Tin khắp nơi – 31/07/2020

Tin khắp nơi – 31/07/2020

Đảng Cộng hòa của Trump: Không thể trì hoãn bầu cử 2020

Tổng thống Trump cho rằng bỏ phiếu qua đường bưu điện có thể dẫn đến gian lận và kết quả không chính xác
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã bác bỏ đề nghị của Tổng thống Donald Trump rằng cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 nên được hoãn vì những lo ngại về gian lận.
Lãnh đạo đa số Thượng viện Mitch McConnell và lãnh đạo thiểu số Hạ viện Kevin McCarthy đều bác bỏ ý tưởng này.
Ông Trump không có thẩm quyền hoãn cuộc bầu cử, vì bất kỳ sự trì hoãn nào cũng phải được Quốc hội phê chuẩn.
Trước đó, tổng thống cho rằng bỏ phiếu qua đường bưu điện có thể dẫn đến gian lận và kết quả không chính xác.
Ông Trump đã đề xuất trì hoãn bầu cử cho đến khi mọi người có thể bỏ phiếu “đúng cách, đảm bảo, và an toàn”. Có rất ít bằng chứng để hỗ trợ cho tuyên bố của ông Trump nhưng ông từ lâu đã phản đối việc bỏ phiếu qua bưu điện, nói rằng điều này dễ dẫn đến gian lận.
Các tiểu bang Hoa Kỳ muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện trở nên dễ dàng hơn vì những lo ngại về sức khỏe cộng đồng đối với đại dịch virus corona.
Ông Trump đưa ra đề xuất hoãn bỏ phiếu khi các số liệu mới cho thấy nền kinh tế Mỹ đã phải chịu sự suy giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại khủng hoảng những năm 1930.
Đảng Cộng hòa phản ứng thế nào?
Thượng nghị sĩ McConnell nói rằng không có cuộc bầu cử tổng thống Mỹ nào từng bị trì hoãn trước đó.
“Chưa bao giờ trong lịch sử của đất nước này, qua các cuộc chiến tranh, suy thoái và Nội chiến, chúng ta lại không có một cuộc bầu cử theo lịch trình liên bang diễn ra đúng thời điểm. Chúng ta sẽ tìm cách lặp lại điều đó vào ngày 3/11″, ông nói với đài địa phương WNKY tại Kentucky .
Ông McCarthy lặp lại: “Chưa bao giờ trong lịch sử các cuộc bầu cử liên bang mà chúng ta không tổ chức một cuộc bầu cử và chúng ta nên tiếp tục tổ chức cuộc bầu cử của mình”, ông nói.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ đồng minh của Trump, Lindsay Graham, nói rằng sự trì hoãn “không phải là một ý tưởng hay”.
Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mike Pompeo từ chối trả lời về đề xuất của ông Trump. Trước câu hỏi của các phóng viên về việc liệu một tổng thống có thể trì hoãn một cuộc bầu cử hay không, ông Pompeo nói rằng ông sẽ không “đưa ra phán xét một cách tức thì”.
Người phát ngôn cho chiến dịch tái tranh cử của ông Trump, Hogan Gidley, cho biết ông Trump mới chỉ “đặt câu hỏi” mà thôi.
Phân tích của Anthony Zurcher
Phóng viên BBC Khu vực Bắc Mỹ
Donald Trump không thể trì hoãn cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11 mà không được Quốc hội – do đảng Dân chủ kiểm soát một phần – phê chuẩn. Nếu ông ấy không biết điều này, chắc chắn có người đã nói với ông ấy rồi.
Tổng thống cũng phải biết rằng tweet về việc trì hoãn – thậm chí cho vào ngoặc kép như là “Tôi chỉ đang hỏi thôi!” – chắc chắn sẽ kích thích một cơn bão chính trị, đặc biệt là sau khi ông liên tục từ chối nói liệu ông có chấp nhận một kết quả bất lợi trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới hay không.
Ông Trump dường như đang làm mọi thứ trong khả năng của mình để làm giảm uy tín của cuộc bỏ phiếu tháng 11, trong đó một số lượng lớn người Mỹ được dự đoán sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện để tránh nguy cơ tiếp xúc với virus corona.
Ông liên tục đưa ra những tuyên bố sai lệch về độ tin cậy của việc bỏ phiếu qua thư và đưa các thuyết âm mưu. Giới chỉ trích cảnh báo rằng ông ta có thể đang đặt nền móng cho các cuộc bàn cãi về kết quả bầu cử – mặc dù mục đích của ông ta cũng có thể chỉ đơn giản là tìm một vật tế thần nếu ông thua cuộc.
Tweet của ông ta cũng có thể là một nỗ lực để làm chệch hướng sự chú ý của dư luận khỏi những con số kinh tế ảm đạm quý hai vừa được công bố. Ông ta vẫn dựa vào một bước ngoặt tài chính để thổi thêm sức sống vào chiến dịch tái tranh cử của mình, nhưng thay vì thế, viễn cảnh có vẻ vô cùng ảm đạm.
Dù lý do là gì, tweet về việc trì hoãn bầu cử không phải là động thái của một ứng cử viên tự tin sẽ chiến thắng – và có thể là một dấu hiệu của những động thái tuyệt vọng hơn sắp diễn ra.
Trump nói gì?
Trong một cuộc họp báo vào chiều thứ Năm tại Nhà Trắng, ông Trump phủ nhận ông muốn hoãn cuộc bầu cử, nhưng lập luận rằng bỏ phiếu hàng loạt qua đường bưu điện sẽ khiến kết quả không đáng tin cậy.
“Tôi không muốn trì hoãn, tôi muốn có cuộc bầu cử”, ông nói. “Nhưng tôi cũng không muốn phải đợi trong ba tháng và sau đó phát hiện ra rằng các lá phiếu bị thiếu và cuộc bầu cử không có ý nghĩa gì cả.”
“Tôi không muốn thấy một cuộc bầu cử không trung thực”, ông Trump nói với các phóng viên. “Cuộc bầu cử này sẽ là cuộc bầu cử nghiêm ngặt nhất trong lịch sử nếu nó diễn ra.”
Trong một loạt các tweet trước đó, ông Trump đã phản đối việc bỏ phiếu qua đường bưu điện và cảnh báo – mà không cung cấp bằng chứng – rằng nó sẽ dễ bị can thiệp từ nước ngoài.
Vào tháng Sáu, New York cho phép cử tri bỏ phiếu qua bưu điện trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ cho ứng cử viên tổng thống của đảng. Nhưng đã có sự chậm trễ khá dài trong việc đếm phiếu bầu và đến nay kết quả vẫn chưa được công bố.
Truyền thông Hoa Kỳ đưa tin rằng cũng có những lo ngại rằng nhiều lá phiếu sẽ không được tính vì chúng không được điền chính xác hoặc không có dấu bưu điện cho thấy chúng được gửi trước khi cuộc bỏ phiếu chính thức kết thúc.
Theo Washington Post, các nhân viên của Bưu điện Hoa Kỳ nói rằng các công việc tồn đọng có thể ảnh hưởng tới việc giao phiếu bầu kịp thời cho cuộc bầu cử vào tháng 11 do các biện pháp cắt giảm chi phí dưới thời chính quyền Trump.
Ai có thể thay đổi ngày bầu cử?
Tổng thống Trump không có thẩm quyền để dời ngày bầu cử, theo luật, được tổ chức vào thứ Ba đầu tiên sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11.
Bất kỳ thay đổi ngày nào cũng cần phải được sự chấp thuận của cả hai viện của Quốc hội – Hạ viện và Thượng viện. Đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và một số người đã nói rằng họ sẽ không ủng hộ bất kỳ sự trì hoãn nào đối với cuộc bỏ phiếu.
Bất kỳ động thái nào của Quốc hội để trì hoãn cuộc bầu cử vào năm 2021 cũng sẽ dẫn tới việc phải sửa đổi hiến pháp, truyền thông Hoa Kỳ dẫn lời các chuyên gia hiến pháp cho biết.
Bang nào sẽ bỏ phiếu qua bưu điện?
Đầu tháng này, sáu tiểu bang Hoa Kỳ đã lên kế hoạch tổ chức bỏ phiếu “qua thư” vào tháng 11: California, Utah, Hawaii, Colorado, Oregon và Washington. Các tiểu bang khác đang xem xét kế hoạch bỏ phiếu qua bưu điện, theo một nhóm phụ trách chiến dịch bỏ phiếu qua thư.
Các tiểu bang này sẽ tự động gửi phiếu bầu cho tất cả các cử tri đã đăng ký, những phiếu này sau đó phải được gửi lại hoặc được bỏ trong ngày bầu cử – mặc dù một số phiếu bầu trực tiếp vẫn có sẵn trong một số trường hợp hạn chế.
Khoảng một nửa số tiểu bang Hoa Kỳ cho phép bất kỳ cử tri đã đăng ký bỏ phiếu bầu qua đường bưu điện theo yêu cầu.

Bầu cử 2020: Quan tâm hàng đầu

của cử tri gốc Việt so với cử tri Mỹ

Tina Hà Giang
Những vấn đề lớn nhất mà Hoa Kỳ đang phải đối diện, theo đánh giá của cử tri Mỹ cả hai đảng là: chính quyền và sự yếu kém của lãnh đạo; đại dịch virus corona; phân biệt chủng tộc; và kinh tế cũng như công ăn việc làm, theo thăm dò ý kiến của Gallup.
Thăm dò ý kiến của Gallup, được thực hiện liên tục từ 12/2019 đến 6/2020, cho thấy ‘Chính quyền và sự yếu kém của lãnh đạo’ là quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ, với tỷ lệ 21%. Kế đó là lo lắng về đại dịch virus corona (20%). Phân biệt chủng tộc, với tỷ lệ 19% là quan tâm thứ ba, đồng hạng với quan tâm về kinh tế (19%).
Nhìn chung, kết quả những cuộc phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt với cử tri gốc Việt các giới cho thấy quan tâm của cử tri theo đảng Dân chủ, không thích ông Trump, có vẻ đi sát với quan tâm của cử tri người Mỹ hơn. Chẳng hạn như với ưu tư về chính quyền/giới lãnh đạo, và vấn nạn phân biệt chủng tộc.
Bài viết dưới đây phân tích rõ hơn những tương đồng và dị biệt giữa quan tâm hàng đầu của cử tri Mỹ và của cử tri người Mỹ gốc Việt.
Chính quyền và sự yếu kém của lãnh đạo
21% cử tri Mỹ tham dự thăm dò ý‎ kiến của Gallup trong tháng 6/2020 cho biết họ quan tâm về chính quyền và sự yếu kém của lãnh đạo.
Không ai trong giới cử tri người Mỹ gốc Việt đảng Cộng hòa, ủng hộ ông Trump, được BBC News Tiếng Việt phỏng vấn, nói rằng đây là một vấn đề khiến họ phải quan tâm.
Tuy nhiên, với một số cử tri gốc Việt đảng Dân chủ, chính quyền và lãnh đạo lại là một trong ba quan tâm hàng đầu.
”Điều đầu tiên chúng ta cần là phải trở lại tình trạng chính trị bình thường đã có trước năm 2016.” Kiến trúc sư Thắng Đỗ, người không ủng hộ tổng thống Trump, bày tỏ.
”Bình thường là có một tổng thống không nói dối hàng ngày, hàng giờ; không coi trọng Putin, Kim Jong Un, Tập Cận Bình hơn chính bộ ngoại giao, quốc phòng và cơ quan tình báo của Mỹ; không chửi lộn hàng ngày với bất cứ ai phản đối mình; không mang toàn bộ gia đình vào Nhà Trắng giữ những chức vụ quan trọng tuy họ không mảy may có kinh nghiệm gì; không gọi giới báo chí là “kẻ thù nhân dân”; không giấu diếm hồ sơ thuế và tài chính; không có một nội các với hàng chục thành viên bị truy tố hay đi tù; v.v…” Ông Thắng Đỗ giải thích.
Luật sư William Tuấn Nguyễn, cũng không ủng hộ ông Trump, nói:
”Hy vọng cuộc bầu cử tháng 11 sẽ mang lại cho Văn phòng Tổng thống lòng tử tế và sự thông cảm cho hoàn cảnh người dân. Rõ ràng phản ứng của Tổng thống Trump với cả đại dịch Covid-19 và phong trào Black Lives Matter cho thấy ông không tử tế và không biết cảm thông với hoàn cảnh người khác để đoàn kết người dân Mỹ. Trái lại, có vẻ như ông Trump lấy được thêm sức mạnh qua việc kích động sự phân rẽ, trong đó có phân biệt chủng tộc, trên toàn quốc.”
Ông nói William Tuấn Nguyễn nói thêm: ”Tôi cũng mong cuộc bầu cử tháng 11 sẽ mang lại cho chúng ta sự tôn trọng và phụ thuộc vào sự thật và khoa học. Trong suốt nhiệm kỳ của Tổng thống Trump, ông đã bác bỏ những sự thật bất lợi cho mình và gọi chúng là “tin giả”. Động cơ sau những chính sách của ông là lợi ích chính trị hơn là khoa học.”
Đại dịch virus corona
20% cử tri Mỹ tham dự thăm dò ý‎ kiến của Gallup trong tháng 6/2020 cho biết đại dịch virus corona là một trong những quan tâm hàng đầu họ đang có.
Cử tri gốc Việt cả của đảng Cộng hòa lẫn đảng Dân chủ cho BBC News Tiếng Việt biết việc giải quyết đại dịch Covid-19 với họ rất quan trọng.
Luật sư Trần Thái Văn, đảng Cộng hòa, nhận định:
”Đại dịch Covid-19 cũng như tình hình kinh tế chiếm hầu hết các diễn đoàn tranh luận trong giới truyền thông và các mạng xã hội. Ba vấn đề quan trọng cử tri Hoa Kỳ sẽ đặt ra trong kỳ bầu cử năm nay là chính sách giải quyết nạn dịch Covid-19 đang hoành hành trên toàn quốc, kinh tế, kể cả nạn thất nghiệp. Và ứng cử viên nào đưa ra được đường lối khả thi, những hấp dẫn cho tương lai, thời hậu Covid-19 thì sẽ được ủng hộ.”
Ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng Trưởng Bộ Dân vận và Chiêu Hồi của chính phủ VNCH, người ủng hộ tổng thống Trump, nói:
”Theo tôi đa số người Mỹ muốn: 1) sớm có môt vaccine chống lại Covid-19 để họ có một cuộc sống bình thường trở lại mặc dù họ sẽ phải đối phó với những bình thường mới (new normals); 2) vãn hồi kinh tế để họ có công ăn việc làm tiếp tục tiết kiệm trở lại cho hưu bổng hay giúp con đi học đại học; và 3) an ninh trật tự được duy trì để tránh tình trạng hỗn loạn như sau cái chết của ông Floyd.”
Ông Hoàng Vi Kha, cử tri ủng hộ Trump, nói:
”Vấn đề quan trọng trong kỳ bầu cử lần này chắc chắn sẽ là phương cách đối phó với đại dịch (y khoa, sức khỏe) dẫn đến kinh tế cho nước Mỹ và các phương sách đối ngoại.”
Ông Thắng Đỗ đồng ý với họ về tình hình đại dịch:
”Phải khắc phục đại dịch Covid-19. Mỹ là nước có tình trạng tệ hại nhất trên thế giới trong việc đối phó với đại dịch. Cho đến hôm nay, đã có hơn 4 triệu người Mỹ bị nhiễm với gần 150 ngàn tử vong, gấp hơn 3 số lính Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam. Nước Mỹ chiếm hơn ¼ số ca nhiễm và tử vong của toàn thế giới. Trong khi đó, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã kiểm soát được bệnh dịch trong nước của họ. Ông Trump, người đứng đầu quốc gia, phải chịu trách nhiệm về con số người chết vì đại dịch.”
Phân biệt chủng tộc
19% cử tri Mỹ tham dự thăm dò ý‎ kiến của Gallup trong tháng 6/2020 nói phân biệt chủng tộc là một trong những điều làm họ ưu tư.
Không ai trong giới cử tri người Mỹ gốc Việt đảng Cộng hòa được BBC News Tiếng Việt phỏng vấn, nói phân biệt chủng tộc nằm trong danh sách những điều họ cho là quan trọng.
Đặc biệt, Luật sư Trần Thái Văn không nói rằng phân biệt chủng tộc là một trong những quan tâm của bản thân, nhưng đưa ra nhận xét:
”Hầu hết các thống kê thăm dò cho thấy cựu phó tổng thống Joe Biden đang dẫn đầu tổng thống Donald Trump từ 10 đến 15 điểm. Thời điểm này vẫn còn khá sớm để tiên đoán được người dân có muốn sự thay đổi không, hay sẽ cho ông Trump thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuy nhiên, ứng cử viên nào có thể đưa ra đường hướng giải quyết vấn nạn kỳ thị và phân biệt chủng tộc với hai khối cử tri thiểu số lớn nhất: người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc La Tinh thì sẽ thu hút được nhóm người này.”
Ông Hoàng Đức Nhã nhấn mạnh rằng ngoài ba ưu tiên hàng đầu ông nêu ra, gồm Covid-19, vãn hồi kinh tế và an ninh trật tự, thì cử tri Mỹ, theo ông, không quan tâm đến những vấn đề khác:
”Trong hoàn cảnh hiện nay đa số dân Mỹ chưa sẵn sàng chấp nhận những đề nghị chình trị của khuynh hướng cấp tiến trong đảng Dân chủ vì họ nghĩ rằng cuộc sống vẫn quá bấp bênh và họ không muốn nghĩ xa hơn ba điều tôi nêu trên.”
Cử tri đảng Dân chủ gốc Việt, trong khi đó, đồng cảm với quan tâm của cử tri Mỹ về phân biệt chủng tộc.
Luật sư William Tuấn Nguyễn chia sẻ ưu tư:
”Tôi mong cuộc bầu cử tháng 11 sẽ chấm dứt tình trạng bình thường hóa lối diễn ngôn và thái độ phân biệt chủng tộc công khai trong chính trị Mỹ. Tổng thống Trump có khuynh hướng phân biệt chủng tộc và ủng hộ các trường phái chống lại nhiều cộng đồng da màu khác nhau – đặc biệt ông gọi người nhập cư Mexico là những kẻ hiếp dâm và côn đồ; gọi Covid-19 là “Kung-Flu” và “virus Trung Quốc;” cũng như tuyên bố rằng có “những người tốt ở cả hai phía” về diễu hành của những người theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và da trắng thượng đẳng.””Chúng ta không thể tiếp tục có những thái độ phân biệt chủng tộc rõ ràng như vậy, được tuôn ra từ Văn phòng của Tổng thống và được bình thường hóa như thể đó là điều có thể chấp nhận được.”
Luật sư Jenny Đỗ, đảng Dân chủ, chia sẻ:
”Tinh thần kỳ thị chủng tộc đang nổi lên mạnh mẽ dưới chính quyền của ông Trump. Ông công khai phỉ báng người Mexico, chỉ trích những phong trào đòi nhân quyền cho người da đen, ca tụng những nhóm có liên hệ với các tổ chức “da trắng tối thượng”. Những nhóm kỳ thị vì thế mà trở nên mạnh dạn hơn, công khai kỳ thị hơn dưới sự lãnh đạo của ông.”
Kinh tế và công ăn việc làm
19% cử tri Mỹ tham dự thăm dò ý‎ kiến của Gallup trong tháng 6/2020 nói họ lo lắng về những vấn đề liên quan đến kinh tế.
Đa số cử tri gốc Việt ủng hộ đảng Cộng hòa cũng cho rằng vãn hồi kinh tế để người dân tiếp tục có công ăn việc làm là một trong những quan tâm hàng đầu.
Ngược lại trong số 5 cử tri đảng Dân chủ trả lời phỏng vấn của BBC, chỉ một mình bà Madison Nguyễn nhắc đến vấn đề này. Bà nói:
”Tôi nghĩ rằng ba vấn đề hàng đầu, hoặc ít nhất là những vấn đề hàng đầu mà tôi muốn thấy cả ứng cử viên Joe Biden và Donald Trump nói đến, là nền kinh tế, nhập cư và chăm sóc sức khỏe.”
Một điểm đáng chú ý là, chính sách đối ngoại của chính quyền, như cứng rắn với Trung Quốc, quan điểm về Biển Đông và ủng hộ Hong Kong, điều mà người Việt khắp nơi chăm chú theo dõi, hầu như không được nhắc đến trong danh sách vấn đề cử tri gốc Việt được phỏng vấn cho là cần phải quan tâm.
Với cử tri Mỹ, thì những cuộc thăm dò ý‎ kiến từ trước đến nay luôn cho thấy quan tâm về tương giao quốc tế là một trong những điều cử tri Hoa Kỳ ít quan tâm đến nhất.
Nhiều người có lẽ đang chờ xem đề tài mà hai ứng cử viên sắp tranh cãi trong cuộc tranh luận tổng thống, sẽ xảy ra đúng hai tháng nữa, có liên quan đến những điều họ quan tâm không.
Tuy nhiên giới phân tích cho rằng, đa số cử tri hiện đã quyết định mình sẽ bỏ phiếu cho ai.

Chuyên gia: Toan tính của Mỹ, khiên đỡ của TQ

Chuyên gia cho rằng, căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới sẽ tiếp tục leo thang, hai bên sẽ có những vụ “ăn miếng, trả miếng”.
Căng thẳng Mỹ – Trung liên tục leo thang với tốc độ báo động trong thời gian qua, liên quan đến rất nhiều vấn đề: Từ thương mại, công nghệ cao, cách xử lý dịch COVID-19, việc Bắc Kinh áp dụng Luật An ninh Hong Kong…, cho đến hoạt động quân sự hóa của Trung Quốc ở Biển Đông. Những động thái đáp trả qua lại giữa hai bên khiến quan hệ Hoa Kỳ – Trung Quốc ngày càng xấu đi.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên trầm trọng hơn sau khi Mỹ hôm 21/7 ra lệnh đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston để bảo vệ sở hữu trí tuệ và dữ liệu của công dân Mỹ. Đáp trả, Trung Quốc hôm 24/7 cũng đã yêu cầu đóng cửa Tổng Lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô. Bước leo thang mới này đẩy quan hệ song phương xuống mức thấp nhất kể từ khi bình thường hóa quan hệ ngoại giao năm 1979.
Trả lời VTC News, TS Phạm Cao Cường – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Châu Mỹ, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam nhận định, quyết định đóng cửa lãnh sự quán báo hiệu sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sẽ có những vụ “ăn miếng, trả miếng”.
- Mỹ và Trung Quốc đang đối đầu toàn diện, ở mọi mặt trận, thưa ông?
Đúng là như vậy. Về ngoại giao, quan hệ căng thẳng sau khi Mỹ quy kết và truy tìm dấu vết gây ra đại dịch COVID-19 từ Trung Quốc. Kể từ đó, hàng loạt các sự kiện diễn ra theo hướng gia tăng cẳng thẳng như việc Mỹ áp đặt thị thực với nhiều quan chức chính phủ Trung Quốc; thông qua Đạo luật Hong Kong, tuyên bố bác bỏ các yêu sách hàng hải của Trung Quốc tại Biển Đông.
Về kinh tế, cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung mới chỉ kết thúc giai đoạn một. Mặc dù Trung Quốc tuyên bố thực hiện cam kết nhưng rõ ràng là Mỹ đang mất dần sự hào hứng. Việc chính quyền Trump cấm các công ty Mỹ làm ăn và sử dụng công nghệ của Huawei và cả việc Quốc hội Mỹ đưa những đạo luật nhắm vào các công ty của Trung Quốc cho thấy điều đó.
Căng thẳng hai bên còn diễn ra trên cả mặt trận an ninh – quân sự khi Mỹ cáo buộc Trung Quốc ăn cắp công nghệ từ Mỹ. Hai bên thường tổ chức tập trận tại khu vực Biển Đông, đưa tàu tuần tra, tàu chiến tới các điểm nóng khu vực. Mỹ cũng liên tục thực hiện chiến dịch tự do hàng hải FONOP để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc. Nhìn chung sự đối đầu hiện nay là do có sự cạnh tranh nhau về vị thế lãnh đạo và mâu thuẫn nhau về lợi ích quốc gia.
- Quan hệ Mỹ – Trung leo thang sang mức độ cao hơn khi hai nước đóng cửa lãnh sự quán lẫn nhau. Động thái này nằm trong chủ ý của Mỹ?
Theo tôi, động thái này là mang động cơ chính trị và tất nhiên là chủ ý từ phía Mỹ. Mỹ cáo buộc Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston là một mắt xích trong các hoạt động tình báo của Trung Quốc. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo thậm chí cáo buộc Trung Quốc đã thực hiện các hoạt động gián điệp, gây ảnh hưởng không đúng lên nước Mỹ và chống lại các quan chức, công dân Mỹ.
Tôi cho rằng, động thái này sẽ mở màn cho một chiến dịch lớn hơn khác của Mỹ nhắm vào các hoạt động tình báo của Trung Quốc trên đất Mỹ. Trong thời gian tới, rất có thể có nhiều hoạt động khác từ phía chính quyền Mỹ nhằm vào Trung Quốc, thậm chí kể cả trục xuất các nhân viên công vụ của Trung Quốc về nước nếu có nghi ngờ tham gia các hoạt động tình báo.
- Tại sao chính quyền Trump lại lựa chọn thời điểm này để hành động như vậy, thưa ông?
Hành động của Mỹ diễn ra trong bối cảnh gia tăng căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung trong suốt bốn năm qua. Tuy nhiên, những bất đồng trong quan hệ Mỹ – Trung đến nay gần như vẫn chưa được giải quyết. Những yêu cầu và đòi hỏi từ phía Mỹ vẫn chưa được Trung Quốc đáp ứng.
Mỹ gần như chưa thấy có tiến triển gì trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc trên nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Trung Quốc cam kết với Mỹ sẽ không tiếp tục quân sự hóa Biển Đông nhưng họ không làm như vậy. Do vậy, tôi cho rằng, chính quyền Trump muốn gây áp lực nhiều hơn lên Trung Quốc để buộc nước này phải thực hiện các cam kết của mình.
- Đóng cửa lãnh sự quán là bước leo thang mới, thường là hành động cuối cùng trong các gia tăng căng thẳng?
Thực ra đây mới chỉ là đóng cửa lãnh sự quán chứ chưa phải là đóng cửa Đại sứ quán nên chưa phải là vấn đề. Tôi nghĩ trong bối này, cả Mỹ và Trung Quốc khó có thể có những hành động quá mức để đóng cửa cơ quan đại diện ngoại giao của nhau vì điều này cũng không có lợi.
Trục xuất nhân viên ngoại giao của nhau thì có thể xảy ra, tương tự như trong trường hợp giữa Mỹ và Nga hồi năm 2018. Tuy nhiên, đây cũng là sự kiện báo hiệu sự gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới, nhất là sẽ có những vụ “ăn miếng, trả miếng”.
Tuy nhiên, cần nhấn mạnh ở đây là việc Mỹ tuyên bố đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston do có liên quan tới hoạt động tình báo. Mà hoạt động tình báo ở đây là tình báo để đánh cắp các thông tin về sở hữu trí tuệ, công nghệ nguồn, công nghệ quốc phòng vốn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của nước Mỹ.
Đây cũng là vấn đề lớn trong cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc về chuyển giao công nghệ và sở hữu trí tuệ. Ở đây không chỉ là vấn đề tình báo đơn thuần mà nó còn liên quan tới các vấn đề cạnh tranh phát triển và kinh tế.
- Có ý kiến cho rằng, ông Trump muốn thể hiện sự quyết đoán trong chính sách đối với Trung Quốc để lấy lòng cử tri Mỹ trước bầu cử. Ông có nghĩ vậy?
Tôi cho rằng cái này chỉ là một phần bởi người dân Mỹ đã biết quan điểm của ông Trump đối với Trung Quốc từ lâu, thậm chí trước khi ông trở thành Tổng thống của nước Mỹ. Cái chính ở đây là các cuộc đàm phán trong suốt 4 năm qua giữa Mỹ và Trung Quốc trong vấn đề thương mại, quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ… chưa mang lại hiệu quả nào cho ông Trump.
Đương nhiên cử tri Mỹ có quyền đánh giá các kết quả đàm phán của ông Trump với Trung Quốc. Và nếu chưa có kết quả nào nổi bật, việc ông Trump tiếp tục gây sức ép lên Trung Quốc cũng là điều dễ hiểu vì cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang đến gần. Sức ép của cử tri cũng là điều mà ông Trump phải hành động.
- Việc đóng cửa cơ quan lãnh sự lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến quan hệ hai nước mà còn tới cục diện chính trị toàn cầu?
Đúng là như vậy. Khi quan hệ giữa hai cường quốc căng thẳng, nó sẽ khiến quan hệ quốc tế không hề yên ả bởi đó là một mắt xích quan trọng của hệ thống quốc tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc hiện nay, đang có một xu hướng tập hợp lực lượng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Sự tập hợp lực lượng này diễn ra ở cả trong ý tưởng, các sáng kiến mới và cả trong chủ thuyết phát triển cũng như chiến lược đối với các khu vực. “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở” được Mỹ triển khai không nhằm ngoài mục tiêu đó của Mỹ. Nó được coi là một đối trọng với các chiến lược, chính sách của Trung Quốc tại khu vực.
- Theo ông, cục diện quan hệ Mỹ – Trung sẽ diễn biến ra sao từ giờ cho đến trước bầu cử Mỹ (tháng 11/2020)?
Sẽ có nhiều căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung và chắc chắn Trung Quốc sẽ là một chủ đề nóng trong cuộc tranh luận giữa hai ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2020. Quan hệ Mỹ – Trung thế nào sẽ phụ thuộc nhiều vào kết quả đàm phán giữa ông Trump và Trung Quốc trong suốt thời gian qua.
Tôi cho rằng quả bóng đã được ông Trump đá sang phía Trung Quốc. Nếu việc thực thi thỏa thuận giai đoạn một không có kết quả, nếu Trung Quốc tiếp tục quân sự hóa Biển Đông và không thực hiện các
biện pháp đảm bảo về quyền sở hữu trí tuệ thì rất khó có thể có tiến triển trong quan hệ Mỹ – Trung trong thời gian tới.
Câu chuyện ở đây là việc Mỹ ra đầu bài còn Trung Quốc là người đưa đáp án. Nếu không có kết quả, Mỹ tiếp tục gây sức ép buộc Trung Quốc phải nhượng bộ. Còn Trung Quốc nhượng bộ như thế nào, mức độ tới đâu thì đó còn là câu chuyện dài. Trung Quốc ít khi chịu để mất mặt trước thế giới.
Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố tháng 11/2017 (và nhiều văn kiện khác) đều coi Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa tới lợi ích của nước Mỹ.
Tiến sĩ Phạm Cao Cường
- Vậy sau bầu cử quan hệ hai nước sẽ đi theo đường hướng nào? Nếu như ông Trump thắng cử hoặc nếu Tổng thống mới của nước Mỹ không phải là ông Trump, thưa ông?
Tôi cho rằng dù ai là Tổng thống tiếp theo của nước Mỹ thì lập trường của họ với Trung Quốc có lẽ sẽ không thay đổi. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ công bố tháng 11/2017 (và nhiều văn kiện khác) đều coi Trung Quốc là đối thủ và là mối đe dọa tới lợi ích của nước Mỹ.
Quan điểm của Mỹ về Trung Quốc hiện nay được sự ủng hộ của lưỡng đảng trong Quốc hội Mỹ.
Nếu ông Trump tái đắc cử, quan hệ Mỹ – Trung có căng thẳng nhưng đi kèm với nó có thể có những kết quả đàm phán từ những thỏa thuận trước đây.
Nếu Joe Biden trúng cử, quan hệ Mỹ – Trung cũng khó quay trở lại như thời điểm trước khi ông Trump lên nắm quyền, cho dù ông Biden có thể có cách tiếp cận với Trung Quốc mềm mỏng hơn. Có thể có kết quả đàm phán, nhưng Trung Quốc sẽ chiếm ưu thế hơn.
- Trục xuất là động thái đối đầu trực tiếp giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng các quan hệ khác giữa hai nước cũng rất căng thẳng. Thời gian qua, Mỹ luôn bày tỏ quan điểm, thực thi chính sách cứng rắn với Iran, trong khi đó Trung Quốc âm thầm hỗ trợ Iran khi thông qua thỏa thuận giao thương 400 tỷ USD. Liệu có phải Mỹ thích đối diện trực tiếp, còn Trung Quốc thích đánh sau lưng, thưa ông?
Cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill đã từng nói rằng: “Trên thế giới này không có bạn bè vĩnh viễn hay kẻ thù vĩnh viễn mà chỉ có lợi ích quốc gia là vĩnh viễn”. Cả Mỹ và Trung Quốc khi hợp tác hay liên minh với quốc nào thì đều cân nhắc tới lợi ích quốc gia của họ. Đối với Mỹ, họ có hiệp ước đồng minh với nhiều quốc gia và tổ chức trên thế giới.
Riêng khối Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã là 28 quốc gia; khối ANZUS có 2 quốc gia là Úc và New Zealand. Chưa kể tới các hiệp ước đồng minh song phương. Còn đối tác quan trọng của Mỹ thì lên tới 76 quốc gia. Còn lại, quan hệ đồng minh Trung Quốc với các quốc gia là rất khiêm tốn, đếm trên đầu ngón tay.
Trung Quốc là nhân tố quan trọng trong quan hệ giữa Mỹ với nhiều quốc gia trên thế giới. Nhiều quốc gia muốn dựa vào Mỹ vì “chiếc ô an ninh”, trong khi lại muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc vì các lợi ích kinh tế.
Trong bối cảnh có sự cạnh tranh chiến lược và căng thẳng Mỹ – Trung, quốc gia nào cũng phải tính toán để tối đa hóa lợi ích quốc gia của mình. Trong thời gian qua, quan hệ Mỹ và Iran cũng có nhiều căng thẳng và việc Trung Quốc tận dụng căng thẳng quan hệ Mỹ – Iran để tối đa hóa lợi ích của mình cũng là điều dễ hiểu.
- Quan điểm cá nhân ông về leo thang căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung ảnh hưởng thế nào đến Việt Nam?
Căng thẳng quan hệ giữa các nước lớn đều không có lợi cho các nước nhỏ và đương nhiên căng thẳng quan hệ Mỹ – Trung có tác động tới Việt Nam. Nhưng trong bối cảnh chung đó, làm thế nào để tối đa hóa lợi ích quốc gia của Việt Nam mới là quan trọng.
Trong thời gian qua, mặc dù chịu tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, thương mại hàng hóa của Việt Nam với Mỹ vẫn gia tăng rất mạnh. Thương mại hai chiều năm 2019 đạt khoảng 77,6 tỷ USD và Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam.
Trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu vốn để để phát triển, việc tăng cường quan hệ với các nước lớn là điều cần thiết. Việc tăng cường quan hệ với Mỹ không chỉ thu hút vốn và công nghệ cao từ phía Mỹ sẽ đóng góp cho sự phát triển đất nước.
Bên cạnh đó, Việt Nam có vị trí địa chiến lược, có đường bờ biển dài nên việc đảm bảo an ninh hàng hải cũng là một khía cạnh quan trọng của Việt Nam.
Với vị trí địa chiến lược quan trọng tại khu vực, chúng ta cần phải xác định mình đang đứng ở đâu trong trật tự khu vực và cũng như vị trí nào quan hệ quốc tế hiện nay. Xác định rõ được điều này sẽ giúp chúng ta có được sự lựa chọn chiến lược cho phù hợp trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn tiến nhanh chóng.
- Xin cảm ơn ông!

Sức ép chọn bên nóng lên

giữa “vòng xoáy” cạnh tranh Mỹ-Trung gay gắt

Cạnh tranh Mỹ – Trung ngày càng khốc liệt và gay gắt khiến các quốc gia khác nhận ra, đến một lúc nào đó, họ sẽ phải đưa ra quyết định đứng về bên nào.
Sự đối đầu gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc đang khiến các nhà lãnh đạo thế giới lo ngay ngáy. Một quan chức Đức cảnh báo về cuộc “Chiến tranh Lạnh 2.0″ trong khi Tổng thống Kenya lên tiếng kêu gọi sự đoàn kết trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.
Thương mại toàn cầu đã chịu ảnh hưởng nặng nề trong cuộc chiến thuế quan giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới 2 năm qua. Không chỉ căng thẳng về kinh tế, Mỹ và Trung Quốc còn bất đồng sâu sắc với nhau trong một loạt vấn đề từ Hong Kong, Tân Cương, các cáo buộc gián điệp và Biển Đông.
Đứng trước vòng xoáy cạnh tranh gay gắt giữa Mỹ và Trung Quốc, chính phủ các nước đều cố gắng bảo vệ lợi ích của mình.
Đức
Chính phủ của Thủ tướng Angela Merkel muốn tiếp tục hợp tác với Trung Quốc về vấn đề thương mại và sự ấm lên toàn cầu nhưng cũng khẳng định rằng, luật an ninh quốc gia tại Hong Kong của Trung Quốc là “một vấn đề khó”.
Thủ tướng Merkel cho rằng, luật an ninh quốc gia tại Hong Kong không phải là lý do để ngừng trao đổi với Trung Quốc mà là “một diễn biến đáng lo ngại”.
Nền kinh tế lớn nhất châu Âu này vẫn chưa đưa ra quyết định cuối cùng với tập đoàn viễn thông Huawei của Trung Quốc bất chấp sức ép từ phía Mỹ.
“Trung Quốc là một đối tác quan trọng của chúng tôi nhưng cũng là một đối thủ cạnh tranh”, Ngoại trưởng Đức Heiko Maas cho biết trong một tuyên bố sau cuộc họp trực tuyến hôm 24/7 với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị.
Peter Beyer, người phụ trách điều phối về sự hợp tác xuyên Đại Tây Dương của Đức đã lên tiếng cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn với tập đoàn truyền thông RedaktionsNetzwerk Deutschland rằng: “Chúng ta đang trải qua sự khởi đầu của cuộc Chiến tranh Lạnh 2.0”. Dù chỉ trích cả Mỹ và Trung Quốc về sự leo thang căng thẳng hiện nay nhưng quan chức này vẫn khẳng định Washington “là đối tác quan trọng nhất của chúng tôi ngoài EU”.
Pháp
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã gọi Tổng thống Trump là “người bạn của tôi” nhưng cũng nỗ lực hết sức để tránh “chọc giận” Trung Quốc.
Pháp không lên tiếng tán thành với những chỉ trích của chính quyền Tổng thống Trump về sự phản ứng của Trung Quốc trước đại dịch Covid-19 song vẫn công khai chỉ trích Bắc Kinh về vấn đề người Duy Ngô Nhĩ.
Tuy nhiên, rõ ràng, sự mâu thuẫn trong cách hành xử của Tổng thống Trump với các đồng minh của Mỹ là hồi chuông cảnh báo cho Pháp rằng không thể quá phụ thuộc hoặc nghiêng về bên nào, dù là Washington hay Bắc Kinh.
“Căng thẳng Mỹ – Trung không đem lại lợi ích cho Pháp. Chúng tôi chia sẻ cùng lợi ích với Mỹ khi đối phó với Trung Quốc và chúng tôi có các lập trường tương tự nhau. Vì thế, sự căng thẳng này không đem đến cho chúng tôi bất kỳ yếu tố tích cực nào”, Valerie Niquet thuộc Quỹ Nghien cứu Chiến lược cho hay.
Châu Âu
“Mối quan hệ chiến lược” giữa châu Âu và Trung Quốc sẽ là một vấn đề với Liên minh châu Âu khi Đức giữ chức Chủ tịch luân phiên của tổ chức này, Thủ tướng Merkel khẳng định. Các Ngoại trưởng EU hiện vẫn chưa đạt được sự nhất trí về một lập trường chung với Trung Quốc.
EU phản đối việc Trung Quốc áp dụng luật an ninh quốc gia với Hong Kong nhưng không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về việc trừng phạt kinh tế hay các quan chức Trung Quốc về vấn đề này.
“Thông điệp là các hành động gần đây của Trung Quốc đã thay đổi quy tắc cuộc chơi. Việc này rõ ràng sẽ có tác động lên mối quan hệ của chúng tôi và sẽ khiến chúng tôi xem xét lại hướng chiến lược của mình”, quan chức về chính sách đối ngoại hàng đầu EU Josep Borrell đánh giá.
Hàn Quốc
Hàn Quốc đang bị mắc kẹt giữa một bên là đồng minh quân sự quan trọng và một bên là đối tác thương mại lớn nhất.
Mỹ hiện không hài lòng với mong muốn của Hàn Quốc trong việc dừng trừng phạt Triều Tiên và việc nước này vẫn sử dụng công nghệ của Huawei.
Tổng thống Trump đã phàn nàn về chi phí đồn trú của 28.500 lính Mỹ tại Hàn Quốc nhằm bảo vệ nước này trước các mối đe dọa từ Triều Tiên. Thỏa thuận chia sẻ chi phí giữa 2 bên đã hết hạn từ năm 2019 nhưng đến nay vẫn chưa có thỏa thuận thay thế nào.
Căng thẳng Mỹ – Trung đã “đặt ra câu hỏi cho Hàn Quốc” về việc chọn bên nào. tờ Dong-A Ilbo của nước này cho hay trong một bài bình luận hôm 27/7.
“Dù sớm hay muộn, chúng tôi buộc phải đưa ra câu trả lời cho dù chúng tôi cố gắng tránh việc này như thế nào”.
Ấn Độ
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi cố gắng cân bằng mối quan hệ với cả Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump nhưng đại dịch Covid-19 và cuộc đụng độ biên giới khiến ít nhất 20 binh lính Ấn Độ thiệt mạng đã khiến tâm lý chống Trung Quốc tại nước này trở nên mạnh mẽ hơn.
Các cuộc biểu tình nổ ra ở nhiều nơi nhằm tẩy chay hàng hóa Trung Quốc. Một số người đã khen ngợi quyết định của chính phủ khi cấm ứng dụng chia sẻ video Tik Tok và một số ứng dụng khác của Trung Quốc.
Trong khi đó, Mỹ muốn thúc đẩy mạnh mẽ hơn mối quan hệ với Ấn Độ để đối phó với Trung Quốc. Tháng này, Chánh văn phòng Nhà Trắng Mark Meadows đã khẳng định rằng Mỹ sẽ lên tiếng phản đối Trung Quốc về tranh chấp biên giới với Ấn Độ.
Ấn Độ cho rằng việc Mỹ gây sức ép nhiều hơn với Trung Quốc là một cơ hội với nước này và “nếu Mỹ có thể khiến Trung Quốc thay đổi hành vi, điều này sẽ được toàn bộ khu vực hoan nghênh”, Jayadev Ranade, giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Trung Quốc tại New Delhi cho hay.
Châu Phi
Căng thẳng Mỹ – Trung đã tạo ra những tác động trên toàn thế giới. Ngân hàng Phát triển châu Phi cho biết sự gián đoạn thương mại vào năm ngoái do cuộc chiến thuế quan Mỹ – Trung có thể dẫn đến sụt giảm khoảng 2,5% sản lượng kinh tế ở một số nước châu Phi.
Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta nhận định những tranh cãi chính trị nên được dẹp sang một bên để tập trung chiến đấu chống lại đại dịch.
“Đừng mắc kẹt trong chủ nghĩa biệt lập hoặc chủ nghĩa đơn phương nữa. Ngày nay, chúng ta cần nhau hơn bao giờ hết. Chúng ta sẽ không thể chiến đấu trước Covid-19 nếu một quốc gia thất bại và quốc gia khác thành công”.
Đông Nam Á
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á tránh các hành động sẽ xa rời Mỹ hay Trung Quốc bởi cả hai đều là những đối tác thương mại quan trọng của các nước này.
“Những nước lớn này khi họ leo thang đối đầu với nhau, họ sẽ lôi kéo chúng ta về phe họ. Chúng ta sẽ phải thúc đẩy lợi ích quốc gia của mình”, Harry Roque, người phát ngôn của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte nhận định.
Biển Đông trở thành một vấn đề nhạy cảm trong quan hệ Mỹ – Trung. Căng thẳng giữa hai nước đã leo thang nghiêm trọng gần đây khi chính quyền Tổng thống Trump công khai bác bỏ hầu hết các yêu sách của Trung Quốc tại một trong những vùng biển nhộn nhịp nhất thế giới này.
“Chúng tôi tuyên bố: Các yêu sách của Bắc Kinh đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông, cũng như chiến dịch bắt nạt để kiểm soát các nguồn tài nguyên đó, là hoàn toàn bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Pompeo khẳng định trong một tuyên bố hôm 13/7.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long thì cho rằng nếu quan hệ Mỹ – Trung đi chệch hướng thì đây không chỉ là sự rạn nứt của một mối quan hệ song phương đơn thuần mà là sự leo thang căng thẳng nghiêm trọng của mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới, giữa một nước Mỹ vô cùng quyền lực và một Trung Quốc có dân số chiếm 1/4 dân số thế giới.
“Tôi cho rằng đây là một cuộc đối đầu không nên mạo hiểm”, ông Lý Hiển Long khẳng định.

Mỹ – Trung gia tăng đối đầu ở Biển Hoa Đông

Mỹ có thể giúp theo dõi các hoạt động xâm nhập chưa từng có của các tàu Trung Quốc quanh các đảo trên Biển Hoa Đông do Nhật Bản kiểm soát.
Tuyên bố này được Chỉ huy Lực lượng Mỹ tại Nhật Bản, Trung tướng Kevin Schneider đưa ra hôm 29/7.
Ông Schneider cũng cảnh báo Trung Quốc có thể leo thang các hành động trong tháng tới sau khi dỡ bỏ lệnh cấm đánh bắt cá trong khu vực.
Mỹ không phải là bên có tranh chấp chủ quyền với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhưng khẳng định sẽ giúp đồng minh Tokyo chống lại bất cứ cuộc tấn công nào.
Quần đảo tranh chấp Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản và Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc vốn nằm dưới sự quản lý của Nhật Bản từ năm 1972 song cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền với nhóm quần đảo này.
Sau tuyên bố của ông Schneider, Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định các đảo mà Mỹ đề cập là lãnh thổ của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi tất cả các bên giữ vững ổn định trong khu vực.
Trong một tuyên bố đưa ra cuối tháng 6, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono chỉ trích Trung Quốc cố gắng đơn phương thay đổi hiện trạng ở Biển Hoa Đông.
“Máy bay chiến đấu của chúng tôi được điều động để chặn máy bay Trung Quốc trên Biển Hoa Đông gần như mỗi ngày. Các tàu được trang bị vũ trang của họ đang cố xâm phạm lãnh hải của chúng tôi. Lực lượng bảo vệ bờ biển của chúng tôi đang làm một công việc tuyệt vời gần quần đảo Senkaku”, ông Kono nói thêm.
Tuyên bố của ông Kono được đưa ra vào thời điểm Bắc Kinh và Tokyo gia tăng căng thẳng sau khi Trung Quốc công bố đặt tên mới cho 50 thực thể dưới nước ở Biển Hoa Đông hôm 23/6. Động thái này được cho là để trả đũa việc Nhật Bản đặt lại tên cho một khu vực hành chính thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Mỹ cân nhắc cấm thị thực các gián điệp và người thân,

chĩa mũi dùi về phía ĐCS Trung Quốc

Bình luậnĐông Phương
Thượng và Hạ viện Hoa Kỳ đang thúc đẩy một dự luật mới, cấm thị thực đối với người nước ngoài đã tham gia vào hoạt động gián điệp hoặc đánh cắp tài sản trí tuệ trong vòng 5 năm qua, đồng thời áp dụng luật này với người nhà của họ.
Dự luật này được gọi là “Đạo luật bảo vệ nước Mỹ khỏi gián điệp” (Protecting America from Spies Act). Dự luật do ông Vicky Hartzler, Dân biểu bang Missouri và là thành viên đảng Cộng Hòa trình lên Hạ viện vào tháng trước. Hôm 28/7, Thượng nghị sĩ Ted Cruz thuộc đảng Cộng Hòa đã tuyên bố trọng tâm của dự luật là nhắm vào các điệp viên của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Mục đích của dự luật là ủy quyền cho Bộ Ngoại giao để đảm bảo rằng, bất kỳ người nước ngoài nào tham gia vào các hoạt động gián điệp và chuyển giao công nghệ bất hợp pháp đều không được phép nhập cảnh vào Hoa Kỳ. Ngoài ra cũng sẽ áp dụng các điều khoản liên quan trong “Luật Di trú và Nhập tịch Hoa Kỳ” (INA) để loại bỏ các lỗ hổng di trú trước đây.
Theo luật hiện hành, các gián điệp nước ngoài bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ vẫn có thể nộp đơn xin cấp lại thị thực và cho phép nhập cảnh trở lại.
Dự luật mới quy định, bất kỳ người nước ngoài nào cũng không được nhập cảnh vào Mỹ nếu “đã, đang hoặc sẽ tham gia vào các hoạt động phá hoại hoặc có liên quan đến hành vi gián điệp vi phạm luật pháp Hoa Kỳ… (hoặc) vi phạm hay tránh né luật cấm xuất khẩu hàng hóa, công nghệ hoặc thông tin nhạy cảm của Hoa Kỳ”.
Trang web Washington Examiner có quyền truy cập vào bản thảo dự luật đã đưa tin rằng, dự luật cũng quy định tất cả vợ chồng và con cái của người nước ngoài đã tham gia vào hoạt động gián điệp hoặc trộm cắp thương mại trong 5 năm qua cũng bị cấm vào Hoa Kỳ.
Dân biểu Hartzler nói trong một tuyên bố: “Đã đến lúc ngăn chặn các gián điệp của [ĐCSTQ] quay trở lại đất nước chúng ta”.
Ông nói rằng luật pháp hiện hành quy định, chỉ khi các nhân viên xử lý hồ sơ được báo trước cá nhân này có khả năng sẽ tham gia vào hoạt động gián điệp trong tương lai, thì mới từ chối cho họ nhập cảnh.
“Đất nước chúng ta cần được bảo vệ và chúng ta không thể để những kẻ xấu mà chúng ta biết lại một lần nữa ăn cắp đồ của chúng ta.” Ông Hartzler nói.
Thượng nghị sĩ Cruz nói rằng trong một thời gian dài, ĐCSTQ và các đối thủ cạnh tranh của Mỹ đã thực hiện các hình thức gián điệp phi truyền thống chống lại Hoa Kỳ nhưng lại không phải gánh chịu hậu quả.
Thượng nghị sĩ Cruz nhận định: “Do ĐCSTQ tích cực tham gia vào hoạt động gián điệp chống lại Hoa Kỳ và trộm cắp quyền sở hữu trí tuệ, Bộ Ngoại giao gần đây đã đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston. Đây là một bước tiến quan trọng, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm. Đây là nguyên nhân tại sao tôi đưa ra đề xuất này với các nhà lập pháp khác, điều này sẽ giúp củng cố luật pháp và bảo vệ an ninh quốc gia chúng ta”.
Trong một bài phát biểu nhắm vào Trung Quốc hồi đầu tháng 7, Giám đốc Cục Điều tra Liên bang Hoa Kỳ (FBI) Christopher Wray cho biết, cứ sau 10 tiếng thì FBI lại lập hồ sơ một vụ án chống gián điệp mới có liên quan đến ĐCSTQ.
Gần một nửa trong số gần 5.000 vụ chống gián điệp mà FBI đang điều tra trên cả nước có liên quan đến ĐCSTQ. Trong 10 năm qua, các vụ gián điệp kinh tế có liên quan đến ĐCSTQ đã tăng khoảng 13 lần.
Ông Wray nói rằng ĐCSTQ hiện đang có ý đồ xâm nhập vào các cơ quan y tế, công ty dược phẩm và các tổ chức học thuật của Hoa Kỳ có tham gia vào các nghiên cứu quan trọng về COVID-19.
Trong vài tuần gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn tố cáo ít nhất 4 quân nhân Trung Quốc mạo danh nhà nghiên cứu vì họ đã che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc và nói dối khi xin visa Mỹ.
Đông Phương
Theo The Epoch Times

2 thượng nghị sỹ Mỹ yêu cầu điều tra quan hệ

của TikTok, Zoom với chính quyền Trung Quốc

Minh Hòa
Hai thượng nghị sỹ Hoa Kỳ hôm 30/7 đã viết thư yêu cầu Bộ Tư pháp điều tra mối liên hệ giữa công ty công nghệ video Zoom, mạng xã hội TikTok và chính quyền Trung Quốc, theo Reuters.
Yêu cầu này được đưa ra sau khi có nhiều cáo buộc cho rằng hai công ty Trung Quốc Zoom và TikTok hoạt động với tư cách là công cụ gián điệp của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thượng nghị sỹ Richard Blumenthal thuộc đảng Dân chủ và thượng nghị sỹ Josh Hawley thuộc đảng Cộng hòa bày tỏ trong lá thư: “Chúng tôi tin rằng Bộ Tư pháp cần khẩn trương điều tra và xác định xem các mối quan hệ kinh doanh, các hoạt động xử lý dữ liệu và kết nối hoạt động tới Trung Quốc của Zoom và TikTok có gây rủi ro cho người Mỹ hay không”.
Hai thượng nghị sỹ cho biết: “Dựa trên nhiều báo cáo, chúng tôi vô cùng lo ngại rằng Zoom và TikTok đã tiết lộ thông tin cá nhân về người Mỹ cho [chính quyền Trung Quốc] và tham gia kiểm duyệt thay mặt chính quyền Trung Quốc”.
Hai thượng nghị sỹ cũng bày tỏ lo ngại rằng, hàng chục triệu người Mỹ phải ở nhà vì dịch COVID-19 đang sử dụng hai ứng dụng này của Trung Quốc để tương tác với nhau, trong khi họ không biết rủi ro của chúng là gì.
Theo SCMP, mối liên hệ giữa Zoom và chính quyền Trung Quốc bị chú ý sau khi ứng dụng video này khóa một tài khoản của các nhà bất đồng chính kiến lưu vong ở Mỹ, những người đã sử dụng Zoom để tổ chức một diễn đàn về vụ Thảm sát Thiên An Môn 31 năm trước. Sau khi hành vi này bị báo chí đưa tin, Zoom đã mở lại tài khoản của các nhà bất đồng chính kiến, kèm lời cam đoan rằng họ không có mối liên hệ nào với chính quyền Trung Quốc.
TikTok, thuộc sở hữu của tập đoàn công nghệ Trung Quốc ByteDance, cũng cam kết không có mối quan hệ với chính quyền Trung Quốc.
Dù vậy, những tuyên bố của hai công ty Trung Quốc không đủ sức gây dựng lòng tin đối với hai thượng nghị sỹ.
Trong lá thư gửi cho Trợ lý Tổng chưởng lý John Demers, hai nghị sỹ cáo buộc TikTok và Zoom đang cố gắng che giấu các mối liên hệ của họ với Trung Quốc, và làm như thể họ là “các công ty Mỹ”.
Trong thư viết: “Sự che giấu này thật đáng báo động – Các công ty công nghệ Trung Quốc nổi tiếng là bị ràng buộc bởi luật tình báo hà khắc, các quy định truyền thông và áp lực vượt ra ngoài khuôn khổ luật pháp, khiến họ buộc phải kiểm duyệt và làm gián điệp cho các cơ quan an ninh nhà nước Trung Quốc”.

50 bang ở Hoa Kỳ đều cảnh báo

về các gói hạt giống từ Trung Quốc

Bình luậnNguyễn Minh
Tất cả 50 bang ở Hoa Kỳ đều đã đưa ra cảnh báo về các gói hạt giống không xác định được gửi từ Trung Quốc đến các hộ dân Mỹ.
Dựa trên những bức ảnh khác nhau mà cơ quan nhà nước chia sẻ, người dân trên toàn nước Mỹ đã nhận được các gói hàng do China Post gửi với nhãn trên bao bì ghi nội dung gói hàng là đồ trang sức, nhưng có thể nhìn rõ các hạt giống được đựng trong túi ni lông trong suốt. China Post là công ty dịch vụ bưu chính chính thức của Trung Quốc.
Trong một cuộc họp báo thường kỳ diễn ra hôm 28/7, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cho biết, các nhãn trên bao bì là giả mạo; China Post đã yêu cầu Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ gửi các gói đó trở lại Trung Quốc để điều tra.
Cùng ngày, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA) đã công bố rằng cơ quan Kiểm tra Sức khỏe Động vật và Thực vật (APHIS) đang làm việc với Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới của Bộ An ninh Quốc gia Hoa Kỳ, cũng như các cơ quan liên bang khác và các cơ quan nông nghiệp nhà nước, để điều tra vụ việc.
“USDA hiện đang thu thập các gói hạt giống từ các gia đình nhận được chúng và sẽ kiểm tra để xác định liệu các gói hàng này có chứa bất cứ thứ gì cần lưu tâm, liên quan đến nền nông nghiệp hay môi trường của Hoa Kỳ hay không”, theo thông báo của Bộ.
Các cơ quan chức năng khuyến khích người dân Hoa Kỳ báo cáo ngay cho các sở nông nghiệp nếu nhận được các gói hạt giống không xác định. Giới chức nước này cũng khuyến cáo người dân không nên vứt hoặc gieo trồng các hạt giống đó, vì lo ngại rằng các hạt giống này chứa sâu bệnh xâm hại hoặc gây hại.
USDA khuyến cáo người dân: “Hãy giữ lại hạt giống và bao bì, bao gồm cả nhãn gửi thư, cho đến khi nhân viên từ Sở Nông nghiệp hoặc APHIS tại bang liên lạc với mọi người để hướng dẫn thêm. Không trồng hạt giống từ nguồn gốc không xác định”.
Hiện các bằng chứng đều cho thấy tình huống hiện tại có thể là “một trò lừa đảo tinh vi”, trong đó một loại hàng hoá không xác định sẽ được gửi đến địa chỉ nhà người dân tại Mỹ để chủ tài khoản đạt đủ điều kiện là “người mua đã được xác minh”. Sau đó, những người dùng lấy những địa chỉ đã xác minh gán vào tài khoản của mình, rồi đăng đánh giá sản phẩm tích cực về mặt hàng để tăng doanh số.
Để đáp ứng các yêu cầu pháp lý, hạt giống được nhập khẩu vào Hoa Kỳ phải có Giấy phép của USDA để nhập khẩu thực vật và sản phẩm thực vật, cũng như giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật.
Sở Nông nghiệp của bang Tennessee cho biết, nếu mọi người đã gieo các hạt giống rồi, thì cần nhổ lên, cho chúng vào hai lớp túi nilon và bỏ vào thùng rác.
Cơ quan cho biết: “ Đây là một cách tốt để phân hủy chúng”.
Đây là một trong những cơ quan nhà nước đầu tiên đưa ra cảnh báo về vụ việc này.
Hôm thứ Ba (28/7), sau khi người dân Canada báo cáo sự việc tương tự, Cơ quan Thanh tra Thực phẩm Canada cũng đưa ra cảnh báo cho công dân của mình về hạt giống không xác định được gửi tới nhà dân.
Các cảnh báo của các bang Hoa Kỳ có thể được xem bên dưới:
Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, California, Colorado, Connecticut, Delaware, Florida, Georgia, Hawaii, Idaho, Illinois, Indiana, Iowa, Kansas, Kentucky, Louisiana, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Mississippi, Missouri, Montana, Nebraska, Nevada, New Hampshire, New Jersey, New Mexico, New York, North Carolina, North Dakota, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Utah, Vermont, Virginia, Washington state, West Virginia, Wisconsin, và Wyoming.
Nguyễn Minh
Theo The Epoch Times

Covid-19 :

Mỹ đẩy mạnh cuộc săn lùng gián điệp Trung Quốc

Thùy Dương
Gián điệp Trung Quốc là chủ đề được báo chí Pháp nhắc đến nhiều trong những ngày qua, trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao Mỹ – Trung đặc biệt gia tăng trong tuần trước.
Các cường quốc gài gián điệp dọ thám lẫn nhau không phải là điều mới mẻ. Việc Mỹ và Trung Quốc cáo buộc lẫn nhau làm gián điệp cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên. Nhưng điều đáng nói là trong vòng một tuần, Washington liên lục đưa ra ánh sáng các vụ tin tặc, gián điệp Trung Quốc dọ thám và đỉnh điểm là quyết định yêu cầu tòa lãnh sự Trung Quốc tại Houston, Texas, đóng cửa, kéo theo đòn trả đũa của Bắc Kinh là đóng cửa lãnh sự quán Mỹ tại Thành Đô.
Quyết định của Washington ngày 21/07/2020 về việc cho đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc tại Houston như « tiếng sấm nổ bên tai ». Trên đài France Info ngày 25/07, bà Valérie Niquet, phụ trách cơ quan nghiên cứu châu Á, thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, nhấn mạnh : « Đây là lần đầu tiên kể từ năm 1979 và kể từ khi Trung Quốc và Mỹ tái lập quan hệ, một tòa lãnh sự của Trung Quốc bị Mỹ yêu cầu đóng cửa ».
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Morgan Ortagu, giải thích quyết định của Washington là nhằm « bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và các thông tin cá nhân của người Mỹ »,khẳng định « Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho việc Trung Quốc có những hành động vi phạm chủ quyền của Mỹ và đe dọa nhân dân Mỹ ».
Hàng loạt vụ bắt tin tặc, gián điệp Trung Quốc
Theo giới quan sát, cuộc chiến của Washingtion chống gián điệp Trung Quốc đặc biệt gia tăng giữa lúc khủng hoảng Covid-19. Chỉ trong vòng một tuần, bắt đầu từ ngày 21/07, hàng loạt vụ việc liên quan đến gián điệp Trung Quốc bị Washington « lôi ra trước ánh sáng ».
Ngày 21/07, trong một thông cáo, bộ Tư Pháp Mỹ thông báo đã phát lệnh truy nã hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc (Xiaoyu Li) và Đổng Gia Chí (Jiazhi Dong). Hai người này hiện đang ở Trung Quốc và bị Mỹ cáo buộc đã tiến hành các cuộc tấn công tin tặc nhắm vào hàng trăm tổ chức phi chính phủ, công ty công nghệ cao, định chế và cơ quan hành chính của Mỹ và 10 quốc gia khác, trong đó có Đức, Anh, Bỉ, Úc, Nhật, Hàn Quốc … trong suốt hơn 10 năm. Phó giám đốc FBI, David L. Bowdich, khẳng định hai tin tặc này hoạt động dưới sự chỉ đạo của cơ quan tình báo Trung Quốc.
Ngày 23/07, bộ Tư Pháp Mỹ lại thông báo đã bắt giữ một người phụ nữ Trung Quốc tên là Juan Tang, 37 tuổi, chuyên gia về bệnh ung thư, đến học tập, nghiên cứu tại đại học California từ tháng 01/2020. Trước đây, bà Tang làm việc trong một quân y viện của Trung Quốc. Sau khi bị FBI phát giác dùng hộ chiếu giả, che giấu mối liên hệ với quân đội Trung Quốc khi xin visa nhập cảnh vào Mỹ nhằm mục đích dọ thám, Juan Tang đã đến ẩn náu ở lãnh sự Trung Quốc tại San Francisco, nhưng cuối cùng, bà Tang cũng bị Washington bắt.
Các chưởng lý liên bang tố cáo bà Tang là sĩ quan và là nhà nghiên cứu của bệnh viện của lực lượng không quân Trung Quốc. Nếu bị tòa kết tội, Juan Tang sẽ phải chịu án tù giam lên tới 10 năm và nộp phạt 250.000 đô la. Trước khi bà Tang bị bắt, có ba nhà khoa học khác của Trung Quốc cũng bắt vì cáo buộc tương tự ở California và Indiana. Theo trang tin Fr 24 News, bộ Tư Pháp Mỹ nhận định các vụ đó mới chỉ là một phần nhỏ trong một mạng lưới lớn tại ít nhất 25 thành phố của Mỹ.
Đến ngày 24/07, bộ Tư Pháp Mỹ lại thông báo một công dân Singapore thú nhận trước một tòa án liên bang là đã làm gián điệp cho Trung Quốc thông qua việc dùng danh tính giả, tự nhận là người tuyển dụng nhân viên phục vụ chính phủ và quân đội Mỹ để thu thập và cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin nhạy cảm của Whasington.
Nghiên cứu Covid-19 : mục tiêu mới của tin tặc, gián điệp Trung Quốc
Trở lại vụ hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc và Đổng Gia Chí, theo bộ Tư Pháp Mỹ, ngoài các bí mật liên quan đến các vệ tinh của quân đội, pin mặt trời và hóa chất …, kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát, hai tin tặc Trung Quốc Lý Tiểu Ngọc và Đổng Gia Chí đặc biệt nhắm vào các doanh nghiệp nghiên cứu vac-xin ngừa virus corona. Theo chưởng lý liên bang phụ trách hồ sơ, mới đây, hai người này đã tấn công vào một số doanh nghiệp ở California, chuyên về nghiên cứu vac-xin, điều trị và xét nghiệm tầm soát virus corona, cũng như hai doanh nghiệp công nghệ sinh học ở Maryland và Massachusetts.
Ngoài ra, phải kể đến tổ hợp y khoa lớn ở thành phố Houston, Texas, trong đó có đại học y Baylor và bệnh viện Houston Methodist. Đài France 24 cho biết các cơ quan tình báo Mỹ cũng khẳng định đại học Oxford của Anh và ngành công nghệ dược phẩm của Pháp, trong đó có cả hãng dược nổi tiếng Sanofi, cũng bị gián điệp Trung Quốc « nhòm ngó ».
Chính quyền Mỹ không nói rõ hai tin tặc Trung Quốc đã lấy được thông tin bí mật của các doanh nghiệp hay chưa, nhưng theo AFP ngày 22/07, ông John Demers, đặc trách các vấn đề an ninh quốc gia của bộ Tư Pháp, lo ngại là các vụ tấn công tin tặc hoặc các âm mưu tấn công mạng khiến công tác nghiên cứu, vốn đang rất cấp bách để có thể khống chế dịch bệnh, bị chậm lại.
Đài France Info ngày 25/07 trích dẫn ông Julian Barne, chuyên gia của New York Times, tác giả các bài điều tra về gián điệp Trung Quốc, theo đó kể từ khi virus corona xuất hiện, các hoạt động gián điệp đã tăng mạnh và « vào thời chiến tranh lạnh, người ta đánh cắp các bí mật quân sự và các bí mật về công cuộc chinh phục không gian … còn hiện giờ, mục tiêu lớn bị nhắm đến là các nghiên cứu về vac-xin. Các doanh nghiệp về công nghệ sinh học và dược phẩm bị nhắm đến, nhưng các trường đại học cũng vậy, vì đó là nơi tiến hành nhiều nghiên cứu, và máy tính của các trường đại học thì dễ bị xâm nhập hơn. Khác với doanh nghiệp, trường đại học không có nhiều tiền để đầu tư vào an ninh mạng. »
Ngay từ hôm 13/05, cảnh sát liên bang và cơ quan an ninh mạng của Mỹ đã cảnh báo các nhà khoa học Mỹ đang nghiên cứu về virus corona về nguy cơ bị tin tặc Trung Quốc tấn công. Theo các nhà bình luận, rất hiếm khi cảnh sát liên bang và cơ quan an ninh mạng của Mỹ làm như vậy. Đến ngày 07/07, giám đốc FBI Christopher Wray tố cáo Trung Quốc đang tìm cách gây hại cho công tác nghiên cứu của Mỹ về Covid-19.
Theo các chuyên gia, những vụ phát giác liên tục trong tuần trước chỉ là « phần nổi của tảng băng chìm ». « Cuộc chiến gián điệp » của Mỹ chống Trung Quốc sẽ còn quyết liệt, nhất là trong bối cảnh cả thế giới đang ngóng chờ vac-xin, niềm hy vọng để vượt qua đại dịch. Không phải vô cớ mà cả chính quyền và các dân biểu Mỹ đều khẳng định Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Mỹ thời Covid-19 !

Birx, Fauci: Khuyến khích sử dụng

khẩu trang kết hợp kính bảo hộ hoặc tấm che mặt

Bình luậnTrần Anh
Đối với những ai tìm kiếm “sự bảo vệ hoàn hảo”, thì họ thêm có thêm một rào cản vật lý để bảo vệ vùng mắt…
Theo lời Tiến sĩ Anthony Fauci – giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia (NIAID) trong cuộc phỏng vấn hôm thứ Tư (30/7), đeo kính bảo hộ hoặc kết hợp mặt nạ che mắt với khẩu trang thì sẽ có được sự bảo vệ đầy đủ nhất trước COVID-19.
Giám đốc của NIAID nói với ABC News rằng, mọi người có niêm mạc không chỉ ở mũi và ở miệng mà còn có ở mắt, vì vậy những ai tìm kiếm “sự bảo vệ hoàn hảo” thì cũng nên có thêm một rào cản vật lý để bảo vệ vùng mắt.
“Trên lý thuyết, bạn nên bảo vệ tất cả các bề mặt niêm mạc, và nếu bạn có kính bảo hộ hoặc có tấm che mắt, bạn nên sử dụng nó.” – Tiến sĩ Fauci nói. “Đây không phải là khuyến nghị chung, nhưng nếu bạn muốn được chu toàn, có lẽ bạn nên sử dụng nó”.
Theo hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC), bạn nên có một lớp phòng vệ cho mắt, ví dụ như đeo kính bảo hộ hoặc tấm che mặt, nhưng chỉ khi ở trong phòng của bệnh nhân hoặc trong các cơ sở chăm sóc sức khỏe. Ngày 15/7, hướng dẫn này của CDC có cập nhật thêm rằng kính bảo vệ có khoảng trống giữa kính và mặt sẽ không hoàn toàn bảo vệ bạn khỏi các giọt bắn hoặc hơi sương có virus.
Hướng dẫn của CDC cũng chỉ ra cách tốt nhất để tránh mắc phải bệnh là giảm tiếp xúc với virus, bằng những cách như giãn cách xã hội, rửa tay thường xuyên, khử trùng các bề mặt, và đeo khẩu trang.
Theo chú thích trong phần lưu ý đối với việc đeo khẩu trang, CDC nói rằng “việc lựa chọn sử dụng tấm che mặt khi tiếp xúc gần với người khác là một điều nên làm”; và nếu họ không đeo khẩu trang, những tấm che mặt như vậy nên che được hết hai bên mặt và kéo dài xuống tới cằm.
Hướng dẫn cũng có viết: “CDC không khuyến khích sử dụng tấm che mặt cho các sinh hoạt thường ngày hoặc sử dụng tấm che mặt bằng vải để thay thế”.
Trong cuộc phỏng vấn với đài ABC, giám đốc Fauci cũng đưa ra một trong những lý do khiến kính phòng hộ chưa được vào khuyến nghị chính thức, là vì “người ta rất dễ chỉ sử dụng vải để làm tấm che mặt”.
Điều phối viên của Lực lượng đặc nhiệm chống COVID-19 của Nhà Trắng, Tiến sĩ Deborah Birx, cũng ủng hộ khuyến nghị của Tiến sĩ Fauci khi đề cập tới kính bảo hộ và tấm che mặt – trong cuộc phỏng vấn vào thứ Năm trên chương trình truyền hình Fox & Friends.
Birx nói: “Khẩu sẽ bảo vệ người khác, nó chặn những giọt bắn và ô nhiễm (từ giọt bắn) khi bạn nói chuyện hoặc hát hò hoặc trao đổi, thậm chí là khi thở”.
“Còn đối với bảo hộ ở trên mặt (kính bảo hộ và tấm che mặt) – chúng tôi nghĩ rằng chúng sẽ bảo vệ cá nhân khi làm giảm khả năng họ tự chạm vào mắt và cả virus bên ngoài từ giọt bắn. Vì thế nên mới có hai công nghệ khác nhau cho hai lý do khác nhau”.
Trần Anh
- Theo The Epoch Times.

Cựu ứng cử viên Tổng thống Mỹ

Herman Cain qua đời vì COVID

Herman Cain, doanh nhân theo Đảng Cộng hòa và từng có lúc dẫn đầu trong cuộc đua giành đề cử ứng cử viên Tổng thống của đảng này vào 2012, qua đời hôm 30/7 do virus corona. Ông hưởng thọ 74 tuổi.
Ông Cain nằm viện một tháng ở thành phố Atlanta, lúc đầu có vẻ hồi sức nhưng sau đó suy sụp trong những ngày gần đây.
Ông Cain đã tham dự cuộc tập hợp vận động chính trị của Tổng thống Donald Trump tại Tulsa, bang Oklahoma, vào ngày 20 tháng 6, một sự kiện mà sau đó dẫn tới nhiều trường hợp nhiễm Covid-19.
Nhưng ông Cain, không đeo khẩu trang trong cuộc tập hợp đó, nói rằng ông đã đi nhiều nơi khác vào thời điểm đó. Không rõ ông đã nhiễm virus này ở đâu.
Khi qua đời, ông Cain là chủ tịch của một hội người da đen ủng hộ ông Trump mang tên Black Voices for Trump. Năm ngoái, Tổng thống đã đề cử ông Cain vào một vị trí trong Hội đồng Cục Dự trữ Liên bang, ngân hàng trung ương của Mỹ, nhưng ông Cain rút lui sau khi vấp phải sự chống đối.

Hạ viện Mỹ bắt buộc

đeo khẩu trang bên trong Điện Capitol

Hạ viện Hoa Kỳ ngày 30/7 bắt đầu chính sách bắt buộc đeo khẩu trang, theo lệnh của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, người đang đối mặt với áp lực ngày càng tăng để giải quyết những lo ngại về vấn đề an toàn cho các nhà lập pháp của Mỹ.
Bà Pelosi ban hành lệnh này vào cuối ngày 29/7 sau khi Dân biểu Đảng Cộng hòa Louie Gohmert xét nghiệm dương tính với virus corona. Ông Gohmert gần đây đã được nhìn thấy không đeo khẩu trang bên trong Điện Capitol.
Politico loan tin về kết quả xét nghiệm của ông đầu tiên. Tin này loan đi trước khi ông Gohmert dự kiến sẽ bay về bang nhà Texas hôm 29/7 cùng với Tổng thống Donald Trump. Ông Gohmert không thực hiện chuyến đi.
Sau khi xét nghiệm, ông Gohmert nói với đài KETK ở Texas rằng ông đã đeo khẩu trang vài lần trong tuần qua và nói: “Tôi không thể không thắc mắc là phải chăng vì đeo khẩu trang suốt nên tôi có thể đã làm dính virus lên khẩu trang và hít vào hay không. Tôi không biết.”
Ông Gohmert nói trong một cuộc phỏng vấn với CNN vào tháng trước rằng ông không đeo khẩu trang vì ông thường xuyên được xét nghiệm.
Theo quy định mới trong Hạ viện, tất cả các thành viên của Quốc hội và nhân viên được yêu cầu đeo khẩu trang mọi lúc bên trong Tòa nhà Quốc hội và các cao ốc văn phòng Quốc hội.

Reuters: Tin tặc Trung Quốc

tấn công hãng bào chế vắc-xin Moderna

Các tin tặc có liên hệ với chính phủ Trung Quốc trong năm nay đã nhắm mục tiêu vào công ty công nghệ sinh học Moderna, công ty chuyên nghiên cứu phát triển vắc-xin chống virus corona hàng đầu có trụ sở tại Mỹ, để đánh cắp dữ liệu có giá trị, Reuters loan tin, dẫn nguồn là một quan chức an ninh Mỹ chuyên theo dõi hoạt động xâm nhập tin tặc của Trung Quốc.
Tuần trước, Bộ Tư pháp Mỹ công khai cáo trạng đối với hai công dân Trung Quốc bị buộc tội do thám Hoa Kỳ, bao gồm ba mục tiêu không nêu tên ở Mỹ có liên quan đến nghiên cứu y tế để chống lại đại dịch COVID-19. Cáo trạng nêu rằng các tin tặc Trung Quốc đã “tiến hành do thám” nhắm vào mạng máy tính của một công ty công nghệ sinh học ở bang Massachusetts được biết là đang bào chế một loại vắc-xin ngừa virus corona vào tháng 1.
Reuters cho biết Moderna, đặt trụ sở tại Massachusetts và đã công bố vắc-xin COVID-19 tiềm năng của mình vào tháng 1, xác nhận với hãng tin này rằng công ty đã trao đổi liên lạc với Cục Điều tra Liên bang (FBI) và được biết về “các hoạt động do thám thông tin” bị tình nghi của nhóm tin tặc bị nêu tên trong cáo trạng tuần trước.
Các hoạt động do thám có thể bao gồm một loạt các hành động, bao gồm lục lọi các website công cộng để tìm các lỗ hổng an ninh cho đến việc do thám các tài khoản quan trọng sau khi xâm nhập một mạng lưới, các chuyên gia an ninh mạng cho biết, theo Reuters.
Reuters nói quan chức an ninh Mỹ, người phát biểu với điều kiện ẩn danh, không cung cấp thêm thông tin chi tiết. FBI và Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ từ chối tiết lộ danh tính của các công ty mà tin tặc Trung Quốc nhắm đến.
Vắc-xin tiềm năng của Moderna là một trong những hy vọng sớm nhất và lớn nhất của chính quyền Trump để chống lại đại dịch. Chính phủ liên bang đang tài trợ phát triển vắc-xin của công ty này với gần nửa tỉ đôla và đang giúp Moderna triển khai thử nghiệm lâm sàng lên tới 30.000 người vào đầu tháng này.
Trung Quốc cũng đang chạy đua để phát triển một loại vắc-xin, huy động các khu vực nhà nước, quân sự và tư nhân để chống lại căn bệnh đã giết chết hơn 660.000 người trên toàn thế giới.
Reuters cho biết khi được yêu cầu bình luận, Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington chỉ ra một phát biểu gần đây của Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Trung Quốc từ lâu là một nạn nhân chính của các vụ trộm cắp và tấn công mạng” và các quan chức nước này “kiên quyết phản đối và chống lại” các hoạt động đó.
Chính phủ Trung Quốc liên tục phủ nhận bất kì vai trò nào trong các vụ tấn công tin tặc trên toàn cầu. Người phát ngôn của đại sứ quán không trả lời các câu hỏi cụ thể được gửi qua email, Reuters nói.

Sinh viên tính đến Mỹ học online: ‘Ở nhà học là hơn’

Những sinh viên Việt Nam nào sắp sửa đến Mỹ để bắt đầu năm học mới vào mùa thu này mà trường họ đăng ký đã chuyển hoàn toàn qua dạy trực tuyến vì COVID thì ‘nên ở lại trong nước để học’ vì Mỹ sẽ không cho vào, một vị giáo sư gốc Việt đưa ra lời khuyên.
Theo quy định mới của Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan Mỹ (ICE) được làm rõ hôm 24/7 thì các sinh viên quốc tế mới được các trường Mỹ nhận vào sẽ không được cấp thị thực đến Mỹ trong học kỳ thu tới đây nếu các trường đó dạy hoàn toàn qua mạng.
Sinh viên ‘mới’ là những ai được nhận vào các trường ở Mỹ sau ngày 9/3. Còn những sinh viên nào đã được nhận vào học trước thời hạn đó, nhưng đã rời khỏi nước Mỹ, thì nay vẫn có thể được cấp visa nhập cảnh lại cho dù trường họ dạy 100% online.
Theo bản ghi nhớ của ICE thì nếu trường nào ở Mỹ chuyển sang chương trình hỗn hợp – tức là vừa dạy trực tuyến vừa có lớp trực tiếp – thì thị thực cho các sinh viên quốc tế đến Mỹ nhập học ‘tùy thuộc vào sự phê chuẩn của Bộ Ngoại giao’.
‘Qua sau cũng không muộn’
Trao đổi với VOA, Giáo sư-Tiến sĩ Charles Cường Nguyễn thuộc Đại học Công giáo Hoa Kỳ ở thủ đô Washington D.C. khuyên các sinh viên Việt Nam được nhận vào trường ở Mỹ sau ngày 9/3 mà trường chỉ dạy online thì ‘nên ở lại trong nước học online’.
“Đợi đến học kỳ xuân năm sau, khi tình hình dịch bệnh đã ổn định rồi, các trường đại học thay đổi cách dạy và học thì lúc đó từ Việt Nam qua Mỹ học sẽ chưa muộn,” ông nói.
“Giả dụ bây giờ thay vì đến trường để học 5 lớp nhưng mà 5 lớp đó đều học trực tuyến hết thì mình cứ ở Việt Nam lấy lớp và thông báo cho trường là mình vẫn tiếp tục học chương trình,” Giáo sư Cường hướng dẫn.
Riêng đối với các ngành kỹ thuật và công nghệ mà sinh viên phải sử dụng các phòng thí nghiệm, Tiến sĩ Cường thừa nhận sẽ là bất lợi cho các sinh viên học qua mạng. Tuy nhiên, ông cho rằng chương trình học kéo dài đến 4 năm nên việc thực tập trong phòng thực nghiệm trong năm đầu có thể dồn sang những năm sau. “Khi dịch bệnh đã ổn rồi thì sinh viên sang học, lúc đó vào phòng thí nghiệm bù cũng được,” ông nói.
“Cái lợi là sinh viên ở nhà đỡ được tiền đi qua đây học, tiền ở ký túc xá và tiền ăn nữa,” nguyên Hiệu trưởng Trường Kỹ sư, Đại học Công giáo Hoa Kỳ, cho biết thêm.
Ông nói các tân sinh viên không phải lo vì không được tham dự các buổi ‘định hướng’ (orientation) khi khai giảng vì các trường sẽ tổ chức các buổi định hướng thực tế ảo (virtual) để sinh viên có thể được hướng dẫn từ Việt Nam.
Theo lời ông thì trước tình hình mới, các trường đại học ở Mỹ đang thiết lập các nền tảng ‘thực tế ảo’ vốn cho phép các sinh viên học qua mạng ‘nhưng cảm thấy như là đang ở trong lớp học’.
Về các buổi thảo luận nhóm hay thuyết trình, ông cho biết các nền tảng như Zoom có thể tạo ra trải nghiệm thảo luận ‘thấy mặt tất cả bạn bè và giáo sư’.
Còn nếu sinh viên lo ngại rằng học trực tuyến thì kết quả học tập không được tốt, vị giáo sư này cho biết bên cạnh chấm điểm theo chữ cái, các trường đại học Mỹ còn cho phép sinh viên chọn hình thức đậu/rớt (pass/fail). Chọn hình thức này, sinh viên kết thúc môn học không thể hiện điểm. Do đó, nếu đậu mà điểm xấu thì điểm xấu này cũng không bị ghi vào điểm trung bình chung của sinh viên (GPA). Còn nếu rớt thì sinh viên có thể học lại môn đó.
“Các sinh viên Việt Nam cứ học online như vậy nếu cuối cùng cảm thấy không học nổi thì có thể xin hình thức pass/fail,” ông nói.
‘Quy định công bằng’
Về khả năng tới học kỳ mùa xuân các trường vẫn duy trì online toàn phần, Giáo sư Cường thừa nhận rằng ‘các trường không thể nào ổn định được cho đến khi nào có vaccine’.
“Trong mấy tháng tới thì các trường đại học sẽ quyết định cách đối phó với dịch bệnh, chẳng hạn trường của chúng tôi đã cho sinh viên mùa thu tới trở lại học bằng hình thức hỗn hợp giữa trực tiếp và trực tuyến. Nếu thành công thì sẽ tiếp tục, còn nếu dịch bệnh hoành hành trở lại thì chắc chắn sẽ học online hết,” ông cho biết.
Một số sinh viên băn khoăn liệu việc học trực tuyến có đáng số tiền họ đã bỏ ra để được tới lớp tiếp thu kiến thức hay không. Giáo sư Cường cho biết hiện giờ một số đại học đã ‘có chương trình giúp đỡ để giảm bớt học phí cho sinh viên’.
Ông cũng khuyên các sinh viên Việt Nam đừng chỉ vì học trực tuyến ở Việt Nam một hay vài học kỳ mà bỏ luôn việc học ở Mỹ.
“Mục đích đi học ở Mỹ là cuối cùng ra cái bằng của trường đại học nào đó, nếu bị khó khăn ngay ban đầu chỉ khoảng 1 năm hay 1 năm rưỡi thôi mà bỏ thì coi như bỏ mất dịp được học vào một trường tốt ở Mỹ, sẽ uổng đi,” ông nói.
Vẫn theo lời vị giáo sư lâu năm của Đại học Công giáo Hoa Kỳ, sinh viên có thể ‘chọn nhảy qua trường khác (có lớp học trực tiếp) hay học trước ở Việt Nam rồi chuyển tiếp sang chương trình Mỹ. “Nhưng đã quyết định chọn trường để có được tấm bằng của trường đó, thì mình nên kiên nhẫn,” ông khuyên.
Với tư cách là giáo sư đại học, ông Charles Cường Nguyễn cho rằng quyết định của ICE ‘là công bằng’ trong tình hình dịch bệnh virus corona.
“Chính quyền Mỹ chỉ muốn bảo vệ người dân Mỹ và giảm bớt người nước ngoài có thể mang bệnh tật vào,” ông nói.
“Sẽ là bất công nếu buộc các sinh viên đã ở Mỹ rồi phải về nước vì học hoàn toàn online, vì họ về nước không được mà ở lại Mỹ cũng bị trục xuất,” ông đề cập đến quyết định gây tranh cãi trước đây mà ICE đã rút lại.
“Nhưng đối với những sinh viên chưa tới Mỹ thì chính phủ Mỹ thừa sức biết rằng nếu các chương trình online đã được thiết lập rồi thì bất cứ ở đâu các sinh viên cũng không bị thiệt hại gì,” ông giải thích và cho biết ‘không có lý do gì các trường đại học chống lại quyết định này của chính phủ’.
Theo thống kê của Chronicle of Higher Education qua theo dõi kế hoạch học kỳ mùa thu của hơn 1.250 trường đại học ở Mỹ thì có 12% trường chuyển sang dạy online hoàn toàn, 34% đưa ra chương trình hỗn hợp và phân nửa sẽ mở lớp lại bình thường.
Đại học danh giá Harvard của Mỹ đã gửi email cho sinh viên thông báo rằng sinh viên quốc tế sẽ không được phép đến trường vào học kỳ mùa thu vì các lớp học sẽ hoàn toàn qua mạng. Sinh viên có thể chọn học online hay hoãn việc học lại.

NASA phóng thành công tàu thăm dò sao Hỏa

để tìm kiếm dấu hiệu sự sống ngoài hành tinh

Bình luậnVăn Thiện
Tàu thăm dò sao Hỏa phóng lên hôm thứ Năm là tàu lớn nhất từng được Nasa tạo ra với kích thước một chiếc xe ô tô có gắn camera, micro, khoan và laser. Nó là một phần của một dự án đầy tham vọng nhằm mang các mẫu đá sao Hỏa đầu tiên trở lại Trái đất để phân tích và tìm bằng chứng về sự sống cổ xưa.
Tên lửa Atlas V mang theo tàu thăm dò Perseverance của NASA là tên lửa thứ 3 và cũng là cuối cùng được phóng lên sao Hỏa vào mùa hè này. Trước đó Trung Quốc và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất đã phóng tên lửa đầu tuần trước. Cả ba nhiệm vụ cần đạt được điểm đến của họ trong tháng 2/2021 sau một hành trình 7 tháng và 300 triệu dặm (480 triệu km).
Chiếc Perseverance gồm 6 bánh chạy bằng plutonium sẽ khoan sâu và thu thập các mẫu vật địa chất nhỏ để mang về Trái đất vào khoảng năm 2031 trong một chặng bay tiếp sức liên hành tinh liên quan đến nhiều tàu vũ trụ và các quốc gia. Tổng chi phí: hơn 8 tỷ đô la.
Trưởng nhóm nhiệm vụ khoa học của NASA, Thomas Zurbuchen, tuyên bố vụ phóng khởi đầu cho “chuyến đi vòng quanh đầu tiên của loài người đến hành tinh khác”.
Ngoài việc giải quyết câu hỏi về sự sống trên sao Hỏa, sứ mệnh sẽ mang lại những hiểu biết để có thể mở đường cho sự xuất hiện của các phi hành gia sớm nhất là vào những năm 2030.
Quản trị viên của NASA Jim Bridenstine nói trước khi tên lửa cất cánh: “Có một lý do chúng tôi gọi robot là Perseverance (sự kiên trì). Bởi vì đi đến Sao Hỏa rất khó khăn. Trong trường hợp này, nó khó hơn bao giờ hết vì chúng tôi đang làm điều đó giữa đại dịch”.
Hoa Kỳ, quốc gia duy nhất đưa tàu vũ trụ lên sao Hỏa một cách an toàn, đang tìm kiếm cuộc đổ bộ thành công thứ 9 lên hành tinh đỏ, được xem là Tam giác quỷ Bermuda về thám hiểm không gian khi đã khiến hơn một nửa các tàu thăm dò thuộc các nhiệm vụ của thế giới bốc cháy, vỡ vụn hoặc kết thúc trong thất bại.
Trước đó, Trung Quốc cũng gửi cả một tàu thăm dò và một tàu quỹ đạo và UAE, một quốc gia mới, cũng có một tàu quỹ đạo đang trên đường đến sao Hỏa.
Tháng này có số lượng vụ phóng tàu lên sao Hỏa nhiều nhất trong lịch sử vũ trụ. Cơ hội bay giữa Trái đất và Sao Hỏa chỉ xuất hiện một lần trong vòng 26 tháng khi các hành tinh ở cùng một phía của Mặt trời và ở gần nhất có thể.
Những người điều khiển vụ phóng phải đeo khẩu trang và ngồi cách nhau tại trung tâm điều khiển Cape Canaveral do sự bùng phát của dịch virus Corona Vũ Hán. Dịch bệnh cũng khiến hàng trăm nhà khoa học và các thành viên khác trong nhóm tránh xa khỏi điểm phóng lên của Perseverance.
Khoảng một giờ sau chuyến bay, những người điều khiển đã vỗ tay mừng rỡ khi tên lửa hoàn toàn thoát ra khỏi quỹ đạo quanh Trái đất và bắt đầu lao về phía sao Hỏa.
Kỹ sư trưởng của Perseverance, Adam Steltzner, cho biết từ Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực của NASA ở Pasadena, California: “Tàu đã rời khỏi Trái Đất và đang trên đường tới sao Hỏa”.
“Thật quá sức tưởng tượng!”, Alex Mather, cậu học sinh 13 tuổi ở Virginia, người đã đề xuất cái tên Perseverance trong một cuộc thi của NASA nói trong khi theo dõi buổi phóng tàu vũ trụ với bố mẹ.
Vụ phóng đã diễn ra vào lúc 7:50 sáng (giờ địa phương) mặc dù trận động đất mạnh 4,2 độ richter đã xảy ra 20 phút trước khi tên lửa bay lên làm rung chuyển Phòng thí nghiệm Động cơ phản lực.
Nếu mọi việc suôn sẻ, tàu thăm dò sẽ rơi xuống bề mặt sao Hỏa vào ngày 18/2/2021, theo cái cách mà NASA gọi là 7 phút khủng khiếp, khi đó tàu bay với vận tốc 12.000 dặm/giờ (19.300 km/h) đến điểm dừng hoàn toàn mà không có sự can thiệp của con người.
Perseverance sẽ nhắm đến lãnh thổ sao Hỏa chưa được khám phá: Miệng núi lửa Jezero, với những tảng đá, vách đá, cồn cát. Có thể là những tảng đá mang dấu hiệu hóa học của vi khuẩn từ nơi từng là một hồ nước cách đây hơn 3 tỷ năm. Tàu thăm dò sẽ lưu trữ các mẫu đá có trọng lượng nửa ounce (15 gram) trong hàng chục ống titan siêu tiệt trùng.
Nó cũng sẽ giải phóng một máy bay trực thăng mini để thực hiện chuyến bay thử đầu tiên trên hành tinh khác và thử nghiệm các công nghệ khác để chuẩn bị cho các phi hành gia trong tương lai, bao gồm thiết bị trích xuất oxy từ bầu khí quyển carbon dioxide mỏng của sao Hỏa.
Kế hoạch là NASA và Cơ quan Vũ trụ châu Âu sẽ phóng một chiếc xe địa hình (dune buggy) vào năm 2026 để lấy các mẫu đá, cùng với một tàu tên lửa để đưa các mẫu vật lên quỹ đạo quanh Sao Hỏa. Sau đó, một tàu vũ trụ khác sẽ lấy các mẫu trên quỹ đạo và mang chúng về nhà.
Các mẫu được lấy thẳng từ Sao Hỏa từ lâu đã được coi là “Chén Thánh của khoa học sao Hỏa”, theo Scott Hubbard, giáo sư đã nghỉ hưu từ Đại học Stanford.
Hubbard cho biết, để trả lời dứt khoát câu hỏi sâu sắc về việc liệu sự sống có tồn tại hay không tồn tại ngoài vũ trụ, các mẫu phải được phân tích bằng kính hiển vi điện tử tốt nhất và các thiết bị khác, quá lớn để cho vừa vào tàu vũ trụ.
“Từ khi tôi 9 tuổi, tôi đã muốn biết liệu có sự sống ở nơi nào khác trong vũ trụ không. Đó là hơn 60 năm trước”, Hubbard, 71 tuổi, nói từ cabin phía Bắc California của mình. “Nhưng có thể, tôi sẽ sống để thấy dấu vết của sự sống được mang về từ sao Hỏa trong một trong những mẫu đá đó”.
Bridenstine cho biết: “Không có gì tốt hơn là mang các mẫu về Trái đất nơi chúng ta có thể đặt chúng trong phòng thí nghiệm và chúng ta có thể áp dụng mọi yếu tố công nghệ lên các mẫu đó để đưa ra quyết định về việc sự sống có tồn tại trên bề mặt của sao Hỏa hay không”.
Hai tàu đổ bộ khác của NASA cũng đang hoạt động trên Sao Hỏa: tàu InSight 2018 và tàu thăm dò Curiosity của năm 2012. 6 tàu vũ trụ khác đang khám phá hành tinh từ quỹ đạo: 3 từ Mỹ, 2 từ châu Âu và một từ Ấn Độ.
Văn Thiện
Theo The Epoch Times

Covid-19 : Thế giới vượt 17 triệu ca nhiễm,

Mêhicô bị nặng thứ 3

Mai Vân
Thế giới vào hôm qua, 30/07/2020, đã vượt qua một ngưỡng mới trong dịch virus corona : Số người bị nhiễm đã vượt mốc 17 triệu, trong lúc số nạn nhân tại Châu Mỹ Latinh tiếp tục cao ngất ngưởng. Mêhicô đã lên hàng thứ 3 thế giới về số người chết.
Số ca tử vong vì Covid-19 đã lên đến 667.361 ca, tính từ cuối tháng 12/2019, theo bản tổng kết của AFP dựa trên các nguồn chính thức hôm 30/07.
Theo đại học Johns Hopkins, Hoa Kỳ đã có thêm 1.379 ca tử vong, đưa tổng số người thiệt mạng do Covid-19 lên thành 151.826. Brazil tiếp gót theo Mỹ với 91.263 ca và Mêhicô nay đứng hàng thứ 3 với 46.000 ca từ hôm qua, vượt Anh Quốc.
Riêng về tình hình tại Pháp, theo bộ Y Tế vào hôm 30/07/2020, số ca lây nhiễm mới thường nhật đã vượt mức một ngàn người. Điểm đáng chú ý là số người nhập viện do Covid-19 và phải điều trị tích cực trong khoa hồi sức lần đầu tiên đã tăng lên kể từ đầu tháng 4, tuy chỉ là tăng nhẹ.
Tổng cộng Pháp có 5.375 bệnh nhân phải nằm viện do virus corona, trong đó có 381 ca hồi sức, cao hơn 1 ca so với ngày hôm trước. Pháp cũng có thêm 16 người chết ở bệnh viện, đưa tổng số ca tử vong vì virus corona lên thành 30.254 người.

Gói cứu trợ 860 tỷ

đánh dấu ‘bước chuyển lớn’ của châu Âu

Gói cứu trợ kinh tế sau đại dịch ‘có ý nghĩa lịch sử’ trong tiến trình phát triển của châu Âu: giúp chuyển đổi nền kinh tế của khối sang hướng tự cường, các định chế của khối tiến gần đến mô hình liên bang hơn và chứng tỏ sự gắn kết và hiệu quả của trục Pháp-Đức, một nhà quan sát nhận định.
Hôm 21/7, các lãnh đạo 27 nước thành viên liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói cứu trợ và kích thích kinh tế khổng lồ trị giá 750 tỷ euro, tức tương đương 860 tỷ đô la Mỹ, dưới hình thức vừa cứu trợ vừa cho vay đối với các nước bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 như Ý và Tây Ban Nha.
Thỏa thuận được thông qua ở Brussels sau gần 90 giờ đàm phán không ngừng nghỉ của các lãnh đạo châu Âu mà có lúc bên bờ vực đổ vỡ vì những bất đồng gay gắt giữa các nước. Cuộc đàm phán này được các nhà quan sát đánh giá là ‘cam go nhất’ của khối trong vòng 20 năm trở lại đây.
Nhóm chống đối, được gọi là ‘nhóm khắc khổ’ đứng đầu là Hà Lan cùng với Áo, Thụy Điển và Đan Mạch, muốn số tiền này được đưa ra dưới hình thức cho vay thay vì cho luôn và các nước thành viên có
quyền giám sát chặt chẽ việc chi tiêu thay vì trao trách nhiệm cho Ủy ban châu Âu. Đề xuất này đã bị Ý và Tây Ban Nha phản đối quyết liệt trong khi Đức và Pháp gây sức ép phải đạt được một thỏa thuận.
‘Giấy khai sinh nhà nước liên bang’
Trao đổi với VOA từ thủ đô Paris của Pháp, ông Phạm Cao Phong, một nhà báo tự do, cho biết báo chí Pháp phản ứng ‘hồ hởi’ trước việc gói cứu trợ được thông qua.
Ông dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Pháp, ông Bruno Le Maire, đánh giá rằng ‘đây là một trong những thỏa thuận lịch sử của châu Âu giống như tờ giấy khai sinh ra một nhà nước liên bang mới’, tức là các định chế của EU ngày càng có quyền lực tập trung mạnh mẽ để chi phối hành động của các nước thành viên.
Chi phí cho gói phục hồi kinh tế sau đại dịch này được 27 nước EU cùng gánh chịu dưới hình thức mượn nợ và được chi trả bằng ngân sách EU vào năm 2058, theo Bloomberg.
Ông Phong đưa ra dẫn chứng là khi một thành viên của khối là Hy Lạp bị đắm chìm trong cuộc khủng hoảng nợ công cách nay gần 10 năm, Thủ tướng Đức Angela Merkel không đồng ý cho Hy Lạp vay nếu không có những ràng buộc rất ngặt nghèo. Khi đó, Hy Lạp đã phải quay sang Nga và sau này là Pháp nhờ giúp đỡ. Việc này, theo ông Phong, đã ‘ảnh hưởng rất nhiều đối với tầm nhìn châu Âu’.
“Thỏa thuận này đánh dấu EU từ hình thức liên minh lỏng lẻo tiến gần đến hình thức liên bang,” ông nhận định. “27 nước thành viên như 27 tiểu bang còn Ủy ban châu Âu giống như chính phủ châu Âu.”
Theo lời giải thích của nhà báo này thì nếu trước đây các nước châu Âu ‘ai gặp nạn người nấy tự lo’ thì ‘bây giờ châu Âu nhảy vô giúp đỡ giống như mô hình liên bang’.
Ông cho biết từ trước đến nay chỉ có Đức và Pháp, hai nền kinh tế đầu tàu châu Âu, là ‘hy sinh rất nhiều cho châu Âu’, nhưng qua đại dịch lần này ‘tất cả các nước thành viên đã cùng chung tay lại chứ không còn đấu đá nhau’.
‘Châu Âu cần độc lập’
Ông Phong cho biết dịch bệnh Covid-19 đã khiến châu Âu ‘nhận ra rằng Trung Quốc chơi với mình không tử tế’.
“Bài học Covid quá đắt giá. Chỉ 3 tháng phong tỏa mà gom góp hết tất cả những gì đã phát triển kinh tế trong 5 năm qua để dồn sức chống dịch. May là Pháp vẫn còn tiền của để dành,” ông nói.
Tổng thống Macron từng nói là ‘EU cần phải độc lập, tự chủ trong các ngành kinh tế để không bị lệ thuộc vào Trung Quốc, từ Huawei cho đến khẩu trang, thuốc men’ và chỉ ra việc Trung Quốc thâm nhập sâu vào các nền kinh tế châu Âu như Hy Lạp, Ý là một ‘thực tế đáng lo ngại’.
“Châu Âu bắt buộc phải nhìn nhận ra vấn đề là họ hãy tự mình xây dựng lấy cho mình một nền kinh tế mạnh mẽ để có thể đương cự với thế giới hoặc là có thể chống chọi lại những cái như dịch bệnh,” ông nói.
Do đó, gói kích thích lần này mang tính chất ‘xây dựng lại nền kinh tế châu Âu’ nhiều hơn là ‘cứu trợ dịch bệnh,’ với ba mục tiêu chính được chú ý là chuyển đổi nền kinh tế, đào tạo nhân lực, và đầu tư.
Theo quan sát của nhà báo kỳ cựu này, nước Ý được phân cho số tiền lớn nhất trong gói cứu trợ không chỉ vì bị thiệt hại nặng nề trong đại dịch mà ‘vùng Lombardy của Ý toàn là công xưởng của Trung Quốc, thuê mướn nhân công Trung Quốc’ nên cần phải chuyển đổi để có thể ‘quay lại với châu Âu,’ không bị lệ thuộc vào Ý tưởng Vành đai-Con đường của Trung Quốc.
“Điều quan trọng của gói này là chuyển đổi kinh tế châu Âu sang mô hình thân thiện với môi trường, từ giao thông vận tải cho đến sử dụng năng lượng,” ông giải thích. “Họ có chương trình đào tạo và đầu tư vào những ngành nghề mới rất cụ thể trong đường hướng 7 năm tới.”
Trục Đức-Pháp
Một nguyên nhân quan trọng khiến các nước vượt qua bất đồng để đạt được thỏa thuận là ‘sự đồng thuận Pháp-Đức’ thành một trục thúc đẩy cả châu Âu, như lời Tổng thống Pháp tuyên bố trước các nước chống đối thỏa thuận rằng ‘một khi Pháp-Đức đã thống nhất với nhau thì không có chuyện gì không thể làm được’.
Theo quan sát của ông thì tại hội nghị Brussels, bà Merkel và ông Macron ‘đã vai kề vai’ trong hầu hết các vấn đề. “Ngay cả những việc nhỏ nhất, hai nước cũng phối hợp với nhau như là một,” ông nói.
“Chưa bao giờ có chuyện hai nước liên kết một cách chặt chẽ và thống nhất với nhau như vậy từ trước đến nay,” ông bình luận.
“Pháp dọa rời khỏi EU nếu không thông qua thỏa thuận. Nếu Pháp ra thì liên minh Pháp-Đức sụp, khi đó EU sẽ sụp đổ,” ông Phong bình luận và dẫn lại lời ông Macron nói rằng ‘nếu nước nào lo cho nước nấy thì không thể thành liên minh được’.
Một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đàm phán được các hãng thông tấn quốc tế ghi lại là có lúc Tổng thống Emmanuel Macron ‘đã đập bàn nói ông sẽ bỏ về, không đàm phán gì nữa’.
Đàm phán cam go
Ngoài khoảnh khắc đập bàn dọa bỏ về giữa chừng của Tổng thống Pháp Macron, theo tường thuật của Bloomberg, đã có lúc bầu không khí trở nên căng thẳng đến mức các nhà ngoại giao có mặt tại hội nghị đã cảnh báo rằng đàm phán có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Có lúc Thủ tướng Ý Giuseppe Conte lên án EU bị ‘tống tiền’ bởi các nước nhỏ thuộc nhóm ‘khắc khổ’ và chỉ trích người đồng nhiệm Hà Lan Mark Rutte là ‘tự huyễn hoặc’. Ông Conte đã phẫn nộ trước đòi hỏi quyền phủ quyết của ông Rutte về cách phân bổ số tiền cho từng nước, theo Bloomberg.
Cũng theo hãng tin này, bản thân ông Macron cũng cáo buộc các nước ‘khắc khổ’ là ‘bỏ qua thực tế tài chính của khối’ và có lúc còn mắng Thủ tướng Áo Sebstian Kurz là bỏ ra nghe điện thoại giữa chừng. Ông Kurz sau đó đã giải thích rằng ‘lúc đó ông đã đàm phán liên tục 20 tiếng và rằng ông thông cảm khi người ta mất ngủ họ dễ mất bình tĩnh’.
Ngoài bất đồng bắc-nam giữa các nước khắc khổ với các nước bị dịch nặng nhất về quy mô và cách giám sát gói cứu trợ, còn có tranh cãi đông-tây giữa Tây Âu với các nước như Ba Lan và Hungary vốn bị cáo buộc là ‘đang chà đạp các giá trị dân chủ tự do của khối’, New York Times cho biết.
Các nước Đông Âu này lo ngại số tiền được phân bổ cho họ sẽ bị ràng buộc với các điều kiện khôi phục nền pháp trị và tư pháp độc lập. Tuy nhiên, cuối cùng, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhượng bộ các nước này để đổi lấy sự ủng hộ của họ cho thỏa thuận.
Đề xuất ban đầu được Pháp và Đức đưa ra là 500 tỷ euro tiền cho luôn. Ủy ban châu Âu đề xuất thêm 250 tỷ cho vay. Con số được điều chỉnh lại sau khi đàm phán là 390 tỷ tiền cho và 360 tỷ tiền cho vay. Để đổi lại, các nước ‘khắc khổ’ được EU hoàn lại cho ngân sách của họ số tiền cao hơn.
Dù số tiền cho luôn bị giảm lại so với đề xuất ban đầu, New York Times nhận định đây là ‘thắng lợi ngoạn mục của ông Macron, người đã phá vỡ điều cấm kỵ về gây nợ tập thể và xây dựng nên cơ chế khả dĩ để đối phó với các cuộc khủng hoảng khác của khối trong tương lai’.
Theo tờ báo này thì EU đã thống nhất là Ý, nền kinh tế lớn thứ ba trong khối cũng là nền kinh tế ít cải cách nhất vốn đã ngập trong nợ nần nay lại bị dịch bệnh làm thiệt hại nặng nề, sẽ là nước được hưởng nhiều nhất trong gói cứu trợ này để vực dậy và cải cách nền kinh tế. Bloomberg ước tính Rome sẽ nhận được 82 tỷ euro tiền cho luôn và 127 tỷ tiền cho vay.
“Mặc dù có những tiến bộ, chúng ta không nên tự huyễn hoặc mình,” ông Friedrich Heinemann, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế châu Âu, được New York Times dẫn lời. “Thiếu tính cạnh tranh và triển vọng tăng trưởng thấp ở những nước như Ý không thể nào chỉ được giải quyết bằng cách Brussels cho tiền và cho vay. Chỉ có thể bằng con đường cải cách toàn diện thị trường lao động, quản lý công, giáo dục và sáng tạo mới giải quyết được vấn đề.”

Tin tặc: Liên Hiệp Châu Âu

trừng phạt Nga,Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

Minh Anh
Liên Hiệp Châu Âu ngày 30/07/2020 lần đầu tiên ra thông báo trừng phạt 6 cá nhân và 3 thực thể chịu trách nhiệm hay có can dự vào nhiều cuộc tấn công tin tặc được tiến hành từ Nga và Trung Quốc.
Trong một thông cáo, lãnh đạo ngành ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu, ông Josep Borrell, nêu rõ : « Hội đồng quyết định áp đặt các biện pháp hạn chế đối với 6 cá nhân và 3 thực thể có liên quan hay có tham gia vào nhiều vụ tấn công tin tặc khác nhau. Đó là những mưu toan tấn công tin học nhắm vào Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (OIAC). Những đợt tấn công này được biết đến dưới các tên gọi ʺWannacryʺ, ʺNotPetyaʺ và ʺOperation Cloud Hopperʺ ».
Một cách cụ thể, Liên Hiệp Châu Âu nhắm vào trụ sở GRU, cơ quan quân báo Nga, 1 tổ chức của Trung Quốc và 1 tổ chức của Bắc Triều Tiên có liên hệ với 1 nhóm tin tặc. 6 cá nhân bị trừng phạt bao gồm 4 người Nga, và 2 công dân Trung Quốc.
Những thực thể và cá nhân trên bị cấm nhập cảnh vào lãnh thổ Liên Hiệp Châu Âu và tài sản sẽ bị phong tỏa. Ngoài ra, Liên Hiệp Châu Âu còn cấm các cá nhân và các thực thể của Liên Hiệp Châu Âu lập quỹ tài chính cho những người và cơ quan nằm trong danh sách trừng phạt.
AFP dẫn lời giải thích của ông Josep Borrell cho rằng « những biện pháp này là theo mong muốn của Liên Hiệp Châu Âu và các nước thành viên nhằm bảo vệ sự toàn vẹn, an ninh và sự thịnh vượng của xã hội tự do và dân chủ của chúng ta, cũng như là trật tự được lập trên nền tảng các quy định và sự vận hành tốt của các tổ chức quốc tế ».
Hãng tin Pháp nhắc lại là 4 công dân Nga trong danh sách trừng phạt bị cáo buộc có mưu đồ tấn công hệ thống tin học của OIAC tại La Haye hồi tháng 4/2018. Những người này đã được xác định và bị trục xuất. Cơ quan quân báo Nga GRU bị cáo buộc điều phối chiến dịch này.
Còn 2 công dân Trung Quốc có can dự trong chiến dịch « Cloud Hopper » đã nhắm vào các hệ thống tin học các tập đoàn đa quốc gia tại 5 châu vào năm 2010, kể cả các doanh nghiệp được thành lập tại Liên Hiệp Châu Âu. Đợt tấn công này đã gây ra nhiều thiệt hại kinh tế to lớn. Hãng Huaying Haitai bị tố cáo đã hỗ trợ tài chính cho các tin tặc.
Còn chiến dịch « Wanna Cry » và « NotPetya », xảy ra năm 2017, là những đợt đánh cắp dữ liệu để đòi tiền chuộc. Công ty Bắc Triều Tiên Chosun Expo bị lên án đã hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hay thiết bị cho đợt tấn công này và bị tố cáo có liên hệ với nhóm Lazarus Group, một nhóm « tin tặc » Bắc Triều Tiên.

Số ca nhiễm tăng,

Anh lo sợ làn sóng COVID thứ hai ở Châu Âu

Anh ngày 30/7 báo cáo số ca nhiễm COVID-19 mới cao nhất trong hơn một tháng, trong khi các bộ trưởng lo ngại về làn sóng nhiễm bệnh thứ hai ở Châu Âu và cảnh báo có thể ban hành thêm những hạn chế cách ly.
Thủ tướng Boris Johnson nói COVID-19 hiện đã phần nào được kiểm soát ở Anh, nhưng sự tái bùng phát ở một số nước Châu Âu cho thấy đại dịch chưa kết thúc.
“Một điều tuyệt đối quan trọng cho đất nước là chúng ta tiếp tục duy trì sự tập trung và kỉ luật, và chúng ta không ảo tưởng rằng bằng cách nào đó chúng ta đã thoát nạn hoặc đã hết dịch, bởi vì chưa hết dịch,” ông nói.
Vài giờ sau đó, dữ liệu chính thức cho thấy có thêm 846 ca xét nghiệm dương tính ở Anh – số ca nhiễm bệnh hàng ngày cao nhất kể từ ngày 28 tháng 6.
Anh đã tái áp đặt thời hạn cách ly 14 ngày đối với những người đến từ Tây Ban Nha, một bước đi gây tổn hại trong khi lục địa này đang mở cửa lại cho du lịch vào mùa cao điểm.
Trước đó, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock không nói thẳng ra các nước châu Âu nào có thể sẽ bị đưa vào danh sách cách ly trở lại, nhưng dẫn ra Pháp như một nơi mà số ca nhiễm đã tăng lên hồi gần đây.
Pháp báo cáo gần 1.400 trường hợp mới vào ngày 29/7, mức tăng hàng ngày cao nhất trong hơn một tháng.
Một phân tích từ văn phòng thống kê của Anh ngày 30/7 cho thấy nước này chịu tỉ lệ tử vong cao nhất trong đại dịch COVID-19 so với 21 quốc gia châu Âu, theo Reuters.

Covid-19 : Các bệnh viện Pháp

sẵn sàng đối mặt với làn sóng thứ nhì

Thanh Hà
Trong hai tháng ròng rã, nhân viên tại nhiều bệnh viện Pháp đã bị cuốn vào tâm bão Covid-19 khi mỗi ngày có thêm hơn 500 bệnh nhân Covid-19 phải đưa vào phòng cấp cứu, số ca tử vong vượt ngưỡng 1000, rồi 1500, mỗi ngày. Những « chiến sĩ áo trắng » đã lên tuyến đầu, xả thân để tránh hiện tượng « vỡ đê » khi dịch bệnh lan tràn ra toàn quốc.
Cho dù đã có hơn 50 bác sĩ và y tá, nhân viên y tế tử vong vì Covid-19, sau hơn 8 tuần lễ chống chỏi với đại dịch, Pháp tạm thời khống chế được đà lây lan của siêu vi corona chủng mới.
Tính đến hết ngày 06/07/2020, Pháp ghi nhận 168.000 ca dương tính với virus corona, hơn 77.000 trong số này đã lành bệnh, hơn 30.000 bệnh nhân tử vong.
Nhờ sự tận tâm của giới y tế, cộng với tác động của các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt mà từ ngày 11/05/2020 sau tám tuần lễ « bị cách ly », 66 triệu dân Pháp từng bước sinh hoạt lại gần như bình thường. Từ trường học đến hàng quán, bảo tàng, rạp chiếu phim đã mở cửa trở lại. Thậm chí một vài festival mùa hè được tổ chức trong khuôn khổ thu hẹp.
Khủng hoảng y tế đã tạm lắng tại Pháp, nhưng Covid-19 đang tái phát tại châu Á, châu Mỹ vẫn trong vòng xoáy của siêu vi corona chủng mới và virus corona chưa buông tha Hoa Kỳ. Nhiều nước tại châu Âu phải ban hành trở lại các biện pháp cách ly ở cấp địa phương, RFI tiếng Việt mời giáo sư y khoa, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, bệnh viện Cochin Paris, kể lại về những ngày tháng khó khăn nhất mà giới y tế tại Pháp vừa trải qua. Giới y khoa Pháp đã học hỏi được những gì từ mùa dịch vừa rồi và liệu có sẵn sàng đối phó nếu như  « làn sóng dịch thứ nhì » ập tới ?
PV Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn- Paris
RFI: Xin kính chào bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, thưa ông, mùa xuân vừa qua dịch Covid-19 đã bùng phát tại ba vùng Le Grand Est ở miền đông, Les Hauts de France ở miền bắc và nhất là Paris và cùng phụ cận. Làm việc tại bệnh viện Cochin Paris, bác sĩ có thể cho biết trong thời gian qua, ở vào đỉnh dịch, nhân viên y tế Pháp đã phải vượt qua những khó khăn cụ thể nào ?
Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : « Chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn đến từ nhiều phía khác nhau.Thứ nhất là về nhân lực. Bác sĩ và các khoa đều đã biến thành những khoa chuyên chữa trị Covid-19. Như đã biết, đây là bệnh rất dễ lây lan, tuy nhiên chỉ gây tử vong khi hai lá phổi của bệnh nhân bị tràn ngập dấu vết SARCoV-2. Những trường hợp này bị phân thành hai loại. Nặng thì phải đưa vào các khoa chuyên môn hay cấp cứu tức thời, còn nếu nhẹ hơn thì được giữ lại ở bệnh viện để theo dõi nếu cần có thể đưa đến việc dùng trợ thở oxy hay thở máy không xâm lấn trong các khoa cấp cứu réanimation. Trong những ngày đầu của mùa dịch, các giới chức có thẩm quyền đã tổng kết số giường bệnh có thể được dùng để điều trị cho những bệnh nhân bị nặng nhất. Pháp có 5.000 giường loại này ở thời điểm đó. Có nghĩa là nếu có hơn 5.000 bệnh nhân thì sẽ có những ca không được đưa vào khoa cấp cứu réanimation. Do vậy, tất cả các bệnh viện, đặc biệt là ở vùng Paris đã chủ trương tăng số giường cấp cứu hồi sức này từ 5.000 lên 7.000 rồi 10.000 và nếu cần có thể lên tới 14.000. Trong những ngày cao điểm nhất số bệnh nhân rất nặng cũng chỉ ở khoảng 7.000 trên toàn quốc. Đó là một điều may ».
RFI : Thưa bác sĩ, thế còn những thiếu hụt về trang thiết bị tối thiểu cho nhân viên được báo chí nói đến nhiều thì sao ?
Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : « Không hẳn là như thế. Lúc đó vì một số lý do khách quan, một số đông các bệnh nhân đã bị lây nhiễm ở miền đông nước Pháp. Và lúc đó họ đã tỏa đi khắp nơi. Nhìn lại, cho rằng thiếu nhân viên y tế hay giường bệnh không hẳn là đúng. Có điều ở thời điểm đó, số bệnh nhân đã lên quá cao, quá nhanh trong một thời gian rất ngắn. Mọi người phải trở tay rất nhanh trong một thời gian quá ngắn. Cần nói thêm với bệnh Covid-19, khả năng gây tử vong là có, tuy là tỷ lệ tử vong tương đối thấp, dưới 1 %. Nhưng đối với một số ca, như với người cao tuổi, với những ai bị bệnh kinh niên như tiểu đường, suy hô hấp, suy tim, suy thận … thì tỷ lệ tử vong có thể lên đến 10 %.
Về phương tiện nói chung, các bệnh viện ở ba vùng bị nặng nhất là Grand Est, Les Hauts de France và Paris và vùng phụ cận, thì có đông bệnh nhân nhất. Các phương tiện thì không thiếu, nhưng tất cả mọi người cùng thiếu về kiến thức, vì đây là một căn bệnh quá mới. Khoa học và cơ thể con người chưa từng tiếp cận với virus corona chủng mới này bao giờ. Với những thông tin còn rất ít vào thời điểm đó, mọi người đã phải đề ra những biện pháp mà có lẽ hôm nay chúng ta thấy là quá cẩn trọng. Thành thử có một bài học quý giá đó là sự khiêm nhường cần thiết. Trong thời gian qua nhiều người đã tuyên bố một cách quá tự tin về những gì mà sau này nhìn lại thấy là không đúng.
Có điều là rất tội nghiệp cho các bạn nội trú, cho các sinh viên trẻ, y tá … Họ đã hy sinh rất nhiều. Tôi nhớ lại nhiều y tá trẻ đã sẵn sàng bỏ nơi mình đang ở, là những vùng tương đối có ít bệnh nhân Covid-19. Họ tình nguyện lên Paris làm việc cả ngày, đôi khi là mười mấy tiếng đồng hồ, rồi về phòng trọ và cứ như thế liên tục. Hay ngay cả những người sống ở Paris và vùng phụ cận cũng vậy. Họ không dám về nhà sợ lây cho chồng con hay vợ con. Họ phải tự cách ly với gia đình… Đó là những kỷ niệm khó quên trong thời điểm đó. Tất cả mọi người ở bệnh viện đều đã đóng góp rất nhiều để giữ được dịch Covid-19 trong tầm kiểm soát ».
RFI : Hơn ba tháng sau nhìn lại, các bệnh viện và giới y khoa đã biết thêm được những gì về căn bệnh còn rất mới này và nếu Covid-19 tái phát thì ngành y tế Pháp có đủ sức đối mặt với làn sóng thứ nhì hay không, thưa bác sĩ ?
Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : « Thực ra chúng ta cần phải khiêm nhường đối với kiến thức về virus corona. Nhưng hôm nay tôi có thể nói rằng, so với trước, các kiến thức về bệnh này đã tiến bộ rất nhiều và rất nhanh. Trong lịch sử y khoa chưa bao giờ các kiến thức liên quan đến một căn bệnh tiến triển nhanh như lần này. Cũng chưa bao giờ có sự hợp tác chặt chẽ trên thế giới như lần này. Bây giờ chúng ta biết đây là một loại virus rất dễ lây lan, chúng ta biết thêm về mức độ lây lan của nó đối với một số đối tượng, tùy theo tuổi tác và tùy theo các nhóm bệnh nhân. Điều thứ nhì chúng tôi học hỏi được là nếu dịch tái phát và Pháp phải đương đầu với đợt sóng thứ hai, thì các bệnh viện đã có kinh nghiệm và đã có một sự chuẩn bị. Cách đây ba tháng, sự chuẩn bị đó không có. Ngày hôm nay tôi có thể cam đoan, chỉ trong vài ngay, hay tối đa là một tuần, mọi người sẽ sẵn sàng. Thành thử đối với chúng tôi, đợt sóng thứ nhì sẽ không gây ra một sự đe dọa về mặt sức khỏe con người. Về kinh tế thì lại là một chuyện khác ».
RFI : Chính phủ chuẩn bị công bố kế hoạch cải tổ sâu rộng hệ thống y tế của Pháp, bệnh viện và nhân viên y tế chờ đợi những gì từ kế hoạch đó và nhất là biện pháp tăng lương cho các y tá, hộ lý bệnh viện ?
Bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn : « Họ chờ đợi chính phủ không chỉ nghĩ đến chuyện cắt giảm ngân sách của bệnh viện. Theo tôi, điều hợp lý nhất là chỉ cắt giảm ở những chỗ nào không cần thiết. Song song với việc đó, cần tăng các khoản tài trợ và đầu tư vào những lĩnh vực khác đang rất cần có thêm nhiều khả năng đương đầu với những bệnh mà chúng tôi gọi là « maladies émergentes », tức là tự nhiên xuất hiện lan tràn như Covid-19 lần này. Tăng lương cho nhân viên y tế thì quả thật là lương bổng của y tá Pháp thấp nhất so với châu Âu. Đó là điều không thể chấp nhận được. Nhưng cùng lúc đây là cơ cơ hội để cùng suy nghĩ lại : bệnh viện không là nơi để kiếm tiền, mà chỉ là nơi đề chữa trị cho các bệnh nhân. Để tồn tại, bệnh viện không được phép để cho các khoản lỗ lã trở nên quá lớn, vì như vậy sẽ là gánh nặng chung của xã hội và đây cũng là điều không thể chấp nhận được ».
RFI : Chân thành cảm ơn bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, giáo sư y khoa tại bệnh viện Cochin-Paris.
Cuộc phỏng vấn được thực hiện ngày 07/07/2020.

Các nhà mạng Bồ Đào Nha đồng loạt

loại Huawei khỏi mạng 5G cốt lõi

dù không có lệnh cấm của chính phủ

Bình luậnVăn Thiện
Ba tập đoàn đang thống trị thị trường điện thoại di động Bồ Đào Nha cho biết họ sẽ không sử dụng công nghệ Huawei trong mạng 5G cốt lõi của họ mặc dù chính phủ nước này không cấm tập đoàn Trung Quốc cung cấp cơ sở hạ tầng quan trọng, theo Reuters.
Ba tập đoàn viễn thông lớn của Bồ Đào Nha gồm NOS, Vodafone và Altice – phục vụ gần 100% khách hàng di động của nước này – cho biết họ đã quyết định không sử dụng thiết bị Huawei trong các hệ thống cốt lõi trong mạng 5G của mình, bao gồm các máy chủ, cổng và bộ định tuyến chuyển tiếp lưu lượng đến ăng-ten.
Các mạng di động lõi có rủi ro giám sát cao hơn vì chúng kết hợp phần mềm tinh vi hơn để xử lý thông tin nhạy cảm như dữ liệu cá nhân của khách hàng.
Một phát ngôn viên của NOS cho biết, công ty “sẽ không có thiết bị Huawei trong mạng lõi của mình” và sẽ chọn “các đối tác tốt nhất” cho mỗi thành phần của mạng.
Một phát ngôn viên của Vodafone Bồ Đào Nha cho biết: “Vodafone tuyên bố rằng mạng 5G cốt lõi của công ty sẽ không bao gồm Huawei trong các tác vụ khác nhau, do đó đương nhiên Vodafone Bồ Đào Nha cũng không ngoại lệ”.
Phát ngôn viên nói thêm rằng Vodafone Bồ Đào Nha “đang làm việc để chuẩn bị mạng 5G với đối tác lịch sử và ưa thích của mình là Ericsson”.
Giám đốc điều hành của Altice Bồ Đào Nha Alexandre Fonseca đã đưa ra lập trường tương tự vào đầu tháng 3, cho biết công ty từng không đưa Huawei vào các mạng viễn thông di động cốt lõi hiện tại.
Altice Bồ Đào Nha cho biết vị trí của Huawei vẫn giữ nguyên.
Altice cũng không đưa ra lý do không sử dụng Huawei trong các mạng cốt lõi của mình. Họ vẫn để mở khả năng sử dụng thiết bị Huawei cho các thành phần không cốt lõi của mạng 5G.
Câu hỏi về việc có nên sử dụng Huawei cho các mạng di động thế hệ tiếp theo hay không đã trở thành một vấn đề lớn ở châu Âu trong bối cảnh áp lực ngoại giao dữ dội từ Hoa Kỳ sau lệnh cấm công ty Trung Quốc.
Quyết định liên quan đến Huawei của ba tập đoàn viễn thông cho phép chính phủ Bồ Đào Nha – với Trung Quốc là đối tác kinh doanh quan trọng và Hoa Kỳ cũng là một đồng minh lớn – không cần phải có lập trường rõ ràng.
Chính phủ Bồ Đào Nha cho đến nay vẫn chưa có lập trường rõ ràng, nhưng Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng Pedro Nuno Santos nói với Reuters rằng “họ không có vấn đề ‘ưu tiên’ với bất kỳ nhà sản xuất nào”.
Nuno Santos tiết lộ rằng một nhóm do chính phủ Bồ Đào Nha thành lập để đánh giá rủi ro và các vấn đề an ninh mạng liên quan đến 5G đã hoàn thành công việc của mình và không đưa ra bất kỳ kết luận nào nhắm vào bất kỳ nhà cung cấp cụ thể nào.
Nuno Santos xác nhận rằng ông đã “nghe về việc Huawei sẽ bị loại bỏ khỏi mạng 5G cốt lõi” nhưng nói thêm: “Không liên quan gì đến các lựa chọn hay áp đặt của chính phủ Bồ Đào Nha, trong vấn đề này hoàn toàn phù hợp với định hướng của châu Âu”.
Trước đó, Ủy ban châu Âu đã kêu gọi các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu thực hiện hành động khẩn cấp nhằm đa dạng hóa các nhà cung cấp 5G của họ, một động thái nhằm thu hẹp sự hiện diện của Huawei tại đây.
Chiến lược của EU bao gồm giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia và nhà khai thác viễn thông từ một nhà cung cấp duy nhất. Do đó, Huawei sẽ phải cạnh tranh với các công ty như Nokia và Ericsson.
Văn Thiện
Theo reuters
https://www.ntdvn.com/the-gioi/cac-nha-mang-bo-dao-nha-dong-loat-loai-bo-huawei-khoi-mang-5g-cot-loi-mac-du-khong-co-lenh-cam-cua-chinh-phu-57665.html

Lục đục trong quan hệ Nga – Trung

Thanh Hà
Quan hệ giữa Nga và Trung Quốc có dấu hiệu rạn nứt vì xung đột biên giới Ấn – Trung và những tiết lộ Trung Quốc dọ thám, đánh cắp công nghệ quốc phòng của Nga. Theo trang mạng Asia Times ngày 29/07/2020, đó mới là những lý do thực sự khiến Matxcơva tạm hoãn giao tên lửa S-400 cho Bắc Kinh.
Tuần trước, Matxcơva thông báo hoãn giao tên lửa cho đối tác Trung Quốc và hoạt động này đã bị đình chỉ từ tháng 2/2020. Bắc Kinh giải thích đại dịch Covid-19 là nguyên nhân dẫn tới quyết định nói trên, cho dù trước đó từng khẳng định khủng hoảng y tế, cũng như những  « âm mưu » chia rẽ của phương Tây, « không ảnh hưởng » đến quan hệ mua bán vũ khí song phương.
Tuy nhiên, Asia Times đặt câu hỏi phải chăng việc hoãn giao vũ khí cho Trung Quốc là một « dấu hiệu rạn nứt trong quan hệ giữa Matxcơva và Bắc Kinh, khi biết rằng S-400 có tầm bắn 400 cây số, có thể nhắm trúng 36 mục tiêu cùng lúc (…) Quyết định của Nga được đưa ra vào lúc Trung Quốc đang tăng cường áp lực quân sự trong vùng biển Đài Loan ».
Asia Times nêu lên hai lý do : Thứ nhất là xung đột biên giới Ấn – Trung hồi tháng 6/2020 mà Ấn Độ lại là khách hàng nặng ký của ngành công nghiệp vũ khí Nga. Hơn một nửa trang thiết bị quân sự của New Delhi là do Matxcơva cung cấp. Vào lúc căng thẳng ở biên giới Ấn – Trung dâng cao, đầu tháng 7/2020 New Delhi đã đặt mua thêm 2,4 tỷ đô la chiến đấu cơ của Nga, tăng cường khả năng phòng thủ. Do vậy, một số nhà quan sát cho rằng việc Matxcơva thông báo chậm trễ trong việc giao hàng cho Trung Quốc từ tháng 2/2020 cho thấy « Covid-19 chỉ là cái cớ » che đậy rạn nứt trong liên minh Nga – Trung.
Hơn nữa, cũng có thể trục Matxcơva – Bắc Kinh đang bị suy yếu thêm một chút sau những tiết lộ Trung Quốc dọ thám Nga, đánh cắp công nghệ quốc phòng của « nước bạn » để giảm mức độ lệ thuộc vào vũ khí của Nga.
Theo hãng thông tấn ANI của Ấn Độ, một quan chức Nga, Valery Mitko, giám đốc viện khoa học xã hội tại Saint Petersbourg, vừa bị kết tội « phản quốc », do đã cung cấp cho Bắc Kinh những thông tin nhạy cảm về công nghệ phát hiện sóng âm (sonar) và tàu ngầm trong thời gian làm việc ở đại học Đại Liên – Trung Quốc hồi năm 2016.
Tờ Minh Báo của Hồng Kông trích dẫn nhiều nguồn tin từ Hoa Lục cho biết sứ quán Trung Quốc tại Matxcơva « có hẳn một văn phòng chuyên hướng dẫn sinh viên, các nhà nghiên cứu Trung Quốc thu thập thông tin mật của Nga trong các lĩnh vực quân sự, không gian và nguyên tử ».
Với những tiết lộ như trên, dù cố gắng giữ thể diện cho tình hữu nghị Nga -Trung, thành lập một liên minh để cưỡng lại áp lực của Mỹ trên các hồ sơ lớn của thế giới, không chắc tổng thống Vladimir Putin hài lòng về mối bang giao với chủ tịch Tập Cận Bình.
Chuyên gia về châu Á, Valérie Niquet, thuộc Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, cho rằng diễn biến chung quanh vụ giao tên lửa tối tân S-400 cho Trung Quốc làm mọi người nhớ lại giai đoạn « Khroutchev từng từ chối chia sẻ công nghệ hạt nhân với Mao ».
Bên cạnh hai yếu tố là Ấn Độ và gián điệp có thể khiến Nga và Trung Quốc « cơm không lành, canh không ngọt », cần chú ý đến yếu tố khác, đó là tham vọng không đáy của Trung Quốc cả trên bộ lẫn trên biển.
Như phân tích trên đài RFI Việt ngữ của chuyên gia về Biển Đông, giáo sư Ngô Vĩnh Long, « không quốc gia nào đe dọa Nga hơn là Trung Quốc » và Matxcơva « cần bảo vệ các quyền lợi của Nga ở châu Á – Thái Bình Dương ».
Đó là chưa kể Bắc Kinh liên tục gặm nhấm ảnh hưởng của Matxcơva tại khu vực Trung Á và cả vùng Siberi, như hai chuyên gia Pháp Emmanuel Véron và Emmanuel Lincot ghi nhận trong một bài tham luận trên báo Úc The Conversation (07/06/2020).
Sau cùng, nhà báo Alain Barluet của báo Le Figaro nhắc lại Nga và Trung Quốc từng đối đầu nhau vì tranh chấp lãnh thổ ở biên giới, trong cuộc xung đột vũ trang tranh giành đảo Damansky, mà Trung Quốc gọi là Trân Bảo, trên sông Ussuri, hồi năm 1969.

‘Chúng tôi ủng hộ Chính sách Một Trung Quốc,

nhưng cũng xóa nợ của chúng tôi đi’ –

Châu Phi đã nhốt Trung Quốc

vào chính bẫy nợ BRI tai tiếng của mình

Bình luậnLê Minh
Tống tiền kẻ tống tiền: châu Phi không thể đao to búa lớn với Trung Quốc như Mỹ hay Anh, nhưng họ nắm tiền của Trung Quốc và phiếu bầu ở Liên Hợp Quốc.
Những nỗ lực của Trung Quốc nhằm chiếm giữ toàn bộ lục địa châu Phi thông qua một cái bẫy nợ lớn đã bị phá vỡ một cách khá tàn bạo. Bắc Kinh bây giờ thấy mình bị mắc kẹt trong một tình huống hơi “kỳ dị” ở phần này của thế giới. Khi đại dịch COVID-19 “càn quét” trên khắp thế giới, châu Phi cũng nhận ra những hiểm họa liên quan đến sức ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, các quốc gia châu Phi không bao giờ có thể chơi kiểu đao to búa lớn với Bắc Kinh giống như các quốc gia phát triển như Úc và Anh. Do đó, lục địa này đang hình thành chiến lược của riêng mình. Một số quốc gia châu Phi ủng hộ Trung Quốc trong các vấn đề chính như Luật An ninh Quốc gia Hong Kong đã bắt đầu yêu cầu giảm nợ, và từ một kẻ tống tiền, Bắc Kinh giờ đây thấy mình đang bị quấy rối.
Các rủi ro tiền bạc là rất cao – Trung Quốc hóa ra là người cho vay lớn nhất châu Phi với khoản nợ trị giá hơn 150 tỷ USD. Nhìn chung, trong năm 2019, các khoản nợ tồn đọng của Trung Quốc đứng ở mức hơn 5 nghìn tỷ USD.
Tâm lý của lục địa châu Phi bắt đầu quay sang chống lại Trung Quốc sau một loạt các vụ phạm tội liên quan đến phân biệt chủng tộc ở Trung Quốc nhắm vào cộng đồng châu Phi. Trong chiêu bài trấn áp virus Vũ Hán, Trung Quốc đã bắt đầu quấy rối người dân châu Phi tại Trung Quốc, và hành động này đã thu hút những phản ứng gay gắt từ lục địa châu Phi.
Các cuộc tấn công chủng tộc ở Trung Quốc đã tạo ra sự phẫn nộ đối với các khoản đầu tư và cho vay của Trung Quốc ở lục địa châu Phi. Giới truyền thông đã hiểu rằng các khoản đầu tư của Trung Quốc, bao gồm Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường (BRI) hàng đầu của Tập Cận Bình là một cái bẫy nợ. Không giống như các quốc gia khác, châu Phi muốn thoát khỏi đầu tư của Trung Quốc, nhưng họ không có được sự lựa chọn hoàn toàn dứt khoát giống như một số cường quốc trên thế giới.
Do đó, các nước châu Phi đã bắt đầu những gì chúng ta có thể gọi là “có qua có lại” với Trung Quốc. Vào thời điểm mà phong trào bài Trung Cộng đang lên đến đỉnh điểm trên khắp thế giới, các nước châu Phi như Equatorial Guinea, Eritrea, Somalia, Sudan, South Sudan, Angola, Mozambique, Zambia, Zimbabwe và Sierra Leone đã ủng hộ Bắc Kinh về các vấn đề như ‘Chính sách Một Trung Quốc’ và Luật An ninh Quốc gia Hong Kong đầy tàn bạo.
Các phương tiện truyền thông nhà nước Trung Quốc phô trương sự ủng hộ của 53 quốc gia, bao gồm nhiều quốc gia châu Phi, về các vấn đề chủ chốt. Nhưng chúng ta sẽ nhầm lẫn khi nghĩ rằng các quốc
gia này đang ủng hộ Trung Quốc xuất phát từ thiện chí ngoại giao. Họ đang thực hiện giao dịch sòng phẳng. Thật vậy, nhiều quốc gia ủng hộ Trung Quốc cũng đang đưa ra yêu cầu giảm nợ và xóa nợ.
Chẳng hạn, Tổng thống Zambia Edgar Lungu đã gọi điện cho Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ông Lungu yêu cầu một số biện pháp giảm nợ sau đại dịch toàn cầu bắt đầu từ Trung Quốc. Trong cuộc trò chuyện tương tự, ông cũng nói rằng đất nước của ông ủng hộ ‘Chính sách Một Trung Quốc’ của Bắc Kinh.
Tất nhiên, các nước châu Phi sẽ không “nói trắng” ra rằng họ sẽ chính thức ủng hộ chính sách bành trướng của Trung Quốc chỉ khi Bắc Kinh đề nghị giảm nợ. Nhưng các tín hiệu là quá dễ đoán cho bất cứ ai, kể cả Trung Quốc. Các nước châu Phi nhận thức được rằng Trung Quốc đã mở rộng các xúc tu của mình đến lục địa của họ ngay từ đầu bởi vì Rồng Đỏ đã bị thu hút bởi các nguồn tài nguyên thiên nhiên rộng lớn được cung cấp. Bắc Kinh không thể để mất quyền tiếp cận các tài nguyên này nên sẽ nhượng bộ trước các yêu cầu giảm nợ.
Quan trọng hơn, các nước châu Phi mang rất nhiều ý nghĩa chính trị. Tài nguyên có thể được khai thác từ các nơi khác trên thế giới, nhưng nếu và khi các vấn đề quan trọng như Hong Kong và Đài Loan đổ bộ trước Liên Hợp Quốc, Trung Quốc sẽ không thể “thuê ngoài” hỗ trợ chính trị. 54 quốc gia châu Phi đóng một vai trò rất lớn bởi vì dù một đất nước nhỏ bé đến đâu, nó vẫn có được một lá phiếu bình đẳng trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc.
Trung Quốc không đủ khả năng để từ bỏ sự ủng hộ chính thức của các nước châu Phi trên các nền tảng quốc tế. Do đó, không có gì đáng ngạc nhiên khi các quốc gia ủng hộ cuộc đàn áp tàn bạo của Trung Quốc tại Hong Kong cũng là những quốc gia có tiếng nói lớn nhất về việc xóa nợ.
Chẳng hạn, Zimbabwe đã cố gắng tiết kiệm 50 triệu USD từ khoản giảm nợ mà Trung Quốc đưa ra. Các quốc gia khác như Angola, Sudan và Cộng hòa Congo (Brazzaville) cũng đang ủng hộ hành động đàn áp tàn bạo của Trung Quốc tại Hong Kong và đồng thời yêu cầu xóa nợ.
Với thời gian trôi qua, các cường quốc lớn hơn cũng sẽ nhận ra rằng đây là thời điểm để quấy rối Trung Quốc ở châu Phi. Ngay cả trong tháng 5, Mỹ đã khuyến khích các nền kinh tế châu Phi đang quay cuồng vì nợ Trung Quốc tìm cách thay đổi các điều khoản từ người cho vay. Tiến tới, các nước châu Phi có thể được khuyến khích không đòi hỏi gì hơn ngoài việc xóa nợ từ Trung Quốc.
Trung Quốc biết rằng họ cần rất nhiều sự hiện diện ngoại giao và kinh tế ở châu Phi. Do đó, nó đã tạo ra một bẫy nợ được thừa nhận là “phức tạp” trên đất nước này. Nhưng nó đã bị phản tác dụng một cách thậm tệ, gậy ông đập lưng ông. Khi Bắc Kinh tuyệt vọng vươn tới châu Phi để được ủng hộ về vấn đề Hong Kong và Đài Loan, toàn bộ lục địa châu Phi đang nổi lên như một “khoản nợ xấu khó đòi” đối với Trung Quốc.
Bầu không khí thù địch theo chủ nghĩa phân biệt chủng tộc của Trung Quốc chống lại người châu Phi cũng có nghĩa là bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc đối với chủ nghĩa thực dân mới hoặc thực thi nợ nần có thể gây ra sự phẫn nộ hơn chống lại Rồng Đỏ. Do đó, châu Phi đang chơi một trò chơi tống tiền với một Trung Quốc bất lực, và có hàng triệu đô-la cho vay rủi ro mà Bắc Kinh có thể bị mất.
Lê Minh
Theo tfipost.com

Đàm phán với Mỹ bế tắc,

Triều Tiên trở lại phát triển hạt nhân?

Trong bối cảnh đàm phán hạt nhân Mỹ-Triều bế tắc hiện nay, Triều Tiên rất có thể đã bắt đầu quay trở lại chính sách cũ, sau nhiều lần cảnh báo.
Ngay sau tuyên bố mới nhất của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về việc đề cao tính răn đe của vũ khí hạt nhân, trang mạng chuyên theo dõi tình hình Triều Tiên của Đại học Johns Hopskin Mỹ vừa cho biết, Bình Nhưỡng đang tiếp tục các hoạt động có thể liên quan đến việc làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Trong bối cảnh tiến trình đàm phán hạt nhân Mỹ – Triều bế tắc hiện nay, Triều Tiên rất có thể đã bắt đầu quay trở lại chính sách cũ, con đường cũ, sau nhiều lần cảnh báo.
Theo trang mạng 38 độ Bắc, hình ảnh chụp từ vệ tinh thương mại cho thấy Triều Tiên đang tiếp tục các hoạt động có thể liên quan đến việc làm giàu urani tại tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Trang mạng này nhận định, sự xuất hiện thường xuyên của tàu hỏa và những phương tiện được cho là xe rơ-moóc chở nitơ lỏng (LN) tại tổ hợp Yongbyon chứng tỏ một số hoạt động làm giàu đang diễn ra ở đây. Các toa xe này thường được dùng để vận chuyển các thùng chứa các chất hóa học hình trụ.
Thông tin Triều Tiên làm giàu Urani được đưa ra chỉ sau 1 ngày khi truyền thông nhà nước Triều Tiên hôm qua dẫn lời tuyên bố của Nhà lãnh đạo nước này Kim Jong-un về việc đề cao sức mạnh răn đe của vũ khí hạt nhân.
Phát thanh viên hãng KRT trích dẫn nguyên văn tuyên bố: “Nhờ khả năng răn đe hạt nhân hiệu quả và đáng tin cậy của chúng ta, chiến tranh sẽ không còn. Sự an toàn và tương lai của đất nước chúng ta sẽ được đảm bảo một cách vững chắc và lâu dài”.
Ông Kim Jong-un khẳng định, Triều Tiên có khả năng tự bảo vệ mình trước bất kỳ áp lực hay mối đe dọa quân sự nào từ các thế lực thù địch.
Các động thái mới nhất của Triều Tiên được đưa ra trong bối cảnh tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa Mỹ – Triều đang lâm vào bế tắc suốt hơn 1 năm qua, khi cả 2 bên chưa chịu nhượng bộ lẫn nhau trong đàm phán.
Hôm qua, trong cuộc tham vấn cấp bộ trưởng “2+2″ giữa Ngoại trưởng và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Australia tại Washington, hai quốc gia này đã tái khẳng định sự ủng hộ dành cho các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên. Tuy nhiên, hai bên vẫn cam kết sẽ thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt với Triều Tiên, nhằm ngăn chặn mối đe dọa do chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Triều Tiên tạo ra cho an ninh và ổn định khu vực.
Trong khi đó, mối quan hệ liên Triều cũng đang xấu đi rõ rệt.
Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-Kyun cho biết: “Cánh cửa hòa bình trên bán đảo Triều Tiên vẫn chưa được mở hoàn toàn. Đôi khi, chúng ta cảm thấy chúng ta đang xa rời con đường hòa bình, nhưng phải nhớ rằng, chúng ta không thể làm được gì nếu không có hòa bình.”
Để mọi nỗ lực ngoại giao liên quan đến bán đảo Triều Tiên hơn 2 năm qua không trở lại con số 0, hôm qua, Tân Bộ trưởng thống nhất Hàn Quốc Lee In-young đã kêu gọi Bộ này đóng vai trò chủ động hơn trong việc hoạch định chính sách liên Triều. Theo ông, Bộ Thống nhất nên chủ động, không chỉ đóng vai trò hỗ trợ mà phải là một tổ chức chịu trách nhiệm cho một hành trình dài hướng tới thống nhất bán đảo Triều Tiên

Covid-19: Vì sao ‘làn sóng thứ ba’ của Hong Kong

 là lời cảnh báo cho các nước

Helier Cheung
Cho tới gần đây, Hong Kong được coi là một điểm sáng về chống dịch Covid-19.
Mặc dù có biên giới với Trung Quốc đại lục, Hong Kong giữ được số ca lây nhiễm thấp và tránh phải áp dụng các biện pháp phong toả nghiêm ngặt như một số nơi ở Trung Quốc, Châu Âu và Hoa Kỳ.
Nhưng nay, Hong Kong phải đương đầu với không phải là làn sóng lây nhiễm thứ hai mà là thứ ba. Chính phủ cảnh báo hệ thống bệnh viện có thể sụp đổ, và Hong Kong mới có số ca lây nhiễm cao nhất ghi nhận trong một ngày.
Vậy Hong Kong đã sai lầm ở đâu? Và các quốc gia khác có thể rút ra bài học gì?
“Lỗ hổng” và ngoại lệ trong cách ly
Hong Kong có ca Covid-19 đầu tiên vào cuối tháng Một, khiến người dân lo sợ và đổ đi mua đồ tích trữ, nhưng từ đó số ca lây nhiễm giữ ở mức tương đối thấp và sự lây lan được kiểm soát khá nhanh chóng.
Hồi tháng Ba, Hong Kong có “làn sóng thứ hai”, sau khi sinh viên và người Hong Kong ở nước ngoài về nước, dẫn đến số ca nhập từ bên ngoài tăng mạnh.
Vì thế, Hong Kong thực hiện kiểm soát biên giới chặt, cấm tất cả người nước ngoài qua biên giới và yêu cầu tất cả những người về nước làm xét nghiệm Covid-19 và cách ly 14 ngày.
Chính quyền thậm chí còn dùng vòng tay điện tử để theo dõi những người mới về nước và đảm bảo họ ở nhà.
Các biện pháp đó, cùng với việc dùng khẩu trang rộng rãi và giãn cách xã hội, đã có tác dụng – Hong Kong suốt nhiều tuần không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, và cuộc sống dường như đang trở lại bình thường.
Nhưng “làn sóng thứ ba”- dẫn tới hơn 100 ca nhiễm mới mỗi ngày – đã đến bằng đường nào?
“Thật là đáng thất vọng và nản lòng vì Hong Kong quả đã kiểm soát rất tốt,”GS Malik Peiris, Trưởng khoa Virus học tại Đại học Hong Kong nói.
Ông cho rằng có hai sai lầm trong hệ thống chống dịch của Hong Kong.
Trước hết , nhiều người từ nước ngoài về chọn cách cách ly tại nhà trong 14 ngày – một cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia – hơn là vào các điểm cách ly tập trung.
“Có điểm yếu ở đó vì những người sống cùng nhà không phải theo bất kỳ hạn chế nào, và họ vẫn đi đi về về,”GS Peiris nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng vấn đề nghiêm trọng hơn tới từ quyết định của chính quyền miễn trừ xét nghiệm và cách ly cho một số nhóm người khi họ vào Hong Kong.
Hong Kong đã miễn trừ cách ly cho khoảng 200.000 người, trong đó có các thuỷ thủ, tổ bay hàng không, và lãnh đạo các công ty đăng ký trên sàn chứng khoán.
Lãnh đạo thành phố cho rằng cần tạo điều kiện ngoại lệ để đảm bảo Hong Kong tiếp tục hoạt động bình thường, hoặc vì những người này cần đi lại để cho Hong Kong phát triển kinh tế.
Là một thành phố quốc tế và thương cảng lớn, Hong Kong có nhiều tuyến đường hàng không, và nhiều đoàn thuỷ thủ đổi người ở đây. Hong Kong cũng phụ thuộc vào hàng nhập khẩu thiết yếu từ Trung Quốc lục địa và những nơi khác.
Joseph Tsang, một chuyên gia bệnh lây nhiễm và bác sỹ, mô tả các trường hợp được miễn cách ly như một “lỗ hổng” lớn làm tăng nguy cơ lây nhiễm, nhất là đối với những người đi biển và các tổ bay, vẫn thường đến các điểm du lịch và sử dụng giao thông công cộng.
Lúc đầu chính quyền nói không nên đổ lỗi cho các trường hợp miễn cách ly, nhưng sau đó họ thừa nhận có bằng chứng rằng các trường hợp ngoại lệ này gây ra đợt bùng phát mới nhất.
Hiện nay họ đã thắt chặt quy định cho các thuỷ thủ và tổ bay – nhưng thực thi các quy định là không dễ. Hồi đầu tuần, có cảnh báo khi một phi công nước ngoài được cho là đi thăm quan trong thành phố khi đang đợi kết quả xét nghiệm Covid-19.
Benjamin Cowling, giáo sư dịch tễ học tại Đại học Hong Kong, nói những lỗ hổng trong cách ly của Hong Kong có thể cũng xảy ra với các nước khác.
Nới lỏng các biện pháp giãn cách xã hội
Miễn cách ly cho một số nhóm đã được Hong Kong thực hiện nhiều tháng nay, nhưng mãi tới tháng Bảy làn sóng thứ ba mới ập tới.
GS Peiris cho rằng điều này là do một yếu tố chủ chốt – các biện pháp giãn cách xã hội được nới lỏng đáng kể hồi tháng Sáu.
“Chừng nào các biện pháp giãn cách xã hội còn được thực hiện, hệ thống y tế còn chống đỡ được – nhưng một khi chúng được nới lỏng, các ca nhiễm nhập từ bên ngoài lây lan nhanh chóng,” ông nói. Chính phủ Hong Kong nay đã cấm tụ tập quá hai người – và cấm các nhà hàng cho thực khách ăn tại chỗ
TS Tsang nhớ lại cuối tháng Sáu, chính quyền Hong Kong cho phép người dân tụ tập tới 50 người, trong lúc có các hoạt động kỷ niệm Ngày của Cha và ngày trao trả Hong Kong.
“Nhiều người dân mệt mỏi sau nhiều tháng giãn cách xã hội, nên khi chính phủ nói mọi chuyện dường như ổn và nới lỏng các hạn chế, họ lại bắt đầu gặp gỡ với bạn bè và người thân.
“Tôi nghĩ thật là không may – nhiều yếu tố kết hợp cùng một lúc.”
Tuy nhiên, GS Peiris nhấn mạnh người Hong Kong đã “hết sức tuân thủ” các biện pháp vệ sinh và giãn cách xã hội trong làn sóng thứ nhất và thứ hai – “trên thực tế, họ thậm chí còn đi trước chính phủ một bước, đeo khẩu trang từ trước khi có quy định bắt buộc.”
Ông tin rằng việc tái áp dụng các biện pháp giãn cách xã hội lúc này đã cho thấy tác dụng, và hy vọng Hong Kong sẽ trở lại trạng thái không có ca lây nhiễm trong cộng đồng trong bốn tới sáu tuần tới.
Khi đó, ông nói them, thách thức sẽ là làm sao để ngăn các ca từ bên ngoài về – đặc biệt là khi giãn cách xã hội được dỡ bỏ.
Các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ có làm virus lây lan?
Nhiều thách thức Hong Kong gặp phải cũng tương tự như ở các thành phố khác, nhưng đặc khu này còn trải qua một cuộc khủng hoảng khác – khủng hoảng về chính trị.
Hôm 1/7, hàng ngàn người tham gia một biểu tình ủng hộ dân chủ, mặc dù có lệnh cấm của chính phủ vì lý do biểu tình không tuân thủ quy định về giãn cách xã hội. Hàng ngàn người cũng đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử cấp cơ sở của đảng đối lập hồi giữa tháng Bảy, mặc dù chính phủ cảnh báo báo các cuộc bầu cử này có thể vi phạm luật an ninh mới.
Từ đó, truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đổ lỗi hai sự kiện này là nguyên nhân gây ra làn sóng lây nhiễm thứ ba, trong lúc một chính trị gia nói chúng là “hành vi hoàn toàn vô trách nhiệm.”
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế nói không có bằng chứng chúng gây ra số ca nhiễm tăng đột biến.
GS Cowling cho biết các nhà khoa học “có thể kết nối các ca nhiễm để phát hiện ra chuỗi truyền bệnh, và không có ổ dịch nào có thể gắn với các sự kiện đó.”
Còn GS Peiris nói các sự kiện này có thể “làm tình hình trầm trọng hơn một chút, nhưng tôi không cho rằng chúng là một yếu tố quyết định dịch có bùng mạnh hay không.”
Trong khi đó, TS Tsang nói các nghiên cứu cho thấy “chủng virus corona mới khác với những chủng từ các đợt trước,” – cụ thể, chủng này có biển thể được thấy ở các đội bay và thuỷ thủ từ Philippines và Kazakhstan, nên ông tin rằng chủng này được nhập vào Hong Kong.
Hiện đang có những thảo luận tương tự quanh thế giới – nhất là khi có các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc được châm ngòi bởi cái chết của George Floyd – về việc biểu tình có thể làm tăng lây nhiễm mạnh hay không. Một số chuyên gia gợi ý rằng các sự kiện ngoài trời nơi người tham gia đeo khẩu trang và có ý thức thận trọng có thể mang rủi ro thấp hơn chúng ta tưởng lúc đầu.

Lãnh đạo Hong Kong

loan báo hoãn bầu cử lại một năm

Nhà lãnh đạo Hong Kong Carrie Lam hôm thứ Sáu 31/7 hoãn lại một năm cuộc bầu cử ngày 6/9 để chọn các đại diện vào hội đồng lập pháp thành phố, viện cớ các ca Covid-19 mới tăng đột biến. Đây là thêm một đòn giáng xuống phe đối lập dân chủ tại Hong Kong.
Phe đối lập trước đó đã hy vọng sẽ chiếm một đa số lịch sử trong Hội đồng Lập pháp, nơi mà chỉ có phân nửa số ghế được bầu trực tiếp trong khi các ghế còn lại hầu hết được dành cho những người ủng hộ Bắc Kinh.
Bà Lam quyết định hoãn cuộc bầu cử sau khi 12 ứng cử viên dân chủ bị loại ra khỏi cuộc đua, viện những lý do khác nhau, từ âm mưu lật đổ chính quyền, chống đối luật an ninh mới hay vận động để giành thế đa số hầu ngăn cản pháp luật.
Bà Carrie Lam không cho biết ngày bầu cử mới mà chỉ nói cuộc đầu phiếu đã được hoãn lại một năm. Trao đổi với các nhà báo, bà nói đây là quyết định khó khăn nhất mà bà đưa ra trong bảy tháng qua. Bà nói mục đích của quyết định này là để bảo vệ sức khỏe người dân.
Nếu được tiến hành thì đây sẽ là cuộc bỏ phiếu chính thức đầu tiên tại cựu thuộc địa của Anh từ khi Bắc Kinh áp đặt luật an ninh mới vào cuối tháng 6.
Các nhà phê bình cho rằng Luật an ninh Hong Kong nhắm mục đích dập tắt những tiếng nói bất đồng tại thành phố được coi là tự do nhất ở Trung Quốc.
Bắc Kinh và chính quyền Hong Kong nói luật an ninh mới sẽ không làm suy yếu các quyền tự do của Hong Kong, và rằng luật này là cần thiết để giữ gìn trật tự và thịnh vượng sau các cuộc biểu tình chống chính phủ thường trở nên bạo động kéo dài nhiều tháng hồi năm ngoái.
Nhưng các nhà hoạt động nói luật an ninh đã dẫn tới một cuộc đàn áp dánh dấu sự kết thúc của thời kỳ Hong Kong được hưởng mức tự trị cao.
Họ dẫn chứng việc loại bỏ 12 ứng cử viên của phe đối lập ra khỏi cuộc bầu cử thành phố, trong số này có nhà hoạt động trẻ Joshua Wong.
“Cấm tôi dự tranh … sẽ không chặn được chính nghĩa dân chủ của chúng tôi”, Joshua Wong nói.
Năm nay 23 tuổi, Wong đã được biết tiếng trên trường quốc tế khi anh nổi lên như một trong những người lãnh đạo các cuộc biểu tình kéo dài nhiều tháng ở Hong Kong vào năm 2012 và 2014, thời Wong còn là một vị thành niên.
Wong, vốn bị Trung Quốc gọi là ‘cánh tay hắc ám’ của các thế lực nước ngoài, nói việc cấm anh ra tranh cử là “không hợp lệ và nực cười”. Wong cho rằng Luật an ninh Hong Kong là “một vũ khí được sử dụng để tấn công những người bất đồng chính kiến”.
Thanh trừng chính trị?
Chính quyền Hong Kong cũng loại khỏi cuộc đua một số thành viên của Civic Party, một nhóm đối lập ôn hòa có lập trường bảo thủ, và nhiều ứng cử viên khác đã giành được thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu không chính thức trong nội bộ phe đối lập tổ chức trong tháng này.
Cuộc bỏ phiếu độc lập đó chứng kiến sự dấn thân của một thế hệ hoạt động dân chủ trẻ tuổi hơn ở Hong Kong, nhưng việc loại bỏ các thành viên của Đảng Civic là một báo hiệu cho thấy Bắc Kinh sẽ không dung thứ cả những tiếng nói ôn hòa.
Nước Anh một thời cai trị Hong Kong, nói rõ ràng các ứng cử viên đã bị cấm tranh cử vì quan điểm chính trị của họ. Thống đốc cuối cùng của vương quốc Anh ở Hong Kong, ông Chris Patten, nói đây là một cuộc ‘thanh trừng chính trị’ đáng lên án.
Cảnh sát Hong Kong cũng đã bắt giữ bốn sinh viên, tuổi 16-21, vì cho rằng họ có thể đe dọa an ninh quốc gia khi tham gia một nhóm trực tuyến cam kết đấu tranh giành độc lập cho Hong Kong.

Hồng Kông : Bị loại khỏi bầu cử,

phe dân chủ thề tiếp tục đấu tranh

Thanh Phương
Hôm nay, 31/08/2020, Hoàng Chi Phong, gương mặt hàng đầu của phong trào dân chủ tại Hồng Kông, đã hứa sẽ tiếp tục cuộc đấu tranh, mặc dù nhiều ứng cử viên Hội đồng Lập pháp, trong đó có bản thân anh, bị loại khỏi cuộc bầu cử.
Hôm 30/072020 chính quyền Hồng Kông đã thông báo 12 ứng cử viên của phe dân chủ là họ không được quyền ra tranh cử trong cuộc bầu cử tháng 9 để bầu lại Hội đồng Lập pháp (LegCo), tức nghị viện của thành phố. Trong thông cáo, chính quyền đặc khu nêu lên các lý do của việc loại các ứng cử viên đó, chẳng hạn như một số ứng cử viên đã chỉ trích luật an ninh quốc gia mà Bắc Kinh áp đặt đối với Hồng Kông, hoặc không chịu công nhận chủ quyền của Trung Quốc. Một số ứng cử viên thậm chí còn bị loại với lý do là họ muốn … giành đa số ở Hội đồng Lập pháp !
Đúng là phe dân chủ đang hy vọng là, sau phong trào biểu tình rầm rộ năm 2019  và sau thắng lợi trong cuộc bầu cử địa phương tháng 11 năm ngoái, họ sẽ có thể giành được đa số ở Hội đồng Lập pháp, mà cho tới nay vẫn do phe thân Bắc Kinh nắm giữ.
Đối với phe dân chủ, việc loại các ứng cử viên của họ là một vụ « gian lận bầu cử » chưa từng có trong lịch sử Hồng Kông. Trong cuộc họp báo hôm nay, Hoàng Chi Phong tuyên bố : « Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng cự và chúng tôi hy vọng là thế giới sẽ đứng về phía chúng tôi trong những cuộc chiến đấu sắp tới ».
Theo nhận định của hãng tin AFP, việc loại các ứng cử viên phe dân chủ khỏi cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp là một bằng chứng mới cho thấy Bắc Kinh siết chặt thêm sự kiểm soát đối với Hồng Kông, mặc dù cựu thuộc địa Anh Quốc phải được hưởng một quyền tự trị rộng rãi cho đến năm 2047, theo nguyên tắc « một quốc gia, hai chế độ ».
Hồng Kông hoãn bầu cử Hội đồng Lập pháp
Ngày 31/07/2020, trưởng đặc khu Hồng Kông Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) chính thức thông báo hoãn cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp, theo dự kiến diễn ra vào đầu tháng Chín, do dịch Covid-19 tái bùng phát. Theo bà Lâm Trịnh Nguyệt Nga, đây là « quyết định khó khăn nhất trong 9 tháng vừa qua ». Cuộc bỏ phiếu bị dời lại đúng một năm, và dự trù được tổ chức vào ngày 05/09/2021. Chắc chắn phe đối lập sẽ phản đối mạnh mẽ quyết định nói trên.

TQ lại mang vũ khí ra khoe

Nhân Dân Nhật báo của Trung Quốc ngày 29-7 đã công bố video khu trục hạm Type 055 bắn phá mục tiêu trên đất liền bằng pháo chính. Chuyên gia nhận định Bắc Kinh đang muốn gởi thông điệp tới nhiều nước.
Trong video được Nhân Dân Nhật báo công bố, khu trục hạm số hiệu 101 có tên Nam Xương đã bắn thử pháo chính cỡ nòng 130mm tại một vùng biển không xác định. Qua video, có thể thấy việc huấn luyện được tiến hành cả ngày lẫn đêm, trong điều kiện thời tiết xấu.
“Kể cả khi sương mù dày đặc khiến tầm nhìn trên biển giảm xuống dưới 100m cũng không làm giảm hiệu suất chiến đấu của khẩu pháo”, tờ báo lớn của Trung Quốc khẳng định.
Type 055 là tàu khu trục lớn nhất thế giới do Trung Quốc tự phát triển, với lượng choán nước hơn 10.000 tấn. Bắc Kinh đang gấp rút chế tạo loại tàu khu trục này, xem đây là xương sống trong lực lượng bảo vệ tàu sân bay.
Việc Nhân Dân Nhật báo công bố video Type 055 thử lửa vào thời điểm hiện tại là một điều đáng chú ý.
Trước đó, Hoàn Cầu Thời báo cũng công bố video các máy bay chiến đấu Trung Quốc giội rocket xuống các mục tiêu trên Biển Đông. Cả hai video đều không đề cập thời gian diễn ra sự việc.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia quân sự Nguyễn Thế Phương cho biết vai trò chủ yếu của pháo hạm là tấn công tàu chiến kẻ thù ở tầm gần và bắn hỗ trợ các chiến dịch đổ bộ.
Riêng khẩu pháo trên Type 055 có tầm bắn lên tới 30km và có thể bắn được nhiều loại đạn dùng cho các mục đích khác nhau, chẳng hạn phá hủy công sự ven biển hoặc tiêu diệt binh sĩ co cụm.
“Thông điệp mà Trung Quốc muốn gởi tới các nước trong video này là Type 055 có thừa khả năng tấn công, phá hủy các công sự trên các đảo hoặc ven bờ.
Tuy nhiên, nếu nhìn một cách tổng thể, Type 055 tượng trưng cho tham vọng lớn hơn của Trung Quốc. Họ đang muốn vươn ra ngoài chuỗi đảo thứ nhất bằng loại tàu khu trục lớn nhất châu Á – Thái Bình Dương”, ông Thế Phương nhận định.
Theo chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu quốc tế (SCIS), mặc dù Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các loại tàu mới như Type 055 hay Type 076, năng lực thực sự của các loại tàu này vẫn còn cần phải kiểm chứng qua biến cố.
“Type 055 được chế tạo không phải cho mục đích thống trị Biển Đông mà là những vùng biển ngoài khu vực này.
Trung Quốc phân cấp khá rõ khu vực hoạt động của các loại tàu có trong biên chế. Ví dụ ở những vùng biển gần như Biển Đông là các tàu khu trục Type 052D hay Type 054 và Type 056″, ông Thế Phương lưu ý.

Trung Quốc ôm tham vọng

‘trật tự mới’ nhằm thống trị thế giới

Triệu Hằng
Một chủ đề trong các cuộc tranh luận ở Mỹ về tham vọng của Trung Quốc đó là chính Bắc Kinh cũng không biết họ muốn tìm kiếm điều gì và muốn đạt được cái gì, như tác giả Hal Brands cho biết trong bài báo có tựa đề “Trung Quốc thực sự muốn gì? Muốn thống trị thế giới” đăng trên tờ Bloomberg hồi tháng Năm.
Nhưng nhiều chuyên gia am hiểu Trung Quốc cho rằng, chính phủ Trung Quốc đang nhắm đến quyền lực thống trị toàn cầu và đây sẽ là ưu tiên tổng thể của họ trong các thập niên tới để tìm cách đảo loạn hệ thống quốc tế do Mỹ lãnh đạo, và tạo ra ít nhất là một trật tự cạnh tranh, bán-thế giới của riêng mình.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ám chỉ về mục tiêu này trong bài phát biểu của ông tại Đại hội đảng lần thứ 19 hồi tháng 10/2017. Ngoại giới nhìn nhận bài diễn văn đó là tiêu biểu cho một trong những tuyên bố quyết đoán nhất về chính sách và mục tiêu của Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), phản ánh nhận thức của ông Tập về những gì Trung Quốc đã đạt được dưới thể chế chính phủ chuyên chế cũng như Trung Quốc cần có các bước tiến nào khác trong tương lai.
Ông Tập tuyên bố rằng Trung Quốc “đã đứng lên, trở nên giàu mạnh”, và lúc này đây Trung Quốc “đi tiên phong cho các quốc gia đang phát triển khác”, và như thế nó đã cho thấy “sự khôn ngoan của Trung Quốc và cách thức để giải quyết các vấn đề mà nhân loại phải đối mặt”. Ông hứa đến năm 2049, Trung Quốc sẽ “trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu xét về sức mạnh tổng hợp quốc gia và ảnh hưởng quốc tế, và sẽ xây dựng một “trật tự quốc tế ổn định” mà trong đó Trung Quốc hoàn toàn có thể đạt được “sự trẻ hóa quốc gia”.
Hal Brands chỉ ra, tuyên bố của một nhà lãnh đạo cho rằng đất nước của ông ta không những can thiệp vào các vấn đề toàn cầu mà còn thiết lập các điều khoản cho thấy có 2 vấn đề cốt lõi trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc.
Đầu tiên là một tầm nhìn hoài nghi sâu sắc về hệ thống quốc tế hiện có. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận ra rằng chế độ thương mại toàn cầu là không thể thiếu đối với sự trỗi dậy kinh tế và phát triển quân sự của đất nước. Nhưng rồi khi họ nhìn vào các nét chính của thế giới mà Washington và các đồng minh đã định hình, họ chỉ thấy hầu hết đó là mối đe dọa. Ôm giữ quan điểm đó, đối với Trung Quốc, các liên
minh Mỹ ngáng chân Trung Quốc và cản trở các quốc gia châu Á nhận những tặng phẩm từ Bắc Kinh cho những thỏa hiệp.
Các tổ chức quốc tế do Hoa Kỳ lãnh đạo xuất hiện như một công cụ nhằm tạo ra một trật tự quốc tế tự do, mang lại lợi ích cho các quốc gia yếu hơn, nhưng ĐCSTQ xem đó là những công cụ nhằm áp đặt. ĐCSTQ sợ những trật tự quốc tế tự do đó, Nadege Rolland, một chuyên gia thuộc Cục nghiên cứu quốc gia châu Á (NBR) cho biết, và nói thêm rằng “ĐCSTQ ghét cay ghét đắng và sợ đến khiếp đảm” những nguyên lý của những công cụ này.
Thứ hai là, đối với Trung Quốc, trật tự quốc tế phải được thay đổi để Trung Quốc trở nên thịnh vượng và an toàn như họ muốn.
Chuyên gia về Trung Quốc Liza Tobin cho rằng, nếu ai đó nghiên cứu các tuyên bố của ông Tập và các quan chức hàng đầu khác, nổi lên trong đó là viễn cảnh về “một mạng lưới quan hệ đối tác toàn cầu trong đó Trung Quốc là trung tâm sẽ thay thế hệ thống liên minh hiệp ước của Mỹ”.
Dựa trên một phân tích tương tự, nhà nghiên cứu Rolland đồng ý rằng Trung Quốc “khao khát bá quyền cục bộ”, thống trị các vùng rộng lớn của phía nam toàn cầu, trong đó các thể chế quốc tế phải là chỗ dựa vững chắc cho họ chứ không phải là khuấy đảo họ. Đồng thời, các chiến lược gia và học giả Trung Quốc công khai nói về việc xây dựng một “trật tự kinh tế toàn cầu lấy Trung Quốc làm trung tâm”.
Nhưng tham vọng của Bắc Kinh không dừng lại ở Tây Thái Bình Dương hay châu Á. Lời kêu gọi của ông Tập về một “cộng đồng chia sẻ tương lai cho nhân loại” trong bài diễn văn năm 2019 chỉ ra một hoạt cảnh mà trong đó Trung Quốc có tầm ảnh hưởng toàn cầu, giáo sư Brands nhận định.
Trung Quốc thể hiện tham vọng địa chính trị lớn thông qua nhiều hoạt động, như chương trình đóng tàu hải quân và sản xuất các con tàu với tốc độ đáng kinh ngạc; nỗ lực kiểm soát các tổ chức quốc tế hiện có và tạo ra các tổ chức mới; phóng sức mạnh quân sự tới Bắc Cực và Ấn Độ Dương và xa hơn nữa; đặt mục tiêu thống trị các ngành công nghiệp công nghệ cao trên thế giới, chưa kể Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường vươn vòi xuyên qua nhiều châu lục. Tất cả những điều này nhằm tạo thành một hệ thống để củng cố cho chính quyền Trung Quốc và làm suy yếu các thể chế dân chủ.
Tuy nhiên, giáo sư Brands cho rằng, tranh luận về điều mà Trung Quốc thực sự muốn làm đã không còn là câu chuyện mới, bởi các lãnh đạo Trung Quốc và các động thái của họ ngày càng cho thấy tham vọng của Bắc Kinh. Và cũng theo ông, khi một đối thủ ngạo mạn bắt đầu thông báo về tham vọng toàn cầu của mình, người Mỹ có lẽ nên cẩn trọng trước những tham vọng đó.

WHO gián tiếp ủng hộ hoạt động cưỡng bức

thu hoạch tạng ở Trung Quốc

Quý Khải
Vào thời điểm mối quan hệ giữa Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Trung Quốc đang đứng trước sự săm soi gắt gao, các nhà hoạt động nhân quyền và chuyên gia y tế cũng đang đặt dấu hỏi về lập trường của tổ chức này đối với chương trình hiến tạng nghi vấn của Bắc Kinh, theo Fox News.
Đầu năm nay, Tòa án về Trung Quốc có trụ sở tại London đã xác định rằng “chắc chắn không còn nghi ngờ gì nữa”, tim, phổi, thận và gan đang bị cưỡng bức thu hoạch đối với cộng đồng các dân tộc thiểu số và tôn giáo – đôi khi trong lúc nạn nhân vẫn còn sống và khỏe mạnh.
WHO đổi giọng, nói Trung Quốc chưa từng báo cáo sự bùng phát dịch virus corona
Bất chấp sự bác bỏ của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), chính quyền  này đã thừa nhận việc sử dụng tù nhân lương tâm trong nhiều thập kỷ để thu hoạch nội tạng cho một ngành công nghiệp trị giá 1 tỷ USD. Năm 2015, Bắc Kinh thông báo rằng chính sách chính thức của nó đã thay đổi, và chỉ những người hiến tạng tự nguyện mới có nội tạng được thu hoạch sau khi chết. Nhưng nhiều bên đã tuyên bố rằng chính quyền này đã không ngừng cưỡng ép thu hoạch tạng của người dân.“Ngành công nghiệp này đã tiếp tục phát triển với tốc độ nhanh chóng trong thập kỷ qua, và nó đã trở thành một ngành công nghiệp sinh lợi lớn cho ĐCSTQ. Họ sẽ không chấm dứt nó trừ khi tội ác của họ được phơi bày hoàn toàn và bản thân họ bị trừng phạt/truy tố bởi cộng đồng quốc tế”, Xiaoxu “Sean” Lin, một nhà vi trùng học và phát ngôn viên Hiệp hội Pháp Luân Đại Pháp tại Washington, nói với Fox News.
“Tại Trung Quốc, các bác sĩ có thể mua được nhiều cơ quan nội tạng nối tiếp nhau cho cùng một bệnh nhân, trong trường hợp thải ghép. Ở Trung Quốc không có gì lạ khi một bệnh nhân có thể tiến hành nhiều ca cấy ghép cho cùng một cơ quan. Ngoài ra, một loạt các loại nội tạng có thể cấy ghép và giá của
chúng được liệt kê công khai trên các trang web của bệnh viện, mang đến cảm giác rằng bất kỳ bộ phận cơ thể nào cũng có thể được thay thế khi cần thiết”.
Ông Lin cũng lưu ý rằng mặc dù phán quyết cuối cùng của Tòa án Trung Quốc được đưa ra vào tháng 3/2020, nhưng WHO cho tới nay vẫn không có bất kỳ lời hồi đáp nào.
Tạp chí y đức BMC vào tháng 11 năm ngoái cũng cáo buộc ĐCSTQ làm sai lệch dữ liệu và che đậy việc khai thác bất hợp pháp đối với các nhóm thiểu số và tù nhân chính trị dễ bị tổn thương.
Liên Hợp Quốc đã được yêu cầu mở một cuộc điều tra về các cáo buộc, nhưng không được, và WHO vẫn không xem xét bất kỳ hoạt động tội phạm tiềm năng nào.
Thay vào đó, WHO đã dành nhiều lời khen ngợi cho chương trình hiến tạng của Trung Quốc bất chấp lịch sử vấy bùn và những hoài nghi tiếp diễn xoay quanh cách thức hoạt động của WHO.
Tại Đại hội quốc tế của Hiệp hội cấy ghép tạng ở Tây Ban Nha lần thứ 27, Tiến sĩ Jose Nunez, người giám sát việc thu thập dữ liệu cấy ghép tạng toàn cầu cho WHO, đã dập tắt những cáo buộc liên quan đến việc mổ cướp nội tạng ở Trung Quốc là “những tin đồn”. Trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 9/2017 với tờ Washington Post, ông tuyên bố rằng số lượng người nước ngoài đến Trung Quốc để cấy ghép là “thật sự rất thấp”, so với các nước khác và rằng Bắc Kinh đã cải tổ.
Nhiều tháng sau khi Tòa án Trung Quốc công bố kết quả sơ bộ hé lộ việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng, TS Nunez đã báo cáo với truyền thông Trung Quốc rằng “các cải cách trong việc cấy ghép tạng của Trung Quốc đã đạt được kết quả đáng chú ý trong một thời gian ngắn. Kinh nghiệm của Trung Quốc có thể đóng vai trò như một mô hình cho toàn bộ khu vực châu Á và thế giới”.
Tương tự, tháng 12 năm ngoái, Tiến sĩ Francis L. Delmonico, cựu chủ tịch Hiệp hội Cấy ghép (TTS), giám đốc y tế của Ngân hàng Nội tạng New England (NEOB) và chủ tịch Lực lượng đặc nhiệm WHO về hiến và ghép tạng và mô người, đã nói: “Điểm nhấn lớn nhất trong kinh nghiệm Trung Quốc đối với việc ghép tạng là sự ủng hộ mạnh mẽ từ phía chính phủ Trung Quốc, đây là một ví dụ mà nhiều quốc gia nên tuân theo”.
Tiến sĩ Edward Kelley, giám đốc Cục Cung cấp Dịch vụ và An ninh tại trụ sở WHO là Geneva (Thụy Sĩ) đã đưa ra nhiều lời khen ngợi cho Trung Quốc. Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, ông tuyên bố Trung Quốc và các quốc gia khác tham gia cuộc họp là “các hình mẫu toàn cầu trong lĩnh vực cấy ghép tạng”.
Một năm trước, WHO – cùng với Hiệp hội Cấy ghép  ở Canada và Viện Hàn lâm Giáo hoàng về Khoa học của Vatican – đã đồng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh chống Buôn lậu Nội tạng, trong đó Tiến sĩ Hoàng Khiết Phu – Thứ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc – đã được mời làm diễn giả chính để trình bày “mô hình của Trung Quốc” trong việc thực hành ghép tạng.
“Sau đó, tại Hội nghị Y tế Thế giới lần thứ 70 (WHA) vào tháng 5/2017, đại diện Trung Quốc đã đề xuất WHO thành lập một lực lượng đặc nhiệm về cấy ghép tạng”, ông Lin chỉ ra. Sau đó, vào tháng 3/2018, nhận được sự thúc đẩy của chính phủ Trung Quốc, Lực lượng đặc nhiệm của WHO về Hiến và Cấy ghép các Cơ quan và Mô Người đã chính thức được thành lập”. Delmonico đã trở thành một trong hai chủ tịch của lực lượng đặc nhiệm này và hai bác sĩ người Trung Quốc, Hoàng Khiết Phu và Vương Hải Ba – một quan chức y tế Trung Quốc, đóng vai trò thành viên.
Lực lượng đặc nhiệm đã mô tả biện pháp cấy ghép “như là một hình thức điều trị hiện được công nhận là phương pháp điều trị tốt nhất và thường thường là duy nhất đối với hội chứng suy tạng giai đoạn cuối”.
WHO đã chưa lập tức trả lời yêu cầu bình luận về các cáo buộc cưỡng bức thu hoạch tạng cấy ghép của Trung Quốc hoặc liệu có bất kỳ cuộc điều tra nào tiếp theo sẽ được thực hiện hay không, nhưng lập trường của tổ chức này trong những năm gần đây đã khiến nhiều nhà hoạt động và chuyên gia bối rối.
“Chúng ta biết rằng việc cưỡng bức thu hoạch tạng nhắm vào các nhóm tôn giáo như người Duy Ngô Nhĩ, người Tây Tạng, các học viên Pháp Luân Công, các mục sư Kitô giáo và những người bất đồng chính kiến và những người là thành viên của các nhóm chính trị nhạy cảm khác. Không gì có thể cản trở ĐCSTQ bịt miệng các nhà phê bình mình”, Olivia Enos, một nhà phân tích chính sách cấp cao và chuyên gia nghiên cứu châu Á tại Quỹ Di sản, nói.
“Bất kỳ lời hứa của ĐCSTQ rằng họ sẽ ngừng thu hoạch nội tạng đều trống rỗng. ĐCSTQ đã đưa ra rất nhiều lời hứa để chấm dứt các hoạt động nhân quyền khủng khiếp khác, bao gồm mổ cướp nội tạng, nhưng chưa lời hứa nào thành hiện thực”.
Vào cuối tháng 5, sau khi một cuộc điều tra về mối quan hệ của WHO với lãnh đạo Trung Quốc, giữa lúc xảy ra một đợt bùng phát lớn của dịch virus corona chủng mới, Tổng thống Trump đã đình chỉ tài trợ thường niên cho tổ chức này.
Hồi tháng 7, Tổng thống Trump  đã chính thức đưa Mỹ ra khỏi WHO với lý do “lấy Trung Quốc làm trung tâm” và yếu kém trong việc xử lý đại dịch viêm phổi Vũ Hán COVID-19.

TQ “né” thổi bùng xung đột

dù leo thang căng thẳng với Mỹ

Trung Quốc vẫn đang hành động cẩn trọng với Mỹ để không gây thiệt hại nặng nề cho quan hệ song phương, bất chấp hàng loạt vấn đề căng thẳng gần đây.
Bưu điện Hoa nam Buổi sáng đưa tin, Các nhà phân tích nhận định, bất chấp lập trường “Chiến binh sói” của các nhà ngoại giao hay những người theo chủ nghĩa dân tộc học tại Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn tránh thực hiện các hành động khiêu khích quá mức và cho đến nay vẫn chưa đáp trả “tương xứng” với các đòn ngoại giao của Mỹ.
Căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bùng nổ từ tuần trước, khi Mỹ yêu cầu Trung Quốc đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Houston, bang Texas trong 72 giờ vì nghi ngờ có liên quan tới các hoạt động gián điệp.
Trung Quốc ngay lập tức có hành động đáp trả Mỹ. Tuy nhiên, Bắc Kinh chỉ yêu cầu Washington đóng cửa lãnh sự quán ở thành phố Thành Đô, thay vì các cơ sở ngoại giao quan trọng như lãnh sự quán ở Vũ Hán hay các lãnh sự quán trọng yếu hơn như ở Thượng Hải hay Hong Kong.
Mặc dù Trung Quốc mô tả việc đóng cửa lãnh sự quán Mỹ ở Thành Đô là hành động “cần thiết”, “phù hợp” và “có đi có lại”, song Bắc Kinh vẫn xử sự một cách cân bằng để vừa làm hài lòng công chúng trong nước, những người kêu gọi cứng rắn hơn với Washington, nhưng vẫn không đẩy quan hệ song phương tới bờ vực sụp đổ.
“Về cơ bản, hành động đó cho thấy Trung Quốc vẫn giữ lập trường cứng rắn, nhưng không muốn để tình hình leo thang. Cách tiếp cận tổng thể của Trung Quốc, giống như một cường quốc đang trỗi dậy, không phải nhằm tìm cách đẩy Mỹ vào một cuộc chiến tranh lạnh toàn diện”, SCMP dẫn lời Zhang Baohui, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Lingnan ở Hong Kong, nhận định.
Căng thẳng Mỹ – Trung bắt đầu leo thang vào giữa năm 2018 khi Washington “nổ phát súng đầu tiên” trong cuộc chiến thương mại kéo dài tới tận ngày hôm nay. Mặc dù Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gạt bỏ các cuộc đàm phán thương mại tiếp theo với Trung Quốc, song Bắc Kinh vẫn khẳng định sẽ cam kết thực hiện thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” được hai nước ký kết hồi tháng 1.
Quan hệ Mỹ – Trung tiếp tục xấu đi khi hai cường quốc xung đột với nhau trên hàng loạt mặt trận như cạnh tranh công nghệ, gián điệp, dịch Covid-19, và các hành động của Bắc Kinh tại Hong Kong, Tân Cương, Đài Loan và Biển Đông.
Đầu tháng 7, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị kêu gọi hòa giải và đối thoại “nếu Mỹ sẵn sàng”. Tuy nhiên, chỉ hơn một tuần sau đó, ông Vương đã chỉ trích Mỹ “mất trí, đạo đức và tín nhiệm”, đồng thời cho rằng chính sách “Nước Mỹ là số Một” của chính quyền Trump đã dẫn tới sự bắt nạt và ích kỷ.
Đáp trả cẩn trọng
Theo nhà nghiên cứu Cui Lei tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc ở Bắc Kinh, Trung Quốc vẫn đang tìm cách xoa dịu tình hình như những lần căng thẳng leo thang trước đây.
“Chiến lược của Bắc Kinh là vừa duy trì sự ổn định, thể hiện thiện chí nhưng vẫn tạo cảm giác, ít nhất ở ngoài mặt rằng, họ sẽ không nhượng bộ. Miễn là Mỹ không muốn bước vào một cuộc chiến tranh, hai bên vẫn có cơ hội để đàm phán”, Cui Lei, người từng là một nhà ngoại giao, cho biết.
Theo Reuters, Mỹ hồi tháng 7 trừng phạt các quan chức cấp cao của Trung Quốc liên quan tới cáo buộc vi phạm nhân quyền ở khu tự trị Tân Cương, trong đó có bí thư đảng ủy Tân Cương Chen Quanguo. Ông Chen, một trong 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc – cơ quan quyền lực nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc, là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp lệnh trừng phạt. Đáp lại, Bắc Kinh trừng phạt hàng loạt nghị sĩ Mỹ gồm Marco Rubio, Ted Cruz, Chris Smith và Sam Brownback – đại sứ đặc trách về tự do tôn giáo quốc tế.
Cũng trong tháng 7, Trung Quốc đáp trả việc Bộ Ngoại giao Mỹ thông qua thỏa thuận nâng cấp tên lửa trị giá 620 triệu USD cho Đài Loan bằng việc giáng đòn trừng phạt tập đoàn quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Động thái này của Bắc Kinh được cho là không để lại nhiều hệ quả vì nhà cung cấp vũ khí Mỹ không có nhiều lợi ích kinh doanh tại Trung Quốc.
Shi Yinhong, cố vấn chính phủ và là chuyên gia về Mỹ tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh, cho rằng Trung Quốc phần lớn tránh đáp trả “ngang bằng” Mỹ trong những năm gần đây.
“Trung Quốc có ít lựa chọn hơn để đáp trả (Mỹ), so sánh với các lệnh trừng phạt mà Mỹ và các đồng minh thân cận nhất của nước này, gồm Anh và Australia, có thể sử dụng. Việc sử dụng các biện pháp trả đũa thường xuyên có thể trao cho ông Trump đúng những gì ông ấy muốn, đồng thời cô lập Trung Quốc hơn nữa trên trường quốc tế”, chuyên gia Shi nhận định.
Trên các nền tảng mạng xã hội đông người dùng ở Trung Quốc, việc truyền thông nhà nước đưa tin về căng thẳng Mỹ – Trung đã làm dấy lên tâm lý chủ nghĩa dân tộc và bài trừ Mỹ. Điều này đã gây sức ép lên giới chức lãnh đạo Trung Quốc, buộc họ không được tỏ ra yếu ớt trước Mỹ.
Zhu Feng, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Đại học Nam Kinh, cho biết dư luận Trung Quốc lên tiếng mạnh mẽ, nhưng dường như không tác động tới việc ra quyết sách của Bắc Kinh.
“Ở trong nước, Trung Quốc cố gắng không tỏ ra yếu ớt khi đưa ra quyết định (đóng cửa lãnh sự quán Mỹ) ở Thành Đô và coi đây là một phần của chính sách ngoại giao “Chiến binh sói”. Nhưng tôi nghĩ Trung Quốc rõ ràng đang tìm cách tránh một cuộc chiến tranh lạnh mới mà Mỹ muốn áp đặt với Trung Quốc”, ông Zhu nói.
Một số chuyên gia dự đoán căng thẳng Mỹ – Trung có thể sẽ hạ nhiệt sau cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới. Tổng thống Trump hiện vẫn đổ lỗi cho Bắc Kinh vì để lây lan dịch Covid-19, trong khi Mỹ vẫn là ổ dịch lớn nhất thế giới. Các nhà lập pháp Mỹ cũng đang liên kết để tìm kiếm sự đồng thuận của lưỡng đảng, nhằm theo đuổi cách tiếp cận cứng rắn hơn với các hành động của Trung Quốc.

Gián điệp Trung Quốc sử dụng LinkedIn

để thu thập thông tin của Mỹ

Bình luậnVăn Thiện
Một đặc vụ của Trung Quốc đã thừa nhận sử dụng nền tảng truyền thông xã hội LinkedIn để tìm các đầu mối liên lạc của chính phủ Hoa Kỳ, những người có liên quan đến những thông tin đặc biệt và nhạy cảm. Hoạt động gián điệp này sau đó sẽ thu thập các thông tin có được và gửi về cho chính quyền Bắc Kinh.
Tờ Washington Post báo cáo rằng một người đàn ông Singapore bị cáo buộc là một đặc vụ của chính phủ Trung Quốc. Người này sau đó thừa nhận rằng ông đã sử dụng thuật toán “liên tục” của LinkedIn để tìm ra một lượng lớn các đầu mối liên hệ của chính phủ Hoa Kỳ, và nói với các nhà điều tra rằng hành động thu thập thông tin đã làm cho ông ta thấy “gần như bị nghiện”.
Vào ngày 23/7 vừa qua, người đàn ông có tên Dickson Jun Wei Yeo đã thừa nhận rằng ông là một đặc vụ phi pháp của Trung Quốc. Người này thú nhận đã đến Hoa Kỳ qua con đường sinh viên du học và thu thập các “thông tin mật” cho Bắc Kinh. Ông cũng có kế hoạch tuyển dụng người Mỹ để viết báo cáo cho việc học giả mạo của ông ta, nhằm che giấu thông tin.
Yeo thừa nhận đã sử dụng một nền tảng truyền thông xã hội, mà Washington Post cho là LinkedIn, để tìm những đầu mối liên hệ của chính phủ và quân đội nhằm có được những thông tin bí mật và nhạy cảm.
Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết: “Theo ông Yeo, thuật toán của trang web này ‘hoạt động liên tục’”. Ông Yeo cho biết rằng ông “ngày nào cũng kiểm tra trang web này để xem xét những đầu mối liên hệ mới, thu thập được nhờ thuật toán của trang web”.
Yeo sau đó đã trả cho mỗi người mà ông ta liên hệ được 1 khoản tiền từ 1000 USD (khoảng 23 triệu VND) đến 2000 USD (khoảng 46 triệu VND) cho báo cáo về những đề tài về chính trị – quân sự, bao gồm việc bán máy bay F-35 cho Nhật Bản và chiến tranh thương mại Mỹ – Trung. Các báo cáo chủ yếu mang tính chất học thuật thuần thúy, nhưng được gửi đến những địa chỉ mà Yeo biết là đặc vụ tình báo của Trung Quốc.
Tờ New York Times đưa tin vào năm ngoái rằng LinkedIn chính là “sân chơi chính” nơi mà “gián điệp Trung Quốc hoạt động nhiều nhất”. Yeo trở lại Hoa Kỳ vào tháng 11/2019 để lên kế hoạch hỏi một sĩ quan quân đội, nhằm cung cấp thông tin mật và tiết lộ rằng ông ta đang làm việc cho chính phủ Trung Quốc. Nhưng khi đến nơi, cơ quan thi hành pháp luật đã thẩm vấn và bắt giữ ông ta.
Quang Minh
Theo Breitbart

Phơi bày bí mật ‘huyết nhục’ 70 năm của ĐCSTQ:

Sống ký sinh trên nhân dân

Bình luậnMinh Thanh
Hoa Kỳ và Trung Quốc gần đây đã đóng cửa các lãnh sự quán của nhau và xung đột giữa hai nước ngày một căng thẳng. Một vấn đề khiến chính quyền Bắc Kinh tức giận là trong các bài phát biểu chính thức, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump và các nghị sĩ Hoa Kỳ ngày càng tách rõ Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) khỏi đất nước và người dân Trung Quốc.
Theo thông tin chính thức của ĐCSTQ, vào ngày 28/7, khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói chuyện với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian, ông Vương đã chỉ trích nặng nề Hoa Kỳ vì “bêu xấu đảng cầm quyền vốn là ‘huyết nhục liên thông’ với người dân Trung Quốc”. ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc có quan hệ “huyết nhục” không? Mối liên kết đó tính chất như thế nào? Sự thật là gì?
Theo tin các hãng truyền thông, chính phủ Hoa Kỳ gần đây đã chính thức phân biệt ĐCSTQ với Trung Quốc và người dân Trung Quốc, khiến ĐCSTQ ‘xù lông’ giận dữ. Ngoài ra, Hoa Kỳ thậm chí đang xem xét các biện pháp trừng phạt đối với tất cả các đảng viên ĐCSTQ. Điều này càng làm cho giới lãnh đạo ĐCSTQ khiếp sợ. Điều này cho thấy chính phủ Hoa Kỳ không còn công nhận tính hợp pháp của chính quyền ĐCSTQ.
Ngày 23/7, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo đã có bài phát biểu với tiêu đề “ĐCSTQ và tương lai của thế giới tự do”, kêu gọi chống lại ĐCSTQ. Ông chỉ ra rằng ĐCSTQ là một mối đe dọa từ thế hệ này sang thế hệ khác đối với các quốc gia dân chủ tự do trên thế giới; các quốc gia nên đoàn kết chống lại ĐCSTQ và bảo vệ các giá trị dân chủ và tự do của xã hội tự do.
Ông Pompeo nhấn mạnh rằng ĐCSTQ không phải là Trung Quốc. Một trong những lời nói dối lớn nhất mà ĐCSTQ đã nói là ĐCSTQ đại diện cho 1,4 tỷ người dân Trung Quốc đang bị theo dõi, đàn áp và đe dọa.
Ông đã tách Trung Quốc khỏi ĐCSTQ, kêu gọi các đồng minh và nhân dân Trung Quốc hợp tác với Hoa Kỳ và nhấn mạnh rằng nếu thế giới tự do không thay đổi ĐCSTQ, thế giới tự do sẽ bị ĐCSTQ thay đổi.
Không chỉ có Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tỏ rõ sự căng thẳng đối phó trước việc Hoa Kỳ phân tách ĐCSTQ và người dân Trung Quốc. Trước đó, ngày 20/7, trong một cuộc họp báo, phát ngôn viên mới của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Vương Văn Bân (Wang Wenbin) cũng tuyên bố: “Hoa Kỳ nên tôn trọng và chấp nhận hiện thực là ĐCSTQ do nhân dân Trung Quốc ủng hộ, thay vì .. gây chia rẽ mối quan hệ giữa ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc”.
Bài viết của nhà bình luận thời sự Ngụy Tấn (Wei Jin) nói rằng mối quan hệ giữa ĐCSTQ và người dân Trung Quốc nếu thực sự rất mật thiết như thế, tại sao không thể chịu đựng được “sự khiêu khích”? Người dân Trung Quốc mấy chục năm qua bị bức hại trong các cuộc vận động vẫn chưa đủ sao? Đảng chính trị nào trên thế giới muốn người dân cung dưỡng? Những sự thật công khai này đã làm mất mặt các quan chức ngoại giao Trung Quốc. Khi họ bước ra phát biểu, họ đương nhiên nhận được sự chấp thuận của các nhà lãnh đạo ĐCSTQ. Điều này cho thấy các nhà lãnh đạo ĐCSTQ cũng khá bi quan, nghĩ rằng chính phủ Hoa Kỳ không còn coi chế độ ĐCSTQ là chính phủ hợp pháp của Trung Quốc. Bởi vì ĐCSTQ và nhân dân Trung Quốc thực sự không phải là một, vì vậy mà họ nhấn mạnh lặp đi lặp lại nhiều lần phòng ngừa bị chia cắt.
Bài viết cho rằng Hoa Kỳ đã bắt đầu ngăn chặn ĐCSTQ xâm nhập vào Hoa Kỳ và bắt đầu chính sách trực tiếp đối đầu mạnh mẽ với ĐCSTQ. Đây là một biểu hiện bình thường của sự thức tỉnh. Nhưng nó đã khiến ĐCSTQ hoàn toàn mất tín tâm đối với tính hợp pháp của chính mình, chỉ là cố lên tiếng để bảo vệ. Hành động ‘chột dạ’ thế này đã thành trò cười trong ngoại giao quốc tế.
Phá vỡ bí mật 70 năm của ĐCSTQ: Sống ký sinh trên nhân dân
Vào tháng 1 năm 2017, một bài báo đặc biệt ở nước ngoài ký tên Đường Trận (Tang Zhen) đã tiết lộ nhiều dữ liệu củng cố cho lời giải thích: ĐCSTQ bắt đầu từ việc dựa vào truyền máu từ Quốc tế Cộng sản cho đến dựa vào cướp bóc đốt giết, và không từ thủ đoạn tham gia vào việc buôn lậu và buôn thuốc phiện; Tới thời kháng chiến lại bám vào Quốc dân đảng để nuôi sống. Sau khi ĐCSTQ thành lập, cơ cấu quân sự chính trị đảng toàn bộ bám vào người dân cấp dưỡng. Việc sau khi thành lập, ĐCSTQ ăn bám vào người dân, là bí mật lớn mà ĐCSTQ đã cố gắng che giấu.
Trong một thời gian dài, mọi người đã bị lừa dối bởi tuyên truyền và tẩy não của ĐCSTQ. Mọi người không biết ĐCSTQ đã che giấu lịch sử làm giàu của nó, và họ càng tin rằng mẹ đảng này đã nuôi dưỡng bản thân mình.
Vào tháng Hai năm 2016, Nhậm Chí Cường (Ren Zhiqiang), một nhà bất động sản nổi tiếng, đã chỉ trích: “Chính phủ nhân dân biến thành chính phủ đảng lúc nào vậy? Chi tiêu bằng đảng phí?”, “Không được dùng tiền của đối tượng nộp thuế cho những việc không phải vì người nộp thuế”.
Ngoài ra, để trả lời Đoàn Thanh niên Cộng sản ĐCSTQ, ngày 27/3/2016, giáo sư luật của Đại học Bắc Kinh Hà Vệ Phương (He Weifang) đã đăng trên Weibo rằng Đoàn Thanh niên Cộng sản không nên được để người nộp thuế nuôi dưỡng.
Trong cuộc họp báo của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc Trung Quốc vào ngày 11/3/2016, ĐCSTQ lần đầu đã buộc phải thừa nhận rằng chính ĐCSTQ không dựa vào đảng phí hỗ trợ. Người phát ngôn của Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc đã trả lời câu hỏi của truyền thông Đại Lục, về việc khi nào ngân sách của đảng có thể được công khai. Ông trả lời rằng câu hỏi này hơi khó khăn và thừa nhận rằng ngân sách trung ương bao gồm ngân sách của đảng. Phản ứng này đã gây ra cuộc thảo luận sôi nổi giữa các cư dân mạng. Cư dân mạng cho rằng đây là chính quyền đã thừa nhận công khai rằng đảng cũng tiêu tiền của người dân…
Trên cơ sở đó, nhà hoạt động dân chủ ở nước ngoài Ngụy Kinh Sinh (Wei Jingsheng) chỉ ra rằng ĐCSTQ đã che giấu bí mật trong hơn 60 năm, đó là: họ đã tiêu tiền thuế của người dân. Đây là một tội nghiêm trọng liên quan tới tham nhũng, lạm dụng của công. Về mặt chống hủ bại, ĐCSTQ là tham nhũng nhất ở Trung Quốc và hủ bại nhất trên thế giới.
Ông Ngụy chỉ ra rằng ĐCSTQ không có sự phân biệt giữa công và tư. Đây là một hệ thống phát-xít, và thậm chí có thể nói là một thể chế chính trị giáo phái hợp nhất. Tuy nhiên, ngay cả chính trị giáo phái hợp nhất, giáo hội vẫn tiêu tiền của giáo hội, chứ không dùng tiền của chính phủ. Ngay cả các hoàng đế thời cổ đại, công khố của chính phủ và kho bạc của riêng Hoàng đế cũng được tách biệt rõ ràng. Từ quan điểm này, hệ thống ĐCSTQ có thể nói là một hệ thống siêu hợp nhất chính trị và tôn giáo, siêu phát-xít.
Chế độ ĐCSTQ là “quốc gia vạn thuế”. Người dân không chỉ trực tiếp cung dưỡng cho đảng mà còn gánh vác một quần thể các quan chức có một không hai trên thế giới.
Nộp thuế là nghĩa vụ của công dân để duy trì chi tiêu của chính phủ. Tuy nhiên, số tiền thuế mà người dân phải trả ít nhiều ra sao sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến thu nhập của quan chức và gánh nặng của người dân. Nhà kinh tế học nổi tiếng Lang Hàm Bình (Lang Xianping) cho biết trong một bài phát biểu: thị trường rau Thượng Hải 2 nhân dân tệ/kg, giá mua trang trại rau ở nông thôn là 0,1 nhân dân tệ/kg. Các nhà cung cấp rau kiếm 0,3 nhân dân tệ/kg và 1,6 nhân dân tệ còn lại sẽ bị chính phủ lấy đi. Ở Hong Kong không có chuyện đó. Trung Quốc là quốc gia có nhiều thuế nhất trên thế giới và có thể được gọi là “quốc gia vạn thuế”!
Số lượng quan chức ĐCSTQ là nhiều nhất trên thế giới. Đảng và chính phủ là song tuyến, mỗi phe chỉ định nhân sự riêng, không tín nhiệm nhau, tranh luận với nhau và giám sát lẫn nhau. Do đó, hiệu quả là cực kỳ thấp. Đây là sự bế tắc của hệ thống ĐCSTQ.
Có một so sánh dữ liệu trong tạp chí “Tranh minh” của Hong Kong vào tháng 4 năm 2016. Năm 2012, chi phí hành chính của các chính phủ trên thế giới chiếm tổng doanh thu tài chính là : Đức 2,7%, Ai Cập 3,1%, Ấn Độ 6,3%, Canada 7,1%, Nga 7,6% và Trung Quốc 30%. Riêng Trung Quốc gần gấp 10 lần Ai Cập và 5 lần so với Ấn Độ!
Vào năm 2012, số lượng quan chức địa phương được chính quyền địa phương ở Trung Quốc hỗ trợ (không bao gồm các quan chức trung ương) là khoảng 60 triệu người ở 2.000 quận và thành phố, và sẽ thêm 2,5 triệu người mỗi năm kể từ năm nay.
Với mỗi 1 triệu USD GDP Trung Quốc cần cấp dưỡng cho 10,8 quan chức, còn Hoa Kỳ: 1,56; Nhật Bản: 0,95; Đức: 1,33 và Anh: 2,8. Con số của Trung Quốc gấp 10 lần Nhật Bản, 7 lần so với Hoa Kỳ, 8 lần so với Đức và 4 lần so với Vương quốc Anh.
So sánh tỷ lệ chi phí hành chính so với GDP ở các quốc gia khác nhau: Trung Quốc là 25,6%, Ấn Độ là 6,3%, Hoa Kỳ là 3,4% và Nhật Bản là 2,8%. Dân số Trung Quốc và Ấn Độ tương tự nhau, nhưng chi phí hành chính khác nhau 4 lần.
Trên thực tế, các cơ quan, doanh nghiệp và tổ chức của ĐCSTQ, cũng như các quan chức đã nghỉ hưu trong những năm qua, có mức lương đáng kinh ngạc, dẫn đến khoản chi tiêu rất lớn. Tất cả đều đè nặng lên người dân.
Giáo sư Dương Thiệu Chính (Yang Shaozheng) của Đại học Quý Châu, người đã bị khai trừ khỏi đảng vì những ngôn luận trên mạng vào năm 2018, ông đã trực tiếp động chạm tới chính quyền vì ông đã công khai chỉ trích ĐCSTQ “dùng quỹ công nuôi dưỡng đảng”.
Trong bài viết của mình, ông Dương chỉ trích rằng ĐCSTQ đã sử dụng thuế và tài sản thuộc sở hữu nhà nước để hỗ trợ cho tất cả công chức chuyên trách công tác đảng và một số nhân viên công tác đoàn thể phi chính đảng với tổng trị giá khoảng 20 triệu Nhân dân tệ mỗi năm, gây hao tổn cho xã hội ước tính khoảng 20 nghìn tỷ Nhân dân tệ. Nếu tình hình không thay đổi, xã hội cuối cùng sẽ sụp đổ.
Ông nói: “Sự mất mát của cải cho toàn xã hội do các quỹ công gây ra để hỗ trợ cho đảng và các hiệp hội ở Trung Quốc đại lục là 20 nghìn tỷ nhân dân tệ mỗi năm, gánh nặng bình quân đầu người là 15.000 nhân dân tệ. Trong khi hầu hết các nước trên thế giới hầu như không cung dưỡng cho nhóm người này và gánh nặng bình quân đầu người bằng không”.
Minh Thanh
Theo SOH

Tại sao Trung Quốc muốn chinh phục Sao Hỏa?

Bình luậnThủy Tiên
Kỳ vọng của thế giới tập trung vào việc phóng tàu thăm dò Sao Hỏa đầu tiên từ Nhật Bản chỉ vài ngày sau đã chuyển sang Trung Quốc.
Bắc Kinh vừa phóng thành công tên lửa Trường Chinh 5 mang theo tàu thăm dò Thiên Vấn-1 trên lưng. Đây là sứ mệnh khởi đầu tham vọng của quốc gia rộng lớn tại châu Á trên Hành tinh Đỏ, một vài ngày trước dự án Sao Hỏa 2020 mà Hoa Kỳ sẽ đưa vào quỹ đạo trong vòng 1 tuần nữa.
Cam kết của Chủ tịch Tập Cận Bình về việc thăm dò Sao Hỏa mở ra một kịch bản mới về sự ganh đua với Hoa Kỳ khi tham gia vào các lĩnh vực công nghệ, thương mại và kinh tế và kiểm soát các vấn đề quân sự như thủy quân, không quân và lĩnh vực không gian song song với lĩnh vực quân sự trên đất liền. Đây là những điểm va chạm chính với Washington trong khuôn khổ địa chiến lược toàn cầu.
Nhưng tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình lại đương đầu với Tổng thống Donald Trump trong nỗ lực giành quyền tối cao mà ông Trump nắm giữ trong cuộc thám hiểm liên hành tinh từ Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Quốc gia (NASA)? Câu trả lời rất đơn giản. Bởi vì ông ta có thể và ông ta muốn việc đó. Việc phóng lên không gian vũ trụ ngày nay đặt ra một thách thức rõ ràng trong lĩnh vực thám hiểm vũ trụ, đặc biệt là Sao Hỏa. Nó như một hệ quả tất yếu cho cuộc đua đã tồn tại giữa 2 nước để đưa các phi hành gia trở lại mặt trăng.
Chính quyền ở Bắc Kinh đã xác định một chiến lược dài hạn có tầm nhìn 30 năm và xa hơn nữa là đặt chân lên Hành tinh Đỏ và chứng minh cho cả thế giới thấy tiềm năng to lớn về khoa học và công nghệ của đất nước này. Nói tóm lại, là để trở thành siêu cường vĩ đại thực sự của thế giới và để vững mạnh và củng cố uy tín và ảnh hưởng quốc tế của mình trong mọi lĩnh vực.
Không chỉ là uy tín
Một lý do đáng thuyết phục khác để tham gia đầy đủ vào thám hiểm không gian, cho dù là Mặt trăng, Sao Hỏa hay phần còn lại của vũ trụ, là để tăng cường tính hợp pháp của Đảng Cộng sản Trung Quốc với tư cách là chỉ huy đặc quyền xã hội của một quốc gia đa sắc tộc đang bị vướng vào mọi vấn đề phát sinh từ sự tăng trưởng bất cân đối nội tại.
Lý do thứ ba là tăng cường thị trường phóng và xây các vệ tinh, một nhiệm vụ mà nước này dự định sẽ tiếp tục mở rộng trên trường quốc tế. Với một ngành công nghiệp mà hàng trăm ngàn kỹ thuật viên làm việc, với một mạng lưới kinh doanh quốc doanh rộng lớn đã nhường chỗ cho sáng kiến ​​tư nhân và với 4 trung tâm điều khiển phóng, thị trường nội địa của nước này rất nhỏ.
Không còn nghi ngờ gì nữa, giống như các Tiểu vương quốc Ả Rập đang cố gắng thực hiện với tàu vũ trụ Al Amal, Trung Quốc muốn đặt thành công tàu thăm dò Thiên Vấn-1 quanh Sao Hỏa. Nhưng không giống như đất nước Ả Rập, quốc gia này cũng dự định đưa lên và cho chạy một chiếc xe địa hình 6 bánh nặng 240 kg trên bề mặt Sao Hỏa. Và đây đều là những từ đao to búa lớn, bởi vì hơn một nửa các nỗ lực đã kết thúc trong thất bại.
Trong trường hợp của NASA Bắc Mỹ, đầu tiên họ đã gửi các tàu quỹ đạo xung quanh hành tinh, sau đó là các phòng thí nghiệm nhỏ đã được thiết lập nhưng thiếu khả năng di chuyển. Chỉ sau đó mới có các xe địa hình tự động được đưa lên, có trọng lượng, kích thước và khả năng khoa học tăng lên với mỗi
nhiệm vụ mới. Ấn Độ đi theo con đường tương tự và duy trì một tàu vũ trụ nghiên cứu hành tinh từ quỹ đạo.
Tìm kiếm đối tác
Mặt khác, Bắc Kinh muốn làm mọi thứ đồng loạt khi áp dụng các công nghệ mới được các kỹ sư của họ phát triển. Đây là cách mà ông Tập Cận Bình mơ ước đặt nền móng cho quốc gia ngàn năm của mình tham gia với nửa tá các quốc gia đứng đầu ngành vũ trụ thế giới, dẫn đầu là Hoa Kỳ.
Tàu chinh phục sao Hỏa Thiên Vấn-1 hoàn toàn là của Trung Quốc. Nhưng Tập Cận Bình đã tìm cách đưa một số nước châu Âu tham gia vào dự án của mình. Một số công cụ khoa học trên tàu quỹ đạo và xe địa hình có sự tham gia của các trung tâm nghiên cứu ở Áo và Pháp, mà các nhà lãnh đạo như ông Sebastian Kurz và Emmanuel Macron đều lần lượt muốn tăng cường sự hiện diện và thương vụ của mình với Bắc Kinh.
Viện Nghiên cứu Không gian Vũ trụ thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Áo đã đóng góp máy từ kế quỹ đạo, trong khi các nhà khoa học từ Viện Nghiên cứu Vật lý thiên văn và Địa chất học ở Pháp đã giúp phát triển thiết bị quang phổ laser di chuyển trên mọi địa hình. Đây là điều mà người Trung Quốc có thể tự làm, nhưng họ muốn chứng tỏ rằng họ cởi mở trong hợp tác quốc tế.
Argentina và Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) cũng sẽ đóng góp vào thành công của Thiên Vấn-1. Quốc gia Nam Mỹ sẽ đóng góp bằng cột ăng ten cao 35m mà Trung Quốc đã xây dựng ở Neuquén, phía nam Patagonia. Nhiệm vụ liên quan đến tàu vũ trụ khám phá sao Hỏa Thiên Vấn-1 là then chốt, bao gồm gửi các mệnh lệnh bằng điều khiển từ xa và nhận thông tin từ xa và dữ liệu được tàu thăm dò thu thập trên đường đến Hành tinh Đỏ và trong suốt thời gian ở trên quỹ đạo. ESA cũng sẽ đóng góp theo cách tương tự, với mạng ăng ten không gian sâu, một trong số đó được đặt tại trạm theo dõi vệ tinh Cebreros gần Madrid.
Một trong những cách mà Chính quyền Trung Quốc đánh giá cao sự hợp tác của ba quốc gia nói trên và của Cơ quan châu Âu thể hiện bằng việc đặt logo của các cơ quan không gian của Argentina (CONAE), Áo (FFA) và Pháp (CNES) và ESA trên đỉnh của bệ phóng Long-Range 5. Đây là một chi tiết bất thường cho thấy sự quan tâm của chính quyền Trung Quốc trong việc khuyến khích các quốc gia khác tham gia trong các chương trình không gian mà quốc gia này dẫn đầu.
Thủy Tiên
Theo atalayar.com

Làm mưa nhân tạo để chống hạn

 khiến Cát Lâm lụt, cuốn trôi xe ô tô

Bình luậnMinh Thanh
Vào ngày 30/7, thành phố Cát Lâm, tỉnh Cát Lâm đã xảy ra mưa lớn gây lũ lụt nghiêm trọng, đường phố biến thành sông, nước sâu gần 1m và nhiều xe ô tô đã bị nước lũ cuốn trôi. Thành phố Cát Lâm đưa ra cảnh báo màu vàng cho giông bão. Từ ngày 27/7, tỉnh Cát Lâm lại triển khai một hoạt động tăng cường mưa nhân tạo quy mô lớn. Đây có thể là tác dụng “kỳ diệu” của việc tăng thêm lượng mưa!
Theo dự báo thời tiết địa phương, trong 10 ngày tới, hầu hết tỉnh Cát Lâm sẽ có lượng mưa tích lũy 40-80 mm và 100-180 mm ở một số khu vực như miền trung và miền đông. Vào lúc 8h ngày 30/7, các con sông chính ở tỉnh Cát Lâm có xu hướng nước ổn định, tất cả các hồ chứa lớn và vừa đang hoạt động dưới mực nước giới hạn lũ.
Theo thông tin chính thức của địa phương, bắt đầu từ ngày 27/7, hoạt động tăng cường lượng mưa ở tỉnh Cát Lâm vẫn tiếp tục. Các hoạt động tăng cường mưa đã được thực hiện tại các khu vực Tùng Nguyên, Tứ Bình, Bạch Thành, Cát Lâm, Trường Xuân, Liêu Nguyên, Bạch Sơn và Diên Biên. Công việc được kéo dài trong 4 tiếng, sử dụng 400 quả đạn lửa lượng tử làm chất xúc tác. Đồng thời, máy bay Hafeiyun-12 đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm vào ngày 29/7 và chuyển đến sân bay quốc tế Trường Xuân Long Gia. Vào ngày 30/7, nó đã thực hiện các hoạt động giảm hạn hán và tăng lượng mưa ở khu vực trung tâm và phía tây của tỉnh.
Một số cư dân mạng bình luận: “Đây là loại hoạt động gì? Một mặt thì ngăn chặn lũ lụt một mặt thì chống hạn hán cùng một lúc!?”
Đoạn video được cư dân mạng đăng tải cho thấy thành phố Cát Lâm bị ảnh hưởng thiên tai nghiêm trọng. Cơn mưa lớn trong nháy mắt đã biến đường phố thành sông. Những chiếc ô tô bị ngập trong gần 1m nước sâu và nhiều ô tô bị lũ cuốn trôi. Nhiều cửa hàng ở tầng một bị ngập lụt. Được biết, chỉ 10 phút sau cơn mưa lớn, đường phố bắt đầu ngập lụt. Cư dân mạng đặt câu hỏi về hệ thống thoát nước của thành phố.
Minh Thanh
Theo SOH

Các nhà khoa học cho biết nước sông Hoàng Hà

 đang ‘trong’ nhất trong vòng 500 năm qua

Bình luậnVăn Thiện
Theo một nghiên cứu mới, dòng sông Hoàng Hà đục ngầu chảy qua Trung Quốc, con sông dài thứ hai của đất nước sau Dương Tử, đang trở nên “trong” nhất trong 500 năm qua, theo South China Morning Post.
Sông Hoàng Hà được đặt tên theo màu nước do trầm tích gây ra. Lượng trầm tích có thể đạt tới 34 kg trên mỗi mét khối nước – gấp 34 lần sông Nile ở Châu Phi.
Dài 5,464 km, sông bắt đầu tại tỉnh Thanh Hải ở phía tây bắc và đổ ra biển Bột Hải ở phía đông Sơn Đông. Đồng bằng màu mỡ do con sông bồi lấp làm cho nó trở thành cái nôi của nền văn minh Trung Quốc cổ đại.
Hàm lượng trầm tích trong sông này là chủ đề của một nghiên cứu được thực hiện trong khoảng thời gian hơn một thập kỷ của một nhóm các nhà khoa học quốc tế. Nhóm nghiên cứu, dẫn đầu bởi nhà địa lý học An Zhisheng, từ Viện Môi trường Trái đất thuộc Viện Khoa học Trung Quốc ở Tây An, đã tìm cách tái hiện lại quá trình sông Hoàng Hà đã thay đổi – từ năm 1492 trở lại đây.
Để làm điều này, họ đã thu thập dữ liệu tuổi vòng cây từ khắp khu vực để xác định lượng dòng chảy đã chảy xuống sông mỗi năm.
Mặc dù điều này không đưa ra một thước đo trực tiếp về độ trong của dòng sông, nhưng điều đó có nghĩa là các nhà khoa học có thể ước tính mức độ xói mòn đang diễn ra – và bao nhiêu trầm tích đã lắng xuống lòng sông.
Theo một bài báo đăng trên Kỷ yếu Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ (Proceedings of the National Academy of Sciences of the United States of America), họ đã tìm thấy sự sụt giảm mạnh về dòng chảy và trầm tích trên sông trong những thập kỷ gần đây. Hiện tượng nước sông trong này là “chưa từng có trong 5 thế kỷ qua”.
Theo các nhà khoa học, hiện tượng này đã xảy ra cứ sau vài thập kỷ, nhưng họ cho biết sự tiến triển gần đây không hoàn toàn là tin tốt.
Các nhà khoa học cho biết, chu trình được xác định bởi các yếu tố tự nhiên như chu kỳ khí quyển toàn cầu và khí hậu khu vực. Nhưng từ những năm 1960, chu kỳ đã bắt đầu suy yếu dần cho đến khi nó “biến mất hoàn toàn” trong những năm gần đây.
Sự suy yếu của gió mùa đã làm giảm lượng mưa tổng thể ở khu vực sông Hoàng Hà, nhưng các nhà khoa học cho biết điều này chỉ giải thích được một phần nhỏ của sự thay đổi.
Theo nghiên cứu, các hoạt động tăng cường của con người trong khu vực cũng ảnh hưởng đến độ trong của con sông. 9 con đập được xây dựng dọc theo sông Hoàng Hà đã bị chỉ trích vì làm chậm dòng chảy của nước và chặn trầm tích. Sau khi chúng được xây dựng, hạ lưu sông khô cạn trong vài tháng mỗi năm từ 1995 đến 1998.
Nhưng chính phủ quy cho vấn đề là quản lý sai chứ không phải do các con đập. Theo họ, sự phối hợp giữa các con đập đã được cải thiện và dòng sông đã không còn khô cạn kể từ đó.
Ngoài ra, các hoạt động khác của con người như tưới tiêu cho nông nghiệp và các chiến dịch trồng cây hàng loạt đã làm tăng nguồn cung cấp thực phẩm và cải thiện cuộc sống, nhưng chúng cũng sử dụng một lượng nước rất lớn.
Người ta ước tính rằng dòng chảy vào sông Hoàng Hà đã giảm ít nhất một nửa do các hoạt động này – từ mức trung bình hàng năm khoảng 40 tỷ mét khối trong 500 năm qua giảm xuống khoảng 20 tỷ mét khối ngày nay.
Với dòng chảy ít hơn, dòng sông có ít trầm tích hơn và với ít nước hơn, nó cũng di chuyển chậm hơn – và mang ít phù sa hơn về phía hạ lưu.
Trong tương lai, các nhà khoa học dự đoán rằng độ cao của lòng sông sẽ tăng chậm lại, hoặc thậm chí đảo ngược, điều này sẽ làm giảm nguy cơ lũ lụt nhưng cũng có thể làm mất ổn định bờ sông ở một số khu vực – và trong trường hợp xấu nhất, dòng sông có thể cạn kiệt.
Nếu điều đó xảy ra, các nhà khoa học cảnh báo rằng nó sẽ có tác động thảm khốc đối với sự sống còn của con người ở hạ lưu.
Văn Thiện
Theo scmp

Lần thứ 16 xả nước vào trấn nhỏ cứu phố lớn,

dân Trung Quốc trở thành nạn nhân của ai?

Phụng Minh
Dân chúng trào phúng nói, lúc có thảm họa thảo dân còn không mau đi chết? Đất nước khó khăn, bạn có lòng yêu nước không vậy?
Tác giả Điền Vân trên trang Epochtimes đã có bài bình luận về cách chính quyền Trung Quốc hy sinh người dân của mình vì “ổn định chung”:
Vào tháng 7, thảm họa lũ lụt ở nhiều nơi trong tỉnh An Huy đã trở nên trầm trọng hơn. Chỉ riêng trong khu vực lưu trữ lũ lụt, đất nông nghiệp và các tài sản khác của 200.000 người đã bị cuốn trôi. Các phương tiện truyền thông chính thức Trung Quốc rao giảng “bỏ tiểu gia, vì đại cục” và xem nhẹ những mất mát nặng nề của người dân.
“Người An Huy nghèo chỉ có thể chấp nhận thực tế là nhà của họ đã bị ngập trong lũ lụt. Về cách đưa ra quyết định, họ không bao giờ có quyền can thiệp”.
“Tinh thần Vương Gia Bá” hay vỏ bọc để hy sinh nhân dân
Sáng ngày 20/7, thành phố Vương Gia Bá trên sông Hoài ở tỉnh An Huy đã mở cửa xả lũ lần thứ 16. Lũ lụt tràn vào khu vực lưu trữ lũ lụt Mông Oa, Epochtimes dẫn lại thông tin từ đài nước ngoài ở Trung Quốc cho biết dân làng đã phẫn nộ khi chính quyền địa phương cho phát trên loa công suất lớn, yêu cầu họ phải “hy sinh cái tôi, chăm sóc đại cục”. Truyền thông chính thống của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) gọi đây là “sự hy sinh và cống hiến” thứ 16 của quận Mông Oa.
Một cư dân mạng đã viết: “Tôi là một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở khu vực Mông Oa. Tôi đã trải qua việc dẫn nước vào khu lưu trữ lũ lụt nhiều lần cho đến nay. Chúng tôi, những người bạn và người thân của tôi đã từ bỏ ngôi nhà của mình và chịu tổn thất nặng nề. Đây là để những người bên ngoài con đập được an cư lạc nghiệp. Hy vọng là sự hy sinh của chúng tôi, đảng và nhân dân có thể nhìn thấy“.
Trong video trực tiếp về khu vực thảm họa lưu hành trên Internet, có kích động nói: “Vì trên thì phải bảo vệ Hà Nam, dưới phải bảo vệ Giang Tô, nên người An Huy chúng tôi phải trả giá nhiều lắm, tình hình thảm họa qua đi, nếu người An Huy có tới nhà các vị xin cơm, xin hãy cho chúng tôi một miếng ăn đi!”.
Một người đứng trong nước nói: “Đối với người nông dân chúng tôi mà nói, thì 300 mẫu lúa này đã bị hủy hết rồi, phí nhận thầu, phí hạt giống, phí thuốc trừ sâu, cứ thế mà bị ngâm trong nước. Chúng tôi thật sự không biết, nên làm thế nào để sống tiếp đây”.
Khu vực lưu trữ lũ lụt Mông Oa là khu vực lưu trữ lũ đầu tiên được kích hoạt khi một trận lụt lớn xảy ra trên dòng chính của sông Hoài. Có 4 thị trấn trong khu vực và gần 200.000 người sống trong đó. Mười hai giờ trước khi cánh cổng xả nước mở ra vào ngày hôm đó, khoảng 2.000 người bắt đầu được chuyển đi. Những người còn lại sống ở vùng đất cao hơn và trong khu bảo tồn của Bảo Trang. Tuy nhiên, sau khi lũ lụt đến, mùa màng của họ, trái cây, cá và tôm không thể giải cứu nổi, các khu dân cư sẽ trở thành những hòn đảo biệt lập trong nước và việc đi lại chỉ có thể được thực hiện bằng thuyền.
Để đối phó với tình trạng bi thảm này, truyền thông chính thức của ĐCSTQ tuyên bố rằng người dân ở khu vực lưu trữ lũ lụt đã không chịu khuất phục và lạc quan, tạo nên cái gọi là “tinh thần Vương Gia Bá”. Còn nói rằng, “nhiều tin nhắn” nước mắt” ca ngợi “tinh thần Vương Gia Bá” đã xuất hiện trên mạng Internet.
“Các con đường trên khắp đất nước đã trở thành kênh đào lớn, tất cả các công cụ giao thông đường bộ đều bị loại bỏ và không có các công cụ vận chuyển dưới nước. Mọi người chỉ có thể sơ tán bằng di cư như linh dương đầu bò châu Phi”.
Cư dân mạng đặt câu hỏi tại sao chính phủ thường xả lũ mà không báo trước, để nạn nhân không có thời gian sơ tán vật tư. Tại sao không lên kế hoạch trước cho các khu tái định cư cho dân làng? Cứu trợ của chính phủ đã đi đâu?
Lũ lụt xảy ra gần như hàng năm ở phần phía nam của đại lục. Trụ sở kiểm soát lũ đang làm gì? Từ bỏ những vùng nông thôn và bảo vệ những thành phố lớn, suy nghĩ và thực hành này chưa bao giờ thay đổi. Người dân trong khu vực lưu trữ lũ lụt đã chứng kiến nhà của họ biến mất hết lần này đến lần khác và gia đình họ phá sản hết lần này đến lần khác, hàng trăm ngàn người đã rời quê hương. Khái niệm “hy sinh” là gì? Chính phủ chẳng phải nên bồi thường cho tất cả các nạn nhân của thảm họa? Tuy nhiên, các quan chức cấp cao và giàu có của ĐCSTQ sẽ không bao giờ bận tâm đặt câu hỏi, bởi vì “bức tranh lớn” sẽ không bao giờ bị tổn hại.
Bộ Nội vụ năm 1991 đã báo cáo gì về cứu trợ thiên tai?
Vào ngày 27/8/1991, Thôi Nãi Phu lúc đó là Bộ trưởng Bộ Dân sự, đã đưa ra một “báo cáo cứu trợ thảm họa” năm đó tại cuộc họp lần thứ 21 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân lần thứ bảy.
Đầu tiên, An Huy vẫn là khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Báo cáo năm đó tuyên bố rằng An Huy và Giang Tô bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi lũ lụt. Dân số bị ảnh hưởng chiếm 70% tổng dân số của hai tỉnh. Thu hoạch mùa màng đã sụt giảm và thiệt hại của các doanh nghiệp cũng khá nghiêm trọng.
Thứ hai, quan chức này đã ca ngợi “tinh thần bỏ tiểu gia, giữ đại cục”. “Khi lũ lụt đe dọa đến tình hình chung, quần chúng hy sinh nhà cửa và đồng ruộng để đổi lấy một phần thiệt hại cho an ninh chung”.
Sau 29 năm, trận lụt đã trở nên khốc liệt hơn và người dân vẫn đang “hy sinh” và “cống hiến”. Vương Duy Lạc, một chuyên gia thủy lợi sống ở Đức, nói với kênh truyền thông nước ngoài rằng lợi ích kinh tế của các khu trữ lũ và việc kiểm soát lũ vốn là mâu thuẫn, kế sinh nhai của nông dân địa phương và nhu cầu cứu tế không phải là mối lo hàng đầu của chính quyền. Mặt khác, việc thiếu hệ thống đánh giá và không ai sẵn sàng cải tổ cũng khiến vấn đề xả lũ vào các khu trữ nước chỉ có thể được lặp lại liên tục.
ĐCSTQ tiêu tiền và năng lượng của mình ở đâu?
Hàng chục triệu nạn nhân ở Trung Quốc đại lục đang cần được giải cứu khẩn cấp, nhưng chính phủ Trung Quốc có tiền hay không có tiền? Họ cam kết 2 tỷ đô la Mỹ cho các nước châu Phi để giúp chống lại dịch bệnh. Bên cạnh đó, mỗi lần tổ chức hội nghị cấp thế giới nào đó, đều phải tiêu tốn rất nhiều tiền, phong quang thể diện. Nhưng khi đến lúc phải chi tiền cho người dân, ĐCSTQ lại kêu gọi việc tự lực cánh sinh và thể hiện “tình yêu vĩ đại”.
Một cư dân mạng mỉa mai: “Này những thảo dân, khi gặp ôn dịch hay lũ lụt, còn không mau mau đi chết? Đất nước rất khó khăn, con cái của các quan lão gia đều sắp không đổi nổi xe Ferraris ở Hoa Kỳ, bạn vẫn đang nghĩ về việc cứu trợ thảm họa. Bạn có lòng yêu nước không vậy?”
Sau hai tháng lũ lụt, không ai trong Ủy ban Thường vụ thứ bảy của Bộ Chính trị xuất hiện trong khu vực thảm họa. Chính quyền đã tiêu tốn năng lượng của họ ở đâu? Họ bận sử dụng dữ liệu lớn và công nghệ cao để giám sát người dân, họ bận kiểm tra Internet, bắt giữ những người bảo vệ nhân quyền, đàn áp các ý kiến cải cách, ban hành luật an ninh quốc gia phiên bản Hồng Kông và tham gia trộm cắp, xâm nhập ở nước ngoài. Nói chung, một chính quyền hoàn toàn bất thường đã bắt cóc đất nước và người dân, không ngừng nghịch thiên hàng ác.
Theo Điền Vân, Epochtimes
Phụng Minh biên dịch

[Video]: Thủ đô Bắc Kinh biến thành biển nước,

lái xe như lái thuyền

Ngày 31/7, một trận mưa lớn đã khiến Bắc Kinh và Thiên Tân bỗng chốc trở thành biển nước, úng ngập nghiêm trọng, đường phố biến thành dòng sông, lái xe trở thành lái thuyền. Nhiều khu vực đã thực hiện kiểm soát giao thông do nước đọng quá sâu. Cả Đài quan sát Khí tượng Bắc Kinh và Thiên Tân đều đưa ra tín hiệu cảnh báo màu vàng về mưa lớn .
Người dùng đăng tải một video cho thấy mưa lớn đã khiến đường phố thành phố Bắc Kinh có chỗ nước sâu nửa mét, lái xe như đi thuyền, nhiều xe bị ngập nước.
Tình hình thảm họa ở Thiên Tân nghiêm trọng hơn, với lượng mưa 108,6 mm được ghi nhận ở quận Đông Lệ. Chính quyền đã áp dụng các biện pháp kiểm soát giao thông ở nhiều lĩnh vực.
Ở một số nơi, nước quá sâu để ô tô đi qua.
Cư dân mạng đăng tải trên Internet, đặt câu hỏi về sự lạc hậu nghiêm trọng của thành phố “hiện đại” trong quy hoạch, thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống thoát nước đô thị. Một trận mưa lớn đã khiến các vấn đề của hệ thống thoát nước đô thị ngầm nổi lên, thậm chí cả thủ đô Bắc Kinh lẫn thành phố Thiên Tân cũng không phải ngoại lệ.
Theo Sounofhope
Phụng Minh biên dịch

Tân Cương phòng dịch, chính quyền tới từng nhà

dán niêm phong: Ra khỏi cửa đánh gãy chân

Bình luậnMinh Thanh
Gần đây, dịch viêm phổi Vũ Hán bùng phát tại Tân Cương, dù toàn bộ các tiểu khu bị phong tỏa nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng nhanh. Từ ngày 27/7, chính quyền đã bắt đầu tới từng nhà dân dán giấy phong tỏa, buộc cư dân phải ở trong nhà cách ly. Một số nhân viên tiểu khu còn dọa: “Ra khỏi cửa đánh gãy chân, mở miệng cãi lại đánh gãy răng”. Cư dân mạng lo lắng rằng việc phòng chống dịch bệnh bạo lực như vậy có thể gây ra các vấn đề về cung ứng lương thực, nhu yếu phẩm và gây ra những thảm kịch đau lòng.
Dịch bệnh tại Tân Cương trở nên tồi tệ vào tháng 7, Urumqi đột nhiên đóng cửa toàn bộ các tiểu khu trong thành phố vào tối ngày 16/7. Người dân không được phép ra ngoài, nhưng trong một số tiểu khu cư dân vẫn có thể di chuyển tự do. Tuy nhiên, nhiều nguồn tin cho thấy bắt đầu từ ngày 27/7, mức độ
phong tỏa ở Urumqi đột nhiên siết chặt và thậm chí cửa nhà dân đã bị dán niêm phong. Các quận và thành phố khác ở Tân Cương cũng đã bắt đầu “phong thành mà không có cảnh báo”.
Ông Dương, một cư dân Urumqi, nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) rằng việc chính quyền đóng cửa thành phố đã được nâng cấp lên ba cấp độ là đóng cửa cộng đồng, tòa nhà đơn vị và nhà ở. Trong đó, làm mạnh nhất đối với nhà ở của dân: tới từng nhà dán giấy niêm phong. Tại địa phương, người dân khắp nơi phẫn nộ: không ai tới thông báo, không còn có nhân quyền, mọi người đều cảm thấy buồn và bất lực.
Trên mạng xuất hiện nhiều video cho thấy những người được gọi là “tình nguyện viên” địa phương đang đi tới từng nhà dán dấu niêm phong, bảo người dân không được phép rời khỏi nhà. Trên dấu dán ghi những từ như “ở nhà là vinh quang”, “thời gian yên tĩnh là tốt”, và cũng có khi chỉ có tờ giấy trắng.
Ngoài ra còn có một video cho thấy có nhân viên phòng chống dịch bệnh trong tiểu khu đã quát lên: “ra khỏi cửa đánh gãy chân, cãi lại đánh gãy răng”, “tin chính phủ, tin vào đảng”…
Đoạn video cũng cho thấy một số cư dân gặp khó khăn trong việc mua thực phẩm sau khi bị niêm phong cửa nhà. Người dân ở trên lầu cao hét xuống nói chuyện với nhân viên bán hàng ở dưới lầu, và thanh toán qua chuyển khoản WeChat. Một số người lo lắng rằng những gia đình có người bệnh tật, già yếu không biết thanh toán trên mạng thì ai sẽ chăm lo cho họ.
Theo báo cáo chính thức của chính quyền Trung Quốc, vào ngày 28 và 29/7, đã có hơn 100 ca được chẩn đoán nhiễm dịch mới trên toàn quốc, và hầu hết trong số đó là ở Tân Cương. Tuy nhiên, số liệu chính thức của chính quyền bị nghi ngờ là làm giả. Trước đó, nhóm chuyên gia người Anh đã báo cáo với thủ tướng rằng chính quyền Trung Quốc đã che giấu số liệu thấp hơn từ 80 đến 120 lần thực tế.
Minh Thanh
Theo NTDTV

Virus Corona Vũ Hán tiếp tục lây lan,

‘gây khó dễ’ cho chính quyền Trung Quốc

Bình luậnDu Miên
Chính quyền Trung Quốc đã đưa ra nhiều biện pháp kiểm soát hơn, sau khi có thông tin dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán tái bùng phát ở khu vực Tân Cương và thành phố Đại Liên ở vùng đông bắc.
Tuy nhiên, virus Corona Vũ Hán vẫn tiếp tục lây nhiễm cho nhiều người hơn và lan sang nhiều vùng hơn trên cả nước.
Tân Cương
Khu vực Tân Cương có dân số vào khoảng 24,87 triệu người, với gần một nửa trong số đó là người thiểu số Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ. Chính quyền tại đây tuyên bố đã chẩn đoán và xác nhận hàng trăm ca nhiễm COVID-19 kể từ ngày 16/7, hầu như các bệnh nhân đều ở thủ phủ Urumqi. Nhưng người dân địa phương lại hoài nghi và tin rằng con số thực sự có khả năng cao hơn nhiều.
Trong cuộc họp báo ngày 30/7, Phó Thị trưởng thành phố Urumqi là ông Song Yajun cho biết, 12.313 người đã được đưa đến các trung tâm cách ly và được theo dõi để xem liệu họ có phát triển các triệu chứng COVID-19 hay không.
Sau khi “phong thành” gần hai tuần, số người nhiễm bệnh ở Urumqi tiếp tục gia tăng. Khi thấy rằng dịch bệnh không thể kiểm soát được, các khu vực khác ở Tân Cương cũng bắt đầu phong thành. Hình ảnh người dân ở Urumqi đang xếp hàng để xét nghiệm acid nucleic hôm 16/7. (Ảnh chụp màn hình video)
Một số cư dân địa phương đã chia sẻ một video cho thấy chính quyền phát sóng các lời đe dọa qua loa phóng thanh trong các khu dân cư. Nội dung của thông điệp là: “Nếu ra khỏi cửa sẽ bị đánh cho gãy chân, nếu cãi lại sẽ bị đánh cho gãy răng”.
Người dân cũng cầu xin cứu trợ lương thực trên các trang mạng xã hội. Họ nói rằng họ bị nhốt trong nhà, nhưng chính quyền lại không sắp xếp các phương thức mua sắm đầy đủ để họ có thể mua các loại nhu yếu phẩm.
Trao đổi với tờ The Epoch Times vào ngày 30/7, ông Dilshat Reshit cho biết, những người dân địa phương nói với nhóm ông rằng chính quyền đang báo cáo giảm số liệu thật của đợt tái bùng phát này. Ông Reshit hiện là phát ngôn viên của Đại hội Uyghur Thế giới, một tổ chức quốc tế của người Duy Ngô Nhĩ lưu vong.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ban hành các biện pháp cực đoan như vậy không chỉ để ngăn chặn virus lây lan mà còn ngăn chặn tất cả các cuộc biểu tình có thể chống lại các đối sách của chính quyền, ông Reshit nói.
Người dân ở các thành phố Y Ninh (Ghulja), Kashgar, Changji và Karamay cho biết các khu vực đã bị phong tỏa dù chưa có thông báo chính thức.
Đại Liên
Đại Liên có thông báo về các ca nhiễm mới mỗi ngày kể từ ngày 23/7. Trong cuộc họp báo thường nhật ngày 29/7, ông  Zhao Lian, phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Đại Liên cho biết, hầu hết các bệnh nhân được chẩn đoán trong vụ dịch là những người trẻ tuổi.
Phó giám đốc Cục Văn hóa và Du lịch Đại Liên Jiang Wei cho biết tại cùng một hội nghị rằng thành phố đã đóng cửa 1.614 địa điểm văn hóa, như bảo tàng và phòng trưng bày nghệ thuật, để ngăn chặn virus lây lan.
Ông Zhao nói thêm rằng thành phố cũng sẽ đóng cửa tất cả các phòng tập thể dục, trung tâm thể thao trong nhà và các cửa hàng làm đẹp.
Ngày 30/7, phó giám đốc CDC Zhao nói rằng các nhà chức trách không tin tưởng tính chính xác của lần xét nghiệm axit nucleic đầu tiên trên tất cả 6,9 triệu cư dân. Vì lý do đó, thành phố sẽ bắt đầu một vòng xét nghiệm thứ hai đối với người dân ở các khu vực có nguy cơ cao.
Đại Liên đã bị phong tỏa sau khi có thông báo chính thức về bệnh nhân đầu tiên trong đợt bùng phát hiện tại vào ngày 23/7. Người dân địa phương nói với The Epoch Times rằng họ cần thêm thực phẩm, nhưng họ đã bị nhốt trong nhà và các trang web mua sắm trực tuyến đã hết nguồn cung.
Một nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 26/7/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Một nhân viên y tế thực hiện xét nghiệm COVID-19 tại Đại Liên, thuộc tỉnh Liêu Ninh ở phía đông bắc Trung Quốc, vào ngày 26/7/2020. (STR / AFP qua Getty Images)
Bắc Kinh
Trong khi đó, tại Bắc Kinh, người dân địa phương đã bị nhiễm virus Corona Vũ Hán sau khi tiếp xúc với người từ Đại Liên. Phó giám đốc CDC Bắc Kinh là bà Pang Xinghuo đã đưa ra lời cảnh báo nghiêm cấm các cuộc tụ họp trong một cuộc họp báo vào ngày 30/7. Bà nói, nếu người dân cần tụ tập thì mọi người nên duy trì biện pháp giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, và mở các cửa sổ.
Sau khi phát hiện trường hợp COVID-19 dương tính tại Thiên Thông Uyển (Tiantongyuan) – dự án nhà ở giá rẻ lớn nhất của thành phố với hơn 400.000 cư dân, người dân địa phương nói với The Epoch Times rằng chính quyền địa phương đã phong tỏa chặt chẽ khu vực phía tây của Thiên Thông Uyển kể từ ngày 28/7, và yêu cầu tất cả cư dân trong khu này thực hiện xét nghiệm virus.
Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại, một phụ nữ là hàng xóm của một gia đình bệnh nhân bị nhiễm virus cho biết, sau khi chính quyền xác nhận chẩn đoán những người này nhiễm COVID-19, cô đã bị nhốt trong nhà và không được phép ra ngoài. Tất cả nhân viên tại nơi cô làm việc đều được xét nghiệm virus Corona Vũ Hán, cho dù họ có tiếp xúc với cô hay không.
Các chủ doanh nghiệp trong khu dân cư cho biết chính quyền chưa đưa ra hướng dẫn cụ thể về việc họ có thể tiếp tục hoạt động hay không, và lo lắng rằng các cửa hàng của họ sẽ sớm bị buộc phải đóng cửa.
Người dân xếp hàng chờ thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm phổi Vũ Hán – COVID-19 bằng tăm bông tại một trạm xét nghiệm ở Bắc Kinh vào ngày 6/7/2020. (Lintao Zhang / Getty Images)
Người dân xếp hàng chờ thực hiện xét nghiệm kiểm tra viêm phổi Vũ Hán – COVID-19 bằng tăm bông tại một trạm xét nghiệm ở Bắc Kinh vào ngày 6/7/2020. (Lintao Zhang / Getty Images)
Phúc Châu
Thành phố Phúc Châu thuộc tỉnh Phúc Kiến ở miền nam Trung Quốc đã công bố một bệnh nhân họ Chi được chẩn đoán COVID-19. Người này đã bị nhiễm bệnh sau khi đến thăm Đại Liên. Các nhà chức trách cho biết, bệnh nhân Chi đã tiếp xúc gần với 1.495 người. Ngày 27/7, thành phố Phúc Châu tuyên bố toàn thành bước vào “tình trạng thời chiến”.
Trao đổi với The Epoch Times, người dân địa phương cho biết, bệnh nhân Chi đi từ Đại Liên đến Phúc Châu bằng máy bay để nhận công việc mới vào ngày 18/7. Trong những ngày tiếp theo, anh đi du lịch vòng quanh Phúc Châu để thăm thú, thử đồ ăn tại các nhà hàng, mua sắm ở chợ, ở trọ tại nhiều khách sạn khác nhau, và đã đến thăm nhà riêng của ít nhất một gái mại dâm.
Một chủ nhà hàng ở quận Tấn An, thành phố Phúc Châu cho biết: “Nếu anh Chi bị nhiễm bệnh, thì chúng tôi đều sẽ gặp rắc rối. Chúng tôi đang chờ đợi cái chết”. Người chủ nhà hàng cho biết anh lo lắng rằng bệnh nhân Chi đã phát tán virus đi khắp nơi.
Bệnh nhân Chi đã đến một cửa hàng bán bánh bao trước khi được chẩn đoán. Nhà hàng của chủ quán nói trên ở ngay cạnh cửa hàng bánh bao này.
Người chủ nhà hàng cho biết, chủ sở hữu và nhân viên cửa hàng bánh bao đã được đưa đi cách ly tại một điểm cách ly tập trung.
Một nhân viên tại khách sạn Huaiyi ở quận Đài Giang cho biết, anh và đồng nghiệp đã bị cách ly tại khách sạn sau khi có xác nhận bệnh nhân Chi nhiễm virus. Anh Chi đã ở tại khách sạn này vào ngày 18/7 và 19/7. Ngày 27/7, chính quyền đã buộc khách sạn này đóng cửa.
Du Miên
Theo The Epoch Times

Covid-19: Trung Quốc ghi nhận 127 ca nhiễm mới,

cao nhất từ đầu tháng 3

127 ca nhiễm Covid-19 mới được ghi nhận tại Trung Quốc đại lục hôm 30/7, tăng lên từ 105 ca trong ngày hôm trước, số ca nhiễm mới cao nhất tính từ ngày 5/3, cơ quan thẩm quyền về y tế của Trung Quốc cho biết hôm 31/7.
Trong 127 ca mới, 112 ca xảy ra tại vùng tây bắc khu vực Tân Cương. Con số này ngày hôm trước là 96 ca. 11 ca xảy ra tại tỉnh Liêu Ninh ở vùng đông bắc, tăng lên từ 5 ca ngày hôm qua.
Ngày 30/7 có 4 ca nhập cảnh so với 3 ca ngày hôm trước, trong khi con số các trường hợp mang mầm bệnh mà không có triệu chứng vẫn duy trì ở mức 11 ca, so với 21 ca ngày hôm trước.
Trung Quốc báo cáo tổng cộng 84.292 ca nhiễm corona vào cuối ngày 30/7/2020.

Malaysia gửi công hàm lên UN

phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông

Phái đoàn thường trực của Malaysia ở Liên Hợp Quốc (UN) vừa gửi công hàm lên UN vào ngày 29/7 bác bỏ “đường 9 đoạn” mà Trung Quốc áp đặt trên Biển Đông cũng như các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc đối với các thực thể địa lý tại vùng nước tranh chấp.
Malaysia là nước thứ 6 đệ trình công hàm lên UN phản đối các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông tính từ tháng 12 năm ngoái tới nay. Năm nước khác bao gồm Việt Nam, Philippines, Indonesia, Mỹ và Australia.
Malaysia khẳng định đệ trình của quốc gia này lên Ủy ban về giới hạn thềm lục đia (CLCS) về phần mở rộng của thềm lục địa Malaysia ngoài 200 hải lý là hoàn toàn phù hợp với quy định của nước này dưới Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
Hồi tháng 12 năm ngoái, Malaysia đã gửi công hàm lên CLCS để đăng ký phần thềm lục địa mở rộng này.
Trong công hàm mới, Malaysia đề cập tới công hàm ngày 12/12/2019 của Trung Quốc, và “bác bỏ yêu sách của Trung Quốc về các quyền lịch sử, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với khu vực biển trong đường 9 đoạn” mà Trung Quốc vẽ ra trên Biển Đông, theo Công ước về luật biển của UN 1982 (UNCLOS)
Malaysia cho rằng yêu sách của Trung Quốc về các thực thể địa lý tại đây là hoàn toàn vô căn cứ theo luật quốc tế.
Trước đó, ngày 23/7, Úc đã trình công hàm tương tự lên Liên Hiệp Quốc, phản đối yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông.
Biển Đông là vùng nước đang có tranh chấp về chủ quyền giữa nhiều nước bao gồm Trung Quốc, Việt Nam, Malaysia, Philippines, Brunei và Đài Loan.
Úc và Mỹ dù không có tranh chấp về chủ quyền ở khu vực này nhưng có quyền lợi về tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.

Ấn Độ bác tuyên bố của Trung Quốc

về việc rút hết quân tại biên giới

Ấn Độ đã lên tiếng bác bỏ tuyên bố của Trung Quốc về việc đã “hoàn tất việc rút quân” khỏi hầu hết khu vực biên giới tranh chấp giữa đôi bên, Hãng thông tấn PTI ngày 28/7 đưa tin.
Tuyên bố từ Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm 28/7 cho biết, quân đội Trung Quốc và Ấn Độ đã “hoàn tất việc rút quân” khỏi hầu hết khu vực biên giới tranh chấp giữa hai bên.
“Tình hình trên thực địa tiếp tục hạ nhiệt và xuống thang căng thẳng. Các binh sĩ tại khu vực biên giới hai nước đã hoàn tất việc rút quân ở hầu hết các nơi”, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho biết tại cuộc họp báo hôm 28/7.
Theo ông Uông, hai bên đang chuẩn bị cho vòng đàm phán thứ 5 giữa các chỉ huy quân sự để nghiên cứu giải quyết vấn đề còn lại nhằm thực hiện sự đồng thuận và duy trì hòa bình và ổn định dọc theo khu vực biên giới chung, nhưng chưa ấn định được thời gian.
Theo đó, hai nước mới đồng ý việc rút quân “sớm và hoàn toàn” tại phía đông Ladakh và có thể sẽ tổ chức nhiều cuộc đàm phán quân sự hơn để bàn về những bước tiếp theo nhằm đảm bảo hoàn thành việc rút quân, giảm leo thang, khôi phục hòa bình và ổn định tại khu vực biên giới.
Ngày 15/6, binh sĩ Trung Quốc và Ấn Độ đã tấn công nhau ở thung lũng Galwan, vùng Ladakh, nơi cả hai nước tuyên bố chủ quyền, đánh dấu vụ đụng độ nghiêm trọng nhất từ năm 1975 dù không có phát đạn nào được bắn đi. Phía Ấn Độ xác nhận 20 binh sĩ nước này thiệt mạng và 76 người khác bị thương.
Sau sự cố, hai bên đều đổ lỗi cho phía kia, đồng thời tăng cường triển khai vũ khí đến thực địa, trong đó Ấn Độ xác nhận đưa tên lửa phòng không đến gần Ladakh sau khi phát hiện Trung Quốc điều động máy bay chiến đấu và trực thăng tới khu vực.

Ấn Độ dùng tiêm kích Rafale của Pháp

gởi cảnh cáo đến Trung Quốc và Pakistan

Trọng Nghĩa
Ngày 29/07/2020, 5 chiếc đầu tiên trong số 36 chiếc tiêm kích Rafale hiện đại mà Ấn Độ đặt mua của Pháp đã đến căn cứ mới là Ambala, thuộc bang Haryana. Đây là một căn cứ không quân chỉ cách biên giới giữa Ấn Độ với Trung Quốc và Pakistan vài trăm cây số.
Dù chỉ mới có 5 chiếc, nhưng các chiếc Rafale này đang rất được chờ đợi và chính quyền New Delhi không che giấu ý định sử dụng loại vũ khí tối tân này để cùng lúc răn đe hai đối thủ Trung Quốc và Pakistan.
Theo các nhà quan sát, nếu thời điểm các chiếc Rafale được giao cho Ấn Độ gần như là trùng hợp với lúc căng thẳng ở biên giới Ấn -Trung trong vùng Himalaya đang dấy lên, thì việc New Delhi triển khai các chiến đấu cơ này ở căn cứ Ambala không có gì là ngẫu nhiên.
Cảnh cáo Trung Quốc
Tọa lạc ở bang Haryana, miền tây bắc Ấn Độ, căn cứ này chỉ cách các vùng có căng thẳng với Trung Quốc và cả với Pakistan khoảng 200 cây số. Và Ấn Độ đã sử dụng sự kiện đón chiến đấu cơ Rafale như một lời cảnh cáo đối với Trung Quốc
Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã lợi dụng lễ tiếp nhận cực kỳ long trọng 5 chiến đấu cơ đến từ Pháp vào hôm qua 29/07, để đưa ra cảnh cáo về phía Trung Quốc. Trong một tin nhắn Twitter, ông Singh nhấn mạnh là sự kiện đánh đấu sự “bắt đầu của một thời đại mới” trong lịch sử quân sự Ấn Độ.
Ông còn nói thêm là những chiếc máy bay này “sẽ tăng thêm sức mạnh cho Không Quân Ấn để đối phó với bất kỳ mối đe dọa nào”. Bộ trưởng Quốc Phòng Ấn không nêu đích danh Trung Quốc, nhưng đối với truyền thông và các nhà quan sát Ấn Độ, những lời lẽ trên nhắm vào người láng giềng Trung Quốc, vì bộ trưởng còn cho rằng: “Nếu có người lo lắng hay chỉ trích về năng lực mới của Không Quân Ấn, thì đó chỉ là những kẻ muốn đe dọa sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta”.
Cho dù vậy, Ấn Độ đã công nhận là hiện nay họ còn chậm trễ về quân sự so với Trung Quốc và một số nước khác. Việc mua máy bay Rafale là một trong những dự án nhằm tăng cường năng lực của quân đội gồm 1,4 triệu người.
Theo Sameer Patil, chuyên gia về an ninh quốc tế của nhóm tham vấn Gateway House, chiến đấu cơ Rafale của Pháp “sẽ giúp Ấn đối phó với đe dọa ngày càng lớn với Trung Quốc, vì rõ ràng là cuộc đối đầu về lãnh thổ hiện nay ở vùng Ladakh sẽ kéo dài cho đến mùa đông”.
Ngày 15/06 vừa qua, một cuộc đối đầu bằng tay chân, gậy đá, giữa lính Ấn Độ và Trung Quốc ở vùng biên giới đã dẫn đến thiệt hại nhân mạng cao nhất từ 45 năm nay, với ít nhất 20 lính Ấn Độ bị chết. Hai bên đều đổ lỗi cho nhau và hàng ngàn lính được triển khai ở vùng này.
Thông điệp nhắn gởi Pakistan  
Ngoài Trung Quốc, dĩ nhiên là Ấn Độ cũng muốn gởi lời cảnh cáo đến Pakistan. Vào tháng 2 năm 2019, hai nước đã từng có trận không chiến. Việc đưa 5 chiếc Rafale vào phi đội 17 “Golden Arrows” rõ ràng là tín hiệu gởi đến Islamabad. Bị giải tán vào năm 2016, đội bay này được đặc biệt tái lập vào mùa thu năm 2019. Phi đội này từng bảo vệ New Delhi trong cuộc chiến thứ hai giữa Ấn Độ và Pakistan năm 1965, và cũng đã nghênh chiến trong trận đánh chớp nhoáng ở Kargil với Pakistan năm 1999.
Cho dù trên giấy tờ hay trên không trung, vỏn vẹn 5 chiếc Rafale không có gì là “nặng ký”, nhất là trước các đội chiến đấu cơ Trung Quốc với các chiếc J-20, nhưng thông điệp gởi đến hai láng giềng của Ấn Độ khá rõ: Không quân Ấn Độ giờ đây đã có vũ khí rất hiện đại.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?