Tin Việt Nam – 27/04/2017

Tin Việt Nam – 27/04/2017

Tháng 4: Tháng Tang

Những người Việt tại Hoa Kỳ từng phục vụ cho chính quyền Sài Gòn rất đau lòng mỗi khi nhắc đến ngày 30/4. Họ gọi đó là ngày Quốc hận, và xem tháng Tư là tháng Tư Đen hay Tháng Tang.
Ông Phạm Ngọc Cửu, thành viên của Cộng đồng Người Việt Quốc gia Liên bang Hoa Kỳ tại Florida, cựu phó tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận, năm nay 76 tuổi, nói với VOA Việt ngữ rằng tháng Tư là tháng Tang:
“Đối với tôi trong 42 năm, tháng Tư là tháng tang. Trừ dịp các đoàn thể có chương trình kỷ niệm gì đó thì tôi tới thôi, còn ngoài ra những gì vui chơi là tôi không bao giờ nghĩ tới, mà tôi nghĩ tới những người anh em, đồng đội, những người cùng chiến đấu đã mất.”
Ông Phạm Ngọc Cửu từng phục vụ tại Tòa Hành Chánh Bình Thuận từ 1967, chức vụ cuối cùng là Phó Tỉnh trưởng tỉnh Bình Thuận mà ông đảm nhận từ năm 1971- đến ngày 18/4/1975.
Sau ngày 1-5-1975, ông Phan Ngọc Cửu bị ở tù 13 năm, bị chuyển qua các trại tù từ Nam ra Bắc, rồi từ Bắc vào Nam, trong đó có 6 tháng bị biệt giam và cùm chân tay trong xà lim ở nhà tù Thanh Hóa. Tháng 2/1988, ông được phóng thích và đến Mỹ vào tháng 6/1991, sau 17 năm mới đoàn tụ gia đình tại thành phố Orlando. Ông còn là Hội Trưởng Hội Tương trợ Cựu Chiến Binh Bình Thuận Hải ngoại và tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng tại Florida.
Cũng như ông Cửu, ông Phạm Trần Anh ở California cũng rất đau buồn vì quá nhiều đồng đội đã ngã xuống trong biến cố 30/4/1975.
“Nói và nghĩ về ngày 30/4: đó là một sự kiện lịch sử. Cái mà gọi là thống nhất, thực tế là cuộc xâm lăng. Thống nhất mà lòng người phân tán và hàng trăm ngàn người đã hy sinh chính tính mạng của họ để đổi lấy ý tưởng tự do. Đây là cuộc bỏ thân, bỏ phiếu bằng thân vĩ đại nhất trong lịch sử và 5 vị tướng đã tuẫn tiết, và trăm hàng ngàn sĩ quan đã hy sinh vào ngày 30/4.”
Ông Phạm Trần Anh còn gọi ngày 30/4/1975 là “Ngày Quốc hận” tháng Tư là “tháng Tư Đen”, sau khi Bắc Việt “xé bỏ hiệp ước Paris 27-1-1973 đem quân xâm chiếm miền Nam Việt Nam.”
Trong một bài viết về chiến tranh Việt Nam, sử gia Phạm Trần Anh cho rằng Chiến tranh Việt Nam không phải là giành độc lập dân tộc như nó từng được rao truyền, mà đã trở thành cuộc chiến tranh ý thức hệ giữa 2 hệ thống tư tưởng: Chủ nghĩa Cộng sản và chủ nghĩa Tư Bản của thế giới tự do.
Sử gia Phạm Trần Anh từng là Giám đốc Học viện Hành chánh Quốc gia Sài gòn. Ông còn là nhà văn, nhà biên khảo. Sau ngày 30/4/ 1975, ông thành lập Mặt Trận Tự Do Người Việt Diệt Cộng Cứu Quốc.
Ông Phạm Trần Anh, năm nay 72 tuổi, bị bắt năm 1977 và bị xử án tù chung thân vì tội hoạt động lật đổ chính quyền. Ông được trả tự do vào ngày 3/8/1997 nhờ sự can thiệp của Hội Ân xá Quốc tế, sau hơn 20 năm trải qua các nhà tù ở Việt Nam trong đó có 9 năm bị cùm chân tay trong xà lim biệt giam.
Sang Mỹ vào tháng 9/ 2006, ông Phạm Trần Anh dành mọi nỗ lực vào việc viết sách, nhất là truy tìm nguồn gốc dân tộc Việt Nam với các tác phẩm như: Cội nguồn Việt Tộc, Huyền Tích Việt, Quốc Tổ Hùng Vương, Việt Nam Thời Lập Quốc và năm 2016 xuất bản sách Đế Quốc Mới Trung Cộng.
Cũng như ông Phạm Trần Anh, ông Phạm Ngọc Cửu dành hết thời gian của mình để đóng góp cho cộng đồng và hướng về phong trào dân chủ trong nước.
Đầu tháng 4, một hoạt động cụ thể mà ông Cửu đã thực hiện là tổ chức thành công cuộc biểu tình chống Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Florida, nơi ông Tập hội đàm với Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Ông Cửu cảm nhận đã có một ‘luồng gió mới, một sinh khí mới hiện diện trên quê hương Việt Nam.
“Năm nay cảm tưởng riêng của tôi là tôi phấn khởi hơn năm nào hết vì tình hình trong nước có những chỉ dấu, có những sự kiện xảy ra làm cho mình nghĩ rằng con đường đấu tranh có thể đi tới kết quả, đã dám đứng dậy, dám có tiếng nói, đã dám có những hành động như đi vào các cơ quan của chính quyền biểu tình. Mới đây hành động mạnh nhất là ở Đồng Tâm, đã bắt giữ công an, những người đi chiếm đất đai.”
Ngược lại với các cựu quân nhân và công chức chính quyền Sài Gòn, nhà thơ Lãm Thúy ở Maryland không muốn nhắc đến những mất mác, đau buồn ngày 30/4, nhưng khi nhìn lại Việt Nam sau 42 năm, bà chia sẻ với VOA Việt Ngữ rằng:
“Tôi thấy người nào giàu thì rất giàu. Người nào khổ thì cũng rất khổ. Tôi về thì tôi sống ở dưới quê.”
Là vợ của một cựu quân nhân Việt Nam Cộng hòa, nhà thơ Lãm Thúy sinh quán tại Nhơn Ái, Phong Điền, Cần Thơ, định cư tại Mỹ năm 1992.
Mong mỏi duy nhất của bà cho ngày 30/4 năm nay là Việt luôn gìn giữ được chủ quyền đất nước và không bị lệ thuộc vào Trung Quốc:
“Mong đất nước mình giữ được chủ quyền và đừng lệ thuộc vào Trung Quốc, không bị mất nước. Đó là điều mong mỏi lớn lao nhất, bất cứ là trong dịp lễ này hay là suốt cuộc đời, chỉ mong đất nước Việt Nam là của người Việt Nam.”

Ủy hội Hoa Kỳ về tự do tôn giáo quốc tế ra phúc trình 2017

Ủy hội Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Quốc tế, USCIRF vào ngày 26 tháng tư công bố phúc trình thường niên về tình hình tự do tôn giáo tại một số quốc gia.
Chủ tịch USCIRF, linh mục Thomas Reese, phát biểu nhân dịp công bố phúc trình rằng về mặt tổng quát USCIRF kết luận tình hình vi phạm tự do tôn giáo đang ngày càng xấu đi cả về chiều sâu và diện rộng. Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Quốc hội và Chính quyền Hoa Kỳ kiên trì nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do tôn giáo cho tất cả mọi người, ở mọi nơi thông qua những tuyên bố công cũng như ở những cuộc gặp chung hay riêng.
Trong phúc trình năm nay, USCIRF kêu gọi Ngoại trưởng Hoa Kỳ đưa Nga vào diện quốc gia cần quan tâm- CPC vì Matxcova tiếp tục sử dụng luật gọi là chống cực đoan như công cụ giới hạn quyền tự do của nhiều giáo phái khác nhau.
Việt Nam cũng bị USCIRF kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ đưa lại vào danh sách CPC.
USCIRF thừa nhận trong năm qua từ khi Luật Tín ngưỡng- Tôn giáo được thông qua dù chưa hoàn toàn đáp ứng những chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực này, Việt Nam có một số tiến triển trong cải thiện điều kiện cho quyền tự do tôn giáo. Tuy vậy, nhiều vi phạm nghiêm trọng vẫn tiếp diễn, đặc biệt đối với những cộng đồng thiểu số ở những vùng nông thôn tại một số tỉnh.

Công bố danh sách chế tài theo luật Magnitsky đợt 2

Danh sách đề nghị chế tài đợt 2 theo Luật Magnisky toàn cầu được tổ chức BPSOS ở Hoa Kỳ công bố hôm 27 tháng 4.
Danh sách đợt 2 gồm 21 nhân vật, trong đó có 19 giới chức chính quyền cấp thành phố, huyện và phường liên quan đến vụ cưỡng chế đất của người dân Cồn Dầu, Đà Nẵng.
Danh sách này thuộc bộ hồ sơ số 4 trong tổng cộng 6 bộ hồ sơ đã nộp cho Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ từ cuối tháng 2 vừa qua.
Các hành vi đàn áp nhân quyền trong hồ sơ Cồn Dầu được nêu ra là tra tấn và đánh chết người. Sự việc xảy ra từ năm 2010.
Trong hồ sơ có tên ông cựu bí thư thành phố Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh, lúc đó kiêm chủ tịch Hội Đồng Nhân dân Thành phố Đà Nẵng, tuy đã qua đời, nhưng vẫn bị nêu tên trong hồ sơ vì là tâm điểm của mạng lưới liên can đến nhân quyền và tham nhũng. Ông Thanh được cho là người chủ chốt đứng đằng sau kế hoạch vụ Cồn Dầu.
Cũng liên quan đến đất đai Cồn Dầu, vào ngày 24 tháng 4 vừa qua, UBND Thành phố Đà Nẵng có buổi đối thoại trực tiếp với các hộ dân ở giáo xứ Cồn Dầu về phương án tái định cư của Thành phố Đà Nẵng.
Báo Tuổi Trẻ đưa tin cho biết chỉ có 3 trong số 87 hộ tham dự đối thoại.
Báo trích dẫn lời ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng cho biết sẽ trực tiếp giải quyết các thư khiếu kiện của những hộ gia đình ở giáo xứ Cồn Dầu chưa đồng tình với phương án tái định cư thuộc dự án khu đô thị sinh thái ven xông Hoà Xuân.
Theo trình bày của ông Minh, thành phố đang có những chính sách ưu tiên sớm thực hiện đối với những hộ có khiếu nại đề nghị được tái định cư gần nhà thờ Cồn Dầu.
Một phương án hoán đổi ưu tiên được ông Minh đưa ra là chủ hộ sẽ chuyển nhượng cho Công ty cổ phần Tập đoàn Mặt Trời 1 lô đất họ nhận được tại khu tái định cư để đổi lấy 1 lô đất gần nhà thờ.

Kiến nghị sửa đổi luật đất đai

Hơn 60 tổ chức và các nhân đồng ký tên vào một kiến nghị yêu cầu sửa đổi chính sách đất đai của Việt Nam.
Kiến nghị được gửi đến Quốc hội Việt Nam, Chủ tịch nước Việt Nam, Chính phủ Việt Nam, Bộ chính trị đảng cộng sản Việt Nam, các tổ chức nhân quyền trong nước và quốc tế, cùng với các cơ quan truyền thông.
Những người ký tên bao gồm nhiều thành phần xã hội, với 10 tổ chức xã hội và hơn 60 cá nhân. Trong số này có đông đảo các nhà báo, những nhà hoạt động dân sự, và cựu quan chức của chính phủ Việt Nam nhu các ông Chu Hảo cựu thứ trưởng, Nguyễn Khắc Mai cựu quan chức ban dân vận trung ương, Võ Văn Thôn, cựu giám đốc sở tư pháp thành phố Hồ Chí Minh.
Ông Nguyễn Khắc Mai cho biết về kiến nghị mà ông tham gia ký tên:
“Yêu cầu thay đổi, sửa đổi một cái luật đất đai rất là phi lý và phản động, vì nó tạo ra bất ổn xã hội, tạo ra tham nhũng, tạo ra một trạng thái cướp quyền của dân. Chúng tôi hy vọng không như những lần trước, kiến nghị ai nghe thì nghe không nghe thì thôi. Lần này phải làm khác, phải mở, kéo dài không ạn định, tuyên truyền người dân ký càng nhiều càng tốt. Đây là một cuộc người dân lấy ý kiến của mình chứ không phải chính phủ lấy ý kiến dân.”
Ngoài ra còn có nhiều người Việt Nam đang sống ở nước ngoài.
Nội dung của kiến nghị nêu rõ chính sách công hữu về đất đai của Việt Nam hiện nay là theo học thuyết đấu tranh giai cấp đã lỗi thời. Chính sách này đang tạo điều kiện cho các quan chức quan liêu và tham nhũng cướp đoạt đất đai của người dân.
Những người ký tên kêu gọi công nhận và bảo hộ quyền tư hữu đất đai. Việc lấy đất cho các mục tiêu quốc phòng và công ích phải có sự đền bù thỏa đáng cho người dân. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước muốn có đất thì phải thỏa thuận với người dân. Nghiêm cấm quân đội tham gia thu hồi đất đai.
Kiến nghị sửa đổi luật đất đai được đưa ra chỉ vài ngày sau khi cuộc khủng hoảng đất đai ở Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội được giải quyết.
Chủ tịch thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Đức Chung đã công bố quyết định tổ chức thanh tra vụ tranh chấp đất đai tại Đồng Tâm trong 45 ngày, và tin cho biết là đoàn thanh tra đã thay thế ông Hồ Khiêm phó trưởng đoàn thanh tra bằng người khác, theo yêu cầu của người dân tại Đồng Tâm.
Vào ngày 27 tháng tư, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cũng yêu cầu các cơ quan và địa phương trên địa bàn thành phố rà soát lại các vụ khiếu kiện đông người tại Hà Nội.
Tại thành phố Hồ Chí Minh, ông Võ Văn Hoan chánh văn phòng ủy ban nhân dân cũng tuyên bố là thành phố này sẽ không để xảy ra những việc như ở Đồng Tâm, và theo lời ông thì trong thời gian qua thành phố Hồ Chí Minh đã làm tốt công tác đền bù và giải tỏa, không để xảy ra những vụ khủng hoảng như Đồng Tâm, mặc dù ông cũng công nhận ràng vẫn còn có sự không hài lòng của dân chúng.

Nhận định về vụ ‘xem xét kỷ luật’ Bí thư TPHCM Đinh La Thăng

“Diễn biến rất lớn” xảy ra khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Đó là nhận xét với BBC hôm 27/4 của Giáo sư Zachary Abuza, Học viện Quân sự Quốc gia (National War College), Hoa Kỳ.
“Trước đây có vẻ như ông Thăng được cơ cấu cho những vị trí to hơn,” ông Abuza nói sau khi hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương nói ông Đinh La Thăng “chịu trách nhiệm người đứng đầu” về các vi phạm, khuyết điểm của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) trong giai đoạn 2009 – 2011.
Ông Thăng từng là Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch Hội đồng Thành viên PVN.
Tiến sĩ Abuza nhận định: “Nhiều vụ xử hay điều tra tham nhũng gần đây liên quan tay chân hay đệ tử của ông Thăng.”
“Đây đúng là nguyên tắc của chính trị Việt Nam: Nếu đối thủ quá mạnh, anh nhắm vào người của họ.”
“Cựu Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã sống sót qua các vụ thua lỗ và bê bối tham nhũng còn lớn hơn, nhưng vẫn tồn tại được.”
“Ông Dũng có vốn chính trị nhiều hơn, có mạng lưới lớn hơn để vây quanh và bảo vệ ông ta.”
“Quan trọng hơn, ông Dũng còn có những đảng viên lão thành bảo vệ, vì tôi đoán họ cho rằng nếu ông Dũng đổ thì sẽ gây hại cho tiến trình và tầm mức cải tổ.”
Ông Abuza cho rằng trường hợp ông Đinh La Thăng khác.
“Ông Thăng có thể bị cho xuống mà chẳng ảnh hưởng đến tương lai chương trình cải tổ kinh tế. Ban lãnh đạo hiện nay họ quyết tâm có thêm cải cách.”
“Đảng Cộng sản rõ ràng lo ngại về tham nhũng. Đó là nhược điểm của Đảng, họ biết.”
“Nhưng nếu họ không cho truyền thông có tự do, thì cứ phải dùng biện pháp cổ điển ‘rung cây dọa khỉ’, tức là chọn vài cá nhân mà chém.”
Chuyên gia Zachary Abuza cũng lưu ý Hội nghị Trung ương 5 sắp diễn ra đầu tháng Năm.
“Thời điểm loan báo hôm nay không phải là tình cờ. Nó là một phần của chuyện to hơn.”
“Tôi không tin rằng đây chỉ là một vụ điều tra tham nhũng thông thường,” ông Abuza nói.

Ủy viên Bộ Chính trị nào ở VN từng bị kỷ luật?

Trong hệ thống chính trị của Việt Nam sau 1975, thành viên Bộ Chính trị là những nhân vật cao cấp nhất của Đảng Cộng sản cầm quyền và việc kỷ luật họ là rất hiếm khi xảy ra.
Vì vậy, dư luận rất quan tâm việc hôm 27/4 Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với Ủy viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng.
Tuy vậy, kể Đại hội 6 của Đảng cầm quyền ở Việt Nam năm 1986 cũng đã có một số trường hợp ủy viên Bộ Chính trị nhận những hình thức kỷ luật khác nhau.
Trần Xuân Bách
Tại Đại hội 6 của Đảng Cộng sản năm 1986, ông Trần Xuân Bách được bầu làm Ủy viên Bộ Chính trị. Ông cũng là Trưởng ban Đối ngoại Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương lần thứ tám năm 1990, ông nhận quyết định cách chức Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương, Uý viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng “vì đã vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây ra nhiều hậu quả xấu”.
Cuốn sách Nguyễn Văn Linh – Tiểu sử (NXB Chính trị Quốc gia Hà Nội 2007) cho biết thêm hội nghị này “xử lý kỷ luật đối với đồng chí Trần Xuân Bách” “vì đã tuyên truyền quan điểm đa nguyên, đa đảng, vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tổ chức và kỷ luật của Đảng, gây nhiều hậu quả xấu”.
Ông Nguyễn Văn Linh là Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ 1986 đến 1991.
Nguyễn Hà Phan
Ông Nguyễn Hà Phan từng là Phó Chủ tịch Quốc hội và trở thành Ủy viên Bộ Chính trị năm 1993, được phân công làm Thường trực Ban Bí thư.
Nhưng trước khi Đại hội Đảng diễn ra năm 1996, xuất hiện đơn thư tố cáo ông Hà Phan “đã từng khai báo nghiêm trọng” khi bị bắt năm 1958 trong thời chiến tại miền Nam.
Ngày 17/4/1996, Trung ương Đảng họp biểu quyết khai trừ ông Nguyễn Hà Phan ra khỏi Đảng.
Trương Tấn Sang
Ông Trương Tấn Sang được bầu vào Bộ Chính trị năm 1996, giữ chức Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 2000, ông trở thành Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Năm 2001, ông tiếp tục vào Bộ Chính trị và giữ chức Trưởng ban Kinh tế Trung ương.
Nhưng tại Hội nghị Trung ương 7 năm 2003, ông bị kỷ luật “bằng hình thức khiển trách”.
Thông cáo chính thức khi đó nói việc kỷ luật là vì “trong thời kỳ làm Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh (khóa VI) chưa làm tròn trách nhiệm trong việc chỉ đạo điều tra, ngăn chặn những hoạt động tội phạm của Trương Văn Cam cùng đồng bọn và có những khuyết điểm trong công tác cán bộ”.
Tuy vậy, đến Đại hội Đảng X năm 2006, ông tiếp tục được bầu vào Bộ Chính trị, giữ chức Thường trực Ban Bí thư.
Tại Đại hội XI năm 2011, ông tiếp tục ở trong Bộ Chính trị, trở thành Chủ tịch nước.
Năm 2016, ông xin không tái cử tại Đại hội XII và thôi chức Chủ tịch nước.

Việt Nam yêu cầu facebook loại bỏ tài khoản “độc hại”

Lan Hương, phóng viên RFA
Chính phủ Việt Nam liên tục yêu cầu các tập đoàn lớn như Google, Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản, video hay những tài liệu mà theo Hà nội là mang nội dung xấu, bôi nhọ Đảng và Nhà nước, xúc phạm nhân phẩm người khác.
Thế nào là “độc hại” theo nhà cầm quyền?
Ngày 26/4 Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông Trương Minh Tuấn gặp gỡ với đoàn cao cấp Facebook để trao đổi về tình hình sử dụng Facebook tại Việt Nam. Trong buổi trao đổi, ngoài những lời đánh giá cao vai trò quan trọng của Facebook trong phát triển kinh tế xã hội ở Việt Nam, ông Trương Minh Tuấn còn yêu cầu Facebook can thiệp vào việc gỡ bỏ những tài khoản mà ông này cho là mạo danh, kích động bạo lực trên Facebook, tấn công thù địch, xâm hại trẻ em, xâm hại đời tư cá nhân, xúc phạm nhân phẩm, xâm phạm đời tư của phụ nữ và đặc biệt là mạo danh các lãnh đạo Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Tôi đã tìm đọc các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ “thù địch”. Trước giờ báo lề đảng chơi trò nhét chữ vào mồm thiên hạ nhiều rồi.
- Ông Hoàng Ngọc Diêu
Truyền thông trong nước loan tin trước đề nghị của người đứng đầu ngành truyền thông Việt Nam, phía Facebook cũng đã cam kết rằng tất cả các tất cả các tài khoản đăng tải nội dung xấu mang tính chất bôi nhọ người khác sẽ không còn chỗ “dung thân” trên Facebook. Đại diện phía Facebook cũng nhấn mạnh rằng sẽ tuân thủ pháp luật Việt Nam để tạo một môi trường Facebook lành mạnh.
Chúng tôi đã email trao đổi với một chuyên gia công nghệ thông tin, ông Hoàng Ngọc Diêu, hiện đang sống tại Úc về nội dung liên quan và được ông này cho biết quan điểm cá nhân:
Tôi đã tìm đọc các điều khoản sử dụng của Facebook, không hề có chữ “thù địch”. Trước giờ báo lề đảng chơi trò nhét chữ vào mồm thiên hạ nhiều rồi. Chuyện này khó đoán, bởi lẽ, tôi không nắm được doanh thu của Facebook lấy từ “khách” ở VN là bao nhiêu để họ có thể có những quyết định có lợi về kinh tế.
Thứ nhì, nếu Facebook đưa ra một chính sách có lợi cho nhà cầm quyền Cộng sản Việt Nam thì có lẽ họ sẽ đón nhận những thứ lời chỉ trích từ dư luận nhiều hơn là lời khen. Facebook nắm trong tay con dao 2 lưỡi. Con dao ấy có thể có lợi hoặc có thể có hại cho Facebook.
Nói sự thật là phản động?
Facebooker Trần Bang đưa ra nhận xét về những tài khoản Facebook đăng tải những bài viết, hình ảnh, video mà chính quyền Việt Nam liệt vào loại “bôi nhọ, phỉ báng, thù địch, phản động”:
Khi nói sự thật hoặc phản biện thì sự thật nó xấu mình phải nói là xấu, chứ không thể bôi xấu được. Từ trước đến nay họ làm như vậy rồi, họ tìm mọi cách để ngăn cản. Mấy năm vừa rồi Facebook phát triển họ chưa tìm được cách ngăn cản, tiếp cận với Facebook hay Google để tác động. Bây giờ họ đã tìm được thì bây giờ họ tác động.
Sau năm 1975 họ đã từng tiêu hủy hết những tài liệu văn hóa mà họ cho là độc hại. Trong khi đó bây giờ nhiều người lại đi sưu tầm lại sách giáo khoa từ trước năm 75 và thấy nó còn hay hơn bây giờ. Nhiều tác phẩm của nhà văn, nhà báo, nhà khoa học trước năm 75 trong Sài Gòn còn tiến bộ hơn bây giờ.
Đây không phải là lần đầu tiên Việt Nam tìm đến các hãng thông tin lớn để nhờ sự giúp đỡ của họ vào việc dập tắt những tiếng nói không cùng quan điểm chính trị với họ và gán cho những người này các tội danh “vu khống, bôi nhọ, xúc phạm lãnh đạo”. Hồi trung tuần tháng 4, Cơ quan chức năng Việt Nam yêu cầu Google gỡ bỏ hơn 2000 clip nói xấu, bôi nhọ lãnh đạo Đảng và Nhà nước trên YouTube và cho đến nay đã có hơn 1000 clip đã bị xóa.
Khi thông tin này được loan tải, rất nhiều ý kiến trên các trang mạng đã chỉ trích nhà cầm quyền, chúng tôi xin trích nguyên văn như sau: “Nếu trong sạch thì không sợ người dân bôi bẩn, cây ngay không sợ chết đứng!”, hay “khi xem những clip này tôi cũng buồn lắm, nhưng có gì đẹp để cho người ta nói đâu”.
Một facebooker khác, anh Phan Tất Thành, một người nói phải chịu rất nhiều sức ép từ phía an ninh vì những bài viết đăng trên Facebook, cho chúng tôi biết quan điểm của mình:
Tôi chỉ nói sự thật thôi, tôi không chống ai cả. Nếu có chống tôi chống những Đảng viên thoái hóa, tiêu cực chứ tôi không chống Đảng, không chống chính quyền. Nói thật thì bảo là nói xấu! Tôi nhớ là Voltaire có nói rằng có thể tôi không đồng ý điều anh nói, nhưng tôi sẽ bảo vệ đến chết quyền được nói của anh. Như vậy ta phải thực hiện đúng khẩu hiệu nhân quyền đó.
Việc người ta không thể trực tiếp bịt mồm những người nêu nên ý kiến được thì người ta nhờ Facebook làm, đó là việc của họ. 
- Anh Phan Tất Thành 
Quan điểm của Đảng là đấu tranh, tự phê bình giúp cho Đảng phát triển. Tôi nói với các anh em an ninh rằng các ông bảo vệ Đảng theo kiểu của các ông còn tôi bảo vệ theo kiểu của tôi. Các ông tô son chat phấn cho đẹp lên, còn tôi tôi bôi thuốc lên. Thuốc đắng dã tật! Nhưng có lẽ cách của tôi mới tốt hơn, bởi vì cách của tôi mới khỏi bệnh, còn cách của các ông chỉ làm bệnh tình nặng thêm.
Một số facebooker khác cũng bị bắt vì tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước”, từ đầu năm đến nay điển hình như trường hợp ông Bùi Hiếu Võ, Phan Kim Khánh…
Và từ tháng Mười năm 2016 đến nay, ít nhất có 8 người bị nhà cầm quyền Việt Nam bắt giam vì đăng tải những thông tin, hình ảnh, video clip về các vấn đề thời sự của đất nước qua mạng xã hội như Facebook, Blogspot, YouTube. Anh Trần Bang nhận định về vấn đề này:
Quan điểm của tôi là bất cứ ai bị bắt vì viết, vì nói đều là sai và họ không đáng bị như vậy. Nhưng quan điểm của tôi là tôi không thích nói sai sự thật. Xấu 1 thì mình nói xấu 1, không nói xấu 10. Hay điều gì cụ thể mà tôi nắm rõ tôi mới nói chứ tôi không phỏng đoán hay dựa vào tin nọ, tin kia không kiểm chứng được nhưng lại đăng đại lên. Họ xấu như thế nào thì nói đúng cái xấu như thế!
Anh Phan Tất Thành lại cho rằng vì những áp lực từ quốc tế và một số bộ phận dư luận phản đối việc Việt Nam bắt giữ những facebooker này nên Nhà nước đã tìm đến sự hậu thuẫn từ phía Facebook, Google để một mặt vẫn ngăn chặn được tình hình, mặt khác làm giảm những căng thẳng với dân chúng và quốc tế:
Bây giờ công khai bắt giữ người này, người khác có khi lại là đổ dầu vào lửa. Cho nên họ ngăn chặn bằng cách sử dụng quyền lực của mình để làm việc với Facebook.
Việc người ta không thể trực tiếp bịt mồm những người nêu nên ý kiến được thì người ta nhờ Facebook làm, đó là việc của họ. Còn việc Facebook đồng thuận với họ là việc của Facebook, tôi không có ý kiến. Nhưng nếu chúng tôi không nói được bằng cách này, chúng tôi sẽ nói bằng cách khác.
Tin cũng cho biết gần đây, nhà cầm quyền Việt Nam thúc ép các đại công ty nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam phải dừng quảng cáo trên Facebook và YouTube nhằm tạo áp lực với các mạng này xóa bỏ các video và thông tin bị Hà Nội cho là độc hại.

Việt Nam bị xếp vào nước hoàn toàn không có tự do thông tin

Việt Hà, phóng viên RFA
Tổ chức Phóng viên Không biên giới có trụ sở tại Pháp hôm 26 tháng 4 công bố bản báo cáo hàng năm về tình hình tự do thông tin trên toàn thế giới. Báo cáo năm nay cho thấy một bức tranh ảm đạm của tự do thông tin ở nhiều nước trên thế giới bao gồm cả ở những nước phát triển, và đặc biệt đáng lo ngại ở những nước vốn luôn bị xếp vào những nước cuối bảng hàng năm của tổ chức này, trong đó có Việt Nam.
Tình trạng trì trệ
Trong số 180 nước được điều tra trong báo cáo thường niên về tình hình tự do thông tin toàn cầu của tổ chức Phóng viên Không biên giới năm 2017, Việt Nam đứng thứ 175 với điểm số là 73.96, tức là không có thay đổi về thứ hạng so với năm ngoái và chỉ có một thay đổi rất nhỏ về điểm số là 0.31 so với năm ngoái. Nếu nhìn vào bản đồ tự do thông tin do tổ chức Phóng viên Không biên giới cung cấp, Việt Nam nằm trong số các nước bị bôi đen, tức là hoàn toàn không có tự do thông tin.
Bản báo cáo năm 2017 dựa vào những số liệu và thông tin của toàn bộ năm 2016 ở từng nước.
Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền.
- Benjamin Ismail
Nhận xét về tình hình của Việt Nam trong năm 2016, ông Benjamin Ismail, phụ trách khu vực châu Á của tổ chức Phóng viên Không biên giới, cho đài Á châu Tự do biết:
Thực tế chúng ta đang đối với một tình trạng trì trệ. Nhìn chung cũng giống như năm trước. Một cải thiện rất nhỏ thể hiện qua điểm số so với năm ngoái. Báo cáo này dựa vào các số liệu và thông tin mà chúng tôi thu thập được từ các blogger, nhà báo trong nước để đánh giá tình hình Việt Nam.
Chúng tôi tổng hợp tình hình vi phạm tự do báo chí trong suốt cả năm. Những tấn công, đàn áp, sách nhiễu nhắm vào những người cung cấp thông tin đều được tính vào điểm số. Điểm số năm nay có thể tốt hơn một chút xíu so với giai đoạn năm 2015 là năm mà nhiều nhà báo, blogger bị tấn công bởi công an thường phục và đồng phục. Nhưng nhìn chung thì tình hình không thay đổi. Đảng Cộng sản vẫn tiếp tục đối xử tàn tệ đối với các blogger và những người lên tiếng về nhân quyền. Họ không chấp nhận bất cứ những chỉ trích nào.
Phóng viên Không biên giới nhìn nhận vai trò đưa tin của các blogger, người dân, mạng xã hội trong suốt năm 2016, điển hình là sau thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Nhưng những hoạt động này đã bị chính quyền đàn áp thẳng tay. Ông Benjamin Ismail nói tiếp
Những hoạt động này đã không được chính phủ chấp nhận. Những nhà báo đã bị tạm giữ, một số bị hành hung vì họ tìm cách đưa tin.
Theo Phóng viên Không Biên Giới, tính đến cuối năm 2016, vẫn có ít nhất khoảng 17 blogger bị cầm tù ở Việt Nam, giảm hơn so với con số 35 người được tổ chức này đưa ra vào năm 2013. Người đại diện của Phóng viên Không Biên Giới cho rằng điểm số cải thiện không đáng kể trong năm 2016 của Việt Nam có thể là do số blogger được trả tự do từ sau năm 2013 đến năm 2016, nhưng theo ông con số này còn quá nhỏ để cho thấy một sự cải thiện rõ ràng.
Phóng viên Không Biên Giới cho rằng những blogger được trả tự do trong thời gian vừa qua là vì hoặc đã thụ hết án tù, hoặc được thả trong các trao đổi ngoại giao và phải ra nước ngoài. Tuy nhiên Phóng viên Không Biên giới cảnh báo vẫn còn những blogger đang bị giam giữ chưa bị xét xử nên số blogger bị cầm tù sẽ có thể tăng lên trong thời gian tới. Nói về sức ép của quốc tế lên Việt Nam, ông Benjamin Ismail cho biết:
Một số blogger được thả đặc biệt trong năm 2014 sau khi Việt Nam phải qua phiên kiểm điểm định kỳ ở Liên Hiệp Quốc là do sức ép của quốc tế nhưng từ năm 2015, đảng Cộng sản lại tiếp tục đàn áp các bloggers và nhiều người trong số họ, các nhà hoạt động nhân quyền sau đó bị bắt và ra tòa vì các hoạt động nhân quyền của mình. Dường như chính quyền không có ý muốn thay đổi chính sách của mình.
Tự do thông tin và dân chủ trên toàn cầu đang suy giảm
Trong báo cáo đọc tại hội thảo về tự do thông tin ở tòa báo Washington Post tại Washington DC vào cùng ngày, bà Delphin Halgand, giám đốc khu vực Bắc Mỹ của Phóng viên Không Biên Giới nhận định tình hình tự do thông tin trên toàn cầu trong năm qua đang suy giảm khi 2/3 số nước trong bản báo cáo đều cho thấy những dấu hiệu đi xuống về tự do thông tin
Trong năm ngoái 2/3 số nước được điều tra trong báo cáo cho thấy sự xuống dốc. Ngay cả những nước hàng đầu như Phần Lan là nước 6 năm liền dẫn đầu bảng xếp hạng cũng đầu hàng.
Bà Delphin Halgand cho biết sự tấn công nhắm vào báo chí đang gia tăng ngay cả ở các nước phát triển như Mỹ và Anh. Nhưng điều đáng ngại hơn là nền dân chủ ở các nước Mỹ và châu Âu đang ở điểm bùng phát (tipping point).
Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ. 
- Bà Delphine Halgand
Báo cáo năm nay cho thấy một thế giới mà những tấn công vào truyền thông đã trở nên phổ biến và những kẻ mạnh (strong men) đang mạnh lên. Báo cáo năm nay nhấn mạnh điểm bùng phát trong tình hình tự do truyền thông, đặc biệt là ở những nước dân chủ hàng đầu.
Cả hai nước Mỹ và Anh trong báo cáo năm nay đều bị tụt hai hạng so với năm ngoái.
Theo bà Delphine Halgand, tình trạng xuống dốc của tự do truyền thông và dân chủ thể hiện trong báo cáo năm nay không có gì mới. Xu hướng này đã được ghi nhận từ năm ngoái. Tuy nhiên mức độ và tình trạng vi phạm tự do báo chí là điều đáng ngại ở nhiều nước.
Nhưng điều đáng ngại hơn theo tổ chức Phóng viên Không Biên Giới chính là số nước bị tô đen toàn bộ trong báo cáo năm nay, tức hoàn toàn không có tự do thông tin.
Tình hình đáng ngại đang trở nên tồi tệ, bản đồ tự do báo chí toàn cầu tối đen hơn. Tổng số 21 nước đã bị bôi màu đen trên bản đồ năm 2017 vì tình hình ở đó được xác định là hết sức tồi tệ.
Ba nước là Bắc Hàn, Eritrea và Turkmenistan tiếp tục duy trì vị trí cuối bảng trong 12 năm liên tiếp.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện