Nhìn lại Thượng đỉnh APEC-2016 lần thứ 24 và chánh sách bảo hộ mậu dịch của tân Tổng thống Trump


27-11-2016

Bác sĩ Mã Xái
Lãnh đạo 21 quốc gia  Châu Á-Thái Bình Dương lại gặp nhau tại Lima ( Peru) trong hạ tuần tháng 11 /2016 chủ yếu để thảo luận về thương mãi và các vấn đề kinh tế, nhưng năm nay hội nghị lại hăm hở đi vào môt nghị trình sôi nổi hơn về vị  tân tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vừa đắc cử với chánh sách bảo hộ mậu dịch đang tác động mạnh mẽ trên nền kinh tế thế giới và trong chánh trường nước Mỹ, tiếc thay ông không xuất hiện tại hội nghị dù Hoa Kỳ là thành viên APEC, lẽ dễ hiểu ông sẽ nhậm chức tổng thống vào ngày 20-01-2016. Trái lại TT Obama từ chuyến công du Âu Châu cũng bay thẳng về kịp phó hội  để phân trần lần chót với các thành viên TPP về việc ông Trump khoá sổ Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương -TPP – ông Obama cũng có dịp bắt tay lần cuối với các đối thủ Tập Cận Bình và Putin.
Thông cáo chung bế mạc Diễn Đàn Hợp tác Kinh tế Á Châu hôm 21/11/2016 tại Lima được RFI /Reuters trích dẫn:  APEC quyết tâm chống bảo hộ mậu dịch “ Dù không trực tiếp nhắc đến tên, nhưng thông cáo chung Thượng đỉnh APEC thực ra là một thông điệp mà các bên gởi đến  tổng thống tân cử  Hoa Kỳ Donald Trump. Sau khi xem xét tình hình kinh tế thế giới với tổng giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế- bà Christine Lagarde, lãnh đạo 21 thành viên có mặt tại thủ đô Lima nhấn mạnh đến quyết tâm chống lại các biện pháp bảo hộ đang làm suy yếu trao đổi mậu dịch, kiềm hãm những tiến bộ và là một lối lo ngại đối với nền kinh tế toàn cầu”.
Đại diện cho 40% dân số và 60% cho các luồng giao thương của thế giới, APEC cũng quyết định không phá giá đồng tiền vì mục tiêu cạnh tranh.
Diễn Đàn APEC diễn ra trong bối cảnh mà chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tại Mỹ và Âu Châu đang lan rộng cũng như xu hướng chống đối tiến trình toàn cầu hoá cũng lên cao như vụ BREXIT, hịệp định  EU-Canada CETA , TTIP cũng bế tắc.Tại Mỹ, cử tri  một phần ủng hộ ông  Trump vì ông quyết tâm khoá sổ TPP cho rằng  nó sẽ cướp công ăn việc làm của họ, ông cũng hứa sẽ xét lại hiệp định NAFTA; ông chỉ trích mạnh mẽ Trung Cộng là nước thao túng tiền tệ, rằng chánh sách công nghệ của TC đặt công ty Mỹ  và ngoại quốc vào thế bất lợi, không tạo sân chơi bình đẳng; TC miệng nói theo chánh sách tự do mậu dịch nhưng lại không tôn trọng sự bình đẳng và chuẩn mực xã hội; ăn cắp công ăn việc làm của lao động Mỹ,  ăn cấp công nghệ Hoa Kỳ; và hằng triệu di dân bất hợp pháp giành hết việc .Ông nói đi nói lại nhiều lần với nhân dân “ Nước Mỹ trước hết” (“America First”) : “Chánh sách ngoại giao của tôi đặt quyền lợi của dân chúng Mỹ, và an ninh của người Mỹ lên trên tất cả. Đó là nền tảng cho  mọi quyết định …” cho mọi chánh sách. Không biết ông Trump có định quay trở lại chủ nghĩa biệt lập (Isolationism) không còn muốn  giữ cam kết liên minh hay hợp tác với đồng minh, đối tác ? Phải chăng vì lẻ đó mà ông Thủ tướng Nhựt bổn Abé đã chủ động sớm thăm tân TT Trump tại Mỹ . Chắc không phải vậy ; ông nói “Chúng tôi sẽ hợp tác với tất cả các nước khác sẵn sàng đi cùng với chúng ta; chúng ta đối xử công bằng  với mọi người, với tất cả mọi quốc gia.” Ông cũng vạch ra những việc phải làm trong bài phát biểu ngay sau khi đắc cử để “Hãy làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” ( Make America Great Again”), một tiêu ngữ mà ông dùng suốt trong cuộc vận động.
Trung Cộng  thắng lớn tại Thượng đỉnh APEC-2016 .
Tại Thượng đỉnh Lima Tập Cận Bình  không dấu diếm tham vọng  nắm quyền lãnh đạo độc tôn thương mãi tự do tại Châu Á . Diễn đàn APEC bế mạc hôm Chúa nhựt 20/11/2016 , Tập Cận Bình kêu gọi phối hợp các nổ lực nhằm hướng tới xây dựng  Khu vực Thương mại tự do  Châu Á Thái Bình Dương  ( FTAAP=Free Trade Area of the Asia-Pacific) trong bối cảnh tân TT Trump dứt khoát khai tử TPP  như Trump đã nói  ,“Thay vào đó, chúng tôi sẽ đàm phán, giao dịch thương mại song phương công bằng mang lại công ăn việc làm và ngành công nghiệp trở lại vào bờ biển nước Mỹ”( #5). Việc ông Tập quảng bá một viễn ảnh khác đối với thương mại khu vực tại thượng đỉnh Lima không phải là điều mới lạ; đàm phán Hiệp ước Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu Vực RCEP đã chính thức ra mắt tháng 11 năm 2012 tại Hôi Nghị thượng đỉnh ASEAN tại Campuchia gồm 16 quốc gia thành viên nhưng không có Hoa Kỳ (6) do TC dẫn đầu, hiện nay được xem như đang mở ra lộ trình dẫn tới FTAAP giúp cường quốc kinh tế số hai thủ vai thuyền trưởng trong tương lai thương mãi của Châu Á-Thái Bình Dương, trong kế hoạch cũng cố và mở rộng ảnh hưởng kinh tế và chánh trị như thành lập các định chế Ngân Hàng Đầu tư Hạ tầng Châu Á (AIIB=Asian Infrastructure Investment Bank) , Hội nghị Thượng đỉnh về Phối hợp hành động và các biện pháp xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA) và xây dựng  các hành lang kinh tế Trung quốc-Pakistan (CPEC- China-Pakistan Economic Corridor); hành lang này dược coi như là một phần mở rộng tham vọng “Một Vành Đai Một Con Đường (OBOR= One Belt , One Road ) của Trung Cộng chạy xuyên qua lục địa Âu-Á, nối kết Trung Quốc với Trung Đông và Châu Âu. Trong tám năm qua, Obama không dám hở môi khi Bắc kinh liên tiếp việt vị , lấn lướt trên sân chơi kinh tế Mỹ -Trung và  giờ đây Trump tự động rút TPP ra khỏi sân chơi , điều mà Trung Cộng rình rập từ lâu, cơ hội đã đến để Trung Cộng “điền vào chỗ trống cho đủ nghĩa”, vào khoảng “chân không”của khu vực, dịp may ngàn năm một thuở. Âu Mỹ càng mở rộng khu vực bảo hộ mậu dịch càng tạo cơ hội cho Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng tới vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Suốt chiến dịch tranh cử , ông giáng những đòn đe doạ chí tử lên Bắc Kinh làm nhiều nhà phân tích cho là Obama trước khi ra đi đã dọn sẵn cho Trump một cuôc chiến thương mại không khoan nhượng với Bắc Kinh; một tờ báo nhà nước TC  trích lời của Tập : Trump nên thận trọng trong ý định phát động cuộc chiến tranh thương mại chống Trung Quốc bởi điều này chắc chắn sẽ gây bất ổn đến trật tự thế giới hiện đại. Nhắc lại lời chúc mừng Trump thắng cử, qua cuộc điện đàm giữa hai cường quốc thế giới ngày 14/11/2016, Tập nhắc khéo “ Thực tế chứng minh rằng hơp tác là sự chọn lựa đúng đắn nhứt trong quan hệ Mỹ Trung. Hợp tác để bảo đảm phát triển kinh tế của hai quốc gia và toàn thế giới. Trump đáp: “Tin tưởng Mỹ và Trung Quốc cùng xây dựng mối quan hệ vững chắc trong tương lai”.
Nhưng với nền kinh tế thị trường hoang dã trong một chế độ độc tài, toàn trị  liệu Tâp có thực hiện nổi Giấc Mộng Trung Hoa khi tình hình kinh tế Bắc Kinh trên đường suy thoái, tăng trưởng chậm lại, khi Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS=Bank of International Settlement) đã cảnh báo TQ có thể bị khủng hoảng tài chánh trong vòng ba năm tới và nhà kinh tế  lừng danh Hoa Kỳ Paul Krugman chuyên về thương mại quốc tế (đươc giải Nobel Memorial Prize in Economic Science) trong cuôc phỏng vấn dành cho đài VOA, sau khi ông thuyết trình tại Peterson Institute for International Economics tại Washington hôm 17/11/2016, cảnh báo về tai ương kinh tế cho tương lai Trung Quốc; ông nói  “Trung Quốc trong năm 2016 trông giống Nhựt bổn trong năm 1989 ngay trước khi Tokyo rơi vào thời kỳ  dai dẳng của cuộc khủng hoảng tài chánh mang tên  “ thập kỷ mất mát” ( lost decade). Sự suy thoái sắp đến  của kinh tế  TQ và tác động của nó sẽ có hiệu ứng dây chuyền lên kinh tế toàn cầu sẽ là vấn đề đáng quan tâm vì khi tai ương xẩy ra, cộng đồng thể giới không thể cứu nổi như cách Hoa Kỳ đã làm là đẩy mạnh chương trình “ bank bail out “, tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chánh 2007-2008 . Nhưng  trước mắt,nội tình bất ổn chính trị xã hội kinh tế  Trung Quốc còn đáng quan tâm không kém!
Putin  thiếu vắng Trump trong thượng đỉnh APEC .
Tổng thống Putin từng công khai mong muốn sự chiến thắng của Trump trong cuộc bầu cử; Putin cũng cho biết Trump sẽ hàn gắn mối bang giao Nga-Mỹ vốn căng thẳng trong nhiệm kỳ của Obama sau khi Putin chiếm Crimea và  vi phạm nhiều lần thoả thuận Minsk, tiếp theo sự trừng phạt của Hoa Kỳ và Tây Phương; nguồn tin khá chỏi tai là Trump còn ủng hộ Nga trong vụ giải quyết cuộc nội chiến Syria, và ủng hộ nhà độc tài Assad. Trump trong lúc tranh cử còn tuyên bố sẽ không bảo vệ miễn phí cho thành viên NATO khi bị xâm lược (!) trái với điều 5 trong Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương, và than phiền Hoa Kỳ chi phí quá nhiều cho hiệp ước; cũng may qua điện đàm ngày 18-11-2016 Tổng thơ ký NATO ông Stoltenberg và tân TT Trump cam kết “ tầm quan trọng lâu dài của liên minh. Quan hệ Nga-Mỹ trong tương lai sẽ đi về đâu khi nhà tỷ phú sẽ phải đương đầu với một tổng thống có thành tích vừa độc tài vừa đạo tặc và quá nhiều tham vọng, đi  ngược quyền lợi  của Hoa Kỳ và Tây phương.
Cột trụ TPP ngả, Trump đẩy ASEAN  vào tay họ Tập; ”Xoay trục”sẽ đi về đâu?
Tại thượng đỉnh APEC, Tâp Cận Bình đã tiếp xúc  với  lãnh đạo Việt Nam  Philippines, Malaysia. Gặp riêng ông Trần Đại Quang , Tân Hoa Xã cho biết  ông Tập nhắc nhở Việt Nam “ nên giải quyết tranh chấp thông qua đối thoại và tham vấn song phương, gác lại các dị biệt để tham gia phát triển chung và xử lý phù hợp các vấn đề nhằm duy trì hoà binh và bình yên trong khu vực”. Ông cũng đề nghị như vậy với  Duterte. Tập cũng đồng ý với Duterte đặt bãi cạn Scarborough là khu “bảo tồn biển”, một biện pháp giữ thể diện đôi bên; nhưng Bắc Kinh nói đi rồi nói lại, hôm 22/11/2016 phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Cộng  lại tuyên bố bãi cạn Scarborough vẫn  thuộc chủ quyền của Hoa Lục. Philippines là  khâu quan trọng chiến lược “ tái cân bằng” và Scarborough giữ vị trí địa chiến lược  quan trọng cho lưu thông , cho tự do hàng hải trên con đường huyết mạch ở Biển Đông. Bất ngờ TT Duterte tuyên bố “chia tay” với người đồng minh kỳ cựu Hoa Kỳ, lại ve vảng để kiếm chỗ dựa mới với phương Bắc. Tại thượng đỉnh APEC ,ông Duterte vồn vã khen Putin là thần tượng, một nhà lãnh đạo tầm cở, hơn hẳn TT Obama; và còn cho bàng dân thiên hạ biết nếu như Nga và Trung Cộng thành lập một trật trự mới trên thế giới thì Philippines xin xếp hàng theo sau.  Thủ tướng Abe của một cường quốc kinh tế quân sự Đông Bắc Á cũng đã cam kết với chủ tịch VC Trần Đại Quang hôm 20/11/2016  giải quyết tranh chấp Biển Đông thông qua đàm phán hoà bình, theo đúng luật pháp quốc tế, và ông Abe cho Quang biết Tokyo đang xúc tiến  các bước chuẩn bị cung cấp tàu tuần tra cho Hà Nội. Trong khi đó, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong buổi điều trần trước quốc hội cho biết nội các ông đã có con đường thay thế TPP trong chánh sách quan hệ ngoại giao đa phương, đa dạng, nhưng  con đường lệ thuộc Thành đô sẽ được cũng cố với cánh bảo thủ Nguyễn Phú Trọng; VC đã là thành viên của RCEP, của AIIB.
Trước khi đến Lima phó hội, Abe đã chủ động đi gặp TT tân cử Trump 17/11/2016  tại nhà Trump Tower ở New York và  sau đó tuyên bố Trump “ rất đáng tin cậy”; một cố vấn của Trump cho biết những lo lắng của Tokyo về các tuyên bố của Trump trong lúc tranh cử không có cơ sở. Ngay sau khi ông Trump tuyên bố khai tử TPP ngày nhậm chức, ông Abe lại nói TPP không còn có ý nghĩa gì nếu không có Mỹ.Trước đó hai hôm 15/11/2016,Đô đốc Harry Harris, Tư lịnh của Bộ tư lịnh Thái Bình Dương Mỹ lại mạnh mẽ tuyên bố dù chánh phủ Mỹ mới lên có những thay đổi, nhưng Mỹ sẽ tiếp tục thúc đẩy cam kết đối với các đồng minh, đối tác ở khu vực Ấn độ Dương và châu Á -Thái Bình Dương, và Mỹ sẽ triển khai hành động quân sự và chiến thắng khi cần thiết.  Lầu Năm Góc nhiều lần bất mãn với thái độ nhân nhượng của Obama trước các động thái hung hãn của TC trong khu vực ; ông Trump cho biết sẽ tăng ngân sách quốc phòng, nhứt là trong lãnh vực hải quân, hi vọng ông  sẽ cứng rắn hơn vị  tổng thổng tiền nhiệm quá nhân nhượng để TC lấn chiếm gần hết Biển Đông. Đảng Cộng hoà nắm đa số hai viện Quốc Hội vì quyền lợi kinh tế chánh trị của Hoa Kỳ sẽ không  buông  tay ở Đông Nam Á và sẽ ủng hộ đề nghị gia tăng chi phí quốc phòng dù rằng tiềm năng quân sự hiện tại vẫn ưu việt và ở tư thế bá chủ  trên hai đai dương ( Thái Binh Dương và Ấn Đô Dương).
Tạm Kết:
Hiện tượng Donald Trump như đang cộng hưởng với phong trào dân tuý đang trổi dậy ở Âu Châu đánh dấu một bước ngoặt đang làm thay đổi bối cảnh chánh trị trên thế giới, điển hình từ vụ Brexit ở nước Anh nay là tại Mỹ. Suốt trong những ngày vận động tranh cử, tiếng nói của ông đập mạnh vào tâm khảm cử tri, khơi dậy nổi bất bình của một đa số đang bị bỏ quên đặc biệt là do  từng lớp lãnh đạo, những nhóm đặc quyền đặc lợi, càng ngày càng đe doạ đến sự sống còn của họ ,mà theo ông Tổng thơ ký LHQ Ban-Kimoon ở Âu Châu cả Mỹ châu do những nguyên nhân có liên quan đến sự bất bất bình đẳng kinh tế  đưa tới sự trổi dậy của chủ nghĩa dân tộc ( hiểu theo nghĩa nationalism) và chủ nghĩa dân tuý ( populism).
Người dân muốn có sự thay đổi. Dân chúng Hoa Kỳ đang chờ xem vị tân tổng thống tỷ phú có thực hiện được “ngôn hành hợp nhứt” với chủ trương “Nước Mỹ Trước hết”, “ Hãy làm cho Nước Mỹ vĩ đại trờ lại”.
Lãnh đạo của 21 thành viên tham dự Thượng đỉnh APEC -2016 đã quyết tâm chống đối bảo hộ mậu dịch và ý tưởng chối bỏ chánh sách kinh tế toàn cầu hoá. Quả thực biện pháp bảo hộ mậu dịch  của ông Trump chánh yếu nhắm vào Băc Kinh, điểm ngay cái tử huyệt Achille  của họ Tập; Bắc Kinh có thể dẫy chết vì kinh tế sụp đổ, chỉ có Mỹ mới may ra cứu đở, nên Bắc Kinh phải giàn xếp với Washington đề  cùng cộng tồn; gây thêm căng thẳng có thể đưa tới chiến tranh Trung Mỹ – một thảm hoạ cho cả hai và cho cả thế giới. Chánh sách yếu đuối của Obama làm ảnh hưởng chánh trị Hoa Kỳ  bị xoi mòn tại các quốc gia  ASEAN mà tiếng chuông báo động Duterte  là hiện tượng  đồng minh, đối tác rạn nứt , tiếp theo là Malaysia, rồi Thái Lan; Lào và Campuchia. Lời cam kết bảo vệ Nhật Bổn và Nam Hàn và liên minh  Bắc Đại Tây Dương sau ngày ông Trump đắc cử là một điều chỉnh  đúng đắn về ý tưởng  biệt lập ( isolationism) được rao giảng trong thời gian ông  Trump vận động tranh cử; tất nhiên chúng ta vẫn chờ xem chánh sách ngoại giao của ông khi ông thực sự nắm quyền lãnh đạo đất nước (20-01-2017), dù vậy sự rút lui ra khỏi TPP vẫn còn là nguy cơ mở rộng cửa cho Trung Nam Hải chui vào, với tham vọng lãnh đạo thuơng mãi khu vự Châu Á Thái Bình Dương ; dù vậy Bắc Kinh cũng vẫn còn lo sợ Trump cái điều mà các think tanks Trung quốc tin ông Trump vẫn ôm mộng bá chủ ở Biển Đông ( nguồn :Báo cáo Viện Nghiên cứu Quốc gia về Biển Đông voanews 27/11/2016).
Nước Mỹ đang đi vào một bước ngoặt mới với vị tổng thống  theo tư duy dân tuý trong một xã hội Mỹ đầy bất trắc , một thế giới bất ổn chánh trị, kinh tế từ Âu sang Á, một Trung Đông ngùn ngụt trong máu lửa hận thù, khủng bố tràn lan; trong bối cảnh phức tạp đó người dân Mỹ đã quyết định chọn một tỷ phú , mà kinh nghiệm sinh hoạt chánh trường  là một nghi vấn trong giới  giới tinh hoa, để lãnh đạo một siêu cường thế giới.
Giá trị Mỹ từ thời lập quốc vẫn là ngọn đuốc soi đường cho một quốc gia dạng dầy trong nền dân chủ pháp trị với những định chế tam quyền phân lập bền vững, những sinh hoạt chánh đảng trưởng thành, người dân Mỹ thừa đủ khôn ngoan để điều chỉnh những sai lầm, biết xử dụng quan năng “biến cải” để cùng tổng thống thể nghiệm “ Hãy làm  Nước Mỹ Vĩ Đại Trở lại”, “Nước Mỹ Trước hết” trong tinh thần sống còn cũa Dân tộc Mỹ hoà nhịp với sự sống còn của thế giới.
 Bác sĩ Mã Xái
Mùa Tạ Ơn 2016
Chú thich & tài liệu tham khảo:
1.APEC là tổ chức quốc tế của các quốc gia nằm trong khu vực châu Á Thái Bình Dương với mục tiêu tăng cường mối quan hệ kinh tế và chánh trị, thành lập từ năm 1989 với 12 thành viên sáng lập ,nay con số thành viên tăng lên 21: Úc,Nhật Bản, Malaysia, Hàn quốc ( Republic of Korea), Thái Lan, Singapore,Brunie Darussalam, Indonesia, New  Zealand,Canada và Hoa Kỳ, Cộng hoà Nhân Dân Trung Hoa, Hồng Kông,Đài Loan ( Chinese Taipei),Mexico, Papua New Guinea, Chile,Peru,Nga và Việt Nam
2.”Trump and American Populism-Old Whine, New Bottles “by Micheal Kazin/Foreign Affairs – Nov/December 2016
3.”How the US and China Can Avoid Greater Tensions” by Scott Kennedy/ CSIS Nov 10/2016
4.”Pacific Rim States Can( And Will) Move Forward on Trade Without US” By Ankit Panda November 22/2016 THE DIPLOMAT.
5 “Trump Pledges to kill TPP Trade Deal on 1st Day in office” VOA News Nov.22-2016
6. Regional Comprehensive economic Partnership ( RCEP) gồm 16 thành viên (10   quốc gia ASEAN và  06 quốc gia thành viên Australia,Trung Quốc, Ấn Đô, Nhựt Bản, Nam Hàn và New Zealand. ) ; TPP đối trọng với RCEP gồm 12 thành viên Australia,Brunie,Canada,Chile,Japan,Malaysia, Mexico,New Zealand, Peru, Singapore,US,Vietnam).
7. “ Tổng thư ký LHQ: Ông Trump đang thay đổi”. voa 17-11-2016 trich từ AP.
8.Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn-Chủ nghĩa Quốc Gia Khoa Học.Giáo Sư Nguyễn Ngoc Huy 1964.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?