Tin khắp nơi - 29/11/2016

Không lực Hoa Kỳ thiếu nhân viên bảo trì

Carla Babb NGŨ GIÁC ĐÀI — Không lực Hoa Kỳ hiện đang phải đối phó với một cuộc khủng hoảng: thiếu nhân viên bảo trì. Cần có các thợ máy để bảo đảm các phi cơ của không lực có thể tiếp tục bay. Gần đây, số lượng nhân viên bảo trì bắt đầu sụt giảm, và hiện không lực Mỹ cần có thêm 4.000 nhân viên bảo trì. Công việc của một nhân viên bảo trì tại Căn cứ Hỗn hợp Langley-Eustis rất nặng nề, vì họ phải phục vụ những chiếc F-22 Raptor lẫn T-38 Talon, máy bay phản lực đã hơn 50 năm tuổi và cần được sửa chữa thường xuyên. Tại Ngũ Giác Đài, Trung tướng John Cooper là người quản lý đội ngũ nhân viên bảo trì. Đội ngũ của ông đang thiếu người, sau một loạt biện pháp cắt giảm ngân sách của Quốc hội. Ông Cooper và Thiếu tướng Scott Vander Hamm, người chịu trách nhiệm khắc phục tình trạng thiếu phi công lái phản lực, nói rằng không lực Mỹ không thể làm nhiều hơn trong khi có ít nguồn lực hơn. Trong khi các nhân viên bảo trì thành công trong các hoạt động chiến đấu ở nước ngoài, ông Cooper nói họ không còn khả năng hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện rất quan trọng. Tướng Cooper nói: “Chúng ta chủ yếu phải trả cái giá ngay trong nước, nơi chúng tôi phải huấn luyện các quân nhân cho cuộc chiến hiện đại, cho cuộc chiến tiếp theo. Chúng tôi đang phải vác gánh nặng ở trong nước, không thể tiến hành các chuyến bay do vấn đề thiếu nhân lực”. Không lực thiếu 3800 thợ bảo trì vào năm 2015. Việc gia tăng huấn luyện đã được phê duyệt trong năm nay, nhờ đó có 500 thợ bảo trì được bổ sung, nhưng vẫn còn thiếu 3.300 thợ. Nếu ngân sách của Không lực không giảm, các tướng lĩnh nói rằng họ sẽ thoát khỏi tình trạng thiếu thợ bảo trì vào năm 2021. http://www.voatiengviet.com/a/khong-luc-hoa-ky-thieu-nhan-vien-bao-tri/3615857.html

Nhiều tranh cãi về ứng viên Ngoại trưởng Mỹ

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm thứ Hai tiếp tục gặp gỡ những ứng viên cho những chức vụ hàng đầu trong nội các giữa lúc đấu đá nội bộ trong nhóm chuyển tiếp của ông diễn ra công khai, liên quan tới việc cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ Mitt Romney được cân nhắc cho chức Bộ trưởng Ngoại giao. Phó Tổng thống đắc cử Mike Pence, người đang lãnh đạo tiến trình chuyển tiếp của ông Trump, được cho là một trong những người ủng hộ ông Romney vào vị trí Ngoại trưởng. Ông Romney từng kịch liệt đả kích ông Trump trong suốt chiến dịch tranh cử, nhưng để mắt tới vị trí nội các này. Hai người họ đã gặp gỡ và bàn bạc với nhau trong một cuộc họp khá lâu diễn ra trước đây trong tháng này. Những đồng minh hàng đầu khác của ông Trump, đặc biệt là người quản lý chiến dịch tranh cử Kellyanne Conway, đã phát động một chiến dịch hết sức bất thường là công khai lên truyền hình để cảnh báo Tổng thống đắc cử rằng việc đề cử ông Romney sẽ bị những người ủng hộ ông xem là sự phản bội. Những phát biểu của bà Conway khơi lên những đồn đoán rằng bà đang tìm cách dồn ông Trump vào thế phải hành động khác đi, hoặc là bà đang đứng ra làm bình phong cho việc ông Trump cuối cùng sẽ bỏ qua ông Romney. Ba người nắm rõ nội tình nhóm chuyển tiếp nói với hãng tin AP rằng ông Trump có biết việc bà Conway định sẽ công khai phát biểu ý kiến của bà, cả trên Twitter lẫn trong những cuộc phỏng vấn trên truyền hình. Họ phủ nhận tin nói rằng Trump đã rất tức giận với bà và nói rằng quyết định của ông Trump để cân nhắc những ứng cử viên khác nêu bật sức ảnh hưởng của bà. Tướng hồi hưu David Petraeus, một ứng viên mới đang được cân nhắc cho chức Ngoại trưởng, hôm thứ Hai nói rằng ông đã dành khoảng một tiếng đồng hồ nói chuyện với ông Trump, và ca ngợi Tổng thống đắc cử về “sự hiểu biết tường tận của ông về nhiều thách thức đang tồn tại trên thế giới.” Vị cựu giám đốc CIA này vào năm ngoái đã nhận tội trước cáo buộc xử lý sai thông tin mật liên quan đến những tài liệu mà ông đã cung cấp cho người viết tiểu sử cho ông, người mà trước đó có quan hệ tình ái với ông. Ngày thứ Ba ông Trump sẽ gặp gỡ Thượng nghị sĩ Bob Corker, người cũng đang được cân nhắc nghiêm túc cho chức vụ Ngoại trưởng, và gặp ông Mitt Romney thêm lần nữa. http://www.voatiengviet.com/a/nhieu-tranh-cai-ve-ung-vien-ngoai-truong-my/3615470.html

Ban vận động của bà Clinton

định tham gia nỗ lực kiểm phiếu lại

Đại diện từ chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hillary Clinton dự định tham gia nỗ lực đếm phiếu lại tại 3 bang mà ông Donald Trump chiến thắng sít sao, một luật sư của bà Clinton loan báo. Trong tin nhắn trên mạng xã hội hôm 26/11, tổng cố vấn cho chiến dịch tranh cử của bà Clinton, Marc Elias, tuyên bố ủng hộ lời kêu gọi tái kiểm phiếu từ ứng viên Đảng Xanh, Jill Stein. Ông Elias nói “Giờ đây khi vấn đề kiểm phiếu lại được khởi xướng tại Wisconsin, chúng tôi định sẽ tham gia để bảo đảm rằng tiến trình này được xúc tiến một cách công bằng cho tất cả các bên.” Ông cũng cho biết thêm rằng ban vận động tranh cử của bà Clinton cũng sẽ tham gia vào các cuộc kiểm phiếu lại theo dự trù tại Pennsylvania và Michigan, nếu mọi việc được tiến hành. Trong tuần rồi, ứng viên Stein của Đảng Xanh thông báo sẽ thúc đẩy kiểm phiếu lại toàn bang ở Michigan, Pennsylvania và Wisconsin, viện dẫn nghi ngờ rằng công tác kiểm phiếu có thể đã bị tin tặc chi phối và thao túng. Chính quyền của Tổng thống Obama tuyên bố cuộc bầu cử vừa qua ‘tự do và công bằng xét về phương diện an ninh mạng.’ Ứng viên thắng cử Donald Trump nói ‘người dân đã lên tiếng và cuộc bầu cử đã kết thúc.’ Tất cả các cuộc kiểm phiếu lại, nếu được tiến hành, sẽ phải hoàn tất trước thời hạn chót liên bang đề ra là ngày 13/12. Các giới chức bang Wisconsin kỳ vọng quá trình kiểm phiếu lại sẽ khởi sự cuối tuần này. Theo WSJ, FT http://www.voatiengviet.com/a/ban-van-dong-cua-ba-clinton-dinh-tham-gia-no-luc-kiem-phieu-lai/3614975.html

Ông Trump đe dọa ‘chấm dứt’ quan hệ hòa hoãn Mỹ-Cuba

Tổng thống tân cử của Mỹ, Donald Trump, dọa sẽ đảo ngược mối quan hệ nồng ấm của chính quyền Barack Obama với Cuba, một tín hiệu rõ ràng nhất từ trước đến nay cho thấy các mối liên lạc đang được phục hồi giữa hai nước đang bị đe dọa. “Nếu Cuba không sẵn lòng vì những gì tốt hơn cho người dân Cuba, người Mỹ gốc Cuba, và nước Mỹ nói chung, tôi sẽ chấm dứt quan hệ,” ông Trump tuyên bố trong một tin nhắn trên Twitter hôm 28/11. Tuyên bố này nhất quán với những gì ông Trump đã từng nhấn mạnh trong nhiều tháng nay về thỏa thuận Mỹ-Cuba mà ông xem là mang tính một chiều có lợi cho Havana. Vấn đề lại khơi dậy sự chú ý sau cái chết của lãnh tụ Cuba, Fidel Castro, hồi tuần rồi. Chánh văn phòng của ông Trump hôm 27/11 cho biết Tổng thống tân cử ‘nhất định’ sẵn sàng đảo ngược con đường mà đương kim Tổng thống Barack Obama mở ngỏ cho Cuba. Phát biểu với Fox News, ông Reince Priebus khẳng định tương lai mối quan hệ Mỹ-Cuba tùy thuộc vào việc Havana ‘có bước đi đúng hướng’ về nhân quyền. http://www.voatiengviet.com/a/ong-trump-de-doa-cham-dut-quan-he-hoa-hoan-my-cuba/3614692.html

Tấn công trường Đại học Ohio, 9 người bị thương

Cảnh sát thành phố Columbus cho hay ít nhất 9 người bị thương tại Đại học Bang Ohio khi một kẻ tấn công lái xe lao vào đám đông khách bộ hành rồi rút dao đâm họ. Nghi phạm đã bị cảnh sát bắn chết. ‘Chúng tôi phải xem đây là một vụ tấn công khủng bố’, cảnh sát trưởng thành phố Columbus, Kim Jacobs, loan báo. Truyền thông Mỹ loan tin nghi phạm được nhận dạng là một người trẻ gốc Somali. Giới chức bệnh viện cho hay trong số những người bị thương có 8 nạn nhân không bị nguy hiểm tính mạng và 1 người bị nguy kịch. Hiệu trưởng Michael Drake cho hay tin đồn ban đầu nói rằng có một nghi can thứ nhì, nhưng cảnh sát đã truy lùng khắp vùng và tin rằng chỉ có một kẻ tấn công mà thôi. Hung thủ được nhận dạng là Abdul Razak Ali Artan, một sinh viên của trường, theo loan báo của giám đốc phụ trách an toàn công cộng của đại học tại cuộc họp báo ngày 28/11. Hiện có gần 60,000 sinh viên theo học tại trường đại học này. http://www.voatiengviet.com/a/xa-sung-trong-truong-dai-hoc-bang-ohio-it-nhat-7-nguoi-bi-thuong/3614632.html

Hoàng Thái tử Thái Lan được chính thức đề cử lên nối ngôi

Quốc hội Thái Lan hôm thứ Ba 29/11 chính thức đề cử Hoàng Thái tử Vajiralongkorn làm vị vua kế tiếp, hoàn tất nghi thức cuối cùng dọn đường cho thái tử lên kế vị vua cha, sau khi Quốc vương Bhumibol băng hà vào tháng rồi. Theo một đạo luật năm 1924 quy định nghi thức nối ngôi, chính phủ Thái Lan đã tiến cử Hoàng Thái tử Vajiralongkorn để Quốc hội thông qua tại một phiên họp ngắn trong đó các nghị sĩ chính thức công nhận Hoàng Thái tử là Quốc vương mới. Chủ tịch Quốc hội Pornpetch Wichitcholchai yêu cầu mọi người chúc phúc cho tân vương và sau đó các nghị sĩ đồng loạt hô to: “Hoàng thượng vạn tuế.” Chủ tịch Pornpetch nói ông sẽ chính thức mời Hoàng Thái tử Vajiralongkorn lên nối ngôi vua, làm vị vua thứ 10 của triều đại Chakri, kể từ khi triều đại này khởi sự vào năm 1782. Tuy nhiên, ông không cho biết khi nào lễ đăng quang sẽ diễn ra. Lên ngôi năm 1946, Quốc vương Bhumibol Adulyadej băng hà ngày 13/10 ở tuổi 88. Vào năm 1972, vua Bhumibol đề cử người con thứ nhì, cũng là con trai duy nhất, Hoàng tử Vajiralongkorn làm đông cung thái tử, để thừa kế ngai vàng sau này. Hoàng Thái tử Vajiralongkorn, năm nay 64 tuổi, vốn không mấy quan tâm đến quốc sự, không được tôn kính như vua cha. Hoàng Thái tử đã trải qua 3 đời vợ, có 7 người con, chuyện tình ái của ông là mục tiêu của những lời bàn tán, bất chấp những hình phạt nghiêm khắc đối với tội xúc phạm vương triều, là các bản án tù từ 3 năm đến 15 năm. Thủ tướng Prayuth Chan-ocha cho biết sau khi vua cha băng hà, hoàng thái tử muốn có thời gian thương tiếc cha, nên không muốn lên ngai ngay. Chính phủ quân sự của Thủ tướng Prayuth đã tuyên bố một năm quốc tang, hầu hết người dân Thái đều mặc đồ tang màu đen hoặc trắng sau khi vua băng hà, và tránh tổ chức các lễ lạc vui chơi. Dân chúng đã kéo nhau đến viếng linh cữu nhà vua đặt tại Hoàng cung. Nhà vua sẽ được hoả táng theo nghi thức tôn nghiêm, kéo dài đến 1 năm hoặc lâu hơn. Lễ đăng quang của Hoàng Thái tử Vajiralongkorn chỉ diễn ra sau lễ hoả táng. Lễ đăng quang Vua Bhumibol diễn ra vào năm 1950, 4 năm sau khi anh ông, Vua Ananda Mahidol qua đời do bị bắn trong một tình huống mập mờ. Dù có tham dự các buổi lễ của hoàng gia và thay mặt vua cha trong một số nghi lễ và sự kiện ngoại giao, Hoàng Thái tử Vajiralongkorn nói chung là một nhân vật kín đáo. Các bản tin hàng ngày thường đề cập đến ba công chúa tham gia các sự kiện chính thức ở Thái Lan cũng như ở nước ngoài, trong khi các hoạt động của hoàng thái tử ít được nhắc đến. Hoàng thái tử sống chủ yếu ở Đức, nơi ông có nhiều dinh thự. Vào năm 2015, ông xuất hiện trước công chúng hai lần ở Thái lan, khi dẫn đầu đoàn diễu hành đi xe đạp nhân kỷ niệm sinh nhật của hoàng hậu và nhà vua. Nhiều người cho rằng sự kiện này nhằm đưa hình ảnh của thái tử ra trước công chúng như người sẽ lên nối ngôi. Thời niên thiếu, hoàng gia đã cố gắng chuẩn bị cho thái tử lên nối ngôi. Hoàng thái tử được phong hàm sĩ quan trong ba binh chủng của lực lượng quân đội Thái lan, và năm 14 tuổi, ông được gửi sang Anh học nội trú. Sau đó, ông tiếp tục học vấn ở Sydney để chuẩn bị vào Học viện Quân sự Hoàng gia Australia, ông hoàn tất chương trình học ở học viện Duntroon vào năm 1975, sau khi các nước láng giềng của Thái Lan là Campuchia, Lào và Miền Nam Việt Nam rơi vào tay các lực lượng Cộng sản. Năm 1980, ông tham gia khóa học quân sự cấp cao ở Hoa Kỳ, và từ đó thích lái máy bay, đôi khi người ta chứng kiến hoàng thái tử điều khiển máy bay phản lực chở khách của hãng hàng không Thái Lan. http://www.voatiengviet.com/a/hoang-thai-tu-thai-lan-duoc-chinh-thuc-de-cu-len-noi-ngoi/3615781.html

LHQ sắp biểu quyết về lệnh trừng phạt Bắc Triều Tiên

Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc vào thứ Tư tuần này sẽ biểu quyết về việc ban hành lệnh trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên liên quan đến vụ thử nghiệm hạt nhân thứ năm của nước này, theo nguồn tin từ giới ngoại giao hôm 28/11 Các nhà ngoại giao cho biết 5 cường quốc có quyền phủ quyết trong Hội đồng gồm Mỹ, Anh, Pháp, Nga, và Trung Quốc đã đồng ý các biện pháp mới chủ yếu nhắm vào thu nhập từ xuất khẩu than đá của Bình Nhưỡng. “Chúng tôi không đạt được tất cả như ý,” một giới chức Mỹ biết rõ về nghị quyết dự thảo cho biết và nói thêm rằng các biện pháp đề nghị mới cũng ‘khá ổn’. Bắc Triều Tiên bị đặt dưới các biện pháp trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ năm 2006 vì các vụ thử nghiệm hạt nhân và phi đạn. Lần mới nhất được thực hiện hôm 9/9. Mỹ và Trung Quốc, đồng minh của Bắc Triều Tiên, đã mất hai tháng để thương lượng về các biện pháp chế tài mới. Dự thảo nghị quyết được đưa cho 15 thành viên trong Hội đồng Bảo an hôm thứ Sáu vừa qua. Người ta tin rằng Trung Quốc là nước duy nhất hiện nay mua than đá của Bắc Triều Tiên. Theo dự thảo nghị quyết Liên Hiệp Quốc do Mỹ soạn thảo có phần chắc sẽ được thông qua vào thứ Tư tuần này, Trung Quốc có thể sẽ phải cắt giảm 60% than nhập khẩu, giới ngoại giao cho biết. Các biện pháp chế tài mới chỉ cho phép Bình Nhưỡng xuất khẩu khoảng 400 triệu đôla than đá, tức 7,5 triệu tấn mỗi năm, bắt đầu từ ngày 1/1 năm sau. Trong 10 tháng đầu năm nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 18,6 triệu tấn than đá từ Bắc Triều Tiên, tăng gần 13% so với năm trước. Nguồn tin này cũng cho biết thêm rằng dự thảo nghị quyết của Liên Hiệp Quốc còn cấm Bình Nhưỡng xuất khẩu đồng, nickel, bạc, và kẽm với giá trị khoảng 100 triệu đôla mỗi năm. Ngoài ra, nghị quyết cũng cấm các nước bán cho Bắc Triều Tiên trực thăng và tàu bè. Hội đồng Bảo an cũng đưa vào danh sách đen 11 cá nhân, trong đó có những người từng làm đại sứ tại Ai Cập và Myanmar, cùng 10 tổ chức khác với lệnh cấm du hành toàn cầu và phong tỏa tài sản vì vai trò của họ trong các chương trình hạt nhân và phi đạn đạn đạo của Bình Nhưỡng. http://www.voatiengviet.com/a/lhq-sap-bieu-quyet-ve-lenh-trung-phat-bac-trieu-tien/3615452.html

Giới chức: Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo tràn vào Hoa lục

Chủ nghĩa cực đoan tôn giáo đã bắt đầu lan tràn vào Trung Hoa lục địa từ khu vực Tân Cương ở phía Tây, nơi lâu nay bị chính quyền Bắc Kinh đặt làm tuyến đầu trong các nỗ lực triệt tiêu các phần tử ly khai Hồi giáo, theo lời giới chức cao cấp nhất phụ trách về tôn giáo của Trung Quốc. Trung Quốc cho rằng họ đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ các phần tử chủ chiến Hồi giáo ở Tân Cương, lãnh thổ giáp ranh với Trung Á, Afghanistan, và Pakistan, và cũng là nơi cư ngụ chủ yếu của nhóm thiểu số Hồi giáo Uighur. Hàng trăm người đã thiệt mạng trong những năm gần đây trong các vụ bạo động mà Bắc Kinh quy trách nhiệm cho các phần tử cực đoan tôn giáo. Chính phủ Trung Quốc cũng áp đặt sự kiểm soát nghiêm ngặt đối với tôn giáo trên danh nghĩa chống chủ nghĩa cực đoan và duy trì ổn định. Tư tưởng cực đoan giờ đây đã xâm nhập vào các tỉnh bên trong Hoa Lục, ông Wang Zuoan, người đứng đầu Ban Tôn giáo Nhà nước được tờ China Daily ngày 28/11 dẫn lời cho biết. Tờ báo không nêu chi tiết rằng những tỉnh nào bị ảnh hưởng, nhưng trích phát biểu của ông Wang kêu gọi chức sắc Hồi giáo chính thống phải tiên phong trong nỗ lực bài trừ chủ nghĩa cực đoan và ‘cải huấn’ những người bị chi phối. “Chúng ta phải cho những người Hồi giáo hiểu rõ ranh giới giữa các hoạt động tôn giáo hợp pháp và bất hợp pháp, để họ tránh các hoạt động bất hợp pháp,” ông Wang nhấn mạnh. Trung Quốc có khoảng 21 triệu tín đồ Hồi giáo, một phần trong số này là người Uighur. Theo các nhóm hoạt động nhân quyền, bất ổn ở Tân Cương thường bắt nguồn từ các vụ việc ở địa phương được thổi bùng bởi căng thẳng sắc tộc và tình trạng đàn áp kinh tế-tôn giáo đối với cộng đồng người Uighur. Bắc Kinh lâu nay thường bác các tố cáo cho rằng có sự phân biệt đối xử về tôn giáo đối với các cộng đồng thiểu số. http://www.voatiengviet.com/a/gioi-chuc-chu-nghia-cuc-doan-ton-giao-tran-vao-hoa-luc/3614865.html

Pháp kêu gọi Hội đồng Bảo an họp khẩn về vấn đề Aleppo

Pháp kêu gọi một phiên họp khẩn của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc về vấn đề Aleppo. Trong một thông báo, Ngoại trưởng Pháp Jean-Marc Ayrault nói “hơn bao giờ hết, có nhu cầu khẩn phải ngưng các hành động thù nghịch đang cản trở các hoạt động hỗ trợ nhân đạo” để giúp đỡ các cư dân của thành phố Aleppo bị vây hãm. Liên Hiệp Quốc nói có tới 16.000 thường dân đã chạy thoát khỏi khu vực đông Aleppo trong mấy ngày gần đây, sau đà tiến của các lực lượng chính phủ Syria. Đài Quan sát Nhân quyền Syria có trụ sở ở Anh hôm thứ Ba nói rằng có ít nhất 10 thường dân bị giết chết trong một vụ không kích ở Bab al-Nairab, một trong những quận miền đông đang nằm trong tay của các lực lượng nổi dậy. Giới hoạt động và truyền thông nhà nước Syria hôm thứ Hai nói rằng các lực lượng chính phủ đã giành được nhiều thắng lợi quân sự chống các chiến binh của phe nổi dậy tại khu vực miền đông của Aleppo, dường như trong một chiến thuật của chính phủ Syria nhằm chia cắt làm hai khu vực do phe nổi dậy kiểm soát trong thành phố. Aleppo là trọng tâm của các nỗ lực quân sự của chính quyền Syria, vốn được yểm trợ bởi các cuộc không kích của Nga. Tình hình tại thành phố này đã làm cộng đồng quốc tế quan tâm, giữa lúc có khoảng 250.000 thường dân đang bị kẹt lại trong cuộc phong toả của chính quyền Syria, đang cần lương thực và chăm sóc y tế. Tại Washington, Bộ Ngoại giao bày tỏ “phẫn nộ” về vụ đánh bom mới nhất vào Aleppo, và quy lỗi cho Moscow. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby nói: “Chúng tôi tiếp tục khẳng định rằng Nga phải chịu trách nhiệm cuối cùng tại đây về những gì mà chế độ Syria đang thực hiện, và cho phép thực hiện, gây thương vong cho thường dân và phá hoại cấu trúc hạ tầng kể cả các bệnh viện ở trong và xung quanh Aleppo.” Ông Kirby nói một nỗ lực ngoại giao đa phương đang được đẩy mạnh tại Geneva để thảo luận về những cách nhằm đạt được một khung sườn để ngưng các hành động thù nghịch. Hãng tin SANA của nhà nước Syria dẫn một nguồn tin quân sự nói rằng quân đội Syria đã tái chiếm quận Sakhour và phá các mìn bẫy do “những kẻ khủng bố” cài đặt ở đó, chính quyền Syria vẫn gọi bất cứ ai chống đối Tổng thống Syria Bashar al-Assad là khủng bố. Đài Quan sát Nhân quyền Syria cũng tường thuật rằng quân đội Syria đang nắm kiểm soát hoàn toàn quận al-Sakhour và nhiều khu vực khác. Giám đốc Đài Quan sát Nhân quyền Syria Rami Abdulrahman miêu tả đây là thất bại lớn nhất của phe nổi dậy từ khi họ chiếm lại phân nửa thành phố Aleppo vào năm 2012. Ông nói giờ đây các nhóm nổi dậy đã đánh mất 1/3 lãnh thổ mà họ từng nắm giữ. Các lực lượng bộ binh Syria được các đồng minh Nga yểm trợ, đã bắt đầu tiến quân vào đông Aleppo hồi đầu tháng nay, sau nhiều ngày bị chiến đấu cơ Nga và Syria không kích dữ dội. Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Samantha Power nói rằng các cuộc không kích đó là bằng chứng rằng chế độ cầm quyền tại Syria và Nga đang tiếp tục chiến thuật của họ ở đông Aleppo là “bỏ đói, đánh bom để buộc lực lượng nổi dậy đầu hàng”. Phát biểu của bà Power trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc là thêm một tiếng nói mạnh mẽ đả kích các hành động của Nga và Syria ở Đông Aleppo, nơi mà các chiến đấu cơ Nga cùng tham gia chiến dịch không kích. Moscow và Damascus thường xuyên mô tả cuộc chiến chống thành phần nổi đậy ở đông Aleppo là một cuộc chiến chống các phần tử khủng bố, bất chấp đa số người sinh sống trong khu vực này là thường dân. Cả chính quyền Nga và Syria đều dùng từ “khủng bố” để biện minh cho các vụ đánh bom bừa bãi và gây nhiều tử vong của họ tại khu vực này của thành phố Aleppo. http://www.voatiengviet.com/a/phap-keu-goi-hoi-dong-bao-an-hop-khan-ve-van-de-aleppo/3615829.html

Rớt máy bay chở cầu thủ đội Brazil, 76 người chết

Cảnh sát Colombia xác nhận chỉ có 5 người sống sót trong tổng cộng 81 hành khách khi một máy bay chở các cầu thủ của đội bóng Brazil lâm nạn, rơi ở Columbia trên đường tới sân bay quốc tế Medellin. Trên đường tới hiện trường ở vùng núi non bên ngoài thành phố Medellin, thị trưởng Federico Gutierrez Gutierrez nói với đài phát thanh Blu rằng đây là một thảm họa với nhiều mất mát lớn. Cơ quan quản trị hàng không cho biết máy bay lâm nạn là máy bay Aerospace 146 do công ty Anh Quốc sản xuất, và do hãng hàng không LAMIA của Bolivia điều hành, máy bay phát tín hiệu khẩn cấp vào lúc 10 giờ tối hôm thứ Ba (tức 3 giờ sáng GMT) vì lý do hỏng hệ thống điện. Nhà chức trách và các đội cứu hộ lập tức được khởi động. Trước đó, máy bay dừng lại ở Santa Cruz, Bolivia, trên máy bay có nhóm cầu thủ của đội bóng Chapecoense ở miền nam Brazil. Theo dự trù các cầu thủ của đội Chapecoense đang trên đường tới Colombia để tranh tài với đội Atletico Nacional. Trong cả đội bóng chỉ có 3 cầu thủ sống sót. Liên đoàn bóng đá Nam Mỹ đã phải hủy các hoạt động thi đấu. Cơ quan quản lý hàng không ra thông báo cho biết trên máy bay có 72 hành khách và 9 nhân viên phi hành. Đài phát thanh địa phương cho biết đây cũng là chiếc máy bay đã chở đội bóng Argentina đến thi đấu ở Brazil hồi đầu tháng này. http://www.voatiengviet.com/a/rot-may-bay-cho-cau-thu-doi-brazil-76-nguoi-chet/3615790.html

Đức Giáo hoàng hối thúc

thi hành thỏa thuận biến đổi khí hậu

Đức Giáo hoàng Phanxicô hôm thứ Hai đã hối thúc những nhà lãnh đạo quốc gia gấp rút thi hành những thỏa thuận toàn cầu về môi trường, một thông điệp có vẻ như nhắm trực diện vào Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump. Phát biểu trước một nhóm những nhà khoa học bao gồm nhà vật lý lý thuyết Stephen Hawking, Đức Giáo hoàng có bài diễn văn mạnh mẽ nhất của ông về vấn đề môi trường kể từ khi ông Trump đắc cử. Ông Trump từng dọa sẽ rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu. “Sự ‘phân tâm’ hoặc sự chậm trễ trong việc thi hành những thỏa thuận toàn cầu về môi trường cho thấy chính trị đã trở thành thứ phục tùng công nghệ và kinh tế vốn đặt lợi nhuận lên hết thảy,” ông nói. Đức Giáo hoàng Phanxicô, năm ngoái đã viết một thông điệp về môi trường, phê phán những người phủ nhận biến đổi khí hậu là do hoạt động của con người gây ra, chỉ trích họ “phớt lờ một cách dễ dãi quan điểm khoa học có cơ sở vững chắc về tình trạng của hành tinh chúng ta.” Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump đã gọi biến đổi khí hậu là một trò bịp. Tuần trước, ông dường như làm dịu lập trường của mình về vấn đề này. Ông nói với báo The New York Timesrằng ông “sẵn lòng lắng nghe” và rằng có thể có “một số liên hệ” giữa hoạt động của con người và sự tăng nhiệt toàn cầu. Nhưng ngày hôm sau, Reince Priebus, người sắp trở thành Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc của ông Trump nói với đài Fox News rằng Tổng thống đắc cử vẫn tin rằng biến đổi khí hậu đa phần là “chuyện vớ vẩn.” Trong bài diễn văn của mình, Đức Giáo hoàng nói rằng những nhà khoa học cần phải “làm việc không bị chi phối bởi lợi ích chính trị, kinh tế, ý thức hệ, để phát triển một mô hình văn hóa mà có thể đối mặt được với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu và những hậu quả xã hội của nó.” Trong thông điệp của mình vào năm ngoái gửi đến 1,2 tỉ người Công giáo La Mã khắp thế giới, Đức Giáo hoàng kêu gọi hành động nhanh chóng để cứu hành tinh khỏi sự hủy hoại về môi trường và hối thúc những nhà lãnh đạo thế giới lắng nghe “tiếng than khóc của trái đất và của người nghèo”. http://www.voatiengviet.com/a/duc-giao-hoang-hoi-thuc-thi-hanh-thoa-thuan-bien-doi-khi-hau/3615467.html

Phản ứng đa chiều từ chính sách di dân của Thủ tướng Đức

Thủ tướng Đức Angela Merkel ngày 28/11 nhận được 2 phản ứng trái ngược dành cho chính sách di dân của bà: một lời cảm tạ đầy xúc động của một cậu bé Afghanistan và một lời kêu gọi bà từ chức từ một thành viên trong đảng. Hơn 1 triệu di dân đã tới Đức từ đầu năm 2015 tới nay làm dấy lên những quan ngại về hội nhập và an ninh. Thủ tướng Merkel hôm 20/11 tuyên bố sẽ ra tranh cử lần thứ tư trong cuộc bầu cử năm sau. Tại hội nghị khu vực của đảng Liên minh Dân chủ Kito Giáo Đức (CDU) do bà Merkel dẫn đầu, đảng viên Ulrich Sauer đề nghị bà nên từ chức vì những ‘gánh nặng’ từ chính sách di dân của bà. Nhưng chỉ chốc lát sau, cũng tại hội trường hội nghị, một ủng hộ viên của đảng CDU giới thiệu một cậu bé Afghanistan tên là Edris. Cậu bé đã phát biểu bằng tiếng Đức rằng: ‘Con muốn cảm ơn bà Merkel thật nhiều. Con thật sự rất hạnh phúc.’ Khi cậu bé bày tỏ ước muốn được nắm tay Thủ tướng, bà Merkel đã tiến tới bên em và cậu bé đã đưa tay gạt nước mắt khi được bắt tay với nhà lãnh đạo Đức. http://www.voatiengviet.com/a/phan-ung-da-chieu-tu-chinh-sach-di-dan-cua-thu-tuong-duc/3615044.html

Phân nửa dân số Cộng hòa Trung Phi cần viện trợ

Gần nửa dân số ở nước Cộng hòa Trung Phi bị chiến tranh tàn phá, tức hơn 2 triệu người, đang cần tiếp tế nhân đạo cho dù có tiến bộ trong quá trình ổn định đất nước kể từ quốc gia này rơi vào tình trạng hỗn loạn vào năm 2013, một giới chức Liên Hiệp Quốc loan báo ngày 28/11. Xung đột bùng phát từ tháng 3 năm 2013 khi các phần tử nổi dậy Seleka chủ yếu là Hồi giáo thâu tóm quyền lực khiến các dân quân theo Cơ đốc giáo trả đũa. Bất chấp cuộc bầu cử hồi tháng 2 được xem là bước tiến tới hòa giải, giao tranh vẫn nổ ra. Kể từ tháng 9, bạo động chết người bùng phát khắp nơi trên đất nước, khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng và buộc hàng chục ngàn người phải bỏ nhà cửa chạy lánh nạn, theo Văn phòng Điều phối Nhân đạo Liên Hiệp Quốc. Văn phòng cho biết cần khoảng 400 triệu đôla để hỗ trợ cho kế hoạch đáp ứng nhân đạo 2017 của Cộng hòa Trung Phi và cung cấp viện trợ cho 1,6 triệu người trong năm tới. Các nhóm viện trợ tháng trước cho hay công tác cứu trợ nhân đạo bị cản trở bởi tình trạng bạo động, tấn công các cơ quan nhân đạo. Các nhà viện trợ quốc tế tuần trước cam kết 2,2 tỷ đôla viện trợ dài hạn, tìm cách đặt nền tảng cho sự phục hồi tại nước Cộng hòa Trung Phi. http://www.voatiengviet.com/a/phan-nua-dan-so-cong-hoa-trung-phi-can-vien-tro/3615011.html

Cuba: Nhiều lãnh đạo phương Tây

không dự tang lễ Fidel Castro

Anh Vũ Hôm nay 29/11/2016 tại La Habana diễn ra tang lễ chính thức của Fidel Castro. Hầu hết nguyên thủ các nước lớn đều vắng mặt, chỉ có khoảng hai chục lãnh đạo các nước bè bạn lâu năm tới dự tang lễ của lãnh tụ Cuba vừa qua đời hôm 25/11. Tang lễ chính thức diễn ra tối nay, lúc 19h00 giờ địa phương (00 giờ GMT) tại quảng trường Cách Mạng nổi tiếng giữa thủ đô La Habana. Lễ an táng ngày Chủ Nhật tới tại Santiago de Cuba, phía đông đất nước, sẽ diễn ra trong phạm vi hẹp hơn, khách mời chỉ là những người thân cận với chế độ Castro. Nhiều lãnh đạo phương Tây đã thông báo không tới Cuba dự tang lễ. Tổng thống Mỹ Barack Obama, người khởi xướng tiến trình bình thường hóa quan hệ với La Habana, thủ tướng Canada Justin Trudeau, tổng thống Pháp François Hollande, thủ tướng Anh, Đức, đều thông báo không tới dự tang lễ cố lãnh tụ Cuba. Tổng thống Nga Putin cũng đã sớm thông báo không tới dự tang lễ. Ngoài ra, lãnh đạo hai nước Trung Quốc và Iran, vẫn được coi là bạn bè với Cuba, sẽ chỉ cử cấp phó tới La Habana dự sự kiện. Việt Nam cử chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân sang dự tang lễ của Fidel Castro. Ở Mỹ Latinh, nguyên thủ các quốc gia bè bạn thân thiết của Cuba và những cựu lãnh đạo từng có quan hệ gắn bó với Fidel Castro là những khách mời có mặt hàng đầu. Đó là các ông Rafael Correa – tổng thống Ecuador, Evo Morales – tổng thống Boliva, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, hay tổng thống Nicaragua Daniel Ortega. Ngoài ra, còn có nguyên thủ của các nước như Colombia, Mêhicô, Hongduras, Panamas. Về phía châu Phi, lãnh đạo các nước Zimbabwe, Kenya, Guiné Xích Đạo, Nam Phi, Namibia, đã nhận lời sang La Habana dự tang lễ. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161129-hau-het-nguyen-thu-cac-nuoc-lon-khong-den-du-tang-le-fidel-castro-tai-la-habana

Bắc Kinh dùng biện pháp mạnh để chống tẩu tán tài sản

Tú Anh Trong bối cảnh doanh nghiệp Trung Quốc lên cơn sốt tranh nhau đem tiền tỷ đầu tư khắp thế giới, Bắc Kinh quyết định ngăn cấm đa số những dự án trên 10 tỷ đô la và kiểm sóat chặt chẽ những dự án trên 1 tỷ. Vì sao ? Theo bản tin của AFP từ Bắc Kinh ngày 29/11/2016 thì để đối phó với tình trạng xuất huyết tài chính và cũng để quản trị hợp lý hơn các dự án đang thực hiện, chính quyền Trung Quốc sẽ giới hạn triệt để mọi kế hoạch của doanh nghiệp Trung Quốc đi mua các công ty ở nước ngoài. Từ hai năm nay, Trung Quốc đã trở thành nhà xuất khẩu vốn hàng đầu thế giới. Không kể lĩnh vực tài chính, chỉ riêng chuyện mua lại các công ty quốc tế không thôi, số tiền đầu tư đã lên đến 146 tỷ đô la trong 10 tháng đầu năm 2016. Doanh nhân Trung Quốc không bỏ quên một lãnh vực nào : câu lạc bộ bóng đá, đồn điền trồng nho làm rượu, công ty điện ảnh, xí nghiệp công nghệ cao cấp, du lịch với những món tiền khổng lồ đánh bại hầu hết các đối thủ cạnh tranh. Đầu năm nay 2016, tập đoàn hóa chất quốc doanh ChemChina bỏ ra 46 tỷ đô la để mua lại công ty nông phẩm Syngenta,Thụy Sĩ. Một công ty sản xuất dây cáp bằng đồng, tuy lỗ lã, vẫn đầu tư hàng tỷ đôla vào Hollywood. Nhưng chính quyền Tập Cận Bình giờ đây muốn dập tắt cơn sốt này. Chiều thứ Hai 28/11, cơ quan phụ trách kế hoạch hóa kinh tế Nhà nước đưa ra thông báo ngắn gọn : « Chính phủ xem xét và kiểm soát các dự án đầu tư ở nước ngoài theo luật pháp và quy định ».Trong khi đó, tờ South China Morning Post của Hồng Kông dựa trên một bản báo cáo của Ngân hàng Trung ương PBOC và hãng tin Bloomberg của Mỹ dựa theo các nguồn tin riêng cho biết, Bắc Kinh sẽ cấm hầu hết những kế hoạch đầu tư trên 10 tỷ đô la. Chính phủ cũng « chống lại » những dự án trên 1 tỷ không đúng theo chuyên môn của doanh nghiệp xin đầu tư. Các biện pháp mới sẽ có hiệu lực cho đến hết năm 2017, trừ những « dự án chiến lược ». Chưa hết, ngay những luồng vốn trên 5 triệu đô la, tiền yuan hay ngoại tệ, đều phải qua kiểm soát. Các biện pháp được xem là triệt để, sắp được công bố trong nay mai, có vẻ đi ngược lại chính sách của Bắc Kinh vẫn thúc giục doanh nghiệp phát triển hoạt động ở nước ngoài để mở rộng thị phần cho Trung Quốc. Vì sao có sự thay đổi này ? Theo AFP, mối lo âu của chính quyền Trung Quốc là làm sao ngăn chận tình trạng xuất huyết tài chính. Làn sóng vốn chạy ra nước ngoài tạo sức ép khủng khiếp lên trị giá đồng tiền nội địa, chỉ trong vòng 10 tháng, sụt 6% so với đô la Mỹ. Một dấu hiệu cho thấy quy mô nghiêm trọng của tình trạng đáng lo này là chỉ trong tháng 10, trữ lượng ngoại tệ của Trung Quốc giảm 46 tỷ đô la và không có dấu hiệu dừng lại. Bắc Kinh phải huy động trữ lượng ngoại tệ để hỗ trợ cho đồng yuan. Giới chuyên gia hối đoái cho biết là trong hai ngày liên tiếp, thứ Hai và thứ Ba, các ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán đô la ra thị trường nội địa. Bài trừ chuyển ngân bất hợp pháp Bài xã luận của Nhân dân Nhật báo, thứ Ba 30/11/2016, cho biết mục đích của các biện pháp hạn chế chuyển vốn ra nước ngoài là nhằm chống lại tệ nạn « tẩu tán tiền bạc ngụy trang dưới dạng đầu tư ». Một mối lo khác cho Bắc Kinh là những đợt mua lại các doanh nghiệp quốc tế được thực hiện bằng tiền vay từ sự dễ dãi của các ngân hàng Nhà nước lồng trong mối lo thứ tư là nợ của Trung Quốc đã lên đến 250% tổng sản phẩm quốc nội. Tờ báo của đảng Cộng Sản Trung Quốc cảnh báo các công ty Trung Quốc chạy đua đem tiền ra khỏi nước vào lúc tình hình kinh tế, chính trị thế giới đầy bất trắc là không thực tế, sẽ tác hại đến sự tồn vong của xí nghiệp. Tai hại hơn nữa, theo một tuyên bố phê phán hồi tháng 9 của phát ngôn viên bộ Ngoại Thương thì nhiều dự án đầu tư của Trung Quốc xuất phát từ tâm lý « bon chen, bắt chước và chơi trội ». Hệ quả là một số doanh nghiệp Trung Quốc đổ tiền một cách « mù quáng và vô tổ chức » vào các thương vụ phiêu lưu. http://vi.rfi.fr/chau-a/20161129-bac-kinh-dung-bien-phap-manh-de-chong-tau-tan-tai-san

Trung Quốc giới hạn đầu tư tiền tỷ ra nước ngoài

Tú Anh Bắc Kinh đã bắt đầu kiểm soát chặt chẽ hơn các nguồn tiền được chuyển ra khỏi Trung Quốc. Lý do được nêu ra là để cứu trị giá đồng nhân dân tệ bị rơi xuống mức thấp nhất từ 8 năm nay, giảm 6% so với đôla Mỹ trong 10 tháng đầu năm 2016. Cho đến nay, tại Trung Quốc, chỉ có các nguồn vốn trên 50 triệu đôla mới phải báo cáo cho cơ quan thẩm quyền. Thế nhưng, theo Reuters, từ nay, mọi giao dịch chuyển ngân từ 5 triệu đôla trở lên đều bị cơ quan hối đoái Nhà nước SAFE kiểm soát gắt gao. Những giao dịch đã được giấy phép cũng bị xem xét lại. Các ngân hàng Trung Quốc nhận được chỉ thị mới từ thứ Hai đầu tuần cho dù về mặt chính thức, chính phủ Trung Quốc vẫn khuyến khích doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài. Giới môi giới chứng khoán xác nhận từ hai hôm nay, các ngân hàng công của Trung Quốc bán đô la ra thị trường nội địa có lẽ để hỗ trợ đồng yuan. Các biện pháp ngăn cấm đầu tư từ một tỷ đô la trở lên sắp được chính thức loan báo, nhưng theo bình luận của tờ báo đảng Nhân dân Nhật báo thì các biện pháp kiểm soát này là nhằm ngăn chận tệ nạn « tẩu tán tiền bạc được ngụy trang dưới hình thức đầu tư ra nước ngoài ». http://vi.rfi.fr/chau-a/20161129-trung-quoc-gioi-han-dau-tu-tien-ty-ra-nuoc-ngoai

Ukraina khánh thành

vòm bảo vệ nhà máy hạt nhân Chernobyl

Thu Hằng Ngày 29/11/2016, sau bốn năm xây dựng, Ukraina khánh thành mái vòm phủ toàn bộ lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Chernobyl. Kế hoạch ngoài sức tưởng tượng này tiêu tốn khoảng 2 tỉ euro của cộng đồng quốc tế và sẽ đảm bảo an toàn cho khu vực này trong vòng 100 năm. Theo thông cáo của tập đoàn Novarka (gồm hai nhà xây dựng Bouygues và Vinci), được AFP trích dẫn, bộ khung bằng thép có hình mái vòm giống như một chiếc chuông, nặng 25.000 tấn, cao 108 mét và dài 162 mét, có thể bao phủ được hết sân vận động quốc gia Pháp Stade de France hay tượng Nữ Thần Tự Do. Tuy nhiên, mái vòm này chỉ bắt đầu hoạt động từ cuối năm 2017, do các nhà xây dựng cần thời gian lắp đặt trang thiết bị. Với tuổi thọ 100 năm, công trình này sẽ cô lập các chất phóng xạ, bảo vệ người lao động và bảo vệ « giàn giáo », được dựng ngay sau sự cố, khỏi những tác động thời tiết. Bộ khung cũ, nặng 7.300 tấn, cấu tạo từ 400.000 m3 bê tông, được 90.000 người dựng trong vòng 206 ngày, trong điều kiện vô cùng khó khăn để cách ly lò phản ứng gặp tai nạn. Tuổi thọ của công trình được dự kiến kéo dài khoảng 20 đến 30 năm, song đã bị xuống cấp nghiêm trọng, đe dọa môi trường và người dân địa phương. Phát biểu với AFP, ông Sergui Paskevitch, thuộc Viện các vấn đề an ninh nhà máy hạt nhân của Viện Hàn Lâm Khoa Học Ukraina, cho biết chỉ một trận động đất cũng có thể khiến giàn giáo cũ này đổ sập. Ngày 26/04/1986, vào lúc 1h30, lò phản ứng số 4 đã phát nổ trong khi đang được thử nghiệm an toàn. Trong vòng 10 ngày, thanh nhiên liệu nguyên tử đã bị đốt cháy và phát thải các chất phóng xạ vào không khí, khiến khoảng 3/4 châu Âu bị nhiễm xạ. Các nước bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là Nga, Ukraina, Belarus, lúc đó vẫn nằm trong khối Xô Viết. Suốt 4 năm sau đó, khoảng 600.000 người Liên Xô đã được khẩn trương điều đến khu vực Chernobyl để giải quyết hậu quả vụ nổ. http://vi.rfi.fr/quoc-te/20161129-ukraina-khanh-thanh-vom-bao-ve-nha-may-hat-nhan-chernobyl

Miến Điện bị áp lực lớn trong khu vực

vì khủng hoảng người Rohingya

Anh Vũ Các nước Đông Nam Á gia tăng áp lực đối với chính quyền MIến Điện trong khủng hoảng người Hồi giáo Rohingya. Hôm qua, 28/11/2016, ngoại trưởng Aung San Suu Kyi phải hủy chuyến công du Indonesia, trong khi đó Malaysia chuẩn bị cuộc tuần hành lớn dự kiến với sự tham gia của thủ tướng để phản đối các các vụ đàn áp người Hồi giáo Rohingya tại Miến Điện. Bà Aung San Suu Kyi dự kiến từ ngày mai bắt đầu chuyến công du Singapore và Indonesia. Nhưng hôm qua, một thứ trưởng ngoại giao Miến Điến đã thông báo hoãn chuyến thăm Indonesia vì lý do lịch trình bị đảo lộn vị các vấn đề liên quan đến xung đột tại các bang Rakhine và Shan ở miền bắc. Tuy nhiên, giới báo chí cho rằng lý do chính là vì lý do an ninh. Tuần trước, cảnh sát Indonesia thống báo bắt giữ ba nghi can liên quan đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo đang lên kế hoạch tấn công đại sứ quán Miến Điện tại Jakarta. Gần đây, những người Rohingya vượt biên giới sang lánh nạn tại Bangladesh đã tố cáo quân đội Miến Điện có hành động man rợ như hãm hiếp tập thể, sát hại sắc dân theo Hồi giáo này. Những tố cáo như vậy đã làm dấy lên làn sóng phẫn nộ tại Indonesia và nhiều nước theo Hồi giáo khác. Cuối tuần qua đã có nhiều cuộc biểu tình ở các nước châu Á đòi chính quyền Miến Điện chấm dứt các hành động tội ác đối với người Hồi giáo Rohingya. Tại Indonesia, đất nước đông dân Hồi giáo nhất thế giới, người biểu tình còn đòi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Miến Điện. Trong khi đó, hôm nay, văn phòng thủ tướng Malaysia thông báo, thủ tướng Najib Razak sẽ tham gia cuộc tuần hành phản đối đàn áp người Hồi giáo Rohingya ở Miến Điện, dự định tổ chức vào Chủ nhật tới. Trước đó Malaysia cũng đã có nhiều phản ứng ngoại giao đối với chính quyền Miến Điện, như triệu đại sứ Miến Điện tại Kuala Lumpur lên phản đối. Hội đồng bộ trưởng Malaysia cũng đã ra tuyên bố lên án các vụ bạo lực nhằm vào người Rohingya. http://vi.rfi.fr/chau-a/20161129-mien-dien-bi-ap-luc-lon-trong-khu-vuc-vi-khung-hoang-nguoi-rohingya

Tổng thống Hàn Quốc sẵn sàng từ chức

theo quyết định của Quốc Hội

Anh Vũ Trước sức ép ngày càng lớn của dân chúng cũng như của đối lập đòi tổng thống Hàn Quốc phải từ chức vì vụ bê bối để bạn thân lạm dụng ảnh hưởng, hôm nay 29/11/2016, bà Park Geun Hye tuyên bố sẵn sàng rời khỏi quyền lực trước nhiệm kỳ theo phán quyết của Quốc Hội. Trong một bài diễn văn ngắn gọn trên truyền hình, tổng thống Park Guen-Hye tuyên bố : « Tôi để Quốc Hội quyết định về sự ra đi của tôi, về việc rút ngắn nhiệm kỳ ». Bà Park nói thêm : « Khi các nghị sĩ ấn định các điều kiện chuyển giao (quyền lực) nhằm hạn chế tối đa thời gian không có người cầm quyền dẫn đến những hỗn loạn có thể xảy ra, tôi sẽ ra đi ». Tuyên bố bất ngờ của bà Park Geun Hye có thể được hiểu là bà Park đã trao quyền giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị cho Quốc Hội để bà có thể rời khỏi chức vụ tổng thống mà không bị mất mặt như trong trường hợp bị phế truất, đồng thời cũng để tránh không bị truy tố sau này. Hãng tin Yonhap dẫn phát biểu của phát ngôn viên đảng Dân Chủ, lực lượng đối lập chính tại Hàn Quốc đánh giá tuyên bố của bà tổng thống trên truyền hình là một mưu mẹo để né tránh thủ tục phế truất. Đảng này cho biết vẫn tiếp tục nỗ lực để phế truất tổng thống Park Geun–Hye. Từ những phát giác là tổng thống để bà bạn thân Choi Soon-Sil lợi dụng quan hệ làm nhiều việc bất chính, các điều tra tư pháp đã phát hiện thêm nhiều vụ việc khác có liên quan, khiến tổng thống ngày càng lún sâu vào cuộc khủng hoảng chính trị. Liên tục trong các ngày cuối tuần, hàng trăm nghìn người dân Hàn Quốc đã xuống đường đòi tổng thống phải từ chức ngay. Trước sự phẫn nộ của dân chúng, bà Park đã nhiều lần xin lỗi về mối quan hệ bất cẩn với bạn thân, nhưng chưa hề ngỏ ý định rời bỏ quyền lực. Trước tuyên bố trên của bà Park một ngày, nhiều nghị sĩ đã cho biết họ hy vọng thứ Sáu tới (03/12) Quốc Hội sẽ tổ chức bỏ phiếu về thủ tục phế truất tổng thống. Trong trường hợp các có đủ 2/3 số nghị sĩ bỏ phiếu đòi phế truất tổng thống thì quyết định cuối cùng còn phải được Tòa Bảo Hiến thông qua. Theo pháp luật Hàn Quốc, tổng thống đương chức được quyền miễn trừ tư pháp, chỉ trừ các tội phản bội tổ quốc. Trong trường hợp bà Park bị phế truất hay từ chức, một cuộc bầu cử trước thời hạn sẽ được tổ chức trong vòng 60 ngày sau để bầu tổng thống mới. http://vi.rfi.fr/chau-a/20161129-tong-thong-han-quoc-tuyen-bo-san-sang-tu-chuc-theo-quyet-dinh-cua-quoc-hoi

Trump đưa người chống Obamacare vào ghế bộ trưởng y tế

Tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ, Donald Trump, chọn Tom Price, một gương mặt vốn chỉ trích mạnh mẽ chương trình cải cách y tế của Tổng thống Obama, vào vị trí bộ trưởng y tế trong chính quyền mới. Vị dân biểu Georgia và là bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình 62 tuổi, hiện là Chủ tịch Ủy ban Ngân sách của Hạ viện. Ông sẽ đóng vai trò then chốt trong các kế hoạch của Đảng Cộng hòa trong việc thay thế chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare. Trong chiến dịch vận động tranh cử của mình, ông Trump nói ông sẽ quyết thay đổi Đạo luật Chăm sóc Sức khỏe Hợp túi tiền mà ông Obama đưa ra. Tuy nhiên, sau đó, ông nói ông muốn giữ lại một số điều khoản nhất định. Ông Trump nói ông Price là một “người không biết mệt mỏi trong việc giải quyết vấn đề” và là “chuyên gia trong lĩnh vực chính sách y tế”. Ông Price nói ông đang mong chờ cơ hội được phục vụ trong vị trí bộ trưởng y tế. Ông sẽ làm việc chặt chẽ với Seema Verma, người sẽ dẫn đầu Các Trung tâm Dịch vụ Chăm sóc và Hỗ trợ Y tế (Centres for Medicare and Medicaid Services), vốn theo dõi quản lý các chương trình y tế và tiêu chuẩn bảo hiểm. “Chủ tịch Price và Seema Verma tạo thành một nhóm hoàn hảo để cải tổ hệ thống y tế của chúng ta,” ông Trump nói. http://www.bbc.com/vietnamese/world-38148962

Mất Aleppo ‘không là kết thúc’ với phiến quân

Việc mất đông Aleppo do phiến quân nắm giữ không có nghĩa là cuộc chiến chống Tổng thống Bashar al-Assad kết thúc, nhà đàm phán cấp cao của phe đối lập Syria nói với BBC. George Sabra nói thêm, tuy nhiên việc này làm cho bất kỳ hy vọng về thỏa thuận hòa bình trở nên khó khăn hơn. Quân đội Syria được hậu thuẫn bởi các cuộc không kích chiếm hơn 1/3 lãnh thổ do phiến quân kiểm soát trong thành phố. Phe nổi dậy nói rằng họ đang tăng cường tuyến phòng thủ. Hàng ngàn dân thường bỏ chạy khỏi các quận ở đông Aleppo, nơi do phiến quân kiểm soát, sau một kỳ cuối tuần giao tranh ác liệt. Hàng trăm gia đình cũng phải rời bỏ nhà cửa trong khu vực bị vây hãm. Ông Sabra, quan chức Ủy ban Đàm phán cấp cao (HNC), nói với BBC rằng việc mất Aleppo sẽ “không là kết thúc của cuộc cách mạng”. “Aleppo là địa điểm quan trọng với cuộc cách mạng này nhưng không phải là nơi cuối cùng,” ông nói. “Ngay lúc này, vẫn có rất nhiều nơi mà Quân đội Syria Tự do đang kiểm soát.” Ông cảnh báo rằng chiến dịch quân sự mà chính phủ Syria và các đồng minh đang tiến hành “giết chết một phần của tiến trình chính trị”. “Không ai có thể nghĩ đến các giải pháp hòa bình trong tình thế này,” ông nói thêm. ‘Trở ngại’ Quân chính phủ giành được thế thắng sau hai tuần oanh tạc không ngừng và chiếm được các quận phía bắc do phiến quân nắm giữ ở đông Aleppo. Bộ Quốc phòng Nga cho biết, phe nổi dậy đã mất 12 quận, lên tới 40% lãnh thổ của họ. Các nhà phân tích nói rằng đây là trở ngại nghiêm trọng cho phiến quân, lực lượng chiếm giữ khu vực năm 2012. Chính phủ đã giành được lợi thế ở Aleppo từ khi Nga can thiệp để yểm trợ Tổng thống Assad tháng 9/2015. Ibrahim Abu Al-Leith, phát ngôn viên nhóm cứu hộ White Helmets (Mũ bảo hiểm trắng) ở đông Aleppo, cho biết: “Người dân phải qua đêm trên đường phố. Họ không có gì để ăn”. Liên Hiệp Quốc tuyên bố “quan ngại sâu sắc” và lặp lại kêu gọi cho phép các đội cứu trợ vào những khu vực bị ảnh hưởng. Tổ chức Quan sát Nhân quyền Syria cho biết khoảng 10.000 thường dân tháo chạy đến khu vực miền tây do chính phủ kiểm soát và một quận phía bắc của người Kurd. http://www.bbc.com/vietnamese/world-38115340

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?