Các vấn đề bầu cử của Mỹ: Vai trò của chính quyền
















--------------------------------------------------------------------------------




Ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa Mitt Romney và Tổng thống Barack Obama trong cuộc tranh luận tổng thống lần 3 tại Đại học Lynn ở Boca Raton, Florida, 22/10/2012
Ken Bredemeier

 27.10.2012



Ngoài việc bầu chọn nhà lãnh đạo Mỹ, cử tri đi bầu tổng thống ngày 6 tháng 11 còn quyết định về vai trò mà họ muốn chính quyền liên bang đóng trong cuộc sống của họ.

Hoặc Tổng thống Barack Obama sẽ tái đắc cử, hoặc Thống đốc Mitt Romney sẽ lên nắm quyền vào tháng Giêng năm tới.

Ngoài việc giành được một thắng lợi chính trị, hai ứng cử viên còn đại diện cho 2 đảng ngày càng phát triển theo hai hướng khác biệt trong quy trình tiến hóa kéo dài nhiều thập niên.

Người giành được Tòa Bạch Ốc có phần chắc sẽ trình bày một quan điểm khác biệt với đối thủ về các chương trình của chính phủ liên bang, về thuế và công chi.

Ông Steve Smith, một nhà khoa học chính trị thuộc Đại học Washington ở St. Louis, giải thích sự khác biệt giữa hai chính đảng Mỹ:

"Hai phe đại diện cho các quan điểm khác nhau về vai trò của chính phủ liên bang. Đảng Dân chủ và phe của Tổng thống Obama tin rằng chính phủ liên bang nên đóng một vai trò mạnh mẽ, tích cực trong việc giải quyết những thách thức lớn mà xã hội Mỹ phải đối mặt. Trong khi đó, phe Cộng hòa của ông Romney tin rằng chính phủ liên bang nên đứng ngoài trong nhiều mặt của đời sống Mỹ, và vai trò của chính phủ liên bang nói chung nên được thu hẹp. Thêm vào đó, phe Cộng hòa còn muốn giảm thuế."

Nói tóm lại, Đảng Dân chủ của Tổng Thống Obama đại diện cho lập trường nới rộng hoạt động của chính phủ liên bang, muốn có một kế hoạch chăm sóc sức khỏe quy mô giúp đỡ những người không có bảo hiểm y tế, đồng thời phải tăng cường các luật để điều tiết hoạt động của các nhà tài chính tại Phố Wall.

Trong khi đó, ngoài cắt giảm thuế, Đảng Cộng hòa của ông Romney muốn bỏ kế hoạch chăm sóc sức khỏe cho toàn dân, giảm các quy định liên bang áp đặt trên các tập đoàn, và loại bỏ nhiều chương trình khác, chẳng hạn như chương trình hỗ trợ một hệ thống phát thanh truyền hình được chính phủ tài trợ.

Ông George Nation, giáo sư môn Tài chính và Luật tại trường đại học Lehigh ở Pennsylvania, cho biết những khác biệt đó bắt nguồn từ những khác biệt về triết lý giữa hai ứng cử viên tổng thống.

"Một bên là Tổng thống Obama, một người tin tưởng mạnh mẽ vào quyền lực của chính quyền để trực tiếp cải thiện cuộc sống của người dân. Thống đốc Romney là người tin rằng quyền lực của chính quyền là để tạo điều kiện cho người dân tự cải thiện cuộc sống."

Ông John Gilmour, một giáo sư về chính sách công tại Đại học William and Mary ở Virginia, cho biết quan điểm chính trị của hai phe đã thay đổi qua thời gian:

"Đảng Dân chủ từ lâu vẫn hậu thuẫn các chương trình lớn như các bảo hiểm xã hội, an sinh xã hội và Medicare, là các chương trình cung cấp tiền hưu cho người già, hoặc bảo hiểm y tế cho người cao niên, hoặc chương trình chăm sóc sức khỏe cho người nghèo. Trong khi đó thì các thành viên của Đảng Cộng hòa tương đối cũng có ủng hộ các chương trình này, thế nhưng bây giờ có lẽ ít hơn lúc trước."

Cả ba học giả này chỉ ra những thay đổi pháp lý và xã hội ở Hoa Kỳ trong nửa thế kỷ qua đã đóng góp vào chuyện dẫn đến những khác biệt giữa hai đảng, ít khi trùng lắp với nhau.

Phong trào dân quyền trong những năm 1960 ở miền nam Hoa Kỳ đã đẩy nhiều thành viên bảo thủ trong đảng Dân chủ về phía Đảng Cộng hòa. Thành phần cấp tiến ủng hộ sự bình đẳng giới tính và quyền phá thai thì thường gia nhập đảng Dân chủ; trong khi những người ủng hộ các giá trị bảo thủ xã hội, giảm thuế và ít can thiệp của chính quyền thường gia nhập nhóm người có đồng quan điểm trong Đảng Cộng hòa.

Giáo sư Smith nói cử tri biết rất rõ những khác biệt đó giữa 2 chính đảng:

"Sự khác biệt đó nay đã quá rõ rệt, và được nhận rõ, ngay cả trước khi chiến dịch tranh cử tổng thống lần này bắt đầu, công chúng đã có một ý niệm khá rõ về sự khác biệt quan trọng này giữa hai đảng."

Sự khác biệt về triết lý giữa hai đảng thường dẫn tới bế tắc trong các nỗ lực nhằm ban hành các đạo luật quan trọng tại Quốc hội.

Không lâu sau cuộc bầu cử, nước Mỹ sẽ phải đối mặt với một cuộc tranh luận lớn về vấn đề công chi và về thuế, mà kết quả chỉ phụ thuộc một phần vào kết quả bầu cử. Một số quyết định quan trọng đòi hỏi phải hành động ngay cả trước khi ông Obama hoặc ông Romney bắt đầu một nhiệm kỳ tổng thống mới vào đầu năm tới.

Giáo sư Gilmour nói dự báo người Mỹ sẽ lại phải chứng kiến những bế tắc chính trị như thế:

"Người Mỹ phải chấp nhận sự phân cực giữa hai đảng, bây giờ đã trở chuyện bình thường. Đó là điều chúng ta nên trông đợi sẽ diễn ra trong một tương lai gần. Nhưng vấn đề ở đây là các định chế chính trị của Mỹ được đặt trên thỏa hiệp và tương nhượng. Các định chế ấy không hoạt động hiệu quả khi hai đảng phân cực như thế."





Bản đồ dưới đây cho thấy các tiểu bang có xu hướng bầu như thế nào, dựa trên dữ liệu khảo sát mới nhất. Bầu cử tổng thống Mỹ sẽ diễn ra ngày 6/11/2012

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?