CHẮC THỦ TƯỚNG CHƯA QUÊN !


Minh Diện

Trong cuốn sổ tay phóng viên của tôi còn ghi lại một chuyện xảy ra cách đây 34 năm.



Hôm ấy là ngày 21-8-1978, một đoàn cán bộ Trung ương Đoàn do Bí thư Thứ nhất Trung ương Đoàn, Anh hùng quân đội Lê Thanh Đạo, dẫn đầu đến xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang sau vụ thảm sát của Khmer đỏ. Đại tá Lê Thanh Đạo, sĩ quan không quân, phi công dũng cảm tham gia 8 trận đánh, tiêu diệt 6 máy bay F4 của giặc Mỹ. Cùng đi có nhà báo lão thành Ba Dân, nguyên Phó Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, cùng các nhà báo Việt Thảo, Đình Khuyến, Phạm Hậu…

Từ sáng sớm, đoàn chúng tôi khởi hành từ Sài Gòn bằng hai chiếc xe U-OÁT cũ kỹ, theo quốc lộ 4 về miền Tây. Con đường bị tàn phá trong chiến tranh, lại bị lũ lớn xói lở, ổ gà ổ trâu lổn nhổn, thỉnh thoảng phải tránh những hố bom hố pháo chưa kịp lấp. Hai bên đường làng xóm xác xơ. Cứ cách vài cây số lại gặp một trạm Ba-rie chắn ngang đường, đó là những trạm kiểm soát liên hợp, kiểm tra tất cà các phương tiện giao thông chống buôn lậu, vượt biên, đặc biệt là ngăn người lên biên giới vì chiến sự đang hết sức căng thẳng.

Càng đến gần biên giới không khí càng ngột ngạt. Người dân bồng bế con, gồng gánh chạy từ biên giới về, bộ đội hành quân lên biên giới thanh niên nam nữ vác chông tre đi rào làng.

Đất nước mới hòa bình chưa bao lâu, hố bom chưa kịp lấp, vết thương trên da thịt chưa kịp lành, đang phải ăn bo bo thay gạo, lại xảy ra chiến tranh, kẻ thù lại là người đồng chí từng môi hở răng lạnh, chung một chiến hào đánh Mỹ, từng hy sinh máu xương vì nhau! Đau quá!

Chúng tôi đến xã Ba Chúc, huyện Tri Tôn, An Giang, nơi bọn lính Pôn bốt mới tràn sang tàn sát đồng bào ta đêm 17 rạng 18 tháng 4. Không bao giờ tôi có thể quên được những gì mình nhìn thấy buổi chiều năm ấy. Những đống xác người chồng chất trong chùa, trong trường học, dưới chân núi Tượng, núi Dài, bên bờ kinh. Người bị chặt đầu , người bị cắt cổ , mổ bụng , trẻ em bị lưỡi lê đâm , phụ nữ bị lột hết quần áo lấy cọc tre đóng vào cửa mình . Không thể đếm xuể bao nhiêu xác chết. Bọn lính Pôn Pốt tràn sang lúc nửa đêm, khi bà con ta vẫn ngủ say. Chỉ bảy, tám tiếng đồng hồ, chúng đã giết hại hàng ngàn người dân vô tội.

Bộ đội và dân quân lấy bao ni lông gói xác người đưa lên xe bò chở ra hố chôn tập thể . Người thân của các nạn nhân còn sống sót chạy tản cư hết , làng xóm bỏ hoang, điêu tàn. Cách chỗ chúng tôi chưa đầy một tầm đạn súng cối , bọn Khmer đỏ núp trong công sự dưới rặng thốt nốt vẫn thường xuyên bắn sang và rình rập , lừa phía ta sơ hở là tập kích bất ngờ gây thêm tội ác . Khắp xã Ba Chúc , từ núi Tượng đến ngôi chùa của người Miên , nồng nặc mùi tử khí , rải rác xác người chết, từng bầy chó hoang nháo nhác vục mõm vào xác chết đang phân hủy…

Từ Ba Chúc , An Giang , chúng tôi sang Kiên Giang, đến Trung đoàn 152 (Bộ đội địa phương Kiên Giang) đang chiến đấu bảo vệ biên giới. Đồng chí Chủ nhiệm chính trị ân cần đón tiếp chúng tôi. Đó là một đại úy rất trẻ . Anh nói những diễn biến trên tuyến biên giới do đơn vị mình phụ trách , và quyết tâm của anh em trong đơn vị đánh trả bọn Pôn bốt . Khi kể lại chuyện bọn Pôn bốt giết hại đồng bào mình , người đại úy trẻ nghẹn lời , lấy tay chùi nước mắt . Gương mặt anh quắt lại , mắt đỏ ngầu .

Chúng tôi đề nghị ra thăm bộ đội ngoài trận địa , chủ nhiệm chính trị hơi ngần ngừ vì cuộc chiến đấu đang hết sức căng thẳng , nhưng khi anh Lê Thanh Đạo nói, hầu hết thành viên trong đoàn đếu là người đã qua khói lửa , đồng chí đại úy trẻ kêu thêm hai chiến sỹ bảo vệ , cùng mình dẫn chúng tôi lên chốt .

Trên đường ra trân địa có một đoạn lầy , bánh xe bị lún sâu không lên được . Chủ nhiệm chính trị hô: “ Nào các đồng chí theo tôi !”. Anh nhảy xuống ghé lưng cõng nhà báo lão thành từ xe qua vũng lầy .Tiếp đến chị Hằng . Hai chiến sỹ cùng chúng tôi, cả anh Lê Thanh Đạo nhảy xuống làm theo đồng chí đại úy. Mọi người khiêng bổng hai chiếc xe qua bãi lầy. Khi xe tiếp tục lăn bánh, viên đại úy mặt mũi đầy bùn, nhoẻn một nụ cười rất hồn nhiên. Nhà báo lão thành Ba Dân nhìn viên đại úy, nói với chúng tôi: “Người cán bộ phải dấn thân như thế !”. Lẽ thường vốn vậy, tốt-xấu do mình, khen chê là quyền của mọi người, ai cũng có cách nhìn nhận và chính kiến của họ.

Buổi tối hôm ấy , Ban chỉ huy trung đoàn 152 mời chúng tôi ăn cơm với thịt trâu luộc . Bấy giờ đang thời buổi đói kém, và đã trải qua một ngày vất vả , mệt nhọc , nhưng chúng tôi không tài nào nuốt nổi miếng cơm vì hình ảnh ghê rợn ở Ba Chúc vẫn còn lởn vởn trước mắt . Tôi kê cuốn sổ tay lên đầu gối ghi lại những việc xảy ra trong ngày , và tự nhiên bật ra những câu thơ không vần điệu .Trước khi tạm biệt Ban chỉ huy trung đoàn , tôi đọc bài thơ ấy cho mọi người nghe :



 Ta lại hành quân về biên giới Tây Nam

Mộc Hóa, Tân Biên lửa ngút ngàn

Máu dân nhuộm đỏ đồng Ba Chúc

Sa Mát, Cà Tum …trắng khăn tang.



Những tên lính áo đen

Ném trẻ con vào lửa

Đập đầu , mổ bụng người già

Đâm cọc nhọn vào cửa mình phụ nữ

Miệng hô vạn tuế Ăng-ca



Những tên đập đầu dân Cam-pu-chia

Xây dựng “chính quyền năm không” quái dị

Chúng với ta từng là đồng chí

Thắm tình hữu nghị anh em



Đường hành quân về biên giớ Tây Nam

Qua những hố bom chưa kịp lấp

Qua những chiếc cầu đổ sập

Gặp những mẹ già chua kịp xả khăn tang



Ta lại hành quân về biên giớ Tây Nam

Thành phố sau lưng chập chờn ánh điện

Con khát sữa chụp bình cháo loãng

Mẹ đói lòng nhai tạm bo bo

Vợ ta còm cõi xác xơ

Đêm ngày lại đỏ mắt chờ đợi ta!

 Mọi người lặng đi một lát . Đồng chí đại úy chủ nhiệm chính trị bắt tay tôi và xin bài thơ chép tay để đăng báo tường đơn vị.

Đồng chí đại úy trẻ ấy chính là Thủ tường Nguyễn Tấn Dũng bây giờ.

Hơn ba chục năm đã qua chưa một lần tôi gặp lại ông Nguyễn Tấn Dũng, nhưng tôi không quên hình ảnh người đại úy trẻ khóc khi kể về những người đồng bào của mình bị sát hại và nhảy xuống cõng nhà báo lão thành qua đầm lầy lên mặt trân biên giới năm ấy.

Tôi nghĩ, ông Nguyễn Tấn Dũng là một người được sinh ra giữa đồng đất Nam Bộ phì nhiêu , giữa những người dân trọng nghĩa hiệp , phóng khoáng, là người từ gian khổ hy sinh mà trưởng thành. Một con người biết khóc trước nỗi đau của dân, biết tôn trọng một nhà báo lão thành, biết tìm về tận quê người bạn chiến đấu là anh Phan Trung Kiên để trả ơn, một người như thế không thể “hỏng ” được – Tôi dùng chữ “HỎNG” là chữ của cố nhà báo, nhà nghiên cứu Trần Bạch Đằng, nguyên Trưởng Ban tuyên huấn Trung ương cục miền Nam. Chắc Thủ tướng chưa quên những năm tháng lăn lộn, sống chết vì nhan dân và chiến sĩ để đánh Pôn Pốt, tay sai của Trung Nam Hải; chưa quên những gian nan cơ cực của người dân vùng đầu nguồn lũ ĐBSCL. Nay trước giá cả tăng vọt, đại gia lại cướp tiền bán cá, nợ tiền mua lúa, mua mía của dân, ngân hàng khó khăn nên dân cũng khó cậy nhờ, cơ cực lắm! Cùng với sự mất giá trầm trọng của đồng tiền, tỉ lệ hộ nghèo ở các địa phương trong cả nước đều tăng …

Vậy thì những sai lầm khuyết điểm của Thủ tướng là do đâu?

Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã tự kiểm điểm sâu sắc và các Ủy viên Bộ chính trị, rồi Ủy viên Trung ương đã đóng góp thẳng thắn , chí tình chí lí rồi . Thủ tướng đã nhận khuyết điểm trước Quốc hội rồi.

Nhưng, với góc nhìn của một người không ở phe nhóm nào và không có bất kỳ tham vọng hay nhu cầu lợi lộc nào, tôi trộm nghĩ, không đến mức do những hối thức của kinh tế thị trường mà Thủ tướng quên hết những năm tháng gian nan, thử thách khi là một sĩ quan “Bộ đội Cụ Hồ”. Vợ con, gia đình Thủ tướng có hối thúc, xúi bẩy hoặc can thiệp gì không? Sai lầm lớn nhất của Nguyễn Tấn Dũng là chủ quan, liệu rằng có nhẹ dạ, cả tin, lại không biết lắng nghe và không tin dùng người hiền tài, trung chính và có tâm huyết.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn thể hiện vị trí độc lập của Chính phủ, muốn xóa cái lối mòn in đậm trong hành pháp của nước ta, là Chính phủ chỉ thi hành mọi chủ trương chính sách của Bộ Chính trị vạch sẵn , Thủ tướng chỉ như một Trưởng ban, thậm chí không bằng trưởng ban Tổ chức Trung ương dưới thời Lê Đức Thọ. Ông Phạm Văn Đồng đã làm Thủ tướng như vậy m
ấy chục năm . Ông Võ Văn Kiệt đã nới rộng cái vòng kim cô ra một chút . Đến ông Phan Văn Khải thì co vào. Ông Nguyễn Tấn Dũng quyết bung ra , tập trung quyền hành vào mình.




Những người có quyền hành thường nhiễm bệnh quan liêu , mệnh lệnh, chủ quan duy ý chí , coi mình như trời, lời nói là khuôn vàng thước ngọc, không lắng nghe người ngay nói thẳng. Phải thật tỉnh táo thì mới tránh được điều đó. Ông Võ Văn Kiệt quy tụ bên mình những trí thức hàng đầu, cả người của chế độ cũ như tiến sỹ Nguyễn Xuân Oánh mà ai cũng biết rất thẳng. Ông Phan Văn Khải thành lập một Ban tư vấn gồm các nhà kinh tế, khoa học, văn hóa . Ông Sáu Dân và ông Sáu Khải biết lắng nghe những lời nói thẳng, biết chọn lựa cái tinh, gạt bỏ tạp chất qua “cái rây” phản biện của những trí thức tâm huyết với đất nước. Đáng tiếc, ông Nguyễn Tấn Dũng lại giải tán cái cơ quan người tiền nhiệm đã sử dụng có hiệu quả, hơn nữa, còn ép dẹp Viện nghiên cứu phát triển ISD do Tiến sỹ Nguyễn Quang A, Lê Đăng Doanh, Hoàng Tụy, Phạm Chi Lan và nhiều trí thức tên tuổi khác thành lập, không dùng kinh phí nhà nước, chỉ muốn giữ vai trí phản biện độc lập, để giúp Chính phù có những lựa chọn công bằng và hợp lý hơn trong quyết sách xây dựng và phát triển kinh tế.

Giá như Thủ tướng biết lắng nghe họ, biết đâu đã có thể hạn chế những sai lầm nghiêm trọng như Vinasin, Vinaline, đã có thể cảnh giác với nhóm lũng đoạn ngân hàng.

Trong khi giải tán nhóm phản biện độc lập, vì là phản biện nên họ thường đưa ra những ý kiến trái chiều, thường căn vặn những ý tứ chưa rõ và soi mói những góc khuất, thì Thủ tướng lại chọn nhóm tư vấn mà trong đó, có những chuyên viên không có tâm, còn thấp tầm, bụng dạ chứa đầy chất cơ hội. Đó là những kẻ chỉ nịnh nọt, không can gián bề trên, thậm chí nói sai nói điêu, xúi giục bề trên đưa ra những chính sách có lợi cho phe nhóm mình. Qủa thật, tôi không tin tự tâm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng muốn ra lệnh bắt bớ người biểu tình khi chính ông nói cần có luật biểu tình. Không phải tự tâm ông muốn đàn áp những người dân Văn Giang giữ đất khi ông vừa ra lệnh xử nghiêm vụ Tiên Lãng. Cũng chẳng phải cái tâm muốn xỷ lý các trang mạng khi ký chỉ thị 7169. Và cũng không phải ông ngây thơ chính trị đến mức tháng trước cho con gái làm Phó Chủ tịch Ngân hàng Bản Việt, tháng sau đề bạt con trai làm Thứ trưởng, giữa lúc kinh tế đang khó khăn, vụ Vinasin, Vinaline chưa giải quyết và lòng dân đang bức xúc vì tham những không giảm khi ông là người cầm đầu lực lượng chống tham nhũng.

Phải chăng bị lợi dụng bởi những kẻ đứng sau xu nịnh, cơ hội xúi bẩy, khuấy lên những chuyện đó làm mất uy tín của ông để đục nước béo cò? Có những kẻ dựa bóng, mượn danh ông gây ra những vụ oan khốc, thậm chí tàn ác, liệu Thủ tướng có biết? Chưa chắc những kẻ đó đã có báo cáo thật với Thủ tướng về những việc đã làm. Nhưng, hậu quả và tai tiếng thì chính Thủ tướng phải gánh chịu. Tôi hiền giúp cho vua sáng, tớ gian giật đổ ngai vàng. Đời vốn vậy!

 Tôi nghĩ, với sự sắc sảo, thông minh và tham vọng của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, nếu ông biết lắng nghe và chọn những người có tài, có đức thực sự để giúp việc cho mình thì ông sẽ thành công. Việc không thể khác là tự nhận ra mình, xem lại “đội ngũ đệ tử”, nghe lời khuyên phải, trọng dụng hiền tài.



Khuất Nguyên

Sử cũ còn ghi lại nhiều chuyện để răn đời: Khi vua chúa quá kém trong thuật dùng người, bị kẻ tiểu nhân mơn trớn, xúc xiểm, cậy quyền lại trở thành bạo chúa, lộng quyền, để lại ô danh muôn đời, sinh bao cảnh nước mất nhà tan, oan khiên dậy đất. Sở là một nước mạnh, đứng đầu các nước Tần, Tề, Yên, Hàn, Triệu, Ngụy thời Chiến quốc. Khuất Nguyên vừa là nhà thơ vứa là nhà chính trị lỗi lạc, được vua tin yêu phong đến chức Tả đồ. Khuất Nguyên nhận ra triều đình rệu rã, nhiều chính sách sai, nhiều quan tham ăn chơi thác loạn, bè phái hoành hành, dân chúng lầm than bị ức hiếp, nên thẳng thắn tâu vua sửa sai. Nhưng vì kiêu ngạo, lại cả tin lời sàm nịnh ton hót, Sở Hoài Vương chẳng những không nghe Khuất Nguyên mà gét bỏ ông, đày đi biệt xứ. Ông thương nước Sở, hận Sở Vương, trút hết nỗi sầu vào thi phẩm Ly Tao và trầm mình xuống dòng sông Mịch La. Đời sau Lý Bạch khóc Khuất Nguyên: “Khuất Bình tử phú huyền nhật nguyệt. Sở Vương đài tạ không sơn khâu !” (Gía như Sở Vương lắng nghe lời ngay của Khuất Nguyên thì nước Sở còn, sự nghiêp Sở Hoài Vương còn).

 Ở nước ta đời vua Trần Nghệ Tông (1321-1391) lúc đầu theo nếp cũ vua cha Minh Tông lấy pháp luật nghiêm minh làm thước đo, lấy dưỡng dân làm nền tảng sách lược nên nước thịnh, nhưng sau ông lại tin dùng kế của kẻ nịnh, cất nhắc bọn Đỗ Tử Bình và Qúy Ly, nên bị quan quân phân rã, lòng dân oán thán, ngoại bang vốn lăm le từ lâu thừa cơ ra tay, dẫn đến cơ nghiệp nhà Trần sụp đổ.

 M.D

Theo blog BVB

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện