TS Lê Đăng Doanh cho rằng năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn


Hình minh họa.
Kinh tế Việt Nam năm 2013 còn kế thừa nhiều vấn đề của năm cũ

Một phân tích gia về kinh tế, xã hội của Việt Nam dự đoán kinh tế Việt Nam năm 2013 sẽ mang nhiều gam màu, được cho là có phần "trầm" thậm chí khá "u ám", trong bối cảnh kinh tế toàn cầu, kinh tế châu Âu, Hoa Kỳ và Trung Quốc chưa kịp lấy lại đà tăng trưởng.

Từ Hà Nội, Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: "Ở Việt Nam, năm 2013 kế thừa của năm 2012 quá nhiều vấn đề nan giải của nền kinh tế. Đó là nợ xấu của ngân hàng và tồn kho lớn của các doanh nghiệp."

"Đó là nợ chồng chất như núi của các tập đoàn và tổng công ty nhà nước. Đó là khu vực bất động sản bị đóng băng. Và điểm cuối cùng, nhưng vô cùng quan trọng, đó là khoảng 55 ngàn doanh nghiệp năm nay làm thủ tục phá sản, đóng cửa và xin ngừng nộp thuế."

'Cần quyết tâm lớn' 


"Một số vấn đề hiện nay chưa được xác định rõ. Thí dụ quy mô nợ xấu là bao nhiêu và nợ xấu là ở đâu? Bao nhiêu ở bất động sản, bao nhiêu ở bản thân ngân hàng và bao nhiêu ở doanh nghiệp nhà nước"

TS Lê Đăng Doanh

Đánh giá mặt tiến bộ của năm nay, Tiến sỹ Doanh nói: "Năm 2012 có một số tiến bộ, ví dụ lạm phát đã giảm, cho đến tháng 12, tốc độ tăng giá là tăng 6,81% so với tháng 12/2011. Và như vậy có một bước giảm đáng kể.

"Dự trữ ngoại tệ tăng, xuất khẩu cũng tăng cao, và đã có xuất siêu ở mức độ nhất định, và tỷ giá cũng giữ được ổn định."

Tuy nhiên theo chuyên gia này, Việt Nam trong năm tới vẫn cần có "quyết tâm lớn" để giải quyết khó khăn và cải cách. Ông nói:

"Nhưng những khó khăn mà kinh tế đang đối mặt đòi hỏi có một quyết tâm rất lớn để tái cấu trúc nền kinh tế, để cải cách và trong đó, một vấn đề rất lớn là cải cách bộ máy và hệ thống luật pháp để cho nền kinh tế có thêm năng lực cạnh tranh."

Khi được hỏi về những điểm sáng, điểm đột phá nào có thể sẽ xuất hiện trong năm mới đem lại hy vọng trong quá trình Việt Nam nỗ lực tìm kiếm sự cải thiện và tái ổn định nền kinh tế, xã hội, Tiến sỹ Doanh cho hay:

"Cho đến nay có một số các biểu hiện, thí dụ như do lạm phát giảm, lãi suất ngân hàng cũng giảm, và nếu có một bước xử lý nợ xấu, và có việc mua bán nợ, giải quyết nợ cho khu vực nhỏ và vừa, tôi nghĩ rằng tình hình đóng băng tín dụng với các doanh nghiệp tư nhân sẽ giảm bớt."

"Và tôi cũng hy vọng tình hình các doanh nghiệp tư nhân bị phá sản, hoặc phải ngừng hoạt động, sẽ giảm trong năm tới."

'Trị bệnh chính xác'



TS Lê Đăng Doanh


TS Lê Đăng Doanh cho rằng năm 2013 sẽ còn nhiều khó khăn


Phân tích gia cho hay cũng có các hy vọng theo đó Việt Nam sẽ "cố gắng để thu hút thêm đầu tư nước ngoài", cũng như có hy vọng Việt Nam có thể thực hiện việc "tái cấu trúc nền kinh tế."

Theo ông, trong đó các nội dung quan trọng là "tái cấu trúc đầu tư công, tái cấu trúc các tập đoàn và các tổng công ty nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng và hệ thống tín dụng ở Việt Nam."

Trong khi cho rằng đây là các vấn đề then chốt đang được đặt lên "bàn nghị sự" và được các giới tiếp tục theo dõi trong năm tới đây, kinh tế gia nhấn mạnh:

"Tôi cũng xin lưu ý là một số vấn đề hiện nay chưa được xác định rõ. Thí dụ là quy mô nợ xấu là bao nhiêu và nợ xấu là ở đâu?

"Bao nhiêu ở bất động sản, bao nhiêu ở bản thân ngân hàng và bao nhiêu ở chỗ doanh nghiệp nhà nước thì cũng chưa rõ."

Những điều này theo Tiến sỹ Doanh cần phải được nhà nước và chính phủ làm rõ hơn trong năm mới để có thể có "phương án trị bệnh" một cách "chính xác hơn."

Tiến sỹ Lê Đăng Doanh cũng nói thêm ông “chưa nghe tin” về việc liệu Trung ương Đảng cộng sản có tổ chức một Đại hội giữa kỳ trong năm mới hay không.

Tuy vậy, ông lưu ‎ ý Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã tiếp xúc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về tình hình 2013.

"Tôi chưa được biết về việc có Đại hội giữa nhiệm kỳ hay không, tôi chỉ được biết là ông Tổng bí thư có đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Và Bộ Kế hoạch và Đầu tư có báo cáo là sẽ khó thực hiện được chỉ tiêu, kế hoạch đã đề ra cho kế hoạch 5 năm 2010 đến 2015. Vì vậy cần có một báo cáo giữa nhiệm kỳ."

"Báo cáo đó sẽ được trình ra Hội nghị Trung ương hay một Hội nghị giữa nhiệm kỳ thì tôi chưa rõ," ông nói.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?