Ngày 30/4 nên là ngày hướng về tương lai

 

  • Hoàng Ngọc Anh
  • Gửi cho BBC từ London, Anh Quốc
Việt Nam đang thay đổi

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Việt Nam đang thay đổi

Hòa giải dân tộc, hay xây dựng đoàn kết người Việt Nam trong và ngoài nước là những mỹ từ được nhiều người nhắc đến trong những ngày này. Tuy vậy những mỹ từ đó cho đến giờ phút này vẫn chưa thành hiện thực, dù đã có ít nhiều thay đổi trong suốt một chặng đường dài lịch sử.

Sau năm 1975, không chỉ những quân nhân trong quân đội, nhân viên chính phủ mà cả những lao động trí thức như giảng viên đại học, trưởng phòng các công ty đều được triệu tập yêu cầu đưa vào trại học tập cải tạo - một cái tên thay thế cho nhà tù lao động cưỡng bức.

Theo chia sẻ của một người hiện đang tỵ nạn ở Anh Quốc mà tôi gặp vốn là một cựu giảng viên đại học thời VNCH, ông cũng như nhiều người tri thức khác lúc đó bị bắt đi cải tạo, đồng thời gia đình ông bị tịch thu tài sản xung công quỹ. Tất nhiên, trong đầu những người lính cầm súng dẫn ông đi lúc đó là suy nghĩ rằng những tài sản ông sở hữu là từ bóc lột mà ra, và ông xứng đáng bị trừng phạt.

Các thành viên gia đình phải trở về quê kiếm sống trong một xã hội bao cấp, ngăn sông, cấm chợ, không hề tạo điều kiện để hòa nhập xã hội mới, chế độ mới.

Cuộc sống lao động trong trại cải tạo giáo dục không chỉ gồm lao động vất vả mà còn thiếu ăn, thiếu mặc và thuốc men.

Tất nhiên chính quyền Việt Nam thống nhất thời hậu chiến có cái lý của họ để biện minh cho những việc đã xảy ra. Các người lính và tri thức phục vụ trong quân đội và chính quyền bắt buộc phải đi cải tạo với mục đích ổn định địa chính trị tại Việt Nam lúc đó. Khi mà chỉ trong 20 năm ngắn ngủi của chế độ Việt Nam Cộng Hòa có đến 7 cuộc đảo chính lớn nhỏ do các tướng lĩnh lãnh đạo.

Đời sống ở Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Đời sống ở Việt Nam

Thêm nữa, các tướng lĩnh và chính quyền VNCH có lẽ nên tự trách chính mình khi không thể tự chủ trong mọi mặt từ chính trị, kinh tế, tài chính hay y tế để thua trận.

Người Việt hướng về tương lai

NGUỒN HÌNH ẢNH,EPA

Chụp lại hình ảnh,

Người Việt hướng về tương lai

Trước đó, nước Mỹ dưới sự dẫn dắt bởi Tổng Thống Richard Nixon và sự hỗ trợ từ Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thực sự muốn rút chân khỏi chiến trường miền Nam Việt Nam thảm khốc. Những rối ren trong nước với vụ bê bối Watergate, trong khi đó trong ván cờ lớn Mỹ đối đầu Liên Xô, thật chẳng khó cho chính quyền Mỹ khi đó quyết định thí con tốt VNCH để kéo Trung Quốc về phía mình. Cái giá phảỉ trả là Việt Nam mất quần đảo Hoàng Sa vào tay Trung Quốc, trong khi thù hằn giữa hai phía gia tăng.

Những khó khăn trong trại cải tạo giáo dục là không tưởng, nhưng để biện minh cho mình lúc đó chính quyền Việt Nam nói thời điểm đó cũng chẳng dễ dàng gì về mặt kinh tế, khi phải gánh trên mình hai cuộc chiến lớn ở mặt trận phía Bắc và Tây Nam.

Mô hình kinh tế tập trung kế hoạch năm năm là cái giá quá rẻ để nhận hỗ trợ từ Liên Xô và các nước anh em xã hội chủ nghĩa khác.

Tuy nhiên không thể phủ nhận những sai lầm về truyền thông, xã hội và những tội lỗi mà chính quyền khi đó đã gây ra cho nhiều người dân miền Nam Việt Nam.

Trong mỗi con người họ là những mặc cảm tội lỗi khi bị cáo buộc là người thuộc chế độ ngụy quân, ngụy quyền. Những đứa trẻ đã gặp khó khăn trong việc đến trường, bị bạn bè kì thị, cuộc sống gia đình có người thân đi cải tạo vô cùng khó khăn khi không đâu nhận làm việc.

Đó là tất cả những gì thôi thúc những gia đình đó vượt biên, họ đã bất chấp nguy hiểm để thoát khỏi sự kìm kẹp vô lý đó và đi tìm tự do.

Khép lại quá khứ hướng đến tương lai

Cuộc sống nơi xứ người không hề dễ dàng với bất kì ai, dù ở Mỹ, Canada, Australia, Pháp hay Anh, với những người phải ra đi là sự bất đắc dĩ, một sự thay đổi lớn để thích nghi với cuộc sống mới.

Đó là cuộc sống vất vả mưu sinh ở những xưởng may tại Mỹ hay Anh, là những đêm còng lưng và mỏi gối tại xứ lạnh Canada, hay những ngày dài vô tận trong những nông trại tại Australia.

Sau khi kinh tế Việt Nam mở cửa trở lại, Việt Nam không ngừng đón nhận nguồn kiều hối đổ về Việt Nam . Theo thống kê của ngân hàng thế giới con số không ngừng tăng từ 1,34 tỷ đô năm 2000 lên đến 17 tỷ năm 2019 chiếm 6.2% tổng GDP của Việt Nam góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó những đứa con của những Việt kiều đó đang trở về quê hương với mong muốn xây dựng và phát triển quê hương những cái tên như Louis Nguyễn Quỹ đầu tư Saigon Asset Management (SAM), Shark Thái Vân Linh, Nguyễn Hữu Thái Hòa….

Tôi nhận thấy, qua tiếp xúc chưa được nhiều của mình khi sống ở nước ngoài là trong lòng mỗi người xa xứ tình yêu quê hương vẫn còn sâu đậm, họ mong muốn sự công bằng dân chủ, giảm bớt tham nhũng để đất nước có thể phát triển đi lên bền vững.

Rõ ràng chính quyền Việt Nam cần nhìn lại cái sai của mình trong một cơ chế còn thủ động và chuyên quyền. Đó mới là sợi xích vô hình trói buộc và ngăn cản sự hòa giải dân tộc.

Cần sự xin lỗi chân thành từ hai phía về những vấn đề quá khứ mới có thể xóa nhòa đi tất cả, như cách ngưởi Mỹ đã làm trong chính cuộc nội chiến của họ. Chỉ có như vậy những khái niệm hòa giải dân tộc, đoàn kết người Việt mới không còn là những mỹ từ viển vông.

Như thế sự thống nhất đất nước mới đúng nghĩa thay cho những chúc tụng, đêm nhạc hay pháo hoa nhưng đầy giằng xé.

Tác giả sinh năm 1993 ra đi từ Hải Phòng. Hiện sống tại London, Anh Quốc.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?