Điểm báo Pháp


Trung Quốc thời Tập Cận Bình: Tiếp tục lấn lướt láng giềng 

Biểu tình tại Hà Nội chống các hành động xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 09/12/2012.

Biểu tình tại Hà Nội chống các hành động xâm lược của Trung Quốc trên Biển Đông, ngày 09/12/2012.
REUTERS/Stringer

Lê Phước

Kể từ khi ông Tập Cận Bình tiếp chức vị Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, thế giới cũng đã hiểu được phần nào đường lối sắp tới của ông qua những biểu hiện đầu tiên trong các lĩnh vực đối nội và đối ngoại. Tuần san Le Nouvel Observateur đăng bài nhận định của chuyên gia René Backmann về chủ đề này với dòng tựa đáng chú ý : «Ông Tập và căng thẳng trên biển Trung Hoa ».

Hồi tháng rồi, khi được bầu làm Tổng bí thư Ban chấp hành trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc tại đại hội lần thứ 18 của đảng này, tân Tổng bí thư Tập Cận Bình đã cam kết sẽ : thay đổi trong đối nội và tiếp tục chính sách của người đi trước trong đối ngoại.

Sau đó, trong chuyến công cán đầu tiên ngoài thủ đô Bắc Kinh, ông đã chọn đặc khu kinh tế Thâm Quyến, biểu tượng mở cửa kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Ông cũng đã tỏ quyết tâm loại trừ những khuyết tật của hệ thống khiến lòng dân căm phẫn bấy lâu nay bằng việc phát động chiến dịch chống tham nhũng. Đặc biệt tại tỉnh Tứ Xuyên có nhiều quan chức của đảng và của chính quyền đã bị bắt. Tác giả bài viết nhận định, ông Tập Cận Bình có vẻ đã giữ đúng lời hứa trên phương diện đối nội.

Còn trên phương diện đối ngoại thì sao ? Ông Tập Cận Bình có tiếp tục chính sách « lấy thịt đè người » đối với các nước láng giềng hay không ? Theo tác giả thì có lẽ là : có !

Minh chứng đầu tiên, đó là việc Trung Quốc đánh dấu buổi đầu thời Tập Cận Bình bằng việc đáp thành công chiến đấu cơ trên chiếc hàng không mẫu hạm Liêu Ninh, chiếc tàu sân bay duy nhất của Trung Quốc tính đến hiện tại. Cùng với việc đó, các cơ quan truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã rầm rộ đưa tin theo kiểu « quảng cáo » về sự kiện này.

Tiếp đó là việc Trung Quốc cho máy bay tuần tra xâm phạm vùng hải phận đang được Nhật Bản kiểm soát và đang trong tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc. Tác giả nhấn mạnh, hành động « có tính toán » này và việc quảng cáo rầm rộ cho sự kiện đáp máy bay nói trên đã cho thấy tham vọng khu vực của Trung Quốc sẽ không thay đổi dưới thời Tập Cận Bình.

Trung Quốc hung hăng, đẩy các nước láng giềng về phía Hoa Kỳ

Tác giả nhắc lại, Trung Quốc vốn có tranh chấp lãnh thổ trên các vùng biển tiếp giáp nước này với nhiều quốc gia láng giềng, và việc tranh chấp này đã và đang khơi dậy chủ nghĩa dân tộc, đẩy các nước vào cuộc chạy đua võ trang. Tranh chấp này theo tác giả đã vượt tầm vóc khu vực. Trong bối cảnh đó, đồng minh thân cận nhất của Trung Quốc là Bắc Triều Tiên lại làm cho tình hình thêm phức tạp khi vừa tiến hành phóng vệ tinh mà các nước nghi ngờ là thử tên lửa đạn đạo tầm xa.

Trong mớ bòng bong đó, tại Hoa Kỳ, Tổng thống Barack Obama lại vừa tái cử nhiệm kỳ 2 và tuyên bố tiếp tục tăng cường chính sách hướng về vùng Châu Á -Thái Bình Dương của Mỹ. Hoa Kỳ đã và đang tăng cường các thỏa thuận về kinh tế và chiến lược với các nước láng giềng của Trung Quốc, những nước mà bị chính phủ Bắc Kinh lấn lướt đã mở rộng vòng tay đón Hoa Kỳ trở lại. Hoa Kỳ cũng vừa cho củng cố sự hiện diện tại Úc và Singapore,  thêm vào số quân 320.000 người đang đóng ở vùng Thái Bình Dương.


Việt Nam : Mùa Noel kinh hoàng cách đây 40 năm 


« Mùa Noel kinh hoàng ở Hà Nội », là tựa đề bài viết trên trang Lịch sử của tuần san Courrier International số ra tuần này, nói về sự kiện vào tháng 12 cách đây 40 năm không quân Hoa Kỳ đã cho B-52 oanh tạc Hà Nội.

Tờ báo giới thiệu quyển sách mang tên « Hà Nội đối mặt với B-52 » do nhà xuất bản Trẻ phát hành hồi đầu tháng này. Sách do Đại tá Nguyễn Xuân Mai và nhóm tác giả trẻ: Đào Thanh Huyền, Đặng Đức Tuệ, Trần Phúc Thái thực hiện, trong đó Đặng Đức Tuệ và Đào Thanh Huyền từng học tại Trường Đại học Báo chí Lille, Cộng hòa Pháp. Sách được thực hiện với sự góp mặt của 116 nhân chứng, người trẻ nhất sinh năm 1966, vào năm 1972 mới lên 6 tuổi và nhân chứng nhiều tuổi nhất sinh năm 1910, khi Hà Nội đối mặt với B-52 thì đã 62 tuổi. Các nhân chứng lịch sử đã kể về những ngày tháng B-52 tấn công Hà Nội với những kỷ niệm và xúc cảm khác nhau.

Courrier International bàn về bối cảnh lịch sử của sự kiện này như sau : để tạo sức ép trên bàn đàm phán, Hoa Kỳ đã quyết định dùng không quân tấn công Bắc Việt Nam. Đợt không kích thứ nhất bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1972. Đợt không kích Hà Nội bằng B-52 diễn ra vào mùa Giáng sinh năm 1972. Chỉ trong vòng 10 ngày, đã có 1.600 thường dân bị thiệt mạng, khoảng 30 máy bay Mỹ bị bắn rơi, 43 phi công Mỹ tử trận. Hệ quả là vào đầu năm 1973, hiệp định Paris giữa Mỹ và hai miền Việt Nam đã được ký kết.

Bên cạnh bài viết, tờ báo còn đăng lại hình một chiếc máy bay đang rải bom với dòng chú thích : « Một chiếc B-52 đang hoạt động trên bầu trời Việt Nam, chiếc máy bay khổng lồ này chở đến 22 tấn bom ». Và một hình ảnh trên phố Khâm Thiên cho thấy cảnh hoang tàn đổ nát sau khi bị B-52 oanh tạc.

Nhật Bản : Cơ hội thứ hai dành cho ông Shinzo Abe


Tuần báo Anh The Economist số cuối năm, trong một bài xã luận đã trở lại với chiến thắng tuyệt đối của cựu Thủ tướng Shinzo Abe trong cuộc bầu cử Hạ viện Nhật Bản ngày 16/12 vừa qua với một lời kêu gọi : « Tiến tới đi, hỡi ông Abe, hãy làm chúng tôi ngạc nhiên đi ! ».

Theo nhận định của tuần báo bảo thủ Anh Quốc, nhiệm kỳ trước đây của người sắp trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản từng là một « thảm họa », do vậy không nên để tình hình đó tái diễn.

Đối với The Economist, nền chính trị Nhật vừa chứng kiến một cuộc đại thắng hiếm thấy trong lịch sử hiện đại của Nhật Bản : Đảng Dân chủ Tự do (LDP), với đồng minh New Komeito, đã giành được 325 trên tổng số 480 ghế tại Hạ viện. Đây là một cơ may lớn, cho phép Nhật Bản có được một chính phủ vững chắc, sau nhiều năm bị lâm vào tình trạng bấp bênh, bế tắc và trôi dạt, vì thiếu đa số để thúc đẩy chính sách của mình.

Triển vọng nêu trên lẽ ra phải làm cho nhiều người nhẹ nhõm. Thế nhưng không. Đảng Dân chủ Tự do trở lại cầm quyền lần này vẫn mang những tỳ vết như nhẫn tâm, sô-vanh, với một bộ phận bị coi là tham nhũng và phục vụ cho các nhóm đặc quyền, những thói hư từng khiến cho đảng này bị đuổi ra khỏi chính quyền vào năm 2009.

Ngoài ra, đảng Dân chủ Tự do năm nay chiến thắng không phải là vì được lòng dân : Số phiếu bầu cho họ chỉ hơn một chút so với số phiếu họ thu được khi bị thất bại ê chề vào năm 2009 trước Đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Nguyên do chính giúp đảng Dân chủ Tự do đại thắng lần này chính là vì số dân biểu của đảng Dân chủ bị sụt giảm từ 230 xuống còn vỏn vẹn 57.

Còn về mặt đường lối và ý tưởng, đảng Dân chủ Tự do, theo tuần báo Anh, cũng có vẻ như chẳng hề đổi mới. Tân Thủ tướng Shinzo Abe, một con diều hâu với quan điểm méo mó về lịch sử, đã từng lãnh đạo Nhật Bản một lần. Nhiệm kỳ của ông (2006-2007) đã diễn ra trong một tình trạng hỗn độn, và trong chương trình tranh cử vừa qua, không thấy ông đưa ra được ý tưởng mới hoặc bạo dạn nào để hiện đại hóa nền kinh tế.
Tuy vậy, theo The Economist, tất cả không phải là xấu.

Dấu hiệu đáng khích lệ nhất là ông Abe nói rằng ông đã rút tỉa kinh nghiệm từ nhiệm kỳ trước đây, khi ông phải dồn sức giải quyết các sai sót ngớ ngẩn của các Bộ trưởng và các tranh cãi không cần thiết về tội ác chiến tranh của Nhật Bản. Lần này, ông cho biết là đặt ưu tiên cho kinh tế, đặc biệt là kết thúc tình trạng giảm phát.

Đối với The Economist, đó quả là điều hết sức cần thiết vì nền kinh tế của Nhật Bản vẫn còn hấp hối, gần đây vừa bị suy thoái trở lại, lần thứ năm trong vòng 15 năm, nợ công lên đến hơn 200% GDP... Trị giá cao của đồng yen đã góp phần tăng thêm khó khăn.

Một vấn đề khác mà theo The Economist, ông Abe cần thay đổi, đó là đường lối ngoại giao, đặc biệt là đối với Trung Quốc.

Tuần báo Anh nhắc lại : Tương tự như rất nhiều người trong tầng lớp lãnh đạo Nhật Bản, ông Abe xuất thân từ một gia đình đại chính khách vốn đã nhào nặn quan điểm chính trị của ông. Ông nội của ông Shinzo Abe là Nobusuke Kishi, một người hưởng lợi nhờ chiếm đoạt của cải trong thời chiến, và sau đó, khi làm Thủ tướng, đã tìm cách viết lại bản Hiến pháp chủ hòa do Mỹ áp đặt, cấm Nhật Bản phát động chiến tranh hoặc duy trì quân đội.

Trong những năm gần đây, Nhật Bản đã trở nên thiên hữu, vào lúc Trung Quốc gia tăng các hành động thâm nhập vào hải phận và không phận một nhóm đảo ở biển Hoa Đông, thách thức quyền kiểm soát của Nhật Bản.

Về phần mình, ông Abe đã đe dọa đến thăm đền Yasukuni, nơi thờ các tử sĩ Nhật Bản (bao gồm cả tội phạm chiến tranh), một động thái luôn bị Bắc Kinh cho là khiêu khích và không thể chấp nhận được. Đối với The Economist, ông Abe không nên chạy theo bản năng đó. Một cố gắng đáng hoan nghênh của ông trong nhiệm kỳ đầu tiên - khi ông không viếng đền Yasukuni - là bắc lại nhịp cầu với Trung Quốc và Hàn Quốc.

Do đó, theo tuần báo Anh, lần này, ông Abe không nên bám víu vào lập luận không hề có sức thuyết phục, cho rằng Nhật Bản không có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Thay vào đó, ông nên xây dựng quan hệ thương mại với các láng giềng, và thúc đẩy trao đổi sinh viên…

The Economist kết luận : “Các chính trị gia hiếm khi có được một cơ hội thứ hai. Ông Abe không nên lãng phí cơ may của mình”.

Tunisia: Mùa xuân bị đánh cắp!


Tunisia, nơi phát xuất của Mùa xuân Ả Rập hồi đầu năm 2011, hiện đã như thế nào? Trang mạng Nawaat tại Tunis có bài trả lời: không có gì thay đổi. Courrier International dẫn lại quan điểm này với dòng tựa: “Ngài Tổng thống đã về đâu?”.

Theo bài viết, nhìn từ bên ngoài người ta cứ tưởng rằng, tiến trình dân chủ tại Tunisia đang diễn ra tốt đẹp, thế nhưng thực tế lại hoàn toàn khác. Hai năm sau khi lật đổ chính quyền độc tài Ben Ali, tình hình vẫn không hề được cải thiện, những khát vọng của người dân thuở ấy là “việc làm, tự do và phẩm giá con người” đã không hề được chính phủ hiện tại đáp ứng.

Bài viết chỉ ra một số khu vực làm minh chứng: trước khi lật đổ Ben Ali những khu vực này đã nghèo khổ, và hiện tại vẫn luôn nghèo khổ. Bài viết cũng cho biết đã có những vụ xuống đường phản đối chính quyền quy mô, và đã có xung đột giữa cảnh sát và người biểu tình khiến hàng trăm người bị thương.

Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển Châu Phi vừa rồi đã quyết định giải ngân khoản trợ giúp phát triển cho Tunisia với số tiền gần 900 triệu đô la. Thế nhưng, bài viết đặt câu hỏi: liệu trợ giúp tài chính có mang đến tự do và bình đẳng xã hội hay không? Người Tunisia thì dần mất kiên nhẫn và sẽ không chấp nhận nhìn thấy tái diễn những gì mà họ đã ra sức đánh đổ đi.

Hoa Kỳ: Cơ hội vàng cho bà Hillary Clinton?


Nhìn về nước Mỹ, tuần san L’Express có bài: “Giờ phút của Hillary”, vẽ ra một viễn ảnh tươi đẹp cho bước đường chính trị sắp tới nếu bà ra tranh cử tổng thống vào năm 2016.

Tờ báo nhìn lại bốn năm đứng đầu ngành ngoại giao Hoa Kỳ của bà Hillary với những con số kỷ lục thể hiện tính siêu năng động của bà: đặt chân đến 112 quốc gia, 395 ngày đi công du trong đó có đến 86 ngày ở trên máy bay, đi qua đến một triệu rưỡi cây số.

Tháng Giêng tới đây bà sẽ chính thức rời nhiệm sở theo nguyện vọng của chính bà, và Tổng thống Obama cũng đã đề cử người kế nhiệm là ông John Kerry. Bà Hillary đã bày tỏ ước mơ vui thú điền viên sau nhiều năm lăn lộn trên chính trường. Thế nhưng gần đây bà cũng từng phát biểu: “Tôi sẵn sàng phụng sự đất nước”. Câu nói này cùng với sự nhìn nhận của nhiều nhà phân tích cho thấy rất có thể bà Hillary tạm hoãn binh để chuẩn bị ra ứng cử tổng thống vào năm 2016.

L’Express nêu ra những thuận lợi hứa hẹn tương lai chính trị tươi sáng cho bà Hillary Clinton. Các thăm dò từ một năm nay đều cho thấy chỉ số được lòng dân của bà lên đến 70%. Tại bang New Hampshir, bang sẽ diễn ra cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tổng thống 2016, có đến 91% người theo đảng Dân chủ ủng hộ bà, và 55% chấp nhận bầu bà ra đại diện đảng Dân chủ ra tranh cử tổng thống vào năm 2016, tức vượt qua sáu ứng viên khác, mà ứng viên có số điểm đứng ngay sau bà cũng chỉ có 9%.

Chưa hết, L’Express cho hay, có 20% người thuộc đảng Cộng hòa ủng hộ bà Hillary. Tờ báo nhận định, trong một đất nước bị hao mòn bởi việc phân cực chính trị như Hoa Kỳ, thì con số ủng hộ 20% nói trên của phe Cộng hòa rõ ràng là một ngoại lệ, “một sự đồng thuận không thể tưởng tượng được”. Đến mức mà, lãnh đạo đảng Cộng hòa đã bắt đầu chuẩn bị những nhân vật của đảng có thể đối chọi với bà Hillary trong bốn năm sắp tới.

Từ mười năm nay bà luôn nằm trong danh sách phụ nữ thế giới được người Mỹ ngưỡng mộ nhất. Cùng vào sự nghiệp của ông Bill Clinton và nhờ vào kinh nghiệm chính trị bản thân, bà Hillary có một mạng lưới các nhà đầu tư vốn ở Mỹ. Đây là một thế mạnh để bà giải quyết vấn đề tài chính khi quyết định ra tranh cử.

Tờ báo tóm lược, nhiệm kỳ bốn năm của bà có nhiều dấu ấn, mà trong đó nhất là sự trở lại khéo léo của Mỹ về vùng Châu Á-Thái Bình Dương. Thế nhưng, chỉ bấy nhiêu thôi cũng chưa đủ cho một chiến dịch tranh cử tổng thống, mà bên cạnh đó, phương pháp làm việc của bà Hillary, mối quan tâm to lớn của bà dành cho phát triển, ưu tiên của bà dành cho các tổ chức phi chính phủ, và đặc biệt là biết tăng cường tiếp xúc trực tiếp với xã hội dân sự. Tất cả những điều đó gợi lên hình ảnh một chính phủ biết bám sát thực tế. Thêm vào đó là những kinh nghiệm từ bốn năm dọc ngang trên thế giới sẽ giúp bà đề ra chính sách ngoại giao phù hợp cho nước Mỹ.

Kinh doanh ngày tận thế !


Tạp chí New York Times bàn về một nghề đang thịnh vượng ở Hoa Kỳ : kinh doanh ngày tận thế. Courrier International dẫn lại quan điểm này với bài viết : « Hoa Kỳ : Kinh doanh ngày tận thế, một nghề triển vọng ».

Theo tờ báo, kinh doanh dự phòng thảm họa đã có từ lâu, nhưng tại Mỹ thì bỗng trở nên thịnh vượng từ sau thảm họa khủng bố 11/9 tại New York. Bên cạnh nỗi ám ánh khủng bố, người Mỹ còn bị đẩy vào « tâm lý tích cốc phòng cơ » bởi một loạt những bất thường khác của nhân loại như : khủng hoảng tài chính, bão Kitrina và Ike, hạn hán kéo dài hay các vụ mất điện nghiêm trọng. Hay thậm chí là việc nước biển dâng cao hay đe dọa hạt nhân từ Iran.

Minh chứng cho sự thịnh vượng của « nghề kinh doanh tận thế » đó là nhiều tổ chức và doanh nghiệp dạng này đã bắt đầu xuất hiện và thu hút mọi người. Chẳng hạn như hồi cuối năm 2011, một doanh nhân trẻ của Mỹ đã cùng các đối tác thành lập một công ty chuyên hướng dẫn cách đề phòng thảm họa, một đài phát thanh chuyên đề về thảm họa.

Năm 2012, doanh nhân này đã tổ chức được 5 buổi triển lãm đề phòng thảm họa, và đã thu hút đến 40.000 người tham gia, vé cho mỗi người là 10 đô la. Trang mạng của đài phát thanh về thảm họa của người này cũng đã có đến 2 triệu lượt tải. Còn một tạp chí cùng chủ đề trên bắt đầu phát hành từ năm 1974 cũng đã bán được đến 20.000 bản trong năm nay.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện