Tin khắp nơi – 27/11/2016

Tin khắp nơi – 27/11/2016

Ban vận động của bà Clinton

tham gia tái kiểm phiếu ở Wisconsin

Ban vận động tranh cử của cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Dân chủ Hillary Clinton loan báo sẽ tham gia quá trình tái kiểm phiếu do cựu ứng cử viên tổng thống Đảng Xanh Jill Stein khởi xướng ở bang miền trung tây Wisconsin.
Luật sư của ban vận động tranh cử của bà Clinton, Marc Elias, cho biết trong một bài viết đăng trên website Medium.com hôm thứ Bảy rằng quyết định tham gia quá trình tái kiểm phiếu ở Wisconsin được đưa ra sau khi ban vận động của bà Clinton nhận được hàng trăm lời yêu cầu làm như vậy. Ông Elias thừa nhận những yêu cầu đã khiến ban vận động âm thầm bắt đầu điều tra xem liệu có bất kỳ “sự can thiệp bên ngoài” nào trong kết quả cuộc bầu cử ngày 8 tháng 11 hay không.
Ông Elias cho biết ban vận động cũng sẽ tham gia những cuộc tái kiểm phiếu ở hai bang Michigan và Pennsylvania nếu những cuộc tái kiểm phiếu đó được sắp xếp.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã tức giận lên tiếng về những nỗ lực của Đảng Xanh.
“Đây là một trò lừa đảo của Đảng Xanh cho một cuộc bầu cử mà người thua cuộc đã thừa nhận thất cử, và kết quả của cuộc bầu cử này phải được tôn trọng thay vì bị thách thức và bị lạm dụng. Đó chính xác là điều mà Jill Stein đang làm,” ông Trump nói trong một thông cáo về cuộc tái kiểm phiếu.
Ông Trump bất ngờ đắc cử phần lớn là nhờ những chiến thắng với cách biệt rất hẹp ở Wisconsin, Pennsylvania và Michigan. Ông thắng cả ba bang này với chỉ 107.000 phiếu.
Ông Elias nói không tìm thấy “bằng chứng khả hành nào về chuyện tin tặc xâm nhập hoặc về những nỗ bên ngoài tìm cách thay đổi công nghệ bỏ phiếu.” Nhưng vì cách biệt chiến thắng mong manh, cùng với sự can thiệp dường như là của nước ngoài vào chiến dịch tranh cử tổng thống, một quyết định đã được đưa ra để loại trừ khả năng có sự dính dáng bên ngoài.
Đang có những lo ngại rằng tin tặc Nga có thể đã tìm cách gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử, đặc biệt là sau khi họ xâm nhập thành công mạng máy tính của Ủy ban Đảng Dân chủ Toàn quốc và tìm cách xâm nhập cơ sở dữ liệu đăng ký cử tri. Những nhà nghiên cứu điều tra những vụ tấn công mạng kết luận rằng Nga đã tạo ra và phát tán tin tức giả mạo về cuộc bầu cử, dường như để cố gắng giúp đỡ chiến dịch vận động tranh cử của ông Trump.
​Bà Stein đã đệ đơn kiến nghị hôm thứ Sáu để yêu cầu kiểm phiếu lại ở Wisconsin, một trong ba cuộc tái kiểm phiếu mà bà đang yêu cầu tại những bang chiến trường mà ông Donald Trump đã thắng.
Wisconsin phải hoàn tất việc kiểm phiếu lại trước ngày 13 tháng 12, hạn chót của liên bang.
Trước đó hôm thứ Sáu, bà Stein đăng trên website của mình rằng những người ủng hộ đã đóng góp được 5 triệu đôla cho nỗ lực kiểm phiếu lại và những chi phí có liên quan khác, ở Wisconsin, Michigan và Pennsylvania. Bà cho biết trên website của mình rằng tổng chi phí cho cả ba cuộc tái kiểm phiếu sẽ lên tới 7 triệu đôla.
Bà Stein có ít cơ may hưởng lợi từ việc tái kiểm phiếu vì bà giành được khoảng 1 phần trăm tổng số phiếu bầu phổ thông.
Nhưng tuyên bố trên website của bà Stein nói rằng nỗ lực tái kiểm phiếu không có mục đích giúp bà Hillary Clinton mà “là về việc bảo vệ nền dân chủ của chúng ta.”
Các chuyên gia đã nói rằng hầu như không có cơ may đảo ngược kết quả bầu cử. Nhưng với cách biệt dẫn đầu của bà Clinton trong số phiếu phổ thông giờ đã vượt quá hai triệu, những cuộc kiểm phiếu lại có thể khơi lên thêm tranh luận về tính chính danh của chiến thắng bầu cử bất ngờ của ông Trump.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ không được định đoạt bởi số phiếu phổ thông. Thay vào đó, nó được định đoạt bởi những cuộc đua ở mỗi một bang trong số 50 bang, tầm quan trọng của từng bang trong kết quả tổng thể được quyết định bởi dân số. Ứng cử viên tổng thống giành chiến thắng phải giành được đa số 270 phiếu trong số 538 phiếu của Đại cử tri Đoàn dựa trên kết quả ở từng ba

Liệu ông Trump có đảo ngược

chính sách Cuba của ông Obama?

Tổng thống đắc cử Donald Trump lâu nay vẫn hay chỉ trích chính phủ Cuba và những nỗ lực của Tổng thống Mỹ Barack Obama bình thường hóa quan hệ với nước này, và đã tuyên bố sẽ đảo ngược tất cả những sắc lệnh hành pháp của Tổng thống Obama liên quan đến Cuba.
Phát biểu tại một buổi vận động tranh cử hồi tháng 9, ông Trump nói nếu ông đắc cử tổng thống ông sẽ “đứng về phía nhân dân Cuba trong cuộc đấu tranh của họ chống lại sự đàn áp của cộng sản.”
Ông đả kích những hành động của ông Obama dỡ bỏ những hạn chế thương mại với Cuba là một chiều, chỉ làm lợi cho chế độ của Chủ tịch Cuba Raul Castro.
“Người ta đang rất không hài lòng về chuyện đó,” ông Trump nói với đám đông tại thành phố Miami, nơi tập trung đông đảo người Cuba lưu vong. “Nhưng tất cả những nhượng bộ mà Barack Obama đã trao cho chế độ Castro được thực hiện thông qua sắc lệnh hành pháp, điều này có nghĩa là tổng thống kế tiếp có thể đảo ngược chúng. Và đó là điều mà tôi sẽ làm, trừ phi chế độ Castro đáp ứng những đòi hỏi của chúng ta.”
Trước đó ông Obama đã làm việc với ông Castro và những người khác trong chính phủ Cuba trong gần hai năm để nối lại mối quan hệ giữa Cuba và Mỹ, đưa tới kết quả là những chuyến bay trực tiếp đầu tiên giữa hai nước trong 50 năm qua và việc mở lại đại sứ quán của hai nước.
Những quy định được nới lỏng do ông Obama ban hành đã tạo điều kiện dễ dàng hơn cho người Mỹ mang những sản phẩm trở về từ Cuba, cho phép bác sĩ nhiều sự tiếp cận hơn để làm việc với những nhà nghiên cứu của Cuba trong những cuộc khảo cứu y tế, và kết thúc lệnh cấm 180 ngày đối với những tàu thuyền cập cảng ở Mỹ sau khi rời Cuba.
Ông Obama cũng đến thăm Cuba hồi đầu năm nay, đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đặt chân xuống Cuba kể từ khi Tổng thống Calvin Coolidge đến đảo quốc này vào năm 1928.
Lúc Tổng thống Obama loan báo quyết định cải thiện quan hệ với Cuba, cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice được hỏi liệu chính quyền mới sẽ có thể thay đổi những quy định mới hay không, bà nói: “Quay ngược đồng hồ sẽ là điều hết sức thiếu khôn ngoan và phản tác dụng.”
Nhưng tại một điểm dừng chân trên hành trình vận động tranh cử, ông Trump cho biết ông sẽ đảo ngược những sắc lệnh hành pháp của ông Obama trừ phi Cuba đáp ứng những đòi hỏi của ông, trong đó có “quyền tự do tôn giáo và chính trị cho người dân Cuba và phóng thích những tù nhân chính trị.”
John Kavulich, một cố vấn cho quá trình chuyển tiếp của ông Trump và là Chủ tịch Hội đồng Thương mại và Kinh tế Mỹ-Cuba, nói rằng chính quyền Trump sẽ dễ dàng loại bỏ những chuyến bay đến Cuba, gọi chúng là “thêm một biện pháp nữa của sự bình thường trong một mối quan hệ không có gì là bình thường.
“Những người có liên hệ tới tổng thống đắc cử, cả chính thức lẫn không chính thức, sẽ không mặn mà với chuyện nối lại những chuyến bay này. Họ sẽ xem mỗi một chuyến bay này là một giỏ tiền của Mỹ đi một chuyến đi một chiều đến Cuba mà không có sự đền đáp nào có ý nghĩa, có thể đo lường được ngoại trừ việc duy trì những hệ thống thương mại, kinh tế và chính trị đáng khinh bỉ,” ông nói.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10 với một đài truyền hình địa phương liên kết với đài CBS tại Miami, ông Trump gọi thỏa thuận của chính quyền Obama với Cuba là một “thỏa thuận rất yếu,” nhưng nói rằng ông muốn có một hình thức thỏa thuận nào đó và ông sẽ làm “bất cứ điều gì phải làm để có được một thỏa thuận vững mạnh.”
Phóng viên hỏi ông Trump liệu ông có cắt đứt quan hệ ngoại giao với Cuba trong ngày đầu tiên ông tại nhiệm hay không và ông Trump lặp lại ông sẽ “làm bất cứ điều có để có được một thỏa thuận vững mạnh.”
“Và người ta muốn một thỏa thuận, tôi thích ý tưởng có được một thỏa thuận, nhưng nó phải là một thỏa thuận thực sự. Nếu anh gọi là như vậy cho mục đích đàm phán thì phải làm bất cứ điều gì để có được một thỏa thuận tốt đẹp cho người dân Cuba,” ông Trump nói.

Airbus sẽ thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự

AFP hôm nay, 27/11/2016 cho biết, tập đoàn sản xuất máy bay Airbus của châu Âu sẽ thông báo kế hoạch cắt giảm nhân sự vào ngày thứ Ba 29/11. Theo nghiệp đoàn CFE-CGC, hơn 1.300 nhân viên sẽ bị thuyên chuyển chuyển hoặc cho thôi việc. Nghiệp đoàn CFE-CGC dự báo có thể phần lớn sẽ bị sa thải.
Thông tin này khiến nhiều nhân viên sửng sốt vì theo họ, tình hình tài chính của tập đoàn hiện đang khá tốt. Ban phụ trách châu Âu của Airbus sẽ họp tại trụ sở ở Blagnac, gần Toulouse vào sáng ngày 29/11 để thông báo chi tiết kế hoạch.
Các chi nhánh tại Pháp và Đức sẽ bị cắt giảm nhiều việc làm nhất. Đối với các nhân viên của Airbus, đây là một thảm kịch, vì ngay cả việc chuyên chuyển chỗ làm cũng gây ra rất nhiều xáo trộn cho cuộc sống gia đình họ.

Khối Pháp ngữ Francophonie kết nạp thêm bốn thành viên

Chống khủng bố, hiện tượng làn sóng di dân là những chủ đề được thảo luận trong hai ngày hội nghị khối Pháp ngữ tại Madagascar trong hai ngày 26 và 27/11/2016. Tuy châu Phi có trọng lượng dân số quan trọng trong khối nhưng nhiều lãnh đạo châu lục đen vắng mặt.
Bốn thành viên mới được thu nhận với tư cách quan sát viên là Achentina, Hàn Quốc và tỉnh Ontario của Canada. Đảo New Caledonia, lãnh thổ hải ngoại của Pháp đang trong giai đoạn chuẩn bị trưng cầu dân ý chọn giữa các quy chế tự trị, độc lập hay tiếp tục thuộc Pháp trở thành thành viên liên kết. Đơn xin gia nhập của Ả Rạp Xê Út tạm thời chờ xét trong hai năm tới.
Francophonie lần thứ 17 sẽ được tổ chức tại Armenia năm 2018 và hai năm sau, Tunisia sẽ đón tiếp Francophonie lần thứ 18.
Khối Pháp ngữ OIF gồm 84 thành viên, trong đó có 26 quan sát viên và 4 thành viên « liên kết ». Theo OIF, trên thế giới có 274 triệu người có thể được gọi một cách chính thức là người sử dụng tiếng Pháp.

Syrie : Lực lượng Damas chiếm thêm một khu phố ở Aleppo

Thứ bảy 26/11/2016, ngày thứ 11 trong chiến dịch tấn công vào khu vực đông Aleppo, quân đội chính phủ Syria thông báo chiếm được Massaken Hanano, một khu phố quan trọng bị phe nổi dậy đánh chiếm đầu tiên cách nay 4 năm. Tổ chức quan sát nhân quyền Syria OSDH xác nhận tin này.
Từ Beyrouth, thông tín viên Paul Khalifeh phân tích :
« Massaken Hanano có giá trị biểu tượng, bởi khu phố này là địa điểm đầu tiên rơi vào tay phe nổi dậy vào năm 2012. Đây cũng là khu phố lớn nhất của thủ đô kinh tế Syria về mặt diện tích.
Lực lượng nổi dậy đã phải rút lui trước hỏa lực hùng hậu của quân đội Syria và đồng minh gồm pháo binh, chiến xa và không quân. Chiến binh của tổ chức Fateh al-Cham, hậu thân của Al Qaida tại Syria, phải rút về Haidariya ở phía bắc và Sakhour ở phía đông. Nếu quân chính phủ tiến thêm thì họ sẽ cắt đôi hai vùng bắc và đông của phe nổi dậy. »
Daech bị tố cáo sử dụng vũ khí hóa học
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ, trong bản tin chiến sự ngày 27/11/2016 tố cáo chiến binh Daech ở Syria dùng « hơi hóa học » tấn công vào chiến binh Kurdistan-Syria, do Ankara hậu thuẫn. Kết quả có 22 chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ bị thương ở mắt và cơ thể. Tuy nhiên, trong bản thông cáo đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ không cho biết đó là hóa chất gì.

Donald Trump sẽ giúp Cuba thay đổi?

Sự kiện cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro vĩnh viễn ra đi tạo điều kiện cho người em Raul, kế nghiệp từ năm 2008, rộng tay cải cách kinh tế. Tuy nhiên, Cuba có chuyển mình hay không, điều này cũng tùy thuộc vào thái độ của chủ nhân Nhà Trắng, Donald Trump, trong bốn năm tới đây, theo phân tích của Reuters.
Từ khi lên thay Fidel Castro làm chủ tịch Cuba năm 2008, Raul Castro đã hé mở cửa đất nước theo kinh tế thị trường. Nhưng theo nhận xét của nhiều người dân Cuba thì nhịp độ cải cách bị Fidel Castro ngăn chặn qua lớp cán bộ thuộc thế hệ già nua cố tình bám trụ.
Cách đây hai năm, trong khi Fidel Castro nằm dưỡng lão thì Raul kín đáo thương lượng và hòa giải với nước Mỹ thông qua tổng thống Barack Obama. Các chuyến bay thương mại được tái lập giữa hai nước, du khách và đô la Mỹ tràn vào Cuba.
Những thay đổi này có thể tan biến một sớm một chiều nếu tổng thống mới tại Mỹ áp dụng một đường lối cứng rắn như ông đã tuyên bố trong lúc vận động tranh cử, nhất là để chinh phục cử tri gốc tị nạn Cuba, tập trung tại bang Florida.
Khi được tin Fidel Castro qua đời, tổng thống Barack Obama tuyên bố : « Lịch sử sẽ phán xét tác động lớn lao của Fidel Castro ». Còn ông Donald Trump bình luận không chút thương tiếc : « Đó là một kẻ độc tài tàn bạo một thời áp bức dân Cuba. Cho dù mọi thảm kịch,những cái chết và khổ đau của người dân Cuba do Fidel Castro không thể phai mờ, chính phủ mới tại Hoa Kỳ sẽ làm mọi cách để nhân dân Cuba cuối cùng trở lại con đường hướng tới thịnh vượng và tự do ».*
Từ khi đắc cử cho đến khi bình luận về cái chết của cố chủ tịch Cuba, chủ nhân tương lai của Nhà Trắng hoàn toàn không để lộ chiến lược đối với « hải đảo bất trị » sát nách Hoa Kỳ. Do vậy không ai có thể đoán được toan tính của Donald Trump. Tổng thống mới của Mỹ sẽ « góp phần » như thế nào để đem lại « tự do cho Cuba » như ông cam kết trên Twitter, sau khi nhấn mạnh Fidel chỉ là bạo chúa.
Giải pháp thứ nhất, theo tính khí đơn giản của ông Trump là nhân cái chết của Fidel Castro, Washington sẽ thúc ép chính quyền La Habana nhượng bộ về chính trị, nhân quyền và mở rộng cửa kinh tế nhập hàng hóa Mỹ. Phương án này sẽ dẫn đến căng thẳng để Donald Trump chứng tỏ ông là « người hùng », theo phân tích của cựu đại sứ Anh tại Cuba, Paul Hare.
Tuy nhiên, một số nhà quan sát lại tin vào khả năng thứ hai. Tức là nhà tỷ phú địa ốc sẽ nghiêng theo tiến trình hòa giải với Cuba, được đa số dân Mỹ và giới doanh nghiệp Mỹ hy vọng. Cạnh tranh với Nga và Trung Quốc tại Cuba sẽ phục vụ quyền lợi của Mỹ, theo nhận xét của Richard Feinberg, nguyên là cố vấn an ninh thời tổng thống Bill Clinton.
Cho dù cơ chế vận hành của chế độ Castro rất khó dự đoán, nhưng tình trạng kinh tế của Cuba hiện nay, do mất chỗ dựa Venezuela, cũng không cho phép Cuba quay lưng lại với Mỹ. David Joseph, cố vấn kinh tế, lạc quan : Thành phần bảo thủ già nua sẽ biến mất theo thời gian, nhường chỗ cho một thế hệ mới cải cách đất nước. Raul Castro tuyên bố rút lui vào năm 2018.

Ukraina : Nạn đói 1932-1933

là kế hoạch « diệt chủng » của Matxcơva

Hôm qua, 26/11/2016, người dân Ukraina tưởng niệm hàng triệu nạn nhân nạn đói trong những năm 1932-1933. Tổng thống Petro Porochenko xem đó là một hành động « diệt chủng » đã được chính quyền Xô Viết lên kế hoạch nhằm đè bẹp mọi đòi hỏi độc lập của người dân Ukraina lúc bấy giờ.
Trước hàng trăm người tụ tập tại Kiev nhân lễ tưởng niệm « Holodomor » (Nạn đói lớn), tổng thống Ukraina tuyên bố :
« Tập thể hóa và trấn áp phản đối của nông dân, giết hại trí thức Ukraina và xóa bỏ Giáo hội Ukraina đã không đem lại những kết quả như Matxcơva mong muốn. Chính vì thế Holodomor đã được lên kế hoạch và được thực thi ở mức độ một cuộc diệt chủng. Mục tiêu của chế độ Xô Viết là triệt tiêu mọi khả năng tự quyết của Ukraina ».
AFP nhắc lại, vào năm 1932, chế độ Stalin đã khởi động một chiến dịch tập thể hóa cưỡng chế. Trong suốt chiến dịch này, các loại hạt giống, lúa mì, bột, rau củ và gia súc đã bị trưng thu, dồn nông dân đến nạn đói. Việc diễn giải lại nạn đói này đã bị Nga lên tiếng phản đối.
Theo các sử gia phương Tây và Ukraina, nạn đói lớn đó, do chính quyền Xô Viết cố ý gây ra, nhằm bẻ gãy mọi mầm mống đòi độc lập của Ukraina. Trong khi mỗi ngày có hàng ngàn người Ukraina chết đói, chính quyền Xô Viết đã cản trở việc cung cấp lương thực thực phẩm tại những vùng xảy ra nạn đói và tiếp tục xuất khẩu lúa mì ra nước ngoài.
Còn theo lời kể của một nhân chứng đến dự lễ tưởng niệm tại Kiev với AFP, thì vào thời đó « người dân phải đào cả rễ cây để nấu súp, ăn cả giun đất để sống sót. Mục đích của nạn diệt chủng này là tiêu diệt dân tộc Ukraina với tư cách là một quốc gia, để buộc chúng tôi phải quên đi mình là ai và buộc chúng tôi phải thần phục chính quyền Xô Viết ».
Hiện Ukraina đang tìm cách chứng minh để Liên Hiệp Quốc nhìn nhận « nạn đói » này là một tội diệt chủng. Mối quan hệ giữa cựu thành viên Xô Viết với Nga trong những năm gần đây đã xấu hẳn đi, kể từ sau vụ tổng thống thân Nga ông Viktor Ianoukovich bị lật đổ, tiếp theo việc Matxcơva cho sáp nhập bán đảo Crimée vào lãnh thổ Nga rồi xung đột với phe ly khai thân Nga ở miền đông Ukraina làm hơn 9.500 người chết.

Quân đội Philippines tấn công nhóm Hồi giáo cực đoan

Nghi ngờ các nhóm thánh chiến Hồi giáo cực đoan thực hiện vụ tấn công đẫm máu ở Davao, thành phố của tổng thống Rodrigo Duterte, quân đội Philippines hôm nay 27/11/2016 đã nã pháo dồn dập vào các vị trí của những nhóm chiến binh này.
Hãng tin AFP cho biết giao tranh giữa quân đội và các chiến binh tuyên thệ trung thành với Daech bắt đầu nổ ra trong đêm qua tại Butig, một vùng núi hẻo lánh, nằm trên một hòn đảo miền trung của Mindanao, với đa số dân chúng là người Hồi giáo. Các binh lính Philippines đã cố gắng đánh bật nhóm Hồi giáo có tên gọi là Maute ra khỏi một tòa đô chính đã bỏ hoang và nhiều vị trí khác do nhóm này chiếm đóng.
Theo phát ngôn viên quân đội, tướng Restituto Padilla, phía Hồi giáo có 11 chiến binh Hồi giáo đã bị bắn chết và 5 người khác bị thương. Phía quân đội có hai binh sĩ bị thương.
Quân đội Philippines cho biết có các bằng chứng hình ảnh cho thấy lá cờ màu đen của Daech bay phấp phới trên nóc một tòa nhà. Nhưng các phóng viên có mặt tại chỗ cho biết khó có thể xác nhận thông tin trên.
Nhóm thánh chiến Maute nằm trong số các nhóm Hồi giáo cực đoan vũ trang hiện diện tại Mindanao, có tuyên thệ trung thành với Daech.

Quan hệ Mỹ-Cuba có thể thay đổi sau cái chết của ông Castro

Ông Fidel Castro qua đời chỉ vài năm sau khi mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và quốc gia cộng sản này nồng ấm hơn sau hơn 50 năm đóng băng.
Tháng 7/2015, lần đầu tiên trong hơn 50 năm qua quốc kỳ lại được treo trên đại sứ quán Mỹ ở Havana, đánh dấu sự kết thúc mối quan hệ băng giá giữa hai nước.
Vài tháng sau đó, ông Barack Obama trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân đến Cuba kể từ cuộc cách mạng đưa ông Fidel Castro lên nắm quyền năm 1959.
Tổng thống Obama phát biểu hồi tháng 3/2016: “Tôi đến đây để chôn vùi tàn dư cuối cùng của Chiến tranh Lạnh ở châu Mỹ. Tôi đến đây để mở rộng vòng tay hữu nghị với nhân dân Cuba”.
Tổng thống Obama nói rằng ông biết vẫn có sự khác biệt giữa chính quyền Mỹ và Cuba – đặc biệt về dân chủ và nhân quyền – nhưng cách tốt nhất để giải quyết sự khác biệt là thông qua giao tiếp và trao đổi.
Và như vậy việc nới lỏng các chế tài đối với Cuba nhằm tạo ra nhiều cơ hội kinh tế hơn đã bắt đầu. Các chuyên gia tin rằng điều đó là điều quan trọng đối với sự phát triển của Cuba trong khi ông Fidel Castro vẫn còn sống. Nhưng họ thừa nhận vẫn còn nhiều việc phải làm.
Brian Fonseca, giám đốc Viện Chính sách Công thuộc Đại học Quốc tế Florida, cho biết qua Skype: “Tôi không nghĩ rằng cái chết này sẽ gây ra những thay đổi sâu sắc về mặt cải cách chính trị ở Cuba”.
Những người chỉ trích tin rằng cần có những lời hứa từ Cuba về cải thiện hồ sơ nhân quyền trước khi bất cứ sự thay đổi chính sách nào của Hoa Kỳ được thực hiện. Tổng thống đắc cử Donald Trump đã cam kết trong chiến dịch tranh cử của mình rằng ông sẽ đảo ngược mệnh lệnh hành pháp của ông Obama về Cuba, trừ khi chế độ Castro đáp ứng yêu cầu của Hoa Kỳ.
Ông nói: “Những yêu cầu này sẽ bao gồm tự do tôn giáo và chính trị đối với nhân dân Cuba, và phóng thích tù nhân chính trị.”
Các nhà quan sát Cuba không kỳ vọng nhiều vào sự thay đổi của quốc gia này sau cái chết của ông Castro. Nghị sĩ Mỹ gốc Cuba của bang Florida Ileana Ros-Lehtinen cho biết: “Ông Fidel Castro đã lùi vào hậu trường trong nhiều năm. Sự chuyển giao quyền lực sang Raul Castro đã diễn ra, vậy Cuba có thực sự thay đổi khi ông Fidel đã chết? It nhất đó là một gánh nặng tâm lý cần được dỡ bỏ”.Trong hai năm qua, chính sách của Hoa Kỳ đối với Cuba đã thay đổi. Với việc bầu ra tổng thống mới và cái chết của ông Fidel Castro, dường như sẽ có sự thay đổi một lần nữa.

Ông Trump: “Fidel Castro là một nhà độc tài tàn ác”

Trong khi Tổng thống Obama ngỏ lời chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ Fidel Castro của họ, và hứa sẽ tiếp tục làm việc để bình thường hoá quan hệ với Cuba, Tổng thống tân cử Donald Trump tải lên trang Twitter của ông dòng chữ này:
“Fidel Castro đã chết!”
Sau đó ông Trump ra thông báo, miêu tả nhà lãnh đạo Cuba là “một kẻ độc tài tàn bạo” đã đàn áp nhân dân nước ông trong suốt 60 năm qua.
Thông báo của ông Trump có đoạn viết:
“Di sản mà Fidel Castro để lại là di sản của các đội xử bắn, trộm cắp, những gian khổ vượt ngoài sức tưởng tượng, dân nghèo đói và bị tước các quyền làm người căn bản.”
Trong khi đưa ra một quan điểm cứng rắn chống cá nhân ông Fidel Castro, ông Trump nói ông hy vọng rằng cái chết của ông Castro đánh dấu “một bước tiến bỏ xa những sự tàn bạo mà người dân Cuba đã chịu đựng từ quá lâu.”
Ông Trump viết:
“Tôi xin được cùng sát cánh với nhiều người Mỹ gốc Cuba, những người đã nhiệt liệt ủng hộ tôi trong cuộc vận động tranh cử- kể cả Lữ đoàn 2506 của Hội Cựu Chiến binh, trong niềm hy vọng rằng một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ được chứng kiến một nước Cuba tự do.”
Có cha mẹ di cư sang Hoa Kỳ trước khi ông chào đời, Thượng nghị sĩ bang Florida Marco Rubio cũng chia sẻ quan điểm với ông Trump và gọi ông Castro là “một kẻ độc tài giết người.”
Ông Rubio nói trong một thông báo:
“Ông Fidel Castro đã chiếm quyền lực với lời hứa sẽ mang lại tự do và thịnh vượng cho Cuba, nhưng chế độ cộng sản của ông đã biến đảo quốc này thành một hòn đảo ngục tù nghèo đói.”
Ông nói tiếp:
“Trong hơn 6 thập kỷ, hàng triệu dân Cuba bị đẩy vào thế phải bỏ nước ra đi, những người bị tố cáo là chống đối chế độ thường xuyên bị bỏ tù và thậm chí bị giết.”
Thượng nghị sĩ Rubio nói cái chết của ông Castro không có nghĩa là nhân dân Cuba giờ đã được tự do, mà có nghĩa là tương lai của Cuba bây giờ đang nằm trong tay của nhân dân Cuba. Ông kêu gọi quốc hội và tân chính phủ Mỹ của ông Trump hãy hậu thuẫn nhân dân Cuba trong cuộc “đấu tranh đòi tự do và quyền làm người căn bản.”
“Nhà độc tài đã chết, nhưng chế độ độc tài vẫn tồn tại. Một điều rõ rệt là, lịch sử sẽ không xoá tội ác của Fidel Castro. Lịch sử sẽ nhắc đến ông như một kẻ ác, một nhà độc tài giết người đã gây biết bao gian khổ cho chính nhân dân nước ông.”
Phản ứng của các nhà lãnh đạo thế giới khi cựu chủ tịch Cuba Fidel Castro qua đời bao gồm cả đau buồn lẫn chỉ trích. Tuy nhiên, lời ca ngợi của Thủ tướng Canada Justin Trudeau dành cho cuộc cách mạng cũng như và “sự cống hiến và tình yêu dành cho nhân dân Cuba” của nhà độc tài đã nhanh chóng bị một số chính trị gia Canada và Mỹ chỉ trích.
Thủ tướng Canada nói: “Tôi biết cha tôi rất tự hào khi gọi ông ấy là bạn và tôi đã có cơ hội gặp gỡ ông Fidel khi cha tôi qua đời”.
Ông Trudeau đã đến thăm Cuba hồi đầu tháng này. Ông cho biết: “Dù là nhân vật gây tranh cãi, cả những người ủng hộ và gièm pha ông Castro đều thừa nhận những cống hiến to lớn và tình yêu của ông ấy dành cho nhân dân Cuba, còn người dân Cuba dành tình cảm sâu sắc và lâu dài cho ‘Vị tổng tư lệnh’”.
Kellie Leitch, một nghị sĩ Đảng Bảo thủ Canada, cho biết nhận xét của ông Trudeau về cựu chủ tịch Castro “có vẻ như thủ tướng đã đọc từ một cuốn truyện”.
Ông Leitch viết trên Facebook: “Khi có cơ hội để nhận ra chế độ Castro là gì – tàn bạo, áp bức và giết chóc – thủ tướng của chúng ta lại chọn cách làm nổi danh người đàn ông đã bác bỏ quyền tự do cơ bản của nhân dân mình trong nhiều thập kỷ”.
Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ Marco Rubio, một người gốc Cuba, đã bất ngờ trước lời khen ngợi ông Castro của ông Trudeau. Ông Rubio phát biểu: “Đây là lời tuyên bố thật hay đùa? Bởi vì nếu đây là lời tuyên bố thật từ Thủ tướng Canada thì nó thật đáng xấu hổ và hổ thẹn.”
Sự kính trọng của ông Trudeau đối với ông Castro cũng đồng thời bị chế giễu trên mạng truyền thông xã hội.
Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Donald Trump đã viết trên Twitter rằng ông Castro là “Một nhà độc tài tàn bạo đã áp bức nhân dân của mình gần 6 thập kỷ”. Ông Trump cho rằng di sản của ông Castro bao gồm “các nhóm xử bắn, trộm cắp, nỗi đau khổ không thể tưởng tượng được, nghèo đói và sự phủ phận các quyền cơ bản của con người.”

Nhân quyền Cuba ra sao sau khi ông Castro qua đời?

Sau khi ông Fidel Castro qua đời hôm 25/11 ở tuổi 90, nhiều cư dân của đảo quốc cộng sản và những người Mỹ gốc Cuba đã nhìn thấy cơ hội thay đổi ở đất nước có vi phạm nhân quyền kéo dài hàng chục năm nay. Nhưng có lẽ những thay đổi đó không diễn ra một cách dễ dàng.
Khi ông Castro nắm quyền, ba thế hệ người dân Cuba hầu như không có các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản, hàng ngàn người bất đồng chính kiến bị trừng phạt hoặc bỏ tù.
Ngay cả việc khôi phục quan hệ với Hoa Kỳ kể từ năm 2014 cũng không nới lỏng các hạn chế về tự do. Internet vẫn bị kiểm duyệt nghiêm ngặt và việc giam giữ các nhà báo và những nhà bảo vệ nhân quyền đã tăng lên.
Giờ đây, ông Raul Castro đã dần dần nắm quyền kiểm soát đảo quốc cộng sản. Liệu ông có quyết định là việc anh trai mình qua đời cũng đánh dấu sự kết thúc của một thời đại hay không hoàn toàn tùy thuộc vào ông.
Giáo sư Guadalupe Correa nói với đài VOA qua Skype: “Ông ấy cần phải thay đổi cách tiếp cận và cho phép đất nước cởi mở hơn”.
Guadalupe Correa là giáo sư về hoạt động của chính phủ và nghiên cứu an ninh tại Đại học Texas.
Vài giờ sau khi ông Castro qua đời, nhiều nhà lập pháp Hoa Kỳ cũng bày tỏ hy vọng trên Twitter.
Hạ nghị sỹ Carlos Curbelo bày tỏ: “Đây là một cơ hội đặc biệt cho những người đấu tranh vì tự do ở Cuba, các nhà lãnh đạo đối lập đã mạo hiểm mạng sống, an ninh và hạnh phúc của họ trong nhiều năm qua để đấu tranh để có một đất nước tốt hơn. Giờ đây họ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn”.
Nhưng sự thay đổi sau khi ông Castro qua đời có thể đi kèm với một cái giá đắt. Nhà phân tích chính sách đối ngoại Brian Fonesca nói với VOA qua Skype: “Xét đến thực tế là việc giữ quyền lực là điều quan trọng nhất đối với giới chóp bu chính trị Cuba, tôi nghĩ rằng chúng ta có thể sẽ thấy hoạt động đàn áp chính trị sẽ tăng lên ít nhất là trong ngắn hạn”.
Brian Fonseca là Viện trưởng Viện Chính sách Công, Đại học Quốc tế Florida.

Phóng viên VOA bị bắt ở Thổ Nhĩ Kỳ

Khajijan Farqin, nữ phóng viên tự do làm việc cho Ban tiếng Kurd của Đài Tiếng nói Hoa Kỳ đã bị chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ ở Diyarbakir bắt giam.
Một người bạn của gia đình của nữ phóng viên đã báo lại những chi tiết về vụ bắt giữ hôm thứ Bảy, 26/11. Người này nói vẫn chưa rõ về lý do Farqin bị bắt. Gia đình chị cho hay vì người ta tuyên bố có tình trạng khẩn cấp trong khu vực, nên ngay cả luật sư của chị cũng không thể liên lạc với chị trong năm ngày.
Farqin, cũng làm phóng viên tự do cho đài BBC, đã bị bắt ở tỉnh Siirt của Thổ Nhĩ Kỳ tại một trạm kiểm soát của cảnh sát khi đang trên đường đi làm tin về một vụ lở đất tại một mỏ đồng, theo tin của turkishminute.com.
Kể từ khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp sau cuộc đảo chính không thành hồi ngày 15/7, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã đóng cửa gần 195 tờ báo, đài truyền hình, nhà xuất bản và các công ty phát hành, cũng như giam giữ khoảng 150 nhà báo về tội khủng bố, một cáo buộc đã trở nên quen thuộc kể từ sau âm mưu bất thành nhằm lật đổ chính quyền của Tổng thống Recep Tayyip Erdoğan.

Đạo diễn Cha Eun-taek bị bắt do liên quan tham nhũng

Một đạo diễn phim ca nhạc của Hàn Quốc bị bắt do liên quan tai tiếng tham nhũng làm đe dọa vị trí của Tổng thống Park Geun-hye.
Ông Cha Eun-taek sẽ ra hầu tòa vì bị cáo buộc sử dụng mối quan hệ với người thân cận của tổng thống để giành được các dự án có lợi.
Các cáo buộc gồm lạm dụng quyền lực, ép buộc và làm thâm hụt ngân quỹ.
Ông Cha, 46 tuổi, từng làm việc với ngôi sao Psy – ca sỹ Gangnam Style, và ban nhạc nam siêu sao Big Bang.
Việc ông dính líu trong vụ bê bối liên quan mối quan hệ với bà Choi Soon-sil, bạn thân của bà Park và là con gái của một lãnh đạo giáo phái, người được cho là đã dùng vị trí của mình để thu được số tiền lên tới hơn 60 triệu USD từ các doanh nghiệp hàng đầu như Samsung.
Bà bị cáo buộc can thiệp vào nhiều công việc quốc gia, trong đó có phần chuẩn bị của Hàn Quốc cho Thế Vận hội mùa Đông 2018.
Các công tố viên cho rằng chính bà Park đã yêu cầu cựu cố vấn kinh tế giúp ông Cha gây áp lực lên các công ty và quan chức để ông ta giành được các hợp đồng.
Chính phủ Hàn Quốc nhiều năm nay đã sử dụng các nghệ sỹ K-pop – từ khi nhạc pop của Hàn Quốc trở nên phổ biến – làm phương tiện để xuất khẩu văn hóa pop của nước này.
Bà Park, với tỷ lệ ủng hộ đã giảm xuống 4%, đầu tháng 11/2016 đã xin lỗi về việc “quá tin vào mối quan hệ riêng”, và cam kết sẽ hợp tác với các nhà điều tra vụ tham nhũng.
Hiến pháp của Hàn Quốc không cho phép khởi tố tổng thống đương nhiệm, và bà Park vẫn còn 15 tháng trước khi kết thúc nhiệm kỳ.
Nhưng nay các công tố viên đã trực tiếp liên kết bà trong tố tụng hình sự, có khả năng bà sẽ bị buộc tội vi phạm luật pháp.
Trong năm tuần qua, các chiến dịch xuống đường khổng lồ đã diễn ra ở khắp Hàn Quốc nhằm yêu cầu tổng thống từ nhiệm.
Các nhà tổ chức biểu tình cho biết lần xuống đường hôm 26/11 thu hút khoảng 1,5 triệu người. Ước tính của cảnh sát cho thấy con số khoảng 270.000 người.

Tranh cử Pháp: Fillon và Juppé ‘đối mặt’

Cử tri tại Pháp đang lựa chọn giữa Francois Fillon và Alain Juppé làm ứng cử viên tổng thống phe trung hữu của họ trong cuộc bầu cử vào năm tới.
Ông Fillon nay được xem là ứng viên được ưa thích để giành chiến thắng trong vòng bỏ phiếu thứ hai, phân định thắng thua hôm Chủ nhật, sau khi đảm bảo 44,1% lượng phiếu bầu giành được trong vòng đầu một tuần trước đây. Ông Juppé giành được 28,5%.
Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đã bị loại ra khỏi cuộc đua.
Ứng viên thuộc phe Cộng hòa được cho là sẽ đối diện với lãnh đạo phe Mặt trận Dân tộc cực hữu, bà Marine Le Pen vào mùa xuân tới.
Vòng bỏ phiếu được mở trên toàn nước Pháp vào lúc 07:00 (giờ GMT) và đóng cửa lúc 18:00 (GMT.)
Đây hẳn là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên mà trong đó Tổng thống của Nga chọn ứng cử viên của mìnhỨng cử viên Alain Juppé
Đây là cuộc bỏ phiếu sơ bộ đầu tiên của đảng này, theo mô hình hệ thống của Mỹ. Cuộc đua giữa các ứng viên cho vị trí đề cử của đảng đã rút gọn lại đến một lựa chọn giữa hai cựu Thủ tướng.
Hơn bốn triệu người đã bỏ phiếu ở vòng sơ bộ một tuần trước đây với kết quả đã từ chối ông Sarkozy tranh cử một nhiệm kỳ Tổng thống khác.
Cả ông Fillon, 62 tuổi, và ông Juppé, 71 tuổi, muốn cải cách kinh tế – nhưng họ khác nhau rất nhiều về quy mô và tốc độ cải cách.
Ông Fillon nói nước Pháp đang tức giận và muốn có thay đổi triệt để. Ông có kế hoạch cắt giảm 500.000 việc làm ở khu vực công cộng.
Ông Juppé đề nghị chỉ sa thải hơn một nửa con số đó, và tập trung vào một thông điệp về ‘hòa hợp và đa dạng’ trong quốc dân.
Đầu tuần này, hai ứng cử viên va chạm nhau về mức độ thay đổi họ hứa hẹn sẽ mang lại trên một cuộc tranh luận truyền hình.
Bảo thủ hay cải cách?
Một cuộc thăm dò với 908 người theo dõi cuộc tranh luận do Elabe tiến hành cho thấy 71% số người được hỏi thuộc phía bảo thủ thấy ông Fillon thuyết phục hơn, trong lúc 57% người theo dõi thuộc tất cả các đường hướng chính trị khác cũng cảm thấy như vậy.
Ông Juppé – người từng được ưa thích để giành chiến thắng ở vòng bỏ phiếu sơ bộ – đã dành một tuần qua để làm nổi bật quan điểm cá nhân của ông Fillon về phá thai và hôn nhân đồng tính – điều được nhiều người coi là một nỗ lực để huy động cử tri trung tả và có thể thậm chí thuộc cánh tả, theo phóng viên BBC Lucy Williamson từ Paris.
Ông Juppé cũng nói đối thủ của ông thân với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa phương Tây và Moscow về cuộc khủng hoảng ở Syria và Ukraine.
“Đây hẳn là cuộc bầu cử tổng thống đầu tiên mà trong đó Tổng thống của Nga chọn ứng cử viên của mình,” ông Juppé nói.
Những người hoài nghi về ông Fillon được phép bỏ phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ, được mở cửa cho tất cả các cử tri, và nếu tham gia bỏ phiếu với số lượng lớn, họ có thể tạo ra một sự khác biệtHugh Schofield, BBC từ Paris
Ông Fillon đã lập luận rằng EU và Mỹ đã “khiêu khích” Nga bằng cách mở rộng ở Đông Âu, và kêu gọi liên minh với Nga để chống lại các chiến binh Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Ông Fillon, một người Công giáo La Mã, cũng phàn nàn về việc bị miêu tả là một “người bảo thủ thời trung cổ”, ông mô tả đối thủ của mình như một con người trung thành với “bộ máy” mà không có kế hoạch thực sự nào cho thay đổi.
Sau khi thua vòng bầu cử đầu tiên hôm Chủ Nhật, ông Sarkozy đã ủng hộ ông Fillon.
“Có rất nhiều người ở cánh trung và tả của chính trị Pháp nghĩ rằng Francois Fillon là quá hữu khuynh và rằng ông có ít cơ hội hơn Alain Juppé để đánh bại Marine Le Pen trong cuộc bầu cử Tổng thống,” phóng viên Hugh Schofield của BBC từ Paris phân tích.
“Những người hoài nghi về ông Fillon được phép bỏ phiếu ở vòng bầu cử sơ bộ, được mở cửa cho tất cả các cử tri, và nếu tham gia bỏ phiếu với số lượng lớn, họ có thể tạo ra một sự khác biệt,” vẫn theo phóng viên của chúng tôi.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?