Tin khắp nơi – 26/11/2016

Tin khắp nơi – 26/11/2016

Hoa Kỳ: Những phản ứng trái ngược về Fidel Castro

Nước Mỹ đang trong kỳ lễ Tạ ơn Thanksgiving, thông báo Fidel Castro qua đời ngay từ sáng sớm đã nhanh chóng phủ kín các trang báo mạng ở Mỹ và cụm từ Cách mạng Cuba và Fidel Castro, kẻ thù truyền thống của nước Mỹ, giờ lại xuất hiện liên tục trên truyền thông Mỹ.
Trang báo New York Times đã mô tả Fidel Castro là người đã đương đầu với 11 đời tổng thống Mỹ và đã đẩy thế giới đến bên bên bờ cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhật báo Mỹ thừa nhận, Fidel Castro « đã trở thành một biểu tượng quốc tế lớn có tầm quan trọng trong thế kỷ 20 vượt lên trên tầm của một nguyên thủ của quốc đảo 11 triệu dân nằm giữa Caribê ».
Báo Washington Post thì đánh giá Castro như là « ngọn đèn pha tinh thần soi vào thế giới cực tả ». Báo Los Angeles Times thì viết : « Castro đã thách thức chủ nghĩa tư bản Tây phương, coi đó như là một cuộc chiến danh dự, vẫn duy trì chủ nghĩa cộng sản ở tây bán cầu tây suốt hai thập kỷ sau khi Liên Xô sụp đổ ».
Trong khi đó nhật báo Miami Herald thì đánh giá Castro là « một gương mặt với bộ râu ghê tởm, trong bộ quân phục lính chiến đã phủ bóng khắp Mỹ La tinh và thế giới ».
Miami vẫn được gọi là thủ phủ của người Cuba chạy khỏi chế độ Castro. Thông báo về cái chết của Fidel Castro đã được kiều dân Cuba lưu vong đón nhận một cách hoan hỉ. Hàng nghìn người gốc Cuba đã đổ ra đường cùng với rượu sâm banh, kèn trống và hô vang khẩu hiệu « Cuba tự do ! » và nhiều tiếng hô không đẹp đẽ gì dành cho người vừa nằm xuống.
Ông Pablo Arencibia, một giáo viên 67 tuổi, lưu vong từ 20 năm qua giải thích với AFP : « Vui mừng trước cái chết của người khác là không hay, nhưng con người này (Fidel Castro) lẽ ra không bao giờ nên sinh ra ».
Tuy nhiên, không có nhiều trong cộng đồng người Cuba ở Miami lạc quan nghĩ rằng đất nước Cuba sẽ thay đổi mạnh sau cái chết của Fidel Castro.

Dân Hàn Quốc lại biểu tình đòi tổng thống từ chức

Bất chấp giá lạnh, tuyết rơi, hôm nay 26/11/2016, tại thủ đô Seoul, hàng trăm nghìn người tiếp tục xuồng đường đòi tổng thống Park Geun –Hye từ chức vì vụ bê bối lạm dụng quyền lực.
Theo chính quyền, có khoảng 140 nghìn người tham gia biểu tình, trong khi các nhà tổ chức nói con số này có thể lên tới 1,5 triệu người. Cảnh sát đã huy động gần 3 chục nghìn nhân viên, chặn các ngả vào dinh tổng thống.
Người biểu tình vẫn đủ mọi tầng lớp, từ sinh viên, học sinh, viên chức, cho đến các nhà sư, cùng các khẩu hiệu đòi tổng thống phải từ chức. Họ từ khắp nơi đổ về hướng phủ tổng thống.
Cùng lúc với thủ đô Seoul, nhiều cuộc biểu tình quy mô lớn cũng đã diễn ra tại các thành phố lớn khác trong cả nước. Đây là dợt biểu tình cuối tuần thứ 5 liên tiếp của người Hàn Quốc, kể từ khu bung ra vụ bê bối tổng thống để bà bạn thân Choi Soon-sil lợi dụng quan hệ thao túng chính phủ nhằm thu lợi bất chính và can dự vào công việc quốc gia..
Theo một cuộc thăm dò dư luận thực hiện trong tuần, 9/10 người dân Hàn Quốc muốn tổng thống Park Geun-Hye từ chức vì vụ bê bối hiện nay. Với họ, đất nước phải thuộc về nhân dân, chứ không phải của những người nắm quyền.
Ở bên trong chính trường, không khí chống tổng thống Park cũng đang sôi động.
Có thể trong tuần tới, Quốc hội sẽ tổ chức bỏ phiếu về việc phế truất tổng thống. Ngày càng có nhiều chính trị gia ủng hộ chiến dịch vận động phế truất tổng thống do đối lập khởi xướng. Để có thể phế truất tổng thống, Quốc hội phải có được 2/3 trên tổng số 300 nghị sĩ ủng hộ.

Thượng đỉnh Francophonie khai mạc tại Madagascar

Hôm nay, 26/11/2016, tại thủ đô Antananarivo của Madagascar, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 16 của khối các nước có sử dụng Pháp ngữ, Francophonie, đã chính thức khai mạc với sự tham dự của hơn hai chục nguyên thủ và lãnh đạo chính phủ thành viên. Vấn đề duy trì hòa bình và cuộc chiến chống khủng bố sẽ là những nội dung quan trọng được thảo luận tại thượng đỉnh Pháp ngữ lần này.
Trong diễn văn khai mạc, tổng thống Madagascar đã kêu gọi khối Pháp ngữ hãy « gia tăng gấp bội các sáng kiến vì một thế giới công bằng hơn ». Nước chủ nhà muốn nhấn mạnh đến cuộc khủng hoảng di dân chủ yếu từ châu Phi hiện nay và nguyên nhân sâu xa chính là sự cách biệt giàu nghèo và sự bất bình đẳng trong phát triển giữa các nước.
Tổng thống Pháp François Hollande tập trung bài phát biểu vào kêu gọi các nước trong khối tăng cường hợp tác hình thành mạng lưới chung chống hiện tương cực đoan hóa trước đe dọa khủng bố Hồi giáo cực đoan ngày càng lớn.
Chủ đề bao quát của Thượng đỉnh Pháp ngữ lần này là « Tăng trưởng được chia sẻ, phát triển có trách nhiệm và những điều kiện ổn định của thế giới và của không gian Pháp ngữ ». Tuy nhiên, chủ đề này đã phải nhường chỗ ưu tiên cho nhiều chủ đề mang tính thời sự, như cuộc chiến chống khủng bố.
Tổ chức quốc tế các nước có sử dụng Pháp ngữ (OIF) quy tụ 54 quốc gia thành viên chính thức, 23 nước quan sát viên và 3 thành viên phối hợp. Theo OIF, trên thế giới hiện có gần 274 triệu người nói tiếng Pháp một cách thông thạo.
Đây là lần đầu tiên Madagascar đăng cai Thượng đỉnh Pháp ngữ. Nước này đã bị OIF treo quy chế thành viên từ năm 2009 đến 2014, sau cuộc đảo chính quân sự.
Hội nghị sẽ bế mạc ngày mai với một tuyên bố chung.

Phản ứng quốc tế về cái chết của Fidel Castro

Một trong những lãnh đạo đầu tiên có phản ứng về cái chết của cha đẻ Cách mạng Cuba là tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, đồng minh thân cận nhất của La Habana. Trên trang twitter của ông, tổng thống Maduro kêu gọi “toàn thể các nhà cách mạng của thế giới” tiếp nối “di sản” của Fidel. Ông Maduro cho biết đã đích thân gọi điện cho người em Raul Castro để “chuyển tình đoàn kết và tình yêu thương của Venezuela đến nhân dân Cuba”.
Tại châu Âu, chỉ vài giờ sau khi thông tin Fidel Castro qua đời được loan báo, tổng thống Pháp François Hollande, hiện đang dự thượng đỉnh khối Pháp ngữ ở Madagascar, đã ra thông cáo, xem cựu chủ tịch Cuba đã là hiện thân của Cách mạng Cuba, “với những hy vọng mà cuộc cách mạng này đã dấy lên, và sau đó là với những thất vọng mà nó đã gây ra”.
Tổng thống Hollande cho rằng đối với người dân Cuba ông Fidel Castro đã là “niềm tự hào của một dân tộc chống sự thống trị của ngoại bang”. Thủ tướng Tây Ban Nha Marino Rayoy thì nêu bật “ tầm vóc lịch sử” của Fidel Castro, nhấn mạnh đến ảnh hưởng của ông đối với Cuba và khu vực.
Tại Nga, tổng thống Vladimir Putin cũng đã ra ngay thông cáo, cho rằng ông Fidel Castro đã là “biểu tượng của một thời kỳ” trong lịch sử đương đại của thế giới. Còn cựu tổng thống Liên Xô Mikhail Gorbachev, được hãng tin Interfax trích dẫn, thì ca ngợi Fidel đã biết “củng cố đất nước” và “đương đầu với cuộc phong tỏa của Mỹ”.
Tại châu Á, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, trong một phát biểu được đọc trên truyền hình tối nay, đã tuyên bố rằng ông Fidel Castro, “người đồng chí tốt và chân thành của nhân dân Trung Quốc”, sẽ sống mãi.
Trước khi chính phủ có phản ứng chính thức, báo chí hai nước Trung Quốc và Việt Nam hôm nay đã ca ngợi ông Fidel Castro, nêu lên mối quan hệ đặc biệt giữa cựu chủ tịch Cuba với các chế độ Cộng sản châu Á. Đài truyền hình Nhà nước Trung Quốc CCTV nhắc lại rằng Cuba đã là quốc gia châu Mỹ đầu tiên lập bang giao với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1960. Còn Thông tấn xã Việt Nam thì ca ngợi ông Fidel Castro là một “lãnh tụ vĩ đại”, là “tấm gương sáng chói của các phong trào giành độc lập và phong trào cách mạng của các quốc gia châu Mỹ Latinh và thế giới”.

Fidel Castro, biểu tượng lớn cuối cùng của Cộng sản quốc tế

Huyền thoại của những người Cộng sản Cuba và Mỹ La tinh đã đi vào cõi vĩnh hằng. Sống 90 năm trên cõi đời trong đó 47 năm độc chiếm quyền lực lãnh đạo đất nước, đương đầu với 11 đời tổng thống của Mỹ, luôn sẵn sàng hy sinh tất cả đưa Cuba trên tuyến đầu thách thức người láng giềng hùng mạnh và cả thế giới phương Tây tư bản chủ nghĩa, Fidel Castro thực sự là một gương mặt lớn cuối cùng của chủ nghĩa Cộng sản quốc tế.
Ngay từ ngững ngày đầu tiến hành thành công cuộc Cách mạng Cuba năm 1959, Fidel Castro đã trở thành biểu tượng cho hy vọng của Thế giới thứ ba và các phong trào giải phóng dân tộc ở khắp nơi trên thế giới. Thế nhưng, hình ảnh một chỉ huy trong bộ đồ lính chiến màu xanh ô liu cũng nhanh chóng chuyển thành một nhà lãnh đạo chuyên quyền, độc đoán, từ chối mọi chia sẻ quyền lực, thẳng tay trấn áp đối kháng.
Là con trai của một chủ đồn điền gốc Tây Ban Nha, Fidel Castro Ruz sinh ngày 13/08/1926 tại Biran thuộc tỉnh Oriente (phía đông). Được gia đình cho theo học ở trường dòng Tên, Fidel Castro kết thúc sự nghiệp đèn sách của mình bằng tấm bằng cử nhân luật tại Đại học La Habana.
Ngay khi xảy ra cuộc đảo chính của tướng Fulgencio Batista năm 1952, Fidel cùng với người em Raul quyết định nhảy vào vòng binh lửa để giành quyền lực, tổ chức đấu tranh vũ trang. Ngày 26/07/1953, Fidel chỉ huy một đội quân tấn công trại lính Moncada ở Santiago de Cuba, nhưng không thành. Ông bị bắt và bị kết án 15 năm tù, nhưng chỉ 2 năm sau được ân xá.
Được tự do, Fidel sang Mehico lưu vong, lập căn cứ chuẩn bị lực lượng. Tháng 12 năm 1956, Fidel Castro lãnh đạo một đội quân gồm 81 người, trong đó có nhân vật nổi tiếng người Achentina Ernesto Che Guevara, đổ bộ vào bờ biển phía nam Cuba. Lại một lần nữa thất bại, lãnh đạo Cách mạng Cuba cùng với một nhóm quân còn lại rút vào vùng đồi núi Sierra Maestra lập căn cứ kháng chiến.
Đội quân du kích của Fidel đã kiểm soát được một phần tỉnh Oriente để rồi đến tháng 8 năm 1958 phát động cuộc tổng tấn công nổi dậy mà cuối cùng đã dẫn đến lật đổ chế độc Batista ngày 1 tháng Giêng năm 1959.
Chỉ sau đó 7 ngày, cùng với người em Raul, Che Guevara và nhân vật khá nổi danh Camilo Cienfuegos, Fidel Castro về thủ đô La Habana giành chính quyền. Tháng 2/1959, Fidel nắm chức vụ thủ tướng. Đến năm 1961 Fidel đã tuyên bố Cách mạng Cuba đi theo con đường Chủ nghĩa Xã hội. Năm 1965, ông thành thành lập ra đảng Cộng sản Cuba mới, nắm chức vụ chủ tịch nước và bí thư thứ nhất đảng.
Thập niên 1960 đánh dấu Cuba trở thành tiền đồn của chủ nghĩa Cộng sản chống chủ nghĩa tư bản đế quốc ở phía tây bán cầu. Fidel Castro cho Liên Xô triển khai tên lửa hạt nhân ở Cuba cách bờ đông nước Mỹ có 200 km.
Đó cũng là lý do để Mỹ áp đặt lệnh cấm vận bao vây phong tỏa mọi mặt hòn đảo tự do này cho đến tận giờ. Cuba của Fidel Castro ở những thập niên tiếp sau đó sẵn sàng đưa quân sang châu Phi, tới Mỹ La tinh hay châu Á, để hỗ trợ cho bất kỳ cuộc chiến nào của những người cộng sản chống lại chủ nghĩa tư bản, đế quốc.
Năm 1991, Liên Xô cùng cả khối Cộng sản Đông Âu tan rã, chiến tranh lạnh đã chấm dứt nhưng ở bên kia bán cầu, Fidel vẫn kiên định con đường chủ nghĩa xã hội. Mọi nguồn tài trợ của các nước cộng sản anh em bị cắt đứt nhưng Fidel Castro từ chối mọi sự thay đổi, tiếp tục lãnh đạo đất nước cầm cự trong đói nghèo để đương đầu với « đế quốc Mỹ », với chủ nghĩa tư bản.
Ngày 31/07/2006, tức là khi đã bước vào tuổi 80, sau một ca đại phẫu, sức khỏe suy yếu, Fidel Castro mới tạm thời nhường lại quyền hành cho người em Raul Castro, khi đó đương chức bộ trưởng Quốc phòng. Phải đợi đến 4 năm sau, quyền hành của Raul được người anh trao lại mới được chính thức hóa và cũng phải đợi đến tháng 4/ 2011, Fidel Castro mới chính thức rời bỏ chức vụ bí thư thứ nhất đảng Cộng sản Cuba.
Cho đến tận những ngày cuối cuộc đời, được chứng kiến tiến trình bình thường hóa quan hệ với Mỹ, Fidel Castro vẫn tỏ ra dửng dưng trước sự kiện lịch sử, vẫn hoài nghi về thiện chí của tổng thống Barack Obama và có lẽ trong đó có cả nỗi lo cuộc Cách mạng Cuba của ông sẽ bị người Mỹ phá hỏng.

Fidel Castro ra đi, lịch sử Cuba sang trang

Với việc cha đẻ của Cách mạng Cuba Fidel Castro qua đời hôm qua, 25/11/2016, Cuba lật qua một trang sử mới, bởi vì lần đầu tiên chủ tịch Raul Castro thật sự nắm quyền một mình. Theo lời chủ tịch Quốc hội Cuba Ricardo Alarçon nói vào cuối năm 2011, kể từ khi được chỉ định làm chủ tịch Cuba năm 2006, ông Raul Castro vẫn tham khảo ý kiến của người anh trước khi ra những quyết định quan trọng.
Tuy vậy, ông Raul Castro, năm nay 85 tuổi, từ 10 năm nay đã âm thầm thúc đẩy tiến trình xích lại gần Hoa Kỳ, được chính thức thông báo vào tháng 12 năm ngoái, cho thấy ông có một đường lối rất thực dụng, khác hẳn với tư tưởng chống Mỹ đến cùng của người anh Fidel.
Theo nhận định của ông Michael Shifter, chủ tịch trung tâm Inter-American Dialogue, nói với hãng tin AFP hôm nay, 26/11/2016, sau cái chết của Fidel, tình hình kinh tế và chính trị của Cuba sẽ được cởi mở hơn. Nó sẽ trút đi một gánh nặng cho ông Raul Castro. Kể từ nay ông không còn sợ nói trái ý người anh nữa.
Tuy nhiên ông Shiffer cảnh báo rằng cái chết của Fidel chắc chắn sẽ dẫn đến nhiều xung đột, đấu đá giữa những người đang nắm quyền ở Cuba: “ Raul sẽ rộng tay hành động hơn, nhưng các đối thủ chính trị của ông cũng vậy.”
Chuyên gia về Cuba thuộc đại học Texas Arturo Lopez Levy thì không tin vào ảnh hưởng của ông Raul, người đã tuyên bố là sẽ rút lui vào năm 2018. Ông Levy dự đoán, sau cái chết của Fidel, việc mở cửa cho kinh tế thị trường và bãi bỏ những trói buộc của những quy định Cộng sản sẽ được thúc đẩy. Không còn sức hấp dẫn của Fidel nữa, tính chính đáng của Đảng Cộng sản Cuba sẽ chỉ còn dựa trên thành quả kinh tế. Tuy vậy, tác động lên nhịp độ và bản chất các cải tổ của Raul Castro sẽ rất hạn chế.
Đối với nhà đối lập ôn hòa Miriam Leyvan, cái chết của Fidel Castro có thể giúp gạt sang một bên những thành phần thủ cựu của chế độ, vốn chống lại những thay đổi. Bà Leyvan tin rằng đây là cơ hội để Cuba mở cửa xã hội hơn nữa và tiến nhanh hơn trên con đường cải tổ.

TT Mỹ chia buồn với nhân dân Cuba

về cái chết của lãnh tụ Fidel Castro

Tổng thống Obama đã ngỏ lời chia buồn với nhân dân Cuba về cái chết của lãnh tụ cách mạng Cuba Fidel Castro.
Ông Obama cho biết sẽ tiếp tục các nỗ lực nhằm bình thường hoá các quan hệ bang giao với đảo quốc này.
Tổng Thống Obama nói trong một thông báo:
“Ngày hôm nay, chúng tôi xin chia buồn cùng gia đình Castro, và cầu nguyện cho nhân dân Cuba. Trong những ngày sắp tới, chúng ta sẽ nhắc lại quá khứ nhưng cũng sẽ hướng tới tương lai. Nhân dân Cuba nên biết rằng họ có một người bạn và đối tác nơi Hoa Kỳ.”
Biết rằng người Cuba tại Mỹ và trong nước có những xúc cảm lẫn lộn về di sản mà ông Castro để lại, ông Obama không ca tụng mà cũng không lên án ông Castro như một số nhà lãnh đạo thế giới. Thay vào đó ông nói ông sẽ để cho lịch sử phán xét ảnh hưởng của ông Castro đối với thế giới.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, ông đã cật lực làm việc để bỏ quá khứ lại sau lưng để theo đuổi tương lai trong đó quan hệ giữa hai nước không được định nghĩa bằng những sự khác biệt mà qua nhiều lĩnh vực mà hai bên cùng chia sẻ trong tư cách là láng giềng và bạn của nhau, ông đơn cử liên hệ huyết thống giữa người Cuba sống lưu vong ở Mỹ và người Cuba trong nước, và những giá trị chung trong các lĩnh vực văn hoá, thương mại, và quan hệ giữa người với người.
Ông Fidel Castro qua đời hôm thứ Sáu 25/11, thọ 90 tuổi.
Trước khi qua đời, ông đã làm việc với ông Obama để tái lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. TT Obama đi thăm Cuba trước đây trong năm, đánh dấu lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đặt chân lên lãnh thổ Cuba từ khi Tổng thống Calvin Coolidge đến thăm Cuba vào năm 1928.
Tổng Thống Obama đã dồn nỗ lực để tái lập quan hệ với Cuba, sự tan băng của mối quan hệ song phương được coi là một phần trong di sản về chính sách đối ngoại mà Tổng thống Obama để lại sau khi rời Toà Bạch Ốc.

Toán chuyển tiếp vẫn lưỡng lự

về việc nên chọn ai làm Ngoại trưởng

Trong khi các thành viên trong toán chuyển tiếp tiếp tục tranh cãi về việc nên cử ai vào chức vụ Ngoại Trưởng, Tổng thống tân cử Donald Trump hôm thứ Sáu loan báo hai nhân vật mới được ông đề cử vào nội các chính phủ.
Bà Kathleen Troia “KT” McFarland sẽ phục vụ trong vai Phó Cố vấn An ninh Quốc gia, và ông Donald F. McGahn sẽ là Trợ lý của Tổng thống và luật sư của Toà Bạch Ốc.
Hai chức vụ này không cần được Thượng viện chuẩn thuận.
Trong một thông báo, ông Trump đơn cử “kinh nghiệm và khả năng thiên phú” của ông McGahn, nói rằng ông là một luật sư xuất sắc, là người có cá tính tốt và hiểu biết sâu rộng về luật hiến pháp.
Từng bị chỉ trích vì đã chọn những cộng sự không có kinh nghiệm, ông Trump nêu bật rằng bà McFarland, 65 tuổi, đã phục vụ dưới 3 vị Tổng thống Mỹ, mặc dù bà không làm việc dưới quyền một vị Tổng thống nào sau ông Ronald Reagan.
Bà McFarland là một nhà phân tích về an ninh và cộng tác viên của chương trình tin tức đài Fox. Bà được Đảng Cộng hoà đề cử để giành một ghế tại Thượng viện Mỹ ở New York vào năm 2006.
Ông McGahn, cựu chủ tịch Uỷ ban bầu cử liên bang, là luật sư của ông Trump trong chiến dịch tranh cử, và là một trong ít đảng viên Đảng Cộng hoà hoàn toàn ủng hộ ông Trump, một người không hề làm việc với chính quyền.
Trước khi tham gia chiến dịch tranh cử của ông Trump, ông McGahn là luật sư nồng cốt của Phòng Thương mại Freedom Partners của anh em Koch.
Ông đã từng giúp ông Trump thương thuyết các hợp đồng thương mại để mở các sòng bài ở Atlantic City.
Giờ đây, nhiệm vụ của ông là tháo gỡ những dây dưa liên quan tới những vụ xung đột về lợi ích tiềm tàng trong chính phủ mới do tỷ phú địa ốc Donald Trump lãnh đạo.
Ông Trump sở hữu nhiều tài sản trên khắp thế giới, làm dấy lên những quan ngại về những dự án đầu tư của ông có thể ảnh hưởng tới các quyết định của ông trong cương vị Tổng thống Mỹ.
Ông Trump cũng đang tìm cách để tránh né luật chống gia đình trị của chính phủ liên bang để có thể giao một vai trò tại Toà Bạch Ốc cho con rể Jared Kushner.
Trong khi đó hiện vẫn chưa rõ ai sẽ được giao trọng trách đứng đầu Bộ Ngoại giao dưới quyền Tổng thống Trump vì đang có những bất đồng trong toán chuyển tiếp của ông.
Một bên trong toán chuyển tiếp muốn chọn ông Mitt Romney trong khi phe còn lại muốn chọn cựu thị trưởng New York Rudolph Giuliani.
Cố vấn Kellyanne Conway của ông Trump tỏ ra không tin tưởng vào ông Romney và đặt nghi vấn về sự trung thành của ông đối với ông Trump.
Bên chống đối ông Giuliani nói ông không có kinh nghiệm và những quan hệ thương mại của ông sẽ gây rắc rối cho tiến trình chuẩn thuận tại Thượng viện.

Đánh bom tự sát

tại một căn cứ quân sự Pakistan gần Afghanistan

Quân đội Pakistan cho hay một vụ tấn công tự sát xảy ra sáng sớm thứ Bảy 26/11 vào một căn cứ của họ trong khu vực gần biên giới với Afghanistan, đã giết chết 4 kẻ tấn công và hai binh sĩ chính phủ.
Theo một thông báo của chính phủ, toán đánh bom được vũ trang hạng nặng đã tìm cách xông vào căn cứ Ghalani ở quận Mohmand của người bộ tộc, tấn công một ngôi đền đông người tại một khu dân cư,
Thông báo của chính phủ Pakistan còn cho hay là các lực lượng an ninh đã chạm súng và bao vây toán vũ trang bên trong một sân ngoài ngôi đền, giết chết 2 kẻ tấn công trong khi hai hung thủ khác kích nổ bom mang trên người trong một vụ chạm súng dữ dội.
Quân đội xác nhận 2 binh sĩ chính phủ và 14 người khác bị thương trong vụ xung đột.
Một phe phái cực đoan sát cánh với quân Taliban ở Pakistan chống chính phủ, tuyên bố đã thực hiện cuộc tấn công.
Phe phái có tên là Jamaat-ul-Ahrar đã gửi thông báo tới báo chí nói rằng căn cứ quân sự của Pakistan đã bị tấn công vì đây là một trung tâm “giam giữ và tra tấn” để nhốt các chiến binh Taliban và thân nhân của họ.
Nhóm này đã thực hiện nhiều vụ tấn công ở Pakistan, nhắm vào thường dân, các thiểu số tôn giáo và các lực lượng an ninh.
Nhà chức trách Pakistan tố cáo nhóm này là chứa chấp và hoạt động ở các vùng ven biên giới ở Afghanistan với sự giúp đỡ của cơ quan tình báo Afghanistan.
Kabul bác bỏ cáo buộc này.
Trước đây trong năm, Hoa Kỳ đã ghi tên nhóm Jamaat-ul-Ahrar trên danh sách các tổ chức khủng bố quốc tế của Mỹ, sau khi nhóm này nhận trách nhiệm về một vụ tấn công đánh vào lãnh sự quán Mỹ tại Peshawar. Trong vụ này, 2 nhân viên người Pakistan làm việc tại lãnh sự quán Mỹ bị giết chết.

Xe chở binh lính của Singapore

bị Bắc Kinh chặn giữ ở Hong Kong

Bắc Kinh hôm thứ Sáu cảnh báo các nước chớ duy trì quan hệ quân sự với Đài Loan, sau khi những chiếc xe bọc thép chở binh lính của Singapore bị chặn giữ trong khi đang trên đường vận chuyển từ hòn đảo này, nơi mà Bắc Kinh coi là một tỉnh ly khai.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết Bắc Kinh đang xác minh những báo cáo nói rằng hải quan Hong Kong đã tịch thu chín xe chở binh lính của Singapore và những thiết bị khác trong 12 công-ten-nơ được vận chuyển từ Đài Loan sau những cuộc tập trận quân sự.
Bộ Quốc phòng Singapore hôm thứ Năm cho biết họ đang tìm cách để những chiếc xe này được thả ra “một cách nhanh chóng”, trong khi hải quan Hong Kong hôm thứ Sáu nói rằng viên chức của họ vẫn đang điều tra lô hàng.
Bộ Ngoại giao Singapore chuyển những câu hỏi của báo giới sang cho Bộ Quốc phòng. Còn Bộ quốc phòng thì không bình luận gì ngoài thông cáo chính thức của mình.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói: “Việc xuất nhập cảnh của người và hàng hóa nước ngoài trong đặc khu hành chính Hong Kong phải tôn trọng luật pháp có liên quan.”
“Tôi muốn nhắc lại rằng chính phủ Trung Quốc nhất quán và kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức trao đổi chính thức nào, bao gồm trao đổi và hợp tác quân sự, giữa các quốc gia mà chúng tôi có quan hệ ngoại giao và khu vực Đài Loan.”
Vụ chặn giữ xảy ra giữa lúc bất ổn trong khu vực đang gia tăng và có những dấu hiệu cho thấy căng thẳng lên cao giữa Trung Quốc và Singapore. Singapore đã củng cố mối quan hệ an ninh với Mỹ vào năm ngoái và vẫn lo ngại về lập trường lãnh thổ quyết đoán của Bắc Kinh ở Biển Đông.
Những nguồn tin ngoại giao trong khu vực cho biết các quan chức Trung Quốc đặc biệt lo ngại về việc Singapore tiếp đón máy bay trinh sát P-8 Poseidon của Mỹ được điều động tới đây ngày càng nhiều. Những máy bay này được trang bị nhiều cảm biến mà có thể nhắm mục tiêu vào hạm đội tàu ngầm đang bành trướng của Trung Quốc đặt ở đảo Hải Nam.
Trong một diễn biến bất thường, những quan chức của hai phía đã công khai chỉ trích lẫn nhau trong những tháng gần đây. Đại sứ Singapore ở Trung Quốc hồi tháng 9 cáo buộc một tờ báo nhà nước của Trung Quốc đã bịa đặt một báo cáo về lập trường của Singapore đối với Biển Đông.
Những nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần yêu cầu những người tương nhiệm Singapore không xen vào tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông, nơi mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với những vùng biển và đảo mà Philippines, Việt Nam, Malaysia và Brunei cũng tuyên bố chủ quyền.
Singapore không có tuyên bố chủ quyền, nhưng là hải cảng lớn nhất ở Đông Nam Á, nền kinh tế mở của nước này lệ thuộc vào việc duy trì tự do hàng hải trong khu vực.
Manila và Kuala Lumpur hiện là đối tượng nhắm tới trong nỗ lực ve vãn ngoại giao của Trung Quốc. Việc này làm phức tạp thêm tình hình cho Singapore cũng như việc ông Donald Trump đắc cử tổng thống Mỹ càng làm cho những bất định chiến lược thêm trầm trọng, theo nhận định của những nhà ngoại giao và những nhà phân tích khu vực.

Hơn 40 người chết trong vụ đâm tàu lửa ở Iran

Ít nhất 43 người thiệt mạng hôm thứ Sáu trong một vụ đâm tàu lửa ở tỉnh Semman thuộc vùng bắc trung bộ của Iran. Hơn 100 người khác đã được đưa vào bệnh viện sau vụ tai nạn.
Truyền hình nhà nước Iran chiếu cảnh bốn toa tàu trật đường ray, với hai toa đang bốc cháy. Những toán cứu hộ làm nhiệm vụ gần những toa đang bốc cháy.
Vụ tai nạn xảy ra trên tuyến đường chính giữa thủ đô Tehran và thành phố lớn thứ hai Mashhad, khi một đoàn tàu chở khách đang di chuyển đâm vào một đoàn tàu tốc hành đã dừng lại tại trạm vì trục trặc máy móc.
Tỉnh trưởng Mohammad Reza Khabbaz nói với truyền hình nhà nước rằng số người thương vong sẽ tăng lên và thời tiết lạnh có thể góp phần gây ra vụ tai nạn.
“Cuộc điều tra sơ khởi cho thấy máy bị hỏng, có thể là do trời lạnh, đã buộc tàu tốc hành hoạt động giữa thành phố Tabriz và Mashhad phải dừng lại,” ông Khabbaz nói.
Nhưng hãng tin AP đưa tin một đại biểu quốc hội từ khu vực này gợi ý rằng những quan chức tại nhà ga xe lửa Semnan có thể đã cho phép nhầm một trong hai đoàn tàu lăn bánh quá sớm.
Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã ra một thông cáo gửi lời chia buồn tới gia đình những nạn nhân.
Theo hãng tin AP, Iran báo cáo trung bình khoảng 17.000 ca tử vong mỗi năm vì tai nạn giao thông. Tỉ lệ tai nạn cao chủ yếu là do người lái xe không tuân thủ luật giao thông, xe cũ và dịch vụ cấp cứu không đủ tốt.
Những biện pháp trừng phạt của quốc tế nhắm vào chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran trong những năm qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng của nước này, bao gồm cả đường bộ và mạng lưới đường sắt.

Ủy ban bầu cử Wisconsin nhận yêu cầu kiểm phiếu lại

Ủy ban bầu cử bang Wisconsin nhận yêu cầu kiểm phiếu lại sau chiến thắng sít sao của ông Donald Trump hơn hai tuần trước.
Yêu cầu này do ứng viên đảng Xanh Jill Stein đề đạt.
Bà Stein, cũng là bác sĩ, hứa hẹn sẽ yêu cầu kiểm phiếu lại ở các bang Michigan và Pennsylvania.
Tuy vậy, nếu chỉ giành chiến thắng ở Wisconsin, bà Hillary Clinton cũng không lật ngược được tình thế – vì bang này chỉ có 10 phiếu đại cử tri.
Nhưng nếu chiến thắng ở Wisconsin, Michigan (16 phiếu đại cử tri) và Pennsylvania (20 phiếu đại cử tri), bà mới có cơ may đem lại chiến thắng cho đảng Dân chủ.
Ủy ban Bầu cử Wisconsin thông báo trên Twitter: “Ủy ban đã nhận được kiến ​​nghị kiểm lại phiếu từ bà Stein và chính khách Del La Fuente.”
Họ nói thêm rằng sẽ công bố thêm chi tiết trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, bà Stein viết trên Twitter rằng việc tái kiểm phiếu sẽ bắt đầu vào tuần tới.
Hôm 25/11 là hạn chót để nộp yêu cầu.
Bà Stein cần huy động hàng triệu đôla trang trải chi phí cho việc kiểm phiếu lại tại cả ba tiểu bang này.
Website của bà cho hay đã quyên được 5,3 triệu đôla và đang hướng tới mục tiêu 7 triệu đôla. Họ nói khoản tiền này đủ trả cho việc tái kiểm phiếu ở Wisconsin và Pennsylvania.
‘Không bình luận’
Luật sư John Bonifaz và J Alex Halderman, những người thúc giục việc tái kiểm phiếu, cho biết kết quả cần được phân tích thật kỹ.
Thực tế việc kết quả tại ba bang nêu trên trái với thăm dò trước đó “có lẽ không” phải là do bị hack, ông Halderman nói.
Trước hôm bầu cử cũng đã có những quan ngại về khả năng Nga can thiệp vào kết quả cuộc bỏ phiếu.
“Cách duy nhất để biết liệu một cuộc tấn công mạng có làm thay đổi kết quả là phải kiểm tra thật kỹ số phiếu,” ông viết.
Hạn chót yêu cầu tái kiểm phiếu tại Pennsylvania là hôm 28/11, và Michigan hôm 30/11.
Các quan chức Mỹ cho biết không có bằng chứng gian lận bầu cử tại ba tiểu bang mà ông Donald Trump thắng sít sao.
Chiến dịch của ông Trump không bình luận về vấn đề kiểm phiếu lại.
Ông Trump giành 290 phiếu đại cử tri trong cuộc bầu cử, trong khi bà Clinton chỉ nhận được 232 phiếu.
Michigan chưa công bố kết quả cuối cùng.

‘Tin vịt’ lên ngôi và sự trăn trở ở phương Tây

Nguyễn HùngBBC
Cùng với với việc tỷ phú Donald Trump chuẩn bị bước vào Nhà Trắng, truyền thông phương Tây mấy tuần nay vò đầu bứt tai tự hỏi ‘vì sao đến nỗi này’.
Nhiều người Việt Nam theo dõi truyền thông Hoa Kỳ hẳn nhận thấy giới truyền thông dự đoán, và có thể cả mong đợi, một tổng thống Clinton mới chứ không phải tỷ phú họ Trump.
Cho tới ngay trước ngày bầu cử báo New York Times còn ‘chat’ với tôi qua dịch vụ hỏi đáp tin tức tự động trên Facebook Messenger và đưa ra các kết quả thăm dò cho thấy bà Clinton có tới 84% cơ hội trong khi tỷ phú gốc Đức chỉ có 16%.
Kết quả gây sốc khiến chính New York Times và truyền thông phương Tây nói chung phải tự vấn và tìm câu trả lời cho hai câu hỏi:
Tại sao các nhà thăm dò ý kiến và cả truyền thông nói chung lại có thể dự đoán sai đến thế?
Tin vịt có ảnh hưởng tới đâu trong chiến thắng của tỷ phú Trump?
‘Hậu sự thật’
Để trả lời câu hỏi thứ nhất, cựu Giám đốc tin tức và thời sự của BBC Richard Sambook, hiện là Giáo sư báo chí của Đại học Cardiff, có bài ‘Sao truyền thông có thể sai đến thế về Trump và Brexit‘.
Ông Sambrook nói các hãng truyền thông lớn thay vì đứng ngoài để đưa tin thì đã thành “một phần của bong bóng chính trị/người nổi tiếng” và mất đi tính độc lập và khả năng thách thức các chính trị gia và người nổi tiếng”.
Giáo sư Sambrook cũng cho rằng nhiều phóng viên giờ ngồi trước màn hình máy tính để lấy tin thay vì bỏ nhiều thời gian gặp mặt trực tiếp những người liên quan hoặc gián tiếp nói chuyện với thật nhiều người như vậy.
Nhưng cũng có những ý kiến phản hồi nói rằng một số ủng hộ viên của ông Trump không đếm xỉa gì đến sự thật.
Trong bài viết ngay từ tháng Tám, cây viết xã luận David Ignatius trên Washington Post dẫn các nghiên cứu cho rằng những cố gắng để tránh gây hiểu nhầm chỉ càng làm mọi người hiểu nhầm thêm vì những cố gắng này có tác dụng ngược.
Trong khi đó Từ điển Oxford mới đây chọn từ ‘hậu sự thật’ là từ của năm sau kết quả bầu cử ở Mỹ và trưng cầu dân ý ở Anh.
Báo The Guardian của Anh viết về sự kiện này:
“Được từ điển định nghĩa là một tính từ “liên quan tới hay chỉ các hoàn cảnh trong đó những chứng cứ khách quan ít có ảnh hưởng đối với công luận hơn so với việc kích thích cảm xúc và niềm tin cá nhân của họ, các biên tập viên nói tần suất sử dụng thuật ngữ “hậu sự thật” tăng khoảng 2.000% trong năm 2016 so với năm trước đó.”
Tờ báo cũng dẫn lời Từ điển Oxford nói ‘khái niệm ‘hậu’ trong hậu sự thật’ không giống như hậu trong ‘hậu chiến’ chẳng hạn. ‘Hậu sự thật’ được cho là “thuộc về thời điểm mà trong đó khái niệm cụ thể [ở đây là sự thật] trở nên không quan trọng hoặc không còn liên quan”.
Tin vịt
Ở phía bên kia của hậu sự thật là sức lan tỏa diệu kỳ của tin vịt.
Hồi giữa tháng 11, trang tin Vox của Hoa Kỳ chạy tít “Trump hiểu điều nhiều người không hiểu: Người ta không quyết định dựa trên sự thật’.
“…Chúng ta thường bị cảm xúc và các định kiến dẫn dắt. Con người cũng hay có xu hướng phớt lờ sự thật để tiếp tục nhìn thế giới theo cách suy nghĩ mà chúng ta đã có sẵn. Và chỉ đơn thuần đưa ra những thông tin đúng đắn để phản bác những định kiến sẵn có đó thường là không đủ để chặn sự lan tỏa của tin vịt.”
Báo New York Times hôm 20/11 có bài dài tìm hiểu về tin vịt và mở đầu với câu chuyện doanh nhân Eric Tucker ở Texas đã dựng lên chuyện người ta được trả tiền và được xe buýt chở đi để biểu tình chống Tổng thống đắc cử Donald Trump, người được cho là cũng vào hùa với ông Tucker.
New York Times nói ông Tucker lúc đó chỉ có 40 người hâm một trên Twitter nhưng tin nhắn của ông đã được 16.000 lượt chia sẻ. Còn trên Facebook số lượt chia sẻ lên tới 350.000.
Cuối cùng ông Tucker đã xóa tin nhắn, theo New York Times, nhưng tin vịt đó đã lan tỏa quá rộng.
Tờ báo nổi tiếng ở Hoa Kỳ nói sự thật là ông Tucker đã chụp ảnh một đoàn xe buýt ông thấy ở Austin, bang Texas vì thấy lạ.
Nhưng ông không biết đó thực ra là xe chở khách tới hội nghị có 13.000 người tham dự của một hãng phần mềm.
Ông Tucker cũng nói ông đã thử tìm qua Google xem có hội nghị nào diễn ra trong thành phố không nhưng không thấy và kết luận là các cuộc biểu tình chống ông Trump ở Austin và các xe buýt chở người đó có liên quan.
Ông cũng nghĩ ông chỉ là một người bình thường với số người hâm một ít ỏi.
Hậu tin vịt?
Sự lan tỏa chóng mặt của tin vịt khiến phần đông truyền thông chính thông lên tiếng cảnh báo công chúng về sự tồn tại cũng như cách nhận biết tin vịt.
Huffington Post hôm 22/11 đưa ra chín điều cần làm để tránh bị lừa tin tức.
Đừng chỉ đọc tít không thôi.
Xem hãng tin nào đăng tải
Xem ngày giờ đăng
Ai là tác giả
Nguồn và đường dẫn ở đâu ra
Đề phòng ảnh và lời dẫn có vấn đề
Để ý xu hướng tin ngay vì định kiến của bản thân
Tìm xem các hãng tin khác có đưa không
Suy nghĩ trước khi chia sẻ
Hufftington Post dường như cho rằng nếu làm như vậy người ta sẽ không bị bẫy bởi các tin vịt như Giáo hoàng Francis ủng hộ ông Donald Trump hay Tỷ phú George Soros tuyên bố sẽ tài trợ các nhóm thù ghét người da đen.
Cũng hôm 22/11, BBC đăng bài hướng dẫn cách báo cho Facebook và Googlebiết nếu quý vị bắt gặp tin vịt.
Phía trên các thông điệp trên Facebook, ở phía bên phải tên chủ tài khoản, có nút bấm để hiện các lựa chọn và lựa chọn cuối cùng là để báo lên Facebook. Sau khi đã chọn báo cho Facebook, người dùng sẽ cần chọn lý do mà trong trường hợp này là tin, bài, ảnh hay video ‘không nên có mặt trên Facebook’ và lựa chọn trên màn hình tiếp theo là tin giả mạo.
Ông chủ Mark Zuckerberg của Facebook cũng nói công ty này sẽ có những hành động để việc thông báo tin giả mạo lên Facebook dễ dàng hơn cũng như tăng cường khả năng nhận biết tin giả mạo của chính Facebook.
Nhưng câu hỏi mà nhiều người đặt ra là ảnh hưởng của tin vịt tới đâu trong các diễn biến bầu cử ở Mỹ và trước đó là trưng cầu dân ý ở Anh trong tương quan với sự thất vọng với hệ thống chính trị nói chung, định kiến của công chúng và cả hậu sự thật.
Và nếu vậy câu hỏi tiếp theo có thể là liệu có phải chúng đang sống trong thời đại vừa hậu sự thật lẫn hậu tin vịt mà trong đó sự chán chường và thất vọng với thực tại lên ngôi và số đông đang sống với bong bóng hy vọng?

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?