Vụ bé gái 8 tuổi bị bạo hành: 'VN cần có One-Stop Center để bảo vệ trẻ em'

BBC


Bé Vân An

NGUỒN HÌNH ẢNH,HÌNH CHỤP MÀN HÌNH

"Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều đã có những trung tâm bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình, xâm hại, được gọi là One-Stop-Center (OSC) trong khi Việt Nam thì chưa", Luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng, Đoàn luật sư TP HCM nói với BBC News Tiếng Việt ngày 29/12.

Trung tâm Một cửa (One-Stop Center (OSC) là nơi mà chỉ cần đến đó những nạn nhân của các vụ bạo hành có thể tiếp cận với tất cả các nguồn lực như cảnh sát, bác sỹ, luật sư... để được hỗ trợ ngay lập tức.

Dạy về một quá khứ bạo lực 

Việc thiếu vắng các trung tâm này là một thiệt thòi lớn đối với các nạn nhân của bạo hành gia đình tại Việt Nam.

Ý kiến của Luật sư Diễm Phượng được đưa ra trong bối cảnh dư luận Việt Nam đang bức xúc trước vụ việc bé gái 8 tuổi Vân An tại TP Hồ Chí Minh bị bạn gái của bố nghi bạo hành đến chết.

Mô hình One-Stop Center có gì?

Ở những trung tâm này luôn có một đại diện cảnh sát để nạn nhân tố giác về hành vi bạo hành, có bác sĩ chăm sóc các vết thương, có chuyên viên tâm lý để hỗ trợ về mặt tinh thần, có các chuyên viên hoạt động xã hội để kết nối nạn nhân với các khoản hỗ trợ của chính phủ, có luật sư để hỗ trợ về pháp lý và có đại diện của nhà tạm lánh để có thể hỗ trợ một nơi ở tạm thời cho nạn nhân, Luật sư Phượng nói với BBC.

Hầu hết các nước đều có One-Stop Center để bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,

Hầu hết các nước đều có One-Stop Center để bảo vệ trẻ em là nạn nhân của bạo hành gia đình

Hầu hết các nước trên thế giới hiện nay đều có One-Stop Center (OSC) - trung tâm bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị bạo hành gia đình, xâm hại.

Tại Thái Lan, Queen Sirikit National Institute of Child Health (Viện chăm sóc sức khoẻ trẻ em Hoàng hậu Sirikit) có one-stop center hỗ trợ trẻ em bị bạo hành gia đình. Tại trung tâm này các nhân viên công tác xã hội, phối hợp cùng bác sĩ, y tá, chuyên gia tâm lý giúp trẻ em được phục hồi và theo dõi liên tục khi nạn nhân ở nhà, trường học hay cộng đồng khi cần thiết.

Theo Samia Kassid, Quản lý dự án cấp cao từ World Future Council đánh giá hồi tháng 7/2021 thì "việc đầu tư vào việc củng cố sự phối hợp giữa các lĩnh vực chuyên môn tại One-Stop Center sẽ giúp đẩy nhanh tốc độ pháp lý và giúp tăng số vụ truy tố những kẻ thủ ác."

Tại Israel, Beit Lynn là một trong 7 trung tâm bảo vệ trẻ em và trẻ vị thành niên bị bạo hành hoặc xâm hại tình dục của nước này. Tại Trung tâm này có nhân viên xã hội hiểu về luật pháp, nhân viên điều tra, bác sĩ nhi, đại diện văn phòng công tố viên hay giám đốc. Theo đó, việc điều tra thẩm định các vụ bạo hành hay xâm hại sẽ giảm được thời gian đáng kể.

"Trong chương trình học bổng ngắn hạn của Đại sứ quán Israel về Chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em, tôi có dịp tham quan trung tâm Beit Lynn tại Haifa, Israel, là một trung tâm được hoạt động theo mô hình OSC, tôi rất ấn tượng với mô hình này và rất mong Việt Nam sớm có những trung tâm như vậy để kết nối các nguồn lực bảo vệ trẻ em", Luật sư Phượng cho biết.

'Chưa rõ cách tố giác'

Cơ thể của bé Vân Anh có nhiều vết bầm tím

NGUỒN HÌNH ẢNH,HÌNH CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Cơ thể của bé Vân An có nhiều vết bầm tím

Theo Luật sư Phượng, trách nhiệm trong việc thông báo, tố giác các hành vi bạo hành, xâm hại hiện nay chỉ giới hạn ở "Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh", mà không bao gồm những người khác, điều này dẫn đến hệ quả là nhiều người dù biết đến việc bạo hành thì họ cũng có quyền bỏ qua không tố giác vì đây không phải trách nhiệm của họ.

"Ngoài ra, dù Nghị định 56/2017/NĐ-CP ngày 09.5.2017 đã quy định rất rõ về nhiệm vụ của Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 với vai trò đầu mối để tiếp nhận, liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền, phối hợp với các cơ sở cung cấp dịch vụ trẻ em, tuy nhiên trên thực tế chưa nhiều người biết đến nhiệm vụ này của Tổng đài 111", Luật sư Phượng nói.

Theo quy định tại khoản 2 - Điều 100 và Điều 51 - Luật trẻ em hiện hành, "Cha, mẹ, giáo viên, người chăm sóc trẻ em, người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh có trách nhiệm trong việc phát hiện, tố giác, thông báo cho cơ quan, cá nhân có thẩm quyền về hành vi xâm hại trẻ em, trường hợp trẻ em có nguy cơ bị xâm hại hoặc đang bị xâm hại trong và ngoài gia đình" và "Cơ quan lao động - thương binh và xã hội, cơ quan công an các cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã, Tổng đài bảo vệ trẻ em 111 có trách nhiệm tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác; phối hợp xác minh, đánh giá, Điều tra về hành vi xâm hại, tình trạng mất an toàn hoặc gây tổn hại, mức độ nguy cơ gây tổn hại đối với trẻ em".

Theo Unicef, tại Việt Nam, 68,4% trẻ em trong độ tuổi từ 1-14 cho biết đã từng bị bạo hành bởi cha mẹ hoặc người chăm sóc trong gia đình.

Theo Báo cáo hoạt động 6 tháng đầu năm 2021 của Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em 111 thì tổng đài đã tiếp nhận 171.019 cuộc gọi, trong đó chỉ có 706 cuộc gọi cần hỗ trợ và can thiệp về trẻ em và trong 706 ca đó thì bạo hành trẻ em chiếm 362 ca.

"Trong khi trên thực tế các trường hợp về bạo hành trẻ em đang diễn ra ngày càng nhiều với tính chất và mức độ ngày càng nghiêm trọng", Luật sư Phượng nói.

"Trở lại vụ việc của bé Vân An, nếu những người có trách nhiệm phải thông báo và tố giác về việc bạo hành này (như những người đã từng khâu các vết cho bé trước đây) hiểu rằng họ có trách nhiệm phải thông báo về vụ bạo hành; hoặc những người hàng xóm hiểu rằng họ cần gửi thông tin tố giác với Tổng đài 111, công an, ủy ban nhân dân chứ không phải với Ban quản lý chung cư thì có lẽ sự việc đáng tiếc này đã không xảy ra", Luật sư Phượng nhận định.

"Không khoan nhượng'

Đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang và nơi đánh cháu Vân An

NGUỒN HÌNH ẢNH,HÌNH CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Đối tượng Võ Nguyễn Quỳnh Trang và nơi đánh cháu Vân An

Hôm 29/12, trong một tuyên bố chính thức, Rana Flowers, Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam cho rằng Việt Nam cần một hệ thống bảo vệ mạnh mẽ hơn và sự không khoan nhượng với bạo lực để bảo vệ trẻ em tốt hơn.

"Không khoan nhượng có nghĩa là những người hàng xóm khi chứng kiến bạo lực hoặc nghe tiếng kêu khóc sẽ ngay lập tức báo chính quyền và yêu cầu công an phải hành động để bảo vệ nạn nhân; có nghĩa là công an sẽ phải chịu trách nhiệm và có những hành động kịp thời, các nhân viên y tế và giáo viên khi nhận ra các dấu hiệu về bạo lực sẽ báo cáo ngay, có nghĩa là những giải pháp dựa vào cộng đồng cần được thực hiện để trẻ em hoặc phụ nữ có thể tiếp tục sống an toàn ở nhà trong khi thủ phạm phải bị chuyển đi.

"Và điều này đòi hỏi tất cả chúng ta phải hành động nhiều hơn nữa, đứng lên bảo vệ những người dễ bị tổn thương, nâng cao nhận thức của phụ nữ và trẻ em rằng bất kỳ hình thức bạo lực nào cũng không thể chấp nhận được và họ cần tìm kiếm sự giúp đỡ để ngăn chặn bạo lực."

Luật sư Lê Ngọc Luân ngày 29/12 cho biết đã tiếp nhận hỗ trợ pháp lý theo yêu cầu của chị Hạnh, mẹ cháu An và bác ruột của cháu.

"Qua thông tin, chứng cứ chúng tôi nắm được và báo chí đưa tin thì hành vi của bà kia là có dấu hiệu tội "Giết người" chứ không phải là tội "Hành hạ người khác". Và vụ án này nếu chỉ khởi tố một mình bà kia là có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm."

"Chúng tôi hi vọng việc khởi tố ban đầu tội "Hành hạ người khác" chỉ là biện pháp tạm thời cấp tốc, CQĐT Công an và VKS Quận Bình Thạnh cũng như Công an TP.HCM sẽ thực hiện mọi biện pháp để bảo vệ sự thật, bảo vệ cho linh hồn cháu bé và trẻ em Việt Nam", Luật sư Lê Ngọc Luân nói trên Facebook cá nhân.

'Đánh trong 30 phút'

Khi roi mây gãy, Trang dùng gậy gỗ dài 90cm, đường kính 2,2cm để tiếp tục 'dạy dỗ' cháu Vân An

NGUỒN HÌNH ẢNH,CHỤP MÀN HÌNH

Chụp lại hình ảnh,

Khi roi mây gãy, Trang dùng gậy gỗ dài 90cm, đường kính 2,2cm để tiếp tục 'dạy dỗ' cháu Vân An

Trang khai khoảng tháng 9/2021 khi cháu Vân An bắt đầu học online, Trang được người tình giao nhiệm vụ kèm cháu Vân An học. Trong khoảng thời gian này, Trang khai nhận đã nhiều lần đánh đập bé Vân An.

Trang đã lên mạng đặt mua một chiếc roi mây để làm công cụ "dạy dỗ" bé Vân An, đến khi roi mây gãy thì Trang đã dùng một thanh gỗ khác để tiếp tục đánh đập, hành hạ bé.

Điều đáng nói là Nguyễn Kim Trung Thái, cha của Vân An lại đồng tình với cách dạy dỗ của người tình.

Theo Công an quận Bình Thạnh, Thái khai nhận biết việc Trang dùng roi mây và thanh gỗ đánh đập con mình.

Thái cũng biết rõ các vết bầm tím trên người của con gái nhưng không có hành động can ngăn, bảo vệ con mà thậm chí còn "có vẻ như cũng đồng tình" với cách dạy dỗ con của Trang.

Trang khai nhận, sáng ngày 22/12, cháu Vân An có lịch học online từ 7h đến 11h. Sau khi bé học xong thì Trang nấu phở cho Vân An ăn và cho uống 3 hộp sữa.

Khoảng 15h30 cùng ngày, Trang tiếp tục kèm cháu Vân An học. Trong buổi học này, Trang đã dùng cây gỗ để đánh đập cháu bé liên tục trong khoảng 30 phút.

Đến khoảng 18h, cháu Vân An có biểu hiện mệt nên vào phòng nằm nghỉ. Một lúc sau Trang vào kiểm tra thì phát hiện cháu Vân An ói, mê man, yếu ớt nên đã gọi cho người tình trở về. Lúc này, Thái - cha của Vân An cũng vừa đi làm về đến chung cư nên gọi cấp cứu đưa cháu bé đến bệnh viện, nhưng bé Vân An đã không qua khỏi.

Kết quả sơ bộ khi giải phẫu, khám nghiệm tử thi, cơ quan chức năng xác định cháu Vân An tử vong do phù phổi cấp, trên cơ thể có nhiều tổn thương bầm tụ máu, gãy nhiều xương sườn, phần đầu cũng có vết thương, tụ máu, não phù.

Theo VTC, những người hàng xóm của bé Vân An tại chung cư Saigon Pearl cho biết thường xuyên nghe tiếng la hét, khóc lóc của bé trong thời gian dài từ năm 2020.

Cư dân tại Saigon Pearl cho biết phản ánh việc bé gái bị đánh đập nhiều lần, nhưng Ban quản lý giải quyết không triệt để. Khi bảo vệ chung cư lên hỏi, thì cha của bé Vân Anh nói đây là chuyện riêng của gia đình.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?