Tin khắp nơi – 29/08/2017

Tin khắp nơi – 29/08/2017

Bắc Hàn bắn tên lửa ngang qua Nhật Bản

Bắc Hàn đã bắn một tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản trước khi rơi xuống ngoài khơi Hokkaido phía bắc nước này.
Phía Nhật Bản không tìm cách bắn hạ tên lửa.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nói tên lửa này là một mối đe dọa “chưa từng có”.
Bắc Hàn đã bắn thử hàng loạt tên lửa trong thời gian gần đây nhưng hiếm khi phóng tên lửa bay qua Nhật Bản.
Hoa Kỳ và Nhật Bản đã yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc nhóm họp để có phản ứng.
Vào hôm 25- 26/8, Bắc Hàn đã bắn ba tên lửa tầm ngắn xuống bờ biển phía đông của nước này.
Khi tên lửa gần đây nhất bay tới Nhật Bản, tín hiệu cảnh báo được phát đi khắp miền bắc nước Nhật, nhưng đài NHK cho biết không có dấu hiệu thiệt hại nào.
Ông Abe nói vụ phóng tên lửa này là “một hành động thái quá” và “là mối đe doạ nghiêm trọng chưa từng có làm tổn hại đến hòa bình và an ninh khu vực”.
Ông nói chính phủ của ông đang làm hết sức để bảo vệ tính mạng của người dân.
Đường bay của tên lửa cho thấy sự leo thang của căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Quân đội Nam Hàn nói rằng tên lửa bay qua bầu trời qua Nhật Bản và rơi xuống Bắc Thái Bình Dương, bay xa hơn 2,700km ở độ cao tối đa khoảng 550km.
Theo truyền thông địa phương, tên lửa đã bay qua hòn đảo Hokkaido phía bắc trước khi vỡ thành ba mảnh và rơi xuống biển.

Nhật lên án vụ phóng tên lửa của Bắc Hàn

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã mạnh mẽ chỉ trích việc Bắc Hàn phóng một quả tên lửa đạn đạo qua hòn đảo Hokkaido ở miền bắc nước này sớm 29/8, khiến chính quyền phải cảnh báo người dân tìm nơi trú ẩn.
Theo Reuters, dưới thời kỳ lãnh đạo của lãnh tụ Kim Jong Un, Bắc Hàn đã thực hiện hàng chục vụ thử tên lửa bất chấp lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc, nhưng việc phóng hỏa tiễn qua lãnh thổ Nhật là chuyện hiếm.
“Hành động liều lĩnh của Bắc Hàn là một mối đe dọa nghiêm trọng, chưa từng có, đối với đất nước của chúng tôi”, ông Abe nói với các phóng viên.
Thủ tướng Nhật cho biết rằng ông đã điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 29/8, và cả hai đồng ý gia tăng áp lực lên Bắc Hàn.
Theo Reuters, ông Abe cho biết rằng Tổng thống Trump nói rằng Hoa Kỳ “sát cánh với Nhật Bản 100%”.
Trong khi đó, đại diện về giải trừ vũ khí của Mỹ nói rằng Washington cần phải “phân tích thêm” về vụ phóng, nhưng đó sẽ là chủ đề của cuộc gặp của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cuối ngày 29/8.
Phát biểu tại hội nghị về giải trừ vũ khí do Liên Hiệp Quốc bảo trợ ở Geneva, đại sứ Bắc Hàn Han Tae Song nói rằng Hoa Kỳ đã đẩy bán đảo Triều Tiên “tới mức độ bùng nổ nghiêm trọng” bằng việc triển khai khí tài chiến lược và tiến hành các cuộc diễn tập chiến tranh hạt nhân.
Quân đội Hàn Quốc nói rằng quả tên lửa được phóng đi từ vị trí gần thủ đô Bình Nhưỡng khoảng 6 giờ sáng 29/8, bay khoảng 2.700km và đạt độ cao khoảng 500km, theo Reuters.

Quốc tế lên án Bắc Triều Tiên bắn tên lửa qua Nhật Bản

Quốc tế đã có phản ứng rất mạnh về vụ Bắc Triều Tiên bắn tên lửa ngang qua không phận Nhật Bản. Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc họp khẩn cấp về vấn đề này.
Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bình Nhưỡng, ngày 29/08/2017, cho rằng cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên kể từ nay « rẽ sang một bước ngoặt mới » và kêu gọi các bên kềm chế. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh một lần nữa kêu gọi nối lại hòa đàm, vì cho rằng « áp lực và các biện pháp trừng phạt » đối với Bình Nhưỡng « không thể giải quyết vấn đề một cách căn bản ».
Còn nước Nga, qua lời thứ trưởng Ngoại Giao Serguei Riabkov cho biết « rất quan ngại » về vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, lên án « xu hướng leo thang căng thẳng ».
Về phản ứng của Mỹ, tổng thống Donald Trump vừa tuyên bố rằng « mọi phương án đang được đặt trên bàn ». Tổng thống Trump trước đó đã từng dọa có hành động quân sự chống Bắc Triều Tiên. Theo lời thủ tướng Nhật Shinzo Abe, trong cuộc điện đàm với tổng thống Mỹ Donald Trump, lãnh đạo hai nước đồng ý với nhau là cần phải « gia tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên ».  Theo yêu cầu của thủ tướng Nhật Bản và tổng thống Hoa Kỳ, Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc chiều nay sẽ họp khẩn cấp.
Vào ngày 05/08 vừa qua, sau một tháng thương lượng gay go giữa Washington và Bắc Kinh, Hội Đồng Bảo An đã nhất trí thông qua một loạt biện pháp trừng phạt mới rất nặng nề đối với Bình Nhưỡng, nhằm trừng phạt việc Bình Nhưỡng trong tháng 7 đã bắn các tên lửa đạn đạo tầm xa, có thể bắn tới lãnh thổ Hoa Kỳ.
Theo các nguồn tin ngoại giao, Hội Đồng Bảo An còn trong tay nhiều biện pháp trừng phạt mới có thể được ban hành đối với Bình Nhưỡng, chẳng hạn như những biện pháp nhắm vào lĩnh vực dầu khí của Bắc Triều Tiên.
Về phần Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo ngoại giao của khối này, bà Federica Mogherini, đã cực lực lên án vụ bắn tên lửa của Bắc Triều Tiên, yêu cầu Bình Nhưỡng không nên có những hành động khiêu khích mới.
Bất chấp phản đối của quốc tế, đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hiệp Quốc hôm nay khẳng định rằng nước ông có « quyền tự vệ » trước những « thái độ thù địch » của Hoa Kỳ, đặc biệt qua cuộc tập trận chung thường niên Mỹ-Hàn hiện đang diễn ra.

TT Trump:

Mọi phương án đều chờ sẵn sau vụ Bắc Hàn phóng tên lửa

Tổng thống Donald Trump nói rằng “mọi phương án đều mở ngỏ” tiếp theo sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Bắc Hàn hôm thứ Ba 29/8.
Trong một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Trump nói: “Bắc Triều Tiên tỏ ý coi thường các nước láng giềng, coi thường mọi thành viên Liên hiệp quốc. Những hành động đe dọa và gây bất ổn chỉ khiến cho chế độ Bắc Hàn càng trở nên cô lập hơn nữa trong khu vực và trên thế giới. Mọi phương án đều sẵn sàng.”
Trả lời câu hỏi của phóng viên đài VOA sáng thứ Ba về việc tổng thống cụ thể sẽ làm gì để đáp lại những hành động của Bắc Triều Tiên, ông Trump nói “Rồi chúng ta sẽ thấy, rồi chúng ta sẽ thấy,” nhưng ông không cho biết chi tiết cụ thể trước khi ông bước lên máy bay trực thăng Marine One ở sân cỏ phía nam Tòa Bạch Ốc.
Tên lửa Bắc Hàn bắn sáng sớm thứ Ba 28/8 đã bay ngang qua vùng trời của Nhật Bản.
Tổng thống Trump đã điện đàm với Thủ tướng Shinzo Abe sau vụ phóng tên lửa, và hai nhà lãnh đạo đồng ý rằng Bắc Triều Tiên đề ra “một mối đe dọa trực tiếp và hết sức nghiêm trọng” cho cả hai nước.
Một thông báo của Tòa Bạch Ốc nói: “Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe cam kết tăng áp lực lên Bắc Triều Tiên, và sẽ nỗ lực kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng làm theo như vậy.”
Chính phủ Nhật Bản cho hay tên lửa sau khi phóng đã bay ngang qua không phận của Nhật trong 10 phút, tách tra thành ba phần, rơi xuống Thái Bình Dương tại khu vực phía đông của đảo chính Hokhaido ở miền bắc nước Nhật.

Bão Harvey: Đập chứa Addicks bắt đầu tràn nước

Một đập nước quan trọng bên ngoài Houston bắt đầu bị tràn bờ do Bão Harvey khiến hồ chứa quá tải, một quan chức Texas nói.
Các kỹ sư đã nỗ lực ngăn chặn nguy cơ gây ngập nước cho các cộng đồng dân cư sống gần đó bằng cách nâng lượng nước có thể chứa được trong đập Addicks.
Tuy nhiên, viên chức theo dõi tình hình lụt lội Jeff Lindner nói rằng mực nước nay đã ở mức cao hơn công suất hồ chứa.
“Khoảng 20 khu dân cư xung quanh đập được lệnh phải di tản bắt buộc trước 11 giờ đêm qua, giờ địa phương,” ông Thọ Nguyễn, cư dân Houston nói với BBC Tiếng Việt.
Tại thành phố, bão gây ngập lụt nhiều nơi, trong đó có các khu vực tập trung đông người gốc Việt.
“Tình hình cư dân người Mỹ gốc Việt ở thành phố Houston, theo tôi biết thì khu vực bị ảnh hưởng nặng nhất là khu vực phía nam thành phố, ở Đường 45 và chỗ khu chợ Hong Kong 2 – có những chỗ nước ngập hết xe,” ông Thọ Nguyễn nói.
“Những người ở đó đã được lệnh di tản, nhưng một số bạn bè gốc Việt của tôi quyết định ở lại, không đi,” ông cho biết thêm.
Bão Harvey gây ngập lụt nghiêm trọng cho Texas và đang bắt đầu ảnh hưởng tới Louisiana.
Mưa lớn chưa từng thấy đổ xuống, khiến hàng ngàn người phải bỏ chạy khỏi nhà cửa. Tin tức nói ít nhất chín người thiệt mạng tại vùng Houston.
Việc nước tràn bờ có thể khiến đập Addicks ‘thất thủ’, và việc này sẽ khiến nước dồn thêm xuống Bufalo Bayou, con sông chính chảy vào thành phố lớn thứ tư nước Mỹ.
Tổng thống Donald Trump hiện đang trên đường tới Texas để tận mắt thị sát cảnh tàn phá do bão Harvey gây ra.

Tương lai chính trị Thái Lan sẽ đi về đâu?

Trong một diễn biến bất ngờ vào thứ Sáu tuần trước, cựu Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra bí mật rời khỏi đất nước vào lúc bà đáng lẽ phải ra tòa về các cáo buộc hình sự. Phán quyết đã được hoãn lại cho đến ngày 27/09.
Jonathan Head, phóng viên BBC tại Bangkok, trả lời một số câu hỏi chính về những gì đang diễn ra ở đất nước này.
Tại sao bà Yingluck phải ra tòa?
Cựu Thủ tướng bị buộc tội sao nhãng bổn phận dẫn đến thâm hụt ngân sách và tham nhũng trong chương trình trợ giá gạo khi bà là người điều hành chính phủ.
Nếu bị tòa tuyên có tội, bà sẽ phải chịu án 10 năm tù.
Chính phủ của bà Yingluck bị quân đội lật đổ vào năm 2014, và sau một năm bà đã bị luận tội về vai trò của của mình trong chương trình trợ giá gạo.
Bà Yingluck khẳng định vụ xét xử có động cơ chính trị.
Bà Yingluck được bầu làm thủ tướng vào năm 2011 và là em gái của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra, người cũng đã bị quân đội lật đổ bằng đảo chính vào năm 2006.
Giống như anh trai mình, người vẫn duy trì ảnh hưởng lớn với Đảng Pheu Thai, bà Yingluck đã triển khai chính sách giành được sự ủng hộ mạnh mẽ từ dân ở vùng nông thôn phía bắc và đông bắc Thái Lan. Một trong những chính sách đó là đưa ra kế hoạch mua lúa gạo của nông dân với mức giá cao. Chính phủ quân đội nói rằng chính sách này làm thâm hụt ngân sách nhà nước 8 tỷ đô la và có dấu hiệu tham nhũng.
Phóng viên của BBC nói rằng không thể phủ nhận vụ xét xử có hơi hướng chính trị: “Quân đội đã lật đổ chính phủ của bà trong cuộc đảo chính và vì chính quyền hiện tại khó có thể được cho là bất thiên vị và luôn có nghi vấn rằng nhánh tư pháp có thể bị chi phối.
“Không có gì ngạc nhiên khi bà Yingluck và những người ủng hộ bà nói rằng toàn bộ quá trình đưa bà ra xét xử có động cơ chính trị.”
Việc bà lẩn trốn ra nước ngoài có được chính phủ giúp hay không?
Bà Yingluck dự kiến ra hầu tòa vào thứ Sáu 25/08 và việc bà biến mất đột ngột đã gây sững sờ cho những người ủng hộ và ngay cả một số thành viên trong gia đình. Trong nhiều tháng, bà đã kiên định, không chịu rời khỏi đất nước, cho dù người ta tin rằng bà đã được âm thầm khuyến khích là nên ra đi.
Nhưng phóng viên Jonathan Head cho rằng việc bà ra đi “sẽ được hoan nghênh nhiều trong hàng ngũ chóp bu, bất kể có sự thông đồng thực sự hay không”.
“Nhìn vào cách bà Yingluck ra khỏi đất nước một cách nhanh lẹ và vào phút chót, để chạy trốn đến Dubai, thì hiển nhiên là phải có sự hậu thuẫn từ cấp cao”.
Chính phủ Thái Lan phủ nhận bất kỳ sự thông đồng nào nhưng nhiều người ở tất cả các phe phái chính trị ở Thái Lan nói rằng thật khó tưởng tượng rằng bà ấy có thể ra đi mà không ai biết.
Tại sao chính phủ lại cho phép bà rời Thái Lan?
Trước phiên tòa, chính phủ quân đội đã phải đối mặt với tình thế khó xử: Bất kể phán quyết là thế nào, nó có thể đã gây ra một phản ứng tức giận từ cả hai phía. Nếu bà được tha bổng, những người phản đối bà, với lập trường cứng rắn, sẽ rất phẫn nộ. Nếu bà bị kết án tù, những người ủng hộ bà sẽ tức giận tương tự như thế.
Do đó, nhiều người nghĩ việc bà trốn chạy là lựa chọn tốt nhất cho chính phủ và giảm khả năng có phản ứng giận dữ.
Jonathan Head nói: “Tất cả sự việc này xảy ra ở một thời điểm rất nhạy cảm đối với đất nước.
“Việc hỏa táng Vua Bhumibol Adulyadej được dự kiến diễn ra vào tháng Mười, và chính phủ muốn ổn định, đây là một khoảnh khắc có tính biểu tượng rất quan trọng và có ý nghĩa to lớn đối với chế độ quân chủ. Nhà chức trách không muốn có rắc rối.”
Phản ứng của những người ủng hộ bà là gì?
Những ủng hộ viên của bà đã có một cú sốc khi phát hiện là bà đã rời khỏi đất nước.
Đảng Pheu Thái Lan của bà dành chiến thắng trong các cuộc bầu cử từ năm 2001 nhưng hiện nay đang phải đối mặt với một vấn đề: Không có ai khác trong gia đình Shinawatra có thể gánh vác vai trò lãnh đạo mà bà và trước đó là anh trai bà, ông Thaksin, đã đảm nhận.
Tuy nhiên, với thế mạnh về số đông thì đảng này gần như chắc chắn sẽ vẫn là lực lượng chính trị lớn nhất tại Thái Lan.
Điều gì sẽ xảy ra với nền dân chủ Thái Lan tới đây?
Không có đảng nào khác có thể thay thế đảng Pheu Thai, phóng viên Jonathan Head nói.
Đảng này đang nắm giữ phần lớn sự ủng hộ tại phía bắc và đông bắc, chiếm khoảng 40% cử tri Thái Lan. Tuy nhiên, những bất lợi đang xảy ra với Pheu Thai có thể làm giảm đáng kể khả năng thành lập chính phủ.
Hiến pháp mới, được ký bởi tân vương Thái Lan vào tháng Tư năm nay làm giảm quyền lực của các đảng được bầu. Với hệ thống bầu cử mới, sẽ rất khó cho đảng Pheu Thai để giành được đa số tuyệt đối như họ đã làm được trong quá khứ.
Vì vậy sự thống trị trước đây của Pheu Thai sẽ được thay thế bằng một bức tranh chính trị đa dạng hơn, với quân đội và giới chóp bu thân hoàng gia bấy lâu nay sẽ có ảnh hưởng lớn hơn.
Một phán quyết có tội sẽ dẫn tới những bất ổn và biểu tình?
Rất có ít khả năng bà sẽ được tha bổng. Bằng việc bỏ trốn, bà đã tự khiến mình có tội.
Nhưng thực tế việc bà Yingluck trốn khỏi Thái Lan đã tước đi biểu tượng mà những người ủng hộ của bà.
“Thái Lan đã bị chia cắt và phân cực trong 12 năm qua”, Jonathan Head nói. “Giới quân đội và phe bảo thủ đã không thể xóa sổ được gia đình Shinawatra và gia đình này đã không thể giành lại vị thế thống trị mà họ từng có.
“Giả định chung là không có một bên nào phải bị triệt tiêu, hoặc phải có một sự mặc cả lớn nào đó. Kịch bản sau dường như không khả thi ở thời điểm này, nhưng đồng thời cũng không rõ nếu tình hình này đánh dấu sự kết thúc sức ảnh hưởng của gia đình Shinawatra.”

Úc đề nghị huấn luyện quân Phi để chống IS

Australia đề xuất sẽ hỗ trợ, huấn luyện binh sĩ Philippine trong cuộc chiến chống phiến quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo (IS). Số này đang tiến hành hoạt động bị cho là khủng bố và là mối đe doạ ‘cần phải quan tâm sâu sắc’
AFP trích lời Ngoại trưởng Australuia, Julie Bishop, rằng bà đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Philippine Rodrigo Duterte, người muốn tăng cường nguồn lực cho lực lượng vũ trang của quốc gia.
Theo lời bà Julie Bishop, Úc sẵn sàng ủng hộ Philippines theo cách giống như đang hỗ trợ cho Iraq trong việc tư vấn, trợ giúp và đào tạo. Nước Úc đã chỉ ra những gì họ đang làm ở Iraq. Theo lời bà Ngoại trưởng thì đó không chỉ bao gồm quân đội trên mặt đất, mà còn là tư vấn và trợ giúp”.
Theo AFP, Australia là một phần của liên minh chống IS ở Iraq và Syria với 780 quân nhân ở khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, Australia cũng đang có chương trình hợp tác quốc phòng với Philippines, theo đó, triển khai hai máy bay kỹ thuật cao AP-3C Orion để giúp quân đội nước này thực hiện nhiệm vụ trinh sát.

Trung Quốc tuần tra biên giới sau đợt đối đầu với Ấn Độ

Trung Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục tuần tra khu vực biên giới với Ấn Độ, ở cao nguyên Doklam, một ngày sau khi lên tiếng hài lòng về việc Ấn Độ đồng ý rút quân khỏi vùng tranh chấp vào hôm 28 tháng 8.
Hãng thông tấn AFP loan tin vào ngày 29 tháng 8, dẫn lời của Phát ngôn nhân Bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Óanh rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng quân và kiểm soát vùng lãnh thổ của Hoa Lục tại Doklam. Tuy nhiên bà Hoa Xuân Ánh không nói đến kế hoạch xây dựng con đường trên cao nguyên Doklam.
Tình trạng đối đầu mới nhất giữa quân đội hai phía Ấn Độ và Trung Quốc bắt đầu từ giữa tháng sáu năm nay, sau khi binh sĩ Trung Quốc tiến hành xây dựng một con đường trên cao nguyên Doklam mà Bhutan cho là xâm phạm lãnh thổ của họ. Và Ấn Độ can thiệp với vai trò đồng minh của Bhutan.
Vào hôm 28 tháng 8, Ấn Độ tuyên bố rằng Bắc Kinh và New Delhi đã đồng ý thỏa thuận rút quân tại khu vực biên giới và thỏa thuận này được đưa ra chỉ ít ngày trước khi thủ tướng Narendra Modi dự kiến sẽ sang Trung Quốc dự thượng đỉnh nhóm các nước BRICS gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.

Iran bác yêu cầu của Hoa Kỳ về căn cứ quân sự

Iran đã bác bỏ một đề nghị của Mỹ, yêu cầu cho các thanh sát viên hạt nhân Liên Hiệp Quốc tới thăm các căn cứ quân sự của nước này.
Reuters hôm 29/8 dẫn lời chính quyền Tehran gọi yêu cầu trên là một sự “mơ mộng”, trong khi Hoa Kỳ xem xét một thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015 giữa Tehran và 6 cường quốc, trong đó có Mỹ.
Tổng thống Donald Trump từng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân đạt được ký dưới thời kỳ nắm quyền của người tiền nhiệm Barack Obama là “tồi tệ nhất từ trước tới nay”.
Hồi tháng Tư, ông Trump đã lệnh đánh giá lại xem việc ngưng các biện pháp trừng phạt hạt nhân đối với Iran có thuộc quyền lợi của Mỹ hay không.
Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, bà Nikki Haley, tuần trước thúc ép Cơ quan Nguyên tử Năng Quốc tế (IAEA) tìm cách tiếp cận các căn cứ quân sự của Iran nhằm chắc chắn rằng Tehran không che giấu các hoạt động bị cấm theo thỏa thuận trên.
Phát ngôn viên của chính phủ Iran được Reuters trích lời nói rằng “các căn cứ quân sự của Iran là nơi bất khả xâm phạm” và “mọi thông tin về các địa điểm này là điều bí mật”.
“Iran sẽ không bao giờ cho phép tiến hành các chuyến thăm như vậy. Đừng quan tâm tới các phát biểu mơ mộng”, ông Mohammad Baqer Nobakht nói.
Theo luật Mỹ, Bộ Ngoại giao phải thông báo cho quốc hội nước này về sự tuân thủ của Iran đối với thỏa thuận hạt nhân 90 ngày một lần.

Mỹ, Úc hỗ trợ lực lượng gìn giữ hòa bình quốc tế của Việt Nam

Mỹ hỗ trợ hơn 10 triệu đôla cho Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình Liên hiệp quốc, còn Australia sẽ dùng Không quân Hoàng gia giúp đưa lực lượng gìn giữ hòa bình của Việt Nam sang triển khai tại Nam Sudan.
Chính phủ Hoa Kỳ vừa trao tặng cho Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam một giảng đường và trang thiết bị phục vụ cho kế hoạch của Việt Nam tham gia nỗ lực gìn giữ hòa bình quốc tế của LHQ.
Sáng ngày 28/8, tại Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam ở xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Ted Osius và Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh – Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, cùng dự lễ bàn giao và khánh thành tòa nhà giảng đường S5 và trang thiết bị do Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.
Truyền thông Việt Nam đưa tin Tòa giảng đường S5 với 15 phòng học có sức chứa khoảng 600 học viên, được trang bị hiện đại phục vụ cho công tác huấn luyện – đào tạo lực lượng quân y và công binh tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Tòa nhà được xây dựng từ năm 2016 với chi phí và thiết bị kỹ thuật trị giá 7,43 triệu đôla do Chương trình Sáng kiến Hòa bình Toàn cầu (GPOI) của Tư lệnh Thái Bình Dương Hoa Kỳ tài trợ và do Cơ quan Công trình Cơ sở Hải quân Hoa Kỳ quản lý.
Theo tin của Tòa Đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội, Đại sứ Hoa Kỳ Ted Osius phát biểu tại lễ bàn giao rằng dự án này do Bộ Tư lệnh Công binh Hải quân Hoa Kỳ triển khai, đồng thời “khẳng định Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế luôn hết lòng ủng hộ Việt Nam và sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam tăng cường năng lực gìn giữ hòa bình.”
Đại sứ Oisus nêu rõ: “Tòa nhà này không chỉ là biểu tượng về sức mạnh của mối quan hệ đối tác Hoa Kỳ Việt Nam mà còn là biểu tượng của những đóng góp của Việt Nam cho hòa bình và ổn định quốc tế.”
Cũng theo tin của Tòa Đại sứ Mỹ, Hoa Kỳ còn viện trợ bộ trang thiết bị phục vụ triển khai bệnh viện dã chiến cấp 2 cho Việt Nam trị giá 2,47 triệu đôla, đưa tổng mức hỗ trợ cho Việt Nam tham gia Gìn giữ Hòa bình LHQ lên hơn 10 triệu đôla.
Theo báo The Australian, nhân chuyến thăm Việt Nam ngày 24-8 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Australia Marise Payne đã đồng ý điều động Không quân Hoàng gia Australia (RAAF) giúp triển khai một nhóm binh sĩ gìn giữ hòa bình Việt Nam đến Nam Sudan và cung cấp thêm một số quân bị cho họ.
Tờ báo của Australia còn cho biết các chuyên gia huấn luyện của Australia tại Việt Nam đang giúp đỡ trong công tác chuẩn bị, trong đó bao gồm việc dạy tiếng Anh cho các quân nhân sắp lên đường làm nhiệm vụ, đảm bảo ngoại ngữ của họ đạt chuẩn theo yêu cầu của LHQ đối với các chiến dịch lớn.
Cũng theo tờ báo này, RAAF có thể dùng máy bay vận tải C-17 để chở các binh sĩ Việt Nam đến châu Phi. Hoạt động này sẽ diễn ra ngay sau khi các thành viên Việt Nam hoàn thành khóa học tiếng Anh.
Theo VOV, Trung tâm Gìn giữ Hòa bình Việt Nam và Bệnh viện Quân 175 ở thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai đợt huấn luyện thực hành tổng thể trên các thiết bị được viện trợ này trong tháng 9 năm nay. Đây cũng là bộ trang bị được bệnh viện dã chiến cấp 2 đầu tiên của Việt Nam đưa sang Bentiu, Nam Sudan để tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình, dự kiến vào quý II/2018.
Trung tâm Gìn giữ hòa bình Việt Nam vào đầu tháng này cùng với Bộ Quốc phòng Việt Nam và các chuyên gia Hoa Kỳ và Vương quốc Anh, tổ chức thành công hoạt động Trao đổi chuyên môn lập kế hoạch lần cuối cho huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện Dã chiến cấp 2.1 tại Hà Nội.
Dự kiến vào tháng 9, Trung tâm sẽ cũng sẽ tiến hành khóa huấn luyện thực hành trên bộ trang bị Bệnh viện Dã chiến 2.1 tại Bệnh viện Quân 175 Thành phố Hồ Chí Minh nhằm đánh giá tổng thể khả năng xử lý các tình huống y tế và sử dụng các trang bị của Bệnh viện, phục vụ đánh giá tiền triển khai của LHQ và sẵn sàng triển khai đến Phái bộ Gìn giữ Hòa bình LHQ tại Nam Sudan.
Năm 2015, Hoa Kỳ và Việt Nam ký kết Biên bản Ghi nhớ Gìn giữ Hòa bình, tăng cường hợp tác đào tạo, trợ giúp kỹ thuật, trang thiết bị và hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho nỗ lực gìn giữ Hòa bình của LHQ.

Dự án Tháp Trump tại Nga ra đời trong lúc Trump tranh cử?

Công ty của Tổng thống Donald Trump đã theo đuổi một thỏa thuận về bất động sản ở Moscow trong khi ông vận động tranh cử Tổng thống vào cuối năm 2015, đầu năm 2016, Reuters dẫn tin từ Washington Post hôm 27/8.
Tin của báo Washington Post đề cập đến những người thông thạo với đề nghị này và hồ sơ của những luật sư Tổ chức Trump.
Tờ báo nói những nhà đầu tư và công ty ông Trump đã ký một ý định thư xây dựng một Trump Tower tại Moscow nhưng dự án này, thiếu đất và giấy phép, đã bị hủy bỏ vào cuối tháng 1/2016, chỉ trước khi các cuộc bầu cử sơ bộ Tổng thống bắt đầu, theo như một vài người quen thuộc với đề nghị cho biết.
Lúc đầu Tòa Bạch Ốc đưa yêu cầu của Reuters cho cố vấn đặc biệt Tòa Bạch Ốc Ty Cobbs và sau đó là Tổ chức Trump. Cả hai nơi không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Tin của Washington Post được đưa ra giữa lúc có cuộc điều tra của công tố viên đặc biệt và những ủy ban Quốc hội về việc liệu các phụ tá trong cuộc vận động tranh cử của ông Trump có thông đồng với Moscow để ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016 hay không. Cả ông Trump lẫn chính phủ Nga đều bác bỏ việc thông đồng.
Vào tháng 7 năm 2016, ông Trump phủ nhận có bất cứ giao dịch nào với Nga và viết trên Twitter: “Tôi không có bất cứ đầu tư nào tại Nga.” Ông nói trong một cuộc họp báo ngày kế tiếp: “Tôi không có làm gì với Nga cả.”
Thảo luận về dự án Moscow bắt đầu vào đầu tháng 9, báo Washington Post cho biết, nêu lên nguồn tin của những người được thuyết trình về thỏa thuận này. Một nhà đầu tư vô danh có kế hoạch xây dự án dưới một thỏa thuận được cấp phép, nhưng tên của ông Trump có trong dự án này. Tuy nhiên hiện không rõ ông Trump liên hệ như thế nào và ông Trump có biết việc thương thuyết của công ty ông hay không, báo Washington Post cho biết.
Trước khi dự án được hủy bỏ, một nhà phát triển bất động sản Nga đã thúc đẩy ông Trump đi thăm Moscow để quảng bá đề nghị xây Tháp Trump và nói rằng ông có thể thuyết phục Tổng thống Nga Vladimir Putin nói tốt cho ông Trump, theo bài báo dẫn nguồn tin từ những người được thuyết trình về vấn đề này.
Ông Trump đắc cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 năm 2016, chưa bao giờ đến Moscow, báo Washington Post nói.
Chi tiết về thỏa thuận được đề nghị được lưu trữ trong những email đã được chuyển cho các nhà điều tra quốc hội sau đó, tin cho biết.

Chưa cần xuất dầu khẩn cấp vì bão Harvey

Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ngày 28/8 cho biết chưa cần phải xuất kho khẩn cấp để bù đắp cho việc gián đoạn mức sản xuất do bão Harvey gây ra vì thị trường dầu trên toàn thế giới được cung cấp đủ.
Một vài nhà máy lọc dầu tại bang Texas của Mỹ đã ngưng hoạt động vì bão khiến cho việc sản xuất dầu bị ngưng lại và giá dầu tăng cao. Việc ngưng sản xuất này ảnh hưởng đến việc cung cấp xăng dầu quốc tế cũng như nội địa vì Hoa Kỳ xuất khẩu từ vùng này.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế nói đang theo dõi chặt chẽ trận bão và sẵn sàng đáp ứng nếu có những gián đoạn trầm trọng trong việc cung cấp xăng dầu qua hệ thống đáp ứng khẩn cấp của IEA.
Cơ quan liên chính phủ này có trụ sở tại Paris điều phối việc xuất xăng dầu khẩn cấp trong trường hợp thiên tai hay chiến tranh làm gián đoạn nguồn cung cấp năng lượng toàn cầu.

Mexico hướng sang Trung Quốc, tìm cách thoát Mỹ

Ông Enrique Pena Nieto dự kiến sẽ gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và tham dự Hội nghị các quốc gia BRICS bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi vào ngày 4 và 5 tháng 9, theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico.
Chuyến thăm của ông Pena Nieto diễn ra vào thời điểm Hoa Kỳ, Mexico và Canada sẽ họp từ ngày 1 đến ngày 5 tháng 9 tới đây tại Mexico City để tiếp tục các vòng đàm phán điều chỉnh lại NAFTA vốn đã được hình thành từ 23 năm nay.
Mexico đang cố gắng gia tăng thương mại với các nước Châu Mỹ Latin và Châu Á. Ngày 28/8, Mexico cũng tham gia cuộc họp kéo dài 3 ngày tại Úc nhằm vực dậy Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương vốn bị đình trệ kể từ khi Hoa kỳ rút lui đầu năm nay.
Hôm qua, Tổng thống Donald Trump nhắc lại đe dọa hủy bỏ NAFTA, Hiệp định ông coi là cướp mất công ăn việc làm của dân Mỹ, làm tăng thâm thủng mậu dịch Hoa Kỳ và ông chỉ trích mạnh mẽ đối tác thương mại Canada và Mexico.
Tổng thống Mexico dự kiến tham dự một cuộc đối thoại về các thị trường mới nổi và một buổi hội thảo thương mại của BRICS, “nơi hơn 800 lãnh đạo doanh nghiệp dự kiến sẽ thảo luận về những cơ hội đầu tư, thương mại, kết nối, hợp tác tài chính, phát triển, kinh doanh bền vững và sử dụng bền vững các nguồn lực hàng hải” Thông báo của Bộ Ngoại giao Mexico cho biết.
Vào ngày 6/9, Tổng thống Pena Nieto sẽ có cuộc gặp với Alibaba, tập đoàn thương mại điện tử số 1 của Trung Quốc và cũng là một trong những tập đoàn có giá trị lớn nhất của Châu Á hiện nay.
Chính quyền Mexico đang tìm cách đưa những sản phẩm và dịch vụ Mexico, đặc biệt là của những doanh nghiệp nhỏ và vừa, lên trang thương mại điện tử của Alibaba.

Trung Quốc phản đối Mỹ chế tài Venezuela

Trung Quốc, đồng minh thân cận của Venezuela, ngày 28/8 tuyên bố lịch sử cho thấy sự can thiệp của bên ngoài và những chế tài đơn phương chỉ làm cho vấn đề thêm phức tạp và sẽ không giúp giải quyết vấn đề, sau khi Hoa Kỳ áp đặt những chế tài mới đối với Venezuela.
Tổng thống Donald Trump ký một sắc lệnh cấm cho vay nợ mới đối với chính phủ Venezuela hay công ty dầu quốc doanh của nước này vào ngày 25/8 trong một nỗ lực nhằm ngưng tài trợ điều mà Tòa Bạch Ốc nói là tiếp sức cho “chế độ độc tài” của Tổng thống Nicolas Maduro.
Ông Maduro thường xuyên đổ lỗi cho Hoa Kỳ gây ra “chiến tranh kinh tế” đối với Venezuela. Ông Maduro tố cáo Hoa Kỳ tìm cách buộc Venezuela vỡ nợ, nhưng cho rằng việc này sẽ bất thành.
Được hỏi về biện pháp mới của Hoa Kỳ, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói lập trường không thay đổi của Trung Quốc là tôn trọng chủ quyền và độc lập của các nước khác và không can thiệp vào nội bộ những nước này.
“Vấn đề hiện nay tại Venezuela phải được giải quyết bởi chính phủ và người dân Venezuela,” bà Hoa nói trong một cuộc họp báo thường ngày.
“Kinh nghiệm của lịch sử cho thấy là những can thiệp bên ngoài và những chế tài đơn phương sẽ làm cho tình hình thêm phức tạp hơn và sẽ không giải quyết được vấn đề hiện hữu,” bà Hoa nói thêm.
Trung Quốc và nước giàu dầu mỏ Venezuela có những quan hệ ngoại giao và thương mại chặt chẽ, đặc biệt trong lãnh vực năng lượng.
Trung Quốc tháng này bày tỏ tin tưởng rằng cuộc bỏ phiếu bầu Quốc hội Lập hiến của Venezuela được tiến hành êm đẹp, bác cáo buộc của Hoa Kỳ, Châu Âu và các nước khác cũng như phủ nhận những chứng cứ về các bất hợp lệ trong cuộc bầu cử.

Trump hy vọng

chính phủ Mỹ không đóng cửa vì tường biên giới

Tổng thống Donald Trump ngày 28/8 bày tỏ hy vọng rằng không cần thiết phải đóng cửa chính phủ vì yêu cầu của ông muốn Quốc hội thông qua ngân quỹ để xây dựng bức tường biên giới phía nam với Mexico.
Tại cuộc họp báo với Tổng thống Phần Lan, Sauli Niinisto, Tổng thống Trump cũng tuyên bố rằng Mexico có thể sẽ phải trả lại chi phí cho bức tường này. Mexico lâu nay dứt khoát tuyên bố sẽ không trả bất kỳ khoản tiền nào cho việc xây dựng này.
“Bằng cách này hay cách khác, Mexico sẽ phải trả tiền xây tường biên giới,” Tổng thống Trump nhấn mạnh.
Tổng thống Trump còn thông báo có thể sẽ phải chấm dứt Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ để tìm lại điều mà ông cho là thương mại công bằng với hai đối tác kinh tế là Canada và Mexico.
“Tôi nghĩ rằng ít nhất sẽ phải khởi động tiến trình chấm dứt [Hiệp định] trước khi có thể đạt được một thỏa thuận công bằng,” Tổng thống Trump nói.

Thêm đơn kiện Tổng thống Trump

Binh sĩ, thủy thủ, lính không quân và những quân nhân chuyển đổi giới tính cùng với những người khác muốn nhập ngũ, ngày 28/8 đã đệ đơn kiện Tổng thống Donald Trump, hy vọng Tòa án liên bang sẽ ngăn cản lệnh cấm người chuyển giới phục vụ trong quân đội.
Một đơn kiện liên bang được Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ ở Maryland (ACLU) đệ trình Tòa án liên bang tại Baltimore nhân danh 6 người chuyển đổi giới tính hiện phục vụ trong Lục quân, Hải quân, Không quân, Vệ binh Quốc gia và Lực lượng Trừ bị Hải quân.
Một đơn kiện khác do Lambda Legal đệ nạp tại Seatle cùng với Human Rights Campaign và Gender Justice League nhân danh một cựu chiến binh có 12 năm trong quân ngũ và hai thanh niên chuyển giới muốn nhập ngũ.
“Hành động của Tổng thống Trump ngay lập tức làm cho các nguyên đơn và những thành viên chuyển giới khác trong quân đội lo ngại về nghề nghiệp của họ, phúc lợi của những thân nhân trong gia đình và những người phụ thuộc, việc chăm sóc sức khỏe, và trong một số trường hợp, về cả sự an toàn của họ,” đơn kiện của ACLU nêu rõ.
Ông Trump ngày 25/8 chỉ thị cho Ngũ Giác Đài thi hành lệnh cấm các cá nhân chuyển đổi giới tính không được nhập ngũ, không được tiếp tục phục vụ trong quân đội.
Lệnh cấm có hiệu lực vào năm tới, cũng ra lệnh cho Bộ Quốc phòng ngưng sử dụng nguồn lực của Bộ để tài trợ cho phẫu thuật chuyển đổi giới tính đối với nhân viên quân sự, trừ phi việc này cần thiết để bảo vệ sức khỏe của các cá nhân đã bắt đầu chuyển đổi giới tính.
“Quân đội của chúng ta phải chú trọng đến chiến thắng quyết định và toàn diện và không thể chịu gánh nặng chi phí lớn lao và gián đoạn do chuyển đổi giới tính trong quân đội gây ra, ông Trump viết trên Twitter .
Các nguyên đơn ACLU cho rằng họ đang đối mặt với những rủi ro tức thì và không thể đảo ngược được. Họ yêu cầu Tòa án tuyên bố lệnh cấm là vô giá trị và vi phạm quyền hiến định được đối xử bình đẳng và theo đúng thủ tục pháp lý.
Các giới chức Tòa Bạch Ốc ngày 28/8 từ chối bình luận về vụ kiện.

Đàm phán TPP không có Mỹ khai mạc tại Sydney

Đại diện của 11 nước còn lại trong Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP, hôm thứ Hai 28/8 đã khởi sự vòng đàm phán 3 ngày tại Sydney, Australia, nhằm tiến tới thực hiện hiệp ước thương mại tự do khu vực này sau khi Hoa Kỳ rút khỏi thỏa thuận hồi đầu năm nay.
Hãng thông tấn Kyodo của Nhật Bản loan tin rằng các nhà thương thuyết sẽ bàn thảo liệu có chỉnh sửa nội dung nguyên thủy của TPP sau khi Tổng thống Donald Trump quyết định rút Mỹ ra khỏi hiệp ước thương mại tự do khu vực này khi ông lên nhậm chức hồi tháng 1 năm nay hay không.
Tổng thống Trump nói rằng thỏa thuận đa quốc gia này cướp mất đi nhiều công việc làm ở Hoa Kỳ và ông muốn đàm phán thương mại song phương hơn.
Không có Mỹ tham gia, số phận của TPP trở nên bấp bênh, nhưng các nước Nhật Bản, Australia và New Zealand tìm cách tiếp tục xúc tiến hiệp định thương mại này.
Trưởng đoàn đàm phán Nhật Bản, ông Kazuyoshi Umemoto, tháng trước đã họp với đại diện của các nước trong thỏa thuận tại một khu nghỉ mát ở tây nam thủ đô Tokyo và đã đồng ý cùng làm việc với nhau để để xúc tiến TPP theo một khung sườn mới.
Bộ trưởng Thương mại Australia Steven Ciobo nói trong một thông báo hôm Chủ nhật 27/8 rằng “nguyện vọng chung” của các đối tác là “đạt được một thỏa thuận tích cực.”
Bộ trưởng Ciobo nói: “Lãnh đạo của các nước TPP sẽ thảo luận về tiến độ thực thiện TPP” tại hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra tại Việt Nam vào tháng 11sắp tới.
Riêng về Australia, Bộ trưởng Ciobo nói nước ông sẽ có thể lập 10 hiệp ước thương mại tự do với các nước Canada, Mexico và Peru để thăng tiến thương mại và đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và tạo công việc làm.
TPP được ký vào tháng 2 năm 2016 giữa 12 nước ven bờ Thái Bình Dương, bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Việt Nam và Mỹ — kinh tế của 12 nước TPP nguyên gốc này chiếm khoảng 40% kinh tế toàn cầu.
Các nước còn lại này vẫn chia rẽ về các vấn đề, chẳng hạn như các điều kiện nguyên thủy của TPP sẽ bị sửa đổi như thế nào.
(Nguồn: Kyodo, Prensa Latina)

Trung Quốc bị yêu cầu dừng bắt người biệt tích

Trước Ngày Quốc tế Nạn nhân bị Bắt phải Biệt tích vào thứ Tư, 30/8, các nhóm nhân quyền đang kêu gọi Trung Quốc chấm dứt việc thi hành luật do họ tự đặt ra theo đó buộc các nhà bảo vệ nhân quyền và người thân phải biệt tích. Trong số các nạn nhân có bà Lưu Hà, góa phụ của khôi nguyên Nobel hòa bình Lưu Hiểu Ba.
Các nhóm nhân quyền nói thêm rằng Trung Quốc phải nhanh chóng bãi bỏ “việc giám sát tại địa điểm được chỉ định” và phải ký Công ước Quốc tế về Bảo vệ các Cá nhân khỏi việc Bị bắt phải Biệt tích”.
Theo tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền Trung Quốc, cảnh sát dưới thời chính phủ Tập Cận Bình thường xuyên áp dụng Điều 73 Luật Tố tụng Hình sự, được thông qua năm 2012, để hợp pháp hóa việc bắt phải biệt tích 6 tháng đối với các cá nhân bị nghi là tội phạm liên quan đến an ninh quốc gia hoặc khủng bố.
Nhưng nhà nghiên cứu Frances Eve ở Hong Kong, cũng thuộc tổ chức nhân quyền, gọi việc làm đó là sự lạm dụng quyền lực dựa vào “cơ cấu pháp lý giả mạo”.
Bà nói: “Nó làm cho nhiều người bị buộc phải biệt tích không có sự bảo vệ nào và gặp nguy cơ rất cao bị tra tấn vì không có chuyện người ta bắt ai đó phải biệt tích là để đối xử tốt với họ”.
Tổ chức này phát hiện rằng, chỉ riêng trong cuộc trấn áp luật sư năm 2015, Trung Quốc đã giám sát 17 luật sư và các nhà hoạt động tại nơi ở, bảy người sau đó đã đưa ra các cáo buộc tra tấn.
Hội đồng Nhân quyền LHQ cũng ghi nhận 41 trường hợp bị buộc phải biệt tích ở Trung Quốc tính đến tháng 7 năm ngoái. Về những trường hợp này, chính quyền Trung Quốc đã từ chối làm rõ hoặc cho phép nhóm công tác của hội đồng được đến thăm Trung Quốc, họ nêu ra lý do chủ quyền về mặt tư pháp, đây là một lý do khó biện minh, theo lời các nhà hoạt động.
Bà Eve nói thêm rằng thực tế này cho thấy chính phủ Trung Quốc không hợp tác với LHQ, nó cũng cho thấy Trung Quốc thật đạo đức giả khi có ghế trong Hội đồng Nhân quyền LHQ, và lời cam kết với tư cách thành viên của họ chỉ là những ngôn từ sáo rỗng.

Châu Âu và châu Phi tìm cách chặn di dân trái phép

Một nhóm các lãnh đạo châu Âu và châu Phi hôm 28/8 đồng ý kế hoạch điều tra người châu Phi xin tị nạn ở châu Âu ngay tại quốc gia xuất phát, thay vì yêu cầu họ phải vượt Địa Trung Hải trước khi được xem xét.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tổ chức hội nghị thượng đỉnh ở Paris nhằm tìm cách thức tốt hơn để đối phó với tình trạng di dân trái phép.
Ông Macron cho rằng thỏa thuận trên là “câu trả lời cấp thời và hiệu quả nhất” cho cuộc khủng hoảng.
Tổ chức Di dân Quốc tế cho biết rằng khoảng 121 nghìn người đã tới châu Âu bằng đường biển trong năm nay, và phần đông đặt chân tới Italia.
Một tuyên bố chung nêu bật sự cần thiết phải bắt đầu việc tái định cư người tị nạn ở Chad và Niger, cũng như tìm cách triệt những kẻ buôn người đưa họ qua sa mạc rồi sau đó lèn họ trên những chiếc thuyền tới châu Âu.
Tiến trình này sẽ cho phép người tị nạn tới châu Âu hợp pháp nếu họ nằm trong danh sách đủ điều kiện do cơ quan tị nạn Liên Hiệp Quốc cung cấp và được đăng ký với chính quyền ở Niger và Chad.

Đức, Pháp thúc đẩy Nga, Ukraine đẩy mạnh nỗ lực hòa bình

Ngày 28/8, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi Nga và Ukraine tăng cường những nỗ lực để thực thi thỏa thuận ngưng bắn mong manh tại miền đông Ukraine.
Xung đột giữa các lực lượng Ukraine và những phần tử đòi ly khai được Nga hỗ trợ đã làm hơn 10.000 người thiệt mạng kể từ khi bùng phát vào năm 2014. Đức và Pháp đã cố gắng thuyết phục hai bên thi hành thỏa thuận hòa bình đạt được tại Minsk vào năm 2015 nhưng cho đến nay không mấy thành công.
Bà Merkel và ông Macron nêu lên quan ngại là tình hình an ninh tại miền đông Ukraine không được cải thiện kể từ khi có cuộc hội thoại 4 bên với Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko vào ngày 22/8 vừa qua.
“Chúng tôi thúc đẩy Tổng thống Putin và Tổng thống Poroshenko tôn trọng hoàn toàn những cam kết, ủng hộ ngưng bắn một cách công khai và rõ ràng và đảm bảo là những chỉ thị thích ứng được gởi đến quân đội và các lực lượng địa phương,” hai vị lãnh đạo đã nói trong một tuyên bố do văn phòng Thủ tướng Đức tại Berlin công bố.
Hai nhà lãnh đạo cho biết thỏa thuận ngưng bắn vẫn bị vi phạm thường xuyên, trong đó có việc sử dụng vũ khí nặng. Hai nhà lãnh đạo kêu gọi tất cả các bên bảo vệ an toàn cho các quan sát viên từ cơ quan giám sát an ninh OSCE và những quan sát viên này không bị cản trở trong việc tiếp cận những khu vực trong vùng chiến sự.
“Phái bộ quan sát viên OSCE tiếp tục báo cáo những đe dọa đối với nhân viên của OSCE và việc hạn chế tự do di chuyển của họ, đặc biệt trong những khu vực không do chính phủ Ukraine kiểm soát,” bà Merkel và ông Micron nói.
Liên hiệp Châu Âu và Hoa Kỳ đều áp đặt những biện pháp chế tài sâu rộng lên các lãnh vực tài chánh, quốc phòng và năng lượng của Nga để đáp trả việc Moscow sáp nhập Crimea của Ukraine vào năm 2014 và yểm trợ trực tiếp cho các phần tử đòi ly khai tại miền đông Ukraine.
Moscow phủ nhận có liên hệ trực tiếp trong vụ xung đột dù NATO cho rằng binh sĩ Nga đang yểm trợ cho phiến quân.

Đức : Một y tá đã sát hại ít nhất 90 bệnh nhân

Ít nhất 90 bệnh nhân và có thể nhiều gấp đôi, đã bị giết dưới bàn tay của viên y tá Niels Hogel, đó là tổng kết của cảnh sát Đức được công bố ngày 28/08/2017 sau 12 năm điều tra. Theo trưởng ban điều tra Arne Schmidt, đây là con số người bị giết cao chưa từng có trong lịch sử của Cộng Hòa Liên Bang Đức.
Niels Hogel thường giết các nạn nhân bằng cách tiêm thuốc quá liều, khi các bệnh nhân đang nằm ở phòng hồi sức cấp cứu và thường là những người đang trong tình trạng nguy kịch, không phân biệt tuổi tác hay giới tính.
Viên y tá sát nhân này, năm nay 41 tuổi, từng bị tuyên án tù chung thân vào năm 2015 về 6 vụ sát hại bệnh nhân. Hôm qua, các nhà điều tra mới đưa thêm 84 vụ mới vào hồ sơ vụ án của Niels Hogel.
Cuộc điều tra đã được mở lại vào tháng 1/ 2014, vì Hogel đã thú nhận với một người giam chung phòng rằng anh ta đã giết khoảng 50 người. Kế đến Hogel nói với một nhà tâm thần học rằng anh đã sát hại 30 người và toan sát hại 60 người khác.
Vấn đề là các vụ bệnh nhân tử vong thường xảy ra vào giờ mà Hogel đang trực, thế mà đã không có ai báo động về sự bất thường này. Hai bệnh viện nơi mà viên y tá sát nhân làm việc đã bị điều tra để xác định những ai phải chịu trách nhiệm về việc đã không ngăn chận các vụ giết người đó.
Niels Hogel thì vẫn giải thích rằng, vì « buồn chán » cho nên anh ta tiêm thuốc quá liều hoặc tiêm thuốc ngoài chỉ định vào bệnh nhân, để đưa họ đến gần ngưỡng sự chết, nằm chứng tỏ anh ta có khả năng hồi sinh những bệnh nhân này.

Công nghệ dầu khí Mỹ chao đảo vì bão Harvey

Bão Harvey “đổ bộ” vào bang Texas, nhà máy dầu quan trọng nhất của Mỹ. 112 trên tổng số 737 đơn vị sản xuất phải ngưng hoạt động, nhân viên trong khu vực Vịnh Mêhicô phải sơ tán.
Theo thẩm định của cơ quan đặc trách về các vấn đề môi trường và an toàn lao động BSEE 18,94 % các nhà máy sản xuất dầu và hơn 20 % các giàn khoan tại Vịnh Mêhicô bất đắc dĩ phải cho nhân viên tạm nghỉ việc từ chiều thứ Sáu 25/08/2017.
Tập đoàn dầu khí ExxonMobil, Chủ Nhật vừa qua, phải đóng cửa nhà máy lọc dầu ở Baytown và đây cũng là một trong những cơ sở hóa dầu lớn nhất thế giới, với 7.000 nhân viên, cung cấp 584.000 thùng dầu mỗi ngày.
Trước mắt, ExxonMobil chưa thể xác định được thiệt hại tài chính do Harvey, trận bão mạnh nhất thổi vào bang Texas từ 1961 tới nay, gây nên.
Theo thẩm định của ngân hàng Goldman Sachs, các nhà máy lọc dầu trong khu vực này bị thiệt hại nặng hơn cả. Cụ thể là trong ba ngày qua, khả năng cung cấp của các nhà máy lọc dầu bị giảm đi khoảng 3 triệu thùng/ngày, tương đương với 16,5 % khả năng cung cấp trên toàn quốc. Tình trạng này có thể còn kéo dài thêm một vài ngày nữa, do bão Harvey di chuyển rất chậm và tới nay vẫn “đóng chốt” trong vùng Vịnh Mêhicô.
Cơ quan tư vấn trong ngành dầu khí WTRG Economics không loại trừ kịch bản thiếu hụt xăng dầu. Mối lo ngại đó đẩy giá dầu lên cao trong hai ngày đầu tuần 28 và 29/08/2017. Riêng cổ phiếu của các tập đoàn dầu khí và nhất là của các công ty bảo hiểm thì mất giá, kéo theo chỉ số Dow Jones ở New York.
Ngân hàng JP Morgan dự báo thiệt hại do bão Harvey gây nên lên tới 20 tỷ đô la cho ngành bảo hiểm. Để so sánh, năm 2005, bão Katrina gây thiệt hại đến 75 tỷ.
Harvey, rủi ro về khí hậu
Ngoài những tác động đối với ngày dầu khí, bang Texas nói chung và thành phố Houston với 2,3 triệu dân cư nói riêng, đang hứng chịu nhiều thiệt hại kinh tế khác.
Tất cả các sân bay, đường cao tốc tại thành phố lớn thứ tư trên nước Mỹ phải đóng cửa. Bệnh nhân và nhân viên tại hai bệnh viện thành phố phải sơ tán. Hàng ngàn nhân viên cứu hộ, cảnh sát, được huy động. Theo AFP 12.000 hiến binh của tiểu bang Texas được đặt trong tình trạng báo động, 30.000 người lánh nạn tại các địa điểm an toàn.
Các giới chức tại Houston nói tới một tai họa nghiêm trọng nhất ập tới Hoa Kỳ kể từ sau trận bão Katrina hồi tháng 8/2005, làm hơn 1.800 người thiệt mạng. Nhìn lại 20 năm qua, Hoa Kỳ trải qua nhiều trận bão nhiệt đới, nghiêm trọng nhất là Katrina, thổi tới các bang Louisiana, Mississipi, Florida và Alabama. 80 % thành phố lớn nhất của tiểu bang Louisiana là New Orleans ngập trong biển nước.
Chỉ một tháng sau Katrina, tháng 9/2005 cơn lốc xoáy Rita thổi tới Vịnh Mêhicô, làm 6 người chết tại Texas và Mississipi.
Bờ biển phía đông bắc của nước Mỹ năm 2012 phải đương đầu với Sandy, 120 người thiệt mạng. 71 tỷ đô la bị bão cuốn trôi.
Tính từ 1994 tới nay, Hoa Kỳ trải qua 8 trận bão nhiệt đới. Các nhà khoa học ghi nhận, các trận bão xảy ra ngày càng thường xuyên hơn và đây là một trong những dấu hiệu báo động về “rủi ro trái đất bị hâm nóng”.
Chuyên gia Michael Mann, đại học Pennsylvania nhìn nhận : không thể vội vã kết luận rằng, mỗi vụ hạn hán hay mỗi trận bão và lũ lụt là hậu quả trực tiếp do hiện tượng khí hậu bị hâm nóng gây ra. Tuy nhiên, Harvey là một dấu hiệu “cụ thể về rủi ro khí hậu”.
Theo nhà khoa học Mỹ này, một số “yếu tố” khiến tình trạng thêm nguy ngập.
Thứ nhất, các chuyên gia đã chứng minh được là nhiệt độ trong không khí và đại dương đang nóng lên. Kèm theo đó, là các trận bão nhiệt đới cấp 4 và cấp 5 ngày càng nhiều.
Thứ hai là do biến đổi khí hậu, trong những năm gần đây, mực nước biển tăng lên thêm 15 cm. Điều đó có nghĩa là khi có bão, các ngọn sóng sẽ cao hơn, với sức tàn phá nghiêm trọng hơn.
Nhà nghiên cứu Michale Mann, đại học Pennsylvania nhắc lại : trong hơn một chục năm, Mỹ trải qua 4 trận bão “ngoại hạng” và ba trong số đó gây thiệt hại về vật chất, tài chính “nghiêm trọng trọng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ” : 108 tỷ đô la sau Katrina, 75 tỷ vì Sandy và 37 tỷ vì Ike.
Còn quá sớm để thẩm định một cách chính xác về tác hại bão Harvey đem lại, nhưng các nhà quan sát lưu ý : hậu quả đối với môi trường trận bão nhiệt đới này để lại, có thể đáng quan ngại hơn cả. Harvey “đánh trúng” vào nhiều cơ sở dầu khí và hóa dầu của bang Texas, một khi nước lũ rút đi, tiểu bang này mới khám phá hết quy mô ô nhiễm đối với môi trường.
Một tờ báo uy tín của Paris không quên nhắc lại ngày 15/08/2017 tổng thống Trump ký sắc lệnh xóa bỏ những quy định dưới thời Barack Obama về việc cấp giấy phép xây dựng tại những vùng đất dễ bị ngập lụt. Mười ngày sau, bão Harvey kéo theo mưa lũ nhận chìm những vùng đất có rủi ro cao nhất tại bang Texas.
Vốn không tin vào tác động của biến đổi khí hậu đối với nhân loại, liệu rằng sau chuyến thị sát tại Texas, tổng thống Trump có thay đổi quan điểm về hồ sơ này hay không ?
Harvey khúc dạo đầu của những mùa bão lớn ?
Theo một nghiên cứu của đại học Toulouse, miền nam nước Pháp, cho tới năm 1970, do không có đủ phương tiện – chủ yếu là hình ảnh vệ tinh, các nhà khoa học không thể đưa ra những kết luận đầy đủ về mật độ của các cơn lốc xoáy trong toàn thế kỷ 20.
Chỉ biết là từ năm 1995, lốc xoáy trong khu vực phía bắc Đại Tây Dương ngày càng thường xảy ra nhiều hơn, nhưng giới khoa học không dám khẳng định, đấy là những hiện tượng tự nhiên hay do biến đổi khí hậu gây ra.
Trong vùng tây bắc Thái Bình Dương, trong gần ba thập niên, tính từ 1980 đến 2010, dường như các trận bão lớn thưa hơn so với trước.
Bước sang thế kỷ 21, các nhà nghiên cứu sử dụng các phương tiện khoa học hiện đại để đi đến kết luận : dường như là thế giới ít bị bão hơn, nhưng mỗi đợt thiên tai, hậu quả lại thảm khốc hơn.
Chuyên gia Valérie Masson Delmotte thuộc nhóm nghiên cứu GIEC của Liên Hiệp Quốc chốt lại : nước biển càng được hâm nóng và độ ẩm càng cao thì bão càng lớn. Cả hai yếu tố kể trên đều do hiệu ứng nhà kính gây ra.
Trong mắt nhà khoa học Oppenheimer, đại học Princeton, Harvey là một “tín hiệu báo động”. Nhiệt độ trên trái đất nóng thêm 1 độ C, lượng nước mưa trút xuống trong mỗi trận bão sẽ tăng thêm 7 %.

Tổng thống Macron : Chống khủng bố Hồi Giáo

là « ưu tiên hàng đầu » của ngoại giao Pháp

Chống khủng bố Hồi Giáo là ưu tiên hàng đầu trong các ưu tiên của ngành ngoại giao Pháp. Đó là tuyên bố của tổng thống Emanuel Macron hôm nay, 29/08/2017, trong bài diễn văn đầu tiên của ông về chính sách ngoại giao, tại Hội nghị các đại sứ Pháp tại Paris.
Tổng thống Macron nhấn mạnh rằng để diệt trừ khủng bố cũng cần phải làm cạn kiệt nguồn tài chính của các tổ chức khủng bố. Ông loan báo sẽ tổ chức một hội nghị quốc tế chống nguồn tài chính cho khủng bố vào đầu năm tới tại Paris. Nhưng tổng thống cho rằng cũng phải nỗ lực nhiều hơn trong lĩnh vực phát triển, đặc biệt là tại vùng Sahel, châu Phi, vì theo ông đây là điều cần thiết để tái lập ổn định khu vực.
Tổng thống Pháp nhân dịp này thông báo là sắp tới ông sẽ đến Ouagadougou, thủ đô Burkina Faso, trong khuôn khổ các nỗ lực lập một trục giữa châu Phi, vùng Địa Trung Hải và châu Âu, chủ yếu nhằm đối phó khủng hoảng di dân.
Trong bài phát biểu trước các đại sứ Pháp, tổng thống Macron còn tuyên bố là đối với nước Pháp, không có giải pháp nào khác có thể thay thế thỏa thuận về hạt nhân Iran năm 2015. Thỏa thuận này có thể sẽ gặp trắc trở do quan hệ giữa Hoa Kỳ và Iran đang xấu đi.
Về tình hình tại những khu vực khác, tổng thống Macron xem chế độ của tổng thống Venezuela Nicolas Maduro là một chế độ « độc tài ».
Trong lĩnh vực khí hậu, ông Macron loan báo là Pháp chủ trì một cuộc hội nghị thượng đỉnh thế giới vào ngày 12/12 tới để xem xét những tiến bộ đạt được về hiệp định khí hậu Paris, ký hồi tháng 12/2015, tức là cách đây đúng 2 năm.

Làm thế nào ngăn chặn hỏa tiễn Bắc Triều Tiên ?

Sáng ngày 29/08/2017 một hỏa tiễn Bắc Triều Tiên đã bay ngang qua lãnh thổ Nhật, khiến hàng triệu người dân miền bắc nước Nhật được báo động. Trước đó hai tuần, Bình Nhưỡng cũng đã đe dọa bắn bốn hỏa tiễn đạn đạo sang đảo Guam của Mỹ trên Thái Bình Dương.
Theo quân đội Hàn Quốc và Nhật Bản, hỏa tiễn bay qua nước Nhật sáng nay là một hỏa tiễn đạn đạo tầm trung, đạt độ cao 550 km và bay được 2.700 km trước khi rơi xuống Thái Bình Dương. Trong quá khứ, Tokyo từng khẳng định sẽ bắn hạ từ trên không tất cả các tên lửa của Bình Nhưỡng có thể đe dọa lãnh thổ nước Nhật.
Tuy nhiên, hôm nay quân đội Nhật vẫn án binh bất động. Bộ trưởng Quốc Phòng Itsunori Onodera giải thích, do hỏa tiễn bay qua không phận Hokkaido trong hai phút, được ước tính không rơi xuống lãnh thổ Nhật Bản. Năm ngoái, khi Bình Nhưỡng bắn hỏa tiễn vào vùng kinh tế đặc quyền trên biển của Nhật, Tokyo cũng chỉ phản đối suông.
Còn tại đảo Guam, nơi Bắc Triều Tiên khẳng định chỉ cần 18 phút để tên lửa Hwasong-12 vượt 3.300 km đến nơi, cấp độ cảnh báo vẫn ở mức bình thường.
Hoa Kỳ và đồng minh có cách gì để đối phó với các tên lửa của Bắc Triều Tiên, được phóng đi liên tục trong thời gian gần đây ?
Theo New York Times, Mỹ và Nhật có thể để yên cho các hỏa tiễn Bắc Triều Tiên rơi xuống biển một cách vô hại. Nhưng trong trường hợp chúng có nguy cơ rơi xuống mặt đất, thì chỉ có thể tấn công phá hủy vào giai đoạn cuối.
Hỏa tiễn Hwasong-12 có tầm bắn trên 3.700 km, và một khi đã ở trên không gian được một phút, có vận tốc nhanh gấp nhiều lần âm thanh. Thế nên một hỏa tiễn bắn chận đuổi theo phía sau ít có hy vọng phá hủy được chúng. Còn hệ thống lá chắn tên lửa THAAD (Terminal High Altitude Area Defense, tạm dịch « Hệ thống phòng thủ tầm cao giai đoạn cuối ») có thể sử dụng radar để dò theo đường bay của hỏa tiễn, nhưng không được chế tạo để tấn công trên không.
Đã có lúc Không quân Mỹ chi ra nhiều tỉ đô la để lắp đặt hệ thống laser trên phi cơ Boeing 747 nhằm phá hủy hỏa tiễn đạn đạo của địch lúc vừa phóng đi. Tuy hệ thống này hiệu quả nhưng quá tốn kém, và đòi hỏi chiếc phi cơ phải bay gần lãnh thổ địch, nên kế hoạch đã bị hủy bỏ.
Còn trong lúc hỏa tiễn đang bay thì sao ? Một khi lên đến bầu khí quyển, đây là lúc khó tiêu diệt nhất, vì chúng có thể tung hỏa mù để đánh lạc hướng. Nhưng phá hủy được hỏa tiễn địch trong thời điểm này rất có lợi vì giữ lại những mảnh vụn lớn và làm chúng phát nổ ở xa các mục tiêu.
Cả Nhật và Mỹ đều sở hữu các tàu chiến trang bị hỏa tiễn SM-3, được chế tạo để chống hỏa tiễn đạn đạo. Tuy nhiên nếu Bình Nhưỡng nhắm vào đảo Guam, thì hỏa tiễn Hwasong-12 trong giai đoạn này ở quá xa Biển Nhật Bản, nơi có nhiều chiến hạm trang bị SM-3. Vì vậy rất khó ngăn chận, trừ phi di chuyển các tàu chiến này đến gần Guam.
Hệ thống chống các hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa nhắm vào đất Mỹ, mang tên Ground-Based Midcourse Defense (tạm dịch « Hệ thống phòng vệ tên lửa trên mặt đất ») hiện đặt ở Alaska và California, thì không thể ngăn trở một hỏa tiễn đang bay trên Nam Thái Bình Dương.
Chỉ còn lại giai đoạn cuối, vốn nguy hiểm nhất : hỏa tiễn rơi xuống mục tiêu. Khác với tên lửa Pershing II của Mỹ hiện không còn được sử dụng, khi đang bay hỏa tiễn Hwasong-12 không thể thay đổi đích nhắm, nên về lý thuyết rất dễ bị bắn hạ.
Hỏa tiễn SM-3 có thể ra tay trong giai đoạn này. Hải quân Hoa Kỳ không công bố vị trí chính xác các chiến hạm của mình, nhưng nhiều khu trục hạm lớp Arleigh Burke trang bị hệ thống SM-3 vẫn thường hiện diện ở Tây Thái Bình Dương, còn phía Nhật thì không rõ.
Hệ thống lá chắn tên lửa THAAD, được bố trí thường xuyên tại căn cứ không quân Andersen trên đảo Guam, cũng có thể bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên trong lúc đang rơi xuống. Khi thử nghiệm hồi tháng Bảy mới đây, THAAD đã phá hủy được một hỏa tiễn tương tự như Hwasong-12. Bên cạnh đó, căn cứ này còn được trang bị hệ thống lá chắn tên lửa tầm ngắn Patriot – loại hiện đại nhất là Patriot PAC-3 – có thể phá hủy các hỏa tiễn đạn đạo bay chậm hơn.
Vấn đề còn lại, theo New York Times, là có nên tiêu diệt chúng hay không ? Dùng tên lửa để chống tên lửa, cũng như dùng một viên đạn để bắn vào một viên đạn khác, và chỉ riêng việc thử nghiệm cũng đã rất tốn kém. Lợi ích tất nhiên là tự vệ được trước hỏa tiễn địch – mà trong cuộc chiến vùng Vịnh lần thứ nhất đã chứng tỏ sức mạnh hủy diệt.
Nếu Nhật Bản và Hoa Kỳ bắn hạ hỏa tiễn Bắc Triều Tiên, Bình Nhưỡng có thể coi đây là hành động khiêu khích, dẫn đến đáp trả về quân sự. Còn nếu thất bại trong việc bắn chặn, sẽ ảnh hưởng đến uy tín. Theo chuyên gia Laura Grego của chương trình an ninh toàn cầu thuộc Union of Concerned Scientists, khả năng thất bại cũng có thể xảy ra, vì các hệ thống này chưa bao giờ được thử nghiệm trong điều kiện hoàn toàn giống trên thực tế.

Tấn công tự sát gần sứ quán Mỹ ở Afghanistan

Một vụ tấn công tự sát đã xảy ra sáng ngày 29/08/2017 tại một con đường ở trung tâm thủ đô Kabul của Afghanistan, gần sứ quán Mỹ vốn được bảo vệ cẩn mật, làm 4 người chết.
Phát ngôn viên bộ Nội Vụ Afghanistan cho biết, vào lúc 10 giờ địa phương (5 giờ 30 giờ quốc tế), một kẻ tấn công tự sát đã kích nổ bên cạnh một ngân hàng nằm gần tòa đại sứ Mỹ, vào lúc nhiều người đến lãnh lương chuẩn bị mừng lễ Aid Al Adha của người Hồi Giáo. Theo thông tin ban đầu, có ít nhất 4 người thiệt mạng và 8 người bị thương.
Hiện chưa có tổ chức nào đứng ra nhận trách nhiệm, nhưng sự kiện này diễn ra vào lúc phe Taliban gần đây tiến hành một loạt các vụ tấn công, và chỉ vài ngày sau khi tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump loan báo ý định triển khai thêm hàng ngàn lính Mỹ tại Afghanistan. Taliban phản ứng bằng cách hứa hẹn biến quốc gia nam Á này thành một « nghĩa địa mới » cho người Mỹ.
Người dân Afghanistan đã phải trả giá đắt cho cuộc xung đột kéo dài 16 năm qua. Hồi tháng Sáu, một vụ tấn công bằng xe gài chất nổ tại khu vực ngoại giao của Kabul đã làm 150 người chết và 400 người bị thương, hầu hết là thường dân. Từ khi NATO chấm dứt tham chiến, quân đội và cảnh sát Afghanistan phải vất vả đối phó với phe nổi dậy, cùng với mối đe dọa từ tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?