Khẩu chiến Miến Điện–LHQ tại hội nghị về thuyền nhân

Theo RFI
 
media
 
Đai diện của Cao ủy tị nạn khu vực (UNHCR) Jeremy Douglas phát biểu tại hội nghị, Bangkok, 29/05/2015.REUTERS/Chaiwat Subprasom
 
Căng thẳng đã bùng lên tại Hội nghị khu vực khai mạc hôm nay, 29/05/2015 tại Bangkok để tìm giải pháp cho cuộc khủng hoảng di dân tại Đông Nam Á. Đại diện Miến Điện và Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc HCR đã đấu khẩu gay gắt về người Hồi giáo Rohingya, hiện chiếm một tỷ lệ đáng kể trong số người di cư.
Theo Arnaud Dubus, thông tín viên RFI tại Bangkok, cuộc khẩu chiến công khai này nêu bật những khó khăn trong việc hợp tác giữa các nước nhằm giải quyết vấn đề di dân bất hợp pháp.
« Trước phái đoàn của 17 quốc gia tham gia hội nghị, Đại diện Phủ Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc đã yêu cầu Miến Điện gánh vác đầy đủ trách nhiệm của mình liên quan đến sắc dân thiểu số Rohingya. Ông đã gợi lên vấn đề chính quyền Miến Điện từ chối cấp quốc tịch và hạn chế quyền đi lại của số người này.
Đại diện Miến Điện đã cực lực phản đối, cho rằng vạch mặt chỉ tên Miến Điện và chính trị hóa vấn đề di dân không đi đến đâu, và chỉ cản trở việc tìm ra một giải pháp.
Cuộc khẩu chiến cho thấy rõ các khó khăn trong việc điều phối hoạt động giữa các quốc gia chủ chốt có liên quan đến hồ sơ này, trong đó có cả hai nước có người di cư là Bangladesh và Miến Điện, và các cơ quan quốc tế.
Miến Điện khẳng định rằng hầu như không có người Rohingya trong số những người vượt biển trôi dạt đến bờ biển các nước Đông Nam Á. Lời khẳng định này đã bị thực tế phản bác, với các cuộc phỏng vấn được thực hiện tại các trại tạm cư cho thuyền nhân đã đến được Indonesia.
Ngoài tình hình căng thẳng kể trên, thách thức lớn đặt ra cho Hội nghị tại Bangkok là làm sao thiết lập được một cơ chế phối hợp hành động giữa các quốc gia khác nhau trong một thời gian dài. »

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?