Trump Sẽ Cần Giúp VN?

Sunday, November 27, 2016
Trần Khải 
Theo Vietbao 
Tổng thống tân cử Donald Trump tuyên bố sẽ rời bỏ TPP trong ngày đầu nhậm chức Tổng Thống Hoa Kỳ. Như thế, kinh tế Việt Nam sẽ mất lợi thế vì nhiều rào cản vào thị trường Hoa Kỳ, và có thể phải tìm nhiều thị trường khác để bù đắp vào, trong khi sức cạnh tranh giành thị trường vẫn không thể hơn nhiều quốc gia trong vùng Đông Nam Á, như với Thái Lan – một diễn tiến có thể sẽ đẩy VN nương tựa vào Trung Quốc nhiều hơn. Nghĩa là, hiểm họa vô lường.

Tuy nhiên, vẫn có thể hy vọng rằng Trump với dàn cố vấn quân sự, khi được thuyết phục về thế cân bằng quân sự Biển Đông, Trump sẽ có những bước đi kết hợp với Nhật Bản, Nam Hàn, Úc Châu và như thế, sẽ điều hướng kinh tế khu vực trong ván cờ mới sẽ có lợi cho kinh tế VN, cho dù là không có Hiệp định TPP. Dĩ nhiên, ở một trường hợp tối ưu, sẽ có hiệp định thương mại tự do riêng cho Mỹ-Việt với những điều kiện đã thảo luận qua TPP.

Có thể như thế chăng? Có thể. Bởi vì Trump là người thực dụng, sẵn sàng đổi ý như chong chóng: Báo Politico đã ghi nhận rằng Trump trong vòng 15 ngày đã đổi lập trường 15 lần: từ ObamaCare cho tới bức tường biên giới Mỹ-Mễ, từ hôn nhân đồng tính cho tới chuyện khởi tố ba Hillary Clinton, từ chuyện hứa trục xuất 11 triệu di dân lậu xuống còn chỉ trục xuất 2.5 triệu di dân lậu phạm tội hình sự, từ chuyện khuyên Nhật Bản nên có vũ khí nguyên tử cho tới bảo thôi, từ chuyện tố cáo biến đổi khí hậu là bịa đặt cho tới rằng có lẽ có thực như thế, từ lập trường đòi tra tấn tù nhan khủng bố cho tới nói thôi…

Như thế, Trump có thể sẽ trải thảm đỏ mời Trần Đại Quang hay Nguyễn Phú Trọng sang thăm Hoa Kỳ, và sẽ nói rằng Trump cần VN xây bức tường biên giới Tàu-Việt vì an ninh Châu Á? Chuyện đó suy đoán còn xa, nhưng hình như đã có ai mớm ý cho Hà Nội rồi.

Báo Foreign Affairs hôm 22/11/2016 có bài viết tựa đề “Deciphering Trump's Asia Policy” của nhà bình luận Mira Rapp-Hooper, đưa ra suy đoán về lập trường của Trump về an ninh Châu Á.

Tác giả nhìn ra 2 khuynh hướng trong tân chính phủ sắp tới của Trump, và 2 khuynh hướng này giằng con nhau.

Trước tiên, bản thân Trump chống lại Hiệp định TPP (mà VN rất mong muốn, vì lợi thế kinh tế khổng lồ cho VN qua TPP) vì cho rằng TPP làm hại việc làm của người dân Mỹ.

Khi nhìn về TQ, Trump nói rằng trong 100 ngày đầu nhiệm kỳ Tổng thống, Trump sẽ chỉ danh TQ là quốc gia “phù phép tiền tệ” để lợi thế xuất cảng, hứa sẽ áp đặt thuế quan 45% vào hàng TQ vào Mỹ. Nghĩa là, thế chiến kinh tế. TQ đã cảnh cáo là sẽ trả thù, sẽ làm cho thiệt hại kinh tế Mỹ và các nước đồng minh của Mỹ. Và bao giờ cũng thế, hễ chiến tranh là cả 2 phía đều thiệt hại, và dĩ nhiên cũng sẽ có nhiều triệu việc làm liên hệ tới thương mại (nhất là ở California) kể như biến mất.

Từ ngày đắc cử, không nghe Trump nhắc chuyện này.

Trong khi vận động tranh cử, Trump nói rằng việc Mỹ đóng quân ở Nhật Bản và Nam Hàn gây ra quá nhiều tốn kém, và khuyên Nhật và Nam Hàn nên tự vệ bằng cách kiếm vũ khí nguyên tử để răn đe. Đắc cử xong, Trump không nhắc chuyện này nữa.

Thực tế, vài ngày sau khi đắc cử, Trump đã điện thoại với ba lãnh tụ TQ, Nam Hàn, Nhật Bản: Tập Cận Bình, với Park Geun-hye, với Shinzo Abe. Và có vẻ như sẽ không có thế chiến mậu dịch với TQ, duy có điều Trump bàn với công ty Apple xem có cách nào sản xuất iPhone tại Hoa Kỳ hay không, chớ đừng mở xưởng ở TQ, ở VN. Có vẻ như dàn cố vấn của Trump đang giúp Trump điều chỉnh hướng đi tối ưu cho Hoa Kỳ, như thế thấy rõ, có thể sẽ có lợi cho VN.

Trên báo Foreign Policy, một ngày trước ngày Hoa Kỳ tuyển cử, 2 cố vấn của Trump là Alex Grey và Peter Navarro, kêu gọi Hoa Kỳ cần có chính sách “hòa bình xuyên qua sức mạnh,” kêu gọi mở rộng dàn tàu chiến Hải quân nhiều thêm tới 350 chiếc, và cần hiện diện quân sự Hoa Kỳ tại Châu Á nhiều hơn kế hoạch của TT Obama.

Nghĩa là, trong khi Trump nhìn về TQ qua mắt kinh tế, dàn cố vấn của Trump nhìn qua quân sự và có những đề nghị rất tốn kém để có bàn tay sắt Hoa Kỳ ở Biển Đông, vì cho rằng chỉ như thế mới có hòa bình ở Châu Á.

Cú điện thoại của Trump với Tập Cận Bình ngày 14/11/2016 không lộ ra nhiều chi tiết để thế giới suy đoán, chỉ nói với báo chí rằng 2 lãnh tụ sẽ “hợp tác và củng cố quan hệ.”

Trump cũng đích thân họp với Thủ Tướng Nhật Abe tại New York ngày 17/11/2016 tại New York, cũng không có chi tiết nào để suy đoán rằng Trump muốn bỏ mặc Châu Á cho các nước đồng minh đơn độc trực diện với TQ.

Như thế, Trump đang thực dụng nhìn vấn đề Châu Á dưới ánh sáng mới, với dàn cố vấn riêng. Nhưng hướng đi thấy rõ là: Trump sẽ rời bỏ TPP.

Tuy nhiên, trong mấy tuần lễ vừa qua, một số quốc gia Châu Á lo ngại trước những tuyên bố của Trump về vị thế co cụm mới của Mỹ, đã chạy tới vuốt ve Trung Quốc. Nổi bật nhất là Mã Lai và Philippines. Nhưng hiển nhiên là dàn cố vấn của Trump vẫn nhìn thấy cần củng cố bức tường Vạn Lý Trường Thành trên mặt Biển Đông, nghĩa là một cơ hội lớn để VN không lệ thuộc vào TQ.

Do vậy, người ta không ngạc nhiên khi đọc thấy trên Đài VOA bản tin ngày 24/11/2016 tựa đề “Mỹ có nên theo đuổi TPP song phương với Việt Nam?”

Bản tinv iết rằng sau khi hiệp định thương mại Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP được coi là chết lâm sàng khi tổng thống đắc cử Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ rút lui, một chuyên gia cho rằng Mỹ nên theo đuổi các hiệp định song phương với các đối tác trong khu vực này.

Luật sư Sesto Vecchi của hãng luật quốc tế Russin & Vecchi trong 1 bài viết cho tờ The Hill có trụ sở ở Washington DC nói Mỹ nên tập trung vào một hiệp định thương mại song phương với Việt Nam với các điều khoản đã được thương lượng về cắt giảm thuế và bảo hộ lao động trong TPP.

VOA ghi rằng Ông Vecchi, với hơn 35 năm kinh nghiệm hành nghề luật ở Việt Nam cho rằng quốc gia Đông Nam Á này là một trường hợp đặc biệt để Mỹ xem xét trong bối cảnh Trung Quốc đang tìm cách theo đuổi một hiệp định thương mại khác với các nước trong khu vực để thay thế TPP.

TPP là một trong 3 hiệp định thương mại và đầu tư lớn nhất mà Mỹ từng thương lượng trong kỷ nguyên hậu chiến tranh. Hiệp định này xóa bỏ 18.000 loại thuế đối với các mặt hàng và dịch vụ của Mỹ và do đó sẽ làm tăng lượng hàng xuất khẩu và đầu tư của Mỹ vào châu Á, theo bài viết của ông Vecchi trên tờ báo chính trị chuyên đưa tin tức về Quốc hội Mỹ và Nhà Trắng.

Theo lập luận của luật sư hàng đầu của hãng luật có trụ sở chính ở Washington và nhiều văn phòng trên toàn cầu, Việt Nam là một thị trường phát triển nhanh nhất đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Năm 2015, lượng hàng xuất khẩu từ Mỹ sang Việt Nam có mức tăng 24%/năm với tổng doanh thu lên tới 7.1 tỷ đô la và với các các loại thuế bảo hộ được xóa bỏ, theo các điều kiện thương lượng trong TPP, thì con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2020. Hơn thế nữa, Mỹ là thị trường lớn nhất cho hàng xuất khẩu của Việt Nam.

VOA ghi nhận: “Còn theo ông Vecchi, một hiệp định TPP song phương sẽ làm mối quan hệ Việt-Mỹ sâu sắc hơn. Còn nếu không có TPP, tín nhiệm của Mỹ ở Việt Nam và khu vực sẽ dần mờ nhạt trong sự trỗi dậy của sức mạnh Trung Quốc.”

Đó cũng là dễ hiểu, khi phía VN muốn tiếp xúc với chính quyền Trump.

Bản tin BBC ngày 24/11/2016, ghi nhận tình hình Việt Nam có thể có các động thái tiếp xúc sớm với 'tân chính quyền' Mỹ vào thời điểm Tổng thống đắc cử Donald Trump đang hoàn thiện bộ máy nhân sự và chính sách đối nội, đối ngoại của nội các sẽ nhậm chức vào ngày 20 tháng Giêng tới đây, các học giả và nhà quan sát bình luận với Bàn tròn thứ Năm.

BBC đã phỏng vấn một chuyên gia:

“…từ Đại học Maine, Giáo sư Ngô Vĩnh Long, sử gia và nhà quan sát, phân tích chính trị, bang giao quốc tế từ Hoa Kỳ, nói:

"Tôi đồng ý với Giáo sư London là chúng ta chưa biết rõ những gì xảy đến, là bởi vì Donald Trump là người thường đóng kịch, thành ra nếu chỉ nhìn Donald Trump không, thì mình không thể hiểu những gì sẽ xảy ra.

"Nhưng nếu nhìn ê-kíp mà ông thành lập, nếu nhìn vấn đề đối ngoại, thì đúng là ông đã bổ nhiệm những người mà muốn chứng tỏ Mỹ còn mạnh, nhưng những người này không có kinh nghiệm trong vấn đề đối ngoại.

"Và chỉ có kinh nghiệm 'đánh nhau' (chiến tranh) thôi, mà đánh nhau, trên phương diện bộ binh mà ở miền Trung Đông hiện nay, Mỹ vẫn còn đang nghĩ đến vấn đề làm sao dẹp các nhóm Hồi giáo (theo đạo Islam) cực tả, thành ra tôi thấy họ chưa có một đồng nhất gì hết trong vấn đề quan hệ quốc tế.

"Mà ngay cả ở trong nước cũng vậy, Donald Trump vừa đề cử hai bà, nhưng hai bà này tôi nghĩ cũng chỉ là 'show' (phô diễn) thôi, như một bà gốc Ấn Độ thì đưa ra trước khán giả quốc tế để cho thấy tôi có một người gốc Ấn Độ, trong khi bà kia 'không biết gì' về giáo dục.

"Bà lại muốn lấy tiền của chính phủ cho những cơ quan giáo dục tư, thành ra không biết khi bà lên làm Bộ trưởng thì ảnh hưởng thế nào đối với Mỹ?"

"Nhưng tôi nghĩ ảnh hưởng với người Mỹ rất quan trọng trong vấn đề Donald Trump sẽ làm trong những tháng năm tới, bởi vì nếu không thành công trong những lời hứa của ông, mà nếu chúng ta phân tích rõ ràng, (nếu) ông ta sẽ không thành công trong nhiều lĩnh vực, thì lúc đó sẽ có phản ứng mạnh trong người dân Mỹ," học giả Ngô Vĩnh Long từ Mỹ nói với BBC…”

Có nghĩa là, chính phủ Trump có thể sẽ có biệt nhãn đối với VN. Không phải vì Trump muốn VN cải thiện nhân quyền (hãy xem Trump thân với TT Putin của Nga và nói rằng Trump sẵn lòng xem Crimea bị Nga chiếm là xong, khỏi bàn cãi… hiển nhiên không phải vì Putin tử tế với nhân quyền).

Nếu Trump biệt nhãn với VN, hiển nhiên vì cần làm suy yếu thế trận TQ đã dàn ra ở Biển Đông, nơi đang cần hòa bình và ổn định, vừa là quyền lợi của VN và vừa là quyền lợi của Mỹ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tin Việt Nam - Google VN

Trump sẽ thay đổi thế giới như thế nào?