TC: Dùng Dân Chiếm Biển Đông
Monday, November 28, 2016
Vi Anh
Theo Vietbao
Theo Vietbao
Tàu đánh cá Trung cộng ra khơi. |
Rõ ràng tiến bộ khoa hoc kỹ thuật không ảnh vệ tinh của Mỹ siêu việt hơn của TC nên trước khi Mỹ công bố, TC không biết, không nói gì cả. Không phải Mỹ rảnh nên tiết lộ vụ này cho khuây khoả, mà Mỹ đưa những hình ảnh CSVN âm thầm nâng cấp phi đạo ở Trường sa là gài cho TC phải làm một việc vạn bất đắc dĩ, vừa ăn cướp vừa la làng. Trường Sa là của VN, TC đánh lấy gần hết hồi 1988. Bây giờ CSVN kiện toàn và cơi nới vài địa điểm còn lại, thì TC la làng lên, đòi hỏi CSVN phải tôn trọng chủ quyền mà TC ăn cướp. Đòn này Mỹ chơi rất độc trong thời gian ASEAN có hai con nhạn lạc bầy, Phi và Mã bay sang Bắc Kinh. Đây cũng là chiêu hàn phong chưởng của Chú Sam đánh vào tình “đồng chí” của CSTQ và CSVN, hai bên gấu ó nhau, chắc cũng khá lâu mới ấm lại.
Và cú này cũng đánh động bộ tham mưu an ninh thân cận mới thành lập của tân TT Trump. Dù đang bận buổi ban đầu cũng phải tập trung chú ý về Á châu Thái bình dương là diện và Biển Đông là điểm của đấu trường TC đang giành quyền kiểm soát với Mỹ. Cựu Trung Tướng Mike Flynn Cố vấn an ninh tân cử, Dân biểu Mike Pompeo giám đốc CIA tân cử, hai giới chức an ninh, tình báo của TT Trump được quyền tham dự cuộc thuyết trình an ninh, ngoại giao mật hàng ngày với tân TT Trump nhứt định phải lưu ý tân TT Trump về tình hình TC làm hùm làm hổ ở Biển Đông nơi có hai hạm đội 3 và 7 và 60% hải lực của Mỹ đang có mặt trong vùng này.
Việc công khai hoá hành động quân sự hoá của CSVN và hành động tự tuyên xưng chủ quyền trên quần đảo Trường sa của TC là một cách lưu ý khéo bằng sự kiện và thời sự. Để lưu ý TT Trump mưu sâu kế độc của quân Tàu Cộng lâu nay là dùng dân, dùng chiến tranh nhân dân, biển người ngư dân, biển tàu ngư phủ chiếm cứ Biển Đông, khó cho Mỹ can thiệp vì TC không dùng quân lực.
Từ lâu hai chế độ CS, TC và VC, đều dùng dân rà chiếm cứ và gìn giữ biển đảo, trong khi Mỹ dùng hải quân và không quân ra bảo vệ tự do hàng hải. Dân TQ ra biển tạo thêm nguồn sống, Mỹ ra biển tốn kém mọi bề, không thể tấn công dân TQ, về lâu về dài Mỹ mòn mỏi phải rút hay bớt quân. Còn TC dùng chiến tranh nhân dân trên biển, dưới hình thái chiến tranh biển tàu [chữ của TC xài] trên biển, vẫn xác quyết được chủ quyền trên biển đảo mà TC đã xâm lấn và đòi hỏi.
TC có cả 1 tỷ 300 triệu dân, trên đà nhân mãn. Dân TQ tiêu thụ 1/3 tổng số hải sản của cả thế giới đánh bắt được. Số tiêu thụ của TQ càng ngày càng tăng. Ngân Hàng Thế Giới ước lượng nhu cầu của Trung Quốc từ nay đến 2030 sẽ tăng thêm 30%, tức TQ cần 60% hải sản thế giới đánh bắt được. Cá tôm ở biển gần của TQ ngày càng kiệt quệ, nên càng ngày ngư dân TQ càng phải đi xa đánh bắt trên biển của các nước trong vùng Á châu Thái bình dương.
Nhu cầu phát sinh hành động, công tác. TQ có đội tàu thuyền đánh cá lớn nhất thế giới. Đảng Nhà Nước TC đầu tư, tài trợ biến những ngư dân này thành những dân quân, biến đội tàu thành hạm đội ngư phủ. Để thực hiện chiến tranh biển tàu chiếm giữ các vị trí tiền đồn, có mặt thường xuyên trên vùng biển. Để TQ xác quyết chủ quyền lãnh hải và lãnh thổ của TQ và giúp cho Đảng Nhà Nước Trung Quốc kiểm soát được hầu như toàn bộ Biển Đông.
Có thể thấy những mưu sâu kế độc của TC trong phóng sự điển hình của thông tín viên đài RFI Heike Schmidt. Nhu cầu hải sản của TQ đòi hỏi các ngư dân nước này ngày càng đi xa hơn. Chỉ tại một thị trấn biển Đàm Môn thôi, có khoảng 800 tàu đánh cá của ngư dân phải đi xa hơn, thậm chí đến tận vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, bất chấp sự phản đối, tức giận của Việt Nam, Philippines. Chính phủ khuyến khích họ tới đó. “Đích thân chủ tịch Tập Cận Bình tới đây [Đàm Môn] để ủng hộ chúng tôi», một ngư dân tự hào nói với phóng viên như thế. Một ngư dân khác chỉ cho phóng viên RFI bốn chiếc tàu cá lớn và cho biết đó là quà của chủ tịch Tập Cận Bình tặng cho ngư dân Đàm Môn. Chủ tịch Trung Quốc đã cảm ơn các ngư dân và kêu gọi họ hãy tới tận Nam Sa (tức Trường Sa) để vừa đánh bắt cá vừa bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ của Trung Quốc. Chính vì thế, các ngư dân Đàm Môn cảm thấy yên tâm và không sợ gì cả.
“Theo phóng viên Heike Schmidt, đây không phải là những chiếc tàu đánh cá bình thường mà là tàu của du kích biển, một tổ chức bán vũ trang được quân đội huấn luyện… Trong giai đoạn bị cấm đánh bắt cá, thì việc tham gia bồi đắp đảo nhân tạo mang lại một nguồn thu bổ sung cho ngư dân, giúp họ nuôi gia đình»… một con tàu như thế này sẽ được trợ cấp một khoản tương đương với 1500 € [Euros] mỗi tháng. Nếu ở lại đó hai tháng thì sẽ được khá nhiều tiền. Tàu có trọng tải 500 tấn, có thể được trợ cấp tới 10,000 € trong chuyến đi đầu tiên và 5000 € cho mỗi chuyến sau đó.
Ngư dân Đàm Môn luôn ở tuyến đầu trên mặt trận biển. Năm 2012, tám tàu cá Trung Quốc thách thức tàu chiến Philippines tại Scarborough và nhờ vậy Bắc Kinh đã kiểm soát được bãi san hô này. Năm 2014, Trung Quốc và Việt Nam đã đối mặt với nhau sau khi Bắc Kinh cho đặt giàn khoan HD 981 gần Hoàng Sa. Trong vụ này, ngư dân Đàm Môn cũng ở tuyến đầu.
Trao đổi với Heike Schmidt, ngư dân Lâm Phong (Lin Feng) cho biết từ khi Bắc Kinh đứng ra bảo đảm an ninh cho các ngư dân, thì họ tỏ ra yên tâm. «Không còn lo ngại gì nữa, phía Philippines không dám tấn công chúng tôi nữa. Nếu xẩy ra bất kỳ sự cố nào, ngư dân chỉ việc gọi lực lượng tuần duyền và họ tới ngay lập tức Xisha (Hoàng Sa – Paracel) và Nansha (Trường Sa). Tuần duyên Philippines không được trang bị đầy đủ và các đội tàu tuần duyên của chúng tôi giám sát khu vực này để bảo vệ ngư dân».
Trung Quốc không ngần ngại chi tiền thực hiện các dự án khổng lồ để chứng tỏ sức mạnh hàng hải của mình. Bộ trưởng Quốc Phòng Trung Quốc đã tuyên bố: «Bắc Kinh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh nhân dân ở Biển Đông». Và các ngư dân Trung Quốc đã được huy động vào cuộc chiến này./.(Vi Anh)
Nhận xét
Đăng nhận xét