Tin khắp nơi – 28/11/2016tin

Tin khắp nơi – 28/11/2016

Tranh cử tổng thống Pháp 2017,

François Fillon đại diện phe hữu

Cánh hữu truyền thống của Pháp đã chọn xong ứng cử viên tổng thống. Trong vòng 2 cuộc bầu sơ bộ ngày 27/11/2016, François Fillon nhân vật có lập trường thiên hữu nhất trong đảng « Những người Cộng Hoà » đã về nhất với 66,5% phiếu. Đối thủ phe ôn hoà Alain Juppé chỉ được 33,5%.
François Fillon, 62 tuổi, thủ tướng Pháp trong suốt nhiệm kỳ của tổng thống Nicolas Sarkozy 2007-2012 sẽ là ứng cử viên của cánh hữu Pháp trong cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 5/2017 và sẽ có nhiều cơ may là chủ nhân mới của điện Elysée.
Trong vòng hai bầu sơ bộ, dân biểu Paris đã giành được gấp đôi số phiếu, trong tổng số hơn 4,2 triệu cử tri tham dự so với thị trưởng Bordeaux.
Vào lúc 22 giờ đêm, hai đối thủ đã gặp nhau tại trụ sở của ủy ban đặc trách tổ chức bầu sơ bộ để bắt tay biểu hiện tinh thần « tập hợp đoàn kết » sau một chiến dịch tranh cử nội bộ khá gay gắt.
Nhà « vô địch » của phe hữu cộng hoà đã dành những lời lẽ nhã nhặn cho hai đối thủ nặng ký nhất là cựu tổng thống Nicolas Sarkozy, bất ngờ bị loại ở vòng một, và cựu thủ tướng AlainJuppé, thua ở vòng hai.
Trong bối cảnh chỉ còn 6 tháng là bầu cử tổng thống, François Fillon với những chủ trương cải cách kinh tế, xã hội « cực kỳ tự do » theo mô hình cánh hữu bảo thủ Anh trong hai thập niên 1980 – 1990 tuyên bố, ông « cần tất cả mọi người » để chiến thắng cánh tả và chận đường phe cực hữu.
Cương lĩnh tranh cử đề ra một số cải cách hứa hẹn nhiều đau đớn : hủy bỏ 500.000 việc làm trong lĩnh vực công, tăng thuế TVA, bỏ luật lao động 35 giờ mỗi tuần, tăng tuổi về hưu từ 62 lên 65…

Trung Quốc phản đối Singapore hợp tác quân sự với Đài Loan

Sau vụ chiếc tàu chở nhiều xe vận tải và thiết bị quân sự, trên đường từ Đài Loan trở về Singapore bị tạm giữ ở Hồng Kông trong tuần trước, chính quyền Bắc Kinh vào hôm nay, 28/11/2016, đã phản đối Singapore hợp tác quân sự với Đài Loan, mà Trung Quốc coi là một tỉnh của Hoa lục.
Theo AFP, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Cảng Sảng (Geng Shuang), nói với các nhà báo tại Bắc Kinh là Trung Quốc phản đối « mọi hình thức trao đổi với Đài Loan, kể cả trao đổi và hợp tác quân sự » và yêu cầu Singapore « tôn trọng nguyên tắc một nước Trung Hoa ».
Theo bộ Quốc Phòng Singapore, một chiếc tàu chở các xe vận tải quân sự và các thiết bị quốc phòng khác của Singapore đã bị giữ lại tại Hồng Kông từ thứ Tư, 23/11, theo yêu cầu khám xét của hải quan. Đây là các xe vận tải quân sự mà quân đội Singapore sử dụng trong các cuộc luyện tập ở nước ngoài.
Theo báo chí Hồng Kông, quân đội Singapore đã luyện tập ở Đài Loan và sau đó, đưa các phương tiện quân sự này về nước.
Năm 1974, Singapore và Đài Loan đã ký thỏa thuận « Project Starlight », theo đó, mỗi năm, Singapore có thể đưa tới 15 ngàn binh sĩ tới Đài Loan để luyện tập với quân đội của Đài Bắc. Trong những năm gần đây, Singapore lại có quan hệ quân sự chặt chẽ với Bắc Kinh. Năm 2014, quân đội Trung Quốc và Singapore tổ chức tập trận chung.
Hoàn Cầu Thời Báo, hôm nay, cho rằng thật là phi lý khi Singapore duy trì trao đổi hợp tác quân sự với Đài Loan kể từ khi Singapore thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc năm 1990. Tờ báo cáo buộc Singapore là « giả dối » và đe dọa là các biện pháp trừng phạt sẽ gây « ảnh hưởng nặng nề đối với nền kinh tế Singapore ».

Tổng thống tân cử Donald Trump lại lên tiếng

tố cáo bầu cử gian lận

Dù đắc cử tổng thống Mỹ nhân cuộc bầu cử ngày 08/11/2016, ngày 27/11/2016, ông Donald Trump lại bất ngờ tố cáo hiện tượng « bầu cử gian lận » khi cho rằng sở dĩ ông « không thắng phiếu phổ thông » trong cuộc bầu cử vừa qua, đó là vì có gian lận, trong đó có « hàng triệu người đi bầu bất hợp pháp ».
Theo kết quả bầu cử ngày 08/11, ông Donald Trump đã thắng bà Hillary Clinton nhờ phiếu đại cử tri và trở thành tổng thống Mỹ, nhưng lại thua bà về số phiếu phổ thông – tức là của cử tri – thua đến 2 triệu phiếu, theo kết quả vẫn chưa hoàn chỉnh.
Ông Trump không chấp nhận điều đó và đã phản đối qua mạng Twitter: « Tôi không chỉ thắng lớn về phiếu đại cử tri, mà còn thắng luôn về số phiếu phổ thông, nếu trừ đi hàng triệu người đã bỏ phiếu bất hợp pháp. »
Ông Trump đã từng tố cáo khả năng gian lận khi ông còn vận động tranh cử, nhưng đây là lần đầu tiên ông tố cáo bầu cử gian lận cho dù ông là người chiến thắng. Vấn đề là ông không đưa ra bằng chứng cụ thể có gian lận ồ ạt như vậy.
Lời cáo buộc được đưa ra trong bối cảnh Đảng Xanh chính thức nộp đơn đòi kiểm lại phiếu bầu ở tiểu bang Wisconsin, sau khi những thông tin về một số vấn đề tại một số nơi bầu bằng phiếu giấy so với những nơi bầu bằng máy. Giới chức bầu cử tại Wisconsin xác nhận sẽ có kiểm phiếu lại.
Nỗ lực của Đảng Xanh đã bị ông Trump tố cáo là trò lừa bịp.

Liên Hiệp Quốc điều tra

về việc Thổ Nhĩ Kỳ tra tấn tù nhân

Hôm qua, 27/11/2016, Liên Hiệp Quốc đã gởi một báo cáo viên độc lập về tra tấn đến Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Nils Melzer, trong vòng 6 ngày sẽ đến thăm các trụ sở cảnh sát, trại tù và trung tâm tạm giam. Chuyến đi này được thực hiện theo lời mời của chính quyền Ankara, vốn dĩ chối bỏ hoàn toàn các cáo buộc tra tấn tù nhân sau vụ đảo chính hụt ngày 15/7/2016.
Từ Istanbul, thông tín viên RFI, Anne Andlauer, cho biết thêm :
Mười ngày sau chuyến thăm Ankara của báo cáo viên đặc biệt tại Liên Hiệp Quốc về tự do ngôn luận, sẽ đến lượt một báo cáo viên khác về tra tấn đến Thổ Nhĩ Kỳ, thực hiện một đợt công tác kéo dài nhiều ngày chưa từng có kể từ 20 năm qua. Liên Hiệp Quốc bày tỏ mối quan ngại về tình trạng nhân quyền tại Thổ Nhĩ Kỳ sau mưu toan đảo chính bất thành.
Nhiều tổ chức phi chính phủ trong nước và quốc tế không ngừng báo động công luận về cách đối xử dành cho hàng chục ngàn người bị bắt từ trung tuần tháng 7/2016.
Ngay hôm sau cú đảo chính bất thành, tổ chức bảo vệ nhân quyền Amnesty International từng khẳng định đã tập hợp đủ các « chứng cớ đáng tin » xác nhận trường hợp tra tấn, kể cả hãm hiếp trong các trại giam. Tổ chức yêu cầu để cho các nhà quan sát độc lập được tiếp cận.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ luôn kịch liệt phủ nhận các cáo buộc, yêu cầu các tác giả đưa ra bằng chứng cụ thể – địa điểm, ngày giờ, tên các nạn nhân và những người được cho là đao phủ. Kể từ sau vụ đảo chính hụt, chính quyền Ankara đã sa thải hay đình chỉ hơn 125 000 công chức được tuyển dụng trong quân đội, cơ quan hành chính hay tư pháp. Khoảng chừng 36 000 người nghi phạm hiện đang bị giam giữ chờ đưa ra xét xử.

Thủ tướng Lào công du Trung Quốc

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith đã đến Trung Quốc ngày 28/11/2016, bắt đầu một chuyến công du 4 ngày. Do việc Lào là một nước bị coi là thân Trung Quốc, đặc biệt trên hồ sơ Biển Đông nhạy cảm, giới quan sát đang chú ý xem phải chăng Vientiane cũng sẽ đi theo chiều hướng thắt chặt hơn nữa quan hệ với Bắc Kinh vừa được hai nước ASEAN khác là Philippines và Malaysia thể hiện gần đây.
Theo bộ Ngoại Giao Trung Quốc, được nhật báo Hồng Kông South China Morning Post trích dẫn, đây là lần đầu tiên mà ông Thongloun Sisoulith đi thăm Trung Quốc kể từ khi nhậm chức thủ tướng Lào tháng Tư vừa qua. Ngoài các cuộc tiếp xúc cấp cao tại Bắc Kinh, ông Thongloun cũng sẽ đến thăm tỉnh Hồ Nam.
Về chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Lào, giới quan sát đang theo dõi xem là ông Thongloun có nói gì thêm hay không về vấn đề Biển Đông hiện đang đối lập Trung Quốc với 4 thành viên ASEAN, đặc biệt là Việt Nam, một nước từ lâu nay thường được cho là rất có ảnh hưởng trên Lào.
Vào tháng 9 vừa qua, nhân hội nghị thượng đỉnh của khối ASEAN tại Vientiane, Lào cùng với Cam Bốt, bị cho là đã chiều theo ý của Trung Quốc để bác bỏ việc nhắc đến phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye trong bản tuyên bố chung của ASEAN.
Đối với giới phân tích, trong thời gian qua, Bắc Kinh đã vung tiền đầu tư ồ ạt vào Lào để lôi kéo quốc gia Đông Nam Á này vào trong quỹ đạo của mình. Theo thống kê của Trung Quốc, Bắc Kinh đã trở thành một những nhà đầu tư lớn nhất tại Lào, với tổng cộng 764 dự án trong các lĩnh vực khai thác mỏ, nông nghiệp, điện năng và du lịch.
Điểm đáng lưu ý là trong các dự án này, có đến 522 dự án là 100% vốn Trung Quốc, cho thấy mức độ lệ thuộc của Vientiane vào Bắc Kinh.
Tuy vậy, theo nhận định của giới phân tích, Lào vẫn cố gắng cân bằng quan hệ giữa các cường quốc, tránh quá lệ thuộc vào Trung Quốc, đặc biệt là với thủ tướng Thongloun, một người có chủ trương không giống với phó thủ tướng Somsavat Lengsavad, nổi tiếng là thân Bắc Kinh.
Trong bối cảnh hai thành viên ASEAN khác là Philippines và Malaysia vừa có biểu hiện xích lại gần Trung Quốc một cách rõ rệt, mọi người đang chờ xem Lào thể hiện ra sao nhân chuyến công du Bắc Kinh của thủ tướng Thongloun Sisoulith.

François Fillon thân Nga, Angela Merkel lo ngại

Viễn cảnh François Fillon đắc cử tổng thống Pháp gây ra nhiều lo lắng tại Berlin. Những chủ trương cải cách kinh tế bằng liều thuốc đắng của ứng cử viên cánh hữu Pháp thích hợp với Đức nhưng lập trường thân Nga của ông sẽ làm cho thủ tướng Angela Merkel không được an tâm, theo phân tích của chính khách và chuyên gia Đức.
Theo nhận định của AFP, tin cựu thủ tướng Pháp François Fillon loại đối thủ Alain Juppé trong vòng bầu chọn sơ bộ, thay mặt cánh hữu tranh ghế tổng thống 2017, đã làm cho Berlin vừa nhẹ nhõm, nhưng cũng vừa lo âu.
Thở phào vì Pháp là đồng minh số một của Đức trong Liên Hiệp Châu Âu trong bối cảnh khắp nơi phe dân túy co cụm và cực hữu bài ngoại trổi dậy. « Bất cứ nhân vật nào đắc cử tổng thống Pháp, trừ Marine Le Pen, chủ tịch Mặt Trận Quốc Gia, đều là tin vui đối với chính phủ Đức ». Người đưa ra nhận xét này là Stefani Weiss, nhà phân tích chính trị thuộc viện Bertelsmann.
Trong bối cảnh trên chính trường Pháp, đảng Xã Hội nói riêng và phe tả nói chung bị phân hóa trầm trọng, ông François Fillon, với tài năng lật ngược thế cờ, được chứng tỏ qua bầu cử sơ bộ, sẽ có nhiều xác suất vào điện Elysée trong năm tới.
Kinh tế : “Ja”
Những lời hứa cải cách kinh tế, quyết tâm giảm chi phí Nhà nước, nới lỏng luật lao động rất được nhiều bộ trưởng Đức tán dương. Nếu tại Pháp, giới kinh tế xem ông François Fillon là thủ tướng bảo thủ của Anh, Magaret Thatcher ( nhiệm kỳ 1979-1990) thứ hai, thì tại Đức ông được coi là « Gerhard Schroder ». Vị thủ tướng đảng Dân Chủ Xã Hội vào thập niên 2000 là người thực hiện những cải cách vực dậy kinh tế mất lòng dân và làm thành phần lao động Đức lâm hoàn cảnh nghèo khó tăng vọt.
Với nhận định này, chuyên gia Barbara Kunz, thuộc Ủy ban nghiên cứu quan hệ Pháp-Đức (Cerfa) cho rằng tuy không ai nói ra nhưng người Đức thích ông Alain Juppé hơn. Một lãnh đạo của đảng Dân Chủ Thiên Chúa Giáo lý giải : thị trưởng Bordeaux là người chừng mực, do vậy rất hợp ý với thủ tướng Angela Merkel.
Thân Putin : “Nein”
Trong quan hệ đối ngoại, chính sách thân Nga của François Fillon có nguy cơ gây phiền phức với Đức. Vì sao ông bị chỉ trích quá thân thiết, dễ dãi với tổng thống Nga Vladimir Putin ?
François Fillon tuyên bố, nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ thúc đẩy bỏ lệnh cấm vận nước Nga, được ban hành từ sau vụ Matxcơva lấy quần đảo Crimée của Ukraina. Vì nhu cầu diệt khủng bố Daech, ông ủng hộ Nga can thiệp quân sự hỗ trợ cho chế độ độc tài Bachar al Assad. Hai lập trường này đi ngược lại chính sách chung của Paris, Berlin và Liên Hiệp Châu Âu.
Thủ tướng Đức đang lo Hoa Kỳ đã có một nhân vật « muốn xích lại gần » Nga sắp vào Nhà Trắng, năm tới có thêm « một người bạn của Putin » ở điện Elysée thì làm cách nào duy trì đường lối cứng rắn đối với Matxcơva, nhân danh bảo vệ biên giới bất di bất dịch tại châu Âu. Vấn đề biên giới là nỗi ám ảnh của nước Đức do bài học máu xương, Hitler xâm lăng láng giềng, gây ra Thế Chiến Thứ Hai.
Theo nhận định của Norbert Rottgen, chủ tịch tiểu ban ngoại giao Quốc Hội Đức, thì chắc chắn có sự « khác biệt rất lớn » giữa ứng cử viên có cơ may làm tổng thống Pháp với thủ tướng Đức.
Sự khác biệt này rất quan trọng do không phải chỉ vì quyền lợi của Ukraina mà còn tác động đến số phận châu Âu : muốn đoàn kết thành một khối hay trở lại quá khứ với một phe bị ảnh hưởng Nga và một phe thuộc thế giới tự do ? Nếu không trừng phạt thì người Nga sẽ lầm tưởng rằng lý lẽ nằm trong tay kẻ mạnh.

Ấn Độ : Khủng hoảng giấy bạc, người dân xuống đường

Hàng chục ngàn người Ấn Độ đã xuống đường biểu tình vào hôm nay, 28/11/2016, theo lời kêu gọi của phe đối lập để phản đối quyết định của chính quyền ngày 09/11 vừa qua, cho thu hồi cgiấy bạc mệnh giá lớn, 500 và 1000 rupi. Thủ tướng Modi đã ra sức bảo vệ biện pháp mà theo ông sẽ giúp chống tham nhũng và rửa tiền. Đối lập Ấn Độ ngược lại đã chỉ trích một biện pháp vô trách nhiệm, không hiệu quả, làm tê liệt kinh tế và gây khó khăn cho dân chúng.
Thông tín viên RFI, Antoine Guinard tường thuật từ New Delhi :
« Một ngày phẫn nộ » : Đây là cụm từ mà đảng Quốc Đại, đảng đối lập chính ở Ấn Độ đã dùng để gọi các cuộc biểu tình tổ chức vào hôm nay khắp nơi trên đất Ấn. Nhiều cuộc tuần hành được dự kiến ở khu vực trung tâm thủ đô New Delhi, không xa trụ sở Quốc Hội.
Đảng BJP cầm quyền, ngược lại, trong mấy qua cũng đã tổ chức các buổi tập hợp để quảng bá lợi ích của biện pháp thu hồi tiền tệ, để chống lại phe đối lập có vẻ rất đoàn kết trong việc đối đầu với chính quyền.
Trong cuộc họp báo hôm qua (27/11), cựu bộ trưởng Môi Trường thuộc đảng Quốc Đại Jairam Ramesh đã cho rằng việc thu hồi không thông báo trước các tờ giấy 500 và 1000 rupi, là một mánh khóe chính trị, và chống tham nhũng chỉ là một cái cớ.
Chính phủ Ấn Độ tuần qua đã thông báo một loạt biện pháp hầu giảm khó khăn cho hàng triệu người dân bị thiếu hụt tiền mặt, nhưng lại tỏ ra rất lúng túng trong việc đối phó với tình hình.
Cuộc biểu tình hôm nay sẽ cho phép đánh giá phần nào cảm nhận của dân chúng, cho đến giờ vẫn không nghi kỵ đảng cầm quyền BJP.

Philippines vô hiệu hóa một quả bom đặt gần đại sứ quán Mỹ

Một quả bom tự chế đặt gần đại sứ quán Hoa Kỳ tại Manila đã kịp thời được vô hiệu hóa. Cảnh sát Philippines quy trách nhiệm « mưu toan khủng bố » này cho các nhóm chiến binh Hồi giáo cực đoan ở miền nam đảo quốc.
Trong thông cáo được AFP hôm nay 28/11/2016 trích dẫn, cảnh sát Philippines cho biết, thiết bị gây nổ được một người quét dọn tìm thấy trong thùng rác. Thiết bị bao gồm một điện thoại cầm tay, một kíp nổ, một bình điện 9 volt, một quả đạn cối 81mm và được một hành khách đi taxi đặt trong thùng rác. Sức công phá của thiết bị nổ này có thể giết chết hay làm bị thương nhiều người trong vòng bán kính 100m.
Cảnh sát trưởng, Ronald dela Rosa cho rằng kế hoạch khủng bố này có thể là do nhóm Hồi giáo cực đoan có tên gọi là Maute, thuộc phong trào Ansar Khilafa Philippines thực hiện hay từ một tổ chức khác ở miền nam và có tuyên thệ trung thành với Daech.
Cũng theo cảnh sát trưởng, « các chiến dịch trấn áp khủng bố của cảnh sát và quân đội ở miền nam đã gây cho họ nhiều thiệt hại ». Do đó, mưu toan khủng bố này có thể là « một hành động đánh lạc hướng » buộc cảnh sát và quân đội « nới lỏng vòng vây ». Ông Dela Rosa khẳng định rằng quả bom tự chế này cũng giống như thiết bị nổ trong vụ tấn công khủng bố đẫm máu tại Davao làm 15 người chết, dẫn đến việc tổng thống Rodrigo Duterte ban hành tình trạng khẩn cấp.
AFP nhắc lại, hôm thứ Năm 24/11/2016, quân đội Philippines tiến hành một chiến dịch quân sự đánh đuổi nhóm Hồi giáo cực đoan Maute ra khỏi một tòa thị chính và nhiều vị trí khác tại Butig, một vùng núi hẻo lánh với đa số dân chúng là người Hồi giáo nằm trên một đảo miền trung ở Mindanao.
Indonesia phá vỡ âm mưu khủng bố nhắm vào đại sứ quán Miến Điện
Cảnh sát Indonesia hôm qua 27/11/2016 thông báo bắt giữ ba người bị nghi ngờ có liên hệ đến tổ chức Nhà nước Hồi giáo Daech và có âm mưu tấn công khủng bố nhắm vào đại sứ quán Miến Điện tại Jakarta.
Theo phát ngôn viên cảnh sát, « những người này có ý định tấn công bằng bom nhắm vào Nghị viện, trụ sở cảnh sát, đại sứ quán Miến Điện và nhiều đài truyền hình khác ».
AFP nhận định sở dĩ có mưu toan tấn công nhắm vào đại sứ quán Miến Điện là do quân đội nước này đang tiến hành chiến dịch « thanh trừng sắc tộc » nhắm vào cộng đồng người Hồi giáo thiểu số Rohingya. Trong nhiều tuần gần đây, hàng ngàn người Rohingya buộc phải chạy sang Bangladesh lánh nạn. Nhiều nhân chứng tố cáo quân đội Miến Điện có hành động bạo lực : hãm hiếp tập thể, tra tấn, giết người và thảm sát nhắm vào cộng đồng người Rohingya.

Cái chết của Fidel Castro nêu bật

sự khác biệt hoàn toàn giữa Obama và Trump về Cuba

Cindy Saine
NHÀ TRẮNG —
Tổng thống Mỹ Barack Obama tự hào ca ngợi sự khởi đầu của mối quan hệ mới giữa Mỹ và Cuba sau 50 năm thù địch và phản ứng một cách ngoại giao đối với sự qua đời của cố Chủ tịch Fidel Castro với việc chia buồn tới gia đình của ông. Trong khi đó Tổng thống đắc cử Donald Trump đã chỉ trích các chính sách về Cuba của ông Obama và đã đưa ra một tuyên bố cứng rắn và gọi ông Fidel Castro là một nhà độc tài tàn ác. Những sự khác biệt trong giọng điệu có thể đã cho thấy một sự chuyển đổi lớn trong mối quan hệ giữa Washington và Havana.
Tổng thống Obama xem việc mở lại quan hệ của Mỹ với Cuba sau hơn 50 năm bất hòa cay đắng là một trong những thành tựu về chính sách ngoại giao đáng chú ý của ông. Ông đã tới thăm quốc đảo vùng Caribe này vào tháng 3 và trở thành tổng thống đương nhiệm đầu tiên của Mỹ đi thăm nước Cộng sản Cuba kể từ năm 1928.
Tổng thống Obama: “Tôi tới đây để vùi chôn đi những tàn tích cuối cùng của cuộc chiến tranh lạnh giữa các quốc gia châu Mỹ.”
Hai nước đã mở lại các đại sứ quán sau hơn 50 năm. Các tàu du lịch của Mỹ giờ đang cập bến Cuba và đã có các chuyến bay thường xuyên của các hãng hàng không Mỹ tới quốc đảo này. Nhưng cái chết của cựu chủ tịch 90 tuổi Fidel Castro và sự thắng cử của ông Donald Trump của đảng Cộng hòa đang dấy lên những câu hỏi về việc điều gì sẽ xảy ra đối với sự nồng ấm hơn trong mối quan hệ Mỹ-Cuba. Một cố vấn cấp cao của ông Trump, bà Kellyanne Conway, nói với chương trình This Week đài truyền hình ABC News hôm Chủ nhật rằng ông Trump sẵn sàng xem xét các khả năng có thể để thiết lập lại mối quan hệ của Mỹ với Cuba nhưng ông Trump sẽ yêu cầu một số nhượng bộ.
Bà Conway cho biết: “Nhưng chúng tôi giữ vững quan điểm về việc mở lại quan hệ ngoại giao, như Tổng thống Obama đã làm, với Cuba và Fidel Castro trong vài năm gần đây, mà không đổi lại được cái gì, từ vấn đề tù nhân chính trị, cho tới việc đảm bảo rằng người dân trên quốc đảo này phải được tự do về chính trị và kinh tế. Chính tôi đã gặp những người đó, các nạn nhân chịu sự đàn áp, tra tấn và giam cầm của ông Fidel Castro.”
Sự chuyển dịch trong chính sách của ông Obama đối với Havana cũng đã bị một số nhà lập pháp từ cả 2 đảng chính chỉ trích, bao gồm cả Thượng nghị sỹ Ted Cruz, người có cha là người gốc Cuba.
Thượng nghị sỹ Cruz nói: “Tôi rất hy vọng rằng chúng ta không nhìn thấy bất kỳ một quan chức chính phủ Mỹ nào tới dự lễ tang của Fidel Castro. Tôi hy vọng chúng ta không thấy ông Barack Obama và ông Joe Biden và bà Hillary Clinton và những người của đảng Dân chủ xếp hàng tiễn đưa một bạo chúa ác độc và một kẻ tàn sát.”
Nhà Trắng chưa loan báo ai sẽ đi dự lễ tang của cố Chủ tịch Cuba Fidel Castro vào ngày 4/12. Mặc dù chính sách ngoại giao tương lai của Mỹ đối với Havana vẫn chưa chắc chắn, ông Trump dường như sẽ đồng tình với tuyên bố của Tổng thống Obama rằng người dân Cuba phải biết rằng họ có một người bạn và một đối tác ở Hoa Kỳ.

Nhà thờ Hồi giáo ở California nhận thư đe dọa

Một tờ báo hàng đầu của Mỹ đưa tin là 3 nhà thờ Hồi giáo ở California đã nhận được thư đe dọa giống nhau. Thư có đoạn: “Giờ đây đã có lãnh đạo mới – đó là Tổng thống Donald Trump …”và tổng thống đắc cử “sẽ đối xử với các người giống những gì Hitler đã làm với người Do Thái”.
Tờ Los Angeles Times cho biết Hội đồng Quan hệ Mỹ-Hồi giáo, CAIR, đã đề nghị tăng cường cảnh sát bảo vệ tại các nhà thờ Hồi giáo địa phương sau khi bản photocopy của bức thư viết tay hồi tuần trước được gửi đến Trung tâm Hồi giáo Long Beach, Trung tâm Hồi giáo Claremont ở nam Cali và Trung tâm Hồi giáo Evergreen ở San Jose ở bắc Cali.
Theo Times, bức thư được gửi đến “những đứa con của quỷ Satan” và ký tên trong thư là “những người Mỹ vì một con đường cách tốt hơn”.
Tờ báo cho biết Hussam Ayloush, giám đốc điều hành của chi nhánh Los Angeles của CAIR, tin rằng “những lời lẽ vô trách nhiệm, có tính hận thù” trong cuộc tranh cử của ông Trump đã nuôi dưỡng cho “một mức độ thô tục, hận thù ghê tởm và tức giận trong số nhiều người tự nhận mình là người ủng hộ ông Trump”.

Ông Trump công kích bà Clinton

về mong muốn kiểm phiếu lại

Tổng thống đắc cử Donald Trump hôm Chủ nhật, 27/11, đã đả kích bà Hillary Clinton khi bà tham gia vào một nỗ lực nhằm kiểm phiếu lại ở 3 bang có số phiếu sít sao mà ông Trump đã giành thắng lợi. Ông nhắc lại lời bà đã nói trong một cuộc tranh luận giữa hai ông bà rằng người thua trong cuộc bầu cử cần phải chấp nhận kết quả ngay cả khi họ không thích nó.
Ông Trump đã gọi nỗ lực của ứng cử viên Jill Stein của Đảng Xanh nhằm kiểm phiếu lại ở Wisconsin, Michigan và Wisconsin là “trò lừa đảo” và chế giễu quyết định của bà Clinton tham gia vào nỗ lực này. Trong số hàng triệu phiếu bầu, ông Trump đã thắng bà Clinton ở cả 3 bang – với chênh lệch khoảng 27.000 phiếu bầu tại Wisconsin, 12.000 ở Michigan và 68.000 ở Pennsylvania – còn bà Stein nhận được khoảng 1% số phiếu ở mỗi bang.
Ông Trump viết trên Twitter: “Bà Hillary Clinton thừa nhận thất cử khi bà gọi điện cho tôi ngay trước bài phát biểu thắng cử và sau khi các kết quả được đưa ra. Sẽ không có thay đổi gì hết”.
Trong một tin Twitter khác, từ dinh thự ven biển Đại Tây Dương của ông ở Florida, ông Trump viết: “Các đảng viên Dân chủ, khi họ nghĩ một cách sai lầm là họ sẽ giành chiến thắng, họ đã đề nghị rằng kết quả của đêm bầu cử phải được chấp nhận. Giờ thì họ không như vậy nữa!”
Bộ máy vận động của bà Clinton đã không tung ra các nỗ lực đòi kiểm phiếu lại, họ tin rằng việc kiểm phiếu lại sẽ không đảo ngược kết quả. Nhưng hàng trăm người ủng hộ bà đã thúc giục bà tham gia vào nỗ lực của bà Stein ở Wisconsin, mà hiện đang diễn ra.

Tân Tổng Thư ký LHQ kêu gọi TQ tôn trọng nhân quyền

Hôm thứ Hai, trong chuyến thăm Trung Quốc, tân Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phát biểu rằng cần đảm bảo có một sự “kết hợp hiệu quả” các quyền con người, quyền tham gia hoạt động xã hội dân sự, và hoạt động kinh tế trong một thế giới mà hiện nhiều quyền không được tôn trọng.”
Kể từ khi Chủ tịch Tập Cận Bình lên nắm quyền, giới lãnh đạo Trung Quốc tăng cường trấn áp các nhà bất đồng chính kiến, bao gồm bắt giữ và bỏ tù hàng chục luật sư nhân quyền mà chính phủ cho rằng họ là đối tượng chính của các vụ vi phạm hình sự.
Hồi tháng 7, Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon cũng đã kêu gọi Trung Quốc tôn trọng xã hội dân sự.
Trung Quốc thường xuyên phản đối các cơ quan và đại diện của LHQ về các vấn đề nhân quyền. Hồi tháng trước, Trung Quốc giận dữ khi người đứng đầu cơ quan nhân quyền LHQ phát biểu tại một buổi lễ trao giải thưởng cho một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, người đã chịu án tù chung thân cách đây 2 năm.
Ông Guterres phát biểu với báo giới, cùng với sự có mặt của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị, rằng Liên Hiệp Quốc phải đảm bảo các nguyên tắc phải được tuân thủ, dù không nêu đích danh Trung Quốc.
Ông nói: “Trong một thế giới bị chia cắt bởi chiến tranh, thì một LHQ phải có sứ mệnh xúc tiến các hoạt động ngoại giao để mang lại hòa bình.”
Ông nói tiếp: “Không thể trong một thế giới mà rất nhiều quyền không được tôn trọng; phải đảm bảo có một sự kết hợp hiệu quả và cân đối các quyền con người – đó là quyền dân sự và chính trị, quyền tham gia hoạt động xã hội và kinh tế.”
Trong phát biểu của mình, ông Vương Nghị không nêu lên vấn đề nhân quyền. Ông nói rằng ông Guterres sẽ là một tổng thư ký “tuyệt vời” và rằng thế giới hẳn đã rất kỳ vọng vào LHQ. Ông Vương nói: “LHQ là một diễn đàn hiệu quả trong việc ứng phó với các thử thách toàn cầu, và là một định chế trung tâm tập hợp các nỗ lực quốc tế nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu.”
Ông Vương nói: “Trung Quốc có thể đóng vai trò trung gian quan trọng và rất chân thành, sẽ nỗ lực đưa các nước xung đột hòa hợp lại với nhau.”

TQ quan ngại

việc Philippines bắt giữ hơn 1.000 công dân TQ

Hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Bắc Kinh lo ngại việc Philippines bắt giữ hơn một nghìn người Trung Quốc do đánh bạc trực tuyến, và việc bắt giữ này có thể làm tổn hại đến mối quan hệ đang ấm lên giữa hai nước trong vài tháng gần đây.
Tuần qua, cơ quan di trú Philippines đã bắt giữ khoảng 1.200 người Trung Quốc làm việc tại các cơ sở tựa như tổng đài điện thoại, do bị tình nghi vận hành các đường dây đánh bạc trực tuyến, đặt gần căn cứ không quân Clark Field của Mỹ trước đây.
Đây là đợt bắt giữ người Trung Quốc lớn nhất từ trước đến nay ở Philippines, nhiều người trong số này được cho là làm việc ở đó bất hợp pháp.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói rằng Trung Quốc đã yêu cầu Philippines phải dàn xếp hợp lý đối với những người bị bắt giữ, và nhanh chóng trả tự do cho những cá nhân “có giấy tờ hợp lệ.”
Ông Cảnh nói trong một cuộc họp báo thường kỳ: “Trung Quốc quan ngại vì Philippines bắt giữ một số lượng rất đông người Trung Quốc” và cho biết thêm rằng Trung Quốc luôn nhắc nhở công dân nước này phải tuân thủ luật lệ nước sở tại khi đi ra nước ngoài.
Không rõ các công dân Trung Quốc bị bắt giữ do phạm tội đánh bạc hay do vi phạm qui định thị thực nhập cảnh, nhưng cảnh sát Philippines cho biết có đến 900 người đang bị trung tâm quản lý xuất nhập cảnh ở Manila tạm giữ.
Đánh bạc trực tuyến không phải là hoạt động phi pháp ở Philippines, nhưng phải được cấp phép và hành nghề theo đúng khu vực cho phép.

Ông Paul Nuttall được bầu làm lãnh đạo đảng UKIP

Nghị sĩ Quốc hội Châu Âu 39 tuổi, người đã làm phó lãnh đạo đảng này trong sáu năm, giành được 62.6% sự ủng hộ của các đảng viên.
Ông hứa sẽ “làm nước Anh là một cường quốc trở lại” (“put the great back into Britain”) và bắt chính phủ phải “cho chúng ta một Brexit thực sự”.
Ông Nuttall đánh bại cựu lãnh đạo UKIP khác, bà Suzanne Evans và cựu chiến binh John Rees-Evans.
Đây là lần thứ hai UKIP có cuộc bầu cử lãnh đạo trong năm nay. Trong lần bầu cử trước, bà Diane James thắng cử và từ chức chỉ 18 ngày sau khi đảm nhận vị trí này.
Trong bài diễn văn nhậm chức, Ông Nuttall, một cựu giảng viên sử học đã từng chơi đá bóng cho đội Tranmere Rovers khi còn nhỏ, nói: “Đất nước này cần một đảng UKIP vững mạnh hơn bao giờ hết. Nếu UKIP trở thành một thế lực tranh cử, sẽ có lực đẩy bà Theresa May và chính phủ của bà để cho chúng ta một Brexit thực sự.”
Ông nói thêm: “Tôi muốn thay thế đảng Lao động và làm UKIP trở thành tiếng nói yêu nước của những người lao động.”
Trả lời phỏng vấn trên chương trình Daily Politics của BBC Two, ông Nuttall nói đảng UKIP sẽ “nói tiếng nói của những người lao động …chúng tôi sẽ chuyển vào những vùng Đảng Lao động đã bỏ rơi”. Ông nói lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn, John McDonnell và Diane Abbott là những người nằm trong “nhóm ở Islington ở Bắc London”.
Ông nói: “Chúng tôi sẽ tập trung vào các vấn đề thực sự quan trọng cho những người ở tầng lớp lao động: đó là nhập cư, tội phạm, quốc phòng, viện trợ quốc tế, để đảm bảo người dân Anh khi đi xin việc sẽ được xem xét trước”.
Ông Nuttall, sinh tại Bootle, Merseyside và đã làm phó lãnh đạo UKIP từ 2010 đến tháng 9 năm nay, giành được 9,622 votes. Bà Evans đứng thứ hai với 2.973 phiếu (19.3%) và ông Rees-Evans đứng thứ ba với 2.775 phiếu (18.1%).
Norman Smith, biên tập viên chính trị của BBC:
Đây là một chiến thắng đáng kể cho Paul Nuttall. Ông đã vận động các đảng viên UKIP ông là người duy nhất có khả năng đoàn kết đảng và hàn gắn chia rẽ. Giờ đây chiến thắng áp đảo của ông cho ông cương vị để làm điều đó.
Chủ trương của ông khác với Nigel Farage, người tập trung vào vận động những người ủng hộ đảng Bảo thủ. Ông Nuttall muốn UKIP trở thành tiếng nói đích thực của giai cấp lao động bằng việc bàn thảo các vấn đề mà đảng Lao động khó tiếp cận với cử tri.
Không phải ngẫu nhiên mà ông giành một đoạn dài trong bài phát biểu của mình để chỉ trích Jeremy Corbyn và đồng minh của ông này. Đánh bại đảng Lao động ở miền Bắc nước Anh sẽ là một thử thách lớn – và chúng ta sẽ xem chiến lược này có được sự đồng thuận của phe cánh hữu trong đảng UKIP không, nhưng điều đó không phải là không thể làm được, như đảng Quốc gia Scotland (SNP) đã từng làm ở Scotland.
Nhưng trước tiên ông ta phải đối đầu với những xung khắc cá nhân và bất đồng ý kiến nghiêm trọng trong đảng này. Ít ra ông cũng được an ủi là ông Farage nhất mực sẽ không làm giật dây từ đằng sau.
UKIP đã gặp nhiều sóng gió vì bất đồng giữa các lãnh đạo đảng trong suốt mùa hè, và kết quả là một số người đã rời đảng.
Nhưng ông Nuttall, một nghị sĩ Quốc hội Châu Âu cho Tây Bắc nước Anh, đã nói, dưới sự lãnh đạo của mình “sẽ chỉ có một tôn chỉ – đó là đoàn kết – vì chỉ có đoàn kết mới mang đến thành công”.
Động thái đầu tiên của ông Nuttall với tư cách lãnh đạo UKIP là bổ nhiệm ông Peter Whittle, nghị sĩ vùng London làm phó cho ông. Ông cũng mời ông Farage làm đồng chủ tịch danh dự của UKIP.
Ông Paul Oakden sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch đảng, còn nghị sĩ Quốc hội Châu Âu, ông Patrick O’Flynn – một đồng minh thân cận của bà Suzanne Evans, đối thủ tranh chức lãnh đạo đảng – sẽ làm trưởng cố vấn chính trị.
Ông Douglas Carswell, nghị sĩ Anh quốc duy nhất của UKIP, viết trên Twitter: “Rất vui và phấn khởi vì lãnh đạo mới của UKIP Paul Nuttall thắng cử- định hướng chiến lược mới rõ ràng!”.
Nhưng ông Jon Trickett MP, điều phối viên chiến dịch quốc gia của đảng Lao động, nói ông Nuttall ủng hộ tư nhân hóa Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). “Mỗi phiếu bầu cho UKIP là một phiếu bầu chống lại dịch vụ y tế quốc gia”.
Lãnh đạo đảng Dân chủ cộng hòa Tim Farron dự đoàn ông Farage sẽ “quay trở lại vị trí lãnh đạo đảng này vài tuần sau khi nạp năng lượng ở Mỹ. UKIP không đại diện cho nước Anh và quan điểm chính trị gây chia rẽ của họ là mối đe dọa lên bản chất và sự hòa đồng của xã hội chúng ta.”, ông nói thêm.
Phát biểu trước khi có công bố ông Nuttall lên chức lãnh đạo đảng, ông Farage nói ông có “cảm giác đã từng trải qua” vì đảng vừa này có cuộc bầu cử lãnh đạo hồi tháng Chín.
UKIP đã chuyển “tâm điểm trọng lực chính trị” ở Anh và đã trở thành nguồn cảm hứng không những cho những người nghi ngại EU trên khắp châu Âu mà còn cho chiến dịch tranh cử tổng thống thành công của ông Donald Trump ở Mỹ.

Quân chính phủ Syria chiếm lại một phần Aleppo

Các lực lượng chính phủ Syria đã chiếm được một phần quan trọng ở đông Aleppo, chia cắt phần lãnh thổ do phiến quân kiểm soát.
Cả truyền hình nhà nước và nhóm quan sát tình hình nhân quyền Syria, Syrian Observatory for Human Rights, nói rằng quận Sakhour đã thuộc về quân đội Syria.
Quân đội Syria và các đồng minh đã có chiến dịch lớn nhằm lấy lại quyền kiểm soát Aleppo trong tháng Chín.
Hàng ngàn dân thường bỏ chạy khỏi các quận ở đông Aleppo, nơi do phiến quân kiểm soát, sau một kỳ cuối tuần giao tranh ác liệt.
Hàng trăm gia đình cũng phải rời bỏ nhà cửa trong khu vực bị vây hãm.
Lấy lại được toàn bộ Aleppo, thành phố lớn thứ nhì của Syria, là mục tiêu then chốt của chính phủ Syria trong cuộc chiến chống lại các phiến quân.
Hiện rất khó để biết chính xác là những gì xảy ra bên trong khu vực đông Aleppo đang bị bao vây, nhưng một số quận chủ chốt đã bị quân chính phủ chiếm lại, khiến cho gần như chỉ còn một phần rất nhỏ ở phía bắc là còn thuộc kiểm soát của phiến quân.
Scott Craig, phát ngôn viên của Trưởng Cao ủy Liên hiệp quốc về Người tị nạn ở Syria, nói với BBC rằng có 250.000 người cần được trợ giúp tại đông Aleppo, trong đó có 100.000 trẻ em. Nguồn thực phẩm được cung ứng nay đã hết, ông nói.
“Tình thế ở đông Aleppo hầu như là đã vượt quá sức tưởng tượng của chúng ta, những người không có mặt tại đó,” ông Craig nói.
Ông nói chừng 2.000 dân thường đã bỏ chạy khỏi cuộc giao tranh.
Truyền hình quốc gia dẫn một nguồn quân sự Syria nói các lực lượng chính phủ “đang tiếp tục tiến vào các khu quận phía đông của Aleppo”.
“Các kỹ sư của chúng tôi đang tháo gỡ các thiết bị nổ và các trái mìn,” ông nói thêm.
Rami Abdulrahman, giám đốc của tổ chức Syrian Observatory for Human Rights đóng tại Anh, nói với Reuters rằng cuộc tiến quân gần đây của quân chính phủ đã khiến phe đối lập đã mất hơn một phần ba diện tích trước đây họ vẫn kiểm soát.
Đông Aleppo đã bị các phe phái phiến quân chống đối Tổng thống Bashar al-Assad chiếm giữ trong bốn năm qua.
Hồi năm ngoái, binh lính Syria đã phá vỡ thế bế tắc nhờ sự trợ giúp của các lực lượng dân quân do Iran hậu thuẫn, và nhờ các cuộc không kích của Nga.
Nga nói không lực của họ vẫn hoạt động tại các nơi khác ở Syria, nhưng không gồm Aleppo.
Các nhóm người Kurd vốn chiếm khu vực Sheikh Maqsoud của Aleppo đã cung cấp những hình ảnh cho thấy người dân bỏ chạy từ các khu vực do phiến quân nắm giữ sang khu quận do người Kurd kiểm soát.

Nam Hàn: Cả triệu người biểu tình

đòi Tổng thống Park Geun-hye từ chức

Không khí chính trị tại Nam Hàn mỗi ngày một trở nên nặng nề hơn, sau cuộc biểu tình diễn ra hôm thứ Bảy vừa rồi với cả triệu người tham dự đòi bà Tổng thống Park Geun-hye phải từ chức.
Tin từ Seoul cũng cho hay trong tuần này, phe đối lập tại quốc hội sẽ bắt đầu thủ tục bỏ phiếu bãi nhiệm bà tổng thống Park. Hiện chưa rõ thủ tục này kéo dài bao lâu, và liệu bà Park có phải từ chức hay không.
Cũng theo tin từ Seoul, ngày mai phía công tố muốn gặp bà Park, yêu cầu bà trả lời một số câu hỏi liên quan đến cáo buộc cho rằng bà đã để yên cho một người bạn thân và những nhân viên dưới quyền thao túng, lợi dụng chức vụ và sự quen biết để làm lợi riêng.
Bà Park từng hứa sẽ cộng tác chặt chẽ với nhân viên điều tra, nhưng chiều hôm nay, luật sư đại diện cho bà thông báo vì có những biến chuyển quan trọng xảy ra, nên bà không thể gặp các công tố viên.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?