp để phát triển các vùng trồng cây ăn trái quy mô lớn, từ đó cung cấp một lượng lớn trái cây tươi ra thị trường quốc tế. Một lợi thế rõ rệt của Việt Nam là cây thanh long có thể kết trái quanh năm.

Ngoài những lợi thế về tự nhiên, Việt Nam còn có những lợi thế về công nghiệp: ngành sản xuất thanh long của Việt Nam có quy trình xử lý toàn diện và chi tiết trong quá trình thu hoạch và sau thu hoạch. Việt Nam cũng đầu tư rất nhiều công sức vào việc quản lý nguồn gốc của trái thanh long.

Mặt hàng chủ lực của Việt Nam bị Trung Quốc tạm ngưng nhập: Hóa ra là thứ áp đảo hàng TQ - Ảnh 1.

Quy trình xử lý thanh long sau thu hoạch tại Việt Nam. Ảnh: Báo Nông nghiệp

Mức độ cơ giới hóa cao của quy trình chế biến sau khi thu hoạch khiến trái cây xuất khẩu của Việt Nam chiếm tỷ trọng rất lớn trên thế giới. Theo chuyên trang nông nghiệp dfs168.com của Trung Quốc, đây là một điểm mà ngành sản xuất thanh long nước này nên học hỏi Việt Nam.

Thanh long được thu mua tại Việt Nam với giá rẻ, tiến hành xử lý, đóng gói và bảo quản rồi vận chuyển sang Trung Quốc. Vì chi phí thấp nên có lợi thế hơn hẳn thanh long trồng tại Trung Quốc.

Thanh long Trung Quốc chất lượng không ổn định

Theo trang dfs168.com, hiện tại, nguy cơ sương giá gây hại đối với thanh long nội địa Trung Quốc tương đối lớn, giá thành sản xuất cũng khá cao.

Tuy nhiên xét về chất lượng thì giống thanh long Trung Quốc hơn thanh long Việt Nam về hương vị, độ chín và độ tươi. Do việc vận chuyển một quãng đường rất dài khiến cho thanh long Việt Nam có độ chín thấp, không tươi bằng thanh long Trung Quốc. Về hương vị, thanh long Việt Nam có vị nhạt hơn, hàm lượng đường và nước thấp hơn thanh long Trung Quốc.

Nhưng nói như vậy không có nghĩa là thanh long Trung Quốc đã vượt qua được thanh long Việt Nam. Bởi xét cho cùng, ngành sản xuất thanh long Việt Nam đã có sự tích lũy lâu dài, tuy ngành sản xuất thanh long Trung Quốc đang có một số lợi thế nhất định do được đầu tư vốn lớn, nhưng vẫn còn một khoảng cách khá xa so với Việt Nam.

Còn một điểm thanh long Trung Quốc không bằng thanh long của Việt Nam, đó là nhìn bề ngoài không được tươi ngon. Dù cùng một giống nhưng do khí hậu và môi trường ở hai nước khác nhau nên thanh long trồng tại Việt Nam có vỏ dày mọng hơn.

Mặt hàng chủ lực của Việt Nam bị Trung Quốc tạm ngưng nhập: Hóa ra là thứ áp đảo hàng TQ - Ảnh 2.

Thanh long trồng tại đảo Hải Nam, Trung Quốc (A) nặng 400g có giá 11 Nhân dân tệ (NDT, 40.000 VNĐ); thanh long Việt Nam (B) khoảng 320g có giá 11,9 NDT (43.000 VNĐ), và thanh long Quảng Tây, Trung Quốc (C) nặng 250g có giá 5 NDT (18.000 VNĐ). Ảnh: qq.com

Theo trang dfs168.com, một vấn đề kỹ thuật quan trọng hạn chế sự phát triển của ngành sản xuất thanh long Trung Quốc là khâu bảo quản và lưu trữ sau thu hoạch. Thời gian bảo quản của thanh long sản xuất tại Trung Quốc chỉ là nửa tháng. Đây là điều Trung Quốc cần phải học hỏi Việt Nam.

Hiện tại, tuy lượng thanh long sản xuất trong nước Trung Quốc đã đáp ứng được nhu cầu ở mức nhất định nhưng chất lượng không ổn định nên thị trường phản ứng chưa khả quan.

Cạnh tranh ngày càng gia tăng

Trong số các vùng trồng thanh long ở Trung Quốc, Quảng Tây có diện tích trồng lớn nhất, khoảng 11.000 ha, tiếp theo là các tỉnh Quảng Đông, Quý Châu, Hải Nam, Vân Nam, Phúc Kiến...

Tại Quảng Tây, một số công ty chuyên kinh doanh thanh long đã xuất hiện. Các công ty này tập trung vào khâu chế biến sau khi thu hoạch thanh long, họ đã đưa vào sử dụng nhiều thiết bị tiên tiến như phân loại và đóng gói, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm thanh long.

Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) Vũ Bá Phú cho biết, phía Trung Quốc đang áp dụng công nghệ để tăng năng suất, điều này không chỉ gây áp lực cạnh tranh tại thị trường trái cây Trung Quốc mà cả trên thị trường thế giới.

Mùa thu hoạch thanh long ở Trung Quốc là từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm, về cơ bản giống như mùa thu hoạch ở Việt Nam. Sau vài năm phát triển, diện tích trồng thanh long của Trung Quốc đã đạt 36.000 ha (tính đến cuối năm 2018), về cơ bản đã tương đương với Việt Nam.

Đọc thêm về: thanh long Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu, Liên minh Châu Âu

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?