Thủ tướng tương lai của Trung Quốc muốn ưu tiên thị trường



Ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du Châu Âu, Brussels, 03/05/2012.


Ông Lý Khắc Cường trong chuyến công du Châu Âu, Brussels, 03/05/2012.
REUTERS/Yves Herman/Files


Thụy My

Hãng tin AFP dẫn nguồn tin từ báo chí Trung Quốc hôm nay 23/11/2012 cho biết, Thủ tướng tương lai của nước này là Lý Khắc Cường - người vừa trở thành nhân vật số hai của chế độ - đã nhấn mạnh rằng nhất thiết phải tiếp tục các cải cách kinh tế để dành nhiều chỗ hơn cho thị trường, và tái phân phối của cải xã hội.


Trong một hội nghị hôm thứ Tư 21/11 tập hợp những người đứng đầu 11 tỉnh thành sẽ làm thí điểm các biện pháp cải cách mới, ông Lý Khắc Cường tuyên bố : « Cần phải trao cho xã hội và thị trường những gì thuộc về xã hội và thị trường : đó là ý nghĩa của cải cách. Phải tiến lên phía trước, không thể tháo lui ».

Nhân vật sẽ lên làm Thủ tướng vào tháng Ba năm tới nhấn mạnh rằng cải cách sẽ mang đến lợi ích cho người dân. Ông Lý Khắc Cường cũng nhắc lại mục tiêu đến năm 2020 sẽ đạt đến một « xã hội trung lưu sung túc », do đại hội Đảng lần thứ 18 đề ra.

Theo một viên chức chính phủ được Tân Hoa Xã dẫn lời, thì ông Lý Khắc Cường trong cuộc hội nghị trên đây, có một phong cách lãnh đạo mới mẻ. Ông « thường xuyên ngắt lời để đặt ra câu hỏi » cho những cán bộ đang đọc báo cáo, buộc họ phải ứng biến, khiến nhiều người không khỏi lúng túng.

Thủ tướng tương lai dự báo tiền lương sẽ tăng cao trong khi dân số hoạt động bắt đầu giảm sút trước năm 2020. Tuy nhiên ông vẫn cho rằng nền kinh tế thứ nhì thế giới vẫn còn lợi thế về lao động trong một thời gian dài : năm 2030 Trung Quốc vẫn có đến 900 triệu người lao động. Theo ông Lý Khắc Cường thì : « Cần phải cải tiến vai trò của chính phủ, quản lý tốt quan hệ giữa chính quyền và thị trường, để giúp thị trường đóng vai trò cơ bản hơn trong việc phân phối các nguồn lực ».

Hiện nay các công ty quốc doanh giữ vai trò thống trị trong nhiều lãnh vực chủ chốt của nền kinh tế Trung Quốc như kỹ nghệ nặng, giao thông, năng lượng, viễn thông hay tài chính, nhưng phần lớn số công ăn việc làm lại do khu vực tư nhân tạo ra.

Ông Lý Khắc Cường cũng tố cáo tình trạng đặc quyền đặc lợi, trong lúc người dân bất bình về những ưu đãi dành cho tầng lớp cán bộ, và nạn tham nhũng lan tràn.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện