Vì sao Đồng Tâm chuyển thế ‘quyết giữ đất đến hơi thở cuối cùng’?

Calitoday -                                                                                                                                 31/08/2017
Thiền Lâm
Vietnam – Cali Today News – Vụ “hồi tố Đồng Tâm” rất xứng đáng trở thành bài học cực kỳ đắt giá cho những ai còn tin rằng “có đảng là có tất cả”.
Vào tháng 6/2017, ngay cả sau cú sốc Công an Hà Nội đột ngột khởi tố vụ “bắt người trái pháp luật” ở Đồng Tâm – bất chấp một bằng chứng hiển nhiên về hình ảnh chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã gập người ký sống và lăn tay trên bản cam kết về “sẽ không truy tố toàn thể nhân dân Đồng Tâm” chỉ mới vào tháng 4/2017, ông Lê Đình Kình – một trong những lãnh đạo tinh thần của người dân Đồng Tâm – vẫn còn hy vọng khi trả lời đài BBC “có đảng là có tất cả”. 
Nhưng chỉ hai tháng sau đó, chính ông Lê Đình Kình đã phải một lần nữa triệu tập hàng trăm người dân Đồng Tâm tại nhà ông với quyết tâm “quyết giữ đất đến hơi thở cuối cùng”.
Nếu vào tháng 4/2017 khi nổ ra vụ khủng hoảng Đồng Tâm, chưa có người dân nào ở đây chọn thái độ tiếp cận với giới hoạt động dân chủ nhân quyền trong nước và trả lời phỏng vấn của báo đài nước ngoài, thậm chí còn e ngại giới này như “thế lực phản động”, thì nay không những họ đang trả lời phỏng vấn, cung cấp những tin tức mới nhất cho những người hoạt động nhân quyền, mà còn sẵn sàng gửi cả thư kiến nghị – không phải chỉ cho các cơ quan bảo vệ pháp luật nhà nước – mà còn cho cả các đại sứ quán nước ngoài ở Hà Nội.
Vì sao lại có sự “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đặc biệt đến thế?
Vào đúng lúc này, không chỉ Cơ quan an ninh điều tra của Công an Hà Nội mà cả Cục Điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng cũng “tham chiến”, hùng hổ triệu tập đến 70 người dân Đồng Tâm. Không chỉ nhằm răn đe theo cách thông thường mà còn sẵn sàng bắt bớ nếu “điều kiện thuận lợi”.
Hãy nghe Trưởng Công an huyện Mỹ Đức Lê Xuân Văn – trong một hành động “chủ động thông tin đối ngoại” khi trả lời phỏng vấn đài RFA Việt ngữ – nói về thông tin người dân Đồng Tâm bị triệu tập thì có thể hình dung ra bản chất “sói vẫn hoàn sói” như thế nào:
“… Bọn em đừng có nghe người dân, họ nói thế thôi, chứ bây giờ bắt giữ công an trái phép và giam giữ người trái pháp luật từ ngày 15 đến ngày 22, mà cứ bảo là không vi phạm pháp luật. Thứ hai, đất là đất quốc phòng. Kết luận thanh tra của Chính phủ và Thành phố có rồi lại cứ bảo là đất của Đồng Tâm. Người dân cứ ngồi ở nhà bảo không vi phạm gì, nhưng vụ án có hồ sơ, có căn cứ chứ sao bảo không vi phạm gì được. Còn phạm tội gì thì công an Thành phố và cục điều tra hình sự của Bộ Quốc phòng đang thụ lý. Triệu tập có rất nhiều dạng, có thể triệu tập người bị hại, nhân chứng, có thể anh có liên quan vụ án, có thể anh là bị can, bị cáo,… Một số đối tượng như ông Kình chẳng hạn, ông đã bị công an thành phố khởi tố rồi. Hay thằng Công, thằng Ba, những nhân vật chính, người ta cũng khởi tố và ra lệnh bắt rồi. Bây giờ người ta tạm thời cho tại ngoại thôi…”.
Rõ như ban ngày: vụ Đồng Tâm đã chính thức biến diễn sang một giai đoạn mới mang tên “Hồi tố” – chính quyền và công an trả đũa người dân bởi đã dám bắt giữ cả một trung đội cảnh sát cơ động và một số quan chức vào tháng 4/2017.
Thật ra, chuyện trả đũa đã phát ra những tín hiệu từ trước đó. Vào tháng 7/2017, một bản kết luận thanh tra về đất Đồng Tâm đã được Thanh tra Hà Nội công bố. Theo đó, người dân Đồng Tâm đã phải nhận một cú lật tê tái: Thanh tra Hà Nội khẳng định không có diện tích 59 ha đất nông nghiệp đồng Sênh, mà toàn bộ thuộc về đất quốc phòng.
Kết luận trên có thể được hiểu là toàn bộ hồ sơ khiếu nại, tố cáo của dân Đồng Tâm về đất đai là vô giá trị; những nông dân sinh sống trên mảnh đất chôn rau cắt rốn sẽ trở thành tay trắng mà không được nhận một đồng bồi hoàn nào từ chính quyền và Tập đoàn Viễn thông quân đội (Viettel); những nông dân nào không chịu di dời sẽ phải đối mặt với nguy cơ bị chính quyền tổ chức cưỡng chế, thậm chí có thể dùng công an và quân đội đàn áp để tuyệt nọc mầm mống “khủng hoảng”.
Cũng rõ như ban ngày, mục tiêu lớn nhất là 59 ha đồng Sênh.
Trong bài phát biểu tại huyện Mỹ Đức vào ngày 7/7/2017, cựu điều tra viên công an Nguyễn Đức Chung đã trở mặt đe nẹt: “Tôi xin nói với các cụ là ban đầu dân tự chia nhau, các cụ hiện nay đang tập hợp bảo lấy tài liệu chúng tôi vào mà tự chia nhau. Chính tài liệu đấy các cụ đòi quyền lợi và chính tài liệu đấy buộc tội các cụ lấn chiếm đất”.
Vì sao Đồng Tâm chuyển thế ‘quyết giữ đất đến hơi thở cuối cùng’?
Cần nhắc lại, ông Chung từng là điều tra viên công an có thâm niên, có trình độ luật học và do đó khá thường phải chính xác trong cách dùng từ ngữ luật. Không biết vô tình hay hữu ý, từ “buộc tội” của ông Chung đã khiến toát ra cả một chủ trương “trừng phạt” của chính quyền và một triển vọng có thể rất đen tối dành cho người dân Đồng Tâm.
Nếu “điều tra” là giai đoạn của công an, “truy tố” là giai đoạn của viện kiểm sát, thì “buộc tội” chính là tòa án. Sau đó sẽ là tù đày. Không khác gì cái cách mà chính quyền đã dành cho những người nông dân và cựu chiến binh dám nổi dậy trong “Cách mạng Thái Bình” năm 1997 và những cuộc “khởi nghĩa” lẻ tẻ những năm sau đó ở một số địa phương khác như Nam Định, Bắc Giang…
Trùng thời điểm với bài phát biểu hùng biện của ông Chung tại huyện Mỹ Đức, một lần nữa – sau vụ Công an Hà Nội khởi tố Đồng Tâm vào tháng 6/2017 – giới dư luận viên lại gào thét “Cho bọn khố rách áo ôm ở Đồng Tâm chết hết đi! Dám bắt công an hử? Dám làm loạn hử? Tống chúng nó vào tù hết đi!”.
Giờ đây, người dân Đồng Tâm không còn lựa chọn nào khác: họ đang phải đối mặt với mất mát toàn bộ kế sinh nhai và còn thể bị tống vào tù.

Con giun xéo lắm cũng quằn. Đó là cái thế tận cùng mà người Đồng Tâm không còn “có đảng là có tất cả”, mà phải “quyết giữ đất đến hơi thở cuối cùng

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?

Xứ Sở Hận Thù

Một nền tư pháp tùy tiện