Việt Nam duy trì mức phạt 2 tỉ đồng trong lĩnh vực môi trường

Monday, November 28, 2016 
An Tôn 
Theo VOA 




Chính phủ Việt Nam tiếp tục duy trì mức phạt tối đa 2 tỉ đồng đối với các hành vi gây hại cho môi trường.

Nghị định 155/2016 được ban hành hôm 18/11 quy định rằng cá nhân gây ô nhiễm môi trường có thể bị phạt tối đa là 1 tỉ đồng, mức phạt tối đa đối với tổ chức vi phạm là 2 tỉ đồng (khoảng 90.000 đôla Mỹ).

Với tên đầy đủ là Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, Nghị định sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2017 và thay thế một nghị định ban hành hồi năm 2013.

Mức phạt cao nhất được áp dụng cho hành vi đổ chất thải nguy hại, chất thải có chứa chất phóng xạ xuống vùng biển. Người vi phạm bị phạt tiền từ 500 triệu đến 1 tỉ đồng.

Các mức phạt cao khác là từ 300.000 đến 1 tỉ đồng đối với cá nhân vi phạm các quy định về xả nước thải độc hại vào môi trường; bị phạt từ 10 triệu đến 1 tỉ đồng khi cá nhân vi phạm các quy định về thải bụi, khí thải gây nguy hại vào môi trường. Với cùng hành vi, tổ chức vi phạm sẽ chịu mức phạt gấp đôi so với cá nhân.

Sau khi báo chí Việt Nam đưa tin về nghị định mới, một số người đã bày tỏ lo ngại trong mục ý kiến độc giả rằng mức phạt như vậy có thể là thấp, không tương xứng với mức độ thiệt hại xảy ra.

Giáo sư Đặng Hùng Võ, cựu Thứ trưởng Tài nguyên và Môi trường, nói với VOA rằng bên cạnh mức phạt tiền, nghị định còn có các quy định về khắc phục hậu quả hoặc khôi phục môi trường về tình trạng ban đầu. Ông cho rằng những điều đó mới thật sự quan trọng:

“Ở Việt Nam vẫn quen xây dựng mức phạt vi phạm hành chính ở dưới dạng là mức phạt tiền, thì không phải là quan trọng. Mà cái yêu cầu phải lập lại tình trạng trước khi xảy ra hành vi vi phạm thì điều đó là quan trọng hơn, thì đây là cách tiếp cận của Việt Nam. Luôn luôn vẫn có những hình phạt người ta gọi là hình phạt bổ sung, nhưng sự thật đấy là hình phạt chính, tức là phải khôi phục lại tình trạng trước khi xảy ra cái hành vi bị xử phạt”.

Giáo sư Võ cũng lưu ý rằng nghị định này đặt ra các mức phạt hành chính đối với các vi phạm chưa đến mức có “trách nhiệm hình sự”. Trong trường hợp sự vi phạm có tính hệ thống, gây hại nghiêm trọng trên quy mô lớn, ông nói hành vi như vậy sẽ bị xử lý theo luật hình sự với các hình phạt cao hơn nhiều.

Bày tỏ ý kiến trên Internet, nhiều người Việt Nam lo ngại rằng tuy các quy định pháp luật yêu cầu những người gây hại cho môi trường phải khắc phục hậu quả bên cạnh việc nộp phạt, song do việc thực thi lỏng lẻo nên những người vi phạm chỉ nộp phạt xong là thoát trách nhiệm. Ông Võ, cựu quan chức môi trường Việt Nam đồng ý với sự lo lắng này:

“Trên thực tế, sự thực mà nói là cái chi phí cho việc khôi phục môi trường là cái chi phí nặng hơn, và đồng thời nó mới thể hiện đó là bản chất của vấn đề. Thế nhưng mà trên thực tế thì ngay những nhà lãnh đạo cao cấp của Việt Nam cũng nói là cái khoảng cách giữa thực thi pháp luật và quy định pháp luật của Việt Nam là quá xa. Nó cũng thể hiện cái yếu kém của chính quyền địa phương. Nó cũng thể hiện là ở Việt Nam thì cái mối quan hệ rất là quan trọng trong việc thực thi pháp luật. Chính vì vậy những lo lắng tôi hoàn toàn thông cảm, tôi hoàn toàn đồng ý. Nếu chúng ta tích cực áp dụng thể chế quản trị, tức là sự tham gia giám sát của người dân, lúc đó hy vọng rằng khả năng thực thi pháp luật sẽ tốt hơn rất nhiều”.

Hồi tháng 4 năm nay, một nhà máy đặt tại Hà Tĩnh thuộc tập đoàn Formosa của Đài Loan đã xả chất thải trái phép gây ra thảm họa môi trường biển. Không có thông tin trên báo chí về việc nhà chức trách Việt Nam xử phạt hành chính hay hình sự như thế nào đối với nhà máy.

Hãng Formosa hồi cuối tháng 6 đã nhận trách nhiệm về thảm họa và chấp nhận bồi thường 500 triệu đôla cho chính phủ Việt Nam để khắc phục hậu quả.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Xứ Sở Hận Thù

Tại sao cả thế giới phải dõi theo Cục dự trữ liên bang Mỹ ngày hôm nay?