Vì sao Quốc Hội Việt Nam hoãn thông qua Luật Về Hội?

Monday, November 28, 2016 
Phạm Chí Dũng 
Theo Nguoi-viet 

Không ngoài dự đoán của phần lớn giới quan sát độc lập, kỳ họp cuối năm 2016 của Quốc Hội Việt Nam đã “nhất trí cao” với đảng cầm quyền về việc hoãn thông qua Luật Về Hội.

Buổi sáng Washington và buổi chiều Việt Nam

Luật Về Hội đã suýt được thông qua ngay đầu kỳ họp quốc hội vào cuối Tháng Mười. Tuy nhiên, nội dung khi đó của Luật Về Hội lại mang tính “siết” về nhiều vấn đề, khác hẳn với bản dự thảo Tháng Mười, đến mức một luật sư nhân quyền là ông Trần Vũ Hải phải cảnh báo Dự Luật Về Hội này là “luật phản động.”

Vào buổi sáng ngày 25 Tháng Mười, các đại biểu quốc hội đã “tập trung thảo luận” theo hướng vẫn chấp nhận quan điểm của bản giải trình của Ủy Ban Thường Vụ Quốc Hội về “siết hội” mà không có bất kỳ đại biểu hoặc đề xuất nào trong nghị trường nằm ngoài “đường ray.”

Chỉ ngay sau cuộc gặp giữa ông Đinh Thế Huynh và ông John Kerry tại Washington, DC vào buổi sáng ngày 25 Tháng Mười, đến cuối giờ chiều ngày hôm đó (giờ Việt Nam) Dự Luật Về Hội mới bất ngờ được ông Lê Vĩnh Tân, bộ trưởng Bộ Nội Vụ, cơ quan về danh nghĩa là “chủ trì soạn thảo Dự Luật Về Hội, nêu trước Quốc Hội: “Thừa nhận việc chuẩn bị dự án luật chưa được chu đáo, và vì còn nhiều ý kiến khác nhau về dự thảo luật nên cần có thời gian chuẩn bị tiếp để trình Quốc Hội tại kỳ họp sau, tạo sự đồng thuận cao mới thông qua luật.”

Tuy cho đến nay đảng không xác nhận bất cứ mối liên hệ nào giữa cuộc gặp đột biến Đinh Thế Huynh – John Kerry với hiện tượng Quốc Hội Việt Nam đột ngột hoãn Luật Về Hội, nhưng phần lớn giới quan sát và phân tích cho rằng hẳn một trong những mục đích lớn nhất của chuyến đi của ông Đinh Thế Huynh là nhằm đề nghị phía Mỹ tái cam kết về việc “sẽ cho Việt Nam vào TPP.” Mà điều kiện tiên quyết để vào TPP là Việt Nam phải chấp nhận định chế Công Đoàn Độc ập và Luật Về Hội – tất nhiên là một luật mở chứ không phải đóng đối với các hội đoàn dân sự, đặc biệt là 30 tổ chức xã hội dân sự độc lập đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền ở Việt Nam.

Rất có thể tác động trực tiếp từ cuộc gặp trên của ông Đinh Thế Huynh đã giúp Quốc Hội triển khai thực thi việc hoãn Luật Về Hội để chờ kết quả của TPP tại Quốc Hội Hoa Kỳ, đồng thời vẫn chuẩn bị sẵn việc thông qua TPP tại Quốc Hội Việt Nam nếu nỗ lực trình TPP ra Quốc Hội Hoa Kỳ của Tổng Thống Barack Obama đạt thành công.

Vì sao “bỏ ngỏ” Luật Về Hội?

Đến gần trung tuần Tháng Mười Một, Tổng Thống Obama bất ngờ phải nhận một trong số ít thất bại trong nhiệm kỳ của ông, nhưng lại là thất bại nặng nề: Thượng Viện Mỹ tuyên bố thẳng thừng sẽ không họp hành gì về TPP trong năm 2016. Điều đó cũng có nghĩa là TPP, nếu còn đôi chút tương lai để được xem xét và thông qua, sẽ phải bị treo lại thêm ít nhất một năm nữa.

Ngay lập tức, tác động tiêu cực trên đã khiến chẳng cần đảng phải chỉ đạo, Quốc Hội Việt Nam cũng mau mắn “hoãn bỏ phiếu thông qua TPP.” Cũng chẳng còn ai nhắc đến Công Đoàn Độc Lập nữa.

Nhưng riêng Luật Về Hội thì lại là một câu chuyện tương đối khác biệt.

Luật Về Hội không chỉ là một trong những yêu cầu cải cách luật pháp về nhân quyền mà Mỹ và phương Tây đặt ra đối với giới lãnh đạo Việt Nam liên quan mật thiết đến TPP, mà còn tương tác mật thiết với hiện tồn Việt Nam đang là thành viên của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Từ đầu năm 2014 đến nay, nhiều quốc gia thành viên của hội đồng này liên tục khuyến cáo chính thể Việt Nam phải công nhận xã hội dân sự và các tổ chức dân sự độc lập nằm trong mô hình tiến bộ này.

Dù sao, việc Quốc Hội quyết định không thông qua Luật Về Hội tại kỳ họp cuối năm 2016 cũng là một dấu hiệu cho thấy chủ trương “Việt Nam luôn quan tâm và bảo đảm quyền con người” chưa đến nỗi quá tệ: nếu thông qua với nội dung siết bức, Quốc Hội sẽ phải tiếp nhận vô số phản ứng từ cộng đồng dân chủ và có thiện cảm với dân chủ trong nước, đồng thời gây bất lợi không nhỏ về kinh tế, ngoại giao và cả chính trị cho chế độ một đảng Việt Nam trong quan hệ với các nước phương Tây.

Khả năng rõ nhất là chính thể một đảng ở Việt Nam không còn dám áp đặt luật pháp độc trị theo cách đã từng thông qua Hiến Pháp 2013 khi vẫn giữ nguyên những nội dung cực kỳ bảo thủ như “kinh tế quốc doanh giữ vai trò chủ đạo” và “sở hữu đất đai toàn dân,” khiến từ năm 2014 đến nay lượng tín dụng cho vay của các tổ chức tài chính quốc tế cho Việt Nam đã giảm hẳn, còn số viện trợ không hoàn lại từ các chính phủ Bắc Âu đối với Việt Nam cũng xuống dốc thê thảm. Khả năng rõ nhất là chế độ độc trị ở Việt Nam muốn kéo lùi dự Luật Về Hội để ngó chừng “tình hình mới.”

Nếu tạm loại bỏ yếu tố rất quan trọng xúc tác cho Luật Về Hội là TPP, Luật Về Hội vẫn là một điều kiện để phương Tây và các ngân hàng chủ nợ của Việt Nam đặt điều kiện về vấn đề cho Việt Nam vay tín dụng, thậm chí có thể liên quan cả chủ đề sự hiện diện của hải quân Mỹ ở Biển Đông.

Hẳn giới lãnh đạo Việt Nam không bỏ qua những điều kiện “còn nước còn tát” liên quan mật thiết đến nền kinh tế và chân đứng chế độ Việt Nam như thế.

“Nhóm muốn thay đổi”

Cần chú ý một biểu hiện khá lạ lùng là cùng thời điểm công bố bản dự thảo “phản động” Luật Về Hội vào Tháng Mười Một, trên Tạp Chí Tuyên Giáo (thuộc Ban Tuyên Giáo Trung Ương) đã xuất hiện một bản tin có tựa đề “Dự Thảo Luật về hội còn những điểm ‘sai lệch’ cần tháo gỡ,” ghi nhận những ý kiến “đề nghị Quốc Hội cân nhắc, dành thêm thời gian để hoàn thiện dự thảo luật và có thể để lùi lại việc thông qua vào kỳ họp sau trong năm 2017.”

Trước kỳ họp Quốc Hội cuối năm 2016, cũng xuất hiện hiện tượng một số quan chức trung và cả cao cấp từ cơ quan kinh tế, tuyên giáo, dân vận tỉnh thành đến văn phòng chính phủ và văn phòng chủ tịch nước tỏ ý đồng thuận với việc ban hành một luật về hội mang tính “mở,” thay vì “siết.” Trong bối cảnh Việt Nam đang phải đối mặt không chỉ với “vách đá tài chính” mà cả với cơn sóng ngầm phản kháng dữ dội từ dân chúng về quá nhiều vấn nạn và quốc nạn xã hội, rất có thể đang xuất hiện ngày càng nhiều quan chức bộc lộ quan điểm “cải cách” theo hướng mị dân hoặc nói văn hoa hơn là chủ nghĩa dân túy.

Dù chưa có một thống kê chính thức nào, nhưng rất nhiều tin tức ngoài lề cho biết nhiều quan chức trung cấp và cả cao cấp của Việt Nam có tài sản cố định, tài khoản ngân hàng và thân nhân ở Mỹ và các nước phương Tây. Cho tới nay, bằng chứng sống động nhất là đã có đến $19 tỷ được chuyển từ Việt Nam ra nước ngoài vào năm 2015. Rất nhiều nghi vấn đã được nêu ra nhắm vào giới quan chức Việt Nam đã và đang âm thầm kiếm tìm “bến bờ mới.”

Khuynh hướng “ngả về phương Tây” trong giới quan chức Việt Nam cũng bởi thế hầu như tương đồng với giới quan chức ăn đậm ở Trung Quốc. Kìm nén quyền dân về tự do lập hội đã quá lâu, nhưng nay thời thế đã quá đổi khác. Trong bối cảnh các tổ chức dân sự độc lập ra đời ở Việt Nam đã thỏa mãn phần lớn tên gọi quyền dân của xã hội, Luật Về Hội nếu có ban hành cũng chẳng khiến phát sinh thêm nhiều tổ chức xã hội dân sự. Trong khi đó, luật này lại luôn có thể được xem như một “món quà” trong con mắt phương Tây nếu chính thể Việt Nam buộc phải nới pháp luật về nhân quyền để đổi lấy những lợi ích về kinh tế, chính trị và cả quân sự.

Có thể đặt cho nhóm quan chức đang ngày càng mở rộng về số lượng “ngả về phương Tây” là “nhóm muốn thay đổi,” tuy vẫn chưa nhận ra một dấu hiệu nào thật sự mang tính cải cách từ họ. Nhưng chính nhóm này và ảnh hưởng của họ tại các địa phương và khối cơ quan trung ương đang và sẽ dần có tác động, khiến chính sách bảo thủ trì trệ và áp chế dân chúng của đảng cầm quyền không còn nhiều cơ hội nảy nòi như trong quá khứ.

Trong khi đó, tình hình thế giới trong năm 2017 như giới lãnh đạo Việt Nam dự đoán là “vẫn còn rất phức tạp.” Thật ra, với một tổng thống mới của Hoa Kỳ là Donald Trump, tương lai sẽ không biết đâu mà lường. Có thể tệ hơn, nhưng cũng không loại trừ xác suất có thể tốt lên. Bằng chứng rõ nhất cho đến nay là phần lớn kết quả thăm dò về ông Trump trước khi bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra đều sai lầm, tương tự phần lớn dự doán về thị trường chứng khoán Mỹ sẽ sụt mạnh nếu ông Trump đắc cử tổng thống cũng sai nốt.

Những biến chuyển kỳ lạ vẫn có thể xảy ra ở Mỹ trong thời gian tới. Trong đó, không loại trừ có cả vài động thái chính trị, ngoại giao, quân sự liên quan đến Việt Nam và do đó có thể khiến thay đổi dẫn đến “bứt phá” cho chính sách đối ngoại ngả nghiêng của giới lãnh đạo Hà Nội.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện