Đọc báo Pháp – 26/11/2016
Dự Luật về Hội : Quốc Hội Việt Nam rụt rè
Dự Luật về Hội của Việt Nam không được Quốc Hội thông qua. The Economist nhìn nhận :về thực chất không ai mong đợi một sự thay đổi ngoạn mục nào với luật mới, nhưng ít ra đấy sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền lập hội, vốn đã được quy định trong các nghị định của Việt Nam.
Sau nhiều năm hoạt động, hội dậy ngôn ngữ cử chỉ cho trẻ em câm điếc của bà Phạm Cao Phương Thảo vẫn chưa được cấp giấy phép. Hội của bà Thảo chỉ là một trong số hơn 3.000 ngàn tổ chức từ thiện, các câu lạc bộ hay hiệp hội khác trên toàn quốc, được lập ra để đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn trong xã hội dân sự của Việt Nam.
Những nhu cầu về xã hội của Việt Nam ngày càng lớn, khả năng của Nhà nước thì có hạn, một số các nhà lãnh đạo có thể nghĩ rằng đã đến lúc cần mở rộng vai trò của các tổ chức từ thiện, của các hiệp hội tư nhân … Chẳng thà cho phép họ chính thức hoạt động để qua đó còn dễ theo dõi. Giải pháp này có lẽ tốt hơn là để những yếu tố đơn lẻ kết nối các đường dây trên mạng.
Nhưng sau nhiều năm chờ đợi, dự luật cho phép lập hội ở Việt Nam đã không được Quốc Hội thông qua ngày 18/11/2016 như dự kiến. The Economist nhìn nhận là về thực chất không ai mong đợi một sự thay đổi ngoạn mục nào với việc Dự Luật về Hội đó, nhưng ít ra đấy sẽ là cơ sở pháp lý rõ ràng về quyền lập hội, vốn đã được quy định trong các nghị định của Việt Nam. Có điều, đôi khi những quy định đó lại bị các quan chức địa phương phớt lờ. Nhưng mặt khác, nếu Việt Nam đưa thêm những điều kiện hạn chế quyền lập hội vào dự luật này, đó là một bước lùi.
Việc Quốc Hội Việt Nam khóa thứ 14 trong kỳ họp thứ nhì không thông qua Dự Luật về Hội cho thấy phe chủ trương tự do lập hội vẫn còn là thiểu số. Vả lại, với việc Hiệp định tự do mậu dịch xuyên Thái Bình Dương TPP gần như đã bị khai tử, Việt Nam chẳng vội phải cải tổ.
Hồi kết cho chính sách đông tiến của Mỹ
Vào lúc Donald Trump thông báo, việc đầu tiên ông sẽ làm ở cương vị tổng thống là rút Hoa Kỳ ra khỏi Hiệp định TPP, Le Courrier International trích lại một bài báo của tờ báo kinh tế Nhật Bản Nikkei Asian Review nêu ra hai lĩnh vực cụ thể cho thấy chính sách xoay trục sang Châu Á của tổng thống Barack Obama đã tới hồi kết : an ninh và thương mại.
Liên quan đến Hiệp định TPP, như The Economist vừa nhắc lại, chính quyền Trump sẽ « quên » đi Hiệp định từng được coi là lịch sử này. Còn về phương diện quân sự, tờ báo Nhật đánh giá : sự hiện diện của quân đội Mỹ trên châu lục này là một hồ sơ còn dang dở. Từ căn cứ quân sự của Hoa Kỳ trên lãnh thổ Nhật Bản và Hàn Quốc đến các thỏa thuận tăng cường hợp tác với Cam Bốt và Việt Nam … Chưa biết ông Trump tính sao với những hồ sơ đó.
Bất ổn an ninh nếu vắng Mỹ
Chắc chắn là nếu Mỹ rút lui, bất ổn về an ninh tại khu vực sẽ gia tăng. Trung Quốc lại càng có cơ hội bành trướng. Trong một chừng mực nào đó, Bắc Triều Tiên thừa nước đục thả câu : Có thể là Bình Nhưỡng lại thách thức chính sách phòng thủ của Nhật và Hàn Quốc.
Trên một hồ sơ nhậy cảm khác là Biển Đông, báo Nhật Nikkei Asian Review cho rằng Donald Trump sẽ chóng phải lên tiếng. Nếu Mỹ thoái lui, tất cả các nước trong vùng Đông Nam Á sẽ tự hỏi Hoa Kỳ có còn là một đối tác đáng tin cậy nữa hay không, như điều được Lee Jones, chuyên gia về quan hệ quốc tế giảng dậy tại đại học Queen Mary, Luân Đôn lưu ý.
Trước lo ngại của các nước từng thuộc về Liên Xô cũ bị Nga lấn chiếm, ông Trump từng quan niệm, nên để cho Matxcơva toàn quyền định đoạt trong khu vực này. Báo Nhật Bản lo ngại : Nếu như Donald Trump cũng theo lô –gic đó, xem những đòi hỏi của Bắc Kinh ở Biển Đông là chính đáng thì thế giới tính sao ?
Thực ra theo tác giả bài viết, một số nước Đông Nam Á, mà điển hình là Phililippines, đã lo xa khi tìm cách cải thiện quan hệ với Trung Quốc trước cả khi Donald Trump đắc cử tổng thống Hoa Kỳ.
Có điều, Mỹ quay lưng lại với Châu Á, cầm chắc Washington sẽ nhắm mắt trước các vụ vi phạm nhân quyền : Mỹ sẽ không đả động đến cuộc chiến tàn bạo chống ma túy đang được tổng thống Philippines tiến hành và cũng sẽ không động chạm đến tập đoàn quân sự đang củng cố quyền lực ở Thái Lan. Cho dù cả Manila lẫn Bangkok cùng là những đồng minh của Washington ở Đông Nam Á.
Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc
Trên địa hạt thương mại, xã luận tuần báo Le Courrier International mang tựa đề « Toàn cầu hóa theo kiểu Trung Quốc » ghi nhận, vào lúc cả thế giới tập trung vào kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã công du một vòng các nước Trung Á và Đông Âu.
Mục đích chính là để quảng bá cho kế hoạch thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung, và khu vực đó đương nhiên đặt dưới chướng của Bắc Kinh. Đến dự thượng đỉnh Diễn Đàn APEC ở Lima, Peru vừa qua, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị với các đối tác trong vùng Châu Á-Thái Bình Dương gia nhập Hiệp Định Đối Tác Kinh Tế Toàn Diện RCEP : trên đây là hai bằng chứng rõ rệt nhất cho thấy Bắc Kinh đang tranh thủ khoảng trống Mỹ để lại trên bàn cờ thương mại quốc tế. Trung Quốc không chỉ là một nhà vô địch về xuất khẩu, mà còn muốn trở thành kẻ giật dây và áp đặt luật chơi với thế giới.
Phẫn uất khi người dân bị lừa gạt
Biểu tình rầm rộ Hàn Quốc đòi tổng thống Park Geun Hye từ chức, qua lăng kính của nhà văn nổi tiếng Kim Young Ha. Tác giả nêu lên câu hỏi rất khó để tạo điều kiện cho 3 người bạn gặp nhau, vậy thì điều gì đã thôi thúc cả triệu người cùng xuống đường ngày 12/11/2016 ?
Theo nhà văn này, đơn giản chỉ vì cả triệu con người đó cùng đang tức giận, khi thấy ý tưởng cao đẹp về một nền cộng hòa, về một nền dân chủ đã bị bà « quân sư » của tổng thống Park, là Choi Soon Sil đạp đổ.
Vẫn theo tác giả bài báo, công luận Hàn Quốc đang phẫn nộ khi thấy vận mệnh của đất nước được bà Park đặt vào tay một « chính quyền » mà không do người dân bầu ra, và rồi « chính quyền » đó đã đưa ra hàng ngàn, hàng chục ngàn quyết định có ảnh hưởng lớn đến đời sống hàng ngày của người dân. Nào là viết lại lịch sử trong sách giáo khoa, nào là việc đưa một số tên tuổi văn nghệ sĩ vào « sổ đen », hay quyết định giải thể một tổ chức chính trị.
Nhưng bên cạnh đó là những thiếu sót nghiêm trọng của nhà được đối với quốc dân, như là khi chìm phà Sewol tháng 4/2014 bà tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã im hơi lặng tiếng trong suốt 7 giờ đồng hồ. Hơn hai năm rưỡi sau tai họa làm cả trăm người vô tội thiệt mạng, nguyên nhân vụ đắm phà vẫn chưa được làm sáng tỏ.
Theo nhà văn Kim Young Ha, cuộc biểu tình lớn ngày 12/11/2016 đã huy động được một triệu người, tất cả đã diễn ra êm thắm trong bầu không khí tương thân tương ái. Trên gương mặt của mỗi người đều rạng ngời những tia hy vọng. Phải chăng phép lạ đã biến sự phẫn nộ của quần chúng thành niềm tin và hy vọng ?
Thắng lợi của Donald Trump trong mắt nhà văn John Irving
Chia tay với nhà văn Hàn Quốc để đến với tác giả người Mỹ, John Irving qua bài bình luận về kết quả bầu cử tổng thống Hoa Kỳ vừa qua trên tạp chí L’Obs. Tác giả cuốn truyện nổi tiếng The World According to Garp so sánh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2016 với mùa bầu cử cách nay 4 năm.
John Irvng đặt câu hỏi : 6 triệu rưỡi cử tri năm 2012 đã bỏ phiếu cho ông Barack Obama nay đi đâu ? Họ làm gì và tại sao lại đã quay lưng lại với bà Hillary Clinton ?
Trump vào được Nhà Trắng không phải vì ban vận động tranh cử của ông tài giỏi gì, mà chính là nhờ những cử tri của bên đảng Dân Chủ không đứng về phía bà Clinton.
Những người bỏ phiếu cho ông Trump là “hiện thân” của thái độ phẫn nộ trong công luận Mỹ. Nhưng nhìn rộng ra hơn, cuộc bầu cử ngày 08/11/2016 trước hết là một sự đối đầu giữa một bên là những thành phần muốn thực sự đem lại những thay đổi lớn cho nước Mỹ và bên kia là những người muốn cố gắng giữ lấy những gì họ đã có trong tay.
Nga thêm bạn nếu Fillon đắc cử tổng thống Pháp
Từ bầu cử tổng thống Mỹ năm nay đến bầu cử tổng thống Pháp vào năm tới. Vào lúc đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa đang chọn ứng viên cho cuộc chạy đua vào điện Elysée 2017, các báo Paris đều hướng về “ngựa về ngược” François Fillon. Ở vòng 1 Chủ nhật tuần trước, cựu thủ tướng Pháp bất ngờ loại cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.
Đối thủ của ông Fillon ở vòng nhì là Alain Juppé, hiện đang bị bỏ xa lại phía sau theo kết quả các cuộc thăm dò.
François Fillon là ai ? Tuần báo L’Obs thân tả phác họa chân dung ứng cử viên tổng thống Pháp đại diện cho cánh hữu François Fillon như sau : một chính trị gia « cực kỳ phản động, theo chủ nghĩa tự do triệt để, thân Nga ».
Với François Fillon, « Ông bạn Vladimir » là « vị cứu tinh của những đảng phái cánh hữu độc đoán và bảo thủ (…) là lá chắn bảo vệ cho các nước phương Tây có truyền thống Thiên Chúa Giáo ».
Trả lời cho câu hỏi vì sao ứng viên có triển vọng đại diện cho đảng cánh hữu Những Người Cộng Hòa LR ra tranh cử tổng thống vào năm tới lại ngưỡng mộ Vladimir Putin đến thế, L’Obs trả lời : Tất cả xuất phát từ “tinh thần bài Mỹ ấu trĩ” của cựu thủ tướng Fillon. Ông cho rằng, Đức và Pháp nên đứng ngoài, để cho Matxcơva rộng bề giải quyết khủng hoảng Ukraina và Liên Hiệp Châu Âu nên tránh về hùa với Mỹ vì lý tưởng dân chủ của Ukraina.
Trên hồ sơ Syria, L’Obs trích dẫn những phân tích của ứng viên tổng thống Pháp này : với François Fillon, Vladimir Putin ở Matxcơva và Bachar Al Assad ở Damas là « tấm bia đỡ đạn » chống Daech.
Tác giả bài báo bình luận : từ hơn một năm qua, Nga can thiệp quân sự tại Syria bởi quốc gia Trung Đông này « có ích » cho Matxcơva và cho phép điện Kremlin bảo vệ những quyền lợi chiến lược của nước Nga. Fillon quên mất rằng, những phi vụ của không quân Nga nhắm vào tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Syria chỉ là trên danh nghĩa. Matxcơva chủ yếu yểm trợ cho quân đội Damas để bảo vệ những vùng « chiến lược ».
Tạp chí hữu khuynh Le Point thực sự bất ngờ khi thấy ông Fillon được đến 44 % trong số 4 triệu người tham gia bỏ phiếu ủng hộ, khi nói tới « phép lạ ».
Nicolas Sarkozy khép lại 40 năm sự nghiệp chính trị
Tuần san L’Express thiên hữu trông thấy ở ứng viên François Fillon, « nguyện vọng » của cử tri muốn có một nhà lãnh đạo thực sự là « thuộc cánh hữu ». Tờ báo không quên người về thứ ba ở vòng loại vừa qua : cựu tổng thống Nicolas Sarkozy.
Sau khi bị loại ở vòng đầu cuộc bầu cử sơ bộ, ông Sarkozy tuyên bố chấm dứt sự nghiệp chính trị. Tựa của L’Express :« Màn đã hạ », Sarkozy cứ tưởng rằng công luận Pháp còn « yêu quý » mình lắm.
Buồn nhất khi thấy ông Sarkozy rút lui khỏi chính trường Pháp có lẽ là các họa sĩ chuyên vẽ tranh biếm họa. Số là họ rất thích vẽ và khai thác chủ đề Sarkozy. Ngay ở đầu số báo, là bức biếm họa của Plantu với hình ảnh là một loạt các họa sĩ ủ rũ, khóc thương ông Sarkozy, bởi vì từ nay, họ còn biết châm chọc ai bây giờ ?
Tin dọc nhanh
(AFP) Cảnh sát Miến Điện bắt giữ 3 người Hồi giáo
Hôm nay, 26/11/2016, cảnh sát Miến Điện thông báo đã bắt giữ 3 người Hồi giáo về tội đã đặt những quả bom tự tạo chung quanh thành phố Rangun. Những người này đang bị điều tra về các mối liên hệ với “ những tay khủng bố” ở bang Rakhine, nơi mà quân đội Miến Điện đang đàn áp thiểu số người Hồi giáo Rohingya.
(AFP) Nga phản đối Ukraina thử tên lửa gần Crimée
Hôm nay, 26/11/2016, Nga đã phản đối dự định của Ukraina tiến hành các vụ thử tên lửa tại vùng Simferopol, gần Crimée, mà Nga đã sáp nhập vào năm 2014. Cơ quan hàng không dân dụng Nga hôm qua cho biết đã được Kiev thông báo sẽ tiến hành thử tên lửa ở vùng này trong hai ngày 01 và 02/12.
(AFP) Koweit bầu Quốc hội
Hôm nay 26/11/2016, cử tri Koweit đi bỏ phiếu bầu Quốc hội trong bối cảnh xáo trộn chính trị và kinh tế, đặc biệt do việc chính phủ đã buộc phải cắt giảm các khoản tài trợ, hậu quả của tình trạng thu nhập từ dầu hỏa bị sụt giảm mạnh. Cuộc bầu cử trước thời hạn này được tổ chức sau khi Quốc hội bị giải tán ngày 16/10, do một số dân biểu phản đối các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Nhận xét
Đăng nhận xét