Tin khắp nơi – 29/07/2020

Tin khắp nơi – 29/07/2020

Bầu cử 2020: Tuần lễ mọi việc thay đổi cho Donald Trump – Jon Sopel

Có thể ví von là vào tháng 1/2017, Donald Trump được tặng một chiếc xe mới, sáng bóng. Chiếc xe đẹp nhất mà lần đầu cả thế giới được chiêm ngưỡng. Đến tháng 7/2020, tổng thống có một cuộc khám phá quan trọng về chiếc xe này.
Chiếc xe có cần số chạy ngược.
Đó là tính năng phụ mà Trump không bao giờ nghĩ mình sẽ cần đến – và chắc chắn ông cũng không bao giờ có ý định sử dụng. Nhưng hôm thứ Hai, ông đã khởi động tính năng đó. Trump đã vận hết sức bình sinh để kéo cần số của chiếc xe trở lại, nhưng giờ thì ông không thể nào khiến cái cần đó đừng chạy ngược nữa.
Hoặc để thay đổi phép ẩn dụ – và mượn ngôn từ được Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson, dùng để mô tả đối thủ thuộc đảng Lao động – tổng thống Trump trong tuần này, đã có nhiều”flip-flops” (tiếng lóng để chỉ việc đảo ngược quyết định) còn hơn ở bãi biển Bournemouth.
Nói tóm gọn, việc đeo khẩu trang – mà tổng thống từng chế giễu là “hành động chuẩn mực” – giờ đây được xem là hành động yêu nước, và mọi người phải luôn luôn đeo vào, khi không thể thực hiện giãn cách xã hội. Virus corona, cho đến gần đây được mô tả trong hầu hết các trường hợp chỉ là hiện tượng sổ mũi nặng, bây giờ được xem là tình trạng nghiêm trọng – và tình hình sẽ tồi tệ hơn trước khi có thể tốt lên.
Hai tuần trước, tổng thống nhấn mạnh rằng tất cả trường học phải mở cửa trở lại, nếu không ông sẽ rút tiền tài trợ. Bây giờ ông lại nói rằng, với một số thành phố mà tình hình dịch bệnh phức tạp, mở cửa là điều không phù hợp – và ông tỏ ra đồng cảm hơn với các bậc cha mẹ đang vật lộn trong việc có nên cho con tiếp tục đi học hay không.
Và quyết định “đảo ngược” đáng chú ý nhất diễn ra cách đây vài đêm về Hội nghị của Đảng Cộng hòa ở Jacksonville, Florida.
Ngài tổng thống yêu chuộng đám đông. Một đám đông ngưỡng mộ ông reo hò đến khản giọng. Kế hoạch ban đầu của ông là tổ chức hội nghị đảng ở Charlotte, North Carolina. Nhưng khi thống đốc tiểu bang đó nói rằng sẽ áp dụng giãn cách xã hội, tổng thống điên lên, tấn công thống đốc và tuyên bố một cách thô lỗ rằng đảng Cộng hòa sẽ đi nơi khác. Jacksonville sẽ là địa điểm tổ chức lễ hội đảng với đủ trò chơi, và hàng ngàn người Cộng hòa cổ vũ, reo hò.
Chỉ là, điều đó bây giờ sẽ không diễn ra.
Đó là một đảo ngược quyết định đầy kinh ngạc và đau đớn mà tổng thống phải thực hiện với trái tim trĩu nặng nhất.
Các thông báo về việc này được đưa ra trong ba đêm liên tiếp, trong các cuộc họp về virus corona vừa được hồi phục của Nhà Trắng. Trong các buổi họp được mở lại này, chỉ có một mình tổng thống, không có các cố vấn y tế của ông hộ tống như trước đây. Những buổi họp này cũng kỷ luật hơn nhiều so với khi tổng thống còn nói liên tục trên bục trong vài giờ đồng hồ, phát biểu về bất cứ điều gì và suy tư về mọi thứ – đáng nhớ nhất là liệu thuốc khử trùng và ánh sáng mặt trời có nên được tiêm vào cơ thể để điều trị virus corona hay không.
Tôi đã có mặt trong cuộc họp ngắn đáng nhớ đó với tổng thống, và trở lại một lần nữa để dự cuộc họp ngắn hôm thứ Tư của ông. Lần này ông xuất hiện chưa đầy nửa tiếng, bị mắc kẹt với những thông điệp mà ông muốn gửi đi (vâng, không ai lường trước được sự kỳ lạ về những khó khăn pháp lý mà Ghislaine Maxwell phải đối mặt), và ông trả lời rất nhiều câu hỏi. Ông cũng không bày tỏ sự tức giận, không dính vào cãi vả. Ông đến và làm đúng những thứ cần phải làm và rời đi.
Tất cả những gì tôi muốn nói là Phần 2 không thú vị bằng Phần 1 – mặc dù các tập phim đã bị cắt ngắn hơn nhiều.
Một buổi tối trong tuần này, tôi ngồi nói chuyện trong khu vườn của một người có liên quan chặt chẽ đến các hoạt động trong chính quyền Trump. Đó là một buổi tối ẩm ướt khó chịu, khi sấm sét cuộn quanh thành phố. Chúng tôi dành thời gian thảo luận về tâm lý của tổng thống (vâng, một chủ đề chung). Và người này đưa ra quan điểm rằng anh có một bậc trượng phu lạc hậu không bao giờ tỏ ra yếu đuối. Dù đôi khi ông ấy biết rằng lùi một chút, sẽ là bước đi khôn ngoan , và anh công nhận rằng điều đó thật vô lương tâm.
Nhưng nếu chúng ta vẫn chơi đòn tâm lý đám đông với bộ não của tổng thống – người có khả năng nhận thức mà giờ đây chúng ta đều biết, đó là có thể nhắc lại những chữ người, phụ nữ, đàn ông, máy ảnh, TV, theo đúng thứ tự – và với ông có một điều tồi tệ hơn yếu đuối, đó là thua cuộc.
Và mặc dù ở nơi công cộng – vì sợ trông mình yếu – tổng thống khẳng định chiến dịch tranh cử của ông đang thắng, người dân Mỹ yêu ông, và các cuộc thăm dò cho thấy tỷ lệ ông bị sụt giảm chỉ là tin giả, thực tế khó chịu hơn thế nhiều.
Lấy Florida chẳng hạn, nơi Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận sự đề cử của đảng. Florida hiện đang là tâm chấn của đại dịch virus corona với số ca nhiễm tăng kinh hoàng. Với dân số 21 triệu người, trong tuần trước, số người bị nhiễm mới mỗi ngày còn nhiều hơn toàn bộ Liên minh châu Âu (dân số 460 triệu người) cộng lại. Nhưng Florida cũng là vùng bình địa cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Chỉ cần nghĩ đến cuộc đấu giữa Bush và Gore vào năm 2000.
Đó là tiểu bang mà Trump thắng một cách thoải mái năm 2016. Đó là tiểu bang mà Trump nghĩ rằng mình có thắng dễ dàng tháng 11. Nhưng cuộc thăm dò mới nhất của Đại học Quinnipiac cho thấy ứng cử viên Dân chủ Joe Biden dẫn trước ông 13 điểm. Mười ba. Đó là con số lớn. Và có cả đống số liệu liên quan khác cho thấy Tổng thống Trump đang tụt lại phía sau.
Những gì không thay đổi trong tuần qua là khoa học. Bạn có thể chắc chắn rằng các cố vấn y tế đau khổ của Trump đã lập đi lập lại những điều họ nói như chiếc máy chơi đĩa nhựa bị hỏng. Khẩu trang. Giãn cách xã hội. Tránh đám đông. Có thể là tổng thống đã chuyển đổi và đang lắng nghe các chuyên viên y tế. Có thể, nhưng tôi phải đoán nhiều phần là không.
Nếu chúng ta muốn tìm một ‘điều” quan trọng thì đó chính là điều này. Tuần trước, Trump sa thải quản lý chiến dịch tranh cử 2020 của mình, Brad Parscale, và đưa vào một người mới. Có vẻ như Bill Stepien đã mời tổng thống ngồi xuống, và tạt vào ông một thùng nước lạnh. Rằng kết quả các cuộc thăm dò ý kiến rất khủng khiếp, rằng họ đang đi sai hướng; rằng họ tuy chưa đến nỗi đã thảm bại không thể cứu vãn, nhưng mọi việc có thể nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát. Đổi hướng và đổi giai điệu là điều tối cần thiết. Đặc biệt khi nói đến bất cứ điều gì liên quan đến Covid-19.
Cũng nên chèn vào đây một dấu ngoặc. Tôi không biết rõ về Bill Stepien – mặc dù ông được đánh giá rất tốt. Nhưng dù Bill Stepien có thể rất xuất sắc, tổng thống có thói quen là thay đổi nhân sự, và trong hai hay ba tuần sau đó, làm theo lời khuyên của nhân viên mới, nhưng rồi sau đó sẽ quay trở lại với thói quen và bản năng của mình. Những điều mà tổng thống nói với bạn là đã phục vụ ông ấy tốt nhất trong suốt sự nghiệp lâu dài và đầy màu sắc của ông. Nhưng chúng ta đang ở trong lãnh thổ mới.
Trong ba năm rưỡi qua, tổng thống đã có thể xác định thực tế của chính mình; uốn cong tình thế và sửa sự thật cho phù hợp với câu chuyện ông muốn kể. Virus corona đã không bị ảnh hưởng bởi những nỗ lực của ông. Virus là một kẻ thù không giống ai mà Donald Trump phải đối mặt trước đây. Và Trump đã phải uốn cong theo ý muốn của virus. Chứ không phải ngược lại.
Với cuộc họp virus corona mới nhất của Nhà Trắng, Tổng thống Trump đã độc diễn
Những gì xảy ra trong tuần này là những gì các cuộc thăm dò đang cho thấy, và những gì giới khoa học của ông Trump liên tục kêu gọi hoàn toàn thích hợp. Ông Trump thực sự không muốn trở thành kẻ thua cuộc vào tháng 11.
Bóng ma của những lần đảo ngược quyết định 180 độ này của ông đã mang lại cho các nhà bình luận cấp tiến nhiều trận cười . Người đàn ông chỉ biết làm thế nào để tấn công gấp đôi, bây giờ đánh gấp đôi trong nỗi đau của những đảo ngược quan điểm rất công khai. Ôi những ngày hạnh phúc.
Nhưng các nhà bình luận nên thận trọng hơn. Việc chuyển đổi quan điểm của ông có thể không thành thật; có thể được sinh ra từ sự cần thiết phải lấy phiếu – nhưng điều mà nhiều người Mỹ sẽ thấy là tổng thống của họ cư xử hợp lý và bình thường; đưa ra quyết định phù hợp với nguy cơ lớn của mối đe dọa mà người dân Mỹ đang phải đối mặt – và người Mỹ đang lo sợ. Nhưng, tôi nghe bạn nói, chắc chắn người dân Mỹ sẽ không quên tất cả những điều mà tổng thống nói trong tháng 3 và tháng 4 khi ông giảm tầm quan trọng của đại dịch và thúc giục việc mở cửa lại nền kinh tế Mỹ sớm?
Chà, tất cả những gì tôi muốn nói là đám xiếc nhanh chóng làm xiệc; mọi người hình như có những ký ức ngắn vô cùng. Có còn ai nói gì thêm về Mueller? Hay Nga? Hay cuộc luận tội? Chùm sáng của ngọn hải đăng không tồn tại lâu ở bất kỳ nơi nào. Với sự thiếu kiên nhẫn của chúng ta với những phát triển mới, cho những câu chuyện mới, cho những tình tiết xoắn ốc, chúng ta dường như phải chịu đựng sự rối loạn thiếu tập trung. Và tổng thống này hiểu điều đó tốt hơn bất cứ ai.
Một số người chắc chắn sẽ viết rằng đây là tuần tồi tệ nhất của tổng thống. Nếu ông ấy tái đắc cử tháng 11, nó sẽ được coi là tuần lễ tốt nhất.

Mỹ muốn thuyết phục

Nhật Bản tẩy chay ứng dụng TQ như TikTok

Mỹ có ý định đề nghị Nhật Bản và các quốc gia đồng minh tham gia quyết định tẩy chay công nghệ và ứng dụng của Trung Quốc như TikTok, với lý do những ứng dụng dạng này có thể cung cấp dữ liệu cho Bắc Kinh.
Báo Yomiuri Shimbun hôm 28.7 dẫn lời một quan chức cấp cao của Mỹ cho hay Washington đang vô cùng quan ngại về việc Trung Quốc vận dụng công nghệ để thu thập thông tin nhạy cảm, và muốn các nước khác tham gia nỗ lực do Mỹ dẫn đầu nhằm loại bỏ Huawei khỏi hệ thống mạng 5G.
Trả lời báo Nhật, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach, phụ trách mảng Phát triển Kinh tế, Năng lượng và Môi trường, cho hay Mỹ kỳ vọng Nhật Bản hợp tác về vấn đề trên, và việc cấm Huawei tham gia mạng 5G có thể làm sâu sắc hơn “sự đoàn kết và thống nhất với các đồng minh Mỹ”.
Tuy nhiên, ông cũng cho hay quyết định cuối cùng vẫn thuộc về Tokyo, và Washington sẽ tôn trọng ý kiến của Nhật Bản.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Krach cho biết Mỹ đang xúc tiến sáng kiến duy trì “độ sạch sẽ” cho công nghệ và mở rộng phạm vi khỏi 5G, tiến đến áp dụng cho cả ứng dụng điện thoại.
Hồi đầu tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho hay nước này sẽ “xử lý” vấn đề TikTok, và nhất mực khẳng định hãng này có thể cung cấp thông tin cá nhân của người dùng cho chính quyền Trung Quốc.
Ông Jeff Kingston, giám đốc ngành nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple (Tokyo, Nhật Bản), tỏ ra không hề ngạc nhiện khi Mỹ gây áp lực đối với Nhật Bản về công nghệ Trung Quốc, vì chính quyền Tổng thống Donald Trump “đang sử dụng con bài Trung Quốc trong nỗ lực tái đắc cử”.

Đối đầu Mỹ – Trung vào giai đoạn hiểm nghèo

Cuộc đối đầu leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc rất nguy hiểm vì hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang trong giai đoạn chưa từng có trong lịch sử.
Bài phát biểu mang tính bước ngoặt của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại thư viện Nixon hôm thứ Năm tuần trước là lời kêu gọi hành động mạnh mẽ nhất chống lại Trung Quốc. Nó diễn ra trong bối cảnh đôi bên đóng cửa lãnh sự ở Houston và Thành Đô, và vụ FBI bắt giữ một quan chức quân đội Trung Quốc bị cáo buộc gián điệp ở San Francisco.
“Đó là một khoảnh khắc chưa từng có bởi vì Mỹ kể từ khi vươn lên thành cường quốc toàn cầu, chưa bao giờ phải đối đầu với một đối thủ ngang hàng mạnh mẽ như vậy trên nhiều lĩnh vực: chính trị, kinh tế, công nghệ, quân sự và thậm chí cả xã hội”, nhà báo Frederick Kempe viết trên CNBC(*).
Theo ông Kempe, chưa có quốc gia nào trong lịch sử hiện đại trỗi dậy nhanh như Trung Quốc, từ 2% GDP toàn cầu năm 1980 lên khoảng 20% GDP toàn cầu năm 2019.
Mỹ và Trung Quốc, sau bốn thập kỷ hợp tác, giờ đã bị khóa trong một cuộc cạnh tranh có thể định hình thời đại của chúng ta. Đó không phải là một cuộc đấu tranh, giành quyền “thống trị thế giới”, mà không nước nào đạt được. Nhưng nó có thể có tác động đáng kể đến các xu hướng thế giới, chủ nghĩa tư bản thị trường hay chủ nghĩa tư bản nhà nước, là hương vị của tương lai.
Đây là một giai đoạn độc đáo khi cuộc cạnh tranh này diễn ra này trùng với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và kỷ nguyên công nghệ chưa từng có được thúc đẩy bởi dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử, kỹ thuật sinh học và nhiều hơn nữa.
Thực tế là tất cả những điều này trùng hợp với đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ làm sâu sắc thêm và đẩy nhanh kịch tính, với Trung Quốc là nơi khởi phát dịch và có thể là nền kinh tế lớn đầu tiên thoát khỏi móng vuốt của nó.
Để hiểu được sự nguy hiểm của thời đại chúng ta, hãy nghĩ về những gì sắp diễn ra như một phiên bản cập nhật của giai đoạn giữa Thế chiến II năm 1945 và Khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962.
Mỹ và Liên Xô đã phải trải qua thời kỳ căng thẳng và gần đi tới chiến tranh hạt nhân xung quanh vấn đề Cuba trước khi mối quan hệ xác định của thời kỳ đó được giải quyết bằng các thỏa thuận hạt nhân, hội nghị thượng đỉnh siêu cường và các lằn ranh đỏ ngăn chặn chiến tranh thảm khốc.
Ngày nay, điểm quyết định trong cuộc cạnh tranh mới này, cũng có thể là sự kết hợp giữa Đài Loan và Biển Đông.
Một nhân viên vận chuyển mang một chiếc hộp khỏi Lãnh sự quán Trung Quốc  tại Houston ngày 23 tháng 7 khi nó được lệnh đóng cửa
Bộ trưởng Pompeo đã chọn Thư viện Nixon vì bài phát biểu lịch sử của ông đã được dàn dựng khéo léo. Ông Pompeo lưu ý rằng năm tới sẽ kỷ niệm 50 năm sứ mệnh bí mật của Henry Kissinger (khi đó là cố vấn an ninh quốc gia Mỹ-PV) tới Trung Quốc, khởi nguồn cho việc Bắc Kinh mở cửa với thế giới phương Tây.
Tổng thống Mỹ Nixon năm 1967 viết: “Chúng tôi đơn giản là không thể bỏ rơi Trung Quốc mãi mãi bên ngoài cộng đồng các quốc gia, cứ ở đó nuôi dưỡng những giấc mơ của họ, nuôi dưỡng sự thù hận và đe dọa các nước láng giềng. Không có chỗ trên hành tinh nhỏ này cho một tỷ người sống trong sự cô lập đầy tức giận”.
Ông Pompeo tập trung vào dòng này từ bài báo, liên kết các mục tiêu của Nixon với sự tiếp bước của Tổng thống Donald Trump. “Thế giới không thể an toàn cho đến khi Trung Quốc thay đổi”, ông Nixon đã viết. “Vì vậy, mục tiêu của chúng tôi, là tạo ra sự thay đổi”, ngoại trưởng Pompeo nói. “Loại can dự mà chúng tôi đang theo đuổi không mang lại sự thay đổi bên trong Trung Quốc mà Tổng thống Nixon đã hy vọng tạo ra.”
Ông Pompeo nói thêm: “Chúng tôi, các quốc gia yêu tự do trên thế giới, phải buộc Trung Quốc thay đổi theo những cách sáng tạo và quyết đoán hơn, bởi vì hành động của Bắc Kinh đe dọa người dân và sự thịnh vượng của chúng tôi”.
Nhận xét của ông Pompeo là bài phát biểu cuối cùng trong bốn bài phát biểu, của Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien về ý thức hệ, Giám đốc FBI Chris Wray về gián điệp và Tổng chưởng lý William Barr về kinh tế.
Ngay cả khi tổng thống Trump thua trong bầu cử vào tháng 11, các kiến trúc sư của cách tiếp cận quyết đoán hơn này đối với Trung Quốc hy vọng rằng chính sách này sẽ tồn tại.

Tàu sân bay Mỹ

tiến hành chiến dịch ở Biển Philippines

Tàu sân bay USS Ronald Reagan tiếp tục thực hiện nhiệm vụ ở Biển Philippines sau đợt tập trận với các lực lượng Nhật Bản và Úc.
Hải quân Mỹ ngày 28.7 cho hay tàu sân bay USS Ronald Reagan vừa tiến hành các chiến dịch bay ở Biển Philippines.
Các chiến dịch bay nhằm duy trì lực lượng sẵn sàng chiến đấu với mục tiêu bảo vệ lợi ích hàng hải chung của những đồng minh và đối tác trong khu vực, theo Twitter chính thức của Hải quân Mỹ.
Trước đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan được điều động đến Biển Đông và tập trận chung 2 lần với nhóm tác chiến tàu sân bay USS Nimitz từ đầu tháng đến nay.
Các sĩ quan chỉ huy 2 nhóm tác chiến cho biết cuộc tập trận tại Biển Đông nhằm củng cố cam kết với các đồng minh, đối tác về một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tiếp theo đó, nhóm tác chiến tàu sân bay USS Ronald Reagan tiến hành cuộc tập trận ở Biển Philippines với các lực lượng từ Nhật Bản và Úc, trước khi kết thúc vào ngày 23.7, theo Reuters.

Mỹ hối thúc Australia tăng cường tuần tra Biển Đông

Mỹ đang triển khai ngày càng nhiều chiến dịch tự do hàng hải ở Biển Đông và hối thúc các đồng minh như Australia có động thái tương tự.
“Chúng tôi luôn muốn thấy nhiều quốc gia có cùng chí hướng tham gia hoạt động này để xây dựng đồng thuận quốc tế và gây áp lực buộc Trung Quốc phải tuân thủ đồng thuận đó”, một quan chức cao cấp của Mỹ nói trước thềm cuộc hội đàm giữa ngoại trưởng và bộ trưởng quốc phòng Mỹ – Australia (AUSMIN) diễn ra ở Washington, ABC News ngày 28/7 đưa tin.
Trong hội đàm AUSMIN hôm nay, Ngoại trưởng Australia Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds sẽ gặp người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo và Mark Esper tại Washington để thảo luận về mở rộng hợp tác quân sự tại Biển Đông và nỗ lực chống tin giả trên Internet.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang tăng cường các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông và thuyết phục các đồng minh, đối tác tham gia ngăn chặn tham vọng đòi yêu sách chủ quyền phi lý của Trung Quốc ở vùng biển này.
5 chiến hạm của hải quân Australia hồi giữa tháng di chuyển gần quần đảo Trường Sa của Việt Nam trên Biển Đông, trước khi hội quân với lực lượng Mỹ và Nhật Bản tại Biển Philippines để diễn tập chung. Các tàu chiến Trung Quốc đã chạm mặt tàu Australia trong quá trình di chuyển.
Trong công hàm trình lên Liên Hợp Quốc hồi tuần trước, Australia tuyên bố yêu sách lãnh thổ và hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông không có cơ sở pháp lý.
Quan chức cấp cao Mỹ cho biết khi nhiều quốc gia cùng tham gia triển khai các chiến dịch tuần tra tự do hàng hải trong khu vực, căng thẳng có thể giảm bằng cách “loại bỏ biến số nhị phân Mỹ – Trung khỏi phương trình”. “Đây không phải Trung Quốc chống lại Mỹ theo cách họ luôn mô tả. Đây là Trung Quốc chống lại các quốc gia có cùng chí hướng”, quan chức Mỹ nói.
“Khi một quốc gia khác thực hiện chiến dịch tự do hàng hải, đi cùng hoặc thực hiện các hoạt động chung với Mỹ, điều này củng cố thông điệp rằng chúng ta đứng lên vì trật tự dựa trên quy tắc và Trung Quốc là bên duy nhất đi chệch hướng”, quan chức Mỹ cho biết.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper hồi đầu tháng 7 tuyên bố chiến hạm hải quân Mỹ sẽ tiếp tục đi qua Biển Đông và giúp các quốc gia trong khu vực “đẩy lùi hoạt động gây hấn của hải quân Trung Quốc”.
“Năm 2019, chúng tôi triển khai số chiến dịch tự do hàng hải tại Biển Đông nhiều kỷ lục trong lịch sử 40 năm của chương trình. Chúng tôi sẽ giữ nhịp độ này trong năm nay”, Esper nói. “Chúng tôi muốn tăng cường mối quan hệ trong khu vực để các quốc gia Đông Nam Á có thể giữ gìn và bảo vệ vùng biển của họ”.
Giới chức Australia dự đoán Trung Quốc sẽ phản ứng giận dữ với lập trường pháp lý mới của Canberra về yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh. Global Times, tờ báo thuộc People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, tuyên bố Australia “liều lĩnh khiêu khích” và cảnh báo Bắc Kinh có thể đáp trả bằng cách áp lệnh trừng phạt với sản phẩm rượu vang và thịt bò xuất khẩu của nước này.
Đại sứ Mỹ tại Australia Arthur Culvahouse ca ngợi tuyên bố pháp lý của Canberra. “Sự lãnh đạo mạnh mẽ và liên tục của Australia trong khu vực giúp đảm bảo tầm nhìn chung của chúng ta về một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và cởi mở”, Culvahouse nói.

Máy bay quân sự Mỹ

áp sát Thượng Hải giữa lúc căng thẳng

Một máy bay săn ngầm được cho là của quân đội Mỹ đã áp sát thành phố Thượng Hải của Trung Quốc giữa lúc quan hệ hai bên căng thẳng, đặc biệt sau các vụ đóng cửa lãnh sự quán của nhau.
Báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn thông tin từ Tổ chức Sáng kiến Minh bạch Chiến lược Biển Đông (SCSPI) thuộc Đại học Bắc Kinh cho biết, một máy bay săn ngầm P-8A và một máy bay trinh sát EP-3E của quân đội Mỹ đã đi vào khu vực eo biển Đài Loan, bay gần bờ biển Chiết Giang và Phúc Kiến hôm 26/7.
Theo tổ chức này, máy bay P-8A của Hải quân Mỹ đã hoạt động gần Thượng Hải cùng tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Rafael Peralta. Máy bay này được cho là đi vào khu vực chỉ cách thành phố Thượng Hải 76,5 km, khoảng cách tiếp cận Trung Quốc đại lục gần nhất trong vài năm trở lại đây của một máy bay quân sự Mỹ. Máy bay còn lại hoạt động ở khu vực cách bờ biển Phúc Kiến khoảng 106 km.
Đây là lần thứ 12 liên tiếp máy bay quân sự Mỹ tiếp cận bờ biển của Trung Quốc. Chiều 27/7, SCSPI nói rằng, một chiếc EP-3E của quân đội Mỹ đã hoạt động cách bờ biển Quảng Đông, Trung Quốc chưa đầy 100 km.
Tuần trước, tổ chức này cũng đăng tải một đoạn ghi âm làm bằng chứng cho thấy hải quân Trung Quốc đã buộc máy máy bay quân sự Mỹ chuyển hướng sau khi nó bay gần khu vực duyên hải phía nam của nước này hôm 23/7.
Thông tin được đưa ra giữa lúc quan hệ Mỹ – Trung “căng như dây đàn”. Trong diễn biến mới nhất, Mỹ đã yêu cầu đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston, Bắc Kinh ngay lập tức đáp trả bằng việc yêu cầu đóng lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô. Sáng nay 27/7, quốc kỳ Mỹ ở lãnh sự quán Thành Đô đã hạ cờ lần cuối cùng sau gần 40 năm. Các nhân viên ngoại giao tại đây đã chuyển đi và giới chức Trung Quốc tiếp quản ngay sau đó.
Việc đóng cửa 2 cơ sở ngoại giao vốn được coi là có ý nghĩa biểu tượng quan trọng đối với quan hệ song phương cho thấy căng thẳng giữa hai cường quốc đã leo thang đáng kể sau những bất đồng về thương mại và đại dịch Covid-19.

Mỹ – Nhật đàm phán tái cấu trúc

thủy quân lục chiến để đối phó TQ

Người đứng đầu lực lượng thủy quân lục chiến Mỹ, tướng David Berger, cho hay Washington đang đàm phán với Tokyo về việc triển khai các đơn vị Hải quân Mỹ ở Okinawa.
Tuần trước, Mỹ và Nhật Bản bắt đầu dàm phán về việc triển khai các đơn vị Hải quân Mỹ ở Okinawa. Theo đó, Hải quân Mỹ được trang bị tên lửa chống hạm và phòng không sẽ hợp tác chặt chẽ với lực lượng phòng vệ Nhật Bản nhằm ngăn chặn các nguy cơ, đe dọa từ đối phương ở Thái Bình Dương.
“Bạn muốn răn đe, hay ngăn chặn bất kỳ kẻ thù tiềm năng nào thực hiện bước tiếp theo. Hãy cảnh giác với Trung Quốc, những gì bạn nên có đó là xây dựng một liên minh vững chắc”, chỉ huy lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, tướng David Berger, cho biết.
Trước đó, tướng David Berger hồi tháng 3 đã đề xuất kế hoạch “Force Design 2030″ (tái cơ cấu lực lượng), cắt giảm số lượng máy bay, xe tăng để tạo ra “trung đoàn duyên bải” được trang bị tên lửa và máy bay không người lái để ngăn chặn các mối đe dọa của đối phương.
Các đảo Okinawa của Nhật Bản là một phần của những gì các nhà hoạch định quân sự gọi là “chuỗi đảo đầu tiên” trải dài từ Nhật Bản qua Philippines đến Indonesia, xuất hiện trong lực lượng ngày càng tăng của Trung Quốc.
Trong đề xuất của mình, tướng David Berger đã chỉ ra sự thay đổi trong “cạnh tranh quyền lực lớn và sự cần thiết phải đổi mới, tập trung vào khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương”. Ông cho biết, Thủy quân lục chiến sẽ có một trung đoàn đồn trú tại Okinawa vào năm 2027, một trung đoàn khác ở đảo Guam và một căn cứ thứ ba có trụ sở tại Hawaii.
Tướng David Berger cho biết ông sẽ đến Nhật Bản khi các hạn chế đi lại do COVID-19 được dỡ bỏ. Tuy nhiên, ông Berger cho hay, những thay đổi về sự hiện diện của Hải quân Mỹ ở Okinawa không có nghĩa là sẽ có gia tăng số lượng quân đội Mỹ ở đây, đồng thời các hoạt động này sẽ được thực hiện theo các điều khoản của liên minh quân sự Mỹ – Nhật Bản đang có hiệu lực.
Theo người đứng đầu lực lượng Thủy quân lục chiến Mỹ, mục tiêu sẽ là đến Nhật Bản và gặp gỡ lãnh đạo cấp cao của nước này “để giải thích rằng lực lượng quân đội Mỹ đang ở đâu và đang hướng tới đâu”.
Kế hoạch tái cấu trục lực lượng Hải quân Mỹ tại Nhật Bản diễn ra trong bối cảnh căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh gia tăng khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để tuyên bố chủ quyền lãnh thổ ở Biển Đông và tăng cường ảnh hưởng ở những nơi khác ở châu Á.
Trong khi đó, Bắc Kinh khẳng định, các hoạt động của nước này trong khu vực là hòa bình, đồng thời cáo buộc Washington cố gắng hướng lái các nước ở châu Á theo chủ ý của Mỹ.

Nhà nghiên cứu Trung Cộng bị buộc tội gian lận

Visa ở Hoa Kỳ và bị thẩm phán ra lệnh tạm giam

Tin từ Sacramento – Một nhà nghiên cứu Trung Cộng bị Hoa Kỳ tạm giam đến ngày 10/08/2020 sau khi bị cáo buộc gian lận visa, khi đó bà sẽ phải thương lượng để được thả ra bằng cách đóng tiền thế chân tại ngoại.
Hôm thứ Hai (27/07/2020), bà Tang Juan xuất hiện trước thẩm phán liên bang Deborah Barnes ở Sacramento, California. Bà đã cư trú tại tòa lãnh sự Trung Cộng ở San Francisco sau khi các cảnh sát liên bang phỏng vấn bà tại đại học California ở Davis (UC Davis) về các cáo buộc rằng bà đã nói dối chính quyền về liên hệ với quân đội của bà. Các viên chức đã không giải thích làm thế nào bà đã bị giam giữ trong nhà tù liên bang vào tuần trước. Bộ Ngoại giao Trung Cộng đã gọi trường hợp của bà là “cuộc đàn áp chính trị”.
Trong phiên điều trần hôm thứ Hai (27/07/2020), bà Lexi Negin, luật sư biện hộ liên bang đại diện cho bà Tang, nói với thẩm phán rằng bà không thể thu thập thông tin cần thiết để yêu cầu trả tự do cho bà Tang. Thẩm phán Barnes đã đặt lịch cho phiên điều trần vào tháng sau, và thẩm phán liên bang Edmund Brennan sẽ chủ trì xem xét khả năng đóng tiền thế chân tại ngoại của bị can. Phụ tá biện lý liên bang Heiko Coppola nói với thẩm phán rằng chính phủ Hoa Kỳ sẽ phản đối việc trả tự do cho bà Tang.
Vì Hoa Kỳ và Trung Cộng đã công khai đối đầu nhau bằng cách đóng cửa các cơ quan lãnh sự của nhau ở Houston và Thành Đô, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đang điều tra các trường đại học trên khắp Hoa Kỳ để tìm kiếm các thành viên của lực lượng quân đội Trung Cộng mà họ cho là đang ẩn náu. (BBT)

Nghị sỹ Stewart: ‘Chính quyền Trung Quốc

đã lộ bản chất, Hoa Kỳ cần đoàn kết

chống lại mối đe dọa thực sự này’

Thái Học
Hạ nghị sỹ Chris Stewart hôm 13/7 đã có bài xã luận đăng trên trang tin St. George News, trong đó ông cảnh báo: “Bất cứ ai vẫn nghĩ rằng Trung Quốc và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một đối tác kinh doanh khả thi, thì họ đang mắc sai lầm thê thảm”.
Trong bài xã luận có tựa đề “[Chính quyền] Trung Quốc đã lộ bản chất, Hoa Kỳ cần đoàn kết chống lại mối đe dọa thực sự này”, Nghị sỹ Stewart bình luận: “Trung Quốc không phải là quốc gia coi trọng quyền con người, tự do, hay tôn trọng lẫn nhau giữa các quốc gia”.
Vị dân biểu của đảng Cộng hòa cho biết: “Khoảng 1,3 tỷ công dân Trung Quốc bị đàn áp và kiểm soát thông qua hệ thống giám sát xã hội. Công cụ vô cùng mạnh mẽ này được ĐCSTQ sử dụng để trừng phạt dã man ngay cả những vi phạm nhỏ nhất từ ​​lời nói, hành động hoặc suy nghĩ”.
Ông cũng đề cập đến việc: “Trung Quốc đã đe dọa các nước láng giềng, dùng tài chính để biến các quốc gia mới nổi thành nô lệ và tạo ra các tiền đồn quân sự từ các hòn đảo nhỏ nhất ở Biển Đông. Họ không chỉ phủ nhận mục đích quân sự của các cơ sở này, mà thậm chí còn phủ nhận sự tồn tại của chúng một cách phi lý”.
Vị nghị sỹ tiếp tục nêu: “Họ đã đánh chìm các tàu đánh cá hợp pháp từ các nước láng giềng trong vùng biển quốc tế, đánh cắp hàng nghìn tỷ đô la tài sản trí tuệ từ Hoa Kỳ, xâm nhập vào các chương trình quân sự nhạy cảm nhất của chúng ta và không tuân thủ đầy đủ các tiêu chuẩn về tài chính và kinh doanh. Tại Hoa Kỳ, họ đã thành lập Viện Khổng Tử tại các trường đại học của chúng ta để tuyển mộ điệp viên, thu thập thông tin tình báo và đe dọa bất kỳ ai muốn chống lại họ”.
Nghị sỹ Stewart nhấn mạnh: “Trên hết là sự vô trách nhiệm một cách trắng trợn của họ liên quan đến virus Vũ Hán”. Ông chỉ ra rằng chính quyền Trung Quốc đã che giấu sự bùng phát của virus corona, trì hoãn cảnh báo thế giới về khả năng lây lan nhanh chóng của virus, cùng lúc tranh thủ tích trữ vật tư y tế và các thiết bị bảo vệ cá nhân, đồng thời cho phép lượng lớn khách du lịch đi ra khỏi Vũ Hán và gieo rắc mầm bệnh ra toàn cầu.
Ông Stewart kết luận: “Từ việc gây ra đại dịch ra toàn cầu đến việc đàn áp tàn bạo đối với nền tự do của người dân Hồng Kông, chính quyền Trung Quốc năm 2020 đã cho thấy bản chất thực sự của nó. Nếu có bất kỳ mối đe dọa nào có thể đoàn kết được giới lãnh đạo chính trị vốn đang bị chia rẽ của Mỹ hiện nay, thì nó chính là Trung Quốc”.
Ông kêu gọi giới lãnh đạo Hoa Kỳ và cả thế giới cần đoàn kết trước mối đe dọa từ ĐCSTQ. Ông viết: “Đây không phải là vấn đề đảng phái. Nước Mỹ và thực sự là cả thế giới, nên đoàn kết lại để ngăn chặn sự xâm lược của ĐCSTQ. Người Trung Quốc và người Mỹ xứng đáng được hưởng những điều tốt đẹp. Nghị viện phải sẵn sàng chủ động giải quyết các hành động khiêu khích của Trung Quốc và chống lại các hành động tới từ Tập Cận Bình”.
Nghị sỹ Stewart nhận định: “Trong một thế giới mà cứ 7 người thì có 1 người bị ép buộc phải sống dưới chế độ áp bức này, thì sự lãnh đạo của Mỹ là cần thiết hơn bao giờ hết”.
Ông cho rằng: “Cuộc khủng hoảng toàn cầu hiện nay sẽ là một hồi chuông cảnh tỉnh cho thế giới về bản chất của một chế độ không ngừng theo đuổi sự thống trị toàn cầu”.

Mỹ cảnh báo người dân không trồng hạt giống lạ

từ Trung Quốc

Hải Lam
Bộ Nông nghiệp Mỹ hôm 28/7 phát đi cảnh báo không trồng các gói hạt giống lạ đến từ Trung Quốc, theo Reuters.
Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết họ đang thu thập hạt giống và sẽ kiểm tra để xác định xem chúng có gây nguy hại đến nông nghiệp hay môi trường hay không. Trong một thông cáo, cơ quan này nói rằng họ đang làm việc với các tiểu bang và Bộ An ninh Nội địa, Cục Hải quan và Biên phòng để điều tra các gói hàng.
Các gói hàng “dường như đến từ Trung Quốc”, Bộ Nông nghiệp cho biết. Hôm 27/7, cơ quan này cho hay họ “đã biết về việc người dân khắp nước Mỹ nhận được các gói hạt giống mà họ không hề yêu cầu từ Trung Quốc”.
Bộ Nông nghiệp Mỹ thông tin thêm, họ chưa có bằng chứng nào cho thấy các gói hàng này nhằm mục đích nào khác ngoài việc lừa đảo trực tuyến. Trò lừa đảo này có tên là “brushing”, trong đó các nhà cung cấp gửi sản phẩm cho những người vốn không đặt mua hàng và sau đó mạo danh người nhận để gửi những đánh giá tích cực để tăng xếp hạng sản phẩm cũng như doanh số.
Các bang trải dài từ Washington đến Virginia cũng đã khuyến cáo người dân không được gieo trồng hạt giống. Các quan chức nghi ngờ hạt giống có thể mọc lên một loại thực vật xâm lấn, đe dọa mùa màng và vật nuôi của người Mỹ. Nhiều bang đã xúc tiến điều tra những gói hàng này.
Các tiểu bang của Mỹ, bao gồm cả Washington và Alabama, gọi việc gửi các gói hạt giống này là buôn lậu nông nghiệp. Hình ảnh do các cơ quan nông nghiệp công bố cho thấy các gói hạt giống này không giống nhau mà đa dạng về kích thước, màu sắc và được gửi trong các phong bì màu trắng hoặc vàng. Các quan chức cho biết một số gói được ghi nhãn là đá quý và có kèm Hán tự. Họ yêu cầu người nhận giữ hạt giống trong túi nhựa kín cho đến khi các nhà chức trách thu thập chúng.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm 28/7 cho hay, sau khi Bưu chính Trung Quốc kiểm tra, họ nói thông tin trên nhãn dán của các gói hàng dường như bị làm giả. Ông cũng tuyên bố Bưu chính Trung Quốc luôn tuân thủ các quy định của Liên minh Bưu chính Toàn cầu về xử lý hạt giống. Ngoài ra, Bưu chính Trung Quốc đã đề xuất với Bưu chính Mỹ hoàn lại những gói hàng giả này về Trung Quốc để điều tra.

Chính trị gia đảng Cộng hòa lo ngại Trung Quốc

dùng TikTok can thiệp vào bầu cử Mỹ

Triệu Hằng
Các Thượng nghị sĩ hàng đầu của đảng Cộng hòa Hoa Kỳ hôm thứ Ba (28/7) yêu cầu chính quyền Trump đánh giá mối đe dọa từ TikTok, ứng dụng chia sẻ video thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc, với lo ngại Bắc Kinh có thể sử dụng ứng dụng này để can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ 2020.
Hãng Reuters cho biết, trong lá thư đề ngày thứ Ba, Thượng nghị sĩ Marco Rubio, Thượng nghị sĩ Tom Cotton cùng các nhà lập pháp khác nêu ra việc TikTok kiểm duyệt nội dung nhạy cảm, bao gồm một video chỉ trích cách đối xử của Trung Quốc đối với người thiểu số Duy Ngô Nhĩ. Các nhà lập pháp này cáo buộc Bắc Kinh thao túng các thảo luận chính trị trên các ứng dụng truyền thông xã hội.
“Chúng tôi rất lo ngại, đảng Cộng sản Trung Quốc có thể sử dụng quyền kiểm soát TikTok để bóp méo hoặc thao túng các cuộc đối thoại chính trị để gây bất hòa giữa người Mỹ nhằm thu được kết quả chính trị như họ muốn”, các nhà lập pháp viết trong thư gửi Văn phòng Cục trưởng Cục tình báo Quốc gia (ODHI), quyền Bộ trưởng Bộ An ninh Nội địa (DHS) và Giám đốc Cục điều tra Liên bang (FBI).
Các nhà lập pháp nói trên, với sự tham gia của các thành viên khác của đảng Cộng hòa gồm các ông Ted Cruz, Joni Ernst Thom Tilis, Kevin Cramer và Rick Scott, đề nghị giới chức chính phủ Mỹ làm rõ liệu Bắc Kinh có khuếch đại một số quan điểm chính trị nhất định và tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng thông qua ứng dụng TikTok thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc ByteDance Technology Co, hay không.
Các nhà lập pháp Mỹ chất vấn: “Nếu có bằng chứng về việc đảng Cộng sản Trung Quốc can thiệp bầu cử thông qua TikTok, liệu ByteDance sẽ đủ điều kiện để bị xử phạt?” theo các điều khoản trong một lệnh hành pháp về việc gây ảnh hưởng bầu cử Mỹ từ nước ngoài.

Mỹ-Úc cam kết

tăng cường liên minh chống lại Trung Quốc

Minh Hòa
Sau cuộc hội đàm cấp cao ở thủ đô Washington hôm 28/7, Hoa Kỳ và Australia tuyên bố sẽ tăng cường hợp tác quân sự để chống lại các mối đe dọa từ chính quyền Trung Quốc. Dù vậy, lập trường của Canberra vẫn được cho là khá dè chừng, đặc biệt trong vấn đề Biển Đông.
Theo SMH, cuộc hội đàm có sự tham gia của Bộ trưởng Ngoại giao Úc Marise Payne, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Linda Reynolds và những người đồng cấp từ Mỹ, gồm Ngoại trưởng Mike Pompeo, Bộ trưởng Quốc phòng Mike Esper.
Các mối căng thẳng với Trung Quốc là chủ đề trung tâm trong cuộc hội đàm thường niên Tham vấn Bộ trưởng Mỹ – Úc (AUSMI) được tổ chức tại Washington hôm 28/7.
Bộ trưởng Payne ca ngợi mối quan hệ liên minh lâu dài của Úc với Hoa Kỳ, đồng thời tuyên bố nước Úc sẽ tìm cách thúc đẩy lợi ích quốc gia của riêng mình. Bà Payne nói rằng mặc dù Úc và Mỹ là những đồng minh thân thiết, nhưng họ “không tán đồng về tất cả mọi thứ – và đó là một phần của mối quan hệ đáng trân quý”.
“Tôi xin nhắc lại rằng chúng tôi tự đưa ra quyết định của mình”, nữ Bộ trưởng Ngoại giao Úc tuyên bố.
Trước đó, Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng tuyên bố Canberra sẽ theo đuổi lợi ích quốc gia của c;hính mình, trong bố cảnh Mỹ đang gây kêu gọi đồng minh tăng cường hợp tác quốc phòng để răn đe yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
The Guardian trích lời ông Morrison nói với các phóng viên ở Queensland hôm 28/7: “Australia đưa ra quyết định dựa trên lợi ích quốc gia của chúng tôi, dựa trên tính toán thời gian của chúng tôi và đánh giá riêng của chúng tôi về việc đưa ra quyết sách nào”.
Các nhà phân tích nhận định nước Úc đang ở thế giằng co khi phải cân bằng giữa một bên là đồng minh quan trọng nhất – Hoa Kỳ, và một bên là đối tác thương mại lớn nhất – Trung Quốc. Đại dịch viêm phổi Vũ Hán gần đây đã khiến Canberra nhận biết mối đe dọa nghiêm trọng mà chính quyền Trung Quốc đang đặt ra, không chỉ đối với Úc, mà còn đối với toàn thế giới, vì vậy chính phủ của Thủ tướng Morrison đã thể hiện một lập trường mạnh mẽ hơn đối với Bắc Kinh.
Dù vậy, lập trường này chưa phải là mạnh mẽ như được kỳ vọng. SMH cho biết, một số chiến lược gia quốc phòng đã thúc giục Australia đẩy lùi Trung Quốc mạnh mẽ hơn ở Biển Đông bằng cách tổ chức các chiến dịch tự do hàng hải của các tàu chiến Úc.
Tuy nhiên, khi được hỏi về điều này, Bộ trưởng Quốc phòng Úc Reynold nói rằng điều này vẫn đang được “thảo luận”.

Mỹ giúp Nhật theo dõi Trung Quốc

quanh quần đảo tranh chấp

Quân đội Mỹ sẽ giúp Nhật Bản theo dõi sự xâm nhập “chưa từng có” của Trung Quốc ở quanh các quần đảo thuộc quyền kiểm soát của Tokyo ở Biển Hoa Đông, nhưng Bắc Kinh cũng tuyên bố chủ quyền, Reuters đưa tin, dẫn lời chỉ huy của các Lực lượng Mỹ ở Nhật hôm 29/7.
Tuyên bố của Trung tướng Kevin Schneider được đưa ra trong một cuộc họp báo trên mạng, giữa lúc các tàu bè của Trung Quốc chuẩn bị đánh bắt tại các vùng biển kế cận.
“Hoa Kỳ cam kết 100% nhằm giúp chính phủ Nhật Bản với tình thế này”, ông Schneider nói, chỉ trích hành động “khiêu khích và thâm hiểm” của Trung Quốc.
“Các tàu bè của Trung Quốc tới rồi đi vài lần trong một tháng và giờ chúng ta thấy chúng thả neo và thực sự thách thức chính quyền Nhật Bản”.
Theo Reuters, bình luận của ông Schneider được đưa ra giữa lúc ông và chỉ huy cấp cao của Mỹ chỉ trích Bắc Kinh củng cố các tuyên bố chủ quyền lãnh hải giữa lúc bùng phát dịch bệnh virus Corona và khi quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ xấu đi nhanh chóng.
Trong vòng một giờ, Trung Quốc đã lên tiếng phản ứng về phát biểu của ông Schneider.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng quần đảo là lãnh thổ của Trung Quốc và kêu gọi “tất cả các bên duy trì ổn định trong khu vực”.
Cuộc tranh chấp ở quần đảo mà Nhật gọi là Senkaku trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư đã kéo dài suốt nhiều năm qua.
Washington tuyên bố trung lập về vấn đề chủ quyền này, nhưng đã cam kết giúp Nhật Bản bảo vệ quần đảo trước các cuộc tấn công.
Theo Reuters, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ chấm dứt lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Hoa Đông vào khoảng ngày 15/8, cho phép một đội tàu đánh cá, vốn được hỗ trợ bởi hải quân và tuần duyên Trung Quốc, đánh bắt ở quanh quần đảo tranh chấp.
Nhật Bản là nơi hiện diện của lực lượng Hoa Kỳ lớn nhất ở châu Á.

Mỹ : Tên lửa phòng không Nga và Trung Quốc

ngày càng hoàn thiện

Minh Anh
Ngày 28/07/2020, bộ Quốc Phòng Mỹ cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa là một phần không thể thiếu trong cuộc đua giữa các siêu cường, đồng thời cảnh báo là Nga và Trung Quốc đang phát triển các hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiệu quả.
Trang mạng bộ Quốc Phòng Mỹ dẫn lời một số quan chức cho rằng « Trung Quốc và Nga đang phát triển những hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng hiện đại, với số lượng ngày càng nhiều và đưa những hệ thống này vào trong chiến lược phòng thủ vào lúc Nga và Trung Quốc đang cạnh tranh với nước Mỹ ».
Theo trang mạng này, Nga vừa cho nâng cấp hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-135 có từ thời Liên Xô cũ. Hệ thống phòng thủ này gồm 68 tên lửa bắn chặn có gắn đầu đạn hạt nhân, vừa được trang bị thêm nhiều ra-đa mới và được cập nhật mới hệ thống điện tử. Với chiến dịch nâng cấp tên lửa này, Nga gần như trở thành một mối đe dọa trong một thời gian không xa. Mối nguy lớn nhất có thể có là phóng xạ phát ra từ một cuộc bắn chặn có thể làm ô nhiễm hàng ngàn mẫu đất nông thôn.
Các quan chức bộ Quốc Phòng Mỹ còn báo động Nga sắp đưa vào hoạt động hệ thống tên lửa S-500, ban đầu được dự kiến vận hành vào năm 2025. Tuy S-500 được thiết kế để bắn chặn các loại tên lửa tầm trung và ngắn, nhưng giới quân sự Nga khẳng định hệ thống này có thể phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo, hành trình và siêu thanh.
Ngoài nước Nga, bộ Quốc Phòng Mỹ còn cảnh báo hiểm họa đến từ Trung Quốc. Sách Trắng Quốc Phòng Trung Quốc khẳng định phòng thủ tên lửa là một chiến lược chủ đạo trong tham vọng quân sự. Tuy hiện tại Bắc Kinh còn lệ thuộc nhiều vào hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 và S-400 của Nga, nhưng Trung Quốc cũng đang nỗ lực nghiên cứu và đầu tư để củng cố khả năng của nước này.
Theo bộ Quốc Phòng Mỹ, song song với hệ thống phòng thủ HQ-19, rất có thể sẽ được sử dụng để phòng thủ chống các loại tên lửa đạn đạo tầm trung, được dự trù vào năm 2021, Bắc Kinh dường như cũng đang phát triển tên lửa bắn chặn hành trình.
Nếu như Trung Quốc tuyên bố đã cho bắt đầu thử nghiệm từ tháng 2/2018, nhiều quan chức quân sự Mỹ đánh giá có nhiều khả năng tên lửa chưa thể được đưa vào vận hành vào cuối năm 2020, đồng thời dự báo loại vũ khí này có nhiều khả năng là để chống tên lửa đạn đạo tầm trung và rất có thể được cải tiến để tấn công các tên lửa liên lục địa và được phóng từ tầu ngầm.

Hạt giống được gửi từ Trung Quốc

đến nhà dân Mỹ là ‘trò lừa đảo’

Bình luậnDu Miên
Nhà chức trách và cảnh sát cho rằng các gói hạt giống bí ẩn kèm ký tự tiếng Trung gửi đến các ngôi nhà trên khắp nước Mỹ có thể liên quan đến các trò lừa đảo khi mua hàng trực tuyến.
Trước đó, các quan chức ở 2 bang Utah và Virginia đã cảnh báo những cư dân nhận được gói hàng không được gieo trồng các hạt giống này, vì lo sợ chúng có thể là một loài xâm lấn.
Trong một bài đăng về những hạt giống lạ này trên Facebook, lực lượng Cảnh sát Nhà Trắng của bang Ohio cho biết: “Chúng tôi đã thực hiện một số nghiên cứu và có vẻ như những hạt giống này được gắn với một trò lừa đảo trực tuyến có tên là ‘brushing’”.
Họ cũng bổ sung rằng: “Trò lừa đảo ‘brushing’ là chiêu trò các nhà cung cấp áp dụng để tăng xếp hạng sản phẩm và tăng khả năng hiển thị trực tuyến, bằng cách gửi một sản phẩm rẻ tiền cho những người vốn không đặt mua hàng và sau đó mạo danh người nhận để gửi những đánh giá tích cực, dưới danh nghĩa chủ tài khoản đã được xác minh”. Lực lượng này kêu gọi những người đã nhận được hạt giống liên hệ với họ để xử lý chúng.
Bộ Nông nghiệp và Dịch vụ Người tiêu dùng Bắc Carolina cho biết hôm thứ 27/7 rằng việc giao hàng có thể liên quan đến “trò lừa đảo trên Internet quốc tế”.
Cách thức hoạt động của trò lừa đảo là người bán cố gắng tăng xếp hạng sản phẩm của chính họ, bằng cách tạo tài khoản email giả để tạo hồ sơ Amazon trước khi mua các mặt hàng bằng thẻ quà tặng, rồi chuyển chúng đến một địa chỉ người nhận ngẫu nhiên. Chủ sở hữu của tài khoản sau đó được liệt kê là “người mua đã được xác minh” sau khi gói hàng được gửi đến địa chỉ, việc này cho phép họ viết đánh giá để nhận được số xếp hạng tích cực cao hơn. Cựu cố vấn kinh doanh của Amazon là ông James Thomson cho biết, sau bước này, sản phẩm của họ được đẩy lên thứ hạng cao hơn trên Amazon, theo một bài báo phát hành năm 2018 của tờ Boston Globe.
Tờ The Globe cho biết, một cặp vợ chồng ở Massachusetts vào năm 2018 liên tục nhận được các gói hàng bí ẩn từ Amazon, bao gồm máy tạo độ ẩm với cổng sạc USB và vòng cổ chó.
Ngoài ra, dẫn lời các quan chức của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Sở Nông nghiệp bang Tennessee tuyên bố các gói hạt giống bí ẩn được gửi đến người nhận không mong muốn là một trò lừa đảo tên “brushing scam”.
Ngày 27/7, Sở này thông báo: “Dù chúng tôi không có lý do để nghi ngờ rằng những hạt giống này được gửi đi với mục đích xấu, nhưng chúng tôi vẫn muốn thực hiện mọi biện pháp phòng ngừa để chắc chắn rằng không có một loài thực vật xâm lấn hoặc mang tính đe dọa nào khác được nuôi trồng ở đây”. Các quan chức nhắc lại rằng mọi người không nên trồng chúng và cần gửi các gói hàng đến địa chỉ của cơ quan.
Nếu có ai đã lỡ gieo những hạt giống này, họ nên “[kéo] các cây lên”, “cho chúng vào 2 lần túi và bỏ chúng vào thùng rác. Cũng không nên dùng chúng làm phân bón”, cơ quan này cho biết.
Vụ việc đã khiến các chuyên gia quốc tế chú ý sau khi cư dân Lori Culley sống ở Tooele nói với FOX13 ở Salt Lake City rằng, cô đã nhận được 2 gói hàng nhỏ trong hộp thư của mình vào tuần trước, hầu hết các văn bản đính kèm đều bằng tiếng Trung Quốc. Tuy nhiên, nhãn dán trên gói hàng lại nói rằng bên trong là bông tai.
Cô Culley nói: “Tôi đã mở chúng ra và thấy chúng là hạt giống. Rõ ràng chúng không phải trang sức”. Cô nói rằng những hạt giống đã được gửi đến ít nhất 40 người xung quanh khu vực Tooele, nhưng cô chưa từng đặt mua hạt giống qua mạng.
Du Miên
Theo The Epoch Times

Chính quyền Trump

trừng phạt 2 cựu quan chức Venezuela

Minh Hòa
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm thứ Ba (28/7) đã áp dụng thêm lệnh trừng phạt đối với hai cựu quan chức Venezuela bị cáo buộc lạm dụng chức vụ để trục lợi cá nhân.
Thông tin này được công bố trên website của Bộ Ngoại giao Mỹ và tài khoản chính thức của Ngoại trưởng Mike Pompeo trên Twitter. Nhà ngoại giao hàng đầu Hoa Kỳ cho biết, hai cựu quan chức trong ngành điện lực Venezuela và các thành viên trong gia đình trực hệ của họ sẽ bị cấm nhập cảnh vào Hoa Kỳ.
Người thứ nhất là ông Luis Alfredo Motta Sebastuez, cựu Bộ trưởng Bộ Điện lực, chủ tịch tập đoàn điện lực nhà nước Corpoelec. Người thứ hai là ông Eustiquio Jose Lugo Gomez, cựu Thứ trưởng Bộ Điện lực phụ trách về Tài chính, Đầu tư và Liên minh Chiến lược.
Ngoại trưởng Pompeo cho biết hai người này “đã lợi dụng các chức vụ quyền lực của mình để làm giàu cho bản thân hơn là cho nhân dân Venezuela”.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết hai cựu lãnh đạo Venezuela đã “nhận các khoản lợi ích tiền tệ, bao gồm hối lộ và lại quả”, khi trao các hợp đồng cung cấp vật tư béo bở cho công ty điện lực nhà nước Venezuela, Corpoelec. Ngoài ra, hai người này cũng bị cáo buộc “chiếm dụng công quỹ để làm giàu cho bản thân”.
Trong bản thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 28/7, chính quyền Trump cũng tái khẳng định sự ủng hộ của Hoa Kỳ đối với Chủ tịch Quốc hội Venezuela Juan Guaido trên cương vị tổng thống. Hoa Kỳ và hơn 50 quốc gia khác công nhận ông Guaido là tổng thống Venezuela, đồng thời bác bỏ nhà cầm quyền Nicolas Maduro, người bị chỉ trích về tình trạng siêu lạm phát, tham nhũng và nghèo đói nhanh chóng tại quốc gia từng giàu có nhất Nam Mỹ.
Hai cựu quan chức Venezuela bị trừng phạt hôm 28/7 cũng đã bị Bộ Tài chính Mỹ xử phạt vào tháng 6/2019 vì các cáo buộc tham nhũng và lừa đảo. Động thái xử phạt bao gồm đóng băng tất cả các tài sản của họ ở Mỹ, được đưa ra khi Venezuela trải qua các đợt mất điện quy mô lớn trên toàn quốc.
Chính quyền Maduro khi đó đổ lỗi cho Mỹ “tấn công mạng” làm tê liệt hệ thống điện của nước này. Tuy nhiên, các chuyên gia phân tích rằng hệ thống điện của Venezuela không được cải tiến từ những năm 1990 và không có kết nối công nghệ cao để có thể thực hiện tấn công mạng. Ngược lại, giới phân tích cho rằng tình trạng tham nhũng, bỏ bê và quản lý yếu kém của chính quyền Maduro đã khiến cơ sở hạ tầng trong ngành điện bị suy sụp và dẫn đến mất điện quy mô lớn.

Virus corona: Trump kiên quyết bảo vệ

việc dùng thuốc sốt rét để điều trị Covid-19

Tổng thống Mỹ Donald Trump một lần nữa bảo vệ quan điểm sử dụng hydroxychloroquine để điều trị virus corona, điều mâu thuẫn với lời khuyên của các chuyên gia y tế làm việc cho ông.
Ông Trump cho rằng thuốc trị sốt rét bị loại khỏi việc điều trị Covid-19 chỉ vì ông đã gợi ý dùng nó.
Nhận xét của ông Trump được đưa ra sau khi Twitter cấm con trai cả của ông đăng một đoạn clip khen ngợi thuốc hydroxychloroquine.
Không có bằng chứng thuốc trị sốt rét có thể chống lại virus corona, và giới thẩm quyền cảnh báo nó có thể gây ra các vấn đề về tim.
Tháng trước, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo về việc sử dụng thuốc sốt rét để điều trị virus corona, sau khi có các báo cáo rằng thuốc này có thể gây ra “các vấn đề nghiêm trọng về nhịp tim” và các vấn đề sức khỏe khác.
FDA cũng thu hồi ủy quyền sử dụng khẩn cấp đối với thuốc này để điều trị Covid-19. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết “hiện tại không có bằng chứng” cho thấy thuốc này hiệu quả như một phương pháp điều trị hoặc ngăn ngừa Covid-19.
Các nghiên cứu do WHO, Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ và các nhà nghiên cứu y tế khác trên thế giới thực hiện không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy hydroxychloroquine – khi được sử dụng cùng hoặc không với kháng sinh azithromycin, như được Tổng thống Trump khuyến nghị – giúp điều trị virus corona.
Hydroxychloroquine được ông Trump, 74 tuổi, khuyến nghị sử dụng để điều trị Covid-19. Hai tháng sau, ông làm các nhà báo ngạc nhiên khi nói rằng ông đã bắt đầu dùng thuốc chưa được kiểm chứng để phòng tránh virus.
Hôm thứ Ba, Tổng thống Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng: “Tôi chỉ có thể nói điều đó từ quan điểm của mình, và dựa trên việc đọc rất nhiều và rất nhiều kiến thức về nó, tôi nghĩ rằng nó có thể có tác động rất tích cực trong giai đoạn đầu .
“Tôi không nghĩ bạn có gì để mất khi dùng thuốc này, ngoài vấn đề chính trị ra thì thuốc này dường như không quá phổ biến.”
Ông nói thêm: “Khi tôi đề xuất một cái gì đó, thì người ta thường thích nói ‘đừng dùng nó’ ”.
Tổng thống Trump và con trai Donald Trump Jr là một trong số những người dùng mạng xã hội hôm thứ Hai để chia sẻ video của một nhóm được gọi là Bác sĩ Mặt trận Tuyến đầu (Frontline Doctor) của Mỹ ủng hộ hydroxychloroquine như một phương pháp điều trị Covid-19.
Facebook và Twitter đã xóa nội dung, gắn cờ rằng đây là thông tin sai lệch, nhưng trước đó khoảng hơn 17 triệu người đã xem một trong những clip này.
Twitter cũng cấm con trai cả của tổng thống Mỹ tweet trong 12 giờ như một hình phạt cho việc chia sẻ clip.
Đoạn video được đề cập cho thấy các bác sĩ phát biểu bên ngoài Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại một sự kiện do Tea Party Patriots Action tổ chức. Đây là một nhóm đã giúp tài trợ cho một ủy ban chính trị ủng hộ Trump.
Trong video, bác sĩ Stella Immanuel, từ Houston, nói rằng bà đã điều trị thành công cho hơn 350 bệnh nhân nhiễm virus corona bằng hydroxychloroquine.
Tổng thống Trump nói hôm thứ Ba: “Tôi nghĩ họ là những bác sĩ rất đáng kính. Có một phụ nữ đã đưa ra bài phát biểu ngoạn mục về điều đó.”
Theo Daily Beast, Tiến sĩ Immanuel trước đây từng tuyên bố chính phủ được điều hành bởi “các loài bò sát” và rằng các giới khoa học đang phát triển một loại vaccine để ngăn chặn mọi người theo tôn giáo, cùng có các quan điểm kỳ quái khác.
Simone Gold, người sáng lập ra Frontline Doctor, cáo buộc các công ty cung cấp dịch vụ mạng xã hội đã có hành vi kiểm duyệt khi xóa những video về hydroxychloroquine.
“Các lựa chọn điều trị cho COVID-19 nên được nói tới và được tranh luận giữa các đồng nghiệp của chúng tôi trong lĩnh vực y tế”, bà tweet. “Tuy nhiên, họ không bao giờ nên bị kiểm duyệt và bị buộc im lặng.”
Cuối ngày thứ Hai, ông Trump cũng đăng một số tweet chỉ trích ông Anthony Fauci, lãnh đạo lực lượng đặc nhiệm phòng chống virus corona của Nhà Trắng.
Nhưng trong cuộc họp báo hôm Ba, Tổng thống Trump phủ nhận việc chỉ trích ông Anthony Fauci, người đồng thời là giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, bằng cách nhấn mạnh: “Tôi rất hợp với ông ấy.”
Hôm thứ Ba, khi được hỏi về hydroxychloroquine, bác sĩ Fauci cho biết thuốc này không phải là phương pháp điều trị thích hợp cho Covid-19.
Ông nói với chương trình Chào buổi sáng của ABC News rằng loại thuốc này “không hiệu quả trong việc điều trị bệnh virus corona”.
Tại cuộc họp giao ban ngày thứ Ba, ông Trump đã đặt câu hỏi tại sao chuyên gia virus corona của Nhà Trắng và thành viên lực lượng đặc nhiệm phòng chống virus corona, ông Deborah Birx lại nổi tiếng, nhưng chính quyền của ông thì không.
Ông nói: “Họ rất hay được nhắc đến nhưng không ai ưa tôi cả. Đó chỉ có thể là do tính cách của tôi, thế thôi.”
Hoa Kỳ hiện có hơn 4,3 triệu ca mắc Covid-19 được ghi nhận và hơn 149.000 tử vong.

Khách du lịch từ California nằm trong 27 tiểu bang

phải tự cách ly nếu muốn đến Washington, D.C.

Các viên chức cho biết khách du lịch từ California và các ổ dịch coronavirus khác muốn đến Washington, D.C. sẽ phải tự cách ly trong vòng 14 ngày.
Vào thứ hai (ngày 27 tháng 7), Thị trưởng D.C. Muriel Bowser cho biết các tiểu bang được cho là “có nguy cơ cao” là những nơi có số ca nhiễm COVID-19 hàng ngày ở mức 10/100,000 người. Lệnh này, sẽ có hiệu lực cho đến ít nhất là ngày 10 tháng 8, áp dụng cho những khách du lịch vì các hoạt động không thiết yếu.
Các viên chức cho biết các cá nhân sẽ “được yêu cầu tự theo dõi các triệu chứng của COVID-19 trong 14 ngày và, nếu họ có dấu hiệu hoặc gặp các triệu chứng của COVID-19, họ phải tự cách ly và tìm tư vấn hoặc xét nghiệm y tế.”
California đã báo cáo 453,659 trường hợp coronavirus và 8,416 trường hợp tử vong tính đến ngày 27 tháng 7. (BBT)

COVID: Florida tử vong tăng kỷ lục,

Texas số ca nhiễm vượt trên 400 ngàn

Tiểu bang Florida, Hoa Kỳ, hôm 28/7 báo cáo số ca tử vong trong một ngày tăng cao kỷ lục trong khi số ca nhiễm tại bang Texas vượt quá 400.000.
Số ca nhiễm leo thang ở Florida cùng với Texas, Arizona và California trong tháng này khiến các bệnh viện quá tải và buộc phải đảo chiều các bước mở cửa lại nền kinh tế.
Florida, bang đông dân thứ ba ở Mỹ và là điểm dừng chân của du khách thích tắm biển và những người hồi hưu, trong 24 giờ qua ghi nhận thêm 191 ca tử vong vì COVID, mức tăng hằng ngày cao nhất kể từ khi dịch khởi phát.
Texas, bang đông dân thứ nhì, có thêm 6.000 người nhiễm COVID hôm 27/7, nâng tổng số ca lên thành 401.477, theo dữ liệu của Reuters. Ngoài Texas, các bang California, Florida và New York là những nơi có trên 400.000 người nhiễm.
Tính tới ngày 27/7, số tử vong vì COVID trên toàn nước Mỹ tăng lên thành 148.446 ca và hơn 4,3 triệu người nhiễm virus, theo Reuters.
Số tử vong và số ca nhiễm tăng làm lu mờ hy vọng ban đầu rằng nước Mỹ đã qua giai đoạn tệ hại nhất của khủng hoảng kinh tế vốn gây thiệt hại cho hoạt động thương mại và khiến hàng triệu người thất nghiệp.
Các thượng nghị sĩ Cộng hoà ở Thượng viện ngày 27/7 loan báo gói viện trợ corona trị giá 1 ngàn tỷ đô. Phe Dân chủ cho rằng gói này quá giới hạn so với đề xuất 3 ngàn tỷ của họ đã được thông qua ở Hạ viện hồi tháng 5.
Đề nghị của phía Cộng hoà sẽ cấp ngân khoản trực tiếp cho dân Mỹ mỗi người 1.200 đô la, cấp hàng tỷ đô các khoản vay dành cho doanh nghiệp nhỏ và giúp mở lại trường học, nhưng sẽ giảm khoản chu cấp thất nghiệp của liên bang từ 600 đô la/tuần xuống thành 200 đô la/tuần. Khoản trợ cấp thất nghiệp 600 đô/tuần hiện nay của liên bang sẽ hết hạn vào thứ Sáu tuần này.

Covid-19: Số tử vong tại Mỹ tiếp tục tăng cao,

6 bang phá kỷ lục

Trọng Nghĩa
Theo số liệu của Đại Học Johns Hopkins, tính đến hết ngày 28/07/2020, Mỹ ghi nhận thêm 1.592 ca tử vong vì Covid-19 trong 24 tiếng đồng hồ, nâng thiệt hại nhân mạng lên 148.488 người. Một yếu tố đáng ngại khác là có đến 6 bang mà số ca tử vong cao chưa từng thấy.
Gần 1.600 người chết trong 24 tiếng là mức cao nhất từ hai tháng rưỡi nay. Đà tăng bi thảm này được cho là sẽ tiếp diễn trong bối cảnh số ca nhiễm vẫn tiếp tục ở mức cao, với hơn 60.000 ca vào hôm qua, đẩy tổng số người bị nhiễm virus corona chủng mới tại Mỹ lên mức gần 4,5 triệu ca.
Theo thống kê của Reuters, tình hình tại nhiều bang miền Nam và miền Tây nước Mỹ vẫn rất đáng ngại. Trong một ngày, đã có đến 6 bang bị số tử vong kỷ lục: Arkansas, California, Florida, Montana, Oregon và Texas.
Tại California chẳng hạn, đã có thêm 171 người chết vì Covid-19. Theo thống kê của giới chức y tế  bang, dù chỉ chiếm hơn 1/3 dân số California, người Mỹ Latinh là cộng đồng bị dịch bệnh tác hại nặng nhất, chiếm tới 56% số người nhiễm virus trên toàn bang, và 46% người chết.
Tại vùng nông nghiệp Central Valley, nơi có đông đảo người châu Mỹ Latinh sinh sống, số bệnh nhân tăng vọt đã khiến cho các bệnh viện bị quá tải.
Các bang khác có đông người Mỹ Latinh sinh sống cũng bị thiệt hại kỷ lục. Theo Reuters, tại Florida, hôm 28/07/2020 đã có thêm 191 ca tử vong vì Covid-19 được ghi nhận trong 24 giờ qua. Đây cũng là số ca tử vong vì Covid-19 trong ngày cao nhất tại bang này.
Texas cũng ghi nhận thêm 6.000 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại bang này vượt ngưỡng 400.000 trường hợp.
Nhìn chung, cho đến nay, ngoài Texas, còn có California, Florida và New York là những bang mà tổng số ca nhiễm vượt mốc 400.000 người. Đây cũng là những bang đông dân nhất nước Mỹ.
WHO : Virus corona « hoạt động » quanh năm
Covid-19 sẽ không phải là một dạng cúm mùa, theo cảnh báo của Tổ Chức Y Tế Thế Giới ngày 28/07/2020. Châu Mỹ vẫn là châu lục bị Covid-19 tác động nghiêm trọng nhất. Tính từ đầu mùa dịch, virus corona đã khiến hơn 9.000 người qua đời ở Ecuador và 9.240 ca tử vong ở Chilê.
Brazil ghi nhận gần 41.000 ca nhiễm mới và 921 người chết chỉ trong vòng 24 giờ, theo thống kê ngày 28/07. Bị quá tải vì số ca cấp cứu, nhưng lại không nhận được lương từ nhiều tháng nay, đội ngũ y tá và điều dưỡng tại bệnh viện công ở Rio de Janeiro đã bước sang tuần đình công thứ hai.
Theo thống kê của AFP, số ca tử vong trên thế giới vì virus corona đã lên đến 654.447 người. Tổ Chức Y Tế Thế Giới tỏ ra « quan ngại » về tình hình tại châu Phi, nơi hiện có 860.000 ca nhiễm và 18.000 người chết vì Covid-19. Trẻ em cũng trở thành nạn nhân gián tiếp : Có thêm gần 7 triệu trẻ em bị thiếu ăn, suy dinh dưỡng trên khắp thế giới do khủng hoảng kinh tế và xã hội vì dịch bệnh, theo một nghiên cứu được Liên Hiệp Quốc công bố ngày 28/07.

Facebook, Twitter, Youtube xóa video

của các bác sĩ ủng hộ Hydroxychloroquine

Bình luậnVăn Thiện
Facebook, Twitter và Youtube đã xóa các video về một cuộc họp báo vào thứ Hai do một nhóm bác sĩ tổ chức, với lý do vi phạm chính sách của họ. Các thành viên của nhóm, với tên gọi là “Các bác sĩ Tuyến đầu của Hoa Kỳ”, đã nói về khả năng hỗ trợ của thuốc chống sốt rét Hydroxychloroquine trong điều trị và phòng ngừa COVID-19, và cho rằng có thông tin sai lệch về thuốc.
Trong cuộc họp báo trước Tòa án Tối cao Hoa Kỳ tại Washington, nhóm này cũng kêu gọi một “cách tiếp cận bền vững” đối với đại dịch virus Corona Vũ Hán (COVID-19), và thúc giục mở trường học và doanh nghiệp.
Facebook, Twitter và Youtube đã xóa video 45 phút về cuộc họp báo vài giờ sau khi video được chia sẻ và đã đạt được hàng triệu lượt xem, trong đó Facebook có hơn 13 triệu lượt xem.
Phát ngôn viên của Facebook cho biết họ đã gỡ bỏ video video vì chia sẻ thông tin sai lệch về các phương pháp chữa trị và điều trị COVID-19, và nói với CNN rằng thay vào đó nền tảng này sẽ hiển thị “các tin nhắn trên News Feed cho những người đã phản ứng, bình luận hoặc chia sẻ thông tin sai lệch nguy hại liên quan đến COVID-19 mà chúng tôi đã loại bỏ, kết nối họ với những thông tin được gỡ bỏ bởi [Tổ chức Y tế Thế giới]”.
Trên Twitter, Tổng thống Donald Trump đã chia sẻ 2 clip về cuộc họp báo. Nhưng vào đầu ngày thứ Ba, Twitter đã gỡ các video xuống. Twitter cũng đã gỡ xuống một video của cuộc họp báo được chia sẻ bởi Breitbart News. Người phát ngôn của Twitter nói với CNN rằng các hành động được thực hiện phù hợp với “chính sách [thông tin sai lệch] về Covid”.
Youtube cũng đã xóa video của buổi họp báo, thay thế đoạn phim bằng một thông báo nói rằng nội dung đã bị xóa vì “vi phạm nguyên tắc cộng đồng của YouTube”.
Buổi họp báo là một phần của cuộc gặp cấp cao kéo dài 2 ngày mà nhóm bác sĩ tổ chức, được gọi là “Cuộc gặp cấp cao áo trắng” (White Coat Summit), trên Capitol Hill, nơi đặt trụ sở chính phủ Hoa Kỳ. Theo trang web của nhóm được thành lập gần đây, mục tiêu của cuộc gặp cấp cao một phần là để “tạo cơ hội cho các bác sĩ tuyến đầu nói chuyện trực tiếp với người dân Mỹ”, và “giáo dục và thông báo cho các nghị sĩ, những người bị nhận thông tin sai lệch trên diện rộng”.
Trong buổi họp báo, bác sĩ Stella Immanuel, bác sĩ chăm sóc chính tại Trung tâm y tế Rehoboth ở Houston, Texas, cho biết bà đã điều trị cho hơn 350 bệnh nhân mắc COVID-19 bằng cách sử dụng kết hợp Hydroxychloroquine, kẽm và Azithromycin và mô tả sự kết hợp của các loại thuốc như một “phương thuốc chữa bệnh”.
Bà nói: “Trong vài tháng qua, sau khi chăm sóc hơn 350 bệnh nhân, chúng tôi đã không mất một bệnh nhân nào. Không phải bệnh nhân tiểu đường, không phải người bị huyết áp cao, không phải người mắc bệnh hen suyễn, không phải người già. Chúng tôi đã không mất một bệnh nhân”.
Bà nói thêm: “Tôi đã đến đây ở Washington, D.C. để nói ‘Nước Mỹ, không ai cần phải chết cả’”.
Immanuel cũng đã chỉ trích các nghiên cứu cho rằng Hydroxychloroquine không hiệu quả trong việc điều trị COVID-19, gọi các nghiên cứu như vậy là “khoa học giả” được hỗ trợ bởi “các công ty dược phẩm gian dối”.
Bà nói: “Tôi muốn biết ai đang tài trợ cho nghiên cứu đó. Tôi muốn biết ai đứng đằng sau nó bởi vì không có cách nào tôi có thể điều trị cho 350 bệnh nhân, không ai chết và tất cả họ đã tốt hơn”.
Sau đó, bà cáo buộc rằng “bất kỳ nghiên cứu nào nói rằng Hydroxychloroquine không hoạt động, là khoa học giả”, và nói thêm, “tôi muốn họ chỉ cho tôi cách nó không hoạt động”.
Bà nói: “Đây là những gì tôi muốn nói với tất cả những nghiên cứu đó rằng chúng đã dùng liều cao, đã phát thuốc cho những bệnh nhân mắc bệnh khác. Tôi sẽ gọi chúng là khoa học giả… Làm thế nào mà thuốc đã có tác dụng với 350 bệnh nhân và tất cả họ đều còn sống, và sau đó ai đó nói rằng thuốc không có tác dụng? Này các bạn, tất cả đều nghiên cứu đều là khoa học giả”.
Immanuel cũng cho biết bản thân cũng đang sử dụng Hydroxychloroquine, và nhân viên của bà và các bác sĩ khác mà bà biết cũng đang dùng thuốc để giúp ngăn ngừa COVID-19. Bà nói rằng, “bằng chính cơ chế tác dụng, nó hoạt động sớm và như một phương pháp dự phòng”.
Bà cũng đã thúc giục “mọi người” sử dụng Hydroxychloroquine, để mở lại trường học và doanh nghiệp, đồng thời nói rằng mọi người “không cần đeo khẩu trang” khi đã có phương thuốc trị bệnh.
Immanuel khẳng định bà sẽ tiếp tục dùng thuốc cho những bệnh nhân bị ảnh hưởng bởi virus Corona Vũ Hán.
Bà nói thêm: “Tôi đã nhận được tất cả các loại mối đe dọa… Tôi không quan tâm. Tôi sẽ không để người Mỹ chết. Nếu đây là ngọn đồi nơi tôi bị đóng đinh, tôi sẽ bị đóng đinh trên đó… Tôi không quan tâm. Bạn có thể báo cáo tôi với các bot, bạn có thể giết tôi, bạn có thể làm bất cứ điều gì, nhưng tôi sẽ không để người Mỹ chết”.
Bà nhận xét về nhận xét của các bác sĩ đã nói với cô rằng cần phải nghiên cứu mù đôi (double-blind studies), nghiên cứu trong đó cả những người tham gia và các nhà thí nghiệm không biết ai đang được điều trị cụ thể..
Bà nói: “Khi ai đó chết, họ đã chết. Họ sẽ không quay lại vào ngày mai để tranh luận. Họ sẽ không quay lại vào ngày mai để thảo luận về nghiên cứu mù đôi và dữ liệu. Tất cả các bác sĩ đang chờ dữ liệu, nếu 6 tháng sau bạn thực sự phát hiện ra rằng dữ liệu này cho thấy thuốc này hoạt động, thế bệnh nhân của bạn đã chết thì sao? Bạn muốn một nghiên cứu mù đôi nơi mọi người đang chết? Đó là phi đạo đức”.
Vào tháng 4, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã cảnh báo các chuyên gia y tế rằng không nên sử dụng thuốc này để điều trị COVID-19 bên ngoài bệnh viện hoặc các cơ sở nghiên cứu do tác dụng phụ gây tử vong, bao gồm nhịp tim bất thường hoặc tạo nhịp tim nhanh. Vào tháng 6, FDA đã chấm dứt ủy quyền sử dụng khẩn cấp cho cả Hydroxychloroquine và Chloroquine trong điều trị COVID-19.
Hydroxychloroquine và Chloroquine đã được phê duyệt từ nhiều thập kỷ trước để sử dụng chống lại các bệnh bao gồm cả sốt rét. Chúng được sử dụng sớm trong điều trị bệnh nhân nhiễm virus Corona Vũ Hán và các bác sĩ trên khắp thế giới cho biết chúng có tác dụng chống lại căn bệnh này.
Tiến sĩ Simone Gold, một chuyên gia y tế khẩn cấp tại Los Angeles và là người sáng lập của nhóm “Các bác sĩ Tuyến đầu của Hoa Kỳ”, cho biết trong cuộc họp báo hôm thứ Hai rằng các hãng truyền thông đã không đưa tin cả “tấn” dữ liệu về Hydroxychloroquine. Bà cho biết trang web của nhóm chứa một bản tóm tắt các nghiên cứu liên quan đến thuốc.
Trang web của nhóm viết: “An toàn của HCQ là không thể phủ nhận. Các bằng chứng hỗ trợ về hiệu quả HCQ chống lại COVID-19 cũng rất lớn. Tất cả các nghiên cứu phủ nhận HCQ đã sử dụng thuốc theo một trong hai cách: sử dụng một mình (nó cần Kẽm) quá nhiều hoặc sử dụng muộn (nên là sớm)”.
Gold là một người ủng hộ mở cửa trở lại đất nước. Vào tháng 5, bà nói với Associated Press rằng bà bắt đầu lên tiếng chống lại các lệnh yêu cầu ở nhà vì không có cơ sở khoa học nào cho thấy “người Mỹ trung bình nên lo lắng” về COVID-19. Bà cũng đã dẫn một bức thư ngỏ tới Tổng thống Donald Trump hồi tháng 5 cảnh báo về hậu quả của việc đóng cửa kéo dài. Bức thư được ký bởi hơn 600 bác sĩ.
Tiến sĩ James Todaro, một nhà nghiên cứu về COVID-19, nói tại cuộc họp báo rằng Hydroxychloroquine là một loại thuốc không cần kê đơn ở nhiều quốc gia và cáo buộc rằng đã có một “cuộc tấn công được dàn xếp” nhắm vào loại thuốc này.
Ông nói: “Bạn đã bao giờ nghe nói về một loại thuốc tạo ra mức độ tranh cãi như thế này chưa? Một loại thuốc 65 tuổi đã nằm trong danh sách các loại thuốc an toàn, thiết yếu của Tổ chức Y tế Thế giới trong nhiều năm”.
Todaro, người đã tiếp tục chia sẻ thông tin về thuốc trên trang Twitter của mình, nói rằng Google đã xóa một bài báo mà ông là đồng tác giả hồi tháng 3 chia sẻ bằng chứng về hiệu quả của Hydroxychloroquine đối với COVID-19, và kể từ đó, đã có một “lượng kiểm duyệt cực lớn” trên các bác sĩ chia sẻ thông tin về những thành công tiềm năng của thuốc.
Todaro cũng nói rằng những thông tin sai lệch về vấn đề này đã “đạt được số đặt hàng cao nhất về thuốc” và nhắc đến trường hợp nghiên cứu về Hydroxychloroquine vào tháng 5 được đăng trên tờ The Lancet, “một trong những tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới”. Tổ chức Y tế Thế giới đã tạm thời đình chỉ thử nghiệm thuốc do nghiên cứu này, nhưng đã tiếp tục thử nghiệm lâm sàng vào đầu tháng 6.
Ông nói: “Có những nhà nghiên cứu độc lập như chúng tôi, những người quan tâm đến bệnh nhân, những người quan tâm đến sự thật đã đào sâu về nghiên cứu này và xác định rằng đó thực sự là dữ liệu bịa đặt. Dữ liệu không có thật. Và chúng tôi đã làm điều này một cách thuyết phục đến nỗi nghiên cứu này đã được The Lancet rút lại chưa đầy 2 tuần sau khi nó được xuất bản. Điều này gần như chưa từng nghe thấy, đặc biệt là đối với nghiên cứu ở quy mô này ”.
Ông Todaro nói: “Tôi xin lỗi tất cả mọi người vì thực tế là có quá nhiều thông tin sai lệch ngoài kia, và thật khó để tìm ra sự thật. Thật không may, chúng ta sẽ cần nhìn vào những nơi khác để có sự thật. Đó là lý do tại sao chúng tôi thành lập các bác sĩ tuyến đầu ở đây để cố gắng giúp mọi người có được thông tin thực sự ngoài kia”.
Các thử nghiệm lâm sàng lớn ở Hoa Kỳ phân tích hiệu quả và an toàn của Hydroxychloroquine đang diễn ra.
Các bác sĩ kêu gọi mở cửa trở lại, ‘Cách tiếp cận bền vững’
Tiến sĩ Robert Hamilton, một bác sĩ nhi khoa từ Santa Monica, California, kêu gọi mở lại trường học. Ông nói trong cuộc họp báo rằng trẻ em “theo một quy tắc chung, đang đề kháng loại virus này rất tốt”, rất ít trẻ em bị nhiễm bệnh và nếu có thì “số phải nhập viện cũng thấp”.
Ông cũng nói rằng trẻ em không thúc đẩy sự lây lan của virus Corona Vũ Hán và kêu gọi trẻ em được gửi trở lại trường để học trực tiếp.
Ông nói: “Chúng ta cần phải bình thường hóa cuộc sống của những đứa trẻ… Chúng ta làm điều đó bằng cách đưa chúng trở lại lớp học. Vâng, chúng ta có thể cẩn thận, tôi làm tất cả là vì điều đó, tất cả chúng tôi cũng đều như vậy. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng là chúng ta không hành động vì sợ hãi. Chúng ta cần phải hành động theo khoa học”.
Hamilton cho biết ông tin rằng các công đoàn quốc gia, bao gồm các công đoàn giáo viên, “sẽ yêu cầu tiền”, đó là một rào cản cho trẻ em trở lại trường học, và nói thêm “đó là nơi chúng ta cần tập trung nỗ lực và chống trả”.
“Tôi nghĩ rằng thật tốt khi trả tiền cho [thiết bị bảo vệ cá nhân] và những thứ khác nhau trong lớp học, nhưng một số yêu cầu của họ thực sự vô lý”, ông nói và lưu ý cách Liên hiệp Giáo viên Los Angeles muốn giải tán cảnh sát .
Tiến sĩ Dan Erickson, đồng sở hữu của Accelerated Urgent Care, một mạng lưới các cơ sở chăm sóc khẩn cấp ở California, kêu gọi quốc gia mở cửa trường học và doanh nghiệp.
Ông Erickson cho biết: “Chúng ta có thể tạo khoảng cách xã hội và đeo khẩu trang, nhưng chúng ta cũng có thể mở các trường học và mở các doanh nghiệp”.
Ông nói: “Chúng ta cần có một cách tiếp cận bền vững. Một cách tiếp cận bền vững là làm dịch bệnh chậm lại, mở trường học, mở doanh nghiệp. Và sau đó chúng ta có thể cho phép mọi người có được sự độc lập và trách nhiệm cá nhân của họ để chọn đeo khẩu trang và giãn cách xã hội, trái ngược với việc đưa ra lệnh cấm đối với họ, loại điều khiển họ”.
Tại cuộc họp báo, đề cập đến virus Corona Vũ Hán, Erickson nói với những người tham dự rằng “99,8% người dân đã trải qua điều này với rất ít hoặc không có trường hợp nào bệnh tiến triển hoặc trở nên nghiêm trọng”.
Văn Thiện
Theo The Epoch Times

Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr:

“Các cuộc biểu tình ở Portland là một cuộc

tấn công  nhằm vào Chính Phủ Hoa Kỳ”

Trong một bản sao của tuyên bố được chuẩn bị trước, Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr dự kiến sẽ nói với Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện rằng tình trạng bất ổn bạo lực ở Portland là “một cuộc tấn công vào Chính phủ Hoa Kỳ.”
Trong các nhận xét, ông Barr cũng cáo buộc các thành viên Dân chủ của ủy ban Tư pháp Hạ viện đang cố gắng “làm mất uy tín” của ông. Bộ Trưởng Tư Pháp nói rằng những ví dụ rõ ràng nhất là việc những người biểu tình ném chất nổ vào các tòa án liên bang, sử dụng xà beng để đột nhập vào khu vực, hoặc ném chất thải vào người cảnh sát liên bang. Đồng thời, ông gọi những hành động này là “tội ác liên bang theo đạo luật do Quốc hội ban hành.”
Vào thứ ba (ngày 28 tháng 7), ông Barr sẽ tham gia phiên điều trần trước Ủy ban này. Bản sao nói trên cho biết ông dự định sẽ thảo luận về tình trạng bất ổn xảy ra sau cái chết của George Floyd – nhưng mặc dù ông thừa nhận rằng “các hành vi sử dụng bạo lực quá mức là không chấp nhận được và cần được giải quyết,” ông đã chỉ trích những lời kêu gọi cắt giảm ngân sách của cảnh sát.
Nói về cách cảnh sát Hoa Kỳ đối xử với người da đen, ông Barr nói rằng vấn đề không bắt nguồn từ sự kỳ thị chủng tộc đã có từ lâu trong mọi sở cảnh sát trên toàn quốc, mà là từ sự kết hợp phức tạp của các yếu tố, và những yếu tố này có thể được giải quyết nếu với sự tập trung chú ý  của các nhà lập pháp.
Ông cũng đặc biệt yêu cầu các thành viên của Quốc hội không khuyến khích “những phần tử bạo loạn và bạo lực vô chính phủ” ở Portland, nơi các cuộc biểu tình đã trở thành một cuộc đụng độ bạo lực với các cảnh sát liên bang được Tổng thống Trump điều động đến thành phố. Tổng thanh tra của Bộ Tư
pháp hiện đang điều tra các báo cáo liên quan đến việc cảnh sát liên bang sử dụng bạo lực quá mức tại D.C. và Portland. (BBT)

Bộ Trưởng Tư Pháp điều trần trước Hạ Viện

Tin Washington DC – Bộ Trưởng Tư Pháp William Barr đã xuất hiện trước Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện vào thứ Ba, 28 tháng 7, trong phiên điều trần đầu tiên của ông ở vị trí viên chức hành pháp hàng đầu quốc gia. Các nhà lập pháp Dân Chủ đã chất vấn ông Barr về nhiều quyết định gây tranh cãi, được cho là phục vụ cho lợi ích của Tổng Thống Trump.
Khi trả lời câu hỏi về việc dùng hơi cay đối với người biểu tình ở Portland, Bộ Trưởng Barr nói sự hiện diện của cảnh sát liên bang tại Portland, cùng việc sử dụng vũ lực, là cần thiết để ngăn chận các cuộc tấn công bạo lực nhắm vào các tòa án liên bang, và để nạn bạo động không làn tràn khắp đất nước.
Bộ Trưởng Barr cũng cho rằng việc sử dụng vũ lực chống lại người biểu tình ôn hòa là phù hợp, nếu các cuộc biểu tình này là trái phép. Bộ Trưởng Barr cũng chỉ trích các lãnh đạo Dân Chủ, cáo buộc họ đã phớt lờ việc người biểu tình định đốt phá tòa án liên bang và các vụ bạo lực khác do những người này gây ra.
Khi được hỏi tại sao không điều tra việc Tổng Thống Trump ân xá cựu cố vấn Roger Stone, Bộ Trưởng Barr nói rằng ông không có lý do gì để điều tra, vì việc ân xá nằm trong quyền hạn của tổng thống. Bộ Trưởng Barr cũng bác bỏ cáo buộc cho rằng ông đã chính trị hóa Bộ Tư Pháp, nói rằng ông không hề truy tố người nào bị cho là đối thủ của chính phủ.
Đối với các vụ án của những cố vấn thân cận của Tổng Thống Trump như ông Roger Stone và Michael Flynn, Bộ Trưởng Barr nói bạn bè của tổng thống không có quyền được hưởng ưu đãi, nhưng họ cũng không đáng phải bị xét xử nặng tay hơn so với người khác.

Mỹ không nhận thêm đơn xin vào DACA

Chính quyền Mỹ ngày 28/7 loan báo sẽ không nhận thêm đơn cho chương trình di dân ‘Dreamer’ và rút ngắn sự bảo vệ khỏi bị trục xuất cho những ai sắp hết hạn quy chế DACA hoặc cần xin cấp mới quy chế DACA.
Chính quyền Trump chuẩn bị cho nỗ lực mới chấm dứt chương trình bảo vệ khỏi bị trục xuất cho hàng trăm ngàn di dân bất hợp pháp tới Mỹ từ nhỏ, gọi là ‘Dreamer.’
Toà Tối cao tháng trước nói rằng chính quyền đã sai trong cách quyết định chấm dứt chương trình Trì hoãn Hành động đối với Những người tới Mỹ khi còn nhỏ (DACA). Một giới chức cao cấp trong chính quyền cho biết sẽ có một quá trình xem xét kéo dài, nhưng chưa biết là bao lâu, đối với phán quyết của toà.
DACA ra đời dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama và hiện có khoảng 644 ngàn di dân đăng ký trong chương trình này.
Chính quyền Trump dự định tiếp tục chính sách hiện hữu là không nhận thêm đơn xin vào DACA, một chính sách có từ năm 2017, giới chức vừa kể nói với Reuters.
Vẫn theo nguồn tin này, những di dân DACA nào sắp hết hạn được bảo vệ khỏi trục xuất sẽ được gia hạn thêm một năm, với điều kiện họ không có án tích hình sự. Chính sách trước đây gia hạn cho 2 năm.
Tổng thống Trump có quan điểm cứng rắn đối với vấn đề di trú, cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp, nhưng DACA là một vấn đề phức tạp đối với ông vì ngày càng có nhiều sự ủng hộ dành cho chương trình DACA.

NYPD công bố video vụ nổ súng từ trong xe hơi

khiến 2 thiếu niên đang chơi bóng rổ thiệt mạng

Vào hôm Chủ nhật (26 tháng 7), sở cảnh sát New York (NYPD) báo cáo 7 vụ nổ súng, trong đó họ công bố một video từ máy quay an ninh ghi lại cảnh hai thiếu niên đang chơi bóng rổ trong sân bóng ở thành phố New York thì bị một người trong chiếc xe chạy ngang qua bắn chết.
Hôm thứ Hai (27 tháng 7), đội trưởng phòng thám tử NYPD Rodney Harrison đã tweet đoạn video, trong đó có một người trùm mũ áo khoác, chui đầu ra khỏi cửa sổ trên của một chiếc SUV đang chạy chậm qua sân bóng rổ và nổ súng.
Sự việc diễn ra vào tối Chủ nhật (26 tháng 7) ở công viên George Walker Jr. ở Cypress Hills, Brooklyn. Một phát ngôn viên NYPD công bố danh tánh nạn nhân tử vong do bị bắn vào đầu là Kleimer Mendez, 16 tuổi ở Brooklyn và Antonio Villa, 17 tuổi ở Queens. Ngoài ra còn có một nạn nhân khác là nam thiếu niên 17 tuổi bị bắn trúng chân.
Bảy vụ nổ súng chết ngày hôm Chủ nhật (26 tháng 7) diễn ra trong khoảng thời gian từ 12 giờ 30 sáng đến 11 giờ 30 tối. Một nạn nhân vụ án mạng thứ tám trong ngày là một người phụ nữ bị đâm chết ở quận Bronx. (BBT)

Cảnh sát xác định nghi can nổ súng

 trong cuộc biểu tình Elijah McClain ở Colorado

 khiến 2 người bị thương

Vào hôm thứ Hai (27 tháng 7), cảnh sát đã xác định được danh tánh nghi can nổ súng trên xa lộ ở Colorado khiến 2 người biểu tình bị thương, khi một chiếc SUV lao qua một đám đông biểu tình phản đối cảnh sát bắn chết anh Elijah McClain. Nhờ sự giúp đỡ từ cộng đồng, cảnh sát cho biết họ đã xác định được danh tánh của một người đàn ông da trắng tóc xoăn đeo kính.
Phát ngôn viên sở cảnh sát Aurora, Matthew Longshore nói với ABC News rằng các điều tra viên đã liên hệ với người đàn ông này, và người này đã đồng ý gặp cảnh sát cùng với luật sư của mình. Nhưng đến 4 giờ chiều hôm thứ Hai (27/07/2020) theo giờ địa phương, người đàn ông vẫn chưa trình diện sở cảnh sát để tự thuật lại câu chuyện về vụ nổ súng diễn ra vào tối thứ Bảy (25/07/2020) ở xa lộ xuyên bang 25 ở Aurora,  Denver.
Hiện vẫn chưa có thông tin về danh tánh người này cũng như lý do khiến các điều tra viên muốn nói chuyện với anh. Hai người biểu tình đã bị trúng đạn, ít nhất một người được cho là một trong những người biểu tình đã nổ súng vào thời điểm hỗn loạn khi chiếc SUV lao qua nhóm người biểu tình. Cảnh sát đang kêu gọi các nhân chứng cung cấp video và hình ảnh về sự việc có thể giúp họ xác định người chịu trách nhiệm cho vụ nổ súng. Crime Stoppers cũng đang treo thưởng 2,000 Mỹ kim cho bất kỳ đầu mối nào có thể giúp cảnh sát bắt giữ nghi can. (BBT)

Một loạt hàng quán của người Việt ở Eden Center

 bị đập cửa, trộm cắp

Một loạt các hàng quán trong trung tâm mua sắm của người Việt ở vùng thủ đô Washington bị đập cửa kính và đột nhập rạng sáng ngày 28 tháng 7 trong một vụ việc dường như là trộm cắp, một số chủ tiệm cho VOA biết.
Sự việc xảy ra vào khoảng 3 giờ sáng tại khu thương mại Eden Center, thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia. Những người chứng kiến cho biết cảnh sát có mặt tại hiện trường gần như ngay lập tức và một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Các cơ sở kinh doanh bị ảnh hưởng là các tiệm bánh và nhà hàng do người Việt làm chủ và dường như đều nằm trong cùng một dãy nhà ở mặt tiền. Một số chủ cơ sở cho biết thiệt hại của họ không đáng kể.
Bà Tô Ngọc Huệ, chủ nhà hàng Hủ Tiếu Mì Lacay Chợ Lớn, được chủ tiệm vàng kế cận báo tin rằng nhà hàng của bà đã bị đập cửa kính. Bà vội vàng đến hiện trường để kiểm tra tình hình thì thấy sự hiện diện đông đảo của cảnh sát.
“Bà chị của tôi ở gần hơn. Chị ấy chạy lại coi thì lúc đó cảnh sát mới lấy report. Cảnh sát mới cho chị ấy vô để coi trong tiệm có bị thất thoát gì hay không,” bà nói.
“Khi chị ấy vô tiệm, ở trong phòng mà tụi tôi thường hay để giấy tờ bị lục tung hết trơn. Nhưng mà cuối cùng [những kẻ trộm] không lấy được gì hết tại vì thật ra tụi tôi cũng không để gì trong đó. Trong tủ của chị ấy có để có một cái máy quay phim cầm tay nhỏ nhỏ thì bị lấy đi.”
“Tôi họ nghĩ chắc có lẽ họ lục để kiếm tiền mà không có tiền thì họ đi,” bà suy đoán.
Bà Huệ cho biết thiệt hại trong quán của bà chỉ là mấy cửa kính bị vỡ và máy quay phim bị đánh cắp.
Ông Vinh Trần, chủ tiệm bánh Kim Phụng Bakery, cho biết khoảng 2 giờ 58 phút sáng, camera an ninh trong tiệm của ông cho thấy hai người đeo khẩu trang và đội mũ trùm đập cửa kính vào tiệm để cướp bóc. Toàn bộ sự việc diễn ra trong vòng chưa đầy hai phút.
“Hư hại thì cũng không có gì hư hại nhiều. Chỉ có cái cửa bị đập thôi với lại họ mang đi cái tủ sắt đựng tiền lẻ để bên dưới máy tính tiền,” ông nói.
Vì thiệt hại không đáng kể nên ông Vinh đã nhanh chóng cho sửa chữa và mở cửa bán lại trong sáng ngày thứ Ba, 28/7.
Ngoài tiệm bánh Kim Phụng và tiệm mì Lacay Chợ Lớn, các tiệm khác cũng bị ảnh hưởng trong vụ đột nhập này bao gồm tiệm thức ăn Four Seasons, nhà hàng Hương Việt, tiệm bánh Hương Bình, và tiệm Thanh Sơn Tofu.
Vụ đột nhập, cướp bóc trong khu thương mại Eden của người Việt diễn ra không lâu sau làn sóng đập phá, hôi của, lợi dụng cơ hội từ các cuộc biểu tình đòi công lý sắc tộc trên khắp nước Mỹ.
Eden Center là một trong những khu trung tâm thương mại lớn nhất của cộng đồng người Việt ở thủ đô Washington và vùng phụ cận từ nhiều thập niên qua. Tại đây có cơn 120 nhà hàng, cửa hiệu, siêu thị, tiệm nữ trang và các cơ sở thương mại khác phục vụ nhu cầu đa dạng của người Mỹ gốc Á, theo website của thương xá này.

Liên Hiệp Châu Âu

giới hạn xuất khẩu vũ khí sang Hồng Kông

Trọng Nghĩa
Đề nghị được đưa ra từ cuộc họp các ngoại trưởng Liên Âu ngày 13/07/2020. Tối 28/07, Bruxelles đã quyết định hành động, thông qua quyết định giới hạn việc xuất sang Hồng Kông các thiết bị sử dụng để giám sát và đàn áp.
Với quyết định vừa thông qua, các thiết bị như vòi rồng, camera, phần mềm tin học, cũng như các loại vũ khí dân sự hay quân sự, những thiết bị có thể được sử dụng để trấn áp biểu tình, sẽ không còn được bán sang Hồng Kông.
Đối với Châu Âu, đây là một cách để giúp đỡ phong trào đấu tranh dân chủ trước luật an ninh của Bắc Kinh, vốn đề ra những án tù có thể lên đến chung thân đối với mọi hành động bị xem là lật đổ chính quyền, ly khai hay cấu kết với ngoại bang.
Sau những lời lẽ thận trọng ủng hộ quyền tự trị Hồng Kông, giờ đây Liên Hiệp Châu Âu chuyển sang hành động, và đây là một sự đáp trả có phối hợp và cụ thể trước hành động của Trung Quốc.
Một vế khác trong sự hậu thuẫn của Châu Âu đối với người dân Hồng Kông, là họ sẽ được cấp visa dễ dàng hơn, hay hưởng học bổng, tham gia các cuộc trao đổi giữa các đại học.
Anh Quốc đã mở đường khi hứa cấp visa cho 3 triệu dân Hồng Kông muốn sang Anh.
Đối Thoại Thương Mại và Kinh Tế Liên Âu-Trung Quốc
Dù quyết định hạn chế giao thương với Hồng Kông, Liên Hiệp Châu Âu vẫn thúc đẩy thương mại với Trung Quốc.
Hôm qua, 28/07, Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc đã tiến hành Đối Thoại Thương Mại và Kinh Tế cấp cao lần thứ 8 qua video.
Phó chủ tich Ủy Ban Châu Âu Valdis Dombrovskis và Ủy Viên Thương Mại Phil Hogan đã có cuộc họp qua video với phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng nhiều thứ trưởng. Cuộc họp tập trung trên dịch virus corona và các vấn đề kinh tế, thương mại song phương, cũng như đầu tư, hợp tác trong lãnh vực dịch vụ tài chính, thuế.
Đây là một cuộc họp nhằm tiếp nối thượng đỉnh Trung Quốc – Liên Hiệp Châu Âu vào ngày 22/06.
Paris đề nghị cử quan sát viên quốc tế đến Tân Cương
Cũng liên quan đến Trung Quốc, nước Pháp hôm qua, 28/07, đã đề nghị gởi quan sát viên quốc tế độc lập, dưới sự bảo trợ  của Cao Ủy Nhân Quyền Liên Hiêp Quốc, đến Tân Cương điều tra về tình hình người Duy Ngô Nhĩ.
Phát biểu trước Quốc Hội, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã tố cáo hành động không thể chấp nhận được của Trung Quốc tại Tân Cương, và nói thêm: « Nếu chính quyền Trung Quốc cho là lời nói của tôi không cơ sở, thì cần phải đến tận nơi để chứng minh ».

Pháp cần 700 năm

để rà phá hết bom đạn thời chiến tranh

Thùy Dương
101 năm sau Đệ Nhất Thế Chiến và 65 năm sau Đệ Nhị Thế Chiến, mối lo về bom mìn còn sót lại vẫn còn được nhắc đến nhiều tại Pháp, với những câu hỏi về mối nguy hại cho tính mạng, sức khỏe con người và hệ lụy đối với môi trường.
« Vùng đất bị gài mìn »
Trên thực tế, hiện nay, đạn súng cối, trái phá, bom … vẫn còn được tìm thấy trên các cánh đồng ở miền thôn quê, những công trường xây dựng, thậm chí trong lòng sông, hồ, trong các hang động, dưới đáy biển …. Đài France Bleu ngày 12/11/2020 cho biết ¼ tổng số 1 tỉ trái phá được sử dụng tại Pháp thời Đệ Nhất Thế Chiến cho đến nay vẫn chưa phát nổ. Những « quả bom nổ chậm » này có thể phát nổ bất cứ lúc nào và dẫn đến nhiều cái chết thương tâm, khiến nhiều người mang thương tật vĩnh viễn.
Nhiều khi người ta còn khám phá ra « cả kho » bom đạn từ thời chiến để lại, chẳng hạn 9.000 trái phá tại Châtelet-sur-Retourne, vùng Ardennes, miền đông bắc nước Pháp hồi năm 2001. Hồi tháng 09/2018, gần 6 tấn trái phá, rất có thể là từ thời chiến tranh 1914-1918, cũng được thợ lặn, thợ rà phá bom mìn vớt lên từ đáy sông Meuse, thuộc thành phố Sivry-sur-Meuse, cũng ở miền đông bắc Pháp. Trả lời phỏng vấn của RFI tiếng Việt, bà Charlotte Nithart, giám đốc Hiệp hội bảo vệ con trường và môi trường Robin des Bois, Hiệp Sĩ Rừng Xanh, giải thích :
« Nước Pháp là nơi đã diễn ra 3 cuộc chiến lớn : chiến tranh 1870 (chiến tranh Pháp – Phổ) và hai cuộc thế chiến với nhiều lực lượng tham gia, đó là Đệ Nhất Thế Chiến và Đệ Nhị Thế Chiến. Và  chúng tôi đánh giá, chẳng hạn trong cuộc chiến 1914-1918, có hơn 1 tỉ trái phá đủ loại được ném xuống, 6% số này là các loại đạn dược có chứa khí độc. Còn trong Đệ Nhị Thế Chiến, từ tháng 06/1940 đến tháng 05/1945, có khoảng 600 ngàn tấn bom được thả xuống. Tất cả số đạn dược, bom, trái phá đó được thả xuống lãnh thổ Pháp và không phải tất cả đều phát nổ.
Chúng tôi cho rằng có khoảng 15% số bom, trái phá nói trên chưa phát nổ. Chúng đã được chế tạo quá nhanh và kém chất lượng, nên nhiều trái phá không nổ. Vào thời kỳ đó, mọi người cho là như vậy càng tốt và vui mừng về điều đó. Nhưng vấn đề là ngày nay, trong lòng đất, trong lòng sông, hồ, ở các vùng bờ biển, vẫn còn rất nhiều trái phá, bom, đạn súng cối chưa phát nổ và chúng vẫn là mối nguy hiểm cho dân chúng. Chúng có thể phát nổ do khí độc bên trong, hoặc đơn giản là do ngòi nổ, hay do lớp vỏ kim loại … Chúng là rác thải có chứa các chất nguy hiểm, độc hại, nguy hại cho cả con người và môi trường ».
« Rác thải chiến tranh »
Người ta gọi những trái phá, bom mìn, đạn dược còn sót lại từ các cuộc chiến là « rác thải chiến tranh ». Trải qua những cuộc chiến lớn, nước Pháp còn được gọi một cách hình ảnh là « vùng đất bị gài mìn ». Những vùng nào của nước Pháp bị « rác thải chiến tranh » gây nhiều tác hại nhất ? Và nguy cơ từ những trái phá này lớn thế nào ? Giám đốc Hiệp hội Robin des Bois cho biết cụ thể :
« Hiện nay, những khu vực bị ảnh hưởng nhiều nhất chính là những nơi đã từng là chiến trường, đặc biệt là ở vùng Grand Est, miền đông bắc nước Pháp, và cả các vùng ven biển.
Trong các trái phá đó, có hoạt chất peclorat, được chiết xuất từ muối peclorat, được dùng để kích hoạt ngòi nổ. Có gần 500 thành phố, thị trấn ở miền bắc nước Pháp được cơ quan y tế khuyến cáo không sử dụng nước trong vòi để pha sữa cho trẻ bú bình, vì nước bị ô nhiễm peclorat. Phụ nữ mang thai cũng được khuyến cáo không uống nước trực tiếp từ đường ống dẫn nước vì nồng độ peclorat trong nước quá cao.
Chúng tôi biết là xung quanh các khu vực phá dỡ bom hóa học vào cuối Thế chiến, đất bị ô nhiễm nặng, nhất là do asen. Quanh các khu vực sâu dưới biển có nhiều trái phá, đạn dược, nồng độ asen cao đến mức rất đáng lo ngại. Càng để lâu, lớp vỏ càng kém đi và các chất độc hại, nguy hiểm càng dễ thoát ra ngoài. Môi trường có nguy cơ bị ô nhiễm, các chuỗi thức ăn cũng dễ bị nhiễm độc. Đó là chưa kể đến nguy cơ nhiều người bị thương hay nguy hiểm đến tính mạng, chẳng hạn những người đi hái nấm trong rừng hay đi cắm trại ở bãi biển có thể giẫm phải trái phá vẫn còn khả năng phát nổ, mà họ lại không biết đó là gì, chạm vào và có thể làm chúng nổ.
Tôi có một ví dụ, cách nay 4-5 năm, ở vùng Bretagne, có một số thanh niên cắm trại ở bãi biển, và bỗng nhiên một trái phá nằm bên dưới lớp cát phát nổ. Một người thiệt mạng. Vâng, đúng là có những nguy cơ rất lớn ».   
Có những bom đạn chưa từng được sử dụng trong thời chiến, có những trái phá đã được bắn đi, nhưng không phát nổ và nằm yên cho tới ngày nay. Mỗi năm cơ quan An Ninh Dân Sự của Pháp dò tìm được 500 tấn bom mìn, trái phá. 5-10% số đó chứa hóa chất. Một số đạn dược sau khi được thu gom thì được tái chế, một số khác được tập hợp lại trong các khu chuyên dành để tiêu hủy « rác thải chiến tranh ».
Những người dễ gặp nạn
Nằm rải rác khắp nơi, kể cả ở Paris và vùng phụ cận, những trái phá đang « náu mình » dưới đất, trong các dòng chảy là mối nguy lớn về tính mạng, sức khỏe cho con người. Nhưng ai là người dễ bị tổn thương nhất ? Liệu có phải là dân thường ? Không hẳn là như vậy. Bà Charlotte Nithard, giám đốc Hiệp Hội Hiệp Sĩ Rừng Xanh giải thích :
« Rất tiếc là chúng ta không có bản tổng kết về số người bị thương. Hiện nay, những người bị thương nhiều nhất hoặc tử vong nhiều nhất lại chủ yếu là các nhà sưu tầm. Có những người đi tìm kiếm trái phá để cho vào bộ sưu tập và họ bị thương vì trái phá nổ, cho dù không ai muốn điều đó, đương nhiên là như vậy. Nhưng những người dễ gặp nguy hiểm hiển nhiên là những người rà phá, tháo gỡ bom mìn, trái phá chuyên nghiệp. Trong gần 60 năm qua, có khoảng 700 người gỡ mìn thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.
Nghề này không được cấp nhiều tài chính, không có đủ nhân lực. Họ cảm thấy như bị bỏ rơi. Họ làm nhiệm vụ trên thực địa, nhiệm vụ này thực sự là vì lợi ích của chung của cả cộng đồng, có ý nghĩa rất quan trọng. Nhưng không có nhiều người theo nghề này, trong khi nghề lại đòi hỏi thời gian đào tạo rất lâu. Đó không phải chỉ là ngồi trước máy tính và làm việc theo kiểu lý thuyết. Họ chỉ có thể học được thông qua thực hành với các chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm, thậm chí cần tích lũy kinh nghiệm trong nhiều thập kỷ mới có thể nhìn ra mọi mối nguy hiểm, cơ chế hoạt động của các loại trái phá, bởi vì chúng rất khác nhau.
Có rất nhiều loại, nhiều kiểu trái phá khác nhau. Trái phá do quân Đức, Anh, Pháp hay Mỹ sản xuất cũng không giống nhau. Cơ chế hoạt động bên trong của chúng có thể có những nét khác biệt. Điều này đòi hỏi phải có rất nhiều kiến thức, hiểu biết. Thật không may là số người dò gỡ bom mìn không đủ nhiều. Họ ước tính là với tốc độ dò phá bom mìn như hiện nay, cần thêm 700 năm nữa mới có thể gỡ hết số trái phá còn sót lại từ các cuộc chiến xưa kia. Nói tóm lại là cần thêm 700 năm nữa thì nước Pháp mới gỡ hết được trái phá đang nằm trong lòng đất, dưới sông hồ, dọc bờ biển ».
Sự khác biệt Pháp – Đức
Nhìn lại lịch sử, nước láng giềng Đức cũng gánh một lượng lớn bom mìn trong thời chiến. Robin des Bois đã làm những nghiên cứu so sánh tình hình rà phá bom mìn ở Pháp và Đức. Liệu nước Pháp cần nhiều thời gian đến như vậy có phải là vì công tác rà phá bom mìn tại Pháp có nhiều hạn chế hơn so với ở Đức hay không ? Điều này đã được giám đốc Robin des Bois khẳng định :
« Vâng, đó là những gì chúng tôi quan sát thấy, bởi vì Robin des Bois gần như năm nào cũng thống kê số bom, trái phá còn sót lại từ chiến tranh, đơn giản là để mọi người thấy là những loại rác thải chiến tranh này rất nguy hiểm nhưng hiện giờ chúng vẫn chưa được biết đến nhiều. Chúng ta cần thông tin cho dân chúng biết nhiều hơn, kể cả việc giúp họ biết cách phòng tránh. Khi đi dạo trong rừng và nhìn thấy những vật giống trái phá với các vết han gỉ thì mọi người không nên nhặt chúng lên và cầm trong tay mà phải thông báo cho chính quyền.
Chúng tôi cũng thấy là ở Đức, chẳng hạn trước khi một công trình xây dựng một tòa nhà được khởi công, công việc dò tìm bom mìn, trái phá trong lòng đất bắt buộc phải được tiến hành. Trong khi đó, tại Pháp, người ta cứ xây dựng, và nếu khi đào, xúc đất, người thợ phát hiện thấy có bom, thì lúc đó họ mới báo cho thợ gỡ trái phá hay cơ quan phụ trách công tác rà phá bom mìn.
Tại Đức, người ta chuẩn bị trước mọi việc, công việc dò tìm bom mìn bắt buộc phải được tiến hành trước khi khởi công xây dựng và khi phát hiện có bom mìn thì thời gian huy động đội tháo gỡ bom mìn nhanh hơn. Đơn giản là vì nhà nước Đức cấp nhiều kinh phí, phương tiện cho công tác này, nên khả năng đối phó của họ nhanh hơn và thường là bom mìn sẽ được gỡ ngay trong buổi chiều cùng ngày.
Trong khi tại Pháp, trừ trường hợp đặc biệt, chẳng hạn khi trái phá được phát hiện ngay sát cạnh trường học, còn lại thì phải mất nhiều ngày, thậm chí là nhiều tuần. Trong khi chờ đợi, chỉ có đèn hiệu với dải ruy-băng màu cam quấn quanh vị trí có trái phá, hoặc ở bãi biển thì đắp đất cao xung quanh để báo hiệu cho mọi người đừng lại gần. Có khi phải chờ rất lâu rồi thợ gỡ bom mìn mới tới giải quyết ».

Đức : Mục tiêu can thiệp mới của Nga và Trung Quốc

Thu Hằng
Đức trở thành mục tiêu chính trong chiến lược can thiệp và gây ảnh hưởng của hai nước Nga và Trung Quốc. Theo nghiên cứu được Viện Royal United Service Institute (RUSI) của Anh, được công bố ngày 29/07/2020, nền kinh tế hàng đầu châu Âu đang « trên tuyến đầu của một cuộc chiến tranh lạnh mới ».
Trang Sky News trích nhận định của tác giả John Khampfner, nhà báo và là nhà nghiên cứu của RUSI : « Chiến thuật (can thiệp và gây ảnh hưởng) được Trung Quốc và Nga sử dụng khá đa dạng ». Nga tập trung vào hoạt động chính trị chính thức, « tìm cách phá vỡ niềm tin của công chúng vào các thể chế dân chủ ». Trong khi đó, « Trung Quốc tập trung chủ yếu vào lợi ích kinh tế ».
Bà Angela Merkel, thủ tướng Đức đương nhiệm, sẽ rời chức vụ vào năm 2021. Theo tài liệu trên, người kế nhiệm sẽ phải nghiên cứu khả năng dễ bị tổn thương của Đức trước Nga và Trung Quốc. Một mặt, Đức bị phụ thuộc quá lớn vào xuất khẩu sang Trung Quốc, mặt khác, nhiều doanh nghiệp Đức đã bị Trung Quốc mua lại và Berlin đã thức tỉnh chậm trễ.
Đối với Nga, tác giả bản nghiên cứu nhấn mạnh đến khoảng cách địa lý gần và khả năng đối thoại của Đức với Nga, đặc biệt là về tình hình Đông Âu. Tuy nhiên, tổng thống Vladimir Putin và cỗ máy tuyên truyền tinh vi đã « sử dụng các chính đảng ở Đức để thúc đẩy các mục tiêu chiến lược » của Matxcơva, như trường hợp hai đảng cực hữu AfD (Alternative für Deutschland) và cực tả Die Linke, đã mở rộng ảnh hưởng tại Đức.
Cuối cùng, tài liệu nêu lên ba sự kiện quan trọng có thể ảnh hưởng đến ổn định tương lai của châu Âu và phương Tây : bầu cử tổng thống Mỹ, bầu lãnh đạo đảng CDU (người sẽ là tân thủ tướng Đức) và các cuộc bầu cử cấp bang tại Đức.

Nga tăng cường xuất khẩu vũ khí sang Đông Nam Á

Giá rẻ hơn vũ khí Mỹ, châu Âu và phương thức thanh toán linh hoạt được cho là lợi thế của vũ khí Nga ở thị trường Đông Nam Á.
Theo Nikkei Asian Review ngày 28.7, Nga đang nỗ lực tăng cường xuất khẩu vũ khí sang các nước Đông Nam Á nhằm thúc đẩy kinh tế và đa dạng hóa các mối quan hệ ngoại giao trong bối cảnh thế giới ngày càng phân cực.
Đại sứ Nga tại Indonesia Lyudmila Vorobieva hy vọng Indonesia sẽ mua các chiến đấu cơ Su-35. Trước đó vào năm 2018, Indonesia đã ký hợp đồng mua 11 chiếc với giá 1,1 tỉ USD, dù Mỹ ám chỉ khả năng cấm vận nếu Jakarta tiếp tục triển khai hợp đồng.
“Các lệnh cấm vận sẽ không ngăn chặn được việc mua các vũ khí chất lượng cao của Nga”, bà Vorobieva phát biểu với báo giới.
Bên cạnh đó, Nga và Việt Nam cũng khẳng định về hợp tác quân sự tại cuộc họp trực tuyến giữa các quan chức quốc phòng cấp cao vào ngày 3.7. Nga từng xuất khẩu tàu ngầm và các thiết bị khác cho Việt Nam, cũng như bán xe tăng cho Lào vào tháng
Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI – Thụy Điển), tính theo giá bán, Nga chiếm 28% trong tổng số vũ khí do các nước Đông Nam Á mua từ năm 2010-2019, tăng 24% so với giai đoạn 2000-2009. Trong giai đoạn tương ứng, số vũ khí của Mỹ xuất khẩu sang khu vực này giảm xuống 18% từ con số 23% trước đó.
Trong khi đó, tỷ lệ vũ khí từ Trung Quốc cũng tăng hơn gấp đôi dù chỉ chiếm 8%.
Giới quan sát cho rằng vũ khí Nga có giá rẻ hơn so với Mỹ và châu Âu. Một số nước Đông Nam Á như Indonesia và Thái Lan đã cắt giảm chi tiêu quốc phòng do đại dịch Covid-19, khiến vũ khí Nga trở nên thu hút hơn.
“Nga có các phương thức thanh toán linh hoạt thay vì tiền mặt, giúp nước này có lợi thế đối với các nền kinh tế đang phát triển”, theo chuyên gia Shinji Hyodo tại Viện Nghiên cứu quốc phòng Nhật Bản.
Dự kiến Indonesia sẽ thanh toán khoảng phân nửa số tiền mua Su-35 bằng dầu cọ, cao su và các sản phẩm khác. Năm ngoái, Singapore ký hiệp định thương mại tự do với Liên minh Kinh tế Á – Âu và Nga được cho là đang hy vọng sẽ ký thỏa thuận với các nước Đông Nam Á khác.

Nga sắp thông qua vaccine COVID-19 đầu tiên

Vaccine COVID-19 tiềm năng đầu tiên của Nga sẽ được cơ quan kiểm định thông qua trong nửa đầu của tháng Tám, Reuters dẫn một nguồn thạo tin cho biết.
Tin cho hay, các nhân viên y tế ở tuyến đầu sẽ được cho sử dụng vaccine này.
Viện Gamaleya, một cơ sở nghiên cứu của nhà nước ở Moscow, hoàn thành giai đoạn thử nghiệm trên người đầu tiên trong tháng này và dự kiến sẽ bắt đầu giai đoạn tiếp theo trên diện rộng vào tháng Tám.
Nguồn tin nói với Reuters rằng cơ quan kiểm định của Nga sẽ thông qua loại vaccine này trong khi cuộc thử nghiệm lớn vẫn tiếp tục.
Hãng tin Anh cho rằng quyết định này cho thấy quyết tâm của Nga muốn trở thành nước đầu tiên trên thế giới thông qua vaccine.
Tốc độ thông qua vaccine nhanh chóng khiến một số báo chí phương Tây đặt dấu hỏi là liệu phải chăng Moscow đặt uy tín quốc gia trước sự an toàn và khoa học vững chắc.

Iran bắn phá mô hình Hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ

trong cuộc tập trận tại vịnh Persian

Tin Tehran, Iran – Vào thứ Ba, 28 tháng 7, lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran đã bắn phá một mô hình hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ, trong cuộc tập trận tại vùng vịnh Persian, theo hãng truyền thông nước này cho biết.
Cuộc tập trận, có tên là Prophet Mohammed 14th, diễn ra gần eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển của khoảng 1 phần 5 sản lượng dầu thô toàn cầu hàng năm. Cuộc tập trận của Iran diễn ra giữa lúc căng thẳng đang lên cao giữa Tehran và Washington. Hải quân Hoa Kỳ gọi cuộc diễn tập là hành động vô trách nhiệm và liều lĩnh của Iran, đồng thời cáo buộc nước này đang tìm cách đe dọa Hoa Kỳ.
Hình ảnh về cuộc tập trận, được chiếu trên đài truyền hình quốc gia Iran, cho thấy mô hình hàng không mẫu hạm lớp Nimitz của Hoa Kỳ bị bắn phá bởi nhiều loại vũ khí và bị hư hại nặng. Phát ngôn viên quân đội Iran cho biết nhiều loại hỏa tiễn tầm xa mới đã được bắn thử trong cuộc tập trận. Hạm đội 5 Hải quân Hoa Kỳ, đóng quân tại khu vực vùng vịnh thuộc Bahrain, đã chỉ trích việc Iran dùng mô hình hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ để tập trận, và gọi đây là một hành động đe dọa.
Phát ngôn viên Hải quân Hoa Kỳ khẳng định cuộc tập trận của Iran sẽ không làm ảnh hưởng đến các chiến dịch của liên minh phương tây tại vùng vịnh, cũng như luồng giao thông hàng hải tại eo biển Hormuz. Cuộc tập trận diễn ra chỉ vài ngày sau khi Tehran cáo buộc các chiến đấu cơ Hoa Kỳ quấy rối một máy bay thương mại Iran trên không phận Syria. Ít nhất 4 hành khách trên máy bay của hãng Mahan Air đã bị thương trong sự việc vào thứ Năm, sau khi phi công phải đổi hướng khẩn cấp để tránh các chiến đấu cơ. (Ngô Bảo)

Covid-19: Hong Kong đang trên bờ vực

 có bùng phát dịch ‘diện rộng’

Hệ thống bệnh viện của Hong Kong có thể sẽ “sụp đổ” trong lúc thành phố đang chống chọi với số ca virus corona tăng vọt, Đặc khu trưởng Carrie Lam cảnh báo.
Bà nói Hong Kong “trên bờ vực của đợt bùng phát dịch diện rộng trong cộng đồng”, và kêu gọi mọi người ở nhà.
Các quy định mới, trong đó có việc bắt buộc đeo khẩu trang và đóng cửa các nhà hàng cho khách ăn tại chỗ, bắt đầu có hiệu lực từ thứ Tư.
Hong Kong – nơi sớm thành công trong việc chống dịch Covid-19 hồi đầu dịch – hiện đang ghi nhận trên 100 ca lây nhiễm mỗi ngày.
Chưa đầy một tháng trước, Hong Kong chỉ có chưa đến 10 ca mỗi ngày.
Bà Carrie Lam nói gì?
Trong một thông cáo muộn hôm thứ Ba, bà Lam cảnh báo thành phố đang “trên bờ vực của đợt bùng phát dịch diện rộng trong cộng đồng, điều có thể dẫn tới sụp đổ hệ thống bệnh viện và gây tử vong, đặc biệt là người già”.
Bà kêu gọi người dân “tuân thủ chặt chẽ các biện pháp giãn cách xã hội và ở nhà nhiều nhất có thể”.
Bà có phát biểu này trong bối cảnh Hong Kong xác nhận thêm 106 ca nhiễm hôm thứ Tư, và có ca tử vong thứ 23.
Hôm thứ Hai, số ca nhiễm cao kỷ lục với 145 ca.
Các hạn chế mới là gì?
Từ thứ Tư, việc ăn uống tại nhà hàng bị cấm, và chỉ hai người từ hai hộ gia đình khác nhau được tụ tập. Đây là những biện pháp nghiêm ngặt nhất mà Hong Kong đã đưa ra cho tới nay.
Người dân cũng bắt buộc phải đeo khẩu trang ở tất cả các nơi công cộng.
Chính quyền cũng tuyên bố những điểm như quán bar, phòng gym và các tiệm làm đẹp sẽ đóng cửa.
Hồi đầu tháng, các nhóm cho tới 50 người được phép tụ tập, nhưng sau đó giảm xuống chỉ bốn người và giờ đây là hai người.
Vậy Hong Kong có phải là nơi chống dịch thành công?
Vào đầu dịch thì đúng là như vậy.
Ngay từ khi dịch mới bùng phát hồi đầu năm, Hong Kong giảm mạnh đi lại sang Trung Quốc đại lục thực hiện “truy và tìm” nguồn gốc các ca nhiễm và áp dụng nhiều hạn chế.
Thành phố đã có nhiều tuần không hề có một ca lây nhiễm địa phương nào.
Nhưng khi cuộc sống trở lại bình thường, số ca lây nhiễm trong cộng đồng tăng lên. Số ca trung bình tăng từ dưới 10 ca hồi đầu tháng, lên hơn 120 ca lúc này.
Một giáo sư tại Đại học Hong Kong nói số ca mới tăng có lẽ là do “lỗ hổng trong thủ tục biên giới ở Hong Kong”.
Người cuối cùng chết vì Covid-19 là cư dân của một trại dưỡng lão, nói có ít nhất 45 ca nhiễm.
Các nhà khoa học Hong Kong bày tỏ lo ngại chủng virus đang lan tràn ở Hong Kong có thể gây thiệt hại lớn hơn.
Họ cho rằng chủng này chưa biến thể trong ít nhất 22 ngày, có nghĩa nó đã có thể thích nghi hơn với người, và lây lan dễ dàng hơn.

Chuyên gia Hồng Kông:

Chính quyền Trung Quốc đã tiêu hủy chứng cứ virus

Hải Lam
Giáo sư Viên Quốc Dũng (Yuen Kwok-yung), một nhà vi trùng học nổi tiếng ở Hồng Kông, hôm 27/7 nói với BBC rằng chính quyền Trung Quốc đã phá hủy các bằng chứng vật lý và phản ứng chậm với dịch bệnh COVID-19 trong thời gian đầu virus bùng phát.
Theo The Epoch Times, Giáo sư Viên Quốc Dũng, một chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hồng Kông (HKU), từng được phái tới Vũ Hán, Trung Quốc hồi tháng 1 để tìm hiểu về dịch bệnh.
“Tôi nghi ngờ rằng họ (chính quyền) đã thực hiện một số hoạt động che giấu tại Vũ Hán. Các quan chức địa phương đáng ra nên truyền thông tin đi ngay lập tức, nhưng họ đã không cho phép làm như vậy”, ông Yuen nói với BBC hôm 27/7.
“Khi chúng tôi đến chợ hải sản Hoa Nam thì không còn gì để nghiên cứu cả vì khu chợ đã bị dọn sạch. Vì vậy, có thể nói rằng hiện trường đã bị xáo trộn vì khu chợ đã bị dọn sạch nên chúng tôi không thể xác định được vật chủ nào có khả năng truyền virus sang người”, giáo sư Viên nói thêm.
The Epoch Times cho biết, đây không phải là lần đầu tiên vị chuyên gia Hồng Kông công khai đặt câu hỏi về tính minh bạch của cách chính quyền Bắc Kinh trong việc xử lý dịch bệnh.
Nhà vi trùng học 63 tuổi này hồi tháng 6 nghi ngờ, số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) ở Hồ Bắc có thể lên tới 2,2 triệu, gấp 32 lần con số mà chính phủ công bố. Ông và cùng đội ngũ nghiên cứu từ Đại học Hồng Kông đã đưa ra kết luận này sau khi phân tích mẫu máu của 452 cư dân Hồng Kông trở về từ Hồ Bắc trong tháng 3.
Các nhà nghiên cứu cho biết họ phát hiện ra 17 trong số 452 người, chiếm 3,8%, mang kháng thể chống COVID-19. Sử dụng tỷ lệ phần trăm này và với tổng dân số ở Hồ Bắc là 59 triệu, các nhà nghiên cứu ước tính rằng 2,2 triệu người ở Hồ Bắc có thể đã bị nhiễm bệnh vào đầu tháng 3. Tuy nhiên, ủy ban y tế tỉnh Hồ Bắc chỉ báo cáo 67.802 trường hợp nhiễm COVID-19 tính đến ngày 31/3.
Giáo sư Viên và cộng sự đã công bố kết quả nghiên cứu này vào đầu tháng 6 trên The Lancet Microbe, một tạp chí truy cập mở trên internet. Tuy nhiên, thời báo Hoàn Cầu, cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Trung Quốc, hôm 15/6 đã tấn công nhóm nghiên cứu của giáo sư Viên, cáo buộc ông đã thông đồng với Mỹ để bôi nhọ Bắc Kinh.
Giáo sư Viên Quốc Dũng không phải là nhà khoa học duy nhất ở Hồng Kông lên tiếng tố cáo Bắc Kinh giấu dịch. Hãng Fox News hôm 10/7 công bố buổi phỏng vấn độc quyền với nữ tiến sĩ virus học và miễn dịch học Diêm Lệ Mộng (Li-Meng Yan) của Trường Y tế Công Đại học Hồng Kông. Cô Diêm tiết lộ rằng Bắc Kinh đã biết về sự tồn tại của nCoV từ lâu trước khi công bố dịch. Nhà virus học này cũng cho biết, cấp trên của cô – người đứng đầu một phòng thí nghiệm của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) – đã phớt lờ nghiên cứu của cô, dù nó lẽ ra đã có thể cứu nhiều sinh mạng. Cô nói thêm rằng cô có đầy đủ bằng chứng về việc Bắc Kinh giấu dịch và thế giới cần phải biết về sự nguy hiểm của virus viêm phổi Vũ Hán.

Tập Cận Bình nói: ‘Dựng nghiệp khó,

giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn’ là có ý gì?

Liệu có phải đã ngầm thừa nhận rằng “cơ nghiệp” đang gặp nguy hay không?
Chính quyền Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với làn sóng thách thức chưa từng có từ trước đến nay. Trong nước thì thiên tai, dịch bệnh hoành hành, dấy lên làn sóng căm phẫn của người dân; ngoài nước thì quốc tế thành lập liên minh chống Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) một cách triệt để nhất. Ngày 22/7, trong chuyến khảo sát thành phố Tứ Bình, tỉnh Cát Lâm, Tổng Bí Thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đến thăm “Nhà tưởng niệm trận chiến Tứ Bình” trong cuộc nội chiến giữa ĐCSTQ và Quốc Dân đảng năm xưa.
Trong lúc tham quan, ông Tập than thở rằng “gây dựng cơ nghiệp đã khó, giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn”, đồng thời ám thị một cách sâu sắc rằng “Trung Quốc mới” không dễ dàng gì mà gây dựng được, vậy nên “nhất định phải giữ vững bằng mọi giá”. Đồng thời, ông Tập cũng yêu cầu 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đều phải học lịch sử ĐCSTQ và lịch sử “Trung Quốc mới”.
Theo nhà bình luận chính trị Trịnh Trung Nguyên của trang Epochtimes, cái gọi là “Trung Quốc mới” chính là từ khi chính quyền ĐCSTQ được thành lập năm 1949. Năm xưa, ĐCSTQ trong cuộc kháng chiến giả vờ chống Nhật đã bảo tồn và củng cố được lực lượng lớn mạnh, cuối cùng đã giành được quyền lực trong cuộc nội chiến với Quốc dân đảng. Trong đó “chiến dịch Tứ Bình” là một trận chiến điển hình có thể đại biểu cho chiến thuật của ĐCSTQ.
Theo các dữ liệu được ghi chép, trận chiến Tứ Bình, còn được gọi là “Tứ chiến Tứ Bình (Bốn trận quyết chiến ở Tứ Bình), là bốn lần tác chiến quy mô lớn ở Tứ Bình trong cuộc nội chiến lần thứ 2 với Quốc Dân đảng. Từ tháng 3/1946 đến tháng 3/1948, hai phe Quốc Dân đảng và ĐCSTQ trước sau đã bỏ ra hơn 400.000 binh lực. Trận chiến diễn ra hết sức khốc liệt giành thị trấn quân sự quan trọng Tứ Bình. Trong trận chiến lần thứ 3, có hơn 60.000 người thương vong trong quân đội Quốc Dân đảng, và hơn 40.000 thương vong trong quân đội ĐCSTQ, riêng con số thương vong của dân công và thường dân bị bắt lên tuyến đầu của mặt trận bên phía quân đội ĐCSTQ thì nhiều không đếm xuể. Sau trận chiến Tứ Bình lần thứ 4 vào tháng 3/1948, thị trấn Tứ Bình cuối cùng đã rơi vào tay ĐCSTQ.
ĐCSTQ dùng “chiến thuật biển người”, lấy người dân vô tội làm bia đỡ đạn là đặc điểm quan trọng trong chiến dịch Tứ Bình của ĐCSTQ. Ông Lương Túc Nhung (Liang surong) – Viện trưởng Viện lập pháp quá cố của Trung Hoa Dân Quốc Đài Loan, đã viết trong hồi ký của mình:
“Vào tháng 3 năm 37 của Trung Hoa Dân Quốc, quân đội ĐCSTQ tấn công Tứ Bình lần thứ 3, tổng cộng có năm đợt tấn công. Lần này, quân đội ĐCSTQ đã phát động ‘chiến thuật biển người’, lấy người dân vô tội làm đội ngũ, lần lượt buộc họ phải tiến về phía trước, trận chiến này đánh đến thi thể người dân chất cao như núi. Quân đội bên phía Quốc Dân đảng không nỡ đánh tiếp, trong khi quân đội ĐCSTQ dẫm đạp trên xác chết của những người dân vô tội tấn công Tứ Bình. Ngày cuối cùng Tứ Bình thất thủ, có người nói là vào ngày 12/3, cũng có người nói là vào ngày 15/3. Tôi thì nhớ rõ là ngày 2/2 Hoàng lịch (ngày 12/3), cái hôm ‘rồng ngẩng đầu’.
Tại sao quân đội ĐCSTQ lại có thể phát động ‘chiến thuật biển người’? Lấy quê hương của tôi làm ví dụ, quê hương của tôi cách Tứ Bình 25 cây số. Thời đó, những nơi mà ĐCSTQ đi đến, trước hết mở đại hội quần chúng, ngang nhiên hành quyết địa chủ, thân sĩ, sau đó uy hiếp người dân rằng: ‘Các người đã xử tử địa chủ và thân sĩ của Quốc Dân đảng, sau này khi Quốc Dân đảng quay lại, tính mạng các người cũng sẽ không còn’”.
Theo ông Trịnh Trung Nguyên, cái gọi là “Lịch sử Trung Quốc mới” do ĐCSTQ biên tạo thông qua sự dối trá.
Kể từ tháng 6 đến nay, lũ lụt ở miền nam Trung Quốc hoành hành, Tập Cận Bình không đến vùng bị nạn thị sát tình hình đã làm dấy lên sự phẫn nộ của người dân. Dưới tình thế này, Tập Cận Bình lại đến địa điểm diễn ra chiến dịch Tứ Bình năm xưa nói ra những lời này, rốt cuộc có dụng ý gì?
Trong những năm gần đây, ĐCSTQ đã tăng cường sự đàn áp và kiểm soát chặt chẽ đối với người dân trong nước. Ở nước ngoài thì vừa áp dụng chiến thuật “ngoại giao tiền bạc”, lại vừa thúc đẩy “ngoại giao sói chiến”, tiếng xấu ngập tràn. Đặc biệt, các chính sách gần đây đối với Hồng Kông và Tân Cương, cho đến việc che giấu tình hình dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán khiến nó bùng phát trên khắp thế giới đã tiếp tục dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ trên trường quốc tế. Xã hội quốc tế đã dần hình thành liên minh chống ĐCSTQ.
Bây giờ mọi người đều thấy cả về chính trị và kinh tế, ĐCSTQ bị sa lầy vào những rắc rối cả trong lẫn ngoài, ngày càng bị cô lập trên trường quốc tế. Đặc biệt, Hoa Kỳ đã thức tỉnh và nhận thức rõ về bản chất lưu manh của ĐCSTQ, gần đây đã liên tục ra đòn đáp trả về mặt chính trị, kinh tế và công nghệ.
Có chuyên gia cho rằng chuyến viếng thăm chiến địa Tứ Bình của ông Tập Cận Bình có ngụ ý đặc biệt, chính là muôn dùng đến “chiến thuật biển người, phương pháp đánh bại Quốc Dân đảng năm xưa, muốn lôi cuốn người dân tham gia trận chiến đối phó với Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế, muốn lấy người dân làm bia đỡ bạn, bồi táng cho chính quyền.
Theo ông Trịnh Trung Nguyên, tất nhiên, những lời này của ông Tập Cận Bình cũng phù hợp với ý thức bảo vệ thể chế nhất quán của ông, những lời như “Trung Quốc mới”, “gây dựng cơ nghiệp đã khó, giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn”, trọng điểm chính là “giữ vững cơ nghiệp càng khó hơn”, chính là bản thân ông Tập thừa biết rằng chính quyền ĐCSTQ hiện đang trong tình thế hết sức nguy ngập.
Ông Trịnh nhịn nhận rằng, mấy năm trước trong chiến dịch chống tham nhũng, ông Tập Cận Bình chính là giơ ngọn cờ “cứu đảng”. Nhưng điều thú vị là Tập Cận Bình hôm nay vừa khéo lại được nhân sĩ cả trong và ngoài nước nhìn nhận là người kết liễu ĐCSTQ. Trước đó, ông được gọi là “người tăng tốc toàn diện” quá trình diệt vong của ĐCSTQ, gần đây ông lại thêm một biệt danh: “Cái xác rơi tự do”.
Từ đây có thể thấy được rằng, Tập Cận Bình lần này chạy đến đông bắc đàm luận làm sao giữ vững chính quyền, chẳng qua chỉ là trá hình cất lên tiếng nói vong đảng mà thôi.
(Bài viết chỉ đại biểu cho quan điểm và lập trường của tác giả).
Theo Zheng Zhongyuan, Epochtimes
Vũ Dương biên dịch

TQ dự tính đóng lớp tàu đổ bộ tấn công

trang bị hệ thống phóng điện từ

Trung Quốc đang dự tính đóng lớp tàu đổ bộ chở trực thăng mới dù lớp tàu Type 075 vẫn còn chưa được biên chế.
Cộng đồng theo dõi quân sự, quốc phòng thời gian gần đây loan tin về việc Trung Quốc đang dự tính đóng tàu đổ bộ tấn công mới, uy lực hơn lớp tàu Type 075 đang được hoàn thiện.
Theo tờ South China Morning Post ngày 28.7, lớp tàu mới do Tập đoàn đóng tàu Trung Quốc phát triển nhưng kế hoạch chưa được các lãnh đạo phê chuẩn và việc đóng tàu sẽ mất ít nhất 5 năm.
Trong khi đó, giới quan sát đã có những dự đoán về đặc tính của lớp tàu mới, được gọi là Type 076. Cụ thể, tàu này sẽ có thiết kế tương tự tàu Type 075 (dài 237 m), lượng giãn nước khoảng 40.000 tấn và sẽ là tàu đổ bộ tấn công lớn thứ 3 thế giới sau lớp tàu Wasp (khoảng 41.300 tấn) và America (khoảng 44.000 tấn) của Mỹ.
Tàu Type 076 được cho là có thể chở tới 30 trực thăng cùng các máy bay không người lái, xe tăng, xe bọc thép, tàu đệm khí… Đặc biệt, tàu này sẽ được trang bị hệ thống phóng máy bay điện từ, hệ thống hiện đại chỉ mới xuất hiện trên các tàu sân bay lớp Ford thế hệ mới nhất của Mỹ.
Trung Quốc hạ thủy chiếc đầu tiên thuộc lớp tàu Type 075 vào tháng 9.2019 và chiếc thứ 2 hồi tháng 4 nhưng đến nay vẫn chưa biên chế chiếc nào. Hồi tháng 4, chiếc đầu tiên của lớp này bị cháy khi đang đậu tại xưởng ở Thượng Hải.

TQ tăng cường đầu tư lực lượng đổ bộ tấn công đảo

Việc Trung Quốc thử nghiệm thủy phi cơ lớn nhất thế giới AG600 thực tế trên biển là bước mới nhất trong việc tăng cường khả năng đổ bộ tấn công đến các đảo.
Hôm qua 27.7, tờ South China Morning Post đưa tin Trung Quốc vừa tiến hành thử nghiệm thủy phi cơ AG600 trên biển. Đây là dòng thủy phi cơ lớn nhất thế giới có khả năng chở theo khoảng 30 binh sĩ cùng vũ khí, tầm bay hơn 4.000 km và tốc độ hành trình khoảng 500 km/giờ. Dự kiến năm 2022, dòng máy bay này được đưa vào sử dụng.
Đe dọa điều binh khẩn cấp ở Biển Đông
Bình luận về diễn biến thử nghiệm máy bay trên, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 26.7 cho rằng với việc trang bị thủy phi cơ AG600, quân đội Trung Quốc có thể dễ dàng tiếp cận các đảo ở Biển Đông để bảo vệ cái mà nước này tự gọi là “lợi ích cốt lõi”. Theo đó, khi được triển khai ở căn cứ Tam Á trên đảo Hải Nam, máy bay AG600 cho phép Trung Quốc có thể nhanh chóng chuyển quân đến bất cứ đảo, thực thể nào trên Biển Đông. AG600 có thể đáp trên mặt nước để các binh sĩ có thể đổ bộ từ biển.
Philippines nói không thể chiến tranh với Trung Quốc
Trong bài phát biểu hôm qua 27.7, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tuyên bố nước này không thể giải quyết những tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp nào khác ngoài nỗ lực ngoại giao. Reuters dẫn lời Tổng thống Duterte nói rằng Trung Quốc đang kiểm soát những thực thể mà Philippines không đủ khả năng để thách thức bằng biện pháp quân sự.
“Chúng ta không thể tiến tới chiến tranh và tôi không thể đảm đương điều này”, Tổng thống Duterte nói. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo nhấn mạnh Philippines nỗ lực bảo vệ quyền lợi tại Biển Đông mà không mang ơn hay trở thành con rối của bất kỳ ai.
Phát biểu của Tổng thống Duterte được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Teodoro Locsin gần đây cho rằng phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thường trực ở The Hague (Hà Lan) về việc bác bỏ yêu sách đường lưỡi bò phi pháp của Trung Quốc tại Biển Đông là quyết định lịch sử và không thể thương lượng.
Bảo Vinh
Cùng ngày 27.7, trả lời Thanh Niên, TS Satoru Nagao phân tích: “Thủy phi cơ có tính hữu dụng cao ở Biển Đông. Trong thế chiến thứ hai, đây là loại phương tiện mà cả Mỹ lẫn Nhật Bản thường sử dụng để tuần tra, chuyên chở binh sĩ và tổ chức tấn công đến các đảo mà không cần sân bay”.
Từ đó, TS Nagao lo ngại: “Nếu Trung Quốc sử dụng thủy phi cơ thì có thể tăng cường khả năng kiểm soát nhiều đảo và thực thể ở Biển Đông, đặc biệt là trong các hoạt động quân sự”.
Hiện tại, Trung Quốc đã xây dựng đường băng ở 3 bãi đá Vành Khăn, Xu Bi và Chữ Thập mà nước này đang chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Thế nhưng, ở nhiều bãi đá khác thì Bắc Kinh dù đã xây dựng hạ tầng, nhưng khó có thể thiết lập đường băng, nên AG600 chính là giải pháp để kết nối đến các bãi đá này.
Đáng ngại việc Trung Quốc đầu tư lực lượng đổ bộ tấn công đảo
Đổ bộ không – biển
Thời gian qua, Bắc Kinh cũng tăng cường lực lượng tàu chiến đổ bộ tấn công. Đầu tháng 7, tờ Hoàn Cầu thời báo đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu triển khai máy bay trực thăng không người lái trên tàu đổ bộ tấn công Type 075. Đến nay, Trung Quốc đã hạ thủy 2 chiếc tàu thuộc lớp này và chiếc đầu tiên đã có nhiều cuộc thử nghiệm thực tế. Có độ choán nước toàn tải xấp xỉ 40.000 tấn, dài khoảng 237 m, tàu Type 075 có thể mang theo 30 trực thăng chiến đấu đa nhiệm Z-8 và Z-9.
Tờ Hoàn Cầu thời báo dẫn một số nguồn tin tiết lộ Bắc Kinh đang kỳ vọng phát triển máy bay tiêm kích cất cánh đường băng ngắn hạ cánh thẳng đứng để trang bị cho tàu Type 075, để chiến hạm này trở thành tàu sân bay tương tự như Mỹ triển khai chiến đấu cơ F-35 cho tàu đổ bộ lớp America, lớp Wasp. Và Trung Quốc không hề che giấu việc sẽ sớm sử dụng tàu Type 075 ở khu vực Biển Đông.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã sở hữu một số tàu vận tải đổ bộ Type 071. Loại tàu này có thể chở vũ khí, bao gồm cả tàu đổ bộ đệm khí, mang theo gần 1.000 lính. Khi kết hợp thủy phi cơ AG600 với các loại tàu Type 075 và Type 071, Trung Quốc có thể hình thành năng lực tác chiến đổ bộ cả đường không lẫn đường biển, mà Biển Đông là một trong các mục tiêu của chiến lược này.

Tách bạch vấn nạn vi phạm nhân quyền

 khi giao dịch với Trung Quốc sẽ mang lại hậu quả

Tuệ Minh
Hai tác giả Yang Jianli và Aaron Rhodes hôm 14/7 có bài bình luận có tựa đề “Tách bạch vấn nạn vi phạm nhân quyền khi giao dịch với Trung Quốc sẽ mang lại hậu quả” trên tờ The Washington Times. Sau đây toàn văn bài viết:
Ngày 9/7, trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã đề xuất một giải pháp cải thiện mối quan hệ Mỹ-Trung.
Theo một nguồn tin trong Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), giải pháp mà ông Vương đề xuất tương đồng với quan điểm trước đó của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, rằng “sự hợp tác” là “lựa chọn duy nhất” cho hai quốc gia.
Ông Vương đề nghị “các viện chính sách ở cả Mỹ và Trung Quốc lập bản danh sách gồm ba cột, một là các vấn đề song phương và toàn cầu mà hai nước có thể giải quyết, hai là các vấn đề mà hai nước đang có tranh chấp nhưng kỳ vọng có thể giải quyết được thông qua đối thoại, thứ ba là về những vấn đề không thể giải quyết được”.
Sau đó, ông Vương tuyên bố, “chúng ta nên giải quyết các tranh chấp một cách hợp lý và giảm thiểu thiệt hại cho mối quan hệ song phương”.
Vậy những vấn đề “không thể giải quyết được” là gì?
Không có gì phải bàn cãi khi ông Vương đang muốn đề cập đến các hành vi vi phạm nhân quyền nghiêm trọng của chính quyền Trung Quốc, bao gồm: tống giam và lạm dụng khoảng 3 triệu người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi, đàn áp, tra tấn các tín đồ Cơ Đốc và các học viên Pháp Luân Công (môn khí công theo trường phái Phật gia dựa trên nguyên lý Chân – Thiện – Nhẫn), vi phạm hiệp ước quốc tế về quyền tự trị và quyền tự do của người dân Hồng Kông, cầm tù những người bất đồng chính kiến ​​và những tiếng nói chỉ trích chính quyền, kìm hãm các quyền lợi cơ bản của người dân Trung Quốc như quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo…..
Thật ra, đó lại là những vấn đề mà ông Vương đang ngăn chặn để chúng không gây trở ngại hợp tác giữa 2 nước trong các vấn đề toàn cầu, cũng như các vấn đề song phương như thương mại.
Điều ông Vương muốn nói chính là mối quan ngại về nhân quyền không được đặt lên bàn đàm phán: Chúng ta có thể thỏa hiệp về rất nhiều vấn đề, nhưng các vị không thể tước đoạt quyền lạm dụng nhân quyền của chúng tôi. Nếu các vị muốn bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc, các vị phải từ bỏ mối quan tâm của mình đối với nhân quyền.
Do đó, ông Vương muốn tách bạch nhân quyền ra khỏi các vấn đề khác, hay chính xác hơn là muốn tách bạch nhân quyền ra khỏi các khu vực chính sách khác. Trên thực tế, trong bốn thập kỷ qua, Hoa Kỳ vẫn luôn phân tách mối quan ngại về nhân quyền Trung Quốc với các vấn đề khác. Việc phân tách các “lĩnh vực chính sách đối địch” chính là điều Ngoại trưởng Vương ủng hộ.
Trong từng thời điểm quan trọng trong mối quan hệ Mỹ-Trung kéo dài 40 năm qua, rất ít thành viên trong giới học thuật, chính sách đối ngoại, quân đội và doanh nghiệp Mỹ có thể dự đoán hành vi vi phạm nhân quyền của Trung Quốc lại nghiêm trọng như ngày hôm nay.
Năm 1979, khi Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (PRC) chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao và 31 năm trước, trong cuộc thảo luận về “thương mại-nhân quyền” sau cuộc thảm sát Thiên An Môn ngày 4/6/1989, và cuối cùng vào 19 năm trước, khi Hoa Kỳ cho phép Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) mà gần như không đi kèm bất kỳ điều kiện bắt buộc nào, Mỹ khi đó đang ủng hộ ý tưởng rằng việc bỏ sang bên lề và tách bạch vấn đề nhân quyền để đưa Trung Quốc vào trật tự kinh tế toàn cầu sẽ góp phần thay đổi hành vi của nó. Họ cho rằng việc “bình thường hóa” thương mại sẽ dẫn đến dân chủ, bởi vì thương mại chắc chắn sẽ dẫn đến tăng trưởng kinh tế và sự phát triển của tầng lớp trung lưu, mà đến lượt mình tầng lớp này sẽ đòi hỏi nhiều tự do chính trị hơn.
Tuy nhiên, sau cuộc thảm sát hàng ngàn sinh viên trên quảng trường Thiên An Môn, các nhà hoạt động nhân quyền này đã đến Washington để giúp chính phủ Mỹ và các nhà hoạch định chính sách về Trung Quốc hiểu rằng, việc Mỹ tiếp tục duy trì mối quan hệ thương mại “bình thường” với Trung Quốc, nhưng lờ đi vấn đề nhân quyền, sẽ giống như truyền máu cho chính quyền độc tài ở Bắc Kinh, khiến nó càng trở nên “hung hăng” hơn cùng lúc gây tổn hại cho cả người dân Mỹ và Trung Quốc.
Thật không may, những cảnh báo của chúng tôi như “nước đổ lá khoai”, và phần còn lại câu chuyện đã trở thành lịch sử. Ngày nay, các thành viên trong giới học giả, chính sách đối ngoại, quân đội và doanh nghiệp Hoa Kỳ phải có can đảm thừa nhận sai lầm, có sự hiểu biết và tầm nhìn để làm ăn theo hướng khác.
Thật vậy, Mỹ và các quốc gia tự do khác trên thế giới, cần móc nối nhân quyền với thương mại, và nhấn mạnh rằng nếu không từ bỏ các chính sách và hành động vô nhân đạo, Trung Quốc sẽ không thể tiếp cận rộng rãi vào  thị trường, nền khoa học công nghệ và tài sản trí tuệ của Mỹ.
Mỹ cần phải khẳng định rõ ràng rằng chúng ta, như một dân tộc, không thể duy trì mối quan hệ bình thường với một chính phủ quá coi rẻ người dân của mình như vậy, những người anh em của chúng ta ở Trung Quốc.
Sự kiêu ngạo của Bắc Kinh không chỉ dựa trên việc các đối tác phương Tây sẽ bỏ qua các hành vi vi phạm nhân quyền của họ, mà còn dựa trên niềm tin rằng các đối tác nước ngoài rất cần Trung Quốc,
rằng Trung Quốc cho rằng họ là người lèo lái mối quan hệ quốc tế và có quyền ra điều kiện cho các quốc gia khác. Thật vậy, chúng ta đã trở nên quen thuộc với hàng giá rẻ – một số được tạo ra bởi những tù nhân trong các trại cưỡng bức lao động ở Trung Quốc. Trong khi đó, chủ nghĩa vật chất lãng phí đã bùng nổ ở phương Tây, trong khi các nhà máy sản xuất công nghiệp của chúng ta lại đang chết dần chết mòn để nhường chỗ cho Trung Quốc.
Không chỉ vậy, Trung Quốc đã phá hỏng các định nghĩa nhân quyền được hình thành trong các thể chế quốc tế, mà gần như không trở ngại. Phủ nhận tính phổ quát của quyền con người, Trung Quốc đã theo đuổi thuyết tương đối văn hóa thô thiển để biện minh cho việc từ chối quyền tự do của người dân bằng cách cải thiện phúc lợi của 1,5 tỷ công dân đại lục (dù rất không đồng đều).
Trung Quốc là một xã hội bất công tàn bạo, với các chính sách phúc lợi xã hội yếu kém. Trợ cấp cho những người thất nghiệp do đại dịch COVID-19 chỉ khoảng 1,7 USD/tuần, và khoảng 78 triệu người thất nghiệp không nhận được bất kỳ phúc lợi nào vì họ làm việc không hợp đồng. Theo tạp chí Economist ngày 9/5/2020, chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc chỉ chiếm 2% GDP.
Chúng ta, sống trong các nền dân chủ tự do, đã bị lòng tham, sự thiên lệch khỏi các nguyên tắc căn bản kiến lập nền tự do của chúng ta làm mờ mắt, đến mức khuyến khích sự tàn bạo, thói kiêu ngạo và hung hăng của Trung Quốc. Đề xuất của ông Vương có thể sẽ được chào đón bởi các nhà lãnh đạo biết thích ứng muốn tìm kiếm “sự bình yên và ổn định”, bằng cách nhắm mắt làm ngơ trước các hành vi hạn chế quyền tự do của Bắc Kinh, không chỉ ở Trung Quốc, mà còn tại hải ngoại.
Việc thay đổi thái độ đối với Trung Quốc, rốt cục sẽ đòi hỏi thay đổi cách tiếp cận đối với chính xã hội của mình. Nó sẽ đòi hỏi chúng ta phân tích và làm rõ các nguyên tắc và ưu tiên của bản thân. Thách thức từ Trung Quốc trên thực tế là một cơ hội cho sự thay đổi.
• Yang Jianli là chủ tịch của Quỹ Sáng kiến ​​Quyền lực Công dân cho Trung Quốc. Aaron Rhodes là chủ tịch Diễn đàn Tự do Tôn giáo-Châu Âu và biên tập viên nhân quyền của Tạp chí Dissident.

Có phải quân đội Trung Quốc đã thâm nhập sâu

vào nghiên cứu y học của Hoa Kỳ?

Bình luậnVăn Thiện
Tại sao người nhà nghiên cứu vừa bị chính phủ Hoa Kỳ bắt Juan Tang lại lựa chọn Đại học California, Davis, là nơi đến? Liệu có liên quan gì đến quân đội Trung Quốc không? Hoa Kỳ có thể cần một cuộc điều tra toàn diện về các chương trình trao đổi nghiên cứu y học giữa nước này và Trung Quốc.
Có một thực tế được thừa nhận rộng rãi là Trung Quốc đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Hoa Kỳ trị giá hàng tỷ đô la.
Chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston, Texas, mà Thượng nghị sĩ Marco Rubio mô tả là “một nút trung tâm trong một mạng lưới rộng lớn của Đảng Cộng sản Trung Quốc có nhiệm vụ hoạt động gián điệp và gây ảnh hưởng ở Hoa Kỳ”.
Gần như cùng lúc, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã truy tố 2 công dân Trung Quốc tìm cách đánh cắp nghiên cứu vaccine COVID-19 và hack hàng trăm công ty ở Hoa Kỳ và nước ngoài, bao gồm cả các nhà thầu quốc phòng.
Juan Tang, 37 tuổi, từng là một nhà nghiên cứu ung thư trong nhiều tháng tại Trường Y thuộc Đại học California, Davis, đã bị FBI bắt giữ sau khi trốn trong lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco.
Trong thông báo hôm 23/7, Bộ Tư pháp Mỹ cho biết 4 nhà nghiên cứu là người của quân đội và Đảng Cộng sản Trung Quốc cài cắm vào các cơ sở của Mỹ để lấy trộm kiến thức về công nghệ, khoa học. Juan Tang là một trong 4 nhà nghiên cứu Trung Quốc đó.
Theo đơn kiện hình sự liên bang đã nộp tại tòa án ở Sacramento, Juan Tang đã nói dối về mối liên hệ của cô với quân đội Trung Quốc khi cô nộp đơn xin thị thực không di dân vào ngày 28/10/2019.
Khiếu nại hình sự của FBI cho thấy Juan Tang mặc đồng phục quân đội Trung Quốc và một trong các cơ sở khoa học của cô này được liệt kê là Trung tâm Khoa học Chuyển giao Quốc gia về Y học Phân tử & Khoa Sinh học Tế bào, Đại học Quân y Thứ tư, Tây An 710032, Trung Quốc.
Theo Andy Fell, phát ngôn viên của Đại học California, Davis, Juan Tang là một nhà nghiên cứu thỉnh mời tại Khoa Ung thư của Đại học Y. Nghiên cứu của cô được Hội đồng Học bổng Trung Quốc tài trợ, “một chương trình trao đổi dựa trên nghiên cứu liên kết với Bộ Giáo dục Trung Quốc và Bệnh viện Xijing của nước này”.
Liệu quân đội Trung Quốc có đứng đằng sau lựa chọn Đại học California, Davis, của Juan Tang
Có thể là do tại đây có Jian-Jian Li, người đã nhận bằng tiến sĩ y khoa năm 1984 từ Đại học Quân y Thứ tư của Trung Quốc, là giáo sư khoa Ung thư tại Đại học Y khoa Davis. Cũng giống như vị trí của Juan Tang tại Trung tâm Khoa học Chuyển giao Quốc gia về Y học Phân tử & Khoa Sinh học Tế bào của Trung Quốc, Tiến sĩ Li là Giám đốc Nghiên cứu Chuyển giao tại Đại học California, Davis.
Ông Li đã duy trì sự hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học ở Trung Quốc.
Ông Li cũng nhận bằng tiến sĩ vào năm 1994 tại Đại học Iowa và được đào tạo tại Viện Ung thư Quốc gia thuộc Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ từ năm 1995 đến 1998.
Trong nhiều năm, bác sĩ Li đã duy trì sự hợp tác sâu rộng với các nhà khoa học ở Trung Quốc, một số người hiện làm việc tại Đại học Quân y Thứ tư.
Dường như rất khó có khả năng bác sĩ Li không biết về mối quan hệ của Juan Tang với Đại học Quân y Thứ tư Trung Quốc.
Các vụ bắt giữ 4 công dân Trung Quốc được đề cập chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số các sinh viên Trung Quốc, các nhà nghiên cứu sau tiến sĩ và các nhà khoa học y tế toàn thời gian, nhiều người được hỗ trợ bởi tiền thuế của Mỹ và có thể hỗ trợ tích cực cho quân đội Trung Quốc đánh cắp thông tin độc quyền, nghiên cứu y học mà được xem như các mục tiêu gián điệp mềm.
Văn Thiện
Theo Zerohegde

Tin tặc Trung Quốc xâm nhập Vatican

Triệu Hằng
Tin tặc Trung Quốc đã tấn công hệ thống mạng máy tính của Tòa thánh kể từ đầu tháng 5.
Recorded Future, một công ty an ninh mạng có trụ sở ở Massachusetts (Mỹ) báo cáo hôm 28/7 rằng, vụ xâm nhập được thực hiện vào khoảng thời gian Giáo hội Công giáo và Bắc Kinh đang chuẩn bị cho các cuộc đàm phán song phương vào tháng 9, xoay quanh việc giám sát quá trình bổ nhiệm giám mục và tình trạng của các nhà thờ Cơ Đốc ở Trung Quốc.
Báo cáo này được đưa ra vào thời điểm chính phủ Trung Quốc đang tăng cường siết chặt kiểm soát các nhóm tôn giáo ở đại lục.
Cuộc xâm nhập Tòa thánh Vatican và Phái đoàn nghiên cứu Trung Quốc của Tòa thánh – một nhóm các nhà ngoại giao không chính thức của Vatican có trụ sở ở Hồng Kông, hiện đang đàm phán về tình trạng của các nhà thờ ở đại lục.
Những tin tặc đã gửi một bức thư giả mạo Vatican tới một giáo sĩ Hồng Kông. Bức thư giả bắt chước tinh vi bức thư chính thức của Tổng giám mục Edgar Peña Parra.
Recorded Future khẳng định, cuộc tấn công nhắm vào các cuộc đàm phán sắp tới xoay quanh thỏa thuận năm 2018.
Chi tiết của thỏa thuận đạt được 2 năm về trước đến nay chưa được công bố, nhưng nhiều người cho rằng thỏa thuận cho phép Bắc Kinh chỉ định các ứng viên giám mục cho các nhà thờ nhưng cho phép giáo hoàng quyền quyết định cuối cùng.
Recorded Future cho biết, chiến dịch đánh cắp thông tin trên mạng do RedDelta, một nhóm được nhà nước Trung Quốc tài trợ tiến hành, phản ánh những hoạt động tấn công không gian mạng được Trung Quốc phê duyệt trong những năm gần đây.
Căng thẳng trong mối quan hệ giữa Tòa thánh và Bắc Kinh đang gia tăng trước cuộc đàm phán vào tháng Chín, đặc biệt là do luật an ninh Trung Quốc áp cho Hồng Kông và các hạn chế liên tiếp đối với đời sống tôn giáo ở Trung Quốc.
Trung Quốc và Vatican có mối quan hệ không êm thấm trong nhiều thập niên, hai bên đã cắt đứt quan hệ ngoại giao vào năm 1951 sau khi Tòa thánh chính thức công nhận Đài Loan.
Năm 2014, Bắc Kinh phá vỡ truyền thống đó khi cho phép máy bay đưa giáo hoàng bay qua không phận của Trung Quốc trên đường đến Hàn Quốc. Giáo hoàng Francis sau đó đã gửi thông điệp ban phép lành cho ông Tập Cận Bình. Tuy nhiên, căng thẳng đã trở lại khi các quan chức Trung Quốc buộc tội nhà thờ đang giúp đỡ những người biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông.

Trung Quốc tuyên bố

đã rút hết quân khỏi biên giới Ấn Độ

Quý Khải
Bộ ngoại giao Trung Quốc hôm thứ Ba (28/7) cho biết nước này và Ấn Độ đã hoàn tất việc rút quân tại hầu hết các khu vực biên giới tranh chấp giữa hai nước.
Tại một cuộc họp báo ngắn tại Bắc Kinh của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, một phóng viên từ hãng tin đại lục đã đặt câu hỏi liệu quân đội biên giới hai nước đã hoàn tất việc rút quân tại các khu vực Galwan, Gogra và suối nước nóng ở phía đông Ladakh. Phóng viên này không đề cập đến Pangong Tso – một điểm nóng tranh chấp – trong câu hỏi, theo PTI.
Đáp lại, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân tuyên bố hiện “quân đội hai nước tại biên giới đã hoàn tất việc rút quân ở hầu hết các địa điểm và tình hình thực địa đang hạ nhiệt”.
Trước đó vào hôm thứ Sáu (24/7) tuần trước, tại một cuộc họp kéo dài 3 giờ, hai bên đã đồng ý việc rút quân “sớm và triệt để” ở phía đông Ladakh, và có thể tổ chức thêm các vòng đàm phán quân sự để xúc tiến việc “rút quân và xuống thang căng thẳng” toàn diện, khôi phục ổn định tại khu vực biên giới.
Bất đồng nhận thức về việc rút quân giữa hai bên nổi lên sau khi New Delhi yêu cầu Bắc Kinh “chân thành thực hiện” thỏa thuận sơ bộ trong việc rút quân mà chỉ huy quân sự cấp cao của hai bên đã đạt được, tờ Hindustan Times bình luận.
“Điều cần thiết là cả hai bên phải chân thành thực hiện thỏa thuận sơ bộ đạt được giữa chỉ huy quân đội cấp cao hai phía cho tới hiện tại”, tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho hay.
Tại cuộc đàm phán hôm thứ Sáu, Ấn Độ nhấn mạnh việc Trung Quốc rút quân triệt để ra khỏi các điểm nóng tranh chấp ở khu vực Đông Ladakh, tuân thủ các cam kết tại cuộc họp của chỉ huy quân đoàn hai bên và cuộc điện đàm ngày 5/7 giữa hai Đại diện Đặc biệt về vấn đề biên giới của hai phía, một người trong cuộc chia sẻ với Hindustan Times.
Hiện vẫn chưa rõ liệu Bắc Kinh có quan điểm tương đồng đối với vấn đề rút quân hay không.
Căng thẳng bùng nổ ở khu vực phía đông Ladakh sau vụ xung đột biên giới tại Thung lũng Galwan hôm 15/6 khiến 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng. Phía Trung Quốc không công bố con số thương vong nhưng theo tình báo Mỹ, có 35 binh sĩ Trung Quốc thiệt mạng.

Trung Quốc đáp trả

tuyên bố của Mỹ và Úc về Biển Đông

Đại sứ quán Trung Quốc ở Australia hôm 29/7 đã phản ứng đầy giận dữ trước một tuyên bố chung của Mỹ và Úc, vốn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như ở các nơi khác, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực đối với Trung Quốc sẽ không bao giờ thành công”, trang tin news.com.au của Úc đưa tin.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tổ chức hai ngày thảo luận ở Washington với người đồng nhiệm Úc.
Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã bay tới Mỹ dù dịch bệnh COVID-19 và đối mặt với hai tuần bị cách ly khi trở về nước, theo Reuters.
Trong tuyên bố sau các cuộc gặp, hai nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vấn đề nóng như Hong Kong, Đài Loan, “cuộc đàn áp người Uighur” ở Tân Cương và các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông, vốn bị coi là “không có giá trị theo luật quốc tế”.
Tuy nhiên, theo trang tin news.com.au, đại sứ quán Trung Quốc ở Úc đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.
Cơ quan ngoại giao này phản đối điều bị coi là “các cáo buộc vô căn cứ” và “các cuộc công kích đối với Trung Quốc” về các vấn đề liên quan tới Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông đưa ra trong tuyên bố chung.
Theo Reuters, dù Mỹ và đồng minh Úc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao về Trung Quốc và đồng ý về sự cần thiết phải duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh tới quan hệ quan trọng giữa Canberra với Bắc Kinh và tuyên bố không có ý định làm tổn thương mối bang giao này.

Hù dọa người dân: Bắc Kinh dán cáo thị

‘phòng không’, Thượng Hải diễn tập sơ tán

Bình luậnĐông Phương
Tháng 7 năm nay, 2 tàu sân bay của Mỹ đã tổ chức hai cuộc tập trận chung ở Biển Đông, ngoài ra còn có các cuộc tập trận chung với Úc, Nhật Bản và Ấn Độ. Máy bay trinh sát và máy bay chống tàu ngầm của Mỹ cũng thường xuyên tiếp cận Thượng Hải và Phúc Kiến, đây là động thái chưa từng có. Vào thời điểm nhạy cảm này, Bắc Kinh đã đưa ra các thông báo phòng không, Thượng Hải đã tổ chức diễn tập sơ tán và tái định cư người dân khi lâm chiến. Những động thái quân sự bất thường của Trung Quốc và Hoa Kỳ đã thu hút sự chú ý của ngoại giới.
Hôm 27/7, một người dân đại lục nói trên Weibo rằng, Văn phòng Phòng không quận Hải Điến thành phố Bắc Kinh đã có một động thái lớn vào ngày hôm đó, họ dán các thông báo hướng dẫn phòng không lên các nơi công cộng, như “Làm thế nào để nhanh chóng trốn vào công trình phòng không nhân dân khi nghe thấy báo động”, “Kiến thức về phòng không nhân dân”, v.v. Trên Internet cũng lan truyền một video cho thấy, chính quyền treo bảng tuyên truyền phòng không trên cổng hàng rào sắt, v.v.
Có không ít cư dân hoảng loạn vì những khẩu hiệu như vậy, nghĩ rằng Không quân Mỹ sẽ tấn công Bắc Kinh. Một số cư dân mạng cũng cho biết: “Bây giờ toàn là dùng công nghệ kỹ thuật cao để xác định mục tiêu cần loại bỏ hay chặt đầu, mấy cái này chẳng liên quan gì đến tôi”.
Ông Ngô, một người dân Bắc Kinh, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng chính quyền đang khiến cư dân sợ hãi và khơi dậy lòng nhiệt tình yêu nước của họ: “Họ (chính phủ) làm vậy để kích động người dân, kêu gọi mọi người làm tốt công tác chuẩn bị cho chiến tranh, ý muốn bảo là Hoa Kỳ sẽ gây chiến với chúng tôi. Thực tế, họ cũng biết là không thể đánh nhau được, bởi vì hễ đánh là thua. Việc đánh nhau không liên quan gì đến người dân hết, nhưng chính phủ tuyên truyền như vậy khiến người dân rất lo lắng”.
Ông Tôn Tân (Sun Bin), học giả chính trị Trung Quốc, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng ông đã thấy tuyên truyền tương tự ở các thành phố khác. Ví dụ, một số nơi dọc theo bờ biển phía đông nam đã bắt đầu dán (thông báo yêu cầu) một số sĩ quan hải quân, không quân đã giải ngũ, bao gồm cả người nhà của họ, phải lên Ủy ban Khu dân cư để báo danh. Điều đó có nghĩa là những người này có thể phải trở lại quân đội bất cứ lúc nào.
Theo kênh truyền thông đại lục đưa tin, quận Tùng Giang và quận Trường Ninh ở thành phố Thượng Hải đã tổ chức “Diễn tập sơ tán và bố trí tái định cư khi lâm chiến” vào ngày 22/7, còn quận Thanh Phố và quận Tĩnh An tổ chức vào ngày 23/7.
Máy bay quân sự của Hoa Kỳ tiếp cận Thượng Hải và Phúc Kiến, Trung Quốc tập trận bắn đạn thật ở Biển Đông
Khoảng 12h trưa ngày 26/7, quân đội Hoa Kỳ đã phái máy bay chống tàu ngầm P-8A đi tuần tra vùng biển gần bờ biển phía đông của đại lục, cùng lúc đó tàu khu trục USS Rafael Peralta cũng đang đi trên vùng biển này.
Theo tài khoản Twitter của hệ thống “Nhận biết tình hình chiến lược Biển Đông” (SOUTH CHINA SEA STRATEGIC SITUATION PROBING INITIATIVE) của Viện nghiên cứu Hải dương trực thuộc Đại học Bắc Kinh, hôm 26/7, một máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-8A của Hoa Kỳ đã từ Nhật Bản bay về phía tây nam, và sau khi đến khu vực nhận dạng phòng không Đài Loan lúc 1h50 chiều, nó đã chuyển hướng bay sang Trung Quốc và tuần tra ở khu vực bờ đông đại lục gần Thượng Hải. Đồng thời, tàu khu trục Peralta cũng đang đi trong cùng vùng biển.
Vào lúc 2h chiều, chiếc P-8A này chỉ cách đường cơ sở lãnh hải nơi giao giới của tỉnh Chiết Giang và Phúc Kiến khoảng 41,3 hải lý (khoảng 76,5 km), sau đó quay trở lại. Khoảng cách này là khoảng cách gần nhất mà một máy bay quân sự Mỹ gần đây đã đến gần Trung Quốc để trinh sát.
Quân đội Trung Quốc tuyên bố rằng từ ngày 25/7 đến ngày 2/8, họ sẽ tập trận bắn đạn thật ở vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu. Hôm 26/7, CCTV News đã phát sóng hình ảnh một lữ đoàn binh chủng phòng không – không quân hải quân thuộc chiến khu Nam Bộ của Trung Quốc đã tiến hành huấn luyện bắn đạn thật ở Biển Đông trong nhiều ngày. Nội dung đoạn phát sóng là các máy bay chiến đấu bay trên biển ở độ cao cực thấp và thực hiện các cuộc tấn công liên tục vào các mục tiêu trên biển.
4 tàu ngầm hạt nhân chiến lược của Hoa Kỳ biến mất một cách bí ẩn, 60 máy bay ném bom hạng nặng sẵn sàng đợi lệnh
Theo hãng tin ITAR-TASS của Nga đưa tin ngày 22/7, các vệ tinh trinh sát của quân đội Nga đã phát hiện ra rằng 4 chiếc tàu ngầm hạt nhân mang tên lửa đạn đạo chiến lược lớp “Ohio” (Ohio-class submarine) đang ở trong một căn cứ tàu ngầm ở Mỹ đột nhiên biến mất. Theo nguồn tin, tàu ngầm hạt
nhân chiến lược nói trên rất có khả năng mang theo tên lửa đạn đạo hạt nhân và đang ẩn nấp ở một vùng biển sâu nào đó rất khó phát hiện, để làm phương án cuối cùng trong trường hợp xảy ra chiến tranh hạt nhân.
Ngoài ra, Không quân Hoa Kỳ cũng công khai tuyên bố rằng hơn 60 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng của Không quân Hoa Kỳ bao gồm “Bóng ma” B-2 (B-2 Ghost), “Pháo đài tầng bình lưu” B-52H (B-52H Stratofortress), “Kỵ binh bom” B-1B (B-1B Lancer), v.v. cũng đang sẵn sàng đợi lệnh tại 6 căn cứ không quân của Hoa Kỳ. Điều này cho thấy quân đội Mỹ đã thực hiện tất cả các bước chuẩn bị cho một cuộc xung đột cục bộ quy mô lớn.
Đài phát thanh Sputnik International – Chinese trích dẫn một báo cáo phân tích của một chuyên gia quân sự cao cấp trong Viện nghiên cứu Vấn đề Quốc tế của Nga, cho biết rằng trong vòng 1 tháng, Hải quân Hoa Kỳ đã tập kết ít nhất 4 tàu sân bay lớn và hơn 50 chiếc tàu tác chiến trên biển ở vùng biển Ấn Độ – Thái Bình Dương. Trong đó bao gồm tàu tuần dương có tên lửa dẫn đường Aegis, tàu khu trục có tên lửa dẫn đường Aegis, tàu ngầm hạt nhân tấn công, tàu tiếp tế lớn và tàu đổ bộ tấn công, v.v. Ngoài ra còn có hơn 300 chiến đấu cơ vận chuyển các loại và hơn 16.000 lính thủy đánh bộ thiện chiến trong các hoạt động đổ bộ. Chuyên gia quân sự này thẳng thắn nói rằng, quy mô chiến cơ và tàu chiến mà quân đội Mỹ đã thiết lập trong vùng biển này đủ để đánh bại hải quân của bất kỳ quốc gia nào trong khu vực.
Liên minh quân sự Mỹ – Nhật – Úc – Ấn Độ khiến ĐCSTQ e sợ
Theo Asia Times đưa tin, tuần trước, Hoa Kỳ đã tiến hành các cuộc tập trận quân sự với các đối tác và đồng minh dân chủ là Úc và Nhật Bản ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương; trong tuần đó, Mỹ và Ấn Độ cũng tiến hành các cuộc tập trận chung. Bốn quốc gia này đã hợp tác thành một “bộ tứ” quốc phòng, cũng chính là thiết lập một “vòng cung dân chủ” (arc of democracy) ở châu Á nhằm bao vây Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Bài báo cho biết, Bắc Kinh cũng cho rằng liên minh bốn nước này được thành lập để bao vây và ngăn chặn tham vọng trên biển và trên toàn cầu của ĐCSTQ, và Hải quân Hoa Kỳ là đòn bẩy hợp tác cho liên minh mới nổi này.
USS Nimitz (phải) và USS Reagan (trái) đã tiến hành bốn cuộc tập trận ở Biển Đông và Ấn Độ Dương trong vòng 20 ngày, thể hiện sức mạnh quân sự của họ và của liên minh quân sự Mỹ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ. Bức ảnh do Hải quân Hoa Kỳ công bố hôm 7/7/2020. (Keenan Daniels / US NAVY / AFP)
Cùng với việc tình hình chiến sự ở Biển Đông ngày càng leo thang, nguy cơ đối đầu ở biên giới Trung – Ấn cũng tăng cao. Hôm 22/7, kênh truyền thông Ấn Độ WION đưa tin, một bài phân tích gần đây có tiêu đề “Bản tin của các nhà khoa học Nguyên tử” (Bulletin of the Atomic Scientists) chỉ ra rằng: “Chiến lược hạt nhân của Ấn Độ từ trước tới giờ luôn tập trung vào Pakistan, nhưng hiện giờ họ dường như chú trọng vào Trung Quốc hơn, và Bắc Kinh hiện nằm trong tầm bắn tên lửa của Ấn Độ. Bây giờ, mục tiêu chính của tên lửa Agni (tên lửa đạn đạo xuyên lục địa) là Trung Quốc”.
Ông Tập Cận Bình đi thị sát máy bay không người lái tác chiến, yêu cầu tăng cường thực chiến
Sự kiện Hoa Kỳ buộc Lãnh sự quán Trung Quốc đóng cửa đã đánh dấu sự tách rời trong mối quan hệ Trung – Mỹ. Hai bên rất có thể sẽ chuyển từ chiến tranh lạnh sang chiến tranh nóng. Trong thời kỳ nhạy cảm này, Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình đã đi thị sát Đại học Hàng không Không quân Trung Quốc vào ngày 23/7. Điều đáng chú ý là trong quá trình đi kiểm tra, ông Tập đã đặc biệt đến phòng thí nghiệm máy bay không người lái (UAV) để kiểm tra các cơ sở giảng dạy kiểm soát UAV và nắm được tình hình đào tạo UAV.
Theo báo cáo, ông Tập Cận Bình nói rằng, bây giờ xuất hiện lượng lớn các loại máy bay không người lái và các hoạt động tác chiến của UAV đang thay đổi bộ mặt chiến tranh. Ông nhấn mạnh cần phải phải tăng cường nghiên cứu các hoạt động tác chiến bằng UAV, đẩy mạnh thiết kế chuyên nghiệp cho UAV, tăng cường huấn luyện đào tạo thực chiến, và đẩy nhanh việc bồi dưỡng các nhân tài có thể sử dụng và chỉ huy UAV.
Một số nhà phân tích cho rằng, gần đây, quân đội Hoa Kỳ đã gia tăng áp lực quân sự đối với ĐCSTQ, việc máy bay không người lái của Hoa Kỳ thường xuyên tiếp cận đại lục, thêm vào đó là hai tướng lĩnh Iran đã bị tiêu diệt khiến Trung Nam Hải kinh sợ. Vào ngày 3/1 năm nay, Qassem Soleimani, một đồng minh của ĐCSTQ và là chỉ huy của quân đội Iran, đã nhanh chóng bị giết bởi một máy bay không người lái của Mỹ. Theo kênh Al-Arabiya đưa tin ngày 21/7, Israel đã sử dụng máy bay chiến đấu tàng hình F-35 do Hoa Kỳ chế tạo để tiến hành hai cuộc không kích liên tiếp, một vị tướng Iran lại bị chặt đầu.
Nguồn tin cho biết, để ngăn chặn “hành động chặt đầu” của Hoa Kỳ, mức độ bảo đảm an ninh của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ đã được nâng lên “mức cao nhất trong lịch sử”.
Theo các tài liệu, Đại học Hàng không Không quân Trung Quốc là một trường quân sự cấp cao chuyên đào tạo các phi công chuyên nghiệp, và là trường học trọng điểm được xây dựng theo “Dự án 2110” của quân đội do Ủy ban Quân sự Trung ương Trung Quốc phê duyệt.
Trước đó hôm 22/7, ông Tập Cận Bình cũng đã đến tỉnh Cát Lâm và thăm “Bảo tàng Tưởng niệm Chiến dịch Tứ Bình” – chiến dịch xảy ra trong cuộc nội chiến của ĐCSTQ. Dụng ý sâu xa của ông Tập là hô hào mọi thành viên trong đảng “nhất định phải trấn giữ vững vàng”.
Trước đó, Tập Cận Bình cũng đã đăng một bài báo trên tạp chí đảng, mô tả chính quyền ĐCSTQ là “chúng tinh phủng nguyệt” (trăng sao vây quanh, ý nói được mọi người vây quanh, được mọi người truy phủng), và một lần nữa nhấn mạnh phải “kiên trì đi theo sự lãnh đạo của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ”. Một số nhà phân tích nói rằng: Ông Tập đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ nội bộ đảng thông qua bài viết này; chính quyền ĐCSTQ đang đối mặt với một tình cảnh khốn khó chưa từng thấy. Ông Tập đã mất hết sự tự tin và đang cảnh báo nội bộ đảng phải ủng hộ ông, nếu không tất cả sẽ chết chung.
Hiện nay, ĐCSTQ từ đối nội đến đối ngoại đều gặp muôn vàn khó khăn. Gần đây nhất là sự kiện Trung – Mỹ đóng cửa Lãnh sự quán của nhau. Cựu Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc, ông Winston Lord nói với VOA rằng việc đóng cửa lãnh sự quán là chưa từng có và sự leo thang căng thẳng Trung – Mỹ có thể dẫn đến xung đột quân sự.
Ông Trương Gia Đôn (Zhang Jiadun), một tiến sĩ học về luật pháp Hoa Kỳ, cho rằng việc Mỹ đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc “là một việc mà Hoa Kỳ đã làm rất tốt”. Ông chỉ ra rằng đây là hậu quả của ĐCSTQ, và Hoa Kỳ không có lựa chọn nào khác ngoài việc “phải ngăn chặn các hành vi nguy hiểm, hiếu chiến và gây hại của ĐCSTQ”.
Đông Phương
Theo The Epoch Times

[Phỏng vấn tuyến đầu]: Dịch bệnh

ở Trung Quốc lây lan nhanh, dồn dập phong thành

Phụng Minh
Bệnh viện nói giờ chỉ tiếp nhận bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán, nhiều nhà đã bị dán giấy niêm phong.
Trong hai ngày liên tiếp 26 và 27/7, nhà chức trách Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề), Trung Quốc công bố số ca mới dương tính với virus viêm phổi Vũ Hán lần lượt là 41 và 57 trường hợp. Một video trên Internet cho thấy chính quyền đang xây dựng một bệnh viện dã chiến. Epoch Times đã thực hiện phỏng vấn, cho thấy một số lượng lớn người nhiễm bệnh trong cuộc điều tra cộng đồng ở Urumqi, bao gồm Kashgar, Y Ninh, Xương Cát. Nhiều quận, thành khác đã dồn dập phong thành.
Trước đó, Epoch Times đã đưa tin độc quyền rằng dịch bệnh ở Urumqi lây lan từ một bữa tiệc cưới lớn ở Erdaoqiao vào ngày 5/7 (theo đó, một bữa tiệc cưới gồm khoảng một ngàn người tham dự có thể là nơi phát tán dịch bệnh ở Urumqi). Địa điểm diễn ra tiệc cưới là ở tầng bốn của Erdaoqiao Grand Bazaar, nơi có sân khấu và sàn khiêu vũ. Tầng một và tầng hai của tòa nhà là các cửa hàng bách hóa và trung tâm mua sắm, điều này có nghĩa là những người nhiễm bệnh không có triệu chứng sẽ làm gia tăng sự lây lan của virus thông qua tiệc cưới và khu chợ.
Theo thống kê chính thức của chính quyền Trung Quốc, vào ngày 26/7 có 41 trường hợp mới được xác nhận, tất cả ở Urumqi, 38 trường hợp không triệu chứng (37 trường hợp ở Urumqi, 1 trường hợp trong Sư đoàn 12). Ngày 27 có 57 trường hợp được xác nhận mới (trong số đó, 18 trường hợp bệnh nhân không có triệu chứng đã chuyển thành dương tính), tất cả ở Urumqi; 13 trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng mới tăng thêm (11 trường hợp ở Urumqi và 2 trường hợp ở tỉnh Xương Cát). Theo Epoch Times, giới quan sát bên ngoài tin rằng chính quyền Trung Quốc có lịch sử không trung thực về kiểu số liệu tương tự, nên số lượng nhiễm bệnh thực tế có thể cao hơn.
Phỏng vấn tuyến đầu
Liên quan đến sự gia tăng các trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận trong hai ngày liên tiếp, phóng viên Epoch Times đã gọi cho một cán bộ cấp phòng của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Tân Cương. Sau đây là tóm tắt câu hỏi và câu trả lời.
Hỏi: Toàn bộ Tân Cương đã đóng cửa?
Trả lời: Một số quận đã bị phong tỏa.
Hỏi: Tại sao có quá nhiều trường hợp dương tính, hơn bốn mươi người vào ngày 26?
Trả lời: Tôi không biết. Báo cáo này được đưa ra vì chúng tôi đang điều tra toàn bộ dân số, nên kết quả liền một hồi cho ra rất nhiều.
Hỏi: Những trường hợp mới tăng có liên quan tới tiệc cưới?
Trả lời: Không phải những người đó, họ là người mới, có thể một số người có tiếp xúc gần với người bệnh.
Hỏi: Phát hiện là thông qua khảo sát cộng đồng?
Trả lời: Có, về cơ bản tất cả chúng đều được cộng đồng điều tra ra được. Chẳng phải chúng ta phong bế sao, không cho phép đi lại, mọi người đều ở trong nhà, cứ từng tòa nhà, từng tòa nhà, lần lượt gọi người xuống để kiểm tra axit nucleic.
Số bệnh nhân tăng đột ngột tại bệnh viện truyền nhiễm
Urumqi đã bị đóng cửa kể từ tối ngày 15/7. Công dân đã bị cách ly tại nhà trong 13 ngày. Thời gian cách ly hai tuần sắp hết hạn, nhưng nhiều trường hợp dương tính mới vẫn được phát hiện thêm. Phóng viên được thông báo rằng tại quận Thiên Sơn, khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh, giấy niêm phong đã được dán lên cửa của nhiều nhà dân.
Một nhân viên của một khách sạn ở quận Thiên Sơn cho biết, hiện tại đã có hơn một trăm trường hợp bị dán giấy niêm phong (trong hai ngày qua), rất nghiêm trọng. “Bây giờ khách sạn nói rằng không ai được vào và ra, tất cả nhân viên chỉ ở trong phòng”.
Bệnh viện Nhân dân thứ sáu của Khu tự trị Tân Cương (Bệnh viện truyền nhiễm khu vực tự trị Tân Cương) cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, hiện tại tất cả các bệnh nhân nhập viện đều là bị viêm phổi Vũ Hán, bệnh viện không nhận các bệnh nhân mắc các bệnh khác. “Bây giờ tất cả các bệnh viện ở Tân Cương đã đến hỗ trợ”, bệnh viện cho biết. Theo trang web chính thức, bệnh viện này có 800 giường.
Một video trên Internet cho thấy một bệnh viện dã chiến có những cabin vuông đang được xây dựng ở Urumqi. Công chúng lo lắng rằng dịch bệnh có thể nghiêm trọng hơn so với công bố chính thức.
Phóng viên đã gọi một thương gia gần ga xe lửa Kashgar. Người này nói rằng Kashgar đã đóng cửa vào sáng ngày 26 và các dịch vụ hành khách, xe lửa đã bị đình chỉ.
Một khách sạn khác ở Kashgar cho biết, nhiều thành phố lớn ở Tân Cương đã đóng cửa và các chuyến bay ở Tân Cương cũng bị đình chỉ.
Thành phố Y Ninh cũng đã thông báo sẽ đóng cửa lúc nửa đêm ngày 27. Các phóng viên đã gọi một công dân của thành phố Y Ninh, xác nhận rằng thành phố đã thực sự đóng cửa trong khi không có trường hợp nhiễm bệnh nào được báo cáo trong khu vực.
Kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh của Tân Cương có thể gây ra thảm họa nhân đạo
Sự lây lan của virus Vũ Hán ở Urumqi rất khó ngăn chặn và các biện pháp phong tỏa ở nhiều nơi đã tăng cường, thế giới bên ngoài lo lắng rằng vi phạm nhân quyền có thể xảy ra. Vào ngày 11, Ken (bút danh), một học sinh tốt nghiệp trung học trở về miền nam Tân Cương từ đại lục, vừa đi qua Urumqi để đổi tàu, cậu đã không thể rời khỏi nhà ga và trở về nhà ở Nam Cương được. Vào ngày 20/7, cậu được yêu cầu ở lại cách ly trong điều kiện không có nước, ở ký túc xá của trường trung học cơ sở.
Khi phóng viên hỏi lại cậu vào ngày 28, cậu nói: “Tôi vẫn ở đây, cả gia đình tôi bị cách ly”. “Người ta nói rằng toàn bộ quận của chúng tôi đã bị đóng cửa và một số trẻ em trở về từ đại lục cũng bị cách ly”.
Ken nói rằng mình vừa hoàn thành xét nghiệm kiểm tra axit nucleic thứ tư và kết quả đều âm tính, nhưng cộng đồng cô lập cậu và gia đình ở đây, không biết khi nào sẽ kết thúc.
Ken cũng nói: “Rất nhiều nơi đã bị đóng cửa…”; “Rất nhiều người đã bị cách ly”.
Quản trị trang web xóa bình luận
Kể từ khi dịch bệnh bùng phát, chính quyền Tân Cương đã không công khai giải thích nguyên nhân và các hướng dẫn cụ thể. Họ cô lập người dân gây thiệt hại kinh tế cho những người này. Dịch bệnh đã gia tăng và sự bất bình đã lan rộng.
Người dùng mạng tên “Double” cho biết trên Internet: “Dân chúng khổ không thể tả. Đi làm để trả tiền cho khoản vay mua nhà, mua xe, các loại khoản vay, nó tới hạn thì ai quản? Không hiểu sao lại bị chặn đứng, mất mát lớn như vậy, thế nhưng giờ mà hỏi một câu về nguyên nhân hay mong muốn công khai thông tin thì liền bị mắng!”
Người dùng tên “Eminem” cho biết, “tại thời điểm xảy ra dịch bệnh, chính phủ vẫn chưa công bố lịch trình di chuyển của người bị nhiễm bệnh, các nơi đã huyên náo phong thành, năm nay xem ra là hỏng bét”.
Người dùng tên “Frontier” cho biết, “tôi đồng ý rằng nhà lãnh đạo nên từ chức và chịu trách nhiệm. Trường hợp mắc bệnh đầu tiên là vào ngày 10/7 mà tới ngày 14 mới công bố, sợ mũ ô sa rơi mất, nên
giấu lâu như vậy. Nếu như công bố ngay từ khi trường hợp đầu tiên được xác nhận, công chúng sẽ được cảnh báo. Hiện tại chỉ sợ, không phải là như vậy”.
Sau đó, phóng viên đã hỏi chủ tài khoản “Double” về việc gửi bài đăng này. Double nói rằng bây giờ anh ấy rất khó nói, “Tôi không thể nói về điều này”; “Bài đăng đã bị xóa rồi”.
Theo Han Lu và Lin Cenxin, Epoch Times
Phụng Minh biên dịch

[Đại dịch Vũ Hán]: Sau Đại Liên, Phúc Châu

nối gót bước vào ‘tình trạng thời chiến’

Phụng Minh
Đợt bùng phát thứ hai của đại dịch Vũ Hán ở Trung Quốc đang có diễn biến nhanh.
Kể từ khi Trung Quốc chính thức tuyên bố bùng phát bệnh viêm phổi Vũ Hán ở Đại Liên, virus hiện đã ghi nhận lan đến 9 thành phố. Bởi tình hình dịch bệnh nghiêm trọng, thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến ngày 27/7 đã tuyên bố tức khắc tiến vào tình trạng thời chiến.
Báo chí truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đưa tin vào ngày 28/7 rằng kể từ khi thành phố Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh công bố chẩn đoán bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán đầu tiên trong đợt dịch mới vào ngày 22/7, 9 thành phố bao gồm thành phố Thiết Lĩnh và An Sơn ở tỉnh Liêu Ninh, thành phố Trường Xuân, Tứ Bình, Bạch Thành ở tỉnh Cát Lâm, thành phố Hạc Cương, Tuy Hóa thuộc tỉnh Hắc Long Giang, thành phố Phúc Châu tỉnh Phúc Kiến và thủ đô Bắc Kinh đã có các trường hợp nhiễm bệnh.
Vào lúc 22 giờ 48 phút ngày 25/7, Bệnh viện tỉnh Phúc Kiến đã chính thức thông báo rằng một bệnh nhân không có triệu chứng bị viêm phổi Vũ Hán từ Đại Liên, đã được xác nhận dương tính với virus Vũ Hán. Ủy ban Y tế thành phố Phúc Châu đã tuyên bố vào đêm khuya ngày 27/7 rằng vào lúc 23 giờ ngày 27/7, thành phố đã bắt đầu tiến hành xét nghiệm axit nucleic trên 1.495 người.
Trang web chính thức của Ủy ban Y tế thành phố Phúc Châu ngày 27/7 cũng cho biết, bộ chỉ huy phòng chống dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tuyên bố tức khắc tiến vào tình trạng thời chiến. Đồng thời yêu cầu các thành phố, thị, hạt thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng ngừa quyết liệt, bao gồm: Giám sát chặt chẽ đầu vào thành phố tại các sân bay, nhà ga, trạm xe buýt… Hành khách từ Đại Liên, Urumqi (Ô Lỗ Mộc Tề) và các khu vực có nguy cơ cao khác sẽ được thực hiện các biện pháp chống dịch liên quan theo quy định. Đặc biệt là những người nhập cảnh vào Phúc Châu sau ngày 5/7 từ Đại Liên, Urumqi và các khu vực có nguy cơ trung bình và cao khác, cần phải đăng ký và tất cả đều trải qua xét nghiệm axit nucleic xác định virus viêm phổi Vũ Hán.
Theo Secretchina
Phụng Minh biên dịch

Covid-19 : Số ca nhiễm mới tăng vọt,

Trung Quốc cách ly Tân Cương

Thu Hằng
Trung Quốc có thêm 101 ca nhiễm virus corona chỉ trong vòng 24 giờ, theo thống kê ngày 29/07/2020. Đây là con số hàng ngày cao nhất từ ba tháng nay. Đa số ca nhiễm mới được ghi nhận ở tỉnh Tân Cương, nơi đa số dân cư là người Hồi Giáo và có rất nhiều trại tập trung người Duy Ngô Nhĩ.
Thông tín viên trong khu vực Stéphane Lagarde tường trình :
« 89 ca nhiễm mới được ghi nhận ở Urumqi, thủ phủ của vùng tự trị Tân Cương, ở phía tây Trung Quốc và bị cắt đứt với phần còn lại của cả nước từ ngày 17/07. Hai trên bảy quận bị tác động nghiêm trọng, trong đó có quận Tianshan nơi Eric sinh sống. Từ hai tuần nay, thanh niên người Duy Ngô Nhĩ này chưa hề đi ra ngoài.
Trả lời qua điện thoại, anh cho biết : « Cộng đồng chúng tôi bị giam lỏng và chúng tôi không được phép ra ngoài. Các bữa ăn được tình nguyện viên trong khu phố mang đến tận nhà. Ở Urumqi, đa số các nhà hàng và địa điểm công cộng bị đóng cửa. Còn Kashgar, thành phố quê hương tôi, cũng bị tác động mạnh. Cả gia đình tôi bị phong tỏa ».
Eric đã được xét nghiệm hai lần miễn phí, nhưng hơn 9.000 người vẫn nằm trong diện theo dõi y tế ở Urumqi, nơi có 321 ca nhiễm virus corona và 133 ca không có triệu chứng.
PUBLICITÉ
Nhưng ngoài số liệu nói trên, tình hình dịch lây lan khiến giới chuyên gia lo ngại, đặc biệt là ở tỉnh Liêu Ninh, phía đông bắc Trung Quốc, nơi ghi nhận nhiều ca nhiễm mới, từ một ổ dịch đã lan sang 9 thành phố khác từ ngày 22/07, trong đó có cả Bắc Kinh và tới tận tỉnh Phúc Kiến ở miền nam ».
Dịch lan rộng, Hồng Kông định lùi ngày bầu cử Hội đồng lập pháp
Trong 6 ngày liên tiếp, Hồng Kông ghi nhận hơn 100 ca nhiễm mới hàng ngày và gần 1.500 ca nhiễm từ đầu tháng 7. Ngày 29/07, trưởng đặc khu Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cảnh báo nguy cơ dịch phát triển « trên diện rộng ». Rất nhiều biện pháp giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã có hiệu lực từ ngày 29/07, như phạt 5.000 đô la Hồng Kông nếu tụ tập quá hai người.
Trước nguy cơ dịch lan rộng, chính quyền Hồng Kông tính đến khả năng lùi lại một năm cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, được dự kiến diễn ra ngày 06/09. Đây sẽ là một đòn nặng nề đối với phe đối lập ủng hộ dân chủ, vì họ hy vọng giành được đa số trong cơ quan lập pháp sau khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở đặc khu hành chính. Trên mạng Twitter, Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), một nhà đấu tranh vì dân chủ ở Hồng Kông, lên án : « Lấy cớ dịch bệnh để hoãn bầu cử, chắc chắn là nói dối ».

Thảm họa nối tiếp thảm họa tại Trung Quốc

phơi bày điều gì?

Phụng Minh
Lịch sử chứng minh, những lần thiên tai, thảm họa ở Trung Quốc đã phơi bày điều này.
Trong khi virus corona chủng mới vẫn đang hoành hành ở Trung Quốc, 26 tỉnh của Trung Quốc lại bị lũ lụt nghiêm trọng. Suốt một tháng xảy ra lũ lụt, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) không có mấy hành động hay phản ứng gì, truyền thông nhà nước cũng không mấy khi đưa tin.
Một số cư dân mạng thắc mắc trên mạng xã hội: “Làm sao các kênh truyền thông lớn lại nhất loạt câm lặng trong khi hơn 10 triệu dân đang phải chịu khổ như vậy? Vì sao truyền thông cứ đưa tin mãi về Hoa Kỳ mà không nói về lũ lụt trong nước? Đài truyền hình trung ương phục vụ cho ai vậy?”
Cho đến nay, sự hỗ trợ duy nhất của chính quyền là khoản cứu trợ 150 triệu Nhân dân tệ chi cho ba tỉnh, tức là mỗi người ở các khu vực này chỉ nhận được khoảng 0,5 đến 2 Nhân dân tệ (khoảng 1.600 – 6.600 VND), còn chưa đủ cho một bữa ăn. Tuyên truyền của ĐCSTQ lợi dụng đại dịch như một cái cớ để không cung cấp cứu trợ và nguồn lực khẩn cấp để chống lũ.
Đầu tháng 6, chính quyền Trung Quốc đã hoãn việc trả nợ cho 77 quốc gia. Theo Thời báo Hoàn cầu, Trung Quốc đã cho vay hơn 6.000 tỷ Nhân dân tệ trong bốn năm gần đây cho các nước đang phát triển ở Châu Phi. Con số này gấp 40.000 lần số tiền được phân bổ để chống lũ.
Mỗi cấp chính quyền ở Trung Quốc đều có một tấm biển treo trên tòa nhà trụ sở của họ ghi “Chính phủ Nhân dân”. Tuy nhiên, những tấm biển này chỉ là cái lốt, chẳng qua chính là chính quyền ĐCSTQ, mà nó cũng chỉ phục vụ lợi ích của ĐCSTQ mà thôi. Lịch sử đã cho chúng ta thấy điều này quá rõ ràng.
Vụ vỡ đập bị lãng quên 45 năm trước
Năm 2005, một chương trình truyền hình của kênh Discovery đã tiết lộ một loạt thảm họa do con người tạo ra. Đứng đầu danh sách không phải là vụ nổ hạt nhân Chernobyl, mà đó là sự cố của Đập Bản Kiều năm 1975 mà người dân Trung Quốc hiếm khi biết tới.
Theo Discovery, ngày 8/8/1975, Đập Bản Kiều ở tỉnh Hà Nam bị sập do mưa lớn đã làm ngập 9 quận của một khu vực rộng 150km x 75km. Hơn 100.000 thi thể trôi nổi đã được vớt lên, và 140.000 người khác đã chết vì nạn đói và ôn dịch xảy ra sau trận lụt.
Tại thời điểm đập cần xả nước khẩn cấp, chính quyền địa phương đã gọi điện cho cấp trên của họ để xin phép nhưng không nhận được phản hồi. Theo tiết lộ của ông Kỷ Pha Dân, con trai của Phó Thủ tướng lúc đó là ông Kỷ Đăng Khuê, một quan chức địa phương đã gọi điện cho Đặng Tiểu Bình (bấy giờ là Tổng Tham mưu trưởng của Quân đội Giải phóng Nhân dân) và báo cáo về tình trạng khẩn cấp này, nhưng người nhà của Đặng nói với quan chức rằng ông ta đi ngủ rồi. Họ nói ông thấy không khỏe nên không thể bị đánh thức.
Nhưng sau đó ông Kỷ phát hiện ra rằng Đặng lúc đó không bị mệt, cũng không phải đang ngủ, mà là đang chơi mạt chược với mấy người nữa tại dinh thự của ông Vạn Lý, một quan chức cấp cao khác của ĐCSTQ. Đặng đã chơi tới năm giờ sáng hôm sau.
Sau nhiều lần gọi điện khẩn cấp xin phép xả lũ không được hồi đáp, thảm họa cuối cùng đã xảy ra và con đập đã bị sập.
Ngoài sự chậm trễ không cần thiết trong việc xả lũ, bản thân con đập cũng bị lỗi. Đập Bản Kiều là một trong nhiều đập được xây dựng vào đầu những năm 1950 như một sản phẩm của phong trào Đại Nhảy vọt. Theo chính sách vô trách nhiệm đó, con đập được xây dựng vội vàng mà không được kiểm soát chất lượng đầy đủ, thiếu công tác bảo trì thường xuyên từ khi xây dựng xong. Tại thời điểm khẩn cấp, chỉ có 5 trong tổng số 17 cửa lũ có thể nâng lên được, những cửa còn lại đều bị kẹt cứng vì han gỉ.
Tin tức về thảm họa do con người gây ra này đã bị chính quyền ĐCSTQ bưng bít. Không có đài tưởng niệm nào được xây dựng để lưu tên những người bị thiệt mạng. Thay vào đó, chính quyền lại xây một đài tưởng niệm để biểu dương và ghi nhớ chiến công của ĐCSTQ trong công tác chống lũ.
72 giờ sau khi xảy ra trận động đất ở Vấn Xuyên cứu hộ mới đến nơi
Ngày 12/5/2008, một trận động đất chết người đã xảy ra tại huyện Vấn Xuyên, tỉnh Tứ Xuyên. Trong khi nhiều người đang theo dõi sát sao diễn biến, 42 giờ sau đó mới có 1.000 bộ đội tay không đến nơi để giải cứu hơn 100.000 người bị chôn vùi dưới đống đổ nát.
Ngay cả khi kết thúc trận động đất sau 72 giờ vàng này, tổng số binh sỹ ở khu vực tâm chấn chỉ chưa tới 10.000. Trong hầu hết các trường hợp, trung bình tối thiểu ba người được yêu cầu để kéo một người ra khỏi đống đổ nát.
Khoảng 79 giờ sau trận động đất, đội kỹ thuật của quân đội cuối cùng cũng bắt đầu sửa chữa và khôi phục những con đường dẫn vào huyện Vấn Xuyên. Khi đó, hầu hết những người bị chôn vùi dưới đống đổ nát đã thiệt mạng. Ngoài ra, 34 trong số 58 thị trấn bị ảnh hưởng không có cán bộ cứu hộ nào đến.
Giống như những gì đã từng xảy ra trong các thảm họa trước đó, ĐCSTQ đã ra lệnh cho tất cả các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc ca ngợi chính quyền trong nhiều ngày sau trận động đất. Cái chết của hơn 100 nghìn người Trung Quốc bằng cách nào đó đã biến thành một tập phim tôn vinh sự cai trị của ĐCSTQ.
Theo Tỉnh Dân, Minghui

Thượng Hải: Sấm nổ 23 lần mỗi phút,

 tia chớp điện xuất hiện 4.207 lần trong 3 tiếng

Bình luậnMinh Thanh
Vào ngày 28/7, trong khi đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đang hoành hành, thì ở hạ lưu sông Trường Giang – thành phố Thượng Hải cũng gặp phải thời tiết khắc nghiệt. Vào buổi trưa, Thượng Hải xuất hiện cuồng phong, mưa bão, sấm sét ầm ầm, trung bình sấm nổ 23 lần/phút. Âm thanh lớn tới mức bị nhầm tưởng thành tiếng nổ mìn, tiếng động đất, khiến người dân hoảng sợ.
Buổi sáng cùng ngày, ban đầu thời tiết rất nóng, nhiệt độ trên 33 độ C, nhưng đến gần trưa thì có gió mạnh, mưa bão và sấm sét.
Theo dữ liệu giám sát của trang mạng quan sát sấm sét Thượng Hải, từ 11h sáng đến 2h chiều ngày 28/7, đã có tới 4.207 lần xuất hiện tia sét điện ở Thượng Hải, trung bình mỗi phút có 23 tiếng sấm nổ.
Ngoài ra, dự báo thời tiết Thượng Hải cũng cho biết, tính đến 3h chiều cùng ngày, có 10% đường phố và thị trấn trong thành phố đã tích lũy lượng mưa vượt quá 50 mm, nhưng cũng có nhiều nơi “chưa có giọt mưa nào” hoặc “chỉ có sấm sét mà không có mưa”.
Vào thời điểm đó, một người dân Thượng Hải nói: “Trưa hôm nay vào khoảng lúc 12h15, trời có sấm sét nên toàn bộ tòa nhà bị mất điện rồi, đến giờ vẫn chưa sửa xong…”.
Một người dân sống ở quận Mẫn Hành, thành phố Thượng Hải nói rằng ở đây bầu trời rất trong xanh; còn một người dân khác sống ở quận Nam Hối, ngoại ô Thượng Hải lại nói rằng ở Nam Hối trời đang nắng và chỉ lác đác vài giọt mưa.
Người dân ở khu vực Phổ Đông nói rằng mưa không nhiều, nhưng tiếng sấm sét rất to.
Cũng có người dân nói rằng họ vốn không sợ tiếng sấm sét, nhưng đột nhiên nó to quá, nghe giống như một vụ nổ.
Một người dân khác nói: “Tôi tưởng rằng bên cạnh nhà tôi lại đang đập phá di dời gì đó. Âm thanh lớn đến nỗi tôi choàng tỉnh dậy và tưởng rằng đó là một trận động đất”.
Người dân ở quận Hồng Khẩu của Thượng Hải cho biết: “Tại sao tiếng sấm sét này lại giống như tiếng nổ thế, có cảm giác như một trận động đất vậy. Năm nay quá bất thường”.
Có người dân cho biết, tiếng sấm nổ làm họ “sợ run người, sấm sét đánh được một lúc thì đột nhiên mất điện… Bây giờ mưa đã ngừng lúc lâu rồi mà vẫn chưa có điện, tôi không dám động vào cầu dao tổng ở cửa, không bật được quạt và máy điều hòa, tôi nóng quá”.
Thậm chí có người dân còn phàn nàn: “Lúc trưa, tôi đang trên đường Tương Dương Nam ở Thượng Hải thì có mưa to và sấm sét, tôi không mang theo ô, tới lúc mua được ô thì trời quang mây tạnh rồi, mưa chưa đầy 5 phút”.
“Thông báo Phổ Đông” – tài khoản Weibo chính thức của chính quyền đã đưa tin rằng vào buổi trưa ngày 28/7, ở khu vực mới Phổ Đông bất ngờ có hoa tuyết. (Ảnh chụp màn hình video)
Tài khoản Weibo chính thức của chính quyền quận Phổ Đông là ‘Thông báo Phổ Đông’ cũng đăng một đoạn video tuyết rơi với tiêu đề “Phổ Đông vừa có ‘tuyết rơi’, còn chỗ bạn thì sao?”. Bài đăng trên Weibo cho biết, vào buổi trưa ngày 28/7, Đài quan sát Khí tượng quận Phổ Đông đã phát tín hiệu cảnh báo mưa đá màu cam: Dự kiến ​​có khả năng rất lớn là mưa đá sẽ xảy ra ở khu vực này trong 2 giờ tới. “Thật không ngờ là tài khoản Weibo kia đã gửi đoạn video Phổ Đông có ‘tuyết bay’, thời tiết này cũng thật bất thường…”.
Tài khoản Weibo chính thức của chính quyền quận Phổ Đông cũng cho biết, lúc 12 giờ 39 phút, Đài quan sát Khí tượng Trung tâm Thượng Hải đã cập nhật tín hiệu cảnh báo mưa bão, ban đầu là màu xanh và sau đổi thành màu vàng. Khu vực đô thị trung tâm Thượng Hải và một số khu vực thuộc quận Phổ Đông, Sùng Minh, Phụng Hiền, Tùng Giang, Thanh Phổ, Mẫn Hàng, Gia Định, Bảo Sơn cũng bị ảnh hưởng. Dự kiến ​​nhiệt độ trong vài ngày tới sẽ đạt mức 37 độ.
Minh Thanh
Theo Epoch Times

Bắc Kinh: Tháng 6 âm lịch tuyết rơi,

 cư dân mạng nói ‘Tất có kỳ oan’

Bình luậnĐông Phương
Ngày 28/7, tuyết rơi ở quận Đông Thành thuộc thành phố Bắc Kinh, chính quyền nói rằng đó chỉ là “mưa đá mềm”. Cư dân mạng cho rằng chính quyền đang không muốn thừa nhận Bắc Kinh có tuyết rơi tháng 7. Các cư dân mạng khác cho rằng, ngày 28/7 theo Hoàng lịch (âm lịch) là ngày 8/6, tháng Sáu tuyết rơi ắt có hàm oan. Ngoài ra, hôm 26/7, có cư dân mạng cũng thông báo rằng có tuyết rơi ở Môn Đầu Câu, Bắc Kinh.
Hôm 28/7, các kênh truyền thông đại lục như Bắc Kinh Nhật báo, Phoenix New Media, Sina, v.v. đã đồng loạt đưa tin rằng tuyết rơi trên đường Xuân Tú, quận Đông Thành, Bắc Kinh lúc 3h20 chiều ngày hôm đó. Người dân quay video nói rằng đó không phải là mưa đá, vì đưa tay ra hứng thì phát hiện nó không phải là mưa đá, mà là những bông tuyết. Tuyết rơi liên tục 5, 6 phút, và nhìn tuyết rơi bám trên bức tường màu đỏ thì sẽ rõ hơn.
Bài báo dẫn lời các chuyên gia nói rằng “hạt tuyết” này là “mưa đá”, đó là trận mưa đá xuất hiện trong thời tiết đối lưu mạnh vào mùa hè và còn được gọi là “mưa đá mềm”, người dân hay gọi là “mưa đá nhỏ”. Sự hình thành của loại mưa này khác với tuyết.
Tuy nhiên, theo các tài liệu phổ thông, “mưa đá mềm” được hình thành khi những giọt nước lạnh gặp tinh thể tuyết (snow crystal). Các hạt này nhỏ, dễ vỡ và sẽ vỡ ra khi chạm vào. Đây là một loại “mưa tuyết thể rắn” ổn định. Theo Từ điển bách khoa của Baidu, mưa đá thường xảy ra vào mùa hè và mùa thu khi các hoạt động đối lưu diễn ra mạnh mẽ, còn “mưa đá mềm” thường xảy ra trước hoặc cùng lúc với tuyết rơi. Nói cách khác, “mưa đá mềm” và tuyết có liên quan trực tiếp, nhưng không liên quan gì đến mưa đá vào mùa hè
Về vấn đề này, một số cư dân mạng bày tỏ: “Chuyên gia giải thích thế nào cũng được, dù là hạt tuyết hay mưa đá mềm, thì chẳng qua cũng là họ không muốn thừa nhận rằng có tuyết vào tháng 7 ở Bắc Kinh! Chính quyền nói gì dân cũng không cãi nổi, bởi vì dân thường thì làm gì có quyền ngôn luận. Nhưng rốt cuộc là chuyên gì? Chắc là hỏi hàng chục triệu “nàng Đậu Nga” đi!”.
Có cư dân mạng cho biết trên Weibo rằng, lúc hơn 3h chiều ngày 28/7, một người bạn gửi cho anh video tuyết rơi Bắc Kinh nhưng anh không dám đăng vì sợ bị cáo buộc truyền bá tin đồn và sẽ bị báo cáo. Lúc
đó anh này đang ở quận Thông Châu thành phố Bắc Kinh, chỗ anh ở trời bỗng tối lại trong khoảng hơn nửa giờ đồng hồ, trong nhà cũng phải bật đèn.
Cư dân mạng liên tiếp chỉ ra rằng tháng Sáu tuyết rơi ắt có oan khuất. Ngày 28/7 là ngày 8/6 theo Hoàng lịch.
“Nếu tính như người xưa thì giờ là tháng 6, ắt có kỳ oan”.
“Cuối đời nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh cũng đâu có nhiều chuyện kỳ quái thế này đâu. Đây là dấu hiệu gì vậy?”.
“Thiên tai nhân họa không ngừng, toàn là dị tượng”.
“Trời xuất hiện dị tượng, quốc gia sẽ có sự thay đổi lớn”.
“Thiên nhân hợp nhất, Thiên nhân tương ứng”.
“Quả là một năm không bình thường”.
Ngoài ra, vào ngày 26/7, có một video trên Internet cho thấy tuyết đang rơi trên núi Linh Sơn ở Môn Đầu Câu, Bắc Kinh vào lúc 6h chiều ngày hôm đó. Ngoài ra còn có ảnh đăng kèm nhưng vẫn chưa được chính quyền xác nhận.
Đông Phương
Theo The Epoch Times

Lũ lụt ảnh hưởng tới 50 triệu dân ở miền Nam

Trung Quốc và đang tiến nhanh tới miền Bắc

Bình luậnMinh Thanh
Mưa lớn liên tục ở miền nam Trung Quốc gây ra lũ lụt tràn lan ở sông Trường Giang và sông Hoài. Ngày 28/3, đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đã tràn vào khu vực hồ chứa Tam Hiệp với tốc độ dòng chảy 60.000 m3/s. Chính quyền đã xả lũ với lưu lượng chảy 38.000 m3/s. Đập Vương Gia Bá ở An Huy cũng mở cửa xả lũ, khiến hơn 200.000 dân phải bỏ nhà sơ tán. Tính tổng tại 27 tỉnh phía Nam, có hơn 50 triệu người dân bị ảnh hưởng của lũ lụt.
Vào ngày 26/7, mực nước của sông Trường Giang và sông Hoài Hà tiếp tục dâng cao. Đỉnh lũ số 3 năm 2020 của sông Trường Giang hình thành ở thượng lưu, sau khi đi qua Trùng Khánh đã đổ vào Tam Hiệp khiến tốc độ nước chảy vào từ 38.000 m3/s lên tới 60.000 m3/s và lưu lượng xả lũ vẫn giữ mức 38.000 m3/s. Vào lúc 8h ngày 28/7, mực nước của hồ chứa Tam Hiệp tăng lên 162,45 m, người dân ở An Huy, Giang Tô và những nơi khác nằm trong khu vực hạ lưu sông Trường Giang buộc phải sơ tán.
Hiện tại, mực nước ở trung và hạ lưu sông Trường Giang phía bên dưới Thạch Đầu, tỉnh Hồ Bắc, hồ Bà Dương và hồ Động Đình tiếp tục vượt quá mức cảnh báo. Trong đó,  hồ Liên Hoa và hồ Động Đình, Thành Lăng Ki nằm trên dòng chính của sông Trường Giang đã vượt qua mức nước bảo đảm. Các khu vực dọc đập Vương Gia Bá của sông Hoài Hà vẫn vượt mức nước cảnh báo.
Theo tờ Tin tức Bắc Kinh đưa tin, bắt đầu từ ngày 29/7, vành đai mưa sẽ di chuyển về phía bắc và mưa lớn sẽ xảy ra ở các khu vực Hoàng Hoài, Bắc Trung Quốc và Đông Bắc. Lũ lụt có thể xảy ra ở các sông Hải Hà, Hoàng Hà và Tùng Liêu.
Dữ liệu chính thức cho thấy kể từ mùa lũ bắt đầu vào 1/6, lũ lụt đã gây thiệt hại tới 54.811 triệu người ở 27 tỉnh và khu vực bao gồm Giang Tây, An Huy và Hồ Bắc, 158 người thiệt mạng hoặc mất tích, 3,76 triệu người phải sơ tán khẩn cấp, 41.000 ngôi nhà bị sập. Diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng là 5,28 ha, thiệt hại kinh tế trực tiếp là 144,43 tỷ nhân dân tệ. Thiệt hại kinh tế trực tiếp từ lũ lụt năm nay so với mức trung bình cùng kỳ trong 5 năm qua đã tăng 13,8%.
Tuy nhiên, vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luôn che giấu thông tin thật của các thảm họa, nên ngoại giới nghi ngờ rằng số liệu thiệt hại thực sự có thể cao hơn nhiều so với dữ liệu chính thức.
Minh Thanh
Theo NTDTV

Đỉnh lũ số 3 qua Tam Hiệp khiến

hàng trăm ngàn dân ở hạ lưu phải rời nhà sơ tán

Bình luậnMinh Thanh
Mưa lớn vẫn tiếp tục kéo dài ở miền Nam Trung Quốc, gây ra lũ lụt tại lưu vực sông Hoài Hà, Trường Giang. Vào ngày 27/7, đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đã đi qua Trùng Khánh và tiến vào khu vực hồ chứa Tam Hiệp với lưu lượng 60.000 m3/s. Ngày 26/7, chính quyền đã ra lệnh cho hồ chứa Tam Hiệp xả lũ bảo vệ đập. Việc mở cửa xả lũ ở đập Vương Gia Bá, An Huy trước đó đã khiến người dân mất hết của cải, và hơn 300.000 người phải rời bỏ quê nhà. Có quan điểm cho rằng, để giải quyết hiệu quả lũ sông Trường Giang chính là phá bỏ đập Tam Hiệp.
Đỉnh lũ số 3 sông Trường Giang tới Tam Hiệp, hàng trăm ngàn người dân bỏ nhà
Chính quyền Trung Quốc tuyên bố rằng đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đã đi qua khu vực hồ chứa Tam Hiệp vào thứ Ba (28/7).
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết do ảnh hưởng của mưa lớn, sông Mân Giang, sông Gia Lăng và đoạn đập Hướng Gia Bá đến Thốn Than và đoạn Tam Hiệp ở thượng nguồn sông Trường Giang tăng đáng kể. Lưu lượng chảy của hồ chứa Tam Hiệp tăng nhanh từ 36.000 m3/s lên 60.000 m3/s. Công trình Tam Hiệp trọng điểm kiểm soát xả lũ ở mức 38.000 m3/s.
Theo mạng thủy văn sông Trường Giang cho thấy vào lúc 8h ngày 28/7, mực nước của hồ chứa Tam Hiệp tăng lên 162,45 m, với lưu lượng chảy  vào là 55.000 m3/s và lưu lượng chảy ra là 38.400 m3/s.
Tổng cục Quốc phòng nhấn mạnh rằng đỉnh lũ số 3 của sông Trường Giang đang tiến đến vùng trung và hạ lưu. Các vùng ven sông và hồ ở Hồ Nam, Hồ Bắc, An Huy và Giang Tô sẽ duy trì mực nước cao, một số đoạn sông sẽ vượt mực nước bảo đảm. Trong số đó, mực nước ở trung và hạ lưu hồ Động Đình và hồ Bà Dương đã bị báo động quá mức trong hơn 20 ngày. Sông Hoài và hồ Thái Hồ vẫn duy trì quá mức cảnh báo, đê và cống tăng mức nguy hiểm.
Trước tình cảnh lũ lụt, người dân ở An Huy, Giang Tô và những nơi khác ở hạ lưu sông Trường Giang không thể làm gì được đành phải rời bỏ nhà cửa.
Theo Đài Á Châu Tự Do (RFA) đưa tin, nhiều dân làng ở Phụ Nam, Phụ Dương và những nơi khác tại tỉnh An Huy nói rằng đập Tam Hiệp trên sông Trường Giang vẫn tiếp tục xả lũ, và đập Vương Gia Bá trong lưu vực sông Hoài cũng đang xả lũ, gần 200.000 dân trong tỉnh An Huy bị thiệt hại tài sản. Dân làng phàn nàn rằng, chính phủ thông qua các phương tiện truyền thông và loa báo trong làng, yêu cầu người dân An Huy “hy sinh cá nhân nhỏ bé và suy xét cho đại cục”. Vì lý do này, khoảng 300.000 người đã rời quê hương để tìm lối thoát khác.
Chính quyền ra lệnh xả lũ mạnh, ngập lụt do con người gây ra
Trong một cuộc phỏng vấn hôm thứ 28/7, ông Chung, một người dân ở huyện Phụ Nam, tỉnh An Huy, cho biết rằng đập Vương Gia Bá, sông Hoài Hà đã mở cửa xả lũ, gây thiệt hại nặng nề cho đất canh tác của người dân, ao hồ và nhà đều bị ngập lụt: “Cái gì cũng bị ngập hết”.
Nhiều cư dân mạng đặt câu hỏi tại sao chính quyền không sắp xếp di chuyển người dân ở hạ lưu Tam Hiệp và đập Vương Gia Bá trước, thay vì thực hiện cái gọi là cứu trợ khẩn cấp sau khi xảy ra lũ lụt.
Ông Tống Bằng Xuân (Song Pengchun), một học giả của Đại học Sơn Tây, nói rằng những người dân thường không có tiếng nói trong các vấn đề ngăn ngừa thảm họa thiên nhiên:
Ông nói: “Vì vậy, hệ thống chính trị này sử dụng cái gọi là hy sinh lợi ích cục bộ để bảo toàn lợi ích tập thể. Điều này giống với nạn đói lớn năm đó. Chu Ân Lai đã ra tử lệnh cho Lý Tỉnh Tuyền (Li Jingquan) (bí thư đầu tiên của Đảng ủy tỉnh Tứ Xuyên), hỏi người chết ở Tứ Xuyên, Sơn Câu và Vương Phủ Tỉnh, nơi nào chịu ảnh hưởng lớn hơn. Một khi họ nêu vấn đề lên tới mức đảng tính và chính trị cao độ, thì sự an toàn và lợi ích của người dân thường có thể bị bỏ qua”.
Ông Chung, người dân địa phương, nói rằng chính quyền đã huy động hàng chục ngàn binh sĩ tham gia cứu trợ thiên tai, nhưng nó không hiệu quả lắm vì lũ lụt trải dài trên diện rộng: “Tại một nơi mà đã có hàng ngàn binh sĩ chống chọi với lũ lụt. Bây giờ tôi đang ở làng và được thuê để cứu trợ ở trong làng”.
Được biết, kể từ ngày 18/7, để bảo vệ an toàn lũ lụt ở trung hạ lưu sông Trường Giang, theo yêu cầu của Ủy ban sông Trường Giang, Tam Hiệp đã điều chỉnh lượng nước xả liên tục 9 lần. Vào lúc 12h ngày 25/7, mực nước của hồ chứa Tam Hiệp đã giảm xuống 158,56 m, và khả năng lưu trữ kiểm soát lũ dự trữ là 14,10 tỷ m3.
Vào tối ngày 26/7, chính quyền lần đầu tiên đã ban hành một chỉ thị hồ chứa Tam Hiệp nên “tiết kiệm đủ sức chứa để chuẩn bị cho trận lụt lớn có thể xảy ra”. Nó tương đương với việc ra lệnh cho hồ chứa Tam Hiệp dồn lực xả lũ và bảo vệ đập.
Chính quyền cũng chỉ ra rằng, tiếp theo là lưu vực sông Hoài Hà sẽ tăng thêm lượng xả lũ; trong lưu vực hồ Thái Hồ, cần tiếp tục tăng cường xả lũ.
Một cách để giải quyết lũ sông Trường Giang là phá hủy đập Tam Hiệp
Việc chính quyền đẩy mạnh xả lũ làm gia tăng tình trạng lụt ở hạ lưu. Ông Trương Kiến Bình (Zhang Jianping), một nhà hoạt động nhân quyền tại Thường Châu, Giang Tô, nói với RFA rằng lượng nước chảy vào Tam Hiệp nhiều tới mức cần phải xả lũ: “Do mưa ở thượng lưu, nên phải xả lũ, đó là một lớp, đô thị hóa nông thôn tạo thêm một lớp nữa. Sông nhỏ đều bị thay đổi, cống thoát nước không lưu thông, khi mưa to tới sẽ khiến ngập lụt. Lũ lụt thế này thường xảy ra ở trung và hạ lưu Trường Giang, đặc biệt ở trung lưu. Chỉ có 2 cách giải quyết vấn đề này: phá hủy đập Tam Hiệp bằng kỹ thuật, và một cách khác là đào tất cả các con sông trong lưu vực sông Hoài”.
Trong một cuộc phỏng vấn, chuyên gia về đập Tam Hiệp, Tiến sĩ Vương Duy Lạc (Wang Weiluo) nói rằng đập Tam Hiệp không có tác dụng kiểm soát lũ. Các quan sát và nghiên cứu mới nhất đã phát hiện ra rằng việc xả lũ của đập Tam Hiệp có sức tàn phá gấp 25 lần so với lũ tự nhiên.
Ông Vương cũng chỉ ra rằng thảm họa lũ lụt năm nay là do con người tạo ra, không hoàn toàn chỉ là thảm họa tự nhiên.
Trong giai đoạn đầu phác thảo thi công đập Tam Hiệp, Giáo sư Hoàng Vạn Lý, chuyên gia về thủy điện nổi tiếng của Đại học Thanh Hoa, đã phản đối mạnh mẽ việc xây dựng đập Tam Hiệp. Ông dự báo nếu xây dựng đập Tam Hiệp, cuối cùng nó sẽ bị buộc phải nổ tung.
Nhưng ông Vương cho rằng đập Tam Hiệp là một công trình mang tính bộ mặt rất quan trọng đối với sự tồn vong của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Chừng nào ĐCSTQ còn, họ sẽ không chủ động thực hiện việc phá đập. Trừ khi xảy ra  thảm họa tự nhiên hoặc chiến tranh, con đập mới có thể bị phá hủy.
Minh Thanh
Theo SOH

‘Chiến lược im lặng’ của Malaysia ở Biển Đông

Không có quá nhiều tuyên bố công khai về các căng thẳng ở Biển Đông và luôn cố gắng thể hiện trung lập, Malaysia chọn sự im lặng và tiến hành ngoại giao hậu trường để thúc đẩy điều họ mong muốn.
“Cuộc chiến công hàm” về Biển Đông – cách gọi hiện nay của nhiều người trước việc các nước liên tục gửi công hàm/công thư lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách phi lý của Trung Quốc – phát sinh sau một công hàm do Malaysia đệ trình lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa (CLCS) của Liên Hiệp Quốc vào tháng 12-2019.
Nhẫn nhịn
Sau khi đơn phương đệ trình công hàm vào tháng 12-2019, Malaysia đưa tàu khoan thăm dò West Capella đến lô ND-2 nằm trong khu vực tranh chấp thềm lục địa mở rộng với Việt Nam. Theo Sáng kiến minh bạch hàng hải (AMTI) của Mỹ, West Capella và các tàu khoan dầu khác được Kuala Lumpur thuê đã liên tục bị tàu Trung Quốc đe dọa từ đầu tháng 12-2019 đến tháng 5-2020 ngay trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Malaysia.
Tuy nhiên, Kuala Lumpur chỉ đáp lại bằng cách triển khai luân phiên 2 tàu tuần tra để bảo vệ nhóm tàu West Capella và không đưa ra bất kỳ tuyên bố công khai nào lên án hành vi của Bắc Kinh.
Căng thẳng lên đỉnh điểm vào trung tuần tháng 4-2020, khi tàu Hải Dương 8 cùng tàu hộ tống áp sát tàu West Capella và tiến hành khảo sát ngay trong EEZ của Malaysia. Dựa trên hệ thống nhận diện tự động (AIS), AMTI cho biết khoảng cách giữa Hải Dương 8 và West Capella có lúc chưa đầy 9 hải lý.
Ngày 18-4, trong lúc Bộ Ngoại giao Mỹ ra tuyên bố lên án hành động quấy rối của Trung Quốc, nhóm 4 tàu chiến của Mỹ và Úc bắt đầu cuộc diễn tập chung tại một khu vực gần tàu West Capella. USS America – tàu đổ bộ tấn công hiện đại nhất của Mỹ – cũng góp mặt và thể hiện uy lực bằng tiêm kích tàng hình F-35B.
Tuy nhiên, phản ứng của Kuala Lumpur vào ngày 23-4, theo lời một học giả Malaysia, “đã khiến những người bình thường có theo dõi về Biển Đông cũng phải bực tức”. Không chỉ bày tỏ quan ngại về sự xuất hiện của “các tàu chiến và những tàu khác” trên Biển Đông, Malaysia còn kêu gọi Trung Quốc và Mỹ “giải quyết hòa bình sự khác biệt thông qua ngoại giao”.
Malaysia cuối cùng cũng đạt được mục đích lớn nhất là kết thúc cuộc đối đầu trên biển trong hòa bình. Đây là điều mà học giả Adam Leong Kok Wey của Đại học Quốc phòng Malaysia gọi là “logic chiến lược” để im lặng. Ông đặt vấn đề bằng câu hỏi: Tại sao Mỹ và Úc lại phản ứng mạnh mẽ theo hướng ra mặt bảo vệ một nước không có hiệp ước phòng thủ với mình?
 Bắt tay trong cánh gà
Theo GS Kok Wey, Malaysia đang áp dụng chính sách “liên kết có chọn lọc” và “mơ hồ chiến lược” dựa trên những bài học từ chiến tranh lạnh. “Liên kết có chọn lọc” cho phép Malaysia hợp tác chặt chẽ với tất cả các bên vì lợi thế chiến lược tương đối, theo lựa chọn của mình. Trong khi đó, duy trì “mơ hồ chiến lược” cho phép Malaysia tương tác hậu trường với các đồng minh lẫn đối thủ – những người không biết nước này sẽ đi theo hướng nào.
Nhưng theo nữ TS Ivy Kwek và Chiew-Ping Hoo, có một số lý do giải thích tại sao Malaysia lại muốn giữ im lặng trong các căng thẳng trên Biển Đông. Đầu tiên, cũng giống như GS Kok Wey đã nhận xét, Malaysia không muốn ồn ào và thích sử dụng các công cụ ngoại giao đằng sau hậu trường để giải quyết xung đột. Thứ hai là mối quan hệ thân thiện với Trung Quốc.
“Tạo ra được cảm giác rằng Malaysia không ngả hoàn toàn về phương Tây sẽ là chìa khóa giành được sự tin tưởng của các nhà lãnh đạo Trung Quốc”, hai nữ tác giả Malaysia lập luận trong bài viết trên AMTI.
Điều cuối cùng, theo TS Ivy Kwek và Chiew-Ping Hoo, chính trường Malaysia hiện tại không cho phép nước này vướng vào một căng thẳng ngoại giao. Điều này lý giải vì sao đến giờ Kuala Lumpur vẫn không đệ trình công hàm phản bác Bắc Kinh như đã làm trước đây.
Dù Malaysia được cho là có ý đồ với công hàm vào tháng 12-2019, nhưng hành động mở màn của nước này đã kéo theo cả những nước không tranh chấp trực tiếp trên Biển Đông như Indonesia, Mỹ và Úc – góp phần làm nổi bật sự phi lý và bất hợp pháp trong các yêu sách của Trung Quốc.

Cảnh sát Úc giải tán cuộc biểu tình Black Lives Matter

Tin từ SYDNEY, Úc – Vào hôm thứ ba (28/7), cảnh sát Úc bắt giữ ít nhất một người và ra lệnh cho khoảng 50 người khác giải tán sau khi họ tập trung tại Sydney để tiến hành một cuộc biểu tình Black Lives Matter, bất chấp một lệnh cấm chính thức vì đại dịch coronavirus.
Cuộc diễn hành được kêu gọi để làm nổi bật cái chết của người bản địa bị giam giữ, dựa trên động lực từ các cuộc biểu tình toàn cầu vì công lý chủng tộc và chống lại sự tàn bạo của cảnh sát. Các nhà tổ chức tiến hành cuộc tụ tập bất chấp việc các tòa án giữ vững lệnh cấm của cảnh sát, đồng thời cam kết tuân thủ các hạn chế cách ly xã hội.
Tuy nhiên, theo một nhân chứng của Reuters, cảnh sát bắt giữ nhà tổ chức Paddy Gibson trong một công viên công cộng ngay trước khi cuộc diễn hành diễn ra và ra lệnh cho những người tham gia khác rời khỏi khu vực. Hãng tin Reuters ước tính có khoảng 50 người tập trung vào một ngày mưa trong thành phố, ít hơn nhiều so với khoảng 500 người mà các nhà tổ chức dự kiến sẽ tham dự trước lệnh cấm.
Vào hôm thứ Hai (27/7), Úc báo cáo mức gia tăng ca bệnh cao nhất trong một ngày sau một đợt bùng phát lây nhiễm ở tiểu bang Victoria. Tiểu bang New South Wales lân cận, nơi Sydney là thủ phủ, cũng đang chiến đấu với một số cụm virus và chính quyền khuyến cáo người dân tham gia vào cuộc biểu tình này rằng họ có nguy cơ bị bắt giữ.
Bộ trưởng Bộ Y tế Greg Hunt đưa ra lời kêu gọi vào phút cuối để yêu cầu mọi người không tham dự, thay vào đó họ yêu cầu họ sử dụng các nền tảng truyền thông xã hội hoặc sắp xếp một buổi mặc niệm bên ngoài nhà của họ. (BBT)

Úc không muốn

‘làm tổn thương’ quan hệ với Trung Quốc

Hoa Kỳ và đồng minh thân cận Úc họp cấp cao bàn về Trung Quốc và nhất trí cần phải duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, nhưng Ngoại trưởng Úc nhấn mạnh quan hệ của Canberra với Bắc Kinh là quan trọng và rằng Úc không có ý định làm tổn thương mối quan hệ này.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Mark Esper tổ chức hai ngày họp tại Washington với người tương nhiệm phía Úc.
Tại cuộc họp báo chung hôm 28/7, ông Pompeo ca ngợi Úc đã đứng lên chống lại áp lực từ Trung Quốc và tuyên bố Washington và Canberra sẽ tiếp tục hợp tác để tái khẳng định nguyên tắc thượng tôn pháp luật tại Biển Đông, nơi Trung Quốc đang lấn lướt trong các tuyên bố chủ quyền.
Ngoại trưởng Úc Marise Payne cho hay Mỹ và Úc chia sẻ cam kết về thượng tôn pháp luật và tái khẳng định quyết tâm buộc các nước vi phạm phải chịu trách nhiệm, chẳng hạn như việc Trung Quốc làm xói mòn các quyền tự do ở Hong Kong.
Bà Payne nói hai bên cũng nhất trí lập nhóm làm việc để theo dõi và đáp ứng trước các thông tin sai lệch độc hại và tìm cách mở rộng hợp tác về dịch bệnh, kể cả sự tiếp cận với vaccine.
Cùng lúc, bà nhấn mạnh Úc không đồng ý mọi chuyện với Bắc Kinh hoặc với Mỹ.
“Quan hệ chúng tôi có với Trung Quốc quan trọng và chúng tôi không có ý định làm tổn thương quan hệ đó.” “Chúng tôi cũng không có ý định làm những chuyện đi ngược lại với lợi ích của chúng tôi.”
Ngoại trưởng Úc nói Úc và Mỹ có cùng lợi ích trong một khu vực Châu Á-Thái Bình Dương tự do, thịnh vượng, bảo toàn và nhìn chung đứng về cùng một phía trong các vấn đề kể cả vấn đề Trung Quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?