EU nổi giận về lệnh cấm đi lại của Nga

Cựu phó thủ tướng Anh Nick Clegg được biết có tên trong danh sách cấm đi lại của Nga
 
Theo BBC
31 tháng 5 2015
Liên hiệp Âu châu phản ứng giận dữ về việc Nga ban lệnh cấm nhập cảnh đối với 89 chính trị gia, quan chức và quan chức quân sự của châu Âu.
Trong số những người bị cấm được cho là có cả tổng thư ký Hội đồng EU, Uwe Corsepius, và cựu Phó thủ tướng Anh, Nick Clegg.
Nga đã chia sẻ danh sách này sau khi các nhà ngoại giao đã có một số lần đưa ra yêu cầu, EU nói.
EU gọi lệnh cấm là "hoàn toàn tùy tiện và không thỏa đáng", và nói đã không hề có lời giải thích nào được đưa ra về quyết định đó.
Nhiều người trong danh sách bị cấm là những người chỉ trích mạnh mẽ Điện Kremlin, và một số người đã bị Nga từ chối trong những tháng gần đây.
EU nói tổ chức này đã lặp đi lặp lại yêu cầu cung cấp danh sách những người bị cấm, nhưng đã không nhận được gì cho tới tận bây giờ.
"Danh sách gồm 89 người nay được giới chức Nga chia sẻ. Chúng tôi không có bất kỳ thông tin nào khác về cơ sở pháp lý, về việc phân nhóm và quá trình đưa ra quyết định này," một phát ngôn nhân của EU nói hôm thứ Bảy.
"Chúng tôi coi biện pháp này là hoàn toàn tùy tiện và không thỏa đáng, đặc biệt là khi không có những diễn giải chi tiết và sự minh bạch trong việc lập danh sách," ông nói thêm.
Một quan chức Bộ Ngoại giao Nga không xác nhận danh tính những người bị cấm nhưng nói lệnh cấm là kết quả của các lệnh trừng phạt mà EU áp dụng đối với Nga.
"Tại sao chính xác những người đó có tên trong danh sách... là chuyện đơn giản - đó là câu trả lời cho chiến dịch trừng phạt Nga mà một số nước thành viên của Liên hiệp Âu châu áp dụng," quan chức giấu tên này nói với hãng tin Nga Tass.
Quan chức này nói Moscow trước đó đã khuyến cáo mọi quan chức ngoại giao từ các nước áp lệnh trừng phạt lên Nga cần kiểm tra với cơ quan lãnh sự Nga trước khi đi để được biết mình có bị cấm hay không.
Lệnh trừng phạt của EU được áp dụng sau khi Nga sáp nhập vùng Crimea của Ukraine vào thành của Nga hồi tháng Ba 2014 và đã được gia hạn giữa lúc giao tranh giữa binh lính chính phủ và các thành phần đòi ly khai thân Nga vẫn tiếp diễn ở vùng Đông Ukraine.
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte hôm thứ Sáu nói với các phóng viên rằng danh sách đã được chia sẻ với các quan chức ngoại giao EU và có ba chính trị gia Hà Lan nằm trong danh sách này. Ông nói Hà Lan sẽ không tuân thủ lệnh cấm bởi lệnh này "không dựa trên luật pháp quốc tế".
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte nói lệnh cấm "không dựa trên luật pháp quốc tế"
Các quan chức tình báo và quân sự Anh, trong đó có Giám đốc MI5 Tướng Andrew Parker, cựu Giám đốc MI6 Sir John Sawers và Tổng tham mưu trưởng quốc phòng Tướng Sir Nicholas Houghton được cho là cũng có tên trong danh sách.
Cũng góp mặt trong danh sách là triết gia người Pháp Bernard-Henri Levy, cựu Thủ tướng Bỉ Guy Verhofstadt và cựu quan chức phụ trách lĩnh vực mở rộng EU Stefan Fule.
Ngoại trưởng Thụy Điển Margot Wallstrom nói nước bà đã đòi Nga phải giải thích.
Có tám người Thụy Điển trong danh sách, trong đó có Dân biểu EU người Thụy Điển Anna Maria Corazza Bildt.
"Tôi tự hào chứ không sợ hãi và điều này càng làm tôi quyết tâm theo đuổi... Nếu Kremlin cứng rắn với tôi và các đồng nghiệp thì điều đó có nghĩa là chúng tôi đang làm tốt công việc của minh," bà Bildt nói với hãng tin AFP.
Cựu ngoại trưởng Czech, Karel Schwarzenberg, cũng nói ông hài lòng thấy mình có tên trong danh sách.
"Khi tôi thấy tên mình (trong danh sách), tôi thấy mình có mặt trong một câu lạc bộ rất chỉn chu. Tôi coi đây như một phần thưởng," ông được hãng tin CTK dẫn lời.
Các nước khác có quan chức bị liệt kê trong danh sách được biết gồm Ba Lan, Latvia, Lithuania, Estonia, Đan Mạch, Phần Lan, Romania, Bulgaria và Tây Ban Nha.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?