Mỹ “thảo luận khả năng phong tỏa hải quân” chống Venezuela

26/04/2019

 Mỹ từng cân nhắc phong tỏa hải quân chống lại Venezuela trong cuộc họp bí mật đầu tháng này tại thủ đô Washington.

Mỹ thảo luận khả năng phong tỏa hải quân chống Venezuela - 1
Các tàu chiến của Hải quân Venezuela. Ảnh: AP
Đó là thông tin được trang Breibart ngày 25-4 dẫn lại từ báo La Vanguardia có trụ sở tại thành phố Barcelona (Tây Ban Nha).
Cuộc họp do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức với sự tham gia của nhiều quan chức Mỹ và Nam Mỹ bàn về khả năng “sử dụng sức mạnh quân sự” với Venezuela, theo đài RT.
Tờ La Vanguardia dẫn lời ông Fernando Cutz, một chuyên gia về Venezuela của hãng tư vấn Cohen Group có mặt tại cuộc họp cho biết các quan chức đã loại trừ khả năng Mỹ tiến vào Venezuela nhưng một giải pháp thay thế “cường độ thấp”, chẳng hạn như một phong tỏa hải quân, có thể hiệu quả nếu nhận được sự ủng hộ của quốc tế.
“Một hành động xâm phạm là không thể, nhưng một điều gì đó có cường độ thấp, chẳng hạn như phong tỏa hải quân, có thể là tác nhân quyết định”, ông giải thích. “Tuy nhiên, điều đó sẽ chỉ khả thi nếu có sự hỗ trợ từ các quốc gia khác.
Các quốc gia Nam Mỹ – trừ Cuba, Nicaragua, Bolivia và Mexico – phần lớn đồng ý rằng chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro cần phải được thay thế nhằm khôi phục “trạng thái bình thường” của nước này.
Thứ trưởng Ngoại giao Mexico Maximiliano Reyes Zúñiga gần đây tuyên bố chính phủ Mexico “sẽ làm tất cả mọi thứ có thể để không có sự can thiệp quân sự vào Venezuela”.
“Đối với chúng tôi, đối thoại là kế hoạch A. Và chúng tôi không ràng buộc cuộc đối thoại này với các cuộc bầu cử vì đó là một quyết định mà người Venezuela nên đưa ra. Hiến pháp của chúng tôi cấm chúng tôi ủng hộ sự can thiệp, phải có một giải pháp dân chủ, và điều này có nghĩa là một quá trình bầu cử, nhưng được đồng ý từ bên trong (Venezuela)”, ông nói.
Tổng thống Mỹ Donald Trump lâu nay khẳng định ông sẽ không thẳng thừng bác bỏ một giải pháp quân sự để hạ bệ chính quyền của ông Maduro ở Venezuela.
Theo một bản tin của hãng AP hồi năm ngoái, Tổng thống Trump đã xem xét ý tưởng này từ năm 2017, nhưng các nhà lãnh đạo khu vực và cố vấn trong nước đã đề xuất những lựa chọn khác.
Cho đến nay, chính sách của Mỹ chỉ giới hạn trong việc áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền của ông Maduro và ủng hộ lãnh đạo đối lập Juan Guaido là nhà lãnh đạo hợp pháp của Venezuela.
“Đây là láng giềng của chúng tôi, Venezuela không ở xa lắm”, ông Trump nói vào thời điểm đó. “Người dân đang phải chịu đựng, chúng tôi có nhiều lựa chọn cho Venezuela bao gồm một giải pháp quân sự khả thi nếu cần thiết”.
Thông tin trên xuất hiện gần như cùng thời điểm với cảnh báo của Giám đốc Cơ quan Tình báo Nước ngoài của Nga (SVR), ông Sergey Naryshkin, rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một chiến dịch quân sự nhằm vào Venezuela.
“Có những dấu hiệu như vậy, nhưng liệu kế hoạch sẽ được thực hiện hay không, thời gian sẽ trả lời”, hãng tin Sputnik dẫn lời ông Naryshkin nói với các phóng viên ở Moscow ngày 25-4.
Theo lãnh đạo SVR, hành động của phương Tây ở Venezuela là “yếm thế” và gây ra thảm họa nhân đạo ở khu vực lân cận Mỹ.
Trước đó vào ngày 15-4, Phó Tổng thống Venezuela Delcy Rodriguez cáo buộc Mỹ, cùng với Brazil và Colombia, đang chuẩn bị cho một cuộc can thiệp quân sự vào nước này.
“Cộng đồng quốc tế và các tổ chức bảo vệ tính hợp pháp trên toàn thế giới nên biết rằng một kế hoạch tội phạm đang được tạo lập nhằm thực hiện một cuộc tấn công quân sự vào Venezuela”, hãng tin Tass dẫn lời bà Rodriguez tuyên bố.
Căng thẳng chính trị ở Venezuela đã gia tăng kể từ ngày 23-1, khi lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự xưng là tổng thống lâm thời của nước này do những tranh cãi liên quan đến việc tái đắc cử của Tổng thống Nicolas Maduro hồi năm ngoái.
Ông Maduro cáo buộc Washington tổ chức một cuộc đảo chính và tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố tất cả các lựa chọn cho những gì ông mô tả là “khôi phục nền dân chủ” ở Venezuela vẫn còn trên bàn, bao gồm cả sự can thiệp của quân đội.
Mỹ và một số quốc gia châu Âu và Mỹ La-tinh, bao gồm Brazil và Colombia, hậu thuẫn ông Guaido. Riêng chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã liên tục áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Venezuela nhằm ép ông Maduro phải từ chức.
Trong khi đó, Nga, Trung Quốc, Cuba, Bolivia, Nicaragua, Thổ Nhĩ Kỳ, Mexico, Iran và nhiều quốc gia khác bày tỏ sự ủng hộ đối với ông Maduro với tư cách là tổng thống hợp pháp và yêu cầu các nước khác tôn trọng nguyên tắc không can thiệp vào các vấn đề nội bộ của Venezuela.
Theo  La Vanguardia

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện