Đọc báo Pháp – 29/11/2016
Tại sao Trump đắc cử tổng thống Mỹ
là một cơ may cho Trung Quốc?
Trong suốt cuộc vận động tranh cử tổng thống, Donald Trump đã không ngần ngại tố cáo Trung Quốc là nguyên nhân của mọi vấn đề tại Mỹ : Trung Quốc là kẻ thù của Hoa Kỳ, Trung Quốc đánh cắp việc làm của người dân Mỹ, đã đến lúc phải chấm dứt tình trạng để Trung Quốc cưỡng hiếp Hoa Kỳ… Với những phát biểu hùng hồn như vậy, Trung Quốc buộc phải theo dõi sát sao việc Donald Trump đắc cử.
Thế nhưng, Les Echos ngày 29/11/2016, trong bài phân tích đề tựa « Tại sao Trump đắc cử là cơ may cho Trung Quốc ? » giải thích rằng thắng lợi của Donald Trump lại tạo ra một cơ hội lịch sử cho Bắc Kinh mở rộng tầm ảnh hưởng ra bên ngoài lĩnh vực kinh tế và thực hiện được mục tiêu của mình là trở lại vị trí hàng đầu trên chính trường quốc tế.
Những đòn trả đũa
Trước tiên, các đe dọa tiến hành chiến tranh thương mại của ứng cử viên Donald Trump có nguy cơ vấp phải thái độ thực dụng của chính bản thân ông Trump. Không một kinh tế gia nào tin vào lời đe dọa của Trump là sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc đến 45%. Nếu biện pháp này được áp dụng, thì đây sẽ là một vố đau cho Trung Quốc nhưng trong thời buổi các nền kinh tế tùy thuộc lẫn nhau, thì Hoa Kỳ cũng bị thiệt hại rất nhiều.
Hoàn Cầu Thời Báo, chi nhánh của Nhân Dân Nhật Báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, liệt kê danh sách trả đũa : Trung Quốc sẽ mua máy bay của Airbus thay vì đặt hàng ở Boeing, số lượng xe hơi và điện thoại Iphone của Mỹ được bán tại Trung Quốc sẽ giảm, Trung Quốc ngừng xuất khẩu sang Mỹ đậu nành và ngô. Tờ báo Trung Quốc nói thẳng là không bao giờ ông Trump, một doanh nhân khôn ngoan, lại ấu trĩ đến như vậy.
Ngay cả khi Donald Trump tố cáo Trung Quốc thao túng tiền tệ, thì cũng khó mà tưởng tượng được là tổng thống tương lai của Hoa Kỳ lại gây sự với Trung Quốc, một trong những chủ nợ hàng đầu của Mỹ, bởi vì Bắc Kinh nắm trong tay tới 20% tổng số nợ của Hoa Kỳ ở nước ngoài.
Về lập trường bảo hộ của Donald Trump, Trung Quốc chẳng có gì phải lo ngại, ngược lại còn được hưởng lợi. Nước Mỹ của Donald Trump muốn co cụm lại, thì nước Trung Hoa của Tập Cận Bình sẵn sàng lấp chỗ trống đó. Ví dụ điển hình nhất là hiệp định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương – TPP. Donald Trump tuyên bố sẽ rút Hoa Kỳ ra khỏi TPP ngay trong ngày đầu tiên ông vào Nhà Trắng vì coi đây là một thảm họa tiềm tàng đối với Hoa Kỳ.
Quyết định này mở ra một con đường rộng thênh thang cho Trung Quốc : Không chỉ chôn vùi được TPP vốn được thiết kế nhằm khống chế ảnh hưởng của Trung Quốc, Bắc Kinh giờ đây rảnh tay hành động, thúc đẩy các sáng kiến hợp tác kinh tế của mình, cụ thể là dự án Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Regional Comprehensive Economic Partnership – RCEP), được ký kết với 16 nước trong vùng châu Á-Thái Bình Dương mà không có Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ co cụm, Trung Quốc vươn vòi
Đó là về kinh tế và thương mại. Việc Donald Trump thắng cử cũng đánh dấu sự chấm hết của chiến lược « tái cân bằng » – hay còn gọi là « xoay trục » sang châu Á được thực hiện dưới thời tổng thống Barack Obama. Les Echos trích dẫn nhận định của chuyên gia Celine Pajon, thuộc Viện Quan hệ Quốc tế Pháp (IFRI) : Việc từ bỏ TPP là tiếng chuông báo tử một nhân tố chủ chốt trong chiến lược xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ.
Theo công ty tư vấn Capital Economics, « nếu Hoa Kỳ ít dấn thân hơn vào châu Á, Bắc Kinh sẽ có cơ hội kiến tạo lại tiến trình hội nhập kinh tế và chính trị theo cách của mình ». Vấn đề là phải xem liệu các đề xuất của Trung Quốc có đáp ứng các mong đợi của những nước láng giềng hay không, vì những quốc gia này luôn cảnh giác, dè chừng với ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Trung Quốc. Nhiều tiêu chí đề ra trong RCEP thấp hơn nhiều so với các chuẩn mực của TPP.
Mặt khác, cũng không nên lầm tưởng rằng Trung Quốc sẽ ra tay hành động vì Mỹ co cụm. Bắc Kinh không đợi Donald Trump đắc cử thì mới đưa ra các sáng kiến. Từ nhiều năm nay, Trung Quốc đã liên tục vận động cho dự án « các con đường tơ lụa mới ».
Les Echos cũng lưu ý là việc Hoa Kỳ và Nga có thể cải thiện quan hệ cũng làm cho Trung Quốc lo ngại. Chủ nghĩa biệt lập của Trump chắc chắn tạo cơ hội cho Trung Quốc, nhưng đồng thời cũng gây ra nhiều yếu tố bấp bênh, không rõ ràng.
Cuối cùng, theo Les Echos, chắc chắn trong lĩnh vực nhân quyền, Trung Quốc rất vui mừng khi Donald Trump đắc cử. Chuyên gia Alice Ekman và John Seaman, thuộc IFRI nhận định, « thắng lợi của Trump báo hiệu vấn đề nhân quyền và các giá trị phổ quát bị đặt xuống hàng thứ yếu, đó là những vấn đề nhạy cảm nhất đối với Bắc Kinh ».
Chính trị Pháp : Chủ đề chính trong ngày
Tình hình chính trị nước Pháp là chủ đề chính trên các nhật báo hôm nay. Trong khi cánh hữu đã chọn xong cho mình một ứng viên và tỏ ra đoàn kết chuẩn bị cho việc tranh cử tổng thống năm 2017, « cánh tả Pháp như con thuyền Titanic » đụng phải tảng băng và đang chìm dần theo như hình ảnh mô tả trên trang nhất tờ Libération.
Cánh tả Pháp như vỡ vụn khi đưa ra nhiều ứng viên để tranh cử, trong khi mà đảng Xã Hội, chính đảng cánh tả lớn nhất lại xảy « Tâm kịch Hollande-Valls » như hàng tít lớn trên nhật báo thiên hữu Le Figaro. Điều nực cười là sau nhiều tuần thủ tướng « Valls thách thức Hollande rồi sau đó lại trở về hàng ngũ », tựa bài viết trên trang hai của Le Figaro. Đến mức, nhật báo cánh tả Libération phải bực bội chạy tựa trên trang hai « Những người vô trách nhiệm ».
Thắng lợi của thủ tướng Pháp François Fillon được Le Monde trên trang nhất đánh giá là « Cuộc cách mạng bảo thủ ». Bởi vì, ông đã biết đặt ba chủ đề « Gia đình, bản sắc, tự do hóa » là trọng tâm của cuộc chinh phục các cử tri cánh hữu. Giờ đã được chọn là ứng cử viên đại diện cánh hữu ra tranh cử tổng thống, ông Fillon phải đối mặt « Thách thức tập hợp » đại bộ phận dân Pháp như nhận định của nhật báo công giáo La Croix.
Matxcơva bắt đầu tin vào việc phương Tây bãi bỏ cấm vận
Nếu nhìn từ góc độ kinh tế, nhật báo Les Echos nhận thấy cựu thủ tướng Pháp đã được giới chủ trong nước và giới doanh nhân Pháp tại Nga hoan nghênh do « chương trình tranh cử của ông mang tính cải cách và thực dụng ». Thắng lợi của ông Fillon đã mang đến cho Matxcơva niềm hy vọng phương Tây bãi bỏ lệnh cấm vận do cuộc khủng hoảng Ukraina.
Báo Les Echos cho biết là những người Pháp làm việc tại Nga, đặc biệt là các doanh nhân Pháp, đã ồ ạt bỏ phiếu cho François Fillon trong cuộc bầu cử sơ bộ của cánh hữu vì những cam kết thân Nga của ứng viên này. Ông Emmanuel Quide, một trong những doanh nhân có tên tuổi trong cộng đồng người Pháp tại Matxcơva tỏ ra vui mừng. Ông nói : « Các trừng phạt này chẳng đi đến đâu cả. Fillon muốn bãi bỏ và đây là một bước ngoặt trong cách tiếp cận ngoại giao với Matxcơva ».
Truyền thông Nga bắt đầu suy tưởng ra « hiệu ứng Fillon-Trump ». Bởi vì nếu François Fillon đắc cử tổng thống vào tháng Năm 2017, Matxcơva sẽ có thêm một đồng minh nặng ký tại phương Tây, ngoài Donald Trump. Một nguồn thạo tin ở ngay trong điện Kremlin cho Les Echos biết là kể từ sau thắng lợi của nhà tỷ phú Donald Trump, Matxcơva không giấu giếm sự hứng khởi. Với cựu thủ tướng Pháp, Vladimir Putin sẽ lại có được một đối tác mà ông ta đánh giá cao. Trong giai đoạn 2008 – 2012, hai người, trong cương vị thủ tướng, đã hợp tác chặt chẽ với nhau.
Có một suy nghĩ đang lan rộng trong giới tinh hoa Matxcơva : Việc Donald Trump lên cầm quyền tại Mỹ cũng như việc François Fillon trong tương lai có thể trở thành tổng thống Pháp, sẽ buộc Washington, Paris và cả Bruxelles phải thuận thảo với Matxcơva. Và đương nhiên, các cấm vận của phương Tây trừng phạt Nga sẽ được giảm nhẹ. Tuy nhiên, một nguồn thạo tin khác tại Nga lại tỏ ra thận trọng : tại Washington cũng như ở Bruxelles, hệ thống bài Nga có nguy cơ luôn luôn thắng thế.
Fillon thắng lợi : Người Pháp tại Nga nâng cốc mừng
Cùng theo hướng ủng hộ sự xích lại gần nhau giữa Pháp và Nga, báo Le Monde có bài « Người Pháp tại Nga nâng cốc mừng thắng lợi của ứng viên mà họ ưa thích ». Các phát biểu của Vladimir Putin ca ngợi François Fillon là một chính trị gia chuyên nghiệp, khác hẳn những người khác, đã làm những người Pháp đang sống và làm việc tại Nga, phấn khởi.
Thierry Mariani, dân biểu cánh hữu, đại diện cho Pháp kiều khẳng định : Các trừng phạt của châu Âu nhắm vào Nga kể từ sau vụ Matxcơva sáp nhập Crimée năm 2014 và cuộc xung đột ở miền đông Ukraina có thể sẽ được bãi bỏ. Theo ông, « chỉ cần một nước (trong Liên Hiệp Châu Âu) nói không » là đủ để bãi bỏ trừng phạt Nga. « François Fillon đã luôn luôn rõ ràng về vấn đề này. Đồng minh lịch sử của Pháp là Hoa Kỳ nhưng chúng ta cũng có thể có một chính sách khác với Đông Âu ».
Fukushima : Hóa đơn tốn kém
Nhân sự kiện lò phản ứng số 4 của nhà máy điện nguyên tử Tchernobyl được chụp lên một khối thép khổng lồ để ngăn chặn bụi phóng xạ lan tỏa, báo La Croix có bài nói về việc khắc phục « Thảm họa Fukushima rất tốn kém ». Các thẩm định về chi phí khắc phục thảm họa Fukushima Nhật Bản, ngày 11/03/2011 gần như tăng gấp đôi, từ 92 tỷ euro năm 2013 giờ đây lên tới 170 tỷ. Chi phí này bao gồm tiền đền bù các nạn nhân và tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân.
Vào năm 2013, bộ trưởng Thương Mại Nhật Bản chỉ nói đến con số 92 tỷ euro trong đó có 45 tỷ tiền đền bù các nạn nhân ; 21 tỷ chi cho việc tẩy khử phóng xạ ; 9,2 tỷ để xây dựng một nơi chứa đất bị nhiễm xạ và 16,8 tỷ tiền tháo dỡ nhà máy điện hạt nhân. Thế nhưng, ba năm sau, tiền đền bù các nạn nhân đã lên tới 67 tỷ, trong lúc chi phí tẩy khử phóng xạ cần từ 33 đến 42 tỷ euro. Ngân sách dành cho việc tháo gỡ nhà máy cũng tăng tương tự.
Kể từ khi xẩy ra thảm họa Fukushima, cách đây hơn 5 năm, tập đoàn Tepco, vốn chịu trách nhiệm khai thác nhà máy này, đã bị cáo buộc là đã không dự báo trường hợp xẩy ra sóng thần ở cường độ cao, rồi sau khi các lò phản ứng bị nổ thì lại che giấu sự thật.
Chính phủ Nhật Bản, ngay từ mùa hè năm 2013, đã quyết định gánh chịu về tài chính và kỹ thuật việc dỡ bỏ nhà máy điện hạt nhân. Lúc đó, thủ tướng Shinzo Abe muốn trấn an Ủy Ban Thế Vận Hội Olympic rằng nhà máy Fukushima không đe dọa việc tổ chức Olympic tại Tokyo vào năm 2020.
Mặt khác, chính phủ Nhật Bản cũng đã quyết định mua lại một số khu vực bị nhiễm phóng xạ xung quanh nhà máy Fukushima để xây dựng thành những nơi chứa giữ đất nhiễm xạ và các chất thải nguyên tử. Trên cơ sở quy hoạch lại khu vực này, tập đoàn Tepco cũng có thể được vay tiền từ các ngân hàng và các tổ chức tài chính.
Dù vậy, chi phí khắc phục hậu quả không ngừng tăng. Tập đoàn Tepco và cả Nhà nước Nhật không thể xác định được một cách chính xác là sẽ tốn kém bao nhiêu vì tiền đề bù cho các nạn nhân được chi trả trong nhiều thập niên.
Chi phí cho việc tháo gỡ 6 lò phản ứng hạt nhân cũng như việc khử phóng xạ cũng là một ẩn số. Nhiều chuyên gia thẩm định là công việc này sẽ kéo dài trong khoảng 40 năm. Trong một giai đoạn dài như vậy thì không thể nào dự báo chính xác được tổng mức chi phí. Theo nhiều nguồn thạo tin, thì hóa đơn tiền điện của dân Nhật sẽ gia tăng để bù đắp một phần lớn các chi phi bổ sung này.
Cuba : Thế hệ lãnh đạo mới lại là « cha truyền con nối » ?
Nhìn sang Cuba, Le Monde quan tâm đến « Những sự bấp bênh hậu Castro ». Fidel Castro qua đời mới thật sự đánh dấu sự vắng bóng của ông trên chính trường. Trong vòng mười năm qua, tuy mang tiếng là đã thoái lui, nhưng khả năng gây phiền phức vẫn tồn tại nhờ vào mạng lưới các mối liên kết với các giới chức và những người bảo thủ, đủ để làm trì trệ các cải cách.
Câu hỏi đặt ra : Bản thân người kế nhiệm Fidel Castro là người em Raul, nay 85 tuổi, cũng đã tuyên bố rút lui chính trường vào năm 2018, vậy ai sẽ là người kế tục ? Theo quan điểm của Le Monde, đợt kế tục lãnh đạo mới sắp tới lại sẽ là một « sự kế thừa dòng họ » thứ hai. Hiện các vị trí lãnh đạo chủ chốt trong bộ máy chính quyền đều do con cháu dòng họ Castro nắm giữ.
Le Monde lưu ý, mất người trưởng lão, việc Trump đắc cử tổng thống không tạo thuận lợi cho việc cách tân nền chính trị Cuba, và điều đó sẽ còn làm tăng thêm tính chất bấp bênh. Để kết luận, nhật báo trích dẫn nhận định của nhà văn Leonardo Padura cho rằng : « Những năm tháng Obama là những kỳ nghỉ hè cho người dân Cuba ».
Và có lẽ những kỳ nghỉ đó cũng đang thật sự sắp kết thúc. Les Echos cho biết « Sự hòa hoãn giữa Hoa Kỳ và Cuba bị đe dọa ». Hôm qua, tổng thổng vừa đắc cử Donald Trump đã lên tiếng dọa rằng sẽ « chấm dứt thỏa thuận » nếu Cuba không trao thêm quyền cho người dân.
Những chủ đề quốc tế khác
Les Echos dành một trang báo lớn cho bài điều tra đề tựa « Tại Seoul, nữ tổng thống trên miệng núi lửa ». Từ hai tháng nay, hàng nghìn người dân thủ đô biểu tình mỗi thứ bảy đòi tổng thống Park Geun Hye từ chức. Bà bị nghi ngờ thông đồng cùng với người bạn « cố vấn » lâu năm trấn lột các tập đoàn lớn của Hàn Quốc.
La Croix - Mục Grand Format của nhật báo công giáo dẫn độc giả đến « Những tiền đồn của một cuộc chiến bất động tại Ukraina ». Đặc phái viên nhật báo Olivier Tallès đã đến vùng Pisky, Donbass, miền đông Ukraina. Tại đây, quân đội chính quyền Kiev và quân ly khai mặt đối mặt tiến hành một cuộc chiến đường hào trên một dải đất bị tàn phá nặng nề.
Liberation có bài phóng sự về « Hai nước Mỹ sát cạnh nhau ». Phía đông nước Mỹ, đại diện là Pennsylvania thì bị Trump mê hoặc. Nhưng ở phía Tây, các cử tri lại tỏ ra hốt hoảng khi hay tin ông Trump đắc cử. Cuộc gặp gỡ của Libération với những cử tri của cả hai phía như cho thấy có một lằn ranh vạch đôi nước Mỹ.
Le Figaro dành hẳn một trang báo lớn phác họa chân dung nhân vật « Steve Bannon, một chiến lược gia bậc thầy của Donald Trump », như hàng tít nhỏ trên trang nhất. Theo nhật báo cánh hữu này, ông Steve Bannon, giám đốc chiến dịch vận động tranh cử và sắp tới là cố vấn đặc biệt cho chủ nhân Nhà Trắng tương lai đã tiên đoán có một sự « nổi dậy chính trị » tại Hoa Kỳ và sự « nổi dậy chủ nghĩa dân túy trên thế giới ».
Tin đọc nhanh
(AFP) – Tai nạn máy bay rơi tại Colombia, 76 người thiệt mạng. Tối qua, 28/11/2016, chiếc máy bay loại British Aerosapce 146, của hãng hàng không Bolivia Lamia, trên đường bay từ Sao Paulo, Brazil đến Madellin, Colombia đã bất ngờ gặp nạn rơi xuống vùng núi cách nơi đến khoảng 50 km. Trên máy bay có 72 hành khách và 9 thành viên đội bay. 76 người đã bị thiệt mạng, trong đó có gần như toàn bộ đội bóng đá câu lạc bộ hạng nhất của Brazil Chapecoense. Chỉ có 5 người còn sống sót trong tình trạng bị thương nặng, gồm 3 cầu thủ và 2 thành viên tổ lái.
(AFP) – Chính quyền Trump xúc tiến tìm lãnh đạo ngoại giao. Hôm qua, 28/11/2016, tổng thống tân cử Mỹ Donald Trump đã tiếp tướng về hưu David Petraeus – cựu giám đốc CIA trong tiến trình tuyển chọn ngoại trưởng cho chính quyền mới, một công việc không mấy dễ dàng. David Petraeus, 64 tuổi, từng chỉ huy các chiến dịch quân sự ở Irak, Afghanistan trước khi về làm giám đốc CIA từ năm 2011 đến 2012. Ông buộc phải từ chức vì dính vào bê bối ngoại tình. Ngoài ra, một số cái tên khác cũng đang trong vòng lựa chọn : Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani hay cựu chủ tịch tiểu ban đối ngoại Thượng viện Bob Corker.
(AFP) -Căn cứ quân sự Ấn Độ tại biên giới Pakistan bị tấn công. Sáng sớm hôm nay 29/11/2016, một toán có vũ trang đã tấn công vào một căn cứ quân sự quan trọng của Ấn Độ nằm sát biên giới với Pakistan, làm thiệt mạng 3 binh sĩ của Ấn Độ. Phía Ấn Độ cho biết đã tiêu diệt được 4 kẻ tấn công khủng bố. Cuộc tấn công diễn ra trong bối cảnh quan hệ hai nước Ấn Độ Pakistan đang căng thẳng sau nhiều tuần lễ hai bên thường xuyên nã pháo vào nhau ở biên giới. Đây cũng không phải lần đầu tiên căn cứ quân sự của Ấn Độ tại vùng biên giới bị tấn công.
(AFP) – Cúm gia cầm bùng phát tại Nhật Bản và châu Âu. Hôm nay 28/11/2016, bộ Nông N
ghiệp Nhật thông báo các ca cúm gia cầm đã xuất hiện tại hai tỉnh, buộc các cơ quan này phải quyết định tiêu hủy 330 nghìn con gà, vịt nuôi. Theo cơ quan y tế Nhật, đó là các trường hợp nhiễm virut thuộc chủng H5, nhưng chưa chắc chắn có phải là loại H5N6 hay H5N8 hay không.Thủ tướng Shinzo Abe ngay lập tức đã ra lệnh triển khai các biện pháp y tế cần thiết trong trường hợp có dịch. Trong khi đó, tại châu Âu, dịch cúm gia cầm cũng có dấu hiệu xuất hiện trở lại từ cuối tuần qua ở các nước như Hà Lan và Pháp. Tại Hà Lan, chính quyền đã ra lệnh tiêu hủy 190 con gia cầm trong một trại chăn nuôi vì bị nhiễm virut cúm gia cầm.
(AFP) – Quốc Hội Thái Lan mời thái tử Maha Vajiralongkorn lên ngôi vua. Lời mời được chủ tịch Quốc Hội đưa ra ngày 29/11/2016, chấm dứt nhiều tuần phân vân của con trai của cố vương Bhumibol khiến vương quốc Thái hoang mang. Tuy nhiên, lễ đăng quăng sẽ chỉ diễn ra sớm nhất trong vòng một năm nữa, sau lễ hỏa táng thi hài vua Bhumibol. Thái tử Vajiralongkorn hiện không sống tại Thái Lan.
(AFP) – 10 sinh viên đại học Columbus, bang Ohio (Mỹ) bị thương trong một vụ tấn công.Thủ phạm, cũng là một sinh viên của trường, đã ra tay hành động sáng 28/11. Abdul Razak Ali Artan, 18 tuổi, gốc Somali, điều khiển xe hơi tông vào đám đông sinh viên, sau đó dùng dao phay chém những người xung quanh. Một nhân viên cảnh sát đã đến ứng cứu và hạ gục thủ phạm. Cơ quan điều tra không loại trừ bất kỳ giả thuyết nào, kể cả « hành vi khủng bố ».
(AFP) – Philippines phản ứng vì bị cảnh báo về vi phạm nhân quyền. Ngày 29/11, bộ Ngoại Giao Philippines chỉ trích « lời cảnh báo của ông David Scheffer là vô trách nhiệm và đáng báo động ». Trước đó, đặc phái viên Liên Hiệp Quốc tại phiên tòa xét xử hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ từng phát biểu là nhà lãnh đạo các nước như Philippines, hay tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo, « phải chú ý » đến bản án chung thân dành cho hai cựu lãnh đạo Khmer Đỏ.
(AFP) – Trung Quốc sắp bị hạn chế mua than đá Bắc Triều Tiên. Một dự thảo nghị quyết tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng sẽ được Hội Đồng bảo An biểu quyết vào ngày thứ Tư 30/11/2016, sau những vụ thử hạt nhân và tên lửa của Bắc Triều Tiên trong năm nay. Mục tiêu của cộng đồng quốc tế là làm Bắc Triều Tiên mất đi nguồn ngoại tệ ít nhất là 700 triệu đôla khi bán than đá cho Trung Quốc. Nghị quyết này do Washington soạn thảo và thương lượng với Bắc Kinh trong ba tháng dài. Giới ngoại giao tại Liên Hiệp Quốc tin rằng Trung Quốc sẽ không cản trở.
(AFP) – Tình trạng tra tấn trong nhà tù của Nga bị tố giác. Trong cuộc họp báo tại Matxcơva, Hiệp hội Nga « Vì quyền con người » đã tố cáo tình trạng tra tấn tù nhân trong một trại tù ở miền tây-bắc nước này : Treo ngược tù nhân, còng tay, đánh bằng búa cho đến khi ngất xỉu, còn nhẹ hơn thì mắng chửi, sỉ nhục. Khoảng 10 nhân chứng, trong đó có nhà đối lập Ildar Dadine, bị giam hơn hai năm sau một cuộc biểu tình đã kể lại nhục hình trong nhà tù của Nga. Nhưng theo cơ quan quản lý nhà tù của Nga, tất cả những câu chuyện này đều là biạ đặt.
Nhận xét
Đăng nhận xét