Tham nhũng: căn nguyên, hệ lụy và trị liệu pháp


Lê Chinh Vũ (Danlambao) - Tham nhũng là một đề tài muôn thuở. Tham nhũng hiện diện ở khắp mọi nơi, mọi thời đại. Đông Tây kim cổ đều có, không riêng gì ở Việt Nam. Thế đâu là căn nguyên của tham nhũng và những hệ lụy của nó? Phương pháp trị liệu?

Trước hết xin bàn đến chữ tham. Tham là một trong ba thuộc tính cơ bản (hai thuộc tính kia là sân với si) của con người. Nói rõ hơn tham, sân và si là bản chất của con người. Xã hội có khác, môi trường có khác, thời đại có khác, văn hóa có khác nhưng bản chất con người là bất di bất dịch. Lòng tham ai cũng có, nhiều hay ít mà thôi. Mặc áo cà sa hay mặc áo tu sĩ còn không gột rữa được lòng tham thì làm sao những con người thân phàm xác tục lại không tham được? Tuy nhiên, Lòng tham của con người, dù nhiều hay ít đều tuỳ thuộc vào môi trường sinh sống của con người. Nói chung thì nếu con người sinh ra trong một môi trường mà đạo đức làm người được cổ xuý và nuôi dưỡng, thì lòng tham của con người và hậu qủa của nó đối với xã hội không đến nỗi nghiêm trọng. Ngược lại khi con người được sinh ra và lớn lên trong một bối cảnh mà đạo đức suy đồi, một xã hội kim tiền, thì lòng tham của con người tha hồ phát tác. Khi lòng tham hoành hành trong một môi trường không có một cơ chế kiểm soát nghiêm ngặt hoặc không bị kiềm chế thì nó lại càng phát triển mạnh mẽ hơn nữa.

Bây giờ chúng ta nói về tham nhũng. Khi chữ “tham” đi kèm với chữ “nhũng” thì nó có nghĩa vừa tham vừa gian dối. Tham nhũng luôn luôn là một vấn nạn cho xã hội con người và ở tại một vài nước như Việt Nam chúng ta thì nó đã trở thành quốc nạn, rất khó bài trừ nếu không nhìn thấy cái gốc của nó.

Luật phòng chống tham nhũng (55/2005/QH11) của Việt Nam định nghĩa tham nhũng là “hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi”.

Điều 3 của Luật nói trên mô tả tham nhũng bao gồm các hành vi sau đây:


1. Tham ô tài sản.

2. Nhận hối lộ.

3. Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

4. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

5. Lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

6. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi.

7. Giả mạo trong công tác vì vụ lợi.

8. Đưa hối lộ, môi giới hối lộ được thực hiện bởi người có chức vụ, quyền hạn để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi.

9. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước vì vụ lợi.

10. Nhũng nhiễu vì vụ lợi.

11. Không thực hiện nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi.

12. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.

Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) định nghĩa “corruption is the abuse of entrusted power for private gain” (Tham nhũng là hành vi lạm dụng quyền hạn được uỷ thác để phục vụ cho lợi ích cá nhân.)

Cái hệ luận tất yếu của cả hai định nghĩa này là chỉ có những người có chức vụ và quyền hạn mới có điều kiện để tham nhũng. Nhân dân làm ăn lương thiện không thể có điều kiện này. Áp dụng định nghĩa này vào môi trường của đất nước chúng ta thì rõ ràng chỉ có những người nằm trong hàng ngũ Đảng với nhà nước ta mới có khả năng và điều kiện tham nhũng!

Tham nhũng rất khó trị. Nó tung hoành khắp hang cùng ngõ ngách của đất nước, đâu đâu cũng thấy được. Nếu cho kẻ viết bài này bóp méo sự thật thì người đọc thử nhìn lại từng ngày trong cuộc sống của bạn xem thế nào? Có bao giờ bạn bắt buộc phải cầm phong bì để mong quan chức nhà nước chiếu cố cho công việc mưu sinh của bạn được trôi chảy hay chưa? Có phải cho và nhận phong bì đã trở thành một mẫu mực (norm) trong xã hội Việt Nam ngày hôm nay hay không?

Chính ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư (TBT) Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) cũng xác nhận: "Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có..."

Mô tả căn bịnh tham nhũng một cách sống động hơn, chủ tịch nước Trương Tấn Sang phát biểu: "Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là 'chết' cái đất nước này." Dù ông Sang không làm gì được những bầy sâu này hay là ông Sang có động lực nào khác trong phát biểu của ông thì ít nhất ông Sang cũng công khai thừa nhận tham nhũng là cái đại nạn của đất nước chúng ta.

Khi tham nhũng được bao che bởi hay kết hợp với quyền lực chính trị thì nó càng trở nên lộng hành hơn. Nếu không thế thì làm sao mà một đảng phái như ĐCSVN, “Người lãnh đạo mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam” đã phải tốn bao công lao và thời gìờ của không biết bao nhiêu đại hội đảng (xem Việt Báo 22/8/2006) đã hoàn toàn đầu hàng cái nạn tham nhũng! Tại sao? Lý do rất đơn giản: vì vừa tham nhũng vừa muốn chống tham nhũng là một thách đố rất lớn lao! Thánh nhân cũng không làm được!

Cũng với ý này, mới đây tại cuộc “Đối thoại về phòng chống tham nhũng lần thứ 11” tại Hà Nội, Tiến Sỹ Antony Stokes, đại sứ Vương Quốc Anh tại Việt Nam đã phát biểu: “Theo tôi, mấu chốt là bệnh nhân không thể tự phẫu thuật cho mình được”. Ông đại sứ còn nhận định: “Để thành công Việt Nam phải tự tìm cho mình cách thiết lập tính độc lập của hệ thống tư pháp, phải có truyền thông tự do và cơ chế từ bên ngoài giám sát khâu giải trình trách nhiệm” (BBC ngày 14/12/2012).

Năm 2012, Cơ quan Minh Bạch Quốc Tế (Transparency International) xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123 trên tổng số 176 quốc gia và lãnh thỗ căn cứ trên Corruption Perceptions Index. Căn cứ vào đánh giá về tham nhũng của cơ quan này thì tình trạng tham nhũng tại Việt Nam vẫn tệ hại từ 2001 đến nay không có gì thay đổi (Xin xem Wikipedia).

Người ta có thể viện dẫn vô số tin tức liên quan đến tham nhũng ở Việt Nam (Xem Lê Văn Lân hoặc dân trí chẳng hạn), ở đây người viết chỉ đơn cử những vụ án liên quan đến tham nhũng không những đã gây chấn động và tai tiếng ở trong nước mà còn ở hải ngoại như EPCO-Minh Phụng, PMU 18, PCI, Đề án 112, vụ công ty in tiền Securency hối lộ để in tiền polymer ở Việt Nam. Khi đem những vụ tham nhũng này so sánh vể những hành vi tham nhũng nói ở Điều 3 của Luật 55/2005/QH11 nói trên, thì tất cả vụ tham nhũng này đều nằm trong sự mô tả của điều luật này. Tất cả các vụ này đã được báo chí trong và ngoài nước đăng tải đầy đủ, tôi không đi vào chi tiết của các vụ việc này mà chỉ muốn bàn về những nguyên nhân của chúng.

Nguyên nhân của tham nhũng

Trước hết cần phải nói rõ là một trong những nguyên nhân chính của quốc nạn tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là do cái cơ chế, cái hệ thống vận hành xã hội hiện nay. Khi mà anh tham nhũng, tôi tham nhũng, chúng ta cùng tham nhũng, toàn bộ hệ thống tham nhũng, thì tự thân cái hệ thống này không có cách nào chữa tham nhũng được. Không phải chính ông cựu TBT Lê Khả Phiêu đã từng phái biểu: “Tham nhũng ở nước ta là do cả cơ chế lẫn con người” đó sao? Ông Lê Khả Phiêu cũng không phải là người duy nhất nói điều này đâu. Ông Nguyễn Văn An, cựu chủ tịch Quốc Hội, góp ý với Đại Hội XI của ĐCSVN: “Đáp ứng yêu cầu của Cách Mạng Việt Nam trong giai đoạn mới, giai đoạn đổi mới triệt để, cả kinh tế và chính trị, tức là hoàn thiện ở mức độ cao hơn, mức độ sữa lỗi hệ thống.” Dĩ nhiên chúng ta không thể trông mong ông An đi xa hơn phát biểu này.

Cái yếu tố thứ hai cần phải nói đến là di sản của lịch sử mà đất nước chúng ta trãi nghiệm. Cái chế độ phong kiến mà sự hiện diện của nó trên đất nước chúng ta đã tạo nên một văn hoá phục tùng và xin cho hoàn toàn phản dân chủ. Cái quan niệm “quân xữ thần tử, thần bất tử bất trung” là một quan niệm được dựng nên nhằm phục vụ quyền lợi của giai cấp quan lại và vua chúa. Thêm vào đó, sự đô hộ nước ta vào thế kỹ 19 của thực dân Pháp đã tạo ra một tầng lớp công nhân đói khỗ vì bị bóc lột. Khi chủ nghĩa cộng sản được Hồ Chí Minh du nhập vào nước ta, nó trở thành một cái bánh vẽ có khả năng lôi cuốn tầng lớp công nhân và nông dân với nhiều hấp lực. Còn gì hạnh phúc hơn khi nông dân là người cày có ruộng, công nhân là người chủ tập thể của nhà máy? Đây là nguồn gốc của một chế độ độc tài đảng trị và mẹ đẽ của tham nhũng!

Một yếu tố khác có thể giải thích tham nhũng tại Việt Nam là cái thiếu thốn về nhiều mặt trong đời sống của hàng ngũ cán bộ. Trong chiến tranh Việt Nam, hàng ngũ cán bộ, bộ đội hầu như không có điều kiện để hưởng thụ một cuộc sống “phồn vinh giả tạo” (Lê Duẩn) của xã hội Miền Nam. Cho nên sau chiến tranh, khi chức quyền nằm trong tay, hàng ngũ cán bộ của Đảng và nhà nước không tránh khỏi bị lôi cuốn vào cái vòng hưởng thụ và sẳn sàng tham nhũng để huởng thụ khi nền kinh tế bắt đầu mở cửa để giao thương với nước ngoài.

Trình độ dân trí của Việt Nam cũng là một yếu tố khác giải thích tham nhũng. Trong chiến tranh, người dân Việt Nam, đa số là nông dân, tối ngày đầu tắt mặt tối, lam lũ để lo cho gia đình, không ý thức được đầy đủ những quyền làm người của họ. Họ không nhận thức được những người làm việc trong guồng máy công quyền hay nhà nước là những người đang được trả lương bằng đồng tiền thuế do họ đóng góp. Những công bộc này phải phục vụ họ và họ không cần phải xử dụng phong bì để xin xỏ ân huệ. Khi họ làm như vậy họ đang tạo điều kiện cho tham nhũng tồn tại. Cách hành xử này đã tạo nên một tập quán không lành mạnh trong xã hội Việt Nam không dễ gì rũ bỏ một sớm một chiều. Hy vọng thế hệ trẻ Việt Nam ngày hôm nay sẽ mạnh dạn thực thi quyền làm người của mình, thể hiện quyền làm chủ đất nước của mình một cách dứt khoát hơn!

Một yếu tố khác ảnh hưởng đến tham nhũng là cái văn hoá “kệ” của người Việt. Cái văn hoá này nó biểu hiện ở mọi tầng lớp nhân dân và hàng ngũ cán bộ lẫn trí thức. Cái văn hoá này nó cũng làm cho những con người tham nhũng cảm thấy an tâm hơn. Cũng chính cái văn hoá này nó biến con người Việt Nam trở thành vô cảm và thụ động trước những vấn nạn của xã hội Việt Nam. Ngay cả người lãnh đạo cao nhất của ĐCSVN cũng biểu hiện cái văn hoá “kệ” này dưới hình thức sợ bị trả thù như ông TBT Nguyễn Phú Trọng từng phát biểu: “Kỷ luật mà không tính kỹ thì lại rối, mai kia lại ân oán, thù oán, thành phe phái, rối nội bộ.” (BBC 2/12/2012). Kỷ cương đâu? Quốc pháp đâu?


Thế đâu là hệ lụy của tham nhũng?

Trước hết, khi những người đã tham nhũng rồi thì luôn tìm cách che dấu hành vi tội lỗi của mình. Điều này dĩ nhiên được thực hiện bằng cách bưng bít thông tin càng nhiều càng tốt. Và khi tham nhũng sinh sôi nẩy nở trong một môi trường cho phép người ta nhân danh bí mật quốc phòng, bí mật kinh tế quốc gia thì việc bưng bít thông tin càng dễ thực hiện hơn. Các chế độ độc tài là những môi trường như vậy. Do đó tìm cách duy trì độc quyền chính trị là một yêu cầu sống còn của mọi chế độ thối nát và tham nhũng. Công bằng mà nói điều này xảy ra nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là tại các nước chậm tiến và nghèo đói không riêng gì tại đất nước ta (ví dụ như ở Zimbabwe với Mugabe chẳng hạn). Tại Việt Nam ông cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng đã từng phát biểu: “dù ai nói ngả nói nghiêng, dù ai có muốn bỏ Điều 4 hiến pháp gì đó thì không có chuyện đó. Bỏ cái đó đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát”. Phải thừa nhận rằng ông Nguyễn Minh Triết khá thành thực và mộc mạc!

Cái hệ lụy kế tiếp của tham nhũng là những ai lên tiếng tố cáo tham nhũng hoặc cổ xuý cho sự minh bạch, cho tự do ngôn luận, cho tự do dân chủ sẽ bị trù dập. Vì có tự do ngôn luận, có tự do báo chí thì tham nhũng sẽ bị đưa ra ánh sáng! Và nếu có đối lập, có đa đảng thì không có độc quyền chính trị, không thể tiếp tục tham nhũng một cách thoải mái được. Cũng cần nói thêm ở điểm này là khi anh không có khả năng tư duy và lý luận để đối thoại thì xử dụng bạo lực là chuyện đương nhiên anh cần phải nhờ tới. Bởi vì lý luận đến từ kẻ ác, từ những kẻ làm điều bất chánh không bao giờ có khả năng thuyết phục nhân tâm. Đó là chân lý!

Cái hệ lụy thứ ba là vấn đề sung dụng tài nguyên quốc gia. Tham nhũng sẽ dẫn đến việc phân phối tài nguyên quốc gia cho những tập đoàn kinh doanh và các nhóm lợi ích có quan hệ quyền lợi, có dây mơ rễ má với, hay là thân nhân của những người tham nhũng. Tham nhũng như vậy là một hành vi đục khoét tài sản của đất nước một cách bất chánh. Một trong những kênh (channel) tham nhũng là càng đưa ra càng nhiều dự án càng nhiều công trình càng tốt. Như vậy mới có điều kiện tham nhũng, có điều kiện để nhận tiền hối lộ từ chủ đầu tư, có điều kiện để rút ruột từ ngân sách quốc gia mà căn bản là đồng tiền thuế đầy mồ hôi nước mắt của nhân dân, với kết qủa là những công trình thiếu chất lượng hoặc đúng chất lượng nhưng tốn hao công quỹ nhiều hơn.

Cái hệ lụy thứ tư là nó làm băng hoại đạo đức của xã hội Việt Nam. Con người Việt Nam hôm nay khác, rất khác xưa. Mua quan bán chức, mua công ăn việc làm, mua bằng cấp, mua ân hụê. Chạy đầu này đầu kia trao đổi phong bì. Mọi thứ trong xã hội đều có thể được mua bán. Không phải là lỗi của người dân đâu. Tại cơ chế đấy! Cách hành xữ của con người phần lớn là bị điều kiện hóa cả (conditioned). Không thế thì tại sao ông bà chúng ta đã từng nói: “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” hoặc “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” đó sao?

Nghiêm trọng hơn tất cả các hệ lụy bên trên, cái quốc nạn này nó đang dẫn đến cái hiểm họa mất nước của dân tộc Việt Nam. Mọi thứ hàng hóa kể cả an ninh quốc phòng cũng có thể được mua bán (trong kinh tế học các dịch vụ công cộng kể cả an ninh quốc phòng được coi là các loại hàng hóa công (public goods)). Tôi có nhắc đến trong một bài viết trước về việc cho thuê rừng đầu nguồn tại Việt Nam. Những người nào có thẩm quyền làm những quyết định như vậy? Đảng hay nhà nước? Chắc chắn không phải là nhân dân. Có phải ĐCSVN đang đánh đổi an nguy của dân tộc chúng ta bằng tiền bạc của TQ không? Cho một chính phủ hay công ty ngoại quốc nào biết tôn trọng pháp luật quốc tế, làm ăn minh bạch thuê rừng thì còn mong là không có mấy rũi ro về an ninh quốc gia chứ còn cho TQ thuê thì là một đại họa thấy trước. Đánh đổi được bao nhiêu tỉ đô la hay nhân dân tệ? Nhân dân không biết. Quốc Hội không biết hoặc biết nhưng hoàn toàn im lặng? Đây có phải là việc lạm dụng quyền hành để mưu cầu lợi ích riêng tư, lợi ích phe nhóm - nghĩa là thực hiện một hành vi tham nhũng, hay không? Cho thuê rừng đầu nguồn không phải là khế ước không minh bạch duy nhất giữa TQ và VN đâu. Dự án khai thác bauxite tại Tây Nguyên là một “chính sách lớn của Đảng và Nhà Nước ta” mà toàn dân Việt Nam ăn ngũ không yên khác đó. Tại sao TQ đóng cửa tất cả các quặng mõ khai thác bauxite trên quốc gia của họ mà lại làm việc này trên đất nước ta? Đứng về mặt ô nhiễm môi trường mà nói thì đây là một chính sách xử dụng Việt Nam làm nhà máy sản xuất để tránh ô nhiễm môi trường của TQ. Đây là chưa nói đến về mặt hạch toán kinh tế với cung cách làm ăn hiện nay không ai dám đảm bảo hiện giá thuần (present value) của kế hoạch này là một con số dương cả. Đây là chưa kể đến vấn đề an ninh quốc gia. Câu hỏi cần nêu lên ở đây là: tại sao với sự ngăn cản và phản đối của không biết bao nhiêu trí thức và công thần của chế độ, ĐCSVN vẫn tiến hành việc khai thác bauxite tại Tây Nguyên? Có gì không minh bạch trong quyết định này? Nhân dân có quyền thắc mắc không?

Trị liệu pháp?


Ở đây tôi không muốn bàn đến những biện pháp hay chính sách chống tham nhũng. Người ta đã tốn rất nhiều giấy mực nói về đề tài này (Bạn cứ lên Google mà xem). Ngay cả cái Luật chống tham nhũng hiện nay cũng không có khả năng bài trừ tham nhũng. Trị bịnh cần phải chẩn đoán tận gốc rễ: Đó chính là chế độ chính trị hiện nay. Do đó thay đổi chế độ là liều thuốc duy nhất để giải quyết mọi vấn nạn của dân tộc hiện nay kể cả việc loại trừ tham nhũng.

Thời cơ hiện nay đang cho ĐCSVN một con đường thoát để chuộc lại tất cả lỗi lầm của mình. Nếu không biết nắm bắt cơ hội này thì hậu qủa sẽ không lường trước được! Máu sẽ đổ khi làn sóng ngầm phẫn uất và căm hận của nhân dân trỗi lên quét sạch chế độ khi thời cơ của dân tộc đã đến! Hãy noi gương Miến Điện, tiến hành việc dân chủ hóa đất nước một cách hài hòa, trả tự do cho tất cả các tù nhân chính trị, các bloggers, các nhà đấu tranh cho dân chủ và tự do, tiến hành bầu cử Quốc Hội Lập Hiến, thiết lập một chế độ Dân Chủ Pháp Trị, Tam Quyền Phân Lập để hội nhập vào cộng đồng nhân loại văn minh.

Dân tộc Việt Nam là một dân tộc hiếu hòa nhưng sự kiên nhẫn và chịu đựng của nhân dân có giới hạn, quý vị hãy mau thức tỉnh, trở về với con đường chính nghĩa trong lòng dân tộc để xây dựng một đất nước Việt Nam thực sự độc lập, tự do, công bằng, giàu mạnh và văn minh. Một xã hội chan hòa tình người và tôn trọng nhân phẫm là một mục tiêu khả thi với một nhà nước trong sạch, do dân và vì dân.

Lời cuối nói với Bộ Chính Trị ĐCSVN: “Sinh, Thành, Trụ, Hoại” là quy luật tự nhiên của vạn vật, quý vị rồi cũng sẽ phải từ giã cõi đời, hãy trả lại cái quyền tự quyết chính đáng về vận mệnh đất nước cho dân tộc Việt Nam trước khi quý vị ra đi!

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện