Tin Biển Đông – 30/11/2016
Đài Loan muốn biến Ba Bình
thành « trung tâm cứu hộ nhân đạo »
Thanh PhươngVới cuộc thao dượt quân sự lớn nhất từ trước đến nay của lực lượng tuần duyên và hải quân Trung Quốc tại đảo Ba Bình, bắt đầu từ ngày 28/11/2016, Đài Loan củng cố thêm đòi hỏi chủ quyền của họ trên Biển Đông, đặc biệt với việc biến Ba Bình thành một « trung tâm cứu hộ nhân đạo » trong khu vực.
Cho tới nay, chính quyền Đài Bắc vẫn sử dụng các tài liệu lịch sử của Trung Quốc để tự tuyên bố chủ quyền của họ trên toàn bộ quần đảo Trường Sa ở Biển Đông và đặc biệt trên đảo Ba Bình mà họ đang chiếm giữ hoàn toàn.
Ba Bình, mà Đài Loan gọi là Thái Bình, là một đảo san hô thuộc cụm Nam Yết của quần đảo Trường Sa và là đảo có diện tích lớn nhất Trường Sa. Nằm cách đảo Đài Loan khoảng 1.600 km và có diện tích gần 0,5 km2, đây vẫn là đảo tranh chấp giữa Đài Loan với Trung Quốc, Việt Nam và Philippines.
Đảo Ba Bình cũng như các đảo khác của quần đảo Trường Sa đã được chính quyền thuộc địa Pháp sáp nhập vào địa phận tỉnh Bà Rịa từ đầu thập niên 1930. Nhưng trong thời gian Đệ nhị thế chiến, quân đội Nhật hoàng đã chiếm đảo này làm căn cứ tàu ngầm. Nhưng Nhật Bản sau đó đã ký Hiệp ước San Francisco chấp nhận từ bỏ mọi quyền đối với quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa) vào năm 1951.
Vào cuối năm 1946, sau Đệ nhị thế chiến, lợi dụng danh nghĩa giải giáp quân Nhật, Trung Hoa Dân Quốc đã cho tàu chiến Thái Bình đem quân đổ bộ lên đảo Ba Bình. Sau đó, do bị thua trong cuộc nội chiến nên Trung Hoa Dân Quốc phải tháo chạy ra đảo Đài Loan đồng thời rút quân khỏi đảo Ba Bình vào năm 1950. Quân đội Đài Loan thực sự tái chiếm đảo Ba Bình vào lúc nào thì vẫn chưa rõ ràng, bởi có rất nhiều thông tin khác nhau về thời điểm Đài Loan điều tàu đến đảo Ba Bình vào năm 1956 và có nguồn tài liệu cho rằng từ năm 1971 thì Đài Loan mới thực sự đồn trú lâu dài trên đảo. Ngày nay, trên đảo Ba Bình có nhiều công sự phòng thủ kiên cố và một đường băng cho phép máy bay vận tải C-130 Hercules lên xuống.
Đài Bắc đã đặc biệt đẩy mạnh các hoạt động xác quyết chủ quyền của họ kể từ sau phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường trực đưa ra vào tháng 7 trong vụ Philippines kiện Trung Quốc về Biển Đông. Phán quyết này cho rằng Ba Bình chỉ là một đá, chứ không được xem là một đảo, tức là không thể có vùng đặc quyền kinh tế bao quanh.
Cuộc diễn tập của Đài Loan lần này mang tên « Nam Viện số 1 » huy động đến 8 chiến hạm và 3 phi cơ, không chỉ lớn nhất về quy mô mà còn có tính chất đặc biệt ở chổ nó nhằm nhấn mạnh rằng nhiệm vụ chính của tuần duyên Đài Loan đó là tìm kiếm cứu hộ trên biển.
Trong cuộc họp báo hôm nay, 30/11/2016, lãnh đạo lực lượng tuần duyên Đài Loan Lý Trung Uy khẳng định rằng cuộc thao diễn đã chứng tỏ khả năng của các cơ quan phối hợp một cách hiệu quả khi đối phó với những tình huống khẩn cấp. Ngoài tuần duyên và hải quân, cuộc diễn tập « Nam Viện số 1 » còn quy tụ cả bộ Ngoại giao, Quốc phòng, Y tế, Giao thông và Trung tâm chỉ huy cứu hộ quốc gia. Chính quyền Đài Bắc cũng đã mời một đoàn phóng viên Đài Loan và ngoại quốc đến quan sát cuộc thao dượt. Ông Lý Trung Uy cho biết thêm là tuần duyên Đài Loan sẽ tiếp tục tổ chức các cuộc diễn tập tương tự trong khu vực.
Như lời phát ngôn viên ở Đài Bắc hôm qua, tổng thống Thái Anh Văn tháng 7 đã thông báo kế hoạch phát triển Ba Bình thành một « trung tâm cứu hộ nhân đạo » trong khu vực. Hiện giờ trên đảo Ba Bình hiện có một bệnh viện nhỏ và nơi trú ẩn cho các thủy thủ, ngư dân từ bất cứ quốc gia nào đến lánh nạn, chẳng hạn như khi gặp bão trên biển.
Đài Bắc muốn nhắc nhở những nước tranh chấp khác rằng họ có chủ quyền trên đảo Ba Bình, nhưng cũng muốn chứng tỏ rằng là họ chủ trương giải quyết tranh chấp qua hợp tác hòa bình hơn là dùng phương tiện quân sự. Chủ trương này đối lại với những hành động của Trung Quốc bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp nhằm áp đặt chủ quyền của họ trên Biển Đông, gây căng thẳng không chỉ với các nước trong khu vực mà cả với Hoa Kỳ.
Cựu tổng thống Mã Anh Cửu vào năm 2015 đã từng đề ra « sáng kiến hòa bình » Biển Đông, đề nghị là toàn bộ các bên nên tạm gác tranh chấp để cùng phát triển các nguồn lợi của vùng biển này.
Khác với Trung Quốc, Đài Loan không có quan hệ ngoại giao chính thức nào với các nước tranh chấp khác ở Biển Đông như Việt Nam, Philippines….. Tuy nhiên, những hoạt động của Đài Bắc ở Ba Bình vẫn bị các nước kia phản đối, nhất là Việt Nam. Hôm qua, qua lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Hải Bình, Hà Nội đã phản đối cuộc diễn tập « trái phép » ở Ba Bình.
Thế nhưng, ngoài Việt Nam, buộc phải phản đối và nhấn mạnh tính chất « trái phép » của cuộc diễn tập tại một đảo mà Hà Nội vẫn khẳng định chủ quyền, các nước khác không phản ứng mạnh. Trung Quốc cho tới nay vẫn chưa lên tiếng phản đối, có lẻ vì Bắc Kinh vẫn chủ trương rằng Đài Loan trước sau gì cũng sẽ thống nhất với Trung Hoa lục địa, hiện giờ thì cứ để họ quản lý dùm đảo Ba Bình. Hoa Kỳ, đồng minh « không chính thức » của Đài Loan cũng ngầm đồng tình với cuộc thao dượt ở Ba Bình.
Theo chính quyền Đài Bắc, ngoài cuộc diễn tập của tuần dương và hải quân, tổng thống Thái Anh Văn còn đã đề ra bốn hành động khác để củng cố đòi hỏi chủ quyền của Đài Loan trên đảo Ba Bình : gia tăng tuần tra để bảo vệ quyền và bảo đảm an toàn cho ngư dân Đài Loan đánh bắt cá trong khu vực, đối thoại đa phương với các bên có liên quan, mời các học giả quốc tế đến nghiên cứu khoa học trên
đảo Ba Bình, khuyến khích thêm các tài năng trong nước học hỏi về luật biển để nâng cao khả năng của Đài Loan đáp ứng những vấn đề pháp lý quốc tế liên quan để chủ quyền Biển Đông.
Tóm lại, vì là bên tranh chấp yếu thế nhất, Đài Loan dùng một kiểu « quyền lực mềm » để củng cố đòi hỏi chủ quyền, nhưng lại cố tránh gây thêm căng thẳng, hiềm khích với các bên tranh chấp khác.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161130-bien-dong-dai-loan-muon-bien-ba-binh-thanh-%C2%AB-trung-tam-cuu-ho-nhan-dao-%C2%BB
Đài Loan diễn tập ở Trường Sa : Vì sao Bắc Kinh làm ngơ ?
Trọng NghĩaCách nay hai hôm, ngày 28/11/2016 vừa qua, chính quyền Đài Loan đã tổ chức một cuộc diễn tập cứu hộ trên biển rầm rộ ở khu vực gần đảo Ba Bình mà họ kiểm soát tại Trường Sa (Biển Đông). Trung Quốc, vốn rất nhanh nhạy trong việc phản đối hành động nhằm xác định chủ quyền của các bên tranh chấp Biển Đông với Bắc Kinh, lần này lại có phản ứng hòa hoãn khác thường. Theo các nhà quan sát đó là vì hành động của Đài Bắc lần này lại phục vụ cho lợi ích về lâu về dài của Bắc Kinh.
Phải chờ đến hai hôm sau khi vụ việc xẩy ra thì Trung Quốc mới lên tiếng về hành động diễn tập của Đài Loan, và với ngôn từ hoà nhã khác thường, trái hẳn với các lời lẽ dao to búa lớn trước đây.
Khi được hỏi về các cuộc tập trận trên đảo Ba Bình do Đài Loan tiến hành, và liệu Đài Loan có nghĩa vụ phải tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc ở đấy hay không, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã không hề phản đối hành động của Đài Bắc, thậm chí còn nhấn mạnh mong muốn của Bắc Kinh cả hai bên cùng hợp tác để có một cách tiếp cận thống nhất.
Theo hãng tin Anh Reuters, sau khi tái khẳng định chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông, phát ngôn viên Trung Quốc cho rằng : « Người Trung Quốc ở hai bên eo biển Đài Loan có nghĩa vụ là phải cùng nhau bảo vệ tài sản đó – tức là Biển Đông – của tổ tiên mình »
Vụ đặc trách vấn đề Đài Loan của bộ Ngoại Giao Trung Quốc còn nói thêm rằng họ sẽ « theo dõi chặt chẽ » các hành động của Đài Loan liên quan đến Ba Bình, nhưng không cho biết cụ thể.
Phản ứng quá nhẹ nhàng trên đây của Trung Quốc đối với Đài Loan không phải chỉ có mới đây, mà còn được thể hiện trong thời gian gần đây trên hiện trường, với việc tàu Hải Cảnh và Hải Quân Trung Quốc không hề cản trở các hoạt động của tàu thuyên Đài Loan đi ra đảo Ba Bình, trái ngược hẳn với những vụ sách nhiễu, dọa nạt, thâm chí va đâm đối với tàu thuyền của các nước khác như Việt Nam, Philippines, Malaysia…
Giải thích về cách xử sự nhẹ nhàng của Bắc Kinh đối với Đài Bắc, giới chuyên gia cho rằng đó là vì Trung Quốc cho rằng về lâu về dài, Đài Loan cũng sẽ trở thành lãnh thổ của Trung Quốc, và như vậy, những vùng ở Biển Đông nằm trong tay Đài Loan rốt cuộc cũng sẽ thuộc về Trung Quốc, cho nên không cần phải gây nên căng thẳng.
Mặt khác, mới đây, cả Bắc Kinh lẫn Đài Bắc đều là phía bị thua thiệt trong vụ Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye bác bỏ yêu sách chủ quyền lịch sử quá đáng của Trung Quốc ở Biển Đông thể hiện trong tấm bản đồ đường lưỡi bò. Đài Loan và Trung Quốc có chúng yêu sách đường lưỡi bò đó.
Ngoài ra, Tòa Trọng Tài còn phán rằng Itu Aba – tức là Ba Bình – chỉ là đá chứ không phải là đảo, do đó không thể sản sinh ra một vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý chung quanh. Đài Loan đã bác bỏ phán quyết này, và nhất quyết bảo vệ quy chế hải đảo cho Itu Aba. Trong tình hình đó, Bắc Kinh cứ để yên cho Đài Bắc hành động mà không gây trở ngại.
Câu hỏi mà giới quan sát đặt ra là với ê kíp đòi độc lập đang lãnh đạo tại Đài Bắc, quan hệ Trung Quốc Đài Loan không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Vì vậy, thái độ hòa dịu hiện nay của Trung Quốc đối với Đài Loan trên vấn đề Biển Đông hoàn toàn có thể thay đổi nếu phía Bắc Kinh thấy là cần phải tăng sức ép.
http://vi.rfi.fr/chau-a/20161130-dai-loan-dien-tap-cuu-ho-o-truong-sa-vi-sao-bac-kinh-lam-ngo
Trường Sa : Việt Nam
phản đối Đài Loan diễn tập gần Ba Bình
Trọng NghĩaĐúng một hôm sau khi Đài Loan tổ chức cuộc diễn tập cứu hộ tại khu vực đảo Itu Aba (Ba Bình theo tên gọi Việt Nam, Thái Bình theo cách gọi Đài Loan), thực thể do Đài Loan chiếm đóng tại vùng quần đảo Trường Sa, vào hôm qua, 29/11/2016, Việt Nam đã lên tiếng phản đối, xác định trở lại chủ quyền của Việt Nam trên thực thể này.
Trả lời báo chí liên quan đến cuộc diễn tập cứu hộ trên biển, mang tên gọi là Nam Viện 1 mà chính quyền Đài Loan tiến hành tại khu vực Ba Bình, vùng Trường Sa, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng « kiên quyết phản đối », cho rằng hành động của Đài Loan đã : « xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam, đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải, gây căng thẳng và làm phức tạp tình hình ở Biển Đông ».
Như thông lệ, ông Lê Hải Bình nhắc lại quan điểm của Hà Nội theo đó , « Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và căn cứ pháp lý để khẳng định chủ quyền » trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, và yêu cầu Đài Bắc « không để tái diễn các hành động tương tự. »
Theo giới quan sát, trong lúc Việt Nam đã có phản ứng nhanh chóng và cứng rắn trước động thái của Đài Loan, Trung Quốc ngược lại hầu như không phản đối, mà chỉ nhắc lại rằng vùng Trường Sa mà Bắc Kinh gọi là Nam Sa, là « lãnh thổ không thể tách rời khỏi Trung Quốc ».
Điểm cần ghi nhận là cuộc diễn tập ở khu vực đảo Ba Bình có nội dung hoàn toàn nhân đạo, nhưng huy động một lực lượng hùng hậu gồm 3 máy bay không quân và 8 tầu hải quân và tuần duyên, đặc biệt là chiếc Cao Hùng (Kaohsiung) của Cảnh Sát Biển, trọng tải 3.000 tấn, và chiếc Bàn Thạch (Panshi) của Hải Quân, có cơ sở y tế tương đương với một bệnh viện dã chiến.
Mục tiêu của Đài Loan được cho là nhằm tái khẳng định các yêu sách chủ quyền của Đài Bắc đối với Biển Đông, những đòi hỏi cũng rộng khắp tương tự như Trung Quốc.
Mặt khác, theo như nhận định của chuyên gia Ian Storey tại viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ở Singapore, chính quyền Đài Bắc rất bực tức trước việc Đài Loan bị xem thường trong vấn đề Biển Đông cho nên đã muốn cho thấy rằng họ cũng là một tác nhân không thể bị gạt qua một bên trong hồ sơ này.
http://vi.rfi.fr/viet-nam/20161130-truong-sa-viet-nam-phan-doi-dai-loan-dien-tap-gan-ba-binh
Nhật Bản muốn
cung cấp thêm tàu tuần duyên mới cho Việt Nam
Nhật Bản muốn đẩy mạnh chia sẻ công nghệ và cấp thêm tàu tuần tra biển cho Việt Nam, tăng cường các cuộc tập trận chung ở Biển Đông. Thông tin này được người phát ngôn Bộ ngoại giao Nhật Bản, ông Yasushisa Kawamura nói với báo chí Việt Nam tại Hà Nội sau khi bế mạc một cuộc hội thảo vào ngày hôm qua, bàn về những vùng biển mở và tự do ở Châu Á, hợp tác quốc tế và thượng tôn pháp luật.Ông Kawamura nói rằng Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản đã nhận được những yêu cầu cung cấp tàu tuần tra của Hà Nội, và Tokyo đang chuẩn bị để cung cấp những chiếc tàu này.
Xin nhắc lai là trước đây Nhật Bản đã cung cấp cho Việt Nam sáu chiếc tàu tuần duyên cũ. Tuy không có tranh chấp chủ quyền biển đảo ở biển Đông, nhưng Nhật Bản thường xuyên nêu lên những quan ngại của mình mỗi khi Trung Quốc có hành vi dùng vũ lực trên vùng biển này, và Nhật cũng tuyên bố là phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về biển Đông hồi tháng bảy năm nay phải được xem là ràng buộc pháp lý đối với mọi quốc gia.
Phán quyết của Tòa trọng tài Thường trực có trụ sở ở Hà Lan phủ nhận tuyên bố lãnh hải trên 90% diện tích biển Đông của Trung Quốc.
http://www.rfa.org/vietnamese/vietnamnews/jp-to-provide-patrol-ships-for-vn-11302016083126.html
Nhận xét
Đăng nhận xét