Tin Việt Nam – 30/11/2016


Tin Việt Nam – 30/11/2016

Dân oan Cấn Thị Thêu bị tòa phúc thẩm y án

Nhân vật có tiếng kiên quyết trong việc đấu tranh chống thu hồi đất bất công và đòi hỏi công lý tại Việt Nam, bà Cấn Thị Thêu, hôm nay bị tòa phúc thẩm ở Hà Nội xử y án 20 tháng tù giam với cáo buộc ‘gây rối trật tự công cộng’ theo điều 245 Bộ Luật Hình sự Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam và một số hãng thông tấn quốc tế loan tin trích lời luật sư Hà Huy Sơn, một trong 5 người bào chữa cho bà Thêu tại phiên phúc thẩm, rằng tòa không chấp nhận bản kháng án của thân chủ.
Ông cho Đài Á Châu Tự do biết thêm:
“Theo luật thì tới phúc thẩm là không còn phiên tòa nào nữa rồi. Chỉ có thể đề nghị theo giám đốc thẩm thôi, để xem xét lại. Tôi cũng không biết là chị Thêu có đề nghị giám đốc thẩm không, nhưng mà nói chung chị ấy phản đối bản án ngày hôm nay. Đây là 1 bản án vô lý bất công, dàn dựng ra để người ta bỏ tù chị ấy, để mà lấy đất của người dân cho dễ, từ chối quyền khiếu nại của người dân.”
Con trai bà Cấn Thị Thêu, anh Trịnh Bá Phương thuật lại lời cuối cùng bà mẹ phát biểu tại phiên phúc thẩm hôm nay ở Hà Nội:
“Tại tòa mẹ tôi nói rằng hôm nay tôi kết tội đảng cộng sản và tòa án Hà Nội là kẻ cướp có tổ chức. Nền công lý của Việt Nam chỉ là ‘diễn viên hài.”
Bà Cấn Thị Thêu, 54 tuổi, bị bắt hồi tháng sáu năm nay, và vào tháng chín bị kêu án 20 tháng tù. Trước đó bà đã một lần bị giam 15 tháng với cáo buộc ‘chống người thi hành công vụ’, sau đó được trả tự do vào tháng bảy năm 2015.
Hôm nay tổ chức theo dõi nhân quyền Human Right Watch có trụ sở ở Hoa Kỳ lên tiếng yêu cầu nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho bà Cấn Thị Thêu. Tổ chức này nói rằng hành động bỏ tù bà Thêu chứng tỏ rằng ở Việt Nam việc phản kháng ôn hòa đòi công lý bị coi là một hành vi tội phạm. Human Right Watch cũng thúc giục chính phủ Hà Nội sửa đổi luật đất đai nhằm bảo vệ quyền lợi cho tầng lớp nông dân.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-upholds-20-months-jail-term-for-land-grab-protester-11302016071648.html

Việt Nam và Úc ‘hợp tác quốc phòng, an ninh’

Ngoại trưởng Australia Julie Bishop và người đồng nhiệm Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 30/11 ký thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh, kinh tế và phát triển mà Bộ Ngoại giao Việt Nam nói là Chương trình hành động Việt Nam – Australia giai đoạn 2016-2019.
Bà Bishop thảo luận với ông Minh tại Canberra về các vấn đề cùng quan tâm nhằm thúc đẩy thịnh vượng và an ninh khu vực, theo AP.
Hãng tin của Mỹ dẫn lời bà Bishop nói với ông Minh rằng “mối quan hệ giữa Australia và Việt Nam hiện vững mạnh, và tài liệu này thể hiện mong muốn chung nhằm thúc đẩy mối quan hệ vững mạnh trên nhiều lĩnh vực cùng quan tâm”.
Một tuyên bố trên trang web của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết rằng ông Minh “khẳng định Việt Nam mong muốn thúc đẩy hợp tác sâu rộng và hiệu quả với Australia trên tất cả các lĩnh vực vì lợi ích của nhân dân hai nước”.
Thông cáo dẫn lời bà Bishop nói rằng “Australia khẳng định quan điểm nhất quán về vấn đề Biển Đông; đề cao việc bảo đảm hòa bình, ổn định, an toàn, an ninh và tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông và thương mại không bị cản trở; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của LHQ về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực”.
Hai nước thiết lập quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2009 rồi sau đó ký văn kiện Đối tác toàn diện tăng cường năm 2015.
Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, Australia hiện là bạn hàng thương mại lớn thứ 8 của Việt Nam và là nước có số sinh viên, lưu học sinh Việt Nam theo học lớn nhất.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh công du Australia từ ngày 29/11 tới ngày 1/12.
http://www.voatiengviet.com/a/viet-nam-va-uc-hop-tac-quoc-phong-an-ninh/3617435.html

Nỗi đau mất đất: Bộ phim của máu và nước mắt

Trà Mi-VOA
Một nhóm các nhà làm phim độc lập trong và ngoài nước vừa trình làng bộ phim tài liệu do chính các ‘ký giả công dân’ thực hiện nói về một trong những vấn đề gây bức xúc nhất trong xã hội Việt Nam, nguồn gốc của đại đa số đơn thư khiếu kiện trong nước và cũng là nguyên nhân đẩy biết bao gia đình, đa số là nông dân, vào cảnh lầm than, màn trời chiếu đất.
‘Nỗi đau mất đất’ là tập 1 trong loạt phim phóng sự–tài liệu ‘Vượt qua nỗi sợ hãi’ dài 5 tập do nghệ sỹ Kim Chi, người từng tham gia nhiều phim lớn của điện ảnh cách mạng Việt Nam, và cô Helena Lee từ California cùng một số bạn bè cả ở trong lẫn ngoài nước chung tay thực hiện.
Ê kíp làm phim trên dưới chục người đã mất 1 năm rưỡi thu thập tài liệu, phỏng vấn nhân chứng, quay, dựng, và biên tập phim. Kinh phí cho các chuyến đi và chi phí kỹ thuật đến từ sự tự nguyện của mỗi người đóng góp công sức trong phim.
Cô Helena cho biết vì loạt phim hoàn toàn mang tính tự nguyện, vô vụ lợi nên nhóm đã tặng quyền công chiếu cho các kênh truyền hình, các kênh Youtube, và các trang Facebook.
Tập đầu ‘Nỗi đau mất đất’ được phát hành rộng rãi và miễn phí ngay trước phiên xử phúc thẩm một nhà hoạt động đất đai được nhiều người biết tiếng, bà Cấn Thị Thêu, vào ngày 30/11/16.
Bấm vào nghe toàn bộ cuộc phỏng vấn với cô Helena Lee
Nỗi đau mất đất: Bộ phim của máu và nước mắt (0:08:11)
‘Nỗi đau mất đất’ vừa công chiếu trên các phương tiện truyền thông xã hội là bức tranh toàn cảnh về những vụ cưỡng chế đất đai xảy ra trên khắp mọi miền đất nước, trong đó nhấn mạnh hai trường hợp điển hình là bà Cấn Thị Thêu ở phường Dương Nội, quận Hà Đông (Hà Nội) và ‘người nông dân nổi dậy’ Đoàn Văn Vươn ở Tiên Lãng, Hải Phòng.
‘Nỗi đau mất đất’ nối kết các sự kiện riêng lẻ về tình trạng dân oan bị cưỡng chế đất, bị bần cùng hóa, mất phương tiện sinh sống, trở thành những ‘dân oan’ khiếu kiện hay những ‘tù nhân bất đắc dĩ’ vì các hoạt động đấu tranh của họ bị hình sự hóa với các tội danh như ‘Gây rối trật tự’ hay ‘Chống người thi hành công vụ.’
Đa số tư liệu trong phim, kể cả những cảnh đàn áp, bố ráp đều do chính các nạn nhân quay lại.
Tập 2 nhan đề “Phá vỡ khuôn khổ” nội dung chính xoay quanh việc định hình của xã hội Việt Nam bị dằng co giữa hai chiều hướng cộng Sản tập trung và tư bản tư hữu.
Tập 3 “Nói không với đảng” chuyển tải những suy nghĩ của một số đảng viên kỳ cựu trong bối cảnh đất nước hiện nay về vai trò của đảng cộng sản và khát vọng dân chủ của người dân.
Tập 4 “Những người tù vĩ đại” nói về những tù nhân lương tâm tại Việt Nam, những người bị lãnh án vì các hoạt động đấu tranh cho các nhân quyền căn bản và kêu gọi tôn trọng quyền làm chủ đất nước của công dân.
Tựa đề tập cuối nói lên chủ đề xuyên suốt của loạt phim, “Vượt qua nỗi sợ hãi”, đúc kết tất cả các vấn đề nguyên thủy những người thực hiện muốn chuyển tải nhằm thức tỉnh nhận thức của mọi người về vai trò công dân trước hiện trạng xã hội.
Cô Helena cho biết ý tưởng làm nên bộ phim “Vượt qua nỗi sợ hãi” xuất phát từ chính ‘nỗi sợ hãi’ của bản thân và sự cảm nhận về nỗi sợ hãi đã bám rễ sâu xa trong tư tưởng của người dân Việt ‘sợ’ nói ra chính kiến hay suy nghĩ thật của mình, ‘sợ’ bị bắt, bị tù đày và bị trù dập.
Thông điệp chính của bộ phim là chia sẻ câu chuyện của những người trong cuộc về thực tế dân chủ và nhân quyền, những vấn đề đang hiện hữu ở Việt Nam, để mọi người ‘cởi trói tư tưởng’, tìm hiểu sự thật, và tìm kiếm công lý.
Nhóm làm phim nói những câu chuyện đó cần được chuyển tải đến mọi người, không phải để nói xấu chế độ hay bôi xấu xã hội Việt Nam, mà để hướng tới sự cải thiện, làm cho xã hội tốt đẹp và công bằng hơn.
Cô Helena chia sẻ dù đây không phải là những thước phim chuyên nghiệp nhà nghề, nhưng giá trị của chúng chan đầy máu và nước mắt của những nhân chứng sống. Trong phần giới thiệu phim trên kênh YouTube USAflows của nhóm, những người thực hiện viết rằng: “Đây không phải là những thước phim hoàn hảo vì nó đơn thuần được quay lại bởi cán nạn nhân trong cuộc, nhưng những thước phim này là vô giá bởi nó được trả bằng máu của chính họ.”
Sau phần 1, những tập phim kế tiếp sẽ được hoàn tất ra mắt khán giả trong năm 2017 tới đây.
http://www.voatiengviet.com/a/noi-dau-mat-dat-bo-phim-cua-mau-va-nuoc-mat/3616988.html

Nhật và Việt Nam có thể diễn tập chung

Nhật Bản có thể diễn tập chung trên biển với Việt Nam và sẽ tiếp tục duy trì cam kết thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực đầu tư và kinh tế, tân đại sứ Nhật Bản ở Việt Nam, Kunio Umeda, cho biết.
Hai quốc gia “cần tăng cường hơn nữa” mối quan hệ kinh tế, ông Umeda, người mới nhậm chức hôm 3/11 phát biểu trong một buổi họp báo ở Hà Nội.
Tân đại sứ cho biết, viện trợ của Nhật Bản đối với Việt Nam vẫn cần thiết để giúp quốc gia Đông Nam Á này giải quyết đói nghèo và các vấn đề khác. Nhật Bản cũng sẽ tiếp tục cung cấp các khoản vay ưu đãi để phát triển hạ tầng ở Việt Nam.
Tuy nhiên, ông Umeda bày tỏ sự đáng tiếc trước việc hủy bỏ dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân. Việt Nam từng yêu cầu Nhật Bản và Nga mỗi nước cung cấp hai lò phản ứng cho dự án.
Quốc hội Việt Nam hôm 22/11 đã bỏ phiếu dừng dự án xây hai nhà máy điện hạt nhân trị giá nhiều tỷ đôla với Nga và Nhật Bản, sau khi các quan chức nêu ra dự báo về nhu cầu thấp hơn, chi phí gia tăng và ngày càng có nhiều quan ngại về độ an toàn.
Ngoài ra, theo ông Umeda, Nhật Bản và Việt Nam cần thúc đẩy trao đổi quốc phòng cấp cao, bao gồm các cuộc họp và đối thoại cấp bộ. Ông cũng cho biết các cuộc tập trận chung thử nghiệm có khả năng diễn ra khi tàu của Lực lượng Phòng vệ Hải quân Nhật Bản cập cảng Việt Nam.
Tân đại sứ Nhật Bản cũng bày tỏ hy vọng rằng người dân Việt Nam sẽ gia tăng quan hệ với Nhật Bản. Ông hy vọng giới trẻ Việt Nam sẽ thích đến Nhật.
Sáng ngày 28/11, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa tiếp và làm việc với tân Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Kunio Umeda. Phát biểu tại buổi tiếp, tân Đại sứ Kunio Umeda cho rằng, hiện các cơ quan chức năng của Nhật Bản và Việt Nam đang nỗ lực tổ chức cho chuyến thăm Việt Nam của Nhật Hoàng và Hoàng ​hậu thời gian tới (tháng 3/2017).
Theo JapanTimes, VOA, Giao thông
http://www.voatiengviet.com/a/nhat-va-viet-nam-co-the-dien-tap-chung/3616966.html

Ngư dân Việt lại bị bắt ở Úc

Lực lượng chức năng Úc đã bắt giữ 13 người đàn ông Việt Nam trên một chiếc thuyền nghi ngờ đánh bắt trái phép ngoài khơi bờ biển Queensland.
Chiếc thuyền đã bị theo dõi từ trước đó 3 ngày. Các nhân viên Lực lượng Biên phòng Úc đã kiểm tra và phát hiện hơn 3 tấn hải sâm. Một số ngư dân đã phi tang hải sản đánh bắt được xuống biển trước khi các quan chức nhập cư tiếp cận họ.
Những ngư dân này đã bị áp giải đến Cairns và tiếp tục bị giam trong khi Cơ quan Quản lý Thủy sản Úc (AFMA) xem xét liệu họ có bị xử phạt hay không.
Người quản lý các hoạt động đánh bắt cá của AFMA Peter Venslovas cho biết: “Đánh bắt cá bất hợp pháp làm suy yếu các quy tắc và các quy định mà chúng tôi có để đảm bảo tính bền vững về kinh tế và môi trường thủy sản của Úc.”
Ông nói thêm: “Để bảo vệ thủy sản có giá trị và được quản lý tốt, AFMA làm việc cùng với các cơ quan chính phủ để đảm bảo rằng những người làm việc sai trái sẽ bị phát hiện và truy tố.”
Trước đó vào tháng 6, Úc đã xử phạt 30 ngư dân Việt đánh bắt trái phép ở vùng biển của nước này. Hai chiếc thuyền đã bị cơ quan chức năng của Úc bắt giữ cùng ngư cụ và khoảng hơn 6 tấn hải sâm.
Tòa tuyên các bản án tù treo từ hai tháng đối với thuyền viên, 5 đến 7 tháng đối với thuyền trưởng. Họ còn phải cam kết không phạm pháp trong hai đến ba năm và sẽ phải nộp phạt 2.000 AUD (1.477 USD) nếu tái phạm.
Theo The Courier Mail, VnExpress
http://www.voatiengviet.com/a/ngu-dan-viet-lai-bi-bat-o-uc/3616572.html

Tàu Trung Quốc đâm tàu cá Việt Nam rồi bỏ chạy

Ủy ban Tìm kiếm Cứu nạn Quốc gia Việt Nam cho biết một tàu đánh cá của ngư dân Thanh Hóa bị một tàu cá của Trung Quốc đâm rổi bỏ chạy tại vùng biển đánh cá chung giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Vụ việc xảy ra vào vào lúc 5 giờ sáng hôm qua 29 tháng 11 tại vùng biển cách tây nam đảo Bạch Long Vĩ của Việt nam 20 hải lý. Có 3 ngư dân của tỉnh Thanh Hóa bị rơi xuống biển, hai người được cứu thoát và một người vẫn còn mất tích.
Chiếc tàu cá của phía Trung Quốc mang số hiệu 61119, còn tàu của ngư dân Thanh Hóa có số hiệu TH90244 do ông Nguyễn Văn Luật, 50 tuổi ở Sầm Sơn, Thanh Hóa làm chủ kiêm thuyền trưởng.
Sáng nay phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Bạch Long Vĩ, ông Đào Trọng Tuệ cho biết theo lời kể của ngư dân được cứu thì chiếc tàu cá của Trung Quốc bất chấp yêu cầu dừng lại của tàu cá Việt Nam vẫn tiến đến đâm rồi bỏ chạy.
Bộ Quốc Phòng Việt Nam điều tàu Cảnh sát biển CSB 8003 đến nơi xảy ra vụ tấn công để tìm kiếm ngư dân còn mất tích.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/vn-fishing-boat-hit-by-cn-11302016075123.html

Tiếng Việt lệch chuẩn trên truyền thông –

Việt Nam có cần Luật Ngôn Ngữ?

Một hội thảo gần đây được tổ chức tại Hà Nội đã bàn thảo về việc liệu có nên cho ra đời một bộ luật mới – Luật Ngôn Ngữ – trong bối cảnh tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng đang bị “lệch chuẩn.”
Báo chí trong nước đưa tin, các nhà khoa học và nhà báo tham gia hội thảo “Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt trên các phương tiện thông tin đại chúng” hôm 5/11 đề nghị cần phải ban hành “luật ngôn ngữ” để chỉnh sửa ngôn ngữ phổ biến trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam hiện nay.
Trong những năm gần đây có khá nhiều vấn đề nổi cộm liên quan tới ngôn ngữ báo chí khiến dư luận quan tâm. Dân Trí trích lời tiến sỹ Nguyễn Thế Kỷ, tổng giám đốc Đài Tiếng Nói Việt Nam, nhận định rằng “cách dùng từ ngữ, câu văn tùy tiện, cẩu thả” và cách đặt tiêu đề, rút tít “thiếu thực tế, thậm chí giật gân câu khách” cũng như “tâm lý chuộng ngoại, sính ngữ” đã làm cho chuẩn mực tiếng Việt bị hạ thấp.
Những người tham gia hội thảo cho rằng những sự sai sót, lệch chuẩn về ngôn ngữ và về sử dụng tiếng Việt trên báo chí, truyền thông sẽ tác động tiêu cực nhanh chóng và rộng khắp đến đông đảo quần chúng, nhất là giới trẻ.
Nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng cũng cho rằng giật tít để câu view đang là một xu hướng trên các báo và truyền thông Việt Nam:
“Đang có một motif mới là đưa tít ra thế này ví dụ ‘Donald Trump đắc cử tổng thống vì nguyên nhân này.’ Đó là một cách câu khách để làm sao độc giả phải mở cái tít đó và xem cái nguyên nhân này nó là cái gì.”
Theo ông Dũng, các nhà báo Việt Nam đang dùng từ ngữ “hết sức tùy tiện và không có một nền căn bản về vấn đề ngôn ngữ học.” Ông nói:
“Điều đó cho thấy sau hơn 20 năm và với cái đà đào tạo bất kể như thế này và với lượng phóng viên nhà báo Việt Nam hiện nay ít nhất là 17.000 người có thẻ mà tổng số kể cả những số phóng viên chưa có thẻ là gần 30.000 trên khoảng 800 đầu báo và 80 tờ báo mạng. Thì điều đó cho thấy lạm phát tất cả và trong đó suy thoái trầm trọng về vấn đề ngữ nghĩa.”
Giáo sư Nguyễn Văn Khang của Viện Ngôn Ngữ Học được Dân Trí trích lời nói về “sự hào phóng trong sử dụng ngôn ngữ dẫn đến làm sai lệch thông tin trên nhiều tờ báo (nhất là báo mạng): “Chưa bao giờ từ tuyệt vời được sử dụng với tần số cao như hiện nay. Trong tiếng Việt, có 3 từ chỉ mức độ cao hay được sử dụng là rất, quá, lắm nhưng giờ đây lại được cấp thêm những từ cực kì, cực, thậm chí còn có cả trên cả tuyệt vời, bá đạo, vãi. Nếu theo truyền thống thì vua, vương, hoàng hậu mỗi thời chỉ có một nhưng nay lại còn sử dụng như vua bóng đá, nữ hoàng nhạc nhẹ, ông hoàng nhạc Pop…’.”
Theo nhà báo Phạm Chí Dũng, áp lực về việc cần phải có bài viết và cạnh tranh về lượng độc giả đã làm các nhà báo, nhất là những phóng viên trẻ, không chú tâm về ngôn từ trong bài viết:
“Đúng là họ chẳng còn thời gian để chú ý nữa vì cả ngày họ phải đi săn tin mà trong hoàn cảnh ở Việt Nam cả ngày không có tin nào cả thì đúng là họ phải lo cái nồi cơm của họ trước khi lo đến vấn đề ngôn ngữ. Thành thử đó là một lý do nữa để tính thực dụng trong báo chí làm cho người ta không còn quan tâm tới nền tảng văn hóa về ngôn ngữ áp dụng trong báo chí nữa.”
Tuy nhiên chủ tịch Hiệp Hội Báo Chí Độc Lập cho rằng một luật về ngôn ngữ sẽ không giải quyết được vấn nạn này bởi Việt Nam có quá nhiều luật mới ra mà không được thực thi đầy đủ và hiệu quả.
Ông Dũng cho biết: “Thay vì chuyện ban hành quá nhiều luật pháp thì phải kêu gào đặc biệt là môi trường đào tạo bắt đầu từ những môi trường đại học là phải chú ý tới vấn đề trách nhiệm ngôn ngữ.”
Ông Dũng nói nếu không bắt đầu từ việc đào tạo này thì luật ngôn ngữ cũng sẽ có số phận như luật môi trường được ban hành cách đây 10 năm khi bộ luật này ra đời nhưng không thể ngăn những vụ vi phạm môi trường lớn như Vedan, Sonadezi và gần đây nhất là Formosa.
http://www.voatiengviet.com/a/tieng-viet-lech-chuan-tren-truyen-thong-viet-nam-co-can-luat-ngon-ngu/3616132.html

Lợi hay hại khi che dấu thông tin?

Mặc Lâm, biên tập viên RFA
Che dấu thông tin là căn bệnh của các chế độ toàn trị mặc dù chính sách chống tham nhũng hay tội phạm môi trường luôn được chính quyền đề cao với những nghị quyết mạnh mẽ và quyết liệt.
Quan liêu và xem thường pháp luật
Một audio clip lan truyền trên mạng hồi gần đây ghi lại âm thanh cuộc họp với cán bộ trường Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, phát biểu của Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn đã làm cho dư luận dậy sóng vì tính cách quan liêu và xem thường pháp luật của ông ấy.
Khi nói về vấn đề thanh tra, trong tư cách Vụ trưởng Thanh tra ông Nguyễn Minh Mẫn khẳng định nhân viên dưới quyền không được hé lộ bất cứ thông tin xấu nào vì xấu xa thì phải che đậy lại, ông Mẫn nói:
“Hôm nay tôi nói rõ cho các đồng chí biết bất kỳ đoàn viên đoàn thanh tra nào, kể cả từ trưởng đoàn thanh tra trở xuống mà tiết lộ cái công trình này bị thiếu kém hoặc là ăn bớt vật tư ra ngoài cho báo chí biết thì đồng chí đó chịu trách nhiệm, hôm nay tôi nói rõ luôn. Tại vì xấu xa thì ta đậy lại không dại gì vạch áo cho người xem lưng.”
Ông này nói theo kiểu điếc không sợ súng mà dân gian người ta nói “cả vú lấp miệng em”, dùng quyền lực để mà che giấu. Ông ta nói thế là bất chấp luật pháp, bất chấp cả thời thế.
-Nhà văn Phạm Viết Đào
Nhà báo, nhà văn Phạm Viết Đào, nguyên Trưởng phòng Thanh tra-Phòng chống Tham nhũng thuộc Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch cho biết ý kiến của ông về phát biểu của ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn:
“Ông này nói theo kiểu điếc không sợ súng mà dân gian người ta nói “cả vú lấp miệng em”, dùng quyền lực để mà che giấu. Ông ta nói thế là bất chấp luật pháp, bất chấp cả thời thế.  Ngay trong luật chống tham nhũng thì một trong những bí quyết, át chủ bài phòng chống tham nhũng của Tổng thanh tra là phải minh bạch hóa nó cũng là một trong những quả đấm là phải minh bạch hóa trong cách chống tham nhũng mà bây giờ ông ấy bịt lại thì đã đi ngược điều đó rồi.
Ông này không hiểu gì về luật pháp và ông cưỡi lên đầu người ta, muốn làm gì thì làm. Thanh tra mà ông lại không hiểu pháp luật, đây là một thất thố ngay trong thanh tra mà không coi luật pháp ra cái gì cả. Ở ngay trong luật thanh tra người ta đòi hỏi sự minh bạch. Luật báo chí chuyên ngành cũng vậy ngay trong thanh tra mà ông chống lại thì ông tồn tại kiểu gì, ông làm ăn kiểu gì vậy?”
Ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn còn vi phạm nguyên tắc báo chí một cách công khai và sự vi phạm này được xem như tuyên chiến với cả nền báo chí Xã hội chủ nghĩa khi ông tuyên bố giữa cuộc họp như sau:
“Về báo chí tôi nói thật với các anh lãnh đạo báo chí lúc này nó nhiều quá, 20 nghìn nhà báo nhất là thành phố Hồ Chí Minh này gần 15 triệu người, kể cả những người vô gia cư, báo chí tập trung ở đây nhiều nhất. Tập trung vào nên không có lịch mà tiếp đâu nên tôi đề nghị là tất cả các thông tin báo chí kể cả trong quá trình đoàn thanh tra làm việc thì các đồng chí không tiếp khách, trừ báo Đảng, tuyên truyền cho các đồng chí trong dịp tết, viết bài như báo Nhân Dân thì các đồng chí biết rồi còn tất cả tôi đề nghị các đồng chí không tiếp, không ai làm gì được đâu.
Tôi nói rõ là bất kỳ nhà báo nào quấy nhiễu các đồng chí thì các đồng chí cứ việc nêu trực tiếp với tôi. Tôi nói thật nhiều đồng chí Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, nhiều Bộ trưởng tôi kết hợp tôi đuổi các nhà báo đấy tôi chẳng ngại đâu. Bởi vì trong quá trình mà báo chí nó nhiễu thì rất là nhục, báo cáo các đồng chí thế. Các đồng chí cố gắng khắc phục ngay từ đầu không tiếp nhà báo.”
Che dấu vì có chia sẻ lợi nhuận?
Thanh tra Chính phủ cố tình che lấp thông tin để che đậy cái xấu cho chế độ là điều có thể hiểu được còn công an muốn che dấu thông tin của tội phạm môi trường lại là một câu chuyện bức xúc khác không thể giải thích ngoại trừ bản thân người che dấu thông tin có chia sẻ lợi nhuận từ hành vi xả thải bất hợp pháp.
Anh Nguyễn Đức Hùng một cư dân của Thôn Hưng Yên 1, Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh Tỉnh Hà Tĩnh sau khi phát hiện một tàu chở chất thải đổ xuống vùng biển trong vịnh Sơn Dương đã quay clip video và post lên trang Facebook của anh hôm 20/11. Ảnh chụp từ video clip
Câu chuyện của anh Nguyễn Đức Hùng một cư dân của Thôn Hưng Yên xã Kỳ Lợi huyện Kỳ Anh Tỉnh Hà Tĩnh là một ví dụ về thái độ che dấu thông tin tội phạm môi trường của công an Hà Tĩnh.
Sau khi phát hiện một tàu chở chất thải đổ xuống vùng biển trong vịnh Sơn Dương anh Nguyễn Đức Hùng đã quay clip video và post lên trang Facebook cá nhân của mình nhưng sau đó bị công an Hà Tĩnh hăm dọa, buộc anh phải gỡ bỏ clip này xuống. Nói với chúng tôi anh Hùng bức xúc:
“Sau một ngày đăng tải lên thì bị áp lực rất nhiều phía nhất là công an Hà Tĩnh và công an Kỳ Anh. Có hai anh công an tới hỏi thì em viết trên trang Facebook thế nào thì em trả lời như vậy. Sau cuộc gặp thì hai anh nói là bên công an sẽ xác nhận nếu như đúng thì sẽ xử lý theo luật pháp còn nếu sai, không chính xác thì em phải coi lại suy nghĩ của em khi đem lên Facebook.
Chiều hôm ấy có gặp ông Đại tá Đặng Hoài Sơn là trưởng công an Kỳ Anh có gọi phone cho anh của tôi bảo là phải gỡ bỏ cái video clip đó xuống nhưng tôi không gỡ và nói là tôi thấy đúng sự thật thì đem lên chứ chẳng làm gì mà chống phá ai hết. Ông ta nói hình ảnh video mà tôi để trên Facebook mà không lấy xuống thì tôi là một người phản động, Kích động người này người khác để chống phá nhà nước. Ông ta nói phải gỡ xuống còn không nghe thì ông sẽ bắt giam theo cách của ông, và ông sẽ tìm mọi cách để bắt tôi.”
Những vụ che dấu thông tin tương tự vẫn xảy ra hàng ngày trong nhiều lĩnh vực mà chính quyền không thể biết hết vì cán bộ trách nhiệm cũng là người chủ trương che dấu thông tin. Người dân cho rằng người được hưởng lợi từ sự che dấu này hiển nhiên là tội phạm môi trường, kinh tế cũng như những con sâu trong chính quyền, ngược lại, người chịu thiệt hại trực tiếp vẫn là nạn nhân của các vụ xả thải làm bẩn môi trường sống, và kế đó là cả hệ thống chính trị Việt Nam nhiễm độc thói quen che chắn qua cách áp dụng câu “tốt khoe xấu che” một cách sai lầm.
Dư luận lẫn báo chí góp ý chủ trương phòng chống tham nhũng không bao giờ thành công nếu vẫn dung dưỡng tư tưởng che đậy thông tin xấu trong hệ thống cầm quyền. Những người giữ chức vụ cao nhưng khiếm khuyết như ông Vụ trưởng Thanh tra Nguyễn Minh Mẫn và đại tá công an Đặng Hoài Sơn không phải là ít, nó lan tỏa âm thầm trong nội bộ chính quyền bởi sự làm ngơ của cấp cao hơn khi những sai trái này được báo chí hay dân chúng phanh phui.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/benefits-or-harm-when-the-information-was-sealed-ml-11302016112445.html

Ông Võ Kim Cự bị ‘kiểm tra sai phạm’ vụ Formosa

Các báo Việt Nam hôm 30/11 đồng loạt trích lời ông Đinh Thế Huynh, Thường trực Ban Bí thư của Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam cho hay “Ủy ban Kiểm tra Trung ương đang kiểm tra mức độ vi phạm của ông Võ Kim Cự”.
Công tác này đồng thời diễn ra với việc “Ban cán sự Đảng và UBND tỉnh Hà Tĩnh cũng bị kiểm tra, đặc biệt là quá trình lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa”, theo trang VnExpress hôm thứ Tư 30/11.
Những tháng qua, báo chí Việt Nam liên tiếp đang tải các tin khác nhau về ông Võ Kim Cự, nguyên Bí thư tỉnh ủy Hà Tĩnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, nơi xảy ra thảm họa môi trường Formosa do công ty Đài Loan có nhiều vốn Trung Quốc xả thải chất độc thẳng xuống biển.
Chẳng hạn hôm 29/07/2016, báo Việt Nam trích lời quan chức Quốc hội, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói “ông Võ Kim Cự đã nhận thấy việc sai của tỉnh.”
“Khi còn là người đứng đầu địa phương là tỉnh Hà Tĩnh thì ông Võ Kim Cự có để xảy ra việc cho doanh nghiệp Formosa thuê đất 70 năm. Việc này Thanh tra Chính phủ khi thanh tra xác định không đúng thẩm quyền địa phương và ông Cự nhận thấy việc sai của tỉnh”, ông Nguyễn Hạnh Phúc nói.
Nhưng vài hôm trước đó, bản thân ông Võ Kim Cự lại nói rằng khi cấp phép cho Formosa, “ông không có gì sai,” theo VnExpress (24/07).
Còn theo các văn bản của chính phủ Việt Nam và tỉnh Hà Tĩnh đăng trên trang Thư viện Pháp luật thì nhiều lãnh đạo cao cấp nhất ở Việt Nam đã tham gia chỉ đạo việc chuẩn bị đón nhận đầu tư và triển khai công trình của tập đoàn Hưng Nghiệp, Đài Loan vào Vũng Áng ngay từ giai đoạn đầu.
Trong các văn bản này, vai trò của Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Tĩnh và Đảng ủy tỉnh không phải là nổi bật.
Trang thuvienphapluat.vn còn lưu lại quyết định hồi năm 2007 (145/2007/QĐ-TTg) phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Thép Việt Nam giai đoạn 2007-2015, có xét đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng ban hành, gồm cả công trình tại Hà Tĩnh.
Sang năm 2009, có văn bản số: 169/TB-VPCP (25/05) thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng sau buổi làm việc ngày 11/05 với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh.
Một phần nội dung này viết:
“Về đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu kinh tế Vũng Áng (hệ thống giao thông, điện, nước, tỉnh đẩy mạnh thu hút thông qua xã hội hóa đầu tư, Trung ương hỗ trợ một phần;
“Về vốn thực hiện dự án bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Khu liên hợp gang thép và cảng Sơn Dương Formosa: Tỉnh chỉ đạo giải ngân số vốn đã được tạm ứng theo công văn số 2654/VPCP-KTTH ngày 24 tháng 4 năm 2009 của Văn phòng Chính phủ. Trường hợp cần phải ứng thêm vốn để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, Tỉnh báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét, trình Thủ tướng Chính phủ.”
Sang năm 2013, Văn phòng Chính phủ có văn bản số: 177/TB-VPCP (24/04) thông báo ý kiến của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại buổi tiếp Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh.
Văn bản này chỉ ghi nhận sự hiện diện của ông Võ Kim Cự là người “cùng dự”.
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã có ý kiến như “Đánh giá cao nỗ lực và quyết tâm của Công ty trong việc triển khai các hạng mục của Dự án Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh (Dự án) theo các nội dung Công ty đã cam kết.”
Và đối với các kiến nghị của Công ty TNHH gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh, ông Hoàng Trung Hải đã có chỉ thị thực hiện các việc sau:
“UBND tỉnh Hà Tĩnh làm việc với các bộ: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để sớm có phương án xử lý nguồn vốn đầu tư cho dự án cấp nước Khu liên hợp gang thép Formosa Hà Tĩnh.
“Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu về các cơ chế chính sách bảo vệ ngành công nghiệp thép trong nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trong năm 2013.
“Ngân hàng Nhà nước xem xét nhu cầu sử dụng Ngoại tệ của Công ty, đề xuất hướng xử lý báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Bộ Công an nghiên cứu giải quyết yêu cầu sử dụng lao động người nước ngoài có tính đặc thù của Dự án theo quy định.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để các cơ quan biết, thực hiện.”
Cũng năm 2013, một Phó Thủ tướng khác, ông Nguyễn Thiện Nhân đã có mặt và ra ý kiến chỉ đạo “tại Hội nghị sơ kết công tác đào tạo nhân lực cho Khu vực Kinh tế Vũng Áng” (Thông báo 258/TB-VPCP).
Các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng vào cuộc tích cực sau khi xảy ra thảm họa môi trường năm 2016 mà tập đoàn Formosa nhận trách nhiệm.
Cũng văn bản chính thức cho hay ngày 29/08/2016, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình (nhiệm kỳ Quốc hội mới) đã chủ trì cuộc họp tại Hà Nội về tiến độ triển khai công tác xác định, bồi thường thiệt hại và hỗ trợ khắc phục hậu quả, khôi phục sản xuất, chuyển đổi nghề cho người dân bị ảnh hưởng bởi sự cố môi trường biển”.
Đó là về phía chính quyền, còn về phía Đảng Cộng sản, người lãnh đạo cao nhất của tổ chức này, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng đã thăm và “kiểm tra tiến độ dự án Formosa” hôm 22/04/2016.
Ông Nguyễn Phú Trọng và đoàn công tác đã đến thăm một số công trình, nhà máy thuộc dự án khu liên hợp gang thép và cảng nước sâu Sơn Dương Formosa Hà Tĩnh, theo trang VietnamNet.
Báo này cũng đăng ảnh ông Trọng thăm Formosa và nói đây là dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 hơn 10,5 tỷ USD.
Tuy nhiên, người tiếp ông ở Hà Tĩnh đã là ông Lê Đình Sơn – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh;
Vào thời điểm tháng 4/2016, ông Võ Kim Cự không còn nắm chức vụ cao nhất tại Hà Tĩnh và cũng không còn là Trưởng ban Quản lý Khu kinh tế Vũng Áng (từ 2008).
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38158973

Cựu tổng biên tập Lao Động

‘hối tiếc vì làm công cụ của Đảng’

Ben NgôBBC Tiếng Việt
Cựu tổng biên tập Lao Động trả lời phỏng vấn BBC Tiếng Việt nhân cuốn hồi ký ‘Đến già mới chợt tỉnh – Từ theo cộng đến chống cộng’ của ông vừa được phát hành tại Mỹ.
Nhà báo Tống Văn Công, cựu tổng biên tập Lao Động (1989 – 1994), từng được biết đến với những bài phản biện trên báo lề trái và ‘thư góp ý với Đảng’ và từng bị tờ Quân đội Nhân dân có bài công kích năm 2013.
Năm 2014, ông tuyên bố từ bỏ Đảng và nay hiện đang định cư tại Hoa Kỳ.
BBC: Thông điệp mà ông muốn chuyển tải qua cuốn hồi ký vừa được Người Việt Books ấn hành tháng 11/2016?
Tống Văn Công: Tôi muốn góp một phần nhỏ vào cuộc đấu tranh của người dân, trong đó có nhiều đồng chí cũ của tôi đòi dân chủ hóa đất nước, thực hiện các quyền dân sự và chính trị, tự do ngôn luận, tự do lập hội,nhà nước pháp quyền với tam quyền phân lập.
Chúng tôi dễ thống nhất với nhau rằng: Cản ngại chính là những người lãnh đạo Đảng cộng sản hiện nay. Cuối đời nhìn lại, tôi nhận ra trách nhiệm của chính mình đã góp phần xây dựng nên lực lượng cản ngại này: Đó là di sản của chính chúng tôi!
Tôi dùng người mà chỉ dựa vào vào năng lực và nhiệt tâm của người đó đối với tờ báo, không phân biệt anh em ở chế độ cũ và người bị tù cải tạo.nhà báo Tống Văn Công
Những điều gì thôi thúc ông từ tuyên bố từ bỏ Đảng năm 2014 đến cuốn hồi ký phát hành năm 2016?
Luật sư Lưu Nguyên Đạt cho rằng “Quyết định bỏ Đảng của Tống Văn Công không quyết liệt, không sáng sủa như qua lời phát biểu của Lê Hiếu Đằng. Nó không đanh thép bằng lập trường thô bạo của một Dương Thu Hương”.
Sở dĩ như vậy là vì tôi nghĩ rằng mình không thể phát ngôn như một kẻ vô can.
Khi nhận ra chế độ Đảng trị đưa tới hai hiểm họa cho đất nước là tham nhũng và lệ thuộc ngoại bang, tôi đã mạnh dạn góp ý xây dựng, kiên trì góp ý xây dựng, chỉ đến khi không thể xây dựng được nữa, tôi mới tuyên bố từ bỏ Đảng.
Mục đích của việc từ bỏ Đảng đúng như nhà báo Hồ Ngọc Nhuận nhận định:”Nó đóng góp cho dân chủ hóa đất nước”. Quyển hồi ký này tiếp tục thực hiện mục đích đó.
Trong cuộc đời làm báo, làm tổng biên tập tại Việt Nam, ông hối tiếc nhất điều gì và ngược lại điều gì khiến ông cảm thấy hãnh diện nhất?
“Hối tiếc nhất điều gì” ư? Đó là tự nguyện làm công cụ của Đảng chứ không phải thực hiện quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận của nhân dân.
Còn hãnh diện? Từ này quá cao đối với tôi. Nhưng cũng xin trả lời thế này: Tôi đã cùng anh em báo Lao Động đưa tờ báo từ chỗ chỉ bán cho Công đoàn mua bằng tiền nhà nước, đến chỗ đưa ra bán ở các sạp báo cả nước với số lượng cao nhất so với các tờ báo trung ương hồi đó.
Tôi nghĩ, cũng đáng “hãnh diện” khi bị cho nghỉ hưu với các lý do mà Ủy viên Bộ chính trị Phạm Thế Duyệt cho tôi biết: “Tổ chức bộ máy nhân sự làm cho cơ quan an ninh không yên tâm”.
Đó là do tôi dùng người mà chỉ dựa vào vào năng lực và nhiệt tâm của người đó đối với tờ báo, không phân biệt anh em ở chế độ cũ và người bị tù cải tạo.
Từ khi tôi làm tổng biên tập có nhiều loạt bài khiến Bộ Chính trị lo lắng. Thậm chí có lần trong một tháng, tờ báo của tôi có bài phê bình bốn bộ trưởng.
Nhìn tình hình báo chí trong nước với một loạt Tổng biên tập bị cách chức, báo bị Bộ Thông tin – Truyền thông Việt Nam xử phạt, ông có bình luận gì?
- Tình trạng này phản ánh sự khủng hoảng của thể chế và mâu thuẫn giữa các phe phái trong Đảng cầm quyền.
Theo đánh giá của ông thì đến bao giờ Việt Nam mới có tự do báo chí?
- Ông Frederich Douglass, một nhà đấu tranh cho quyền bình đẳng giữa các dân tộc có nói: “Trong các quyền con người, quyền biểu tỏ ý kiến là nỗi kinh hoàng của các hôn quân, bạo chúa, là thứ quyền mà chúng phải ra tay triệt hạ đầu tiên.”
Do đó tự do báo chí chỉ được thực hiện trong một thể chế dân chủ như Tổng thống Obama nói:” Một chính phủ lấn lướt báo chí, một chính quyền không phải đối mặt với giới truyền thông cương trực và mạnh mẽ không phải là sự lựa chọn của nước Mỹ.”
Thách thức lớn nhất đối với những người đang tâm huyết với nghề báo tại Việt Nam là gì?
- Là không có quyền tự do báo chí. Báo chí phải viết theo chỉ đạo của Ban Tuyên huấn Đảng cộng sản.
Năm 2008, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tuyên bố “Kiên quyết không để tư nhân hóa báo chí dưới mọi hình thức”.
Dù Việt Nam có báo chí tư nhân nhưng nếu vẫn bị Ban Tuyên huấn chỉ đạo thì vẫn không có tự do báo chí.
Cách đây hơn 150 năm, ông Rober Lowe, một chính khách người Anh cho rằng: “Chúng ta nhất định phải nói lên sự thật, đúng như chúng ta nhìn thấy,không sợ mọi hậu quả nhất định không cung cấp chỗ ẩn náo thuận tiện cho những hành vi bất công hay áp chế mà phải lập tức giao chúng cho sự phán xét của thế giới”.
Câu nói đó vẫn đang thách thức lương tâm và năng lực các nhà báo Việt Nam.
Ông đã phải trả những cái giá nào trong cuộc đời làm báo của mình ở Việt Nam?
- Xin trích mấy câu trong Hồi ký Không tên của nhà báo Lý Quý Chung, tổng thư ký tòa soạn báo Lao Động cho câu hỏi này: “Con đường phát triển độc đáo của tờ báo – một tờ báo mang tính đột phá về nghề nghiệp ở thời điểm đó – bị khựng lại giữa lúc đầy phấn khởi. Anh được cho về hưu vào cái lúc anh thành đạt nhất trong sự nghiệp báo chí của mình.”
Cái giá phải trả còn vượt xa ngoài bản thân tôi. Hơn 20 anh em nhà báo tài năng cùng bỏ việc như Lý Quý Chung, họa sĩ Chóe, cây bút phiếm luận nổi tiếng Ba Thợ tiện (Hoàng Thoại Châu), cây bút điều tra nổi tiếng Lưu Trọng Văn…
http://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-38141485

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?