Cái cười khẩy của tham nhũng


by nguyenquanglap




Đào Tuấn

“Tại sao chế độ lương của cán bộ, công chức hiện nay rất thấp nhưng họ lại rất muốn trở thành cán bộ, công chức?”. Câu hỏi ngược này đã được cố vấn chính sách của UNDP tại Việt Nam JairoAcuna-Alfaro đặt ra khi ông trả lời VietNamNet về vấn đề chống tham nhũng. Và sau đó ông cũng tự trả lời: “Việc người dân giàu lên là điều có lợi cho đất nước. Nhưng không phải giàu từ tham nhũng”.
 “Tôi cho rằng trách nhiệm của các nhà chức trách ở Việt Nam là phải chứng minh rằng tất cả tài sản mình sở hữu đều là hợp pháp”- Jairo nói. Duy chỉ có điều ông không hiểu, rằng ở Việt Nam, việc này hoặc là dễ ợt, hoặc không thể thực hiện được, nói thế nào cũng đúng, do tình trạng “nền kinh tế tiền mặt”. Dễ ở chỗ một bản kê khai tài sản, và chứng minh số tiền trong kê khai đó thật ra một học sinh lớp một, trình độ biết đọc biết viết cũng có thể làm được. Còn sự khó nằm ở những chi tiết “chỉ có ở Việt Nam”, đại loại “vác bao tài tiền đi mua nhà. Vàng chôn kênh cột giường”. Rửa tiền trong một nền kinh tế tiền mặt là việc dễ nhất trên đời, bởi người bán, chỉ quan tâm bạn trả bao nhiêu, chứ không bao giờ chịu sự kiểm soát để phải hỏi đó là tiền gì, ở đâu ra.
 Jairo chắc không biết chỉ vài tháng trước, ở Việt Nam xảy ra câu chuyện “biệt thự triệu đô” của con trai một vị bí thư tỉnh ủy- một cán bộ cấp phòng. Chuyện xới ra to như con voi, và có cái kết mất tăm không bằng cái đuôi con chuột. Rõ như thế còn chẳng làm rõ nổi, cho nên, không phải là không có lý khi dự thảo luật Phòng chống tham nhũng được đưa ra Quốc hội hôm qua đã nhận không ít ánh mắt nghi ngờ. Chẳng hạn quy định về việc kê khai tài sản mở toang: Ngoài những người có chức vụ, quyền hạn theo quy định hiện hành còn được bổ sung thêm những cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên. Thậm chí, “Tất cả những người có chức vụ, quyền hạn”. Nhưng mở rộng mà làm gì khi báo cáo đánh giá của cơ quan thẩm tra là Ủy ban Tư pháp khẳng định: Việc kê khai, minh bạch tài sản trên thực tế nhìn chung là hình thức, hiệu quả của việc phòng ngừa, ngăn chặn và phát hiện tham nhũng là rất thấp.
 Vì sao lại hình thức?
 Viện trưởng Viện nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo một lần nữa nhắc lại điểm yếu cốt tử của cuộc chiến chống tham nhũng đó là việc minh bạch tài sản không thể thực hiện được do “nền kinh tế tiền mặt”.
 Ngày 29-12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định 291 phê duyệt Đề án thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2006-2010. Chỉ sau vài năm, những mục tiêu cơ bản nhất đã rất nhanh chóng và dễ dàng hoàn thành: Hơn 15 triệu thẻ đã được phát hành, tỷ lệ tiền mặt/tổng phương tiện thanh toán đã vượt cả chỉ tiêu đến năm 2020 là không quá 15%.
 Nhưng đó chỉ là lý thuyết. Bởi một thực tế được Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán thuộc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận: 80% giao dịch qua ATM là để… rút tiền mặt.
 Trong buổi tiếp xúc cử tri ngay trước thềm kỳ họp quốc hội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã nói về “một sự thật, nói ra thật đau lòng”: “Tham nhũng một bộ phận, rồi một bộ phận không nhỏ, nói như cử tri là cả họ hàng, cả tập đoàn tham nhũng, mức độ hết sức nghiêm trọng”. Chủ tịch nước không thể không đau lòng, cử tri không thể không bức xúc, bởi ngay trong phiên khai mạc, báo cáo của Thanh tra Chính phủ thừa nhận: Công tác PCTN chưa đạt yêu cầu và mục tiêu đề ra là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Còn Thủ tướng, Trưởng Ban chỉ đạo PCTN thì nói về việc  giáo dục “lòng tự trọng” đối với cán bộ, công chức, như là một biện pháp chống tham nhũng bằng “vấn đề con người”.
 Nhưng mặc nhiên tham nhũng vẫn có thể cười khẩy khi cái việc tối thiểu nhất là một khung pháp lý để những con sâu, những bộ phận không nhỏ, những tập đoàn tham nhũng ít nhất phải rửa tiền, cũng còn bị nền kinh tế tiền mặt vô hiệu hóa.

Theo blog ĐT

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện