Tin Trong Nước - 29/12/21

 

Việt Nam ngày 28/12 ghi nhận hơn 14,000 ca nhiễm mới, 214 ca tử vong, số bệnh nhân nặng đang điều trị là hơn 7,100 ca bệnh.

Hơn 14,000 ca nhiễm mới, hơn 9,000 F0 cộng đồng

Tối 28/12, Bộ Y tế thông báo về 14,421 ca nhiễm mới gồm 19 ca nhập cảnh và 14,421 ca ghi nhận tại 61 tỉnh/thành, trong đó có 9,305 F0 cộng đồng.

Có 9 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (1,920), Tây Ninh (923), Vĩnh Long (911), Khánh Hòa (790), Cần Thơ (763), Sài Gòn (671), Đồng Tháp (610), Hải Phòng (597), Trà Vinh (585).

So với ngày 27/12, số ca nhiễm tại Việt Nam ngày 28/12 giảm 446 ca, trong đó, Hà Nội ngày thứ 8 dẫn đầu toàn quốc về số ca nhiễm ghi nhận trong ngày. Một số tỉnh có ca nhiễm tăng cao gồm: Hải Dương tăng 260, Bình Thuận tăng 146, Sài Gòn tăng 111 ca.

Trong ngày, có 4,668 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 214 ca tử vong tại 23 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (35), An Giang (15), Tây Ninh (15), Vĩnh Long (15),… nâng tổng số ca tử vong tính đến nay lên 31,632 ca.

Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 7,103 ca, với 6,078 ca thở oxy, 1,025 ca thở máy và ECMO.

Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,680,985 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,675,321 ca. Tổng có 1,264,282 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.


Bộ Y tế chấp thuận sử dụng kết quả test nhanh để xác định F0

Ngày 28/12, Bộ Y tế đã chấp thuận kiến nghị của nhiều tỉnh, thành về việc sử dụng kết quả xét nghiệm test nhanh kháng nguyên để xác định F0 và người khỏi bệnh.

Theo đó, có 3 trường hợp để xác định F0 gồm:

  1. Trường hợp có xét nghiệm PCR dương tính COVID-19;
  2. Trường hợp nghi nhiễm có kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính;
  3. Trường hợp không có triệu chứng, có yếu tố dịch tễ hoặc tiếp xúc gần với ca nghi nhiễm hoặc xác định nhiễm COVID-19 trong khoảng 14 ngày và có 2 kết quả test nhanh kháng nguyên dương tính. Trong trường hợp chỉ có một kết quả, thì cần phải có xét nghiệm PCR để khẳng định.

Như vậy, bên cạnh xét nghiệm PCR, Bộ Y tế đã cho phép các tỉnh sử dụng test nhanh để xác định ca nhiễm và Fo khỏi COVID-19.


Hà Nội hơn 1,900 ca nhiễm trong ngày, 90% F0 sẽ điều trị tại nhà

Tối 28/12, CDC Hà Nội thông báo về 1,920 ca nhiễm mới trong ngày, trong đó có 449 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 43,277 ca.

Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 29/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Hoàng Mai (249), Nam Từ Liêm (245), Hai Bà Trưng (174), Cầu Giấy (135), Hà Đông (120), Đống Đa (113)…

Tính đến ngày 27/12, Hà Nội có 622 ca COVID-19 nặng và nguy kịch, trong đó 24 ca thở máy xâm lấn, không ghi nhận F0 nào đang lọc máu và chạy ECMO.

Sở Y tế Hà Nội cho hay, thành phố tăng cường điều trị F0 nhẹ và không triệu chứng tại nhà, để các bệnh viện tuyến trên tập trung điều trị ca bệnh có triệu chứng trung bình, nặng và nguy kịch.

Thời gian tới, khi Hà Nội có 3,000 ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày, 90% bệnh nhân sẽ được điều trị tại nhà.


Có 165 hành khách cùng chuyến bay với ca nhiễm Omicron đầu tiên

Trưa 28/12, Bộ Y tế công bố ca nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên tại Việt Nam là một công dân về từ Anh Quốc trên chuyến bay QH9028.

Người này sau đó được vận chuyển bằng xe chuyên dụng từ sân bay về khu cách ly và được cách ly tại phòng riêng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, có 165 người đi cùng chuyến bay với bệnh nhân này. Tất cả đã được cách ly tập trung theo quy định, trong đó, chủ yếu là người ở Hà Nội và 3 tỉnh thành khác.

Theo Bệnh viện 108, hiện sức khỏe bệnh nhân ổn định, chưa có biểu hiện triệu chứng lâm sàng.


Việt Nam sắp mở lại 5 đường bay quốc tế

Cục Hàng không Việt Nam mở lại đường bay quốc tế thường lệ đến .

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tính đến hôm 28/12, Cục đã nhận được sự đồng ý của 5 nhà chức trách hàng không các nước, vùng lãnh thổ để có thể mở đường bay quốc tế theo kế hoạch vào ngày 1/1/2022.

Theo đó, 5 quốc gia đồng thuận nối lại đường bay quốc tế thường lệ với Việt Nam là Nhật Bản, Đài Loan, Singapore, Campuchia, Hoa Kỳ.

Với Nhật Bản, các hãng Vietnam Airlines, Vietjet Air và All Nippons Airways đã được cấp phép bay. Chuyến bay đầu tiên của Vietnam Airlines vào ngày 5/1/2022, Vietjet Air và All Nippons Airways ngày 6/1/2022.

Đài Loan đồng ý và đề nghị tăng tần suất cho mỗi bên lên tối thiểu 5 chuyến/tuần. Theo đó, Vietnam Airlines, Vietjet Air và Bamboo Airways là các hãng được cấp phép bay đến Đài Bắc.

Với đường bay Singapore – Việt Nam, hãng Vietnam Airlines sẽ khai thác 2 chuyến/tuần và Vietjet Air một chuyến/tuần. Với đường bay Campuchia, Vietnam Airlines sẽ thực hiện 4 chuyến mỗi tuần.

Riêng Hoa Kỳ, do chỉ có Vietnam Airlines đang khai thác và đã được nhà chức trách hàng không hai nước cấp phép khai thác thường lệ nên hãng có thể bay như kế hoạch.

Hiện 3 quốc gia chưa có ý kiến phản hồi là Hàn Quốc, Lào, Trung Quốc. Còn Thái Lan có đề nghị có trao đổi thêm về nội dung Việt Nam đưa ra.

Dương Minh tổng hợp

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?